What's new

Lệ Giang...hồi đó

Tôi thuật lại ở đây chuyến đi Lệ Giang của mình độ cuối năm 2007, chuyến du lịch tự túc ra nước ngoài hoành tráng nhất của chúng tôi tính đến thời điểm đó. Hoành tráng về kinh phí, về độ dài ngày của chuyến đi, về quãng đường đã đi qua và cả hoành tráng về...độ liều nữa!

Chuyến đi đã lâu, địa điểm đã trở thành "cũ" trong diễn đàn nên cũng không có ý định cung cấp thông tin hướng dẫn cho các bạn có ý định tìm hiểu cung đường này.

Chỉ đơn giản, đối với tôi, để phủi bụi cho "hồi ức" của mình về chuyến đi ấy, khi mà bạn đồng hành nay đã không còn chung bước. Dẫu sao, ký ức vẫn còn sống mãi...
 
Ngày 27/11/2007

Lên đường


Cả một ngày bồn chồn và loay hoay, cố gắng thu xếp hoàn tất công việc để bàn giao cho mọi người trước khi nghỉ phép. Cuối cùng tôi cũng kịp ra sân bay sát giờ dự định với sự trợ giúp của đứa em yêu vấu. Hành lý mang theo là một pack 40 (+10) cũ mua tại khu phố Phạm Ngũ Lão và một ba lô 30 thường dùng, gồm có quần áo cho mấy ngày đường, đồ ấm, thức ăn khô, ngân lượng, máy ảnh và phụ kiện, và một số tài liệu cần thiết (lonely planet, một quyển đàm thoại tiếng Hoa, một tờ giấy soạn sẵn những câu nói thông dụng và một xấp giấy in đầy những kinh nghiệm góp nhặt từ những đoàn bạn đi trước). Máy bay khởi hành trễ 30 phút. Ngồi trong phòng đợi, ngắm nhìn mọi người cùng chuyến bay, những suy nghĩ vẩn vơ lại xuất hiện trong tôi. Chuyến đi này, không biết điều gì đang chờ đợi chúng tôi, và cho riêng tôi, phía trước.

Không giống như chuyến đi bụi sang đất nước Chùa Tháp hồi đầu năm, nơi không quá khó khăn để giao tiếp bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, và cũng không quá xa quê nhà về mặt địa lý, lần đi này của chúng tôi hướng đến một đất nước cũng láng giềng nhưng lớn hơn tổ quốc gấp nhiều lần, ít ra là về mặt diện tích và dân số. Trung Quốc, đất nước của những triều đại lừng lẫy, những kiệt tác văn hóa nghệ thuật rực rỡ, những thắng cảnh lay động lòng người. Trung Quốc, hiện lên trong tôi, còn là chuỗi ký ức từ những ngày ra rả đọc bài về các cuộc xâm lăng đô hộ, về những chiến công lừng lẫy của cha ông; từ những cuộc phiêu lưu của thầy trò Đường Tăng, của ba anh em “vườn đào kết nghĩa”, của 108 vị anh hùng thảo khấu; thảng hoặc cũng từ những điệu múa thướt tha hay những khúc dân ca da diết bắt gặp đâu đó trên tivi hay đài phát thanh. Thuở bé, tôi chỉ cảm thấy thích thú khi cùng đám bạn múa may bắt chước “Tề Thiên, Chu Bắt Dế” và rộn ràng gọi nhau mỗi khi nghe tiếng nhạc hiệu quen thuộc của bộ phim Tây Du Ký; lớn lên một chút, tôi thường mê mẩn ngắm nhìn các bức tranh thủy mặc mỗi lần có dịp xem triển lãm và hay tưởng tượng đến lúc mình được đến tận nơi để trông thấy khung cảnh đúng như những gì mà các họa sĩ đã vẽ. Nhưng chỉ có thế ...

Cho đến khi tôi biết đến ttvnol (www.ttvnol.com) và couchsurfing (www.couchsurfing.com); những bài viết chia sẻ sau những chuyến đi và những loạt hình tràn đầy cảm xúc của các bạn đã thổi bùng ngọn lửa phiêu lưu luôn âm ỉ trong chúng tôi. Cùng với Trang, người bạn đường luôn gắn bó _ như một chất xúc tác kỳ diệu, chúng tôi đã và đang khởi động cho những chuyến đi của cuộc đời mình.
Bắt đầu là Campuchia, lang thang từ Nha Trang lên Daklak, rồi rong ruổi ngựa sắt ra Mũi Né, và bây giờ là Vân Nam.

Vân Nam _ một tỉnh nằm phía Tây Nam của Trung Quốc, giáp với tỉnh biên giới Lào Cai ta, Đông giáp Quảng Tây, Bắc giáp Tứ Xuyên, Tây Bắc giáp Tây Tạng. Vùng đất này cũng chính là nơi xuất phát của hai con sông lớn chảy vào Việt Nam là sông Hồng và sông Đà. Mong ước được cùng nhau đặt chân lên những phiến đá cổ lát đường tại Lệ Giang, được nhìn ngắm dòng xoáy dũng mãnh tại Khe Hổ Nhảy, được lênh khênh yên ngựa chinh phục tuyết sơn, càng thôi thúc bước chân của chúng tôi lên đường, mặc những nỗi lo vì sự cách biệt ngôn ngữ, vì chặng đường xa xôi phải trải qua và vì cả tiết trời lạnh giá mùa đông.

“Whenever starting any journey, your heart and your mind must be on the same way, and the same direction…”

Chuyến bay giá rẻ rung lên xòng xọc khi đi qua vùng đệm không khí xấu. Một nhóm khách Tây Âu rất ồn ào tán gẫu, cười đùa và uống rượu, khác hẳn với những hành khách châu Á khác đang lim dim trong giấc ngủ chập chờn. Dường như đối với họ, ngủ trên đường đi du lịch là một điều lãng phí.
Sau hơn một tiếng chờ đợi và thưởng thức cái lạnh miền Bắc, quả thật lạ lẫm với một tên Sài Gòn suốt ngày quần cộc áo phông, đêm đầu tiên của chúng tôi trôi qua khá ấm áp tại căn nhà rất nhỏ của một người chị họ nằm sâu trong một ngõ nhỏ, phố nhỏ ở quận Hoàng Mai.

Ngày mai là gì nhỉ…
 
Ngày 28/11/2007

Một ngày ở Thủ đô


Buổi sáng thưởng thức món mì gói nấu thịt bò, tôi xung phong thái tảng thịt bò đông cứng, lạnh buốt tay. Vào những ngày này, tắm là một điều dũng cảm.

Đón xe buýt lên trung tâm thành phố. Đường sá cũng bụi bặm và ô nhiễm y như trong Sài Gòn. Chúng tôi không mấy thiện cảm với cánh xe ôm ở đây (các bác ý rất ít khi giúp đỡ khi chúng tôi hỏi đường, mà chỉ chăm chăm đề nghị làm một cuốc xe, trong khi người đi đường thì rất nhiệt tình chỉ dẫn), nhưng lại rất thích văn hóa đi xe buýt của thủ đô _ trẻ nhường già, nam nhường nữ, rất tự nhiên và thoải mái. Gặp một bác lớn tuổi cực vui tính trên xe buýt, chúng tôi theo đuôi bác xuống bến để tìm đường ra ga Hà Nội và gửi đồ tại cơ quan của người chị gần đấy.

Cả một ngày lang thang khu phố cổ. Từ rất lâu, hầu hết các con phố mang tên Hàng này Hàng nọ đã không còn giữ được mặt hàng buôn bán truyền thống theo bạn theo phường đặc trưng đã tạo nên tên phố nữa; tuy vậy, được rong ruổi giữa những con phố nhỏ trong tiết trời lạnh đầu đông vẫn có cái thú vị riêng của nó, cộng với niềm háo hức cho chuyến đi dài trước mắt, bứt mình khỏi những quay cuồng công việc hằng ngày _ cảm giác thật là sảng khoái. Đường phố ở Hà Nội khá mát mẻ, có nhiều cây xanh hơn trong này, lại có những hồ lớn trong lòng thành phố. Xích lô ở đây thấp, nên người đạp xe trông cũng có vẻ nhàn tản hơn. Đất chật người đông, nhà cửa san sát, và sâu hun hút. Một độ sâu thật đáng ngạc nhiên, hết ngõ đến ngách, vào đến tận cùng lại thấy mở ra những ngả rẽ khác. Ngoài kia, những gánh cam đỏ, bưởi xanh, mấy chiếc xe đạp bán những thức quà nhẹ, vài thúng hoa tươi đặt nơi góc đường đang tạo nên cái vẻ đáng yêu âm ỉ cho phố phường Hà Nội. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng việc cấm các gánh hàng rong là một trong những giải pháp tốt nhất mà người ta có thể nghĩ ra để gây tổn hại cho du lịch địa phương.

Tìm kiếm những điểm khác biệt trong ngôn ngữ hai miền trên những tấm bảng hiệu cũng đem lại một niềm thích thú riêng, ví như mía đá (nước mía), là hơi (giặt ủi), ngõ ngách (hẻm, suyệc), hay những tấm biển hàng ăn với dòng chữ “phở, bún, miến, cháo” rất đặc trưng cho miền Bắc. Bún chả Hàng Mành không hợp khẩu vị như Bún Chả Hà Nội trong Sài Gòn.

Quá trưa, chúng tôi ghé thăm Tràng Tiền Plaza, loay hoay thế nào lại bị thất lạc mất túi xách trong đấy. Không còn hộ chiếu, không còn máy ảnh, không vé tàu và máy bay. Những nỗ lực tìm kiếm, với sự giúp đỡ có chừng mực của đội ngũ bảo vệ, đều không đem lại kết quả gì ngoài những cái lắc đầu và ánh mắt ái ngại. Tìm đến công an phường Tràng Tiền để trình báo. Tại đây, lần đầu tiên trong đời chúng tôi được dạy dỗ thế nào là “bất cẩn để thất lạc tư trang là gây phiền hà cho cơ quan có thẩm quyền” (thế khi chúng tôi đóng thuế, các ông có thấy phiền không !?!). Mọi kế hoạch ban đầu thế là sụp đổ, chúng tôi quyết định chuyển hướng hành trình đi thăm thú Sapa và leo Fansipăng. Lên Hà Trung đổi lại tiền Việt, ra ga tìm mua vé tàu lên Lào Cai. Nói thì nhanh, làm lại không dễ đến thế :)

Ngồi đợi giờ tàu chạy trong căn phòng ấm cúng đối diện ga Hà Nội, trong lòng vẫn không ngăn được nỗi nuối tiếc thoáng qua. Còn 1h45’ đến giờ khởi hành, chúng tôi nhận được điện báo đã tìm thấy túi xách. Tức tốc, tức tốc, Trang đi cùng chị Huệ. Phải kìm mình để không nhảy cẫng lên, tôi chỉ biết guồng chân quanh quẩn và thấp thỏm chờ tin, tự dặn mình chớ mừng vội mà mấy ngón tay cứ chốc chốc lại lăm lăm bấm số điện thoại cầm tay. Chỉ nhận lại được hộ chiếu và vé máy bay, nhưng như thế cũng đã là quá đủ để không phải bỏ dở hành trình đã định. Mới thấy _ đôi khi, ánh sáng lại xuất hiện trong hầm tối ở những khúc quanh bất ngờ nhất.

Đi giữa những toa tàu dưới ánh sáng vàng vọt của dãy đèn đường, trong màn sương mờ, tôi như thấy mình đang đứng đâu đó trên nhà ga số 93/4 vậy. Chuyến tàu này liệu rồi có đưa chúng tôi đến một vùng đất lạ lùng đầy phép thuật nào đó như câu chuyện của cậu bé Harry!?!

Liên lạc cuối cùng nhận được trong ngày là lời nhắn nhủ “nhớ mua quà cho tao” của hai vợ chồng đứa bạn thân (rõ là “vợ chồng bọ xít”). Trang đã thiếp đi vì mệt, phần tôi cũng bã người vì những cung bậc cảm xúc đan chéo trong ngày. Chìm vào trong giấc ngủ vẫn là câu hỏi ấy…
 
DSCF1579.jpg

Bên Hồ Gươm...

DSCF1580.jpg

góc xưa sẽ trọn vẹn hơn nếu không có những cái ba lô sặc sỡ...

DSCF1585.jpg

Tháp Bút, bạn tôi cầu việc học mà vẫn chưa ứng nghiệm :)

DSCF1589.jpg

góc riêng

DSCF1591.jpg

nhằng nhịt...dây

DSCF1603.jpg

ngõ ngách sâu hun hút

DSCF1613.jpg

và san sát nhà cửa...có khoảng trống nào cho trời xanh như trong tuổi thơ tôi...
 
Hàng rong và quán vỉa hè, những nét duyên ngầm của phố thị...

DSCF1594.jpg

những gánh cam đỏ bưởi xanh, thúng hoa tươi đẫm sương và mồ hôi nhọc nhằn khuya sớm...

DSCF1597.jpg

ai mua bánh nào...còi xe đã át đi bao tiếng rao trong ký ức

DSCF1598.jpg

tào phớ đêêêêê.....

DSCF1609.jpg

quán nhỏ, tôi thích lê la nơi đây hơn ngồi Starbuck...thật lòng đấy!

DSCF1611.jpg

cà phê

DSCF1614.jpg

charm

DSCF1616.jpg

đôi khi tôi tự hỏi, liệu một hai chục năm nữa khi tóc đã điểm sương, liệu tôi có bật khóc khi nhìn lại những nét thương nhớ này của thủ đô. mà đâu chỉ riêng ở Hà Nội...
 
Ngày 29/11/2007

Đường đi Côn Minh


Đi tàu nằm tầng ba thật là bất tiện, chẳng thể nào ngồi thẳng người lên được, ăn uống hay đọc sách đều phải thực hiện trong tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc nằm bẹp hẳn xuống giường.

Hơn 6h, tàu dừng tại ga Lào Cai. Bắt đầu rồi đấy, những nỗi lo trước chuyến đi xa ngày càng gần hiện thực hơn, nào là đổi tiền ở đâu, đón xe lên cửa khẩu thế nào, có bị kẹt lại ở hải quan không… Nhưng càng về sau mới nghiệm thấy, đừng luôn e sợ, cứ đi đi, khắc sẽ có đường, và sẽ rất tốt khi bên mình có một người bạn đường đáng tin cậy để sẻ chia tất cả những trải nghiệm của chuyến hành trình.

Sương mù khá dày, hơi lạnh len lỏi một cách khó chịu trong từng nếp áo ấm vừa khoác vội. Không khí quả thật trong lành _ một món quà đặc biệt cho những đứa như chúng tôi, vốn suốt ngày phải đối phó với khói bụi và tiếng ồn đô thị mỗi khi ló mặt ra đường. Thi nhau phà khói ra đằng miệng, cảm giác thinh thích như lâu lâu chơi lại mấy trò con trẻ. Có lẽ do bộ dạng sùm sụp trong mớ đồ ấm của chúng tôi lại đi cùng với mấy cái balô quá khổ, nên các anh các bác xe ôm toàn dùng tiếng Anh để bắt chuyện. Đứng chờ xe Lương Bình lên cửa khẩu, tôi có dịp ngắm nhìn thị trấn còn đang ngái ngủ. Vẻ yên bình ấy, đằng sau sự chộn rộn của bãi xe khách trước ga, dễ gieo vào lòng con người ta chút gì xao xuyến, nhất là trước những chuyến đi xa như thế này. Anh lái xe còn trẻ và khá nhiệt tình, tỏ ra rất thú vị khi biết nhà xe được các đoàn bạn tin tưởng giới thiệu. Xe điện chạy êm. Mặc chúng tôi co ro nào áo lạnh, khăn choàng, mũ len, găng ấm mà vẫn luôn miệng xuýt xoa, các em nhỏ nơi đây cứ tay trần phom phom đạp xe đến trường. Tại cửa khẩu có rất nhiều người đổi tiền, giá cả cũng không chênh lệch bao nhiêu so với dưới xuôi. Còn có những chiếc xe lôi rất dài dùng để chở tre nguyên cây mà tôi đã từng bắt gặp ở Hà Nội. Tranh thủ làm thủ tục hải quan, nhưng vẫn phải mất gần tiếng chúng tôi mới qua được cửa khẩu vì vướng một đoàn khách Trung Quốc đang làm thủ tục về nước. Khi ấy đã hơn 9h sáng, chúng tôi chỉnh lại một đồng hồ cho đúng với múi giờ của nước bạn (nhanh hơn bên mình một tiếng), cái còn lại vẫn giữ nguyên theo múi giờ của ta.

Cửa khẩu Lào Cai, nhìn từ phía Việt Nam nom rất hoành tráng, nhưng qua cầu sang đất bạn lại đơn giản hơn nhiều. Dưới lòng sông cạn, sương mù bồng bềnh như cháo loãng. Rất nhiều người qua lại cửa khẩu này trong ngày để buôn bán. Nghĩ cũng thật lạ, các trạm gác cửa khẩu này khi tìm trên google earth hẳn chỉ là những ô vuông bé tí, nhưng lại biểu trưng cho một sức mạnh phân định rất rạch ròi: chỉ vài bước chân về phía bên này hay bên kia đã là một thể chế chính trị khác, với luật lệ khác, tư tưởng khác và (thường là) ngôn ngữ khác. Đã bao lần xoay quả địa cầu trong tay, nhìn thấy các châu lục trên quả đất này chỉ là những mảng đất liền bao bọc bởi các đại dương xanh thẳm. Thế mà ¼ diện tích bề mặt tưởng chừng như thống nhất ấy lại chứa đựng trong nó biết bao dân tộc với nền văn hóa của riêng mình. Kỳ diệu thay sự đa dạng này :) Có lẽ, lý tưởng nhất, như ai đã từng nói, là những ranh giới chỉ nên được phân định do sự khác biệt của bản sắc văn hóa, chứ đừng vì những khác biệt về chính trị và quyền lợi giai cấp như nhân loại đang thấy ngày nay (haizzz, thật là đỡ tốn tiền xây cửa khẩu).

Các em hải quan còn rất trẻ, và vì còn trẻ nên rất tận tình hướng dẫn chúng tôi điền vào các mẫu khai. Dường như khách qua lại buôn bán nhỏ trong ngày ít nhận được sự ưu ái bằng khách du lịch _ và tôi thấy đa phần họ là các bà con dân tộc và cả người Kinh ăn mặc khá lam lũ. Tại cơ quan hải quan cũng như một số cơ quan nhà nước khác của Trung Quốc mà chúng tôi có dịp tiếp xúc sau này (Bank of China chẳng hạn), người ta thường sử dụng phương thức đánh giá nhân viên bằng phản hồi trực tiếp của người dân. Một cái máy tính điểm luôn được đặt tại quầy giao dịch, trên có hiển thị hình ảnh và mã số của nhân viên trực ca, còn có các nút bấm tương ứng với từng mức độ hài lòng về cung cách và thái độ phục vụ. Mỗi mức đánh giá sẽ đem lại số điểm tương đương cho nhân viên trực ca đó. Ít ra về hình thức, thì đây cũng là phương cách giúp người dân nhìn thấy quyền dân chủ một cách rõ nét hơn, vì chí ít thì họ cũng có thể thể hiện ngay thái độ của mình _ nhất là đối với các nhân viên công quyền.

Thiệt hại một hộp ruốc ăn dở do sơ suất để quên trong balô nhỏ. Thực phẩm các loại được phân chia và lèn giữa các lớp quần áo trong balô lớn vẫn bình yên vô sự. Nhưng đáng tiếc nhất là chúng tôi bị tịch thu cả quyển Lonely Planet China. Em gái hải quan xinh tươi giải thích bằng giọng tiếng Anh ngọng nghịu rằng vì đây là sách in bất hợp pháp nên không được đem vào Trung Quốc. Em í còn nhắc đến mấy từ “Taiwan” nhưng không hiểu là ý gì. Thôi vậy!

DSCF1620.jpg

nhà ga số Chín Ba phần Tư của tôi

DSCF1621.jpg

tranh thủ chụp ké toa du lịch hạng sang ;-)

DSCF1628.jpg

xe lôi hàng khủng, từ bé giờ mới gặp lần đầu

DSCF1629.jpg

Cửa khẩu phe ta
 
Đường đi Côn Minh (tiếp)

Đặt chân sang đất Trung Quốc đã là 10h. Khi ấy, trong lòng tôi thực sự rất vui vì sau những biến cố của ngày hôm trước, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có thể bước những bước đầu tiên của cuộc hành trình. Kể từ đây, tôi và Trang chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ để trao đối với nhau, còn thì rất hay phải dùng động từ “to quơ” bên cạnh vài câu tiếng Hoa học vẹt, chỉ sợ người nghe hiểu được trả lời dài dòng thì mình điếc. Khó khăn, nhưng cũng có cái thú vị riêng của nó. Theo chỉ dẫn trên ttvnol, chúng tôi nhanh chóng tìm thấy bến xe buýt đường dài gần ngay cửa khẩu, xếp hàng mua vé cho chuyến gần nhất khởi hành lúc 10h55. Bữa sáng đầu tiên trên đất bạn là món bánh phở chan nước dùng ăn với một loại nhân băm có vị như nhân bánh trung thu vậy.

Nghỉ ngơi một chốc để sắp xếp lại hành lý. Chỉ cách một cây cầu, đường sá bên này cửa khẩu được đầu tư khá tốt, rộng và thoáng. Đường cao tốc 400km nối liền từ đây lên Côn Minh dự kiến được hoàn thiện trong năm 2008, sẽ đẩy mạnh giao thông giữa Côn Minh bạn và Lào Cai ta, trong khi 1800 km ở đầu kia sẽ là nhịp cầu nối liền Vân Nam với Băng Cốc, Lào và Campuchia. Ở triền núi bên kia sông, chúng tôi thấy có xe cẩu đang làm việc, hẳn là đang thúc đẩy việc phục hồi tuyến đường sắt giữa hai quốc gia vốn đã bị gián đoạn khá lâu về trước do đất lở. Rồi đây, các tỉnh vùng cao phía Bắc nước ta sẽ đứng trước cơ hội phát triển giao thương vô cùng mạnh mẽ, tuy nhiên mức độ phát triển kinh tế vùng miền như thế nào còn phải trông chờ rất nhiều vào tầm nhìn hợp tác và chiến lược ngoại giao khôn khéo của các bác cầm quyền nữa.

Nhà vệ sinh ở bến xe rất tệ.

Chiếc xe 24 chỗ hơi cũ, chạy không êm. Trên xe, ngoài chúng tôi còn có anh Diên người Hà Nội _ đã có thâm niên buôn bán qua lại đất Trung Quốc gần 10 năm, rất sõi tiếng Hoa _ và một backpacker người Úc, còn thì đều là người bản xứ. ¾ đoạn đường từ Hà Khẩu đến Côn Minh khá xóc, và hoàn toàn không tốt cho những ai bị say xe. Nhưng đối với dân du lịch có sức khoẻ tốt, tôi cho rằng đây là chặng đường đáng để đi hơn so với lựa chọn di chuyển bằng tàu lửa từ Nam Ninh đến Côn Minh. Xe chạy nhanh trên mạch đường quanh co đồi dốc, chỉ thi thoảng giảm tốc độ khi qua những trấn nhỏ ven đường; loang loáng bên cửa sổ là những rặng núi cao, những thung lũng sâu, những bậc ruộng xanh nhú. Những vườn cam đỏ ở đây đã quá mùa trẩy quả, chỉ còn lác đác dăm trái chín muộn dành ăn trong gia đình. Hơn một lần trên đường, tôi sững sờ khi có dịp ngắm nhìn hồ nước xanh ngắt nằm lặng im giữa vùng đất khô cằn. Màu xanh ấy nơi Cửu Trại Câu _ thiên đường hạ giới _ chắc cũng chỉ đến thế mà thôi. Dã quỳ vàng rực trong nắng chiều.

Người Trung Quốc, như thường lệ, trò chuyện với nhau rất sôi nối và ăn quà vặt cũng không kém phần quyết liệt, phun vỏ hạt khô đầy sàn xe. Ở một vài trạm xăng trên đường, chúng tôi nhìn thấy đôi ba chiếc xe khách nằm im lìm trong bãi. Nghe anh Diên bảo, ấy là do tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, một số tuyến xe phải tạm ngưng chờ nhiên liệu. Gặp hai anh chị backpacker Tây Âu gò mình trên xe đạp về hướng ngược lại, cả xe ồ lên chỉ trỏ và bàn tán. Không hiểu họ nói gì, tôi chỉ thấy nhớ đến đôi bạn người Pháp Damien và Delphine (www.planete.d.free.fr) giờ này hẳn cũng đang ở đâu đó trên quả đất này với chiếc xe đạp đôi để thực hiện ước mơ lớn của cuộc đời mình. Ngoài điểm dừng ăn chiều tại một nhà ăn ven đường vào độ 6h, xe của chúng tôi còn dừng 2 lần nữa vì hỏng hóc. Bốn người không-mang-quốc-tịch-Trung-Quốc chúng tôi ngồi cùng một bàn; anh Diên vốn đã quen với cách ăn bên này nên gọi thức ăn ê hề đầy ắp. Khẩu vị ẩm thực địa phương bao giờ cũng là một trong những điều thú vị của bất cứ một chuyến đi nào, và không ít trường hợp nó còn làm nảy nở tình yêu rất sâu đậm trong lòng lữ khách dành cho vùng đất đã qua. Món ngồng mướp lạ miệng và canh thì không nêm gia vị.
 
Khách sạn Camellia

Gió lạnh về chiều lách qua khe cửa, lùa vào mớ tóc khô còng vì lâu ngày không gội, thốc vào mắt, vào mũi. Vào đến thành phố đã gần 9h tối. Không thể đón ngay xe buýt đêm đến Lệ Giang như kế hoạch, chúng tôi đành nghỉ lại khách sạn Camelia mà Lonely Planet đã giới thiệu. Từ bến xe về đến khách sạn mất gần 15 phút taxi. Sảnh lớn của khách sạn khá đẹp và ấm cúng nhờ vào hệ thống đèn chiếu và độ cao vừa phải của trần nhà. Làm mềm không gian là một bể kiếng lớn nuôi rất nhiều cá chép với đủ các màu sắc theo thuật phong thủy, số lượng cá nuôi cũng được tính toán để đem lại may mắn cho gia chủ. Phải chăng nhờ thế mà Camelia được Lonely Planet tìm thấy và giới thiệu cho cộng đồng du lịch! :) Không chỉ chú trọng vào tầng lớp du khách trung lưu, khách sạn còn cung cấp dịch vụ lưu trú cho dân du lịch tự túc với túi tiền eo hẹp. Khu dorm dành cho backpacker nằm trên tầng hai của một tòa nhà nằm trong khuôn viên khách sạn _ cách sảnh lớn chỉ độ mươi mét bên tay trái, được thiết kế và hoạt động như một cơ sở độc lập với quầy tiếp tân riêng, bếp tập thể lúc nào cũng sẵn nước sôi và dụng cụ nấu nướng, phòng xem tivi chung, phòng vệ sinh cá nhân tập thể, toilet dùng chung và phòng tắm tập thể với 15 phút co ro đợi nước nóng mỗi lần sử dụng. Có hơn 7 phòng cùng dãy với 8 dorm cho mỗi phòng. Không phải mùa cao điểm nên mọi sinh hoạt cũng dễ dàng. Phòng của chúng tôi ở khá sạch sẽ và tương đối ấm áp, thời tiết tuy lạnh nhưng chưa đến mức phải dùng chăn điện. Trong phòng có cả tủ cất đồ nhưng muốn sử dụng phải mua một ổ khóa nhỏ tại quầy tiếp tân. Đủ quốc tịch Tây lẫn Á, các bạn nữ người Nhật có vẻ hơi khép kín.

Bắt đầu bị nghẹt mũi, thở khò khè trong cơn ngủ.

DSCF1647.jpg

Khu dorm cho du lịch tiết kiệm

DSCF1649.jpg

rất nhiều không gian xanh

DSCF1652.jpg

hồ cá phong thủy

DSCF1639.jpg

hoa viên nhỏ, nhìn từ cửa sổ phòng dorm, sáng ra sương đọng mờ lớp kính

DSCF1684.jpg

nội thất phòng dorm
 
Đang thương bạn Happypack bị mất máy ảnh không biết có còn cái khác để chụp không. Đang định hỏi nếu không thì bạn viết mình sẽ up ảnh minh họa cho, nhưng có vẻ không cần nhỉ.
 
hi axitchanh, lần đó mỗi người đem một máy ảnh, nên mình vẫn còn có cái để chụp đem về, may ghê :)

axitchanh cứ thoải mái góp hình và thông tin nhé. bạn chụp hình đẹp mà có góc cạnh lắm, chia sẻ với mình và mọi người nhé, rất cảm ơn ;)
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,183
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top