What's new

[Chia sẻ] [Huế][ Xe máy - 1 vòng quanh các lăng]

Với lộ trình này các bạn có thể đi 1 vòng lăng tẩm của các vua, chúa, vương (chưa hết 9 chúa 13 vua nhưng tạm thời có thể gọi là đầy đủ nhất từ trước đến nay mà mình được biết)
Mình và 3 người bạn nữa đã đi thử lộ trình này (chưa thăm được lăng Gia Long được do 3 người kia ngại đi đò)
Mình mới tham gia diễn đàn, muốn chia sẻ với mọi người, thật sự rất thích diễn đàn này
Happy New Year EveryOne
1) Đàn Nam Giao, Chùa Từ Hiếu, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương:
Đi đến cuối đường Điên Phủ (chỗ đàn Nam Giao), rẽ phải và đi thẳng ngang chùa Từ Hiếu (đường vào chùa 300m) rồi ngang qua lăng Tự Đức (đường vào lăng Tự Đức 1 km), con đường này đi tiếp vào lăng Đồng Khánh và lăng Kiên Thái Vương.
2) Lăng Thiệu Trị, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, nhà thờ Thiên An :
Từ lăng Tự Đức đi thẳng tới 1 ngã ba, rẽ trái đi thẳng tới lăng Thiệu Trị, đi tiếp tới bờ sông Hương, chạy dọc con đường bờ sông này khoảng 2km thì đến bến đò Tuần. Ở đây có cây cầu Tuần rất lớn, thay vì qua cầu thì đi tiếp con đường dọc bờ sông, đi khoảng 1km thì có bến đò Kim Ngọc, qua sông đi tiếp 2Km là tới lăng Gia Long. Sau đó quay trở lại cầu Tuần, qua cầu này đi thăm lăng Minh Mạng. Từ bến đò Tuần đi con đường khác về Huế, ngang qua lăng Khải Định và nhà thờ Thiên An (trên đường đi lăng Khải Định sẽ ghé Trà Đình Vũ Di).
3) Một số thông tin về các địa điểm trên:
Đàn Nam Giao:
Chỗ nhà vua tế trời, nhà vua là con trời, mỗi năm vào mùa xuân, nhà vua đến đàn Nam Giao để tế trời, tương tự như hàng năm cúng kị tổ tiên. Đàn Nam Giao xây năm 1806, kiểu rất đơn giản, có 3 tầng. Tầng trên hình tròn đường kính 40m tượng trưng cho Trời, tầng giữa vuông cạnh 83m tượng trưng cho Đất, tầng dưới cùng vuông cạnh 165m tượng trưng cho Người. Đàn nằm giữa một rừng thông, vua và các quan triều Nguyễn có thông lệ mỗi người phải trồng một cây thông quanh đàn.
Chùa Từ Hiếu:

Trước khi vào chùa qua một đồi thông thơ mộng, khuôn viên rất rộng, cây trái xum xuê. Cơ ngơi xinh đẹp này có từ năm 1848 do sự đóng góp của các ông thái giám trong cung cấm. Vì vậy chùa có gian thờ các vị thái giám, có riêng bàn thờ thái giám Lê Văn Duyệt. Vườn chùa có một khoảnh đất chôn nhiều vị thái giám.

Có một câu chuyện về vị sư khai sáng chùa, hòa thượng Nhất Định có mẹ già bệnh nặng. Thầy thuốc khuyên người bệnh phải ăn thịt cá, vì vậy nhà sư hằng ngày phải xuống chợ mua thịt cá buộc vào đầu gậy mang về, chịu đựng mọi lời đàm tiếu. Vua hay chuyện ban biển đề “Sắc tứ Từ Hiếu tự”.
Lăng Tự Đức:

Mở cửa từ 6h30 đến 17h30 mùa hè và từ 7h-17h mùa đông, giá vé 30000d/người lớn. Vua Tự Đức trị vì đến 36 năm, lâu nhất trong các vua triều Nguyễn. Dưới thời Tự Đức, giặc giã nổi lên khắp nơi. Tai hại nhất là giặc Pháp đã chiếm mất các tỉnh phía Nam, bành trướng ra không cách gì chống đỡ. Nhưng năm cuối đời nhà vua suốt ngày im lìm, không có tiếng cười. Nhà vua tự cho mình là ông vua thất bại, vì vậy tất cả các kiến trúc trong lăng đều bắt đầu bằng chữ KHIÊM, tên lăng là Khiêm Lăng.

Việc xây lăng cực khổ, còn lưu truyền câu ca dao:

Vạn Niên là vạn niên nào

Thành xây xương lính hào đào máu dân.

Cuộc nổi loạn của thợ xây lăng bùng lên, sử Nguyễn gọi là giặc chày vôi (chày vôi là một công cụ lao động). Họ bất ngờ tràn vào hoàng cung, may có viên chỉ huy trưởng quân ngự lâm kịp đóng cánh cửa. Trong lúc gấp gáp, viên quan này bị kẹp đứt 1 ngón tay, về sau được vua Tự Đức đền cho một ngón tay bằng vàng.

Lăng xây xong vua còn sống thêm 16 năm nữa. Trong quãng thời gian này, lăng vua là cung điện thứ 2, nơi vua thường xuyên lui tới. Vì vậy số dinh thự trong lăng cũng nhiều hơn các lăng khác, có cả một nhà hát,khu vực cho các cung nữ. Không ai dạo chơi ở lăng Tự Đức mà nhớ rằng đây là nơi chôn người chết.

Cổng du khách vào hiện nay là cổng phụ, dành cho người hầu. Bên trái những gian nhà hư hỏng nặng là Chí Khiêm đường, nơi ở của các bà phi, rồi sau đó trở thành nơi thờ của họ. Bên phài là Dũ Khiêm tạ, bến đò. Cũng trên bờ hồ có Xung Khiêm tạ, nơi nhà vua hóng gió, đọc sách.

Điện thờ là Hồ Khiêm điện, khi còn tại vị là nơi làm việc của nhà vua. Trong điện còn trưng bày nhiều món đồ ngự dụng, có những món nhập từ châu Âu. Phía sau là Lương Khiêm điện, vốn là chỗ ở của nhà vua, này là điện thờ mẹ vua, bà Từ Dũ.

Phải ghé thăm Minh Khiêm Đường, là nhà hát cổ còn tồn tại, mới được phục chế, sân khấu có hình cổng thành. Ở nhà hát này có biểu diễn nhạc Cung Đình, ngày 4 suất, lúc 8h30, 9h30, 14h30, 15h30, thứ 7 và chủ nhật nghỉ :((. Liên hệ 3523237.

Khu vực nhà bia, mộ không còn nhà gỗ mà toàn nhà gạch, đá. Tấm bia đá rất lớn, lớn nhất Việt Nam, mới đủ chỗ khắc bài “Khiêm Cung ký” dài 5000 chữ do vua Tự Đức soạn (vua không có con nên phải tự soạn lấy). Mộ nhà vua kiểu ngôi nhà đá giống ở lăng Gia Long.

Phía trong cùng lăng có mộ bà hoàng hậu, trang trí chim phượng và mộ vua Kiến Phúc (1884), chỉ ở ngôi vua 6 tháng thì mất, nghe đồn là bị đầu độc.
Lăng Đồng Khánh:
Ít người ghé thăm mặc dù đường đi rất thuận tiện, cùng đường vào lăng Tự Đức, chỉ đi thêm 500m. Triều Đồng Khánh đất nước đã mất độc lập, triều đại chỉ kéo dài 2 năm, lăng mộ thuộc loại nhỏ. Nhưng rất nên ghé thăm vì điện thờ Ngưng Hi là căn nhà gỗ loại lớn nhất, được bảo tồn nguyên vẹn nhất cho đến nay, có cả những món đồ linh tinh của một ông vua. Cách điện thờ 100m làm mộ vua.

Lăng Thiệu Trị:
Không lớn bằng các lăng trước, là nơi yên tĩnh, ít du khách, ngay gần đấy có lăng bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, người nổi tiếng đức hạnh của triều Nguyễn.
Lăng Gia Long:
Bến đò phải nhờ dân địa phương chỉ. Lăng vào tự do, tuy vậy muốn vào thăm mộ vua và hoàng hậu thì cần nhờ người bảo vệ mở khóa cửa, nhớ bồi dưỡng ít tiền.
Ấn tượng nhất ở lăng Gia Long là khoảng không gian lồng lộng với hồ nước làm minh đường và núi Thiên Thọ làm tiền án. Bạn phải vào thăm mộ vua và hoàng hậu. Ông bà lấy nhau năm 16 tuổi, là hai người bạn từng sát cánh bên nhau trong suốt 24 năm tời chiến đấu mở ra triều Nguyễn. Có lần trong một trận đánh nguy ngập, chính bà phải giành lấy dùi trống đánh trống thúc quân tiến lên. Mộ 2 ông bà nằm sát nhau, dưới dạng 2 căn nhà đá.
Lăng Minh Mạng:
Điều đáng chú ý ở lăng Minh Mạng là phong thủy, nhà vua phải mất đến 14 năm mới tìm được vị trí xây lăng.
Các địa điểm viếng thăm trong lăng: Đại Hồng Môn, nhà bia với 4 chữ Hán lớn “Văn Thánh Võ Thần” (bài bia nói về tiểu sử và sự nghiệp của vua Minh Mạng, do vua Thiệu Trị soạn), Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân, Minh Lâu.
Lăng Khải Định:

Giờ mở cửa và giá vé giống lăng Tự Đức.

Lịch sử đã sang trang rồi, các thất bại của nho sĩ trước văn minh phương Tây quá rõ. Nhà vua bỏ hẳn hồ nước, rừng thông, nhà gỗ mà chuyển sang kiểu lâu đài xi măng cốt thép. Bỏ hẳn cái đẹp kín đáo hòa hợp với thiên nhiên mà chuyển qua sự phô trương.

Lăng xây trong 11 năm, tượng đồng nhà vua ngồi trên ngai vàng do người Pháp làm năm 1920, nhân dịp nhà vua sang thăm hội chợ Marseille. Nhà vua được chôn ngay dưới bức tượng này.
Đan Viện Thiên An:
Đan viện trên đồi cao giữa rừng thông, là một cơ sở tôn giáo lớn với nhiều kiến trúc. Phần mới xây dựng đường nét lai Âu Á, có tháp chuông 7 tầng. Gần đan viện có lối vào hồ Thủy Tiên, giữa rừng thông, cảnh giống hệt Đà Lạt.
Và đừng quên những món do đan viện tự làm như dầu tràm, rượu sim, rượu cam.
 
Đã từng đi, nhưng chưa hết. Và thấy ko nhớ đường lắm. có cái bản đồ thì đẹp :x
Khi nào tổ chức lượn 1 vòng chứ nhỉ ^^
(Sao k thanks đc nhỉ? )
 
bản đồ à, tớ có, chắc Tết này về quê tớ cũng mần lại chuyến này, quyết tâm thăm cho được Gia Long ;), có gì off luôn, mà bạn ở Huế à?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,460
Bài viết
1,153,012
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top