What's new

[Chia sẻ] Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao

Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao


Xuân đã sang, sao vẫn còn gió đông.

Xuân, sao giá băng vẫn chen về nơi miền quê xa nghèo.

Xuân, sao trời như buốt lạnh.

Xuân, sao vẫn lòng vẫn lạnh giá…



Tôi đi Trung Nguyên những ngày xuân Sài Gòn mưa sao về quá sớm. Bầu trời quang đãng những ngày xanh nắng tháng 3 sao vội tối sầm khi chiều xuống. Một chiều hối hả chạy qua cơn mưa trên con đường nhiều những cơn trốt hoa dầu bay tung trong gió lốc, một đêm bó gối trong quán nhìn mưa lạ, nghe gió lạnh hun hút thông thốc lùa qua quán, sao thấy chùng sâu…


Rồi tôi đi.

Bạn hỏi, sao đi hoài?

Bạn hỏi, đi chừng nào về?

Bạn hỏi, lại đi một mình nữa sao?

Bạn hỏi, vẫn còn tiền để đi sao?

Bạn hỏi, không sợ những cơn mưa axit, mưa phóng xạ sao?


…….


Tôi hỏi, sao tôi đi?


Rồi tôi đi.


23.03.2011. Đêm tháng Ba, Sài Gòn mưa đổ trắng trời…​
 
24.25.26-02-2010 Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa..

24.25.26-02-2010 Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa..



Mùa xuân – mùa của nắng biếc, hoa tươi, gió xuân nhẹ dịu dàng

Mùa xuân – không là mùa của mưa dầm, gió buốt, ngày mùa mây không mặt trời.

Đã 3 ngày, tôi không thấy mặt trời – vậy bây giờ có đang là mùa xuân?


Đã 3 ngày, những cơn mưa trắng trời mờ đất trên miền cao nguyên Vân Quý, bây giờ có còn là mùa xuân?



***



Gió xuân – vốn thường dịu dàng

Gió lạnh – thường ít gặp ngày xuân.

Lòng người lạnh, gió xuân ấm áp dịu dàng vẫn buốt.

Lòng người đã lạnh, gió xuân đã buốt, cảm giác tê tái giá băng.



***


Tôi ra đi tìm một mùa xuân trên non cao. Những miền cao nguyên đẹp thường càng đẹp khi mùa xuân về - tôi khờ khạo nghĩ, như Đà Lạt của mình. Nên tôi lên cao nguyên đi tìm mùa xuân đẹp, cho hồn tươi, cho người mới…


P3250584.jpg

Nhà Trống đồng ở Nam Ninh. Chim Việt rồi bay về đâu?​



Để lại Sài Gòn những ngày xuân mưa mù, tôi ngược Nam Ninh, lần chần do dự lúc đi lúc ở nơi miền đất đã từng ghé nhưng chưa từng ở… tôi muộn màng leo lên chuyến tàu trưa, thả tôi xuống miền Quý Dương lúc gần 1 giờ sáng.
 
Last edited:
Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa.


Nam Ninh lạnh, đã lạnh vô cùng, sao tôi còn lên cao nguyên? Tôi đi cao nguyên Quý Châu vì ít người đi. Tôi đi Quý Châu vì tò mò về vùng đất của Bình Định Vương Ngô Tam Quế. Tôi đi Quý Châu vì nghe câu chuyện buồn Quý Châu tuy không thua hương kém sắc với người bạn Vân Nam hàng xóm cùng nằm trong cao nguyên Vân Quý hương sắc giờ đã bay lừng. Tôi đi Quý Châu vì tôi thương những phận hèn thua thiệt, như mình. Tôi đi Quý Châu vì…vì … vì… Nên giờ tôi đang hạnh phúc trong giá buốt ở Quý Châu.


Nằm ở độ cao hơn cả Đà Lạt, nhiệt độ trung bình của Quý Châu là 15oC. Vậy trong những ngày giá buốt tràn về Bắc Việt, ngập khắp Nam Ninh, miền cao nguyên này lạnh lẽo cỡ nào? Tôi không biết, chỉ biết là rất lạnh – còn vì nhiều lẽ.


Đêm, hay ngày mới, xuống Quý Dương tôi ngồi trên chiếc xe Honda ôm chạy từ nhà ga về nhà nghỉ, cắn răng không lôi chiếc mũ ra đội. Về đến nơi, tai tôi mất cảm giác và tôi tưởng rằng nó đã giòn tan, nếu gõ mạnh, có thể sẽ vỡ vụn.


Sáng, tôi dù biết không có nhiều thời gian nơi đây, dù cài báo thức lúc 6.30am, đến 9.30am tôi mới thò chân xuống đất, dù tôi đã thức giấc lúc 6.30am, vì quá lạnh.


Nhưng đêm đó, tôi vẫn lang thang Quý Dương phố khuya dù check-in xong đã gần 2 giờ sáng.


P3260723-1.jpg



P3260699-1.jpg



P3260714-2.jpg

Thác ngày mưa. Huangguoshu Water Fall cao 74m, rộng 81m!!!​



Rồi ngày hôm nay, tôi vẫn lặn lội trong mưa gió lạnh buốt đi thăm danh thắng bậc nhất Quý Dương, thác nước lớn nhất nhì Trung Quốc – Huangguoshu Water Fall.
 
Last edited:
Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa.

Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa.



Mùa xuân, không phải là mùa vàng, đó là mùa thu.

Mùa xuân, không phải là mùa hoa cải, đó cũng là mùa thu

Mùa xuân, không phải là mùa vàng mờ trong mưa, đó càng là mùa thu.


Nhưng ở miền cao nguyên này, tôi đã gặp một mùa xuân hoa cải vàng rờ rỡ lúc mờ mịt trong mưa sa lúc lộng lẫy dưới trời hanh còn vương chút sương mù…


P3260728.jpg

Hoa cải vàng mùa xuân mưa​



Tôi đi tìm mùa xuân trong mơ, tôi đã gặp mùa thu trong mưa…



***


Hoa đào, hoa của những ngày đầu xuân, ngày Tết.

Hoa đào, không phải là hoa của những ngày đã cuối mùa xuân

Hoa đào, vốn đẹp dịu dàng trong những ngày xuân trời trong xanh gió nhẹ, vì hoa chỉ vốn hồng dịu dàng không nồng nàn như mai vàng phương nam

Hoa đào, vốn mong manh, sẽ mau tan nát dưới giá băng gió lạnh.



Nhưng, những ngày xuân mưa mù gió lạnh cao nguyên Quý Châu, đào vẫn dịu dàng trong gió táp mưa sa, mây xám lạnh lùng. Chút hồng dịu dàng của đào phai, chút nồng nàn ấm áp của bích đào, vẻ mong manh trong trắng của bạch đào, của những triền đồi miên man cùng hoa cải vàng hay những hàng cây lặng lẽ rũ trong mưa gió ngày xuân mưa... đã làm lòng khách phương sa có thêm chút ấm.


P3260626.jpg



P3260621.jpg



P3260637.jpg

Đào ngày mưa​



Tôi không đi tìm, nhưng tôi may mắn là kẻ khờ từ phương nam nắng ấm đang chơi vơi ngày xuân với hoa đào.

___________________________

* Tất cả những lý do đi Quý Dương, tôi đã nêu, chỉ còn một lý do phát sinh, mà nếu tôi không kể liền, tôi sẽ rất ân hận. Đêm thứ hai tôi lang thang ở Quý Dương, cũng đã khuya, tôi vào quán ven đường gọi đồ ăn. Bàn kế bên có 2 nam một nữ. Câu thoại duy nhất họ trao đổi với tôi là khi cô bé chủ quán hỏi tôi có ăn ớt hay không, bằng tiếng Hoa, rồi cô gái bàn bên dịch giúp tôi, rồi tôi cảm ơn bạn. Vậy thôi, không thêm một câu nói, không bớt một nụ cười. Tôi cứ cắm cúi vào sách, vào bia, vừa lọ mọ nhai, lụi hụi đọc, hì hục uống… đến khi họ đứng lên, chào tôi đi, rồi cô gái nói là đã trả tiền bữa tối cho tôi rồi. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ, chỉ kịp lắp bắp hỏi lại, còn chưa kịp cảm ơn, thì họ đã bước ra ngoài. Tôi bối rối đến sững người, rồi lặng lẽ ngồi xuống. Tôi cũng đã từng được may mắn, cũng như từng kể với nhiều bạn bè, là tôi vẫn được trả tiền các bữa ăn khi lang thang ở Lào, Thái. Còn ở Trung Quốc, một miền đất còn rất nhiều “dấu nặng” trong các câu chuyện, trong các hành trình. Nhưng mà, vậy đó Quý Dương!
 
Last edited:
Bpk đã vác ba lô đi làm vài chai bia Thanh Đảo nữa rồi! Em đang nhắm Quế Lâm, Quảng Tây, Vân Nam mùa xuân này, hóng tin của bpk!
 
27-28.03.2011 – Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.

27-28.03.2011 – Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.



Tôi vẫn chưa chia tay cao nguyên Quý Châu. Sao nỡ vội vàng đến thế. Nên tôi đi Kaili, một góc nhỏ quê xưa vẫn được nhắc nhớ nhiều khi khách du lạc về chốn Quý Châu.



Tôi đến Kaili từ Guiyang một chiều thật muộn, vì 1 lý do ngoài ý muốn. Khách sạn rẻ tiền nhất Kaili, theo LP, giờ đã nâng cấp thành 4*. Những KS bình dân khác dù giá đến 120Y/phòng vẫn không nhận khách nước ngoài. Đã gần 10pm, tôi đã lang thang trên phố đêm, dừng chân hơn 10 lữ quán (nói đúng ra là nhà trọ bình dân rẻ tiền, có nhiều khách ngụ theo giờ!!!), đều bị từ chối phũ phàng, chỉ vì không có Chinese ID. Trước khi quay lại KS, với phòng rẻ nhất 180Y, tôi thử ghé vào lữ quán cuối cùng, xí lố xí là một hồi, tôi hạnh phúc quăng balo vào phòng, 30Y cho 1 đêm trong căn phòng lạnh buốt những ngày xuân lạnh giá miền cao nguyên. Dù sao, tôi cũng may mắn. Tôi đã tiết kiệm được 150Y! Chơi gì cho hết đêm nay?


***


Ồn ào náo nhiệt, thường là chốn đô thành dù nhiều ít phồn hoa.

Yên ả, vắng vẻ, đó là chốn làng quê, dù làng quê bây giờ có thể rất không yên bình, có rất nhiều “sóng ở đáy sông”.

Làng quê nếu vắng vẻ, thanh bình, dù cổ xưa, dù ngàn năm tuổi, dù đầy di tích… cũng chỉ thu hút cò con dăm ba khách du lạc loài yêu thích chút hương xưa.

Để lôi cuốn nhiều hơn khách thập phương, để cạnh tranh với những làng quê khác, làng quê cần có những ngày hội hè. Phải không vậy, làng quê nhà tôi?


P3280011.jpg

Đón khách từ cổng làng, vui như hội, mỗi ngày.​



Nhưng làng quê có 365 ngày hội hè hàng năm, có còn là làng quê yên ả, thanh bình? Làng quê với hàng đoàn những chuyến xe khách đổ người đông đen xuống mỗi ngày, có còn vắng vẻ… có còn là làng quê?


P3280162.jpg



P3280183.jpg

Rồi chiều về, trai xinh gái lịch vui hoan ca​


Xijiang,làng quê của người Miao, bây giờ có còn là làng quê?



***
 
Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.

Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.


Xijiang, một làng quê mà Quý Châu đang cố xây dựng thành điểm du lịch chính của tỉnh. Trên chuyến xe bus chỉ có 1 khách địa phương, còn toàn là khách du lịch – người Hoa. Giá vé bây giờ là 20Y, nhưng trên tấm bảng trong phòng vé là 100Y, có lẽ cho 1 ngày không xa. Vậy, có nên tranh thủ về Xijiang? Vẫn rất nên!


Nếu mai mốt bạn đi, vườn cải ngày xuân có còn yên ả vàng hoa chào nắng xuân mới.


P3280131.jpg



P3280122.jpg

Ruộng nương này mai mốt có còn​


Nếu mai mốt bạn đi, những bích đào, đào phai có còn dịu dàng tỏa sáng bên những ngôi nhà xám đen.

Nếu mai mốt bạn đi, Miêu nữ có còn nghiêng nghiêng ánh dao cau chào đón bạn.

Nếu mai mốt bạn đi, cụ ông người Miao có ghé ngồi chung bàn, có cùng sẻ chia miếng ăn, cái uống với bạn?


P3280207.jpg



P3280236.jpg

Hoàng hôn Xijiang​



***
 
Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.

Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.



Miao, là tên tiếng Anh của người dân tộc của Xijiang.

Miêu, là tên Việt hóa, thường được dùng trong các tác phẩm của Kim Dung.

Mèo, là tên gọi xa xưa của người Việt dành cho họ.

H’mong là tên thông dụng phổ biến hiện nay nhà nước Việt Nam yêu cầu sử dụng.

Nhưng, tôi thích từ Miêu nữ. Không biết bao nhiêu cô gái ở đây là con cháu của Ngũ Độc giáo chủ Lam tỷ tỷ mà sao ai nấy mắt như dao cau, cười giòn tan như pha lê vỡ.



***

P3280107.jpg

Miêu nữ với chén sừng trâu, sẵn sàng chuốc mềm môi khách giang hồ si dại​



Tôi đâu có phải Lệnh Hồ đại ca, sao Miêu nữ đón chào tôi bằng những chén sừng trâu rượu nồng vào mai sớm. Tôi chỉ biết rượu bồ đào nên dùng chén dạ quang. Còn chén sừng trâu dùng với rượu nào phải hỏi Tổ đại hiệp, nhưng tôi chỉ biết những chén rượu sừng trâu đón khách từ cổng làng, mà mọi người đều từ chối hoặc nhấp môi, còn tôi dốc chén ngược.

Làm ngày vui Xijiang của tôi không đợi đến đêm về.


P3280138.jpg

Bạch đào càng rực rỡ bên ngói trầm màu thời gian.



P3280041.jpg

… dù rất gần, hay xa xa vẫn rạng ngời sáng


P3280049.jpg

Đây có phải là hoàng đào? Sao tôi không biết?​


Làm Xijiang không chỉ rực rỡ hoa cải vàng hay đào lung linh sắc, làm nụ cười Miêu nữ thêm nồng nàn khi nâng chén duyên…


P3280035.jpg

Xuân về theo sắc hoa đào

Xijiang, non cao mùa xuân đã về trong nắng mới.
 
29.30.31 Đường về Trùng Khánh.

29.30.31 Đường về Trùng Khánh.



Trong ký ức của tôi, Trùng Khánh là một trong những cái tên về một vùng đất xa xôi được tôi nhớ đến nhiều nhất. Chẳng hiểu vì sao, trong tủ sách còn sót lại sau những biến động năm 1975 – và nhiều năm sau đó, của nhà tôi có 1 cuốn sách cũ mất bìa, mất nhiều trang trong, úa vàng, quăn mép… có tựa đề là “Đường về Trùng Khánh”. Lúc còn nhỏ, tôi đã lọ mọ đọc nhiều cuốn sách không phải của NXB Kim Đồng, cũng có hiểu lơ mơ, chỉ duy nhất cuốn này là tôi không hiểu rõ cho lắm là nó nói gì. Tôi chỉ nhớ láng máng là nó liên quan đến cuộc chiến tranh Trung Nhật, nói về hành trình ngày tao loạn của những người thương nhau… nhưng tôi cứ mường tượng về một miền đất lạ, đẹp mơ hồ Trùng Khánh. Không hiểu sao, cái tựa đề sách cứ ám ảnh mãi trong tôi, dù hầu như tôi đã quên mất nội dung cốt truyện. Sau này, khi thông tin trên mạng đã thuận tiện, tôi có tìm được cuốn sách này, tải về, nhưng tôi không đọc. Tôi muốn giữ một chút ký ức đẹp cho mình về những ngày xưa leo lên sân thượng trốn việc nhà nằm nghêu ngao đọc sách, rồi gởi hồn cho đám mây lang thang mang đi về Trùng Khánh.


***


Tôi dự định đi Fenghuang từ Kaili. Tuy 2 vùng này thuộc 2 tỉnh khác nhau nhưng lại gần nhau. Từ Kaili, đi khoảng 3.1/2h là đến Huaihua, Hồ Nam. Từ Huaihua đi thêm 2h nữa là đến Fenghuang. Khoảng cách như vậy là rất gần (so với TQ) nhưng tôi vẫn không chủ quan. Từ Xijiang, sau khi dậy sớm lang thang hy vọng tìm thấy nếp nhà xưa trong sương sớm… tôi đi chuyến xe sớm về đến Kaili lúc chưa được 10am. Hớn hở vào bến xe hỏi, hỏi đi hỏi lại thì mỗi ngày chỉ có duy nhất 1 chuyến xe đi Huaihua vào 3pm, có nghĩa là đến đó không còn xe đi Fenghuang. Thêm nữa là tôi sẽ làm gì từ 10am đến 3pm ở Kaili buồn tênh. Hỏi thêm 1 vài cung đường nữa đều không được, tôi quyết định nhảy lên xe về lại Guiyang, mà tôi nghĩ là tôi sẽ không còn quay lại. Về đến Guiyang lúc 1.30pm, tôi nhảy tiếp lên chuyến xe đi Trùng Khánh lúc 1.50pm.


***


Như vậy, tôi có duyên với Trùng Khánh hay tôi chưa có phận với Hồ Nam – dù dự định của tôi cho hướng đi qua đó, và sau đó nữa, là rất chi tiết?


***


Tôi đến Trùng Khánh lúc hơn 7pm, xuống xe ở 1 bến xe xa lắc, không nằm trong 1 hướng dẫn nào của LP. Trời mưa lất phất. Lạnh. Gió. Mệt mỏi vì dậy sớm ở Xijiang lạnh ngắt, long xòng xọc trên xe từ sáng giờ, tôi đã trả giá honda ôm từ 40Y xuống còn 25Y, định đi luôn về nhà trọ cho gọn, nhưng còn đang chần chừ làm màu một tý (!?). Thấy tôi ngơ ngáo, 1 bạn trẻ giúp tôi xác định hướng đi về bến xe Caiyuanba để nối chuyến dễ hơn sau đó. Đến nơi, khi tôi hỏi đường đi tiếp, 1 bạn trẻ khác nhiệt tình dắt tôi đi đến bến Caiyuanba vì từ điểm dừng bus đến bến xe khá xa. Bạn ấy không biết nói tiếng Anh, gọi điện thoại cho bạn của bạn ấy biết nói tiếng Anh, đưa máy cho tôi hỏi tôi đi đâu để chỉ tiếp. Nhưng vì chỗ tôi đến, và cách tôi phát âm địa danh đó bằng tiếng Hoa không chuẩn nên, bạn ấy không biết, tôi cũng cảm thấy ngại quá, nên đành cảm ơn rồi đi tiếp. Ra đến bốt cảnh sát hỏi thăm thì được 1 nữ chiến sĩ dắt tôi ra đến bus-stop có chuyến xe đến chỗ tôi cần đi, chỉ cho tôi đường đi. Đến điểm dừng xe bus, tôi lại ngơ ngáo đi tìm GH không ra, vì nó nằm trong hẻm, khu đó tối thui và đặc biệt là cái GH đó nó vừa đổi tên, dời địa điểm dù chỉ gần đó mấy bước nhưng đổi luôn số điện thoại. 2 bạn trẻ đang tâm sự gần đó, thấy tôi ngơ ngáo cõng balo qua lại mấy lần mới hỏi thăm, rồi đi hỏi lòng vòng, rồi dắt tôi vào con hẻm, mà nếu tự đi chắc đợi sáng tôi mới dám vào đúng GH đó. Đến nơi, đã hơn 9pm! Đợi tôi vào, chắc chắn mọi việc, 2 bạn ấy mới chào tôi đi.


Đường về Trùng Khánh của tôi là vậy đó! Bạn có muốn về Trùng Khánh không?


P3300400-1.jpg

Thanh thoát. Dazu – Unesco Herritage.


P3300432-1.jpg

Làm gì khép nép bên ruộng cải vậy đào ơi?


Về Trùng Khánh đi để ngắm những di tích ngàn năm tuổi giờ vẫn rạng ngời, những cánh đồng mùa hoa cải miên man vàng bên những nụ đào hồng dịu dàng ngày xuân nắng nhẹ…


Về Trùng Khánh đi, để một chiều ngồi bên dòng Trường Giang sương mây mờ mịt nâng chén tiêu sầu cùng tôi ngâm nga câu ca sao thấy lòng nhẹ bỗng “Trường Giang cuồn cuộn đổ về đông. Bao lớp sóng xô mấy anh hùng. Ngoảng mặt lại nhân tình thế thái. Được mất bại thành hóa hư không.”


Về đi… Về Trùng Khánh cùng tôi đi!!!...
 
Trời ơi, thèm thèm thèm...hik hik....
Một đêm lạnh gió rét bên hồ Sayram bọn tớ cũng được chia sẻ chỗ ngủ ấm trong lều của 1 đôi bạn bpk, còn được mời ăn sáng nữa...TQ nói chung cũng có nhiều người tốt :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top