What's new

Hành lễ buổi chiều

Hồng Thất Công

Phượt thủ
Từ Cầu Lạc Quần (nghe hơi hoảng tẹo!) đi về Xuân Dục (Xuân Trường-Nam Định) mất mười nghìn tiền xe ôm, đường đẹp nên các bác tài chạy tít, nhưng yên tâm đây là lò đào tạo xe ôm cho 2/3 lực lượng xe ôm ở thủ đô, nên có thể giao phó cả tính mạng! Có thể thấy hầu hết đường xá ở Xuân Trường đều rất đẹp. Đoạn xấu nhất chính là đoạn trục đường chính từ thành phố về, đoạn giáp với Xuân Trường, ngồi trên xe ô tô mà cứ tưởng đi tàu lượn!
Nhà thờ tôi đến thăm đang sửa chữa nên còn ngổn ngang, nhưng cảnh trí xung quanh báo hiệu một khung cảnh đẹp ghê người!!! Con kênh ngăn đôi xóm làng thành hai bờ nam bắc, cấp nước cho một vùng đồng ruộng, hai bờ và những con cầu bắc qua đều được bê tông hoá. Dọc hai bờ kênh đang trồng liễu, có điểm cau vua. Tiếc là để đảm bảo cho tàu bè đi lại, nên không thả bèo tây hay trồng sen súng gì ở kênh được, dù nước lúc nào cũng đầy săm sắp. Được cái, ốc bươu vàng vẫn còn phát triển thuận lợi, nên đã điểm cho mặt kênh rất nhiều hoa trứng đỏ tươi, trông khá bắt mắt! Có nhiều “hoa” bị nhân dân di nát, tạo nên những vệt đỏ chạy dài rất bi thương, gợi nhớ đến Trần Phương trong “Quan Âm Thị Kính”, “Ra đường thấy cánh hoa rơi/Giơ chân di xuống chẳng chơi hoa tàn”!
Con đường giao thông dọc hai bờ kênh được nhân dân tận dụng để phơi chiếu. Nhân dân ở thôn này có truyền thống dệt chiếu đậu, cói được chở về từ Ninh Bình, Thanh Hoá,… chủ yếu được dệt bằng tay hoàn toàn, những khung dệt cổ xưa, của các cụ già ngồi nhà, cứ cụ bà ngồi se cói còn cụ ông dệt, ngày kiếm được mươi nghìn mà không quá lam lũ. Nhưng nhìn thấy khung dệt mới thấy thương chiếc chiếu cói bao nhiêu. Mà ghét thêm bọn chiếu nhựa đang hoành hành! Cũng từ những khung dệt thô sơ này dệt nên những chiếc chiếu cói nằm võng cho trẻ con, từng đôi một bé xíu, mới nhớ, lâu lắm rồi không thấy chiếc võng đay một thuở…
Tôi chạy được một vòng quanh dòng kênh, ngó qua được chiếc vó bè cuối dòng, dây kéo được ghì bằng chiếc cối đá to và đạp bằng chân. Rồi chạy vội về nhà thờ để kịp cho lễ chiều. Tuần lễ sau phục sinh, vẫn còn váng vất không khí lễ hội bởi băng rôn “Alleluia” treo dọc Thánh Đường.
Vẫn tiếng chuông ngân nga và giọng hát trong trẻo, thanh thoát, nhưng dường như ở đây thành kính hơn. Có lẽ bởi đây là thôn một trăm phần trăm dân theo đạo, và cha xứ dù còn trẻ vẫn giữ nguyên nếp cũ, không bỏ đi trang phục cổ truyền của giáo dân bao đời nay.
Cũng ở nhà thờ này, Đức Mẹ được đặc biệt coi trọng hơn hẳn nhưng nhà thờ khác, vì “giáo dân đã được thấy nhiều hiển linh khác từ Người”, một xơ đã giải thích cho tôi như vậy.
Tan buổi lễ các giáo dân còn tụm thành từng đám trước tượng Đức Mẹ và Chúa để tiếp tục đọc kinh, còn các xơ hướng dẫn các em nhỏ tập múa hát, dâng hoa để chuẩn bị cho các buổi lễ hội khác.
Ban chiều, khi nhìn các xơ còn quá trẻ trung, tôi ái ngại, nghĩ phần đời phía trước còn quá dài, chỉ loanh quanh giữa bốn bề đức tin, liệu các xơ có đủ sức?
Sau buổi lễ tôn nghiêm này, và không khí rộn rã bây giờ, tôi nghĩ chắc tôi vừa được mặc khải. Cuộc sống của họ là đây, những yên ổn thanh bình này, những niềm vui đơn giản xuyên suốt này. Hơn rất nhiều cuộc sống khác ngoài kia… Nếu có gì để làm vẩn lên trong họ câu hỏi làm xáo động sự yên bình, chính là sự hiện diện (vô duyên) của những người như tôi! Nhưng đã đến rồi, tôi sẽ cố một lần dầm mình vào cuộc sống bình yên đó…
 
Hành lễ buổi chiều (2)

… Tôi chen vào bếp, xơ Th. không tập luyện cho các em, ở nhà chuẩn bị bữa tối. Trong bữa trưa, cha C. bảo, việc ăn uống của các cha cũng như các xơ được thoải mái, trừ những ngày đặc biệt thì việc ăn chay là tuỳ tâm, vì ăn đủ mới có sức lực để làm việc!
Nên bữa tối, chuẩn bị cho cha C. cùng bốn vị khách và năm xơ khá nhiều món. Xơ Th. mới 20 tuổi, còn rụt rè trước khách lạ, da trắng mắt đen, lúc nào cũng nhìn xuống ngập ngừng, nghi ngại.
Giúp xơ dọn bàn ăn xong mà chưa có ai về ăn cả. Tôi đi một vòng quanh khu vườn, rất nhiều lan càng cua đang nở hoa, ngay cạnh là thư viện của nhà thờ, giữa những sách về tôn giáo còn thấy cả “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, nhưng cửa tủ sách khoá kín, không biết các xơ có đọc không?
Bữa tối kết thúc lúc 11h đêm. Lúc lên giường ngủ mới nhận ra ngoài ao đưa vào cả tiếng chẫu chàng, tiếng ếch nhái mà lâu lắm rồi mới nghe thấy.
Ba giờ sáng tiếng chuông đã thỉnh lên trầm đục. Rồi đến năm giờ lại thấy chuông. Các xơ đã dậy đi cầu kinh cả. Sáu giờ sáng trở ra, đã thấy không khí trong lành, dịu mát bao phủ, với tiếng hát ngân nga từ chiếc đài cha C. mở. Sáng nay không có lễ, chỉ 9h cha sẽ đi chầu ở nhà thờ bên cạnh.
Tôi được các xơ đưa đi thăm các nhà thờ bên cạnh cả ngày. Nhà thờ Bùi Chu gây thất vọng, có lẽ vì người thiết kế quá tham lam, đưa vào quá nhiều kiến trúc, thành ra tổng thể bị xé nhỏ, vả lại, những màu sắc lộ cộ không tạo cho người xem cảm giác tôn nghiêm, mất hẳn đi sự thành kính. Đến nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ được coi là lớn nhất khu vực Đông Dương thì bị thuyết phục bởi cả màu sắc và bố cục, cũng như cảnh trí xung quanh. Đơn giản nhưng uy nghi.
Tôi nghĩ, có lẽ mật độ nhà thờ ở Xuân Trường phải lớn nhất nước, mỗi thôn có một nhà thờ thì phải, đi dọc đường, nhìn sang hai bên đều thấy những tháp chuông hay mái vòm của nhà thờ.
Đến trưa thì về nhà dòng Mân Côi, nhà dòng của gần năm trăm nữ tu, khung cảnh hoàn toàn yên ắng. Chủ nhật nên nhà trẻ đóng cửa, nhà thuốc thì vẫn hoạt động. Lúc tôi tới sắp đến giờ hành lễ buổi sáng. Nên các xơ đang chuẩn bị tu phục để lên nhà nguyện. Giữa màu trắng giành cho các em mới vào là màu đen u buồn của các xơ lâu năm. Có xơ đã rất già, được các xơ trẻ dìu lên hoặc đưa xe đẩy tới. Nhà nguyện chìm trong không khí yên lặng trang nghiêm, chỉ còn ánh nắng hắt vào những ô cửa sổ.
Tôi không dám làm kinh động giờ phút thiêng liêng ấy của họ. Hình như trong “Đất vỡ hoang”, hay “Sông Đông êm đềm”, M.Solokhov có nói, tôn giáo cũng giống như một thứ thuốc phiện. Ở đây tôi mới được chiêm nghiệm điều này, bởi họ được thấm vào từ thuở nằm nôi đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Thứ thuốc phiện này không làm cho người ta yếu mòn về thể xác, nhưng lại giam cầm về mặt tinh thần, trong một chừng mực nào đó, hình như hậu quả cũng ngang nhau…
Trong nhà dòng này, mọi thứ đều trật tự, yên ổn, không có dấu vết của đàn ông, nên mọi thứ có vẻ như giảm bớt sự chắc chắn, vững vàng đi chăng?
Những ô cửa sổ, ở phòng ngủ hay phòng học chất đầy những cái hộp nhựa bé xíu mà các xơ trồng xương rồng hay trường xuân, trông rất thương. Vườn được trồng hoa đủ loại, hoa hồng, hoa huệ tây, hoa vạn thọ, cả rau, cả lạc,… Đang mùa xuân nên hoa nào cũng nở tưng bừng.
Xơ L. hôm nay giúp việc nhà ăn, nên không lên nhà nguyện, dẫn tôi đi vòng quanh, xơ chỉ lên khu nhà trên tầng ba bảo, khu đấy là dành cho những người đang trong giai đoạn “thử thách”, thời hạn là một năm, hạn chế mọi sự giao tiếp, nhất là đối với người ngoài, tuyệt đối không tiếp xúc, còn những người cùng trong nhà dòng, thì chỉ nói khi nào thật sự cần thiết mà thôi.
Thảo nào mà lúc tôi lên, chào mọi người ai nấy chỉ cười nhè nhẹ rồi rút đi thật mau.
Bữa trưa lặng lẽ giữa phòng ăn rộng lớn, hai trăm con người nhưng hầu như không có tiếng động nào. Xơ T. bảo, quân số là gần năm trăm người nhưng thông thường thì các xơ đi khắp nơi, theo đề nghị của các nhà thờ để giúp việc cho họ, nên thường xuyên chỉ có khoảng hơn hai trăm người ở nhà. Vào những dịp đông đủ, các xơ phải chia ra ăn theo từng ca, vì nhà ăn không đủ chỗ, còn thì trong ngày thì ai vào việc người ấy, người thì trông trẻ, người thì dưới nhà thuốc, trạm xá, người thì trồng rau, người thì cắt may, hầu hết là may tu phục cung cấp cho các nhà thờ… Một xã hội khép kín, chỉ toàn phụ nữ, cuộc sống thật đơn giản, rau ở vườn, cá dưới ao,…
Tôi nghĩ, nếu cần một chỗ để biến khỏi thực tại đau buồn, tôi sẽ chọn nơi này. Khi ngồi trong ngôi nhà đổ nằm sau tu viện, ngó ra cánh đồng với rất nhiều cây chua me đất, chen giữa cỏ dại vẫn nở hoa, lại thấy mình hèn nhát. Yên ổn không có nghĩa là vết thương đã liền miệng, cũng như trong đời sống, tuân thủ với nhau về nghĩa vụ đâu phải là tình yêu?
Biển cách đấy mười ba cây số. Biển đục ngầu hung dữ, và những thứ trên bờ biển ồn ào, hoang phí. Chẳng có gì để nói về biển nơi này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,729
Members
190,126
Latest member
ThanhDuyStore
Back
Top