What's new

[Chia sẻ] Đi Hà Giang 2 ngày, Đi Hà Giang- Cao Bằng 3 ngày... chi tiết

Có nhiều bạn quan tâm đến hành trình Hà Giang- Đồng Văn 02 ngày nên mình xin phép gửi bài chia sẻ, đồng thời mở rộng thêm thông tin đi từ Hà Giang sang Cao Bằng (thăm Thác Bản Giốc) trong 03 ngày... kèm một vài thông tin khác để các bạn có thêm tùy chọn cho chuyến đi.

Mình có ghi chú về chỗ dựng lều tại Đồng Văn ở phần 4,5. Phần 4 còn có phát hiện "Cặp mông cô tiên" và chụp ảnh trên sông Nho Quế.

PHẦN 1: Lưu ý chung trước chuyến đi
PHẦN 2: <Dẫn đường> Hà Nội- Hà Giang
PHẦN 3: <Dẫn đường> tp Hà Giang- Quản Bạ- Yên Minh- Sà Phìn- Lũng Cú- Đồng Văn- Mèo Vạc
PHẦN 4: <<Thông tin>> cần lưu ý
PHẦN 4,5: <<Thông tin>> Địa điểm, phiên chợ, đặc sản tại Hà Giang
PHẦN 5: Lịch trình tham khảo
PHẦN 6: <Dẫn đường + Hướng dẫn> Đồng Văn- Bản Giốc
PHẦN 7: <Dẫn đường> Bản Giốc- Hà Nội
PHẦN 8: Bonus Cung Hà Giang- Đồng Văn- Suối Lênin + Hang Pắc Pó - Bản Giốc 03 ngày


Bản quyền bài viết:
Member phuot.vn: ThanhThien
Face: Ái Quốc Tâm
Page: Yêu Việt Nam
Các website khác ngoài phuot.vn muốn đăng lại thông tin, vui lòng ghi rõ nguồn.

Bài viết có sử dụng thông tin từ tác giả khác, cụ thể là lịch họp các phiên chợ. Xin cảm ơn tác giả.
 
Last edited:
PHẦN 1: Lưu ý chung trước chuyến đi

1. Hành trình và thời gian dự trù của mình dựa trên thực tế mình đã đi, sử dụng xe Wave S. Thời gian chuyến đi của mỗi người sẽ khác nhau do thời gian nghỉ, sức khỏe, sức mạnh của xe... do đó bạn cứ căn cứ theo thông tin của mình để gia giảm, ước tính thời gian phù hợp với bạn.
2. Khám phá Hà Giang thì nên nếm thử các món ăn địa phương, do đó bạn chỉ cần chuẩn bị đồ ăn sơ cua (bánh mì, xúc xích hoặc gì đó...) là 3 bữa/người. Để khi đói, mệt hoặc lỡ bữa thì có cái để ăn.
3. Đường đi Hà Nội- Hà Giang, Hà Giang- Bản Giốc đều là đường nhựa. Nếu bạn đang sử dụng lốp gai, lốp chân chó... thì nên thay bằng lốp trơn trước khi đi. Lốp trơn bám đường, giúp ôm cua tốt hơn. Mình đã khá chủ quan khi vẫn giữ lốp gai ở con wave cũ, nhiều đoạn cua không nhanh được vì dễ bị trượt bánh.
4. Bạn nên đi những xe khỏe như ex, cào cào, phân khối lớn... để tối ưu hóa thời gian hành trình. Giới hạn xe của mình là 80km/h, đối với những bạn xe khỏe hơn, sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian.
5. Bạn đừng ham phóng nhanh. Chuyến đi của mình vào cuối tuần, chứng kiến nhiều bạn cũng phóng nhanh như ai nhưng khi cua toàn liếm hết sang phần đường bên kia... rất nguy hiểm. Nhiều bạn lạm dụng phanh, cứ lao nhanh rồi lại phanh. Theo mình, người có kỹ năng đổ đèo tốt là phải nhanh nhưng luôn đảm bảo đi đúng phần đường và ít dùng phanh nhất có thể.

DSC00521-1.jpg
 
Last edited:
PHẦN 2: <Dẫn đường> Hà Nội- Hà Giang
Link bản đồ: https://goo.gl/Gxp8FX


Trên đường đi đều có biển chỉ đường, mình hướng dẫn để các bạn hình dung cho dễ chứ cũng không cần thuộc bản đồ này.

Tính từ cổng ĐH Ngoại Ngữ
Chạy đến vòng xuyến Bến xe Vĩnh Yên là 41,2km, rẽ phải sang đường Nguyễn Tất Thành. Tổng quãng đường 1 cho đến đoạn này (TQD1): 41,2km
hg1.jpg

Chạy 4,2km đến một ngã 5 lớn (Ngã 5 Gốc Vừng) giao với Trần Phú, Chùa Hà thì rẽ phải sang QL2B, đây là lối đi Tam Đảo. TQD1: 45,4km

Đi thẳng được 6,1km thì rẽ trái, sang đường, đi qua nhà hàng Thiên Cầm, Đông Trang... chạy thẳng 500m cho đến khi cắt đường lớn Hợp Châu- Đồng Tĩnh thì rẽ trái chạy tiếp. Hoặc chạy thẳng đến ngã 4 Hợp Châu- Đồng Tĩnh rồi rẽ trái vuông góc, đi theo phương án này dài thêm 400m. TQD1: 52km
hg2.jpg

Đi hết đường Hợp Châu- Đồng Tĩnh là 10,6km, lúc này sẽ cắt với QL2C (ngã 3). Rẽ phải chạy QL2C. TQD1: 62,6km
Từ đây, luôn có biển chỉ đường hướng dẫn đi Tuyên Quang.
hg3.jpg

Chạy thẳng QL2C 38,4km cho đến khi gặp ngã 3 giao với QL37 thì rẽ trái sang QL37 theo huớng về Tuyên Quang. TQD1: 101km
hg4.jpg

Đi thêm 5km đến ngã 4 thì rời QL37, rẽ trái sang đường An Hòa (hướng nhà máy giấy An Hòa và QL2). TQD1: 106km
Đây là một ngã 3 lớn, có biển và mũi tên chỉ sang bên trái "Cầu An Hòa".

Chạy 12km hết đường An Hòa, đến ngã 3 giao với QL2 thì rẽ phải, theo hướng về Tuyên Quang. Tại đây có 01 cây xăng lớn, rất dễ nhận ra. Bạn nhìn kỹ để nhớ, khi quay về (nếu về đường này) còn rẽ vào. TQD1: 118km

Từ Tuyên Quang có thể đi thăm hồ thủy điện Na Hang tại huyện Na Hang, tuy nhiên sẽ đi đường vòng lên gần Hồ Ba Bể, Bắc Kạn. Với những người không lạ lẫm nhiều với cảnh sông/biển thì có thể không ghé thăm.

Chạy thẳng QL2 160km, qua trung tâm Tuyên Quang, thẳng đến trung tâm Hà Giang. TQD1: 278km. Check mốc 0km.
hg5.jpg

Chủ quán Cafe 0km là người nhiệt tình.

Khi đến Hà Giang, QL2 có tên là đường Nguyễn Trãi, chạy thẳng đường này, qua cầu sang sông Lô là đường Nguyễn Văn Linh (QL4C), chạy thẳng sẽ đến Tam Sơn.
hg5.1.jpg

Tốc độ trung bình toàn đoạn đường (tính cả đổ xăng, ăn uống, nghỉ ngơi) 50km/h = 5h40p. Dự trù rủi ro: 5h40 + 50p = 6h30p.

Cây xăng: Trên đường đi có nhiều, cứ khoảng 80km nên đổ xăng một lần. Nếu bạn xuất phát từ 4h-5h sáng và muốn nhanh, nên chuẩn bị sẵn can xăng dự phòng khoảng 3L đem theo, khi ấy không cần quan tâm cây xăng dọc đường, cứ khi nào hết xăng thì tự đổ.
Công an: Xe máy chỉ cần có mũ bảo hiểm, khi vào khu dân cư giảm tốc độ theo đúng quy định là được. Còn khi đi ngoài khu dân cư không ai bắt bạn cả.
 
Last edited:
PHẦN 3: <Dẫn đường> tp Hà Giang- Quản Bạ- Yên Minh- Sà Phìn- Lũng Cú- Đồng Văn- Mèo Vạc
Link bản đồ: https://goo.gl/Gr7jcq


Tính từ Quản Bạ, các điểm ghé thăm cho đến Sà Phìn đều nằm trên đường đi Đồng Văn, do đó bạn cứ đi theo biển chỉ dẫn hướng Đồng Văn là được.

QUẢN BẠ
1. Từ Hà Giang chạy thẳng QL4C, 45,5km đến Cổng trời Quản Bạ, từ đây nhìn được núi đôi Cô tiên ở thung lũng bên dưới (tuy nhiên nên đi qua cổng trời một đoạn 200-300m, dừng xe bên đường nhìn núi đôi sẽ đẹp hơn. Vào cuối hoặc đầu năm, quanh núi đôi là cánh đồng hoa cải vàng, còn vào mùa thu là cánh đồng lúa chín. TQD: 45,5km

Từ đây, bạn nên tính thời gian di chuyển khoảng 40km/h vì đường đèo dốc, khó đi.

Đi qua cổng trời 1 đoạn có Chòi ngắm tiên nằm ngay bên đường, thực tế là một nhà khách, từ đây nhìn rất rõ toàn cảnh Tam Sơn.
hg6.jpg

RỪNG THÔNG YÊN MINH
2. Đi thêm 4,3km là đến núi đôi Cô Tiên. Qua núi đôi 300m đến cây xăng của Petrolimex. Tính từ cây xăng Petro, TQD: 50,1km

Check Núi đôi không thu phí, nghe nói tại đây có bán xôi ngũ sắc, nhưng không phải lúc nào cũng có.

Đi (từ cây xăng Petro) thêm 27km đến Bản Muồng. Qua bản này là bắt đầu rừng thông Yên Minh. TQD: 77,1km

Thêm 21,2km đến ATM Agribank Yên Minh. Đây là trung tâm Yên Minh. TQD: 98,3km

VẦN CHẢI, PHỐ CÁO
3. Qua TT Yên Minh sẽ có ngã 4 giao với TL182, rẽ trái để chạy thẳng QL4C (có biển chỉ hướng đi Đồng Văn).
hg7.jpg

Được 8,7km (từ ATM Yên Minh) thì đến điểm rẽ (phải) vào Vần Chải B (qua B thì đến A). Đây là điểm bắt đầu cao nguyên đá. TQD: 107km
hg8.jpg

Đi thêm 7km đến điểm rẽ (trái) vào Phố Cáo. Nếu đi trùng phiên chợ Phố Cáo thì vào, sau phiên chợ Phố Cáo sẽ là chợ Sà Phìn họp vào sáng hôm sau. Nếu đi vào mùa hoa đào, hoa mận thì dọc hai bên đường xã Phố Cáo rất đẹp. Không tính quãng đường dạo chơi, thăm quan, TQD: 114km
hg9.jpg

PHỐ BẢNG, PHỐ LÀ, SỦNG LÀ
4. Từ điểm rẽ vào Phố Cáo, chạy thẳng QL4C thêm 5km đến ngã 4.

a) Nếu rẽ trái sẽ vào Phố Bảng, Phố Là (thiên đường hoa Tam giác mạch). 4km đến Phố Bảng, nghe nói có đồn biên phòng ở đây nhưng chưa rõ vị trí, hỏi người dân. Thêm 5km đến Phố Là.
hg10.jpg

Từ Phố Bảng có đường nhỏ sang Sủng Là dưới, sau đó chạy theo hướng quay ra QL4C sẽ đến Sủng Là. Đi theo đường này thì từ Phố Bảng đến QL4C là 6km. Hoặc quay lại ngã 4 bên trên chạy tiếp QL4C đến Sủng Là.
hg11.jpg

Nếu đi: Ngã 4- Phố Bảng- Phố Là- Phố Bảng- Sủng Là Dưới- Sủng Là- QL4C thì quãng đường sẽ là 5 + 4 + 5 + 5 + 6 = 25km. Nếu thăm Phố Là xong, quay ra Phố Bảng rồi quay ra QL4C và lại chạy sang Sủng Là thì đường dài hơn.

b) Nếu đi thẳng thêm 2km gặp tiếp ngã 4, rẽ trái theo đường đi Lao Sa (qua Sủng Là sẽ đến Lao Sa). Bạn cũng có thể rẽ luôn lối đi Lao Sa ở ngã 4 bên trên (có biển chỉ dẫn). Qua Sủng Là, Lao Sa... đi sâu vào trong thăm cảnh quan là 5km, quay ra QL4C cũng 5km.
hg12.jpg

=> Giả sử đi theo tùy chọn a) cho đến khi thăm quan xong Sủng Là, quay lại QL4C, TQD: 139km

DINH VUA MÈO, SÀ PHÌN
5. Từ QL4C (đoạn từ Sủng Là đi ra), chạy tiếp 6km đến Dinh vua mèo nằm tại địa bàn xã Sà Phìn. Ngay cạnh chợ Sà Phìn. Đây cũng là trung tâm xã.

Đi thêm 1km đến ngã 3 QL4C và Đường cột cờ quốc gia (ĐCCQG), tại đây có nhà nghỉ Hoa Đá.
hg13.jpg

CỘT CỜ LŨNG CÚ, ĐIỂM CỰC BẮC
6. Từ Hoa Đá đi thẳng ĐCCQG đến Cột cờ Lũng cú là 26,2km. TQD: 172,2km
Từ đường lớn phải đi bộ 400m lên cột cờ. Gửi xe 10k/xe, vé vào cửa 25k/người.

Từ Cột cờ lên điểm Cực bắc là 3,8km đi xe. Nghe nói phải đi bộ cả đi và về 3h. TQD: 176km

ĐỒNG VĂN, MÃ PÍ LÈNG, Mèo Vạc
Từ Cột cờ về Phố Cổ, TT Đồng Văn 25km. Nếu tính cả quãng đường về từ Điểm cực bắc thì cộng thêm 4km. TQD: 205km
hg14.jpg

Gần cây xăng Đồng Văn có quán cơm Phượt, cơm tùy giá và món. Có homestay dao động 50-60k/người. Có thể dựng lều ở Sân vận động Đồng Văn.

Từ TT Đồng Văn tiếp tục đi QL4C thêm 11km đến điểm thăm quan đèo Mã Pí Lèng. TQD: 216km
Đi tiếp hơn 10km là đến Mèo Vạc.

MÃ PÍ LÈNG- Hà Giang
1. Quay về theo đường cũ: 165km

2. Quay về theo QL4C: 169km. Đi tiếp QL4C 59,7km, đến khi giao với QL34 thì qua cầu Lý Bôn rồi rẽ phải (luôn có biển chỉ đường).

Trên đường đi sẽ qua TT Mèo Vạc. Đối diện quán net Mèo Vạc gần chợ có Homestay nhà anh Tuấn, giá 50-100k/người. Tối T7 hàng tuần Mèo Vạc có chợ đêm. Tại đây có chợ tình Khâu Vai chỉ họp mỗi năm 1 lần vào 27/3 âm lịch.
 
Last edited:
PHẦN 4: <<Thông tin>> cần lưu ý

I. Nhận xét chung của mình về Hà Giang
Mình được nghe rất nhiều lời có cánh về Hà Giang, ví dụ chỗ nào cũng đẹp, hoặc còn đẹp hơn cả trong ảnh... nhưng theo góc nhìn cá nhân, có thể vì mình đã đi những nơi còn hùng vĩ hơn, nên thấy đẹp bình thường. Thực sự thì có một số bức ảnh đẹp hơn cả đời thực, do kỹ năng của người chụp và có thể đã được chỉnh sửa để làm đẹp hơn.

Xét về sự hùng vĩ, núi non Hà Giang trùng trùng điệp điệp, nhưng sẽ chỉ thật sự đẹp nếu nhìn từ trên cao, tức bạn phải leo núi, còn nếu chỉ đi xe và ngắm cảnh trên đường, nó cũng như nhiều con đường mình đã đi qua. Nếu Điện Biên được chấm 10 điểm, thì với mình cung Hà Giang- Đồng Văn là 7 điểm, còn cung Hoàng Su Phì chưa đi, chưa dám nhận xét.

Tất nhiên, Hà Giang đẹp và có nét đẹp riêng, không giống với những nơi khác. Đây là nơi bạn nên đến, mình chỉ muốn đánh giá khách quan mức độ "hùng vĩ" của nơi này.

Có lẽ thứ giúp tô điểm và nâng cao tầm mức về vẻ đẹp của Hà Giang không phải là những dãy núi, mà là hoa tam giác mạch. Hãy tưởng tượng xung quanh bạn là núi non hùng vĩ, và phóng tầm mắt ra xa là những thửa ruộng bậc thang ngập tràn sắc hồng nhạt.

Tuy nhiên, có lẽ bạn nên đi cuối tháng 9 âm lịch (tức cuối tháng 10 dương lịch năm 2016) cho đến gần tết, bởi thời điểm mình đi đầu tháng 9 âm thì rất ít hoa, không hề thấy cảnh những cánh đồng ngập tràn như trong ảnh.

Thời điểm đẹp nhất để đi, mình nghĩ là gần tết, khi ấy hoa tam giác mạch vẫn còn (mặc dù ít, đây là số nở muộn), bạn còn được ngắm thêm hoa đào, hoa mận.

Nhận xét của mình về Hà Giang nghe có vẻ nhàm chán, nhưng bạn không nên nghĩ Hà Giang là nơi bình thường. Có thể đối với bạn hoặc với những người chưa đi nhiều, chưa có cơ hội leo lên những đỉnh núi hùng vĩ như Fanxipan, Pú Luông, Tà Sùa, chưa có cơ hội đi Điện Biên... thì Hà Giang sẽ là nơi tuyệt nhất bạn từng biết.

Nếu muốn chụp ảnh hoa tam giác mạch, bạn không nên vào những điểm ngay ven đường nằm tại trung tâm của các xã, bởi tiện đường nên rất đông người. Trên đường đi có nhiều (tham khảo thông tin bên dưới). Người dân trồng hoa để làm lương thực chứ không phải cho đẹp, nên đa số sẽ không thu tiền của bạn khi chụp ảnh.

Tình trạng chặt chém
Chưa đi Hà Giang, mình cứ nghĩ vườn hoa có rất nhiều, khi vào thăm sẽ gặp những người nông dân đã trồng hoa, ta chụp ảnh và gửi họ tiền vì đã làm phiền. Nhưng trong chuyến mình đi, đa số các điểm dừng chân có thu phí thuộc về những đối tượng chuyên làm kinh tế, chủ yếu ở trung tâm các xã, huyện... chứ ruộng của bà con dân tộc, của những người nghèo thật sự thì không có ai thu tiền chụp ảnh cả.

Tại vườn hoa chỗ Thạch Sơn Thần, mình hỏi đứa em muốn vào chụp ảnh không, nó không muốn, mình liền bảo vậy em cầm máy ra chụp Thạch Sơn Thần rồi đi tiếp. Nó cầm máy tiến sát hàng rào, định chụp thì ông chủ vườn hoa bảo muốn chụp thì phải mất tiền vì hoa là do ông trồng. Đứa em liền cất máy, lại gần chỗ mình và nói ông thu tiền, mình bảo em cứ quay lại chụp, kệ ông ấy, hoa ông ấy trồng nên mình vào vườn chụp ảnh phải trả tiền là đúng, tuy nhiên cái hòn đá này (Thạch Sơn Thần) ông ấy có xây đâu, cảnh quan tự nhiên thì không thuộc về riêng ai... Tuy nhiên tính đứa em hay ngại, nó chán nản nên không chụp nữa.

Tại Đồng Văn, vào một quán ăn 2 bát cháo Ấu Tẩu và 1 đĩa bánh cuốn (suất 01 người) hết 90k. Mình không biết bát cháo đúng giá ở đây như thế nào, nhưng mình biết chắc chắn đã bị lấy đắt, bởi còn đắt hơn cả ăn tại Hà Nội.

Khi ăn phở tại chợ phiên Mèo Vạc thì khác hẳn, chủ quán hỏi muốn ăn bát bao tiền, mình hỏi có những loại nào, chủ quán nói 10k, 20k... Ăn thử bát phở 20k, thấy tương đương với bát 25-30k tại Hà Nội.

Những ví dụ trên cho thấy, tình trạng chặt chém du khách là có xảy ra, dù chưa nhiều, đa số vẫn bán hàng đúng giá. Khi cần mua hoặc ăn gì, bạn nên hỏi giá trước.

Đồng Văn
Có người cho rằng chưa ngủ ở Đồng Văn coi như chưa đến Hà Giang. Theo mình đây là nhận xét quá mức cường điệu. Đồng Văn là nơi giàu có nhất trên cung đường này, nhà cửa san sát chẳng khác gì một góc phố Hà Nội, mà như thế có gì đặc biệt? Họ có phố cổ, gồm các ngôi nhà có kiến trúc cổ (nhà xây bằng đất), nhưng những ngôi nhà ấy bạn có thể thấy rất nhiều ở Phố Cáo, Phố Bảng rồi.

Đáng ghé thăm nhất ở Đồng Văn, theo mình là quán Cafe Phố Cổ, buổi tối họ thường có chương trình văn nghệ giao lưu các dân tộc. Buổi tối nếu đầu phố cấm đường (để làm phố đi bộ), bạn có thể chạy xe vòng đến quán từ những ngõ xung quanh. Tuy nhiên, nếu bạn không có nhu cầu hoặc không quá cảm thấy muốn tìm hiểu về văn nghệ, bạn có thể không cần quá cố gắng để ngủ ở Đồng Văn.

Ngủ ở Đồng Văn cũng có cái lợi là rất gần Mã Pí Lèng, sáng sớm có thể đến đây đón bình minh. Tuy nhiên vào mùa hoa tam giác mạch cuối năm, cũng là thời điểm trời nhiều mây... hôm mình đi, khoảng 7h vẫn chưa thấy mặt trời lên.

Đèo Mã Pí Lèng
Chỗ mỏm đá các bạn hay chụp ảnh mà giờ bị xây bê tông, chưa đi thì mình cứ tưởng nằm ở điểm cao nhất trên con đèo, đi rồi mới biết hóa ra không phải, mà nó nằm thấp, trên đoạn xuống đèo.

Vượt qua mỏm đá này, tiếp tục chạy xuống đèo theo hướng về Mèo Vạc, còn ít nhất 2-3 mỏm đá nữa nằm ngay ven đường, nếu bạn thích cảm giác hoang sơ, có thể dừng xe lại và trèo ra chụp ảnh. Tuy nhiên, bạn phải cân nhắc kỹ, mình không chịu trách nhiệm cho sự an toàn của các bạn!

Ở điểm cao nhất của con đèo, bạn có thể dừng xe, gần đó có bậc thang đi lên nhà dân, bạn lên bậc thang, trèo khoảng 15p sẽ đến được đỉnh cao nhất (của đoạn đường cao nhất), từ đây nhìn được toàn bộ cảnh quan hùng vĩ của con đèo. Dường như nhiều bạn bỏ qua điều này vì mình chưa thấy ai nhắc đến.

Từ Đồng Văn về Hà Giang
Có 2 lựa chọn như tại phần dẫn đường đã nêu. Mình khuyên các bạn nên theo lựa chọn 2, chạy tiếp QL4C, QL34... để về thành phố. Phần lớn trên con đường hơn 100km này bạn sẽ chạy song song với sông Nho Quế, ngắm nhìn dòng sông tuyệt đẹp. Không hiểu vì sao đường này khi về rất ít xe, nói đúng hơn, trên cả quãng đường đi, mình thấy mình là xe duy nhất... có thể mấy chục xe còn lại đều về theo đường cũ.

Khi còn cách HG khoảng gần 100km, bạn sẽ gặp cái cầu treo bằng thép đầu tiên (nằm bên phải đường đi). Khung cảnh ở đây tuyệt đẹp!
DSC01127-1.jpg

Đi thêm khoảng 200-300m, bạn sẽ gặp nhà dân nằm bên dưới phía phải của con đường. Nhà này có bè, nếu muốn ngồi bè chụp ảnh trên lòng sông, bạn có thể nhờ họ hoặc thỏa thuận gửi chút tiền nhờ họ đưa ra.

Thêm vài km từ chỗ cầu treo, bạn sẽ gặp "Cặp mông cô tiên", đây là tên mình tự đặt cho 2 tảng đá lớn cân đối, đặc biệt này.
DSC01141-1.jpg

Trên đường đi, vào mùa này, bạn còn được ngắm lúa chín vàng ươm.
 
Last edited:
PHẦN 4,5: <<Thông tin>> Địa điểm, phiên chợ, đặc sản tại Hà Giang

II. Các phiên chợ
Tất cả các phiên đều kéo dài từ sáng sớm đến hết trưa.

1. Chợ Quyết Tiến- Quản Bạ
Họp T7 hàng tuần.
Nằm ven QL4C cách trung tâm Tam Sơn 7km.
Đặc sản: Rượu ngô, đậu tương, hàng thổ cẩm.
Được đánh giá không có gì đặc sắc.

2. Chợ trung tâm Quản Bạ
Họp ngày CN hàng tuần.
Đặc sản: rượu ngô Thanh Vân, đậu tương, thịt treo và hàng thổ cẩm, đồ trang sức làm bằng bạc.
Được đánh giá không có gì đặc sắc.

3. Chợ Tráng Kìm- Quản Bạ
Họp ngày Mùi, Sửu
Thuộc địa phận xã Đông Hà, cách Tam Sơn 12km.
Đặc sản: Rượu ngô, hàng thổ cẩm, dược liệu, ấu tẩu, rau củ quả.

4. Chợ Lũng Phìn- Yên Minh
Họp ngày Dần, Thân.
Từ Yên Minh chạy TL182, đến ngã 3 giao với TL176 thì rẽ trái. TQD: 27,8km.
Nằm sâu bên trong nên còn giữ được nhiều bản sắc.
Đặc sản: mật ong bạc hà, chè tuyết Lũng Phìn, rượu ngô, thịt bò khô, thắng cố, thổ cẩm.

5. Chợ Du Già- Yên Minh
Họp T6 hàng tuần.
Từ Yên Minh chạy TL182, đến ngã 3 giao với TL176 thì rẽ phải, đi tiếp TL176, TQD: 50km. Cũng có thể từ Hà Giang đi thẳng TL176 đến Du Già, TQD: 72,9km
Đặc sản: Rượu ngô, thắng cố, hàng thổ cẩm và đồ đan lát.

6. Chợ Phố Cáo
Họp ngày Thìn, Tuất.
Ở ngay bên đường nhựa.
Đặc sản: Rượu ngô, đậu tương, thổ cẩm

7. Chợ Phó Bảng
Họp ngày Tý, Ngọ.
Từ ngã 3 Sủng Là đi vào 5km

8. Chợ Sà Phìn
Họp ngày Tỵ, Hợi.
Ngay cổng Dinh vua mèo, được đánh giá có bản sắc.

9. Chợ trung tâm Mèo Vạc
Họp CN hàng tuần, người dân thường tập trung từ đêm T7, đêm T7 sẽ có chương trình văn nghệ, có giải thưởng.
Đặc sản: Bò, dê, rượu ngô, thắng cố, mật ong, thổ cẩm, hoa quả.

10. Chợ Khâu Vai
Họp vào sáng các ngày mùng 2, 7, 12, 17,22, 27 (âm lịch) trong tháng.
Chợ tình họp 1 lần trong năm vào 27/03 âm lịch.

III. Địa điểm
1. Phó Bảng
Được mệnh danh “Thị trấn ngủ quên” với nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo.

Tuy nhiên, tại Phố Cáo cũng có nhiều nhà cổ, nếu bạn đã thăm Phố Cáo rồi và muốn tiết kiệm thời gian, có thể bỏ qua Phó Bảng. Mặc dù ở Phó Bảng có dãy nhà cổ san sát nhau, nhà nào cũng treo đèn lồng, nhìn tổng thể có khí thế hơn Phố Cáo... nhưng nói về kiến trúc riêng của từng ngôi nhà thì cũng như Phố Cáo. Đến hay không tùy bạn cân nhắc.

2. Dinh vua mèo
Giá vé vảo cửa 20k/người, gửi xe 5k.

Những bạn đã đi nhiều đền/chùa rồi sẽ thấy dinh này về kiến trúc chả có gì đặc biệt. Nó có giá trị lịch sử và có ý nghĩa rằng bạn đã lên Hà Giang và đã thăm dinh thôi. Trong trường hợp cần tiết kiệm thời gian, bạn có thể bỏ qua dinh. Nhưng nếu vào đúng ngày phiên chợ Sà Phìn, bạn nên rẽ qua một chút.

3. Cột mốc 428 điểm cực Bắc
Trekk cột mốc mất 3 giờ.
Tuy nhiên đây không phải điểm cao nhất trên bản đồ, nếu muốn đi cực Bắc thật sự cần có nhiều thời gian. Theo mình nếu không nhiều thời gian thì không nên đến, nó đơn giản là một cột mốc như bao cột mốc khác.

4. Cột cờ Lũng Cú
Đừng gửi xe ở bên dưới chân núi (chỗ đồn biên phòng) mà phóng thẳng xe lên trên cột cờ. Nếu các chú ấy ngăn đường không cho đi. Bạn quay ngược xe lại đoạn ngã 3 ngay đầu đường vào chân cột cờ, có một con đường rẽ vào bản Lô Lô. Bạn đi lối này sẽ leo thẳng lên chân cột cờ. Mua vé tham quan trên ấy để tiết kiệm thời gian và sức leo bậc thang bộ.

5. Hang Nà Luồng
Nà Luồng, cách trung tâm thị trấn Yên Minh khoảng 25km, thuộc địa phận thôn Nà Luồng, xã Mậu Long và giáp với xã Lũng Phìn của huyện Đồng Văn mới được tìm thấy năm 2010 được đánh giá là hang đẹp nhất so với các hang đã từng được phát hiện ở Hà Giang

6. Động Én
Thuộc địa phận huyện Yên Minh, cách thị xã Hà Giang 60 km. Từ thị xã Hà Giang, qua cổng trời Quản Bạ, qua những cánh rừng thông ngập chìm trong sương sẽ đến động Én.

Động Én còn nguyên vẻ hoang sơ nên rất đẹp.

7. Hoa tam giác mạch
Tại Sủng Là trồng nhiều, nhưng là điểm nhiều người dừng chân nên bị khai thác nhiều.

Đường vào Phó Bảng, Phó Là là thiên đường hoa tam giác mạch. Nhưng nếu không phải mùa thì không cần vào Phó Là.

Trên đường đến Lũng Cú cũng rất nhiều hoa, được coi là đẹp nhất.

Có thể thuê váy áo của người dân tộc để chụp ảnh, giá thuê từ 5k-20k/bộ.

Đi qua hòn đá được đổ bê tông ở đèo Mã Pí Lèng, xuống hết đèo sẽ có ruộng trồng hoa tam giác mạch rộng mênh mông. Đây là điểm trồng nhiều hoa nhất mình thấy trong chuyến đi đầu tháng 9 âm trên trục QL4C.

Hoa có 02 mùa trong năm. Khoảng tháng 2-3 và tháng 9-10 âm lịch. Tại Cao Bằng, mùa hoa đầu năm thường được trồng nhiều, trong khi đó tại Hà Giang mùa hoa cuối năm thường được trồng nhiều hơn.

IV. Ăn uống và đặc sản
Muốn ăn gì, bạn cứ hỏi giá trước.

1. Quản bạ
Phở Tráng Kìm tại chợ phiên Tráng Kìm

2. Yên Minh
Mình không ăn ở đây, nhưng nếu bạn muốn ăn thì có quán Minh Hải, Thiệu Hoa hoặc Hải Yến ngay cổng chợ. Đây là những quán được những người đi trước giới thiệu.

3. Đồng Văn
Quán Lương Gia, chuyên phở, gà, cá, đặc sản địa phương, cơm, rau. Tổ 6 TT Đồng Văn.

Hoặc đi ăn đồ nướng đêm.

Nên đến Cafe Phố Cổ. Buổi tối thường tổ chức giao lưu ca múa nhạc dân tộc.

4. Món ăn Thắng dền
Có bán tại trung tâm thành phố và Đồng Văn.

5. Món Thắng cố
Có tại các phiên chợ.

6. Cháo Ấu Tẩu
Rất nổi tiếng, tại thành phố, Đồng Văn và dọc đường đi nhiều quán có. Cháo nhìn chung ngon, nhưng nếu so với cháo ăn ở Hà Nội thì cũng tương đương (về phẩm chất mùi- vị). Nó nổi tiếng bởi đây là món cháo đặc trưng của đồng bào dân tộc trên này.

7. Bánh cuốn trứng
Những điểm sau được các bạn đi trước giới thiệu (mình chưa vào ăn).
Bánh cuốn Trung Lan gần quảng trường tp Hà Giang

Bánh cuốn Bà Làn 116A Lý Tự Trọng Tp Hà Giang

Hàng bánh cuốn đối diện chợ Đồng Văn cũ

Có quán bánh cuốn “bà cụ” gần Phố Cổ, Đồng Văn.

8. Cơm lam Bắc Mê
Gần TP Hà Giang, đi theo QL34

9. Xôi ngũ sắc
Theo thông tin là có tại các chợ phiên. Tuy nhiên tại phiên chợ Mèo Vạc mình đã tìm và không có. Chứng tỏ không phải lúc nào cũng có xôi này, có thể liên quan đến mùa trong năm nữa, ai có thêm thông tin xin vui lòng cung cấp giúp.

V. Chỗ nghỉ tại Đồng Văn
1. Ks Hồng Ngọc được cho là tốt nhất. Giá từ 120-180k/phòng (2 hoặc 3 giường).

2. Nhà UBND thị trấn cũ ở cuối dãy Phố Cổ nay cũng là nhà nghỉ bình dân (có thể ngủ với giá 20k/người).
Có khoảng 6 – 7 nhà nghỉ quanh đó giá rẻ hơn, dao động từ 80-120k/phòng.

3. Cắm trại
Bạn có thể dựng lều trong sân vận động. Nếu có nhu cầu ngủ sớm giữ sức khỏe thì nên cách xa những nhóm đông người đang ngồi nhậu, vì họ còn hát hò đến khuya.

Nếu sân vận động không vào được (vì đúng thời điểm tổ chức lễ hội chẳng hạn), bạn đi tiếp QL4C thêm 300m, khu vực vỉa hè đối diện cổng Bệnh viện đa khoa có thể dựng lều.
 
Last edited:
PHẦN 5: Lịch trình tham khảo

I. Đi Hà Giang 02 ngày, 01 đêm
Đây là lược ký chuyến đi của mình. Phương tiện: wave S

Ngày 01
4h xuất phát từ cầu Tó, Hà Đông, đến đón ôm, sau đó chạy Hà Giang. Trên đường có dừng chân ăn sáng 25p, nghỉ uống nước
9h25 đến km0 HG nhưng ôm ko muốn chụp ảnh nên chạy thẳng Quản Bạ
10h30 đến cổng trời
12h kém đã đến rừng thông Yên Minh, tìm chỗ nghỉ chân gần đó
12h30 xuất phát đi tiếp
13h45 đến Phố Cáo, 14h20 rời Phố Cáo, sang Phố Bảng
15h20 đến Nhà Vương
15h50 rời nhà Vương
16h55 đến chân cột cờ
17h5 rời Lũng Cú. 18h đến Đồng Văn

Ngày 02
5h30 dậy, 6h rời ĐV
7h5 đến Mèo Vạc
8h rời Mèo Vạc, về đến HG 12h25
Còn 30km đến cách HG 15km đường xấu, trước đó cũng nhiều đoạn đường xấu. Tổng đoạn đường xấu trên toàn quãng đường khoảng 17km
13h5p xuất phát về HN
17h30 đến đầu CT Thăng Long (ngã 3 cao tốc- Nội Bài). Bởi dừng chân ở đây có việc nên coi đây là điểm kết thúc hành trình luôn.

Tổng số km theo công tơ: 920km

Lưu ý:
1. Xe mình chạy chậm, nếu phương tiện của bạn nhanh hơn thì bạn có thể xuất phát muộn hơn. Hôm mình đi cũng có mấy chục xe máy và hơn chục ô tô ra vào liên tục nên tốc độ bị chậm nhiều. Nếu bạn đi cuối tuần, bạn nên xác định cũng sẽ gặp tình trạng như mình. Còn nếu bạn đi trong tuần hoặc không phải mùa hoa tam giác mạch, đường sẽ thoáng hơn, bạn có thể đi nhanh hơn.
2. Bạn có thể nằm xe khách, đi ban đêm, sáng hôm sau có mặt ở HG thì thuê xe tự chạy cung HG- Đồng Văn. Chiều ngày T2 về HG trả xe, sau đó lên xe khách về Hà Nội.
3. Nếu đi xe máy và nếu xe của bạn không nhanh hơn xe mình. Chậm nhất bạn nên xuất phát lúc 6h. Điều kiện là phải hạn chế tối đa thời gian nghỉ ngơi. Thực ra 20h- 21h bạn có mặt ở Đồng Văn cũng được, vấn đề là nếu đi muộn quá, tầm 17h ở Lũng Cú bắt đầu tối rồi, chụp ảnh không được đẹp.
4. Không nên ghé thăm bất kì phiên chợ nào trên đường đi (trừ phiên chợ được mình đánh dấu đặc sắc ở PHẦN 4), bởi khi quay về, bạn vẫn có thể vào chợ với quỹ thời gian còn lại cơ mà? Không nên ghé vào bất cứ điểm chụp ảnh có thu phí nào. Trên đường đi sẽ có nhiều điểm đẹp, miễn phí và quan trọng là rộng rãi, không quá đông người.
5. Bạn có thể không ngủ ở Đồng Văn để giảm gánh nặng cho hành trình. Nếu xác định ngủ ở Sà Phìn (gần dinh vua mèo)... thì buổi sáng ngày 01 bạn có thể xuất phát muộn, 7-8h mới từ Hà Nội đi cũng được. Nhưng như thế, ngày thứ 2 bạn sẽ phải mất thêm 2 tiếng (gần 1 tiếng đi lên Lũng Cú, chơi, gần 1 tiếng về Đồng Văn). Lưu ý ngày thứ 2 mình về HG lúc 12h30, giả sử ngày T2 bạn mới đi Lũng Cú, Đồng Văn thì cộng thêm 2h30p, tức 15h bạn mới về đến HG, đấy là nếu tốc độ của bạn bằng mình. Nhìn chung, ngay cả khi bạn đi chậm hơn mình hoặc nghỉ ngơi thoải mái hơn, 16h bạn mới về đến HG chăng nữa... bạn cũng có thể thoải mái về Hà Nội vào khoảng 22h.
6. Nếu sáng ngày thứ 02 tiết kiệm thời gian, chạy thẳng Bản Giốc... bạn vẫn kịp thăm cả Bản Giốc rồi về Hà Nội. Nhưng theo mình không nên ham hố quá, vì trên đường có nhiều cảnh đẹp, đi thăm thú thì nên có thời gian thoải mái chút. Do đó cung Hà Giang- Bản Giốc theo khuyến cáo của mình nên diễn ra trong 03 ngày.

=> Kết luận: Đi Hà Giang 02 ngày không phải chỉ suốt ngày chạy xe, sẽ mệt nếu ngày đầu bạn cố chạy cả Lũng Cú và Đồng Văn, nhưng nếu ngủ ở Sà Phìn thì đơn giản. Hoặc là, bạn từ Sà Phìn chạy về Đồng Văn, sáng hôm sau lên Lũng Cú đón bình minh, rồi quay về Đồng Văn. Dù thế nào chăng nữa, bạn nên cố xuất phát từ HN sớm nhất có thể, quỹ thời gian càng nhiều càng tốt vì còn phải dự trù các tình huống phát sinh.

Bạn hoàn toàn có thể dẫn cả đoàn đông mà vẫn đi được trong 02 ngày, với điều kiện được tổ chức tốt, các xế và ôm đủ sức khỏe.

II. Hà Giang- Đồng Văn- Thác Bản Giốc 03 ngày, 02 đêm
Ngày 01: Như phần trên
Ngày 02: Thay vì chạy về HN, bạn có từ sáng đến tối để chạy đến thác Bản Giốc, rất nhẹ nhàng. Đó cũng là lý do có thể đêm ngày 01 bạn không cần phải cố chạy đến Đồng Văn, ngủ tại Sà Phìn cũng được.

Ngày 03: Bản Giốc- Lạng Sơn- Hà Nội. Tổng quãng đường hơn 340km, có cả ngày để đi nên rất thoải mái.

Dẫn đường Đồng Văn- Thác Bản Giốc và Thác Bản Giốc- Hà Nội sẽ đưa ở phần tiếp theo.
 
Last edited:
PHẦN 6: <Dẫn đường + Hướng dẫn> Đồng Văn- Bản Giốc

I. Đồng Văn- Bản Giốc + Hướng dẫn
Tính từ điểm thăm quan đèo Mã Pí Lèng.
Link bản đồ: https://goo.gl/qWPqNE

Đi thẳng QL4C 59,7km đến ngã 3 giao với QL34 (nút giao qua cầu Lý Bôn 1 đoạn, cầu qua sông Nho Quế). Rẽ trái vào QL34.
hg15.jpg


cb1.jpg

Từ đây có 2 lựa chọn
1. Nếu đi thẳng 144,3km đến hết QL34 sẽ đến Cao Bằng, TQD: 204km

2. Đi Đường xã- TL204 đến Cao Bằng, TQD: 185km
Từ ngã 3 QL4C- QL34, đi thêm 22,3km đến trung tâm huyện Bảo Lạc. Rẽ sang đường xã song song với TL217 (có nhiều tùy chọn rẽ, xem hình).
cb2.jpg


cb3.jpg

Trên đường đi sẽ qua: Cốc Pục, Bán Phương, Cao Bắc- Xuân Trường- Pác Nạp- Thăm Tôm (gần nhau), Lũng Mật, Nà Tính, Nậm Hùm, Khuối Sói, Nậm Đông, Nà Én, Cần Yên (qua Nà Én là giao với TL204).
cb4.jpg


cb5.jpg


cb6.jpg


cb7.jpg

Được 45,1km thì đến ngã 3 giao với TL204, đây là điểm đầu Cần Yên. Rẽ phải.

Chạy thẳng 18,4km qua bưu điện văn hóa xã Lương Can đến cây xăng Hoàng Anh.

Đến đây lại có 2 phương án.
a) Chạy thêm 2,2km (chạy qua ngã 3 Cốc Ca), đến cây xăng Thông Nông.

Chạy thẳng 22,1km qua cầu sang sông Bằng, gặp ngã 3 giao với TL203, rẽ phải sang TL203, chạy thẳng (khi gặp đường Hồ Chí Minh thì rẽ vào) là đến Cao Bằng (ra đường lớn sẽ có nhiều biển chỉ đường).
cb8.jpg


b) Chạy đến ngã 3 Cốc Ca rẽ trái đi tiếp TL204, sau khi qua sông Bằng tiếp tục chạy cho đến ngã 3 giao với TL203, rẽ phải về Cao Bằng. Phương án này dài hơn a) 4,5km.

Cơm bụi Cao Bằng 25- 30k/suất.

THÁC BẢN GIỐC
Từ TT Cao Bằng chạy thẳng QL3 35,5km đến ngã 3 giao với TL207, rẽ trái. Đây cũng là hướng rẽ về UBND huyện Quảng Uyên.

Chạy TL207 2km thì rẽ trái sang TL206, chạy 22,5km theo hướng về TT huyện Trùng Khánh. TQD: 60km (tổng quãng đường tính từ Cao Bằng).

Chạy thẳng TL206 thêm 24km đến Thác Bản Giốc, thuộc địa phận xã Đàm Thủy. TQD: 84km

Có thể dựng lều ngủ nhờ ở phía sau trạm biên phòng Bản Giốc (ở km 83,3 của TQD, tức trước thác Bản Giốc 700m). Ở đây có thiếu tá Phạm Văn Bang. Có thể nhờ chỗ tắm giặt và vệ sinh cá nhân.

cb9.jpg

Xuống thác trước 7h sáng không mất tiền vé, nếu mất thì 25k/người. Sẽ có thành phần kinh doanh đòi tiền xe nhưng họ chỉ dọa, không cần gửi, cứ phi xe vào. Gần thác có mốc giới 836.

Vào chùa Trúc Lâm (miễn phí) có góc nhìn rất đẹp, ngắm được toàn cảnh thác.

Gần đây có động Ngườm Ngao vé 35k/người, gửi xe 10k/xe.
 
Last edited:
PHẦN 7: <Dẫn đường> Bản Giốc- Hà Nội
Tính về đến hồ Gươm.

Có 02 tùy chọn
1. Cao Bằng- Bắc Kạn- Thái Nguyên- Hà Nội: 366km
Trên đường về bạn có thể thăm hồ Ba Bể tại Bắc Kạn.

2. Huyện Quảng Uyên (Cao Bằng)- Lạng Sơn- Hà Nội: 343km
Link bản đồ: https://goo.gl/6FrQ9K

Đường này dễ đi hơn, vì chỉ mất thời gian đoạn về Lạng Sơn, từ LS về HN đường rất đẹp.

Từ Bản Giốc quay lại Huyện Quảng Uyên 48,5km, rẽ trái theo QL3 21,4km về TT xã Phục Hòa.

Rẽ phải sang TL208, qua sông Bằng 27,4km về Đông Khê. Tại đây có di tích lịch sử Đông Khê.

Chạy thẳng QL4A 74,4km (qua huyện Tràng Định, Văn Lãng- Lạng Sơn) đến Đồng Đăng- Lạng Sơn. Có thể thăm chợ Đồng Đăng và cửa khẩu Hữu Nghị.

Chạy QL1A, rẽ trái sang Trần Đăng Ninh đến TT Lạng Sơn 14,6km, hỏi đường ra QL1A để về Hà Nội. Nếu không muốn thăm tp Lạng Sơn thì vẫn chạy thẳng QL1A là về Hà Nội.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,179
Bài viết
1,150,356
Members
189,939
Latest member
chuyengiatrimun
Back
Top