What's new

[Chia sẻ] Nhật ký những chuyến đi của vợ chồng nhà Lũng: Hà Giang và trái tim của đá

Nhật ký những chuyến đi của vợ chồng nhà Lũng: Hà Giang và trái tim của đá

Hà Giang – đó là một trong những vùng đất luôn nằm ở vị trí đầu tiên trong wishlist của chúng tôi. Ấy vậy mà, kế hoạch khám phá vùng đất này cứ lần lữa mãi, và phải sau 5 mùa hoa nở chúng tôi mới có thể đặt chân đến Hà Giang lần đầu, để có thể trải nghiệm trọn vẹn cái chất núi rừng trong từng cảnh vật, con người và nếp sống nơi đây.
Chúng tôi không phải là phượt thủ, chỉ đơn giản là những người muốn khám phá và trải nghiệm qua từng bước chân đi, trước khi quá già để có thể làm được điều đó.


CHUYỆN THỨ NHẤT: CHUẨN BỊ

Cái cốt lõi để có thể thực hiện chuyến đi này đó là thời gian: sắp xếp thời gian để cả 2 vợ chồng cùng có thể nghỉ phép, để có người trông con … là cả một vấn đề. Việc này dù khó, nhưng có thể thu xếp được và nằm trong khả năng.
Vấn đề thứ hai là đặt vé máy bay. Vé máy bay đi về Sài Gòn – Hà Nội không khó, nhưng để có được vé giá rẻ thì phải … tùy duyên. Chúng tôi đặt mục tiêu săn vé rẻ vì còn tính đến phương án hủy vé nếu giờ chót không thu xếp được (do công việc khá bận rộn). Trong các hãng có vé rẻ, theo kinh nghiệm nên chọn Jetstar, vì hãng này ít delay (cá nhân tôi đi chưa bao giờ bị delay quá 15 phút) và ít gặp tình trạng vé ảo. Chúng tôi đã có được cặp vé khứ hồi cho chuyến đi từ 13-16/11 vào đầu tháng 9, chi phí cho 2 vợ chồng chưa đến 2 triệu đồng.
Vấn đề thứ ba là tìm bạn đồng hành. Vì chúng tôi sẽ di chuyển bằng xe máy ngay khi đặt chân đến Hà Nội, cung đường cực Bắc chúng tôi chưa thực hiện lần nào nên bạn đồng hành là không thể thiếu để hỗ trợ lẫn nhau. Sức hấp dẫn của Hà Giang giúp chúng tôi rủ rê thêm được 5 đồng chí, toàn những người dày dặn kinh nghiệm trong việc leo đèo vượt dốc.
Vấn đề thứ tư: phương tiện di chuyển. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết giữ ý định di chuyển bằng xe gắn máy suốt chặng đường từ Hà Nội đến Hà Giang và ngược lại. Xe sẽ được thuê tại Hà Nội. Lịch trình cụ thể như sau:
- Ngày 1: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Tuyên Quang – Hà Giang – Quản Bạ - Yên Minh
- Ngày 2: Yên Minh – Đồng Văn: ghé thăm nhà Vương, Lũng Cú
- Ngày 3: Đồng Văn – Mèo Vạc – Bắc Kạn: chinh phục Mã Pì Lèng
- Ngày 4: Bắc Kạn – Hà Nội

22486131754_c6de08e2bd_c.jpg


23108899425_02c0ab95fa_b.jpg


22690464478_93ddbf25a3_b.jpg


22486131864_3b1182d46d_b.jpg



Mọi chuyên có vẻ rất suôn sẻ.
Vấn đề cuối cùng: những chuyện không lường trước được.
Lễ hội hoa tam giác mạch được công bố sẽ tổ chức ngay đúng khoảng thời gian chúng tôi có mặt ở Hà Giang. Thông tin này thoạt đầu làm tôi vô cùng thích thú, cho đến khi gần đến ngày khởi hành, tôi nhận ra đó là một sai lầm: hàng loạt bài báo nói về cảnh quá tải du khách trên Hà Giang, cảnh kẹt xe trên đỉnh Mã Pì Lèng, cảnh các đồng hoa bị giẫm nát dưới chân các phượt thủ … Tôi sợ mình phải ngắm một Hà Giang không còn nguyên sơ như tưởng tượng.
Quả nhiên, việc đặt phòng ở thời điểm này là một việc khó hơn lên trời. Cái list phòng trọ dài dằng dặc đều trả lời hết phòng đến tận tháng 2 năm sau làm nản lòng các chiến sĩ. Không để chuyến đi ấp ủ bao lâu bị trì hoãn vô thời hạn, tôi phải tìm cách. Lúc này facebook bắt đầu phát huy tác dụng của nó. Tôi vào các trang fanpage của Hà Giang, trò chuyện với người dân bản xứ và có được trong tay một số địa chỉ cho du khách thuê dạng homestay. Tôi đặt được chỗ nghỉ ở Yên Minh cho đêm đầu, ở Đồng Văn cho đêm thứ hai. Hai người chủ nhà cho thuê rất nhiệt tình và tận tình tư vấn mọi thứ
Trước khởi hành 2 ngày, tôi nhận được tin nhắn Zalo của em gái cho thuê chỗ ở Yên Minh: “Chị này, đi cẩn thận nhé, trên này mưa dữ lắm. Mưa suốt từ mấy hôm nay”. Tối hôm đó trên tin tức thời sự cũng phát bản tin về áp thấp nhiệt đới đang tràn xuống Hà Giang.

23120254881_0e8c3e51d9_c.jpg


Tôi bắt đầu nản.
Chồng tôi bảo, đã lên kế hoạch thì cứ đi. Đi và chuẩn bị tất cả mọi phương án.
Thế là nhóm chúng tôi mang theo lều, túi ngủ (để có thể ngủ lại bất cứ đâu trên đường), thật nhiều găng tay và tất chân, áo ấm…
Sáng sớm hôm sau khởi hành, mà tối đó Yên Minh vẫn đang chìm trong mưa…
 
Last edited:
Re: Nhật ký những chuyến đi của vợ chồng nhà Lũng: Hà Giang và trái tim của đá

CHUYỆN THỨ HAI: TRỜI CHẲNG PHỤ LÒNG NGƯỜI

Chúng tôi lên đường với biết bao điều lo lắng.
Chuyến bay cất cánh đúng thứ sáu ngày 13.
Cái sợ trước mắt là chuyến bay bị delay. Nếu delay thì mọi kế hoạch sẽ bị ùn ứ lại, mà đoàn chúng tôi đến từ 2 chuyến bay khác nhau nên xác suất bị delay sẽ nhân lên. Vợ chồng tôi cùng 2 người bạn đến Hà Nội lúc 7h30 sáng (thật may là đúng giờ), ngồi trên máy bay thấy trời quang đãng, vậy mà đáp xuống mặt đất trời chuyển âm u, mưa lất phất. Cả đám ngồi chờ những người còn lại đáp xuống sau đó 1 giờ.
May mắn tiếp theo là chuyến bay còn lại cũng không bị delay.
Tôi bắt điện thoại gọi cho Truyền (em gái cho thuê phòng trọ ở Yên Minh), hỏi thăm tình hình thời tiết. Truyền bảo sáng nay thấy mưa đã tạnh rồi, cứ an tâm mà đi. Em còn nhắc nhớ mang áo ấm vì trời đã se lạnh. Tự dưng thấy vẫn còn chút hy vọng vào thời tiết.
Có lẽ trời cũng đãi người có lòng, nên suốt hành trình 4 ngày chúng tôi không hề gặp mưa (mà thay vào đó là một “đặc sản” núi rừng khác mà tôi sẽ viết ở phần sau). Dù có đôi lần cả đoàn thót tim khi đứng dưới chân đèo nhìn lên đỉnh thấy mây đen nhuốm một màu xám xịt.
Có một sự thật là 2 vợ chồng tôi là những người duy nhất không mang theo lều. Vì tôi nghĩ, bằng bất cứ giá nào cũng phải gõ cửa nhà dân mà xin ngủ nhờ, chứ nhất quyết không dựng lều ngủ giữa rừng. Mọi người có hỏi: “Thế nhỡ xung quanh không có nhà dân thì sao?”, tôi chẳng biết khi đó sẽ thế nào, nhưng tôi có lòng tin cái số của mình chẳng xui xẻo đến vậy (hơi duy tâm một chút). Và điều đó đúng đến hết chuyến đi (ơn trời).
May mắn nhất của đoàn có lẽ là thời điểm, nó như một cái duyên. Theo kế hoạch chúng tôi sẽ ghé thăm cột cờ Lũng Cú (cực Bắc Việt Nam) vào chiều ngày thứ hai sau khi tham quan nhà ở của vua người Mèo. Thế nhưng, hôm đó trời tối nhanh, trong đoàn có xe đã sắp “đình công” sau 2 ngày leo dốc mòn mỏi. Chúng tôi thảo luận nhanh và quyết định dời chuyến tham quan Lũng Cú vào sáng hôm sau. Dời kế hoạch là cả một câu chuyện khó khăn (bởi ngày 3 của chúng tôi là một hành trình khá dài từ Đồng Văn về Bắc Kạn, phải chinh phục cả đỉnh Mã Pì Lèng huyền thoại). Tối đó cả đoàn lại thảo luận xem có bỏ qua Lũng Cú hay không. Với cá tính quyết đoán, chồng tôi và một người bạn quyết định giá nào cũng phải đặt chân đến cột mốc quan trọng này. Thế là không cách nào khác hơn, cả đoàn phải thức dậy vào lúc 4 giờ sáng để 5 giờ sáng có thể khởi hành lên Lũng Cú. Từ Đồng Văn đến Lũng Cú là một con đường độc đạo hơn 50 cây số đi về, đường toàn dốc thẳng đứng.
Và chính quyết định này đã đem lại cho chúng tôi những cảnh sắc huyền ảo đến ma mị, cái đẹp chỉ xuất hiện duy nhất một lần (bởi đoạn quay về cũng cung đường ấy, cảnh vật ấy, nhưng cái chất ma mị đã biến mất khi nào không rõ)

Khởi hành khi núi rừng còn say ngủ
22692564287_8e0bda665c_b.jpg


Mặt trời tỏa hào quang trên thung lũng mờ sương
22489586913_c5f85ff7cd_b.jpg
 
Re: Nhật ký những chuyến đi của vợ chồng nhà Lũng: Hà Giang và trái tim của đá

CHUYỆN THỨ BA: VÙNG BIÊN GIỚI

Hà Giang nằm ở cực Bắc, nên việc nhìn thấy các biển báo vùng biên giới cũng là chuyện thường tình. Trên suốt dọc đường đi từ Yên Minh đến Lũng Cú, chúng tôi liên tục bắt gặp những tấm biển thông báo đây là vùng giáp ranh giữa hai nước. Cảm giác mình đang đứng bên này sườn núi, cách bên kia là một đất nước khác (đặc biệt là Trung Quốc) thật khó diễn tả.

Tin nhắn này sẽ xuất hiện khi bạn đặt chân đến vùng biên giới
22767308307_ab18dddf37_b.jpg


Thế nên, một trong những điểm dừng chân không thể bỏ qua chính là cột cờ Lũng Cú, nơi đánh dấu lãnh thổ Việt Nam, với lá cờ đỏ sao vàng lúc nào cũng tung bay trong nắng gió cao nguyên.
Như đã nói ở trên, chúng tôi khởi hành đến Lũng Cú khi trời vừa sáng, băng qua những cung đường uốn lượn dưới màn sương. Núi này xen lẫn núi kia, tầng tầng lớp lớp. Lên cao nhìn xuống, những ụ sương mù đọng thành dãy dài giữa những khe núi, mà tôi chẳng thể dùng từ nào khác để diễn tả ngoài 2 chữ : “Sông sương”. Tiếc là phải chạy gấp để đảm bảo tiến độ nên chẳng kịp chụp được một bức ảnh của khung cảnh tuyệt mỹ này.
Đến Lũng Cú, chúng tôi không leo lên cột cờ ngay mà đến một đia điểm thú vị hơn: cột mốc 422 và 423 nằm trên 2 đỉnh núi. Thay vì đi thẳng lên điểm gửi xe tham quan cột cờ, bạn tiếp tục rẽ trái một đoạn chừng 2 km nữa thôi, thì sẽ tới cột mốc. Con đường nhựa đang uốn lượn bỗng dưng cắt cụt bởi một núi đá giữa chừng, đánh dấu vùng biên giới. Từ đây, muốn đi tiếp bắt buộc phải xuống xe và đi bộ qua con đường đá chênh vênh ngăn cách một bên là núi, một bên là vực. Ấy thế mà, chúng tôi vẫn bắt gặp một em bé dắt theo chiếc xe đạp, chở cỏ phía sau, băng qua con đường tử thần ấy một cách thản nhiên như thường ngày vẫn vậy. Chúng tôi đứng trên đường, nhìn lên đỉnh vách đá, thấy xa tít trên đó là cột mốc 423. Chúng tôi gọi em bé lại hỏi thăm. Tôi hỏi em biết tiếng Kinh không, em bảo nói được, lại hỏi có thể lên được đến cột mốc không, em bảo có đường lên nhưng phải đi bộ chứ không đi xe, hỏi đường đi lên có khó không, em bảo không (lạy trời, em nói dễ đi đồng nghĩa với chúng tôi sẽ leo khá vất vả, em nói khó chắc là… bỏ cuộc sẽ tốt hơn). Chồng tôi và 2 người bạn nam trong đoàn quyết định sẽ chinh phục 2 cột mốc này, dự kiến thời gian đi về là một giờ đồng hồ. Chúng tôi cử 1 anh ở lại để trông chừng đồ đạc và trông luôn 3 bạn nữ trong đoàn.

Con đường nhựa bị cắt cụt, thay bằng đường đất nhỏ xíu ngăn cách một bên là núi, một bên là vực

22865680160_5ccd6eb491_b.jpg


Em bé này đã chạy chiếc xe đạp nhỏ băng qua con đường chênh vênh chỉ nhìn thôi đã rợn cả người. Tôi mượn chiếc xe của em đạp thử, chẳng tìm thấy thắng xe ở đâu, được một phen hú hồn
22534468563_a0e021cb5b_b.jpg


Người dân gùi cỏ băng qua sườn núi
23161472585_4005816205_b.jpg


3 người bắt đầu leo dốc, thoạt đầu còn trao đổi qua lại, một chốc nữa thì người đứng dưới không còn nghe được tiếng của người bên trên.
Chờ ở dưới, tôi và 2 chị trong đoàn quyết định đi bộ ngược trở ra (do có một cánh đồng hoa quá ư hấp dẫn ở đó). Ba người vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, cho đến khi tôi mãi chụp ảnh nên tụt lại phía sau, một chị mới giật mình: “Chết rồi, xung quanh không một bóng người, nhỡ chẳng may bị bắt cóc cũng không ai hay biết”. Một cảm giác ớn lạnh bao phủ xung quanh, nhìn lại người bạn nam đang có nhiệm vụ trông chừng chúng tôi đã khuất bóng sau con đường uốn lượn, không ai bảo ai, cả 3 quyết định quay lại vùng biên giới.
Thật ra không hẳn là xung quanh không một bóng người, thỉnh thoảng vẫn có 1-2 người dân tộc đi xuống từ trên núi, họ thồ những bao tải (không biết chứa những gì, tôi có hỏi nhưng họ trả lời bằng giọng lơ lớ tôi nghe không rõ) chất thành đống rồi lại leo trở lên.
Chờ một lúc thì 3 người khám phá cột mốc cũng đi xuống, và thuật lại câu chuyên trên lưng chừng núi
Thì ra, ba người bọn họ cũng gặp những người dân tộc đi lên núi thồ đồ, hỏi thăm và được chỉ dẫn con đường lên cột mốc 422 (riêng cột mốc 423 xác định luôn là không leo nổi, vì đường dốc và khó đi). Sau khi chỉ đường thì bác người dân tộc bóc điện thoại gọi cho ai đó, nói bằng tiếng Trung. Cả 3 người bắt đầu rét, cứ sợ họ gọi đồng bọn đến bắt. Nhưng cái máu phiêu lưu nó thấm sâu lắm rồi, nên vẫn cứ liều đi.
Cột mốc 422, nó cũng giống như một cái biển báo cây số, nhưng được dựng hoành tráng hơn một chút. Bên phía Việt Nam ghi giản dị dòng chữ: Việt Nam, 422. Bên phía Trung Quốc ghi chữ Hoa và hình ảnh đầu lâu xương chéo (3 anh hùng kia chỉ chụp được ảnh phía bên này, còn bên nước bạn chẳng dám chụp vì trông thấy đài quan sát ở cách đó không xa).

Họ đã leo, và họ đã tới
22532953024_b9245b6632_b.jpg


Con đường trở lại từ cột mốc 422
23142647896_34c675962b_b.jpg


Nghĩ cũng lạ, đôi khi, có những nơi chốn mà chỉ cách một bước chân là hai thế giới đã hoàn toàn khác biệt.
Một lúc sau, khi đã yên vị ngồi ăn bắp nướng, thưởng thức ly trà nóng dưới chân cột cờ, chúng tôi được nghe chị chủ quán kể về những người đã bị bắn khi vượt qua cột mốt, cũng có những người bị bắt đi. Bất giác tôi hỏi: “Chị ơi, thế những người bị bắt, họ có về lại không?”, và nhận được câu trả lời khiến cả đám rùng mình: “Chưa thấy ai về hết em à!”.
Người ta gọi đó là sự liều lĩnh.
Nhưng đôi khi, cũng nên trải nghiệm một lần. …
 
Re: Nhật ký những chuyến đi của vợ chồng nhà Lũng: Hà Giang và trái tim của đá

Mình đã từng phượt nhiều chỗ, trong đó ở miền bắc mình thấy cung Hà Giang và cung Lạng Sơn là thích hơn cả :D
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,068
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top