What's new

Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy.

Thân chào năm mới 2017 tới toàn thể ACE,

Cảm giác của bạn sau khi kết thúc một hành trình thường là gì? Phải chăng mỗi hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một cảm giác trống trải trong bạn? Và để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn đó bạn lại lên đường tìm kiếm thêm một cuộc phiêu lưu khác, trải nghiệm khác?

Cách đây không lâu, các chuyến đi của HDD82 bắt đầu từ sự thôi thúc đam mê miền đất mới, tâm trạng đầy háo hức và kích thích. "Thôi thúc + Đam mê" là công thức dẫn tới các cuộc hành trình khám phá trước đó. Tuy nhiên theo thời gian mọi chuyện đã có sự đổi khác: Đam mê thì vẫn còn nhưng thôi thúc thì giảm xuống. Tâm trạng cao trào bốc đồng ngày trước đã không còn nhiều nữa, thay vào đó là bình tĩnh tự tại, bình thản đối diện với mọi việc hơn. Và do không còn nhiều thôi thúc nên HDD82 từng suy nghĩ nhiều về lý do tại sao mình lại "phải" tiếp tục lên đường nữa? Nếu đi thì đi đâu? Nước nào? Lý do tại sao? Có nhất thiết phải đi? v.v và v.v.

Không còn là để củng cố cái Tôi bản thân nữa, không còn muốn được nhiều người biết tới, muốn tự hào, muốn chinh phục tự nhiên, chinh phục cái này cái kia... Các chuyến đi "khám phá" trong dấu ngoặc kép thật ra giống cảm giác về lại tự nhiên, về nhà, về lại con người xưa của ta. Được đi đã là niềm hạnh phúc rồi. Còn đi đâu mà không được? Và cần gì phải có lý do?
Đi để làm giàu trải nghiệm cuộc sống, làm mới cảm xúc, làm phong phú cảm nhận để rồi liên tục cho đi, liên tục chia sẻ với mọi người mà không mong được nhận lại.

"Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy" xin phép được ra đời!
 
- Lại xem tên Châu Á này nấu nướng nè...

Từ một người, hai người, đến cả mấy tay nhóc tì cũng xúm quanh lại xem cái nồi cơm điện, mấy loại tôm khô, ruốc, rong biển, kể cả mấy sợi miến... mà tay Châu Á đang bày biện trên bàn chuẩn bị nấu nướng một cách rất tò mò. Khách du lịch không phải là ít, nhưng khách du lịch mà mang theo cả nồi cơm điện để nấu cơm ăn hàng ngày thì dân ở đây hình như chưa thấy hay sao đó? Các loại như rong biển, tôm khô mấy đứa đều ngạc nhiên và khi tôi mời họ nếm thử thì không ai nỡ từ chối. Ở đây không có điện nên phải nấu bằng bếp ga, tuy nhiên nấu bằng ga thì xem ra còn tốt hơn bằng điện. Các thứ như cơm cháy, xôi cháy cứ thế mà xuất hiện dưới đáy nồi, ăn rất ngon mà nếu nấu bằng nồi cơm điện thì chắc không có được. Buổi tối tôi thường ăn chung với Joshep, Danish, John... còn lại thì tự nấu ăn cho mình. Người Maasai không có ăn chung mâm giữa đàn ông, đàn bà. Phụ nữ thì ăn ở dưới bếp, còn đàn ông thì ăn trên nhà.

Trong số mấy người ở nhà Joshep tôi để ý một cậu bé thanh niên trẻ tên là Solomon. Nhà cậu ở tít dưới xa trong xóm, cậu xin vào đây dọn vệ sinh toalet, phụ việc nấu ăn... để có tiền trang trải thêm học phí. Bọn trẻ con, thiếu niên ở đây học tới cấp 2 thì phải lên các thị trấn lớn hơn như Narok, Kericho để tiếp tục học lên cấp 3 hoặc Đại học. Gia đình Solomon đông anh chị em nên không đủ tiền cho cậu ta học lên cao hơn, Solomon phải đi làm thêm để nuôi giấc mơ thoát nghèo.
Tôi nói:
- Này Solomon, em có thể mua giúp cái bấm móng tay không?
Solomon nói:
- Bấm móng tay à? Được, ở quầy tạp hóa gần đây có bán.
- Đây, tiền đây. Nhờ em mua giúp nhé!
Cu cậu Solomon nhanh nhảu chạy như bay ra ngoài trời, dù mưa hơi lất phất. Mười lăm phút sau cậu ta quay lại đưa cho tôi mấy con dao lam.
Tôi nói:
- Ủa? Dao lam à?
- Đúng rồi. Bọn em hay cắt móng tay bằng dao lam.
- Hả? Làm sao cắt được?
Solomon cười cười chỉ cho tôi cách đưa ngọn dao lam sát thịt để cắt móng tay như thế nào... "Nguy hiểm quá. Anh không cắt được. Em mua cái bấm móng tay được không? Ở quầy tạp hóa có bán không?". Lần này tôi cố diễn tả cái bấm móng tay là như thế nào.
Solomon nói:
- Ở đây không bán, nhưng ở làng bên cạnh thì có. Để em đi mua cho.
Cu cậu không nói không rằng vẫn đầu trần phóng ra ngoài trời mưa. Lần này là leo lên một chiếc xe máy hai thì. Xe không nổ. Cậu ta hì hục với thằng Danish đẩy xe nổ máy. Tôi thấy ngại quá vì trời mưa gió thế này... Đang định nói "Thôi" thì Solomon đã phóng xe đi mất tiêu. Một tiếng đồng hồ sau mới thấy Solomon quay trở về, trời vẫn còn mưa... Cu cậu nói "Làng bên" mà thật ra là cả mười cây số. "Hì hì". Cậu ta cười nhe răng lấy trong túi nilong ra chiếc bấm móng tay, lẫn lộn trong đó là mấy quả cà chua chín bị dập nát gần một nữa vì đường xấu... "Cảm ơn Solomon nhé!"

32961908861_f0a5420773_c.jpg


32932861052_078aca407c_c.jpg


32273700623_6430af9bed_c.jpg
 
- Này Dong. Hôm nay tôi sẽ dẫn cậu đi tìm hiểu cuộc sống của người Maasai chúng tôi là như thế nào nhé.
Vào ngày thứ năm ở lại Semadep - tức là lâu hơn dự kiến hai ngày - Danish bắt đầu chỉ cho tôi thấy một số hoạt động sinh hoạt hàng ngày và văn hóa người bản địa. "Văn hóa" đầu tiên có thể thấy và dễ thấy nhất là "văn hóa" đi bộ. Đi bộ từ làng này qua làng qua, đi bộ chăn gia súc, đi bộ chục kilomet để tới chợ... là hoạt động thường ngày của người Maasai. Kèm với "văn hóa" đi bộ là chế độ ăn uống giống người nguyên thủy xa xưa, cơ bản chế độ ăn của người Maasai chỉ gồm có thịt và rau quả. Ở Phương Tây vài năm gần đây rộ lên phong trào ăn kiêng theo phương pháp Paleo và việc ứng dụng lối sống nguyên thủy để phòng chống bệnh tật và giữ cho thân hình khỏe mạnh, cân đối. Mọi người đều biết rằng lối sống ít vận động của chúng ta hiện nay, kèm theo thói quen tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến, đường... làm gia tăng tỉ lệ các loại bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Thực tế là chúng ta đã tiêu thụ rất nhiều thực phẩm đã qua giai đoạn phun thuốc trừ sâu, chất bảo quản, đặc biệt là ăn quá nhiều đường, đường khiến cơ thể tích lũy chất béo. Rất nhiều loại chất béo trong thực phẩm chế biến gây hai cho sức khỏe và không an toàn.

Ở trên Thế giới, có hai tộc người gần như miễn dịch với những căn bệnh này, đó là người Inuit ở Bắc Cực và bộ tộc Maasai ở Kenya. Họ hiếm khi chết vì đau tim, đột quỵ, ung thư, mà là do tuổi già, virus, hoặc do thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Lý do? Đó là "văn hóa" đi bộ vận động nhiều và chế độ ăn uống gần gũi thiên nhiên giống người... tiền sử! Trong thời gian ở lại đây, mặc dù phải đi bộ nhiều, ăn uống thì có phần qua loa, tắm rửa bằng nước sông nhưng tôi cảm thấy cơ thể rất khỏe, vết thương ở đầu gối mau lành và đêm nào cũng ngủ rất ngon. Tuy vậy cũng phải chịu thua với khả năng đi bộ dẻo dai của tay Danish và John, tôi cảm thấy với họ đi bộ đơn giản cũng giống như hít thở vậy. Lúc nào hai tay này cũng đứng lại chờ tôi một lúc vì họ đi quá nhanh, còn tôi lại quá chậm. "Bị cảm lạnh ư? Tôi chỉ cần đi bộ chục cây số là khỏe ngay ấy mà". John cười nói.

32332157433_5901839e2c_c.jpg


32332151503_5f0c99cb13_c.jpg


Danish dừng lại trước một cái cây xanh tốt trên đường đi, hắn lẳng lặng rút ra... con dao. Chặt một nhánh cây nhỏ và vót bỏ lớp vỏ xù xì bên ngoài, hắn cho vào miệng nhai nhóp nhép. "Này Dong, cắn thử một phát đi. Cây này giúp vệ sinh răng miệng tốt lắm. Chúng tôi dùng để thay thế cho kem đánh răng đấy!". Cắn vài cái để cho đầu nhánh cây toe ra, tay Danish quét quét cái đầu toe đó vào răng giống như đang đánh răng. Thật ra thì người Châu Phi nói chung và Kenya nói riêng có hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp và chắc khỏe. Thử cắn cái cây này là biết vì sao răng của người Châu Phi khỏe...

33020341911_5af39ab217_c.jpg


33147630425_d05f1568c1_c.jpg
 
Nhà cửa trong làng một số được bêtong hóa nhưng đa phần người dân sống trong nhà đất. Kiểu nhà phù hợp với lối sống du mục lang thang chăn gia súc của người Maasai từ thời xưa vì vật liệu dễ kiếm và thời gian hoàn thành nhanh. Nhà chỉ cao hơn đầu người một chút, được làm toàn bộ bằng loại cây có tính dẻo dai đàn hồi. Loại cây này vốn sinh trưởng khắp nơi ở Kenya. Sau khi dựng xong khung nhà bằng cành cây, họ dùng một hỗn hợp gồm đất, cát, bùn và phân gia súc để bôi trét lên xung quanh. Phần tường và phần mái nhà đều được làm cùng một cách giống nhau, cùng loại vật liệu. Thật hay là loại hỗn hợp tự nhiên này có thể chống mưa gió rất tốt. Hoàn toàn không bị dột khi trời mưa, trời nắng thì lại mát mẻ. Ngoài cửa chính đi ra đi vào thì họ chỉ làm thêm một, hai cửa sổ nhỏ để có ánh sáng sinh hoạt. Cả gia đình đều sống trong một mái nhà kiểu như vậy. Ngoài bếp và chỗ ngủ ra thì trong nhà gần như không còn gì nữa. Thật không thể tìm đâu ra được căn nhà "gần gũi thiên nhiên" như kiểu nhà này. Tuy không chỉ người Maasai mà nhiều dân tộc thiểu số ở nhiều nơi đều xây nhà theo kiểu tương tự, nhưng điều kiện kinh tế phát triển nên nhiều bộ tộc đã không còn sống như vậy nữa. Và do đó, giới trẻ ở các thành phố bây giờ khó mà hình dung được sống trong nhà đất là như thế nào cho đến khi họ tận mắt nhìn thấy chúng...

33147634695_4fc9ce9438_c.jpg


Trong làng có một cái cây to với chùm trái xum xuê to. Tôi tò mò đến hỏi thì họ nói rằng tuy trái cây này không ăn được nhưng có thể ngâm làm rượu.

33147636575_2b79da1008_c.jpg


33106010506_10761e4271_c.jpg
 
Người Maasai thích nhảy múa ca hát. Các chiến binh Maasai lại càng thích các điệu nhảy thể hiện được vẻ đẹp, sức mạnh của mình. Danish và John dẫn tôi tới ngôi làng kế bên, nơi người Maasai vui vẻ chấp nhận khách du lịch tới thăm tìm hiểu về văn hóa của họ. Biết rằng số tiền tiêu dùng ở đây sẽ phần nào đó giúp người bản địa vẫn còn đang sống khó khăn nên tôi rất vui vẻ, hoàn toàn khác với lúc cò kè từng đồng một với các công ty du lịch. Thật ra công việc của các chiến binh Maasai thời hiện đại không còn là đi săn sư tử, thú rừng nữa mà chủ yếu là bảo vệ đàn gia súc khỏi bị tấn công. Săn bắn thú rừng là vi phạm pháp luật, kể cả trong trường hợp bị sư tử hoặc báo tấn công giết hại gia súc người Maasai cũng sẽ trình báo lại cho phía cơ quan chức năng để được đền bù lại bằng tiền mặt. Tuy sống hòa vào thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên văn hóa của các chiến binh Maasai không vì thế mà mai một.
Nhìn nụ cười thân thiện của mấy anh Maasai này tôi vẫn cảm thấy gương mặt họ có phần hiếu chiến hơn Danish và John. Da họ đen hơn, thân hình gầy hơn, cao hơn còn đôi mắt thì dữ tợn, hoang dã hơn. Kèm theo đó là giọng hát trầm trầm, âm thanh từ chiếc sừng bò tót thổi trầm vang như thiết xa rầm rầm ra trận khiến con người ta không khỏi lạnh gáy. Mấy lần tôi liếc nhìn sang tay Danish thấy hắn vẫn vui vẻ bình thản ngồi... xỉa răng nên lòng mới thấy yên tâm một chút, chứ nếu ở một mình giữa các chiến binh này thật là không dám chút nào...

32323921854_90d03acfee_c.jpg


33012608372_b8bd880ea1_c.jpg


32323920674_9566b3e3ba_c.jpg


Người Maasai thích nhảy, khi nhảy họ chụm hai chân lại và bật lên không trung. Nhảy cao là trò thách đố phổ biến của người Maasai:

33012607552_1117b16e1e_c.jpg


Biết là thân hình ục ịch này mà nhảy thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, nhưng thôi cắn răng làm liều vậy... [OOO"""]

32323919094_b519a32aeb_c.jpg
 
Khoảng hai chục căn nhà được xây quanh một khoảnh sân tròn rộng, một hàng rào tự nhiên bằng cành cây khô được dựng lên xung quanh chỉ chừa một lối đi nhỏ. Có chỗ ngủ cho gia súc, ban đêm gia súc sẽ được lùa vào chuồng và bảo vệ cẩn thận. Với người Maasai gia súc là toàn bộ của cải của họ. Khoảnh sân rộng trước nhà cũng là nơi mọi người tụ tập vui chơi, có tiếng chó sủa, tiếng con nít chạy nhảy, tiếng ồn ào của phụ nữ đang nấu nướng. Phân gia súc rải khắp nơi quanh sân bốc mùi hôi thối nhưng dường như không ai quan tâm, việc sống chung với gia súc là chuyện đã diễn ra hàng trăm năm nay. Cả làng này sống phụ thuộc vào nguồn nước là con suối nhỏ ở phía thung lũng. Trong làng có một người già nhất được gọi là Già làng hay Trưởng bản và có tiếng nói quyết định đến nhiều việc trong làng. Trong khi đàn ông đi chăn gia súc thì phụ nữ trông con nít, làm đồ thủ công mỹ nghệ để bán và nấu nướng.

33027729262_7ea5664233_c.jpg


33056622591_00d867b38d_c.jpg


32339307814_99fa5e733f_c.jpg


Nhà cửa tuềnh toàng gần như không có tài sản gì có giá trị. Chỗ nấu ăn được bố trí gần cửa, vật dụng thì gồm có mấy cái chén bát và hũ đựng gạo. Bên trong nhà chia làm hai hoặc ba gian với giường ngủ nhỏ bé, chật hẹp nằm sát nhau. Vài cái ghế cũ, mấy tấm chăn nệm cũ xì mốc meo, không điện, không tivi, không tủ lạnh, dùng thì dùng nước suối... cuộc sống của người Maasai gần như tối giản nhất trên Trái đất. Dạo quanh làng tôi không thấy nhiều người có khuôn mặt rầu rĩ, lo lắng giống như ở thành phố. Con nít thì chơi đùa, thanh niên ngồi thảnh thơi nói chuyện, đàn bà túm ba túm bảy cùng làm việc chung với nhau. Cuộc sống của họ đơn giản nhưng vì nhu cầu sống thấp và không nảy sinh nhiều tham lam nên chắc mọi người cảm thấy hạnh phúc vui vẻ? Tôi không chắc! Nhưng có một điều chắc chắn là cuộc sống đô thị là cuộc sống mà ai cũng bận rộn gấp gáp, căng thẳng stress vì xã hội đang vận động dựa trên nền tảng kích cầu, kích thích nhu cầu. Một xã hội tiêu thụ!

33027728802_c1728593d7_c.jpg


33056622031_1c9e9c5d38_c.jpg
 
Thấy có khách du lịch, mấy ông già trong làng muốn "phô trương chút bản lĩnh" lấy lửa theo phương pháp thủ công truyền thống: Đó là dùng ma sát để tạo lửa. Nhìn đơn giản nhưng mấy thanh niên ở làng cũng phải hì hục mất mấy phút... quay tay... hehe.

33027728512_3639161488_c.jpg


32802090920_bf4decb7cf_c.jpg


33027728012_bbcf241086_c.jpg


Phải có "nghề quay tay" thành thục mới được à nha...

32802090370_9fab567568_c.jpg


Và lửa:

33056619621_8263781372_c.jpg


Gương mặt ông già:

33027727532_eaac3c2924_c.jpg
 
Vài cành cây khô, một khúc củi, một không gian đủ rộng... Đốt lửa trại mang lại cho chúng ta một niềm vui ấm áp, hạnh phúc đơn giản nhất mà đầu óc có thể nghĩ ra được. Tuy nhiên tại các thành phố hiện nay thì việc này gần như không thể! Không phải vì không có một không gian và thời gian mà bởi vì cuộc cách mạng số đã làm con người lãng quên một điều: tổ tiên chúng ta hàng ngàn năm nay đã quây quần quanh đống lửa như thế!
Điện thoại, tivi, màn hình máy tính... đã chiếm hết thời gian của chúng ta. Hoặc dã sử có tập hợp bạn bè lại thì cũng phải uống bia, uống rượu, nhậu nhẹt... ầm ĩ. Tất cả không thể so sánh đượ với hoạt động đơn giản là lấy mấy cành cây khô đốt lên đống lửa và quây quần quanh hơi ấm của nó. Niềm vui và hạnh phúc đơn giản thật sự càng ngày càng khó khăn trong xã hội hiện đại. Ngoài cuộc cách mạng điện tử số hóa, con người đã được dạy dỗ theo cách không cho phép bản thân được có niềm vui đơn sơ! Họ khắt khe với bản thân. Đối với nhiều người, hạnh phúc là phải có "điều kiện", có "lý do". Không thể nào hạnh phúc mà không có lý do? Càng tìm lý do để hành phúc, hạnh phúc càng ít đi trong cuộc sống của họ!

Dưới ánh lửa bập bùng đêm khuya lúc này chỉ còn lại ba người: Tôi, Solomon - cậu bé phụ việc dọn dẹp - và Saimon - tay bảo vệ.
Tôi nói:
- Này Solomon, em làm việc ở đây được trả lương bao nhiêu?
Solomon đáp:
- Ông chủ trả em $6/ tháng. Em được ăn uống tại đây, còn hàng ngày em dọn dẹp vệ sinh, phụ giúp nấu nướng tại khu cắm trại.
Tôi hỏi:
- Vậy em có cảm thấy vui vẻ với công việc của mình chứ?
Solomon thẳng thắn đáp:
- Em thấy rất vui vì có công việc này. Em có thể tiết kiệm tiền để trả học phí.
- Thế à?
- Ba em không cho em đi học. Ba bắt em ở nhà đi chăn gia súc vì đó là công việc hàng ngày của tất cả mọi người. Nhưng em không chịu, em cãi lời ba. Ba em tức giận nói em phải tự trả học phí. Ông phải lo cho mấy đứa em của em nên em phải tìm việc làm thêm. Rồi chú em tới. Chú em cũng không đồng ý. Mọi người đều phải đi chăn gia súc. Nhưng em không muốn tương lai của mình như vậy!
Solomon bình thường hàng ngày rất ít nói nhưng không hiểu sao đêm nay lại nói nhiều tâm sự thế? Đôi mắt em rực sáng trong đêm đen. Tiếng Anh chưa sõi nên em phải nói từng câu ngắn để diễn đạt ý. Câu nào câu náy nói ra đều thể hiện quyết tâm chém đinh chặt sắt khiến người đối diện phải ngạc nhiên.
Tôi hỏi:
- Em muốn học ngành gì ?
Solomon đáp:
- Em muốn học ngành du lịch. Em muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch. Em thích trở thành hướng dẫn viên. Em không thích đi chăn gia súc.
Tôi luôn ngưỡng mộ những chàng trai, những người đàn ông dọn dẹp vệ sinh. Đây vốn là công việc dơ bẩn và quả thật không phải ai cũng làm được. Những người lao động vệ sinh sạch sẽ, tỉ mĩ là những người biết quan tâm, chăm sóc gia đình. Trong "Nhật ký hành trình nước Mỹ bằng xe gắn máy", khi cắm trại tại Bờ Bắc Grand Canyon, tôi đã gặp về Tom - người đàn ông dọn toalet và phụ trách khu cắm trại, ông cũng là chủ một gara oto, người mà tôi rất thích nói chuyện cùng. Câu chuyện tôi đã chia sẻ trong topic đó ba nắm trước. Và bây giờ là Solomon, chàng trai trẻ với quyết tâm vươn lên trong cuộc sống thật đáng quý. Rất nhiều sinh viên tại các Trường Đại học VN đang sống một cách vật vờ, thiếu niềm đam mê lẫn quyết tâm, gần như vất bỏ tương lai. Tôi rất muốn chia sẻ câu chuyện này với các sinh viên đó để họ thấy rằng vị trí họ đang đứng bây giờ là niềm mơ ước của rất nhiều người. Sống vật vờ vô trách nhiệm, kể cả vô trách nhiệm với bản thân mình mà không cảm thấy xấu hổ là thực trạng cần chấm dứt. Tuổi trẻ không đến với ai hai lần bao giờ! Và họ sẽ phải hối tiếc trong tương lai...

33088483811_0954b7750f_c.jpg
 
Sáng hôm trước khi lên đường, tôi gọi Joshep - người quản lý khu cắm trại - lại và gửi cho ông một số tiền nhỏ cho Solomon. "Joshep, ông hãy tiếp tục công việc giúp đỡ cộng đồng nhé! Tôi rất ngưỡng mộ công việc của ông. Solomon là một cậu bé tốt, ông cố gắng giúp đỡ cậu ta nhé!". "Ok. Dong!". Joshep trả lời.

Tôi và chiến mã Kawasaki tiếp tục lên đường khép lại chương đầu tiên trong chuyến đi tới Kenya. Chương đầu tiên là câu chuyện về người Maasai: Bộ tộc tuyệt vời, thân thiện nhất Thế giới. Và nay đã sẵn sàng viết tiếp chương mới...

33216965115_9e9508375c_c.jpg


33089104131_50854ae10a_c.jpg
 
"Tôi nghe tiếng chân trần của nàng ngập ngừng bước lên thuyền
Và có thể hình dung những tín hiệu khát khao trong đêm tối
Trái tim tôi tựa quả lắc đồng hồ đong đưa giữa nàng và con đường
Tôi không biết tìm sức mạnh ở đâu để thoát khỏi đôi mắt nàng.
Tôi tuột khỏi vòng tay nàng
Nàng đứng đó, sau làn mưa và ô cửa sổ.
Lệ sầu rơi tê tái,
Nhưng nàng đã không đủ can đảm để tự thốt nên lời:
"Đợi em, em sẽ đi cùng anh!"" (Otera Silva)

Dù lưu luyến đến mấy thì cũng phải nói lời chia tay với Maasai Mara... Chặng đường gần 100km đá sỏi đã không còn đáng sợ như trước, không còn cảm giác lo lắng sợ hãi như những ngày đầu nữa vì tôi biết rằng người Maasai ở đây rất thân thiện, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ khi nào. Một khi có lòng tin, có tình yêu vào thiên nhiên, vào con người ở vùng đất mà bạn tới thăm, làm sao bạn có thể lo sợ được nữa? Thay vì vội vã kết thúc cho xong con đường đất bụi với hai lần té xe, thì cảm giác bồi hồi xen lẫn luyến tiếc khiến một tay lữ hành đến từ Châu Á cứ liên tục dừng xe để chụp ảnh. Đơn giản là hãy cứ tận hưởng khoảnh khắc hiện tại!
- Jumbo, Soba. Xin chào!
Hắn giơ tay vẫy chào mấy người Maasai chăn gia súc trên đường.
Một người chăn gia súc giơ tay:
- Soba. Soba.

33078516032_bfa9435c93_c.jpg


33106736151_9698013038_c.jpg


Thỉnh thoảng có mấy chiếc xe 4x4 chạy qua hất cát bụi bay mù mịt... Tiếp tục lên đường!

32390909164_aa2ddb3dbd_c.jpg


32390909894_33d94317d7_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,164
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top