What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
tại sao Hồi giáo lại không dùng họa tiết trang trí hình người và động vật với...Có thuyết nào khác liên quan không? Bắt nguồn từ tôn gíao nào? Theo em biết hình như Chính thống giáo ở Constantinopole cũng có 1 nhánh không dùng hình người và động vật, nhưng sao Chính thống giáo ngày nay vẫn có ảnh Chúa?

Theo tôi hiểu thì khởi nguồn từ Do Thái giáo (Cả Kitô giáo, Hồi giáo đều có nguồn từ đây). Trong 10 điều răn của Thượng đế thì điều thứ 2 là "Không được tạo hình tượng để lễ lạy, dù là bất cứ hình gì". Trong Kinh thánh cũng kể chuyện người Do Thái đã từng tạo hình Thần là con bò, thần hình cá (nói chung là động vật) để lễ lạy và bị Thượng đế Jehovah trừng phạt. Chưa thấy nói đến làm hình cây cối để lễ lạy bao giờ.

Cũng vì thế Do Thái giáo xưa, trong đền thờ để cái rương chứa Giao ước, chứ không có tượng thần. Kinh thánh nói hai bên rương làm tượng hai Kebulim là thiên thần mà tay là hai cánh chầu vào (cái này học từ Ai Cập), sau rồi cũng bỏ luôn tượng.

Có lẽ đến Hồi giáo thì Muhammad đã triệt để hơn khi cấm luôn vẽ hình người và động vật, có lẽ vì khi vẽ trang trí lên quanh đền, thì khi tín đồ lễ lạy, đã vô tình lễ lạy luôn cả hình trang trí. Thực ra Hồi giáo cũng không vẽ cây cỏ, mà là vẽ Hoa văn, nhưng nhiều hoa văn cách điệu từ cây cỏ. Trang trí quan trọng của họ chính là các câu kinh Qu'an được viết cách điệu, vì kinh là lời Thượng đế Allah.

Còn người Kitô giáo lễ lạy tượng Jesus, vì cho rằng Jesus chính là Thượng đế - Thiên Chúa đã hiển thị ra thành người, Thiên Chúa cố ý hiện ra thành hình dạng đó, nên làm tượng và lễ lạy (trái với kinh cổ) vẫn không sao, vì chính Thiên Chúa cho phép thế. Rồi từ đó họ tạo hình các Thánh để lễ lạy, với lý do các Thánh là trung gian đến với Chúa. Những lập luận sau này người Hồi giáo (và cả Tin Lành) không chấp nhận.
 
@Chitto: theo những gì tôi biết về đạo Hồi thì giống như Chitto nói. Họ không lạy hình tượng, nghệ thuật trang trí là những hình cách điệu của hoa hay cây, họa tiết góc cạnh và nghệ thuật viết chữ caligraphy.

@bpk: oilman chưa từng thử qua món ăn ở một nhà ăn miễn phí "langar" của đạo Sikh xem nó như thế nào. Theo như tôi đọc qua đâu đó thì họ tổ chức những nhà ăn như vậy không phải chỉ đơn thuần là giúp người gặp khó khăn mà là một nhà ăn cộng đồng nơi mọi người đều như nhau không có tầng lớp gì hết như trong một xã hội Ấn ngày xưa và cả ngày nay. Mọi người ngồi ngay ngắn, bình đẵng ngang nhau, ăn như nhau và được phục vụ miễn phí bởi những người tình nguyện. Có thể kêu người phục vụ cho ít hoặc cho nhiều đồ ăn một chút không sao nhưng đừng phí. Tất nhiên những thứ này không phải là quy định và cũng không ai ép mình. Tôi nghĩ nhà ăn langar mang một thông điệp của đạo Sikh.
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 7

@ danngoc, cám ơn bạn đã nêu ra vấn đề, để bpk và các bạn khác có thêm được những thông tin thật hữu ích.

@ Chitto, oilman! Cám ơn những thông tin thật chi tiết và lý thú của các bạn. Ngày trước có đọc tới đọc lui, bpk cũng nhớ mang máng nhưng vì mức độ quan tâm không nhiều nên mọi thứ như nước chảy đầu vịt (hix, tội nghiệp con vịt!).

@ oilman, đã nói là bpk đâu có biết người ta sẽ bỏ cái gì vào dĩa đâu, tội nghiệp nó quá. Lần sau em xin chừa!!!

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)


Nằm kềnh trong bóng râm ở Jallianwala Bagh, chợp mắt tý cho bù lại giấc ngủ chập chờn tối qua trên tàu, tôi ra phố hỏi vé tàu Amritsar – Delhi. Không có, dù tôi đã đi rất nhiều nơi và chấp nhận chi phí cao, vẫn không có. Tính đến phương án 2, đi xe đêm nhưng không cần mua vé để chiều nay xem sao vì tôi biết con đường ra biên giới Ấn Độ - Pakistan sẽ đi ngang qua ga. Công việc thứ 2 là đặt xe đi biên giới thì quá dễ dàng, tôi cũng không cần đặt cọc trước, hẹn bác tài giờ giấc buổi chiều chúng tôi sẽ đi là được. Chuyến đi đó có thêm 1 bạn khoai Tây đi một mình, ở chung phòng trong dorm miễn phí xin đi chung đỡ phải đi một xe, tôi ok luôn. Cho nó đi mình càng tiết kiệm chớ có mất mát gì đâu!


PB241696.jpg

Cận cảnh Đền Vàng trong nắng trưa


Xong, tôi lại lượn vào Đền Vàng, xem nó thay đổi rực rỡ như thế nào trong nắng trưa đã lên cao cao trước khi đi sang tháp Baba Atal cũng nằm gần đó. Đền vàng buổi trưa càng rực rỡ và lóa nắng. Phục thiên hạ thật, mình chỉ vào có tý xíu đã chịu không nổi phải bỏ đi vậy mà thiên hạ vẫn ung dung tự tại nhẩn nha nơi đây. Đúng là không có niềm tin làm gì cũng khó (!?).


PB241703-1.jpg



PB241683.jpg

Các góc khác nhau của Đền Vàng trong nắng trưa


PB241686.jpg

Thư giãn (?!) bên hồ


Tháp Baba Atal, được hoàn thành năm 1784 để tưởng niệm cậu bé Atai Rai, con trai của vị giáo sĩ thứ 6 của đạo Sikh, Har Gobind. Truyền thuyết cho rằng Atai Rai đã dùng phép thuật của mình để cứu sống lại bạn của cậu, đã chết vì bị rắn cắn. Vị giáo sĩ đã trách mắng cậu làm như vậy là đi ngược lại quy luật của tự nhiên, nên cậu đã tự vẫn, để đổi lại cho mạng sống mà cậu đã cứu. 9 tầng của chiếc tháp bát giác này tương ứng với 9 năm trong cuộc đời ngắn ngủi của cậu.


PB241666.jpg

Tháp Baba Atal


PB241670.jpg

Soi bóng bên hồ nước



PB241673.jpg

Bên trong đơn giản – như bên trong các đền khác của đạo Sikh


Nằm bên một hồ nước nhỏ khác, khuất sau những kiến trúc khác nên ngôi tháp này vắng vẻ, yên bình và đặc biệt là toát lên vẻ duyên dáng riêng của 1 kiến trúc Sikh thanh nhã, không bị che khuất hay lộng lẫy hơn bởi ánh vàng của ngôi đền. Đứng một mình, duyên dáng, nhỏ bé… tháp Baba Atal có 1 vẻ quyến rũ riêng.


(tbc.)
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 8

(cont.)


Lang thang ở “vùng ven” Đền Vàng hồi lâu, tôi quyết định rời nơi đây đi một nơi nào xa xa chứ quanh quẩn gần đây mãi thấy bắt đầu bức bối. Thế là tôi nhảy xe rickshaw đạp, tức là xe lôi đạp đến Ngôi đền Bạc – Sri Durgiana.


IMG_46461-1.jpg

Ngôi đền Bạc, Sri Durgiana nằm giữa hồ. Dù Ấn Độ là đất nước của đạo Hindu, nhưng ở Amritsar thánh địa của đạo Sikh thì đền Hindu lại vắng tênh (hình từ net).


SriDurgiana-4-1.jpg

Ngay từ cánh cửa là đã thấy màu sắc hoành tráng rồi (hình từ net).


Thực ra, ngôi đền này không có tên là Ngôi đền Bạc, nhưng mọi người cho rằng nó là 1 phiên bản của Ngôi đền Vàng, chỉ vì nó có những cánh cửa bằng bạc lấp lánh. Đặc biệt, đây lại là một ngôi đền Hindu chứ không phải ngôi đền của đạo Sikh. Ngôi đền từ thế kỷ XVI này làm bằng đá cẩm thạch sáng trắng với những hoa văn tinh xảo nhiều màu sắc đẹp đẽ. Chỉ tiếc là do nằm tại Amitsar, gần Đền Vàng quá hoành tráng nên bị lu mờ chứ nếu đứng riêng một nơi nào đó chắc nó sẽ chói sáng hơn nhiều. Rút kinh nghiệm: không nên có bạn hoặc quá đẹp hoặc quá giỏi, mình sẽ bị lu mờ, hoặc nếu đã lỡ làm bạn rồi thì cũng hạn chế đi chơi chung với các bạn ấy... (just kidding)!


PB241712.jpg



PB241710.jpg

Vào trong là chánh điện lấp lánh bạc với những tượng thần cũng bằng bạc


Được xây dựng từ thế kỷ XVI, ngôi đền Sri Durgiana này có kiến trúc Hindu cổ và cũng nằm giữa một cái hồ, nhỏ hơn hồ Amrit Sarovar của Đền Vàng. Tuy hình dáng bên ngoài ngôi đền này không rực rỡ hoành tráng như Đền Vàng, nhưng kiến trúc Hindu bên trong của ngôi đền Bạc này sẽ lôi cuốn bạn bằng những điêu khắc tinh xảo trên bạc, nhất là hình ảnh, tượng thờ đa dạng của các vị thần Hindu… Các điêu khắc mà bạn không thể thấy trong các ngôi đền của đạo Sikh hay đạo Hồi.


PB241714.jpg



PB241711.jpg

Những cánh cửa sổ cũng bằng bạc


Bạc lấp lánh như vậy ở khắp nơi trong đền, nên người ta gọi là Ngôi đền bạc. Cũng đâu có sai hén!


Tôi nhớ là hôm đó có chụp hình ngôi đền từ bên ngoài, cũng như cái cầu nhỏ xíu dắt vào đền nhưng chẳng hiểu sao giờ tìm mãi không thấy. Nhưng tôi vẫn rất nhớ cảm giác bước chân từ Đền Vàng sang Đền Bạc, ngay từ ngôi đền của tôn giáo này sang tôn giáo khác trong một trưa nắng nóng nung người Ấn Độ. Cảm giác cứ chơi vơi giữa các niềm tin, tín ngưỡng… rất khó tả, không biết tại cái nóng giữa trưa Ấn Độ hay vì cái gì khác?!


(tbc.)
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 9

(cont.)



Theo L.P thì tôi đã đi gần hết các điểm “cần đi” ở Amritsar, ngoại trừ mấy điểm đang đóng cửa tu sửa hoặc không cho người ngoại đạo vào. Còn theo tờ brochure hướng dẫn du lịch của Amritsar Tourist Police thì còn nhiều điểm tôi chưa đi lắm. Nhưng tôi cũng mệt nhừ vì ngày hôm qua lang thang ở Delhi cả ngày, tối lên tàu chập chờn… do vậy, từ Đền Bạc trở ra, tôi kiếm quán cóc chui vào làm dĩa mì xào kiểu Ấn xong lững thững đón xe rickshaw quay về cái dorm miễn phí mà chúng tôi đã đăng ký lúc sáng. Ngả lưng một tý thì đồng bọn lục tục kéo về. Cả đám bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi biên giới Ấn Độ - Pakistan.


Chuẩn bị xong xuôi, tôi vào lượn lờ trong Đền Vàng tiếc nuối ngắm nhìn lần cuối (vì chưa gỡ được miếng vàng nào :D) rồi ra xe nhằm hướng biên giới Attari thẳng tiến.


Ngoài cửa khẩu Munabao ở bang Rajasthan, thường xuyên bị đóng cửa thì cửa khẩu Attari của Amritsar, bang Punjab là cửa khẩu chính thông thương giữa Ấn Độ và Pakistan. Không nói đến các chuyến xe từ Amritsar, các chuyến xe, tàu hỏa từ Delhi đi Lahore, Pakistan đều đi ngang qua cửa khẩu Attari – Wagah này. Như tôi đã đề cập từ đầu sub-topic này, cả những chuyến tàu ma, chở những đoàn người rời bỏ cố hương vì lý do tín ngưỡng cũng đã ngang qua đây từ những năm 50 thế kỷ trước.


Nhưng tôi đến đây không để qua Pakistan, dù lòng rất khao khát. Như tôi đã kể lể khóc lóc trong một topic khác, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi xin visa vào Ấn Độ từ Kathmandu, Nepal thay vì nên xin trước từ quê nhà. Do vậy, cuối cùng tôi chỉ lấy được single-entry visa vào Ấn Độ thay vì multiple-entries visa. Do vậy, ý định lang thang chạy qua chạy về từ Ấn Độ sang Pakistan, Bhutan của tôi đã tan tành như mây khói. Tôi đến vùng biên giới này chỉ để “thò tay thò chân” qua Pakistan một cái, kiểu như ngày xưa lên Bằng Tường, chạy qua cột bia đá, “tè” một cái rồi quay về, tự hào mình đã “xuất ngoại” sang đất TQ.


Và mục đích chính là xem lễ hạ cờ “nổi tiếng” giữa 2 nhóm lính biên phòng Ấn Độ - Pakistan.


P11402372.jpg



PB241715.jpg

Quần chúng đã tụ tập đông đen bên phía Ấn Độ chuẩn bị cho “lễ hội” hạ cờ


PB241763.jpg

Vắng hơn một chút bên Pakistan


58234383.jpg

Biên giới nhìn từ bên Pakistan (hình từ net)​


Nằm cách Amritsar 30km, nhưng đi mất hơn 1h, cửa khẩu Attari buổi chiều muộn lại tấp nập không ngờ. Nghĩ rằng ngày nắng còn đầy, chúng tôi đã khởi hành hơi trễ. Lên đến nơi thì khán đài đã chật cứng trên các khán đài. Thêm nữa, ở đây nam ngồi riêng, nữ ngồi riêng, mà chỗ phụ nữ ngồi lại gần với biên giới hơn. Làm sao tôi qua bên khu đó để thò thụt sang Pakistan bây giờ. Nhất là nếu tôi lò dò đi xuống sẽ bị đẩy vào khu dành cho khách “ngoại quốc”. Do vậy tôi đành ngồi chung với các bạn trẻ Ấn Độ xa tít bên này, nhìn sang bên kia đất Pakistan mà thòm thèm.


(tbc.)
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 10

(cont.)



Attari - Wagah, còn được gọi là “Bức tường Berlin châu Á”, là cửa khẩu giữa Ấn Độ & Pakistan. Ngày xưa nơi đây là 1 ngôi làng Wagah, nhưng đã bị chia 2 bởi sự phân tách của 2 quốc gia vào năm 1947. Nơi đây, ít có ngườI Việt Nam nào mò đến, chỉ có tôi lon ton đến đây vì cái lễ hạ cờ hấp dẫn thôi.



Theo nhiều người, buổi lễ hạ cờ này có vẻ là sự phô trương sức mạnh và nâng cao tinh thần dân tộc nhưng tôi không nghĩ vậy – chỉ nghĩ đây là thời điểm mà 2 quốc gia đã có thời là một giờ đây vì tín ngưỡng mà tách ra, có dịp giao lưu. Đây là thời điểm đóng cửa 2 biên giới, nơi mọi giao thương giữa những người anh em trong một quốc gia tạm ngưng chờ ngày mai trời sáng. Tôi thấy điều này thú vị, vì họ đã làm được cuộc giao lưu mỗi ngày dù chiến tranh vẫn liên miên giữa 2 đất nước, điều mà Triều Tiên và Hàn Quốc,... cũng như nhiều quốc gia bị chia cắt hoặc đã từng bị chia cắt có làm được đâu.


PB241724.jpg

Cờ bay phất phới trên khán đài phía Ấn Độ


Giờ lễ hạ cờ gần như nơi mỗi buổi chiều dân chúng tập trung như buổi giải trí dành cho cả khách du lịch trong ngoài nước. Có cửa khẩu nào trên thế giới mà cả 2 bên đều xây khán đài chứa cả ngàn người và mỗi chiều cả ngàn người đổ xô về tham dự như xem hội? Đường biên giới tại khu vực cửa khẩu được sơn trắng, từ đó mỗi bên lui vào khoảng 1m để xây cổng riêng cho quốc gia mình. Ngay sát vạch sơn là 2 cây cột cờ, đối xứng chéo qua vạch, có 2 lá cờ của 2 nước sẽ được hạ xuống mỗi chiếu.


PB241784.jpg

Các bạn trẻ Ấn nhiều phấn khích


Đến chiều khu vực này đã bắt đầu sôi động từ rất sớm chứ không phải chờ đến lúc làm lễ hạ cờ. Khách ngồi tấp nập trên khán đài, dưới sân, vang vang khắp nơi tiếng loa tiếng nhạc sôi động. Dưới sân, các cô gái Ấn Độ nhún nhảy la hét kích động trong những bộ saree nhiều màu trông thật khác với điệu bộ điềm tĩnh thường ngày của họ. Bên kia Pakistan cũng vậy, nhưng nhẹ nhàng hơn vì bên kia là Hồi Giáo, các cô gái kín đáo trong các bộ áo choàng kín mít mà ra nhảy nhót chắc vui lắm hén.


PB241716.jpg



PB241731.jpg

Vui hân hoan ca múa nhảy, kích động ghê hén!


Ở mỗi bên, thỉnh thoảng có những anh chàng kích động cầm cờ chạy vòng vòng, vừa chạy vừa la vang trời. Lúc đó, bà con trên khán đài lại hò reo ủng hộ. Bên Pakistan, tôi thấy có 1 vị ăn mặc như giáo sĩ (hay tu sĩ) cũng cầm cờ chạy và la khí thế luôn.


PB241767.jpg

Vị giáo sĩ kích động cầm cờ chạy vòng vòng bên phía Pakistan


Quân phục của các anh lính Ấn Độ, BSF (Boder Security Force) hơi là lạ, bộ trang phục màu vàng đất, quần thì ngắn cũn ngắn cỡn “chó táp 7 ngày chưa tới” trông rất ngộ, thêm nữa là cái mũ có cái mào đỏ chóe y như con chào mào. Bên Pakistan thì trang phục màu đen, cái mào cũng đen luôn, chẳng giống chào mào, không biết giống con gì nữa. Các anh áo đen lại có thêm các họa tiết đỏ trang trí tô điểm. Đỏ đen phối với nhau trông cũng mạnh mẽ.


PB241788.jpg

Quân phục của anh lính BSF Ấn Độ


img_51381.jpg

Quân phục Pakistan (hình từ net)


Mặc cho các cô nhảy nhót kích động, khiêu gợi (?!) các anh lính Ấn Độ cứ đứng trang nghiêm, chờ cho đến lúc xếp hàng làm lễ hạ cờ. Không khí thật là náo nhiệt, chỉ hận là mình không được chơi vài chai cho nó lưng tưng rồi xuống tham gia nhảy nhót!


Hận!?!?!?


(tbc.)
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 11

(cont.)


Giờ G đã đến, thường là 5.30pm, thay đổi chút ít tùy mùa đông hạ. Lễ hạ cờ được tiến hành trước khi đóng cửa biên giới. Khi các anh lính bắt đầu đứng xếp hàng thì không khi càng náo nhiệt. Có cả một anh MC dẫn chương trình và hét vang những câu kích động (tôi đoán vậy) vì sau đó các bạn trẻ lại hô vang “Hindustan”, “Hindustan” (tên khác của Ấn Độ), bên kia thì vang trời “Pakistan” Pakistan”…!!!


Wagha_200051.jpg

Cửa đóng, chuẩn bị làm lễ (hình từ net)


Các anh lính bắt đầu xếp thành hàng ngay trước văn phòng. Sau đó 2 anh lính đầu tiên bắt đầu tách hàng hùng dũng đi đến cửa biên giới. Các anh đi rất dũng mãnh, bước nhanh và sải dài, chân đưa cao, quá đầu luôn! Bên kia Pakistan cũng vậy, các anh lính áo đen cũng thẳng tiến. Khi đến sát bên cổng, cửa sẽ mở ra cho anh lính bước vào, vẫn ở bên này vạch sơn. Các anh đi dọc theo vạch sơn chân đá chân cao lên tới đầu. Xong, đưa tay sang bắt tay anh lính bên kia, rồi lui ra đứng chờ bên ngoài cổng. Anh lính thứ nhất xong xuôi thì anh lính thứ hai bắt đầu lặp lại nghi thức y như vậy. Có điều sau khi đã có 2 anh lính xếp hàng bên cửa khẩu thì cửa được mở ra rộng hơn từ từ. Từ xa các anh lính còn lại bắt đầu diễu hành một vòng chuẩn bị cho thủ tục hạ cờ.


PB241735.jpg

Các anh lính Ấn Độ bắt đầu xếp hàng chuẩn bị làm lễ, anh áo hồng là MC (!)


LHR0241.jpg

Bên kia, các anh Pakistan cũng ngay ngắn vào hàng


PB241740.jpg

2 anh lính đầu tiên bắt đầu đi


PB241743.jpg

Rồi những anh còn lại đi nguyên đoàn


PB241747.jpg



IMG_62481.jpg

Làm một vòng diễu hành trong tiếng hò reo của quần chúng rồi quay lại đứng chờ (hình từ net & bpk)

(tbc.)
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 12

(cont.)


PB241751.jpg

2 anh lính đầu tiên bắt đầu đi vào khu vực cột cờ biên giới


Trong 2 anh lính đi đầu, một anh được chọn sẽ vào đứng đối diện với cột cờ của nước mình và đối diện xéo với anh lính kia qua vạch sơn. Còi hiệu nổi lên và các anh bắt đầu việc hạ cờ theo nhạc hiệu. Khi cờ vừa đến tay, anh còn lại nhanh chóng phối hợp xếp cờ lại, đặt trên hai tay để thẳng, bước ra gia nhập vào hàng các anh lính kia đang chờ. Cả hàng hùng dũng đi trở về lại văn phòng, vào văn phòng để cất cờ vào trong để sáng mai lại có lễ chào cờ rồi lại hạ cờ. Hết phim!!!


r199773_7637931.jpg

Ngửi giày đi nào! Có khi nào nó kêu cái tẹt không vậy ta? (hình từ net)


wagah31.jpg


india_pakistan_03072.jpg

Đang kéo dây cờ (hình từ net)


PB241772.jpg

Lúc này, trong sân đồn biên phòng, các anh lính đứng chờ cờ về

(tbc.)
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 13

(cont.)


Mô tả thì đơn giản vậy, nhưng có tham gia bạn mới thấy hết sự phấn khích của dân chúng 2 bên. Họ cuồng nhiệt la hét cổ vũ cho các anh lính trong lúc các anh làm lễ. Các anh cũng có những nghi lễ đặc biệt không kém. Hôm đó người đông quá lô nhô đứng lên ngồi xuống tôi không chụp hình được nhiều nhưng may mắn là lên mạng thì có vài hình chụp về cảnh này, bèn copy mang về đây minh họa cho bà con hình dung xem sao.


PB241780.jpg

Hãnh diện đem cờ về


PB241781.jpg

Trao cờ cho đồng đội, chuẩn bị cất để chờ ngày mai


Sau khi các anh làm lễ xong, cửa biên giới đóng lại cũng là lúc đoàn người từ khán đài ùa xuống bắt tay bắt chân, chụp hình chung với mấy anh. Có nhiều người lớn tuổi chạy đến cửa khẩu nhìn sang bên kia như chia tay người thân bên ấy, như nhớ về miền đất nào của tổ tiên ngày xưa xa xôi bên ấy… Các bạn trẻ thì tụ 5 tụ 3 chụp hình với cánh cửa biên giới, với mấy anh biên phòng. Mấy bạn khoai Tây cũng nô nức chụp tới chụp lui, có bao giờ thầy cảnh vui nhộn nào nơi biên giới chia cắt như ở “Bức tường Berlin châu Á này”. Họa may, có cảnh phá tường Berlin của những năm 90 thế kỷ trước mà ai đó may mắn lắm mới được tham gia. Vậy sao không hòa vào cùng mọi người cho vui nào.


PB241783.jpg

Biên giới giờ đã đóng cửa


PB241785.jpg

Đám đông ùa và nhau hỏi han, chụp hình…


Chuyện riêng này nhất định tôi phải kể, đồng bọn tôi mà có vào đây xem cũng đừng trách cứ. Số là đồng bọn của tôi rất mê mệt và muốn chụp hình với một anh lính trẻ đẹp trai Ấn Độ, bèn la làng lên nhờ tôi yêu cầu được chụp hình chung với anh ấy trước, sau đó mới có cớ xông vào chụp chung với anh chàng đó. Chèn đét ơi, tôi đứng với anh chàng Ấn cao to đó sao mà giống Ngôi đền Bạc đứng gần Ngôi đền Vàng mà tôi vừa kề ở trên. Hận!!! Được cái mấy anh lính ở đây rất dễ thương và nhiệt tình, không những đứng chung chụp hình mà còn kêu cả bọn đi qua chỗ vắng hơn để chụp cho đẹp… làm các bạn ấy khoái tít khoái mù. Tôi bỏ đi mất tiêu lâu lắc lâu lơ mà các bạn ấy vẫn còn quanh quẩn mãi nơi ấy. Báo hại thằng ku khoai Tây đi chung xe đứng đợi lâu quá thấy nó cứ lẩm nhẩm gì đó trong miệng. Lúc đầu tưởng nó cám cảnh hoàng hôn nhớ nhà nó hát, té ra không phải!!!


PB241792.jpg

Chiều đã vào đêm, biên giới đã đóng, chỉ thấy 2 cây cột cờ cô đơn kiêu hãnh nhìn nhau như thầm hỏi “Lẽ ra chúng ta là một phải không?”


Rồi cả đám cũng lên đường về khi chiều đã xuống thật muộn. Cửa khẩu đã đóng, những đoàn người phu khuân vác lầm lũi từng đoàn từ biên giới kéo nhau quay về nhà, đi trong bụi mù mờ mịt. Hoàng hôn đã ụp xuống biên giới. Tôi cũng chia tay bên giới ra về, lòng ngậm ngùi biết khó có ngày quay lại chốn xa mờ này.


Wagah – Attari, mong sao cho được mãi yên bình!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,399
Members
189,943
Latest member
3sdecal
Back
Top