What's new

Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy.

Thân chào năm mới 2017 tới toàn thể ACE,

Cảm giác của bạn sau khi kết thúc một hành trình thường là gì? Phải chăng mỗi hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một cảm giác trống trải trong bạn? Và để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn đó bạn lại lên đường tìm kiếm thêm một cuộc phiêu lưu khác, trải nghiệm khác?

Cách đây không lâu, các chuyến đi của HDD82 bắt đầu từ sự thôi thúc đam mê miền đất mới, tâm trạng đầy háo hức và kích thích. "Thôi thúc + Đam mê" là công thức dẫn tới các cuộc hành trình khám phá trước đó. Tuy nhiên theo thời gian mọi chuyện đã có sự đổi khác: Đam mê thì vẫn còn nhưng thôi thúc thì giảm xuống. Tâm trạng cao trào bốc đồng ngày trước đã không còn nhiều nữa, thay vào đó là bình tĩnh tự tại, bình thản đối diện với mọi việc hơn. Và do không còn nhiều thôi thúc nên HDD82 từng suy nghĩ nhiều về lý do tại sao mình lại "phải" tiếp tục lên đường nữa? Nếu đi thì đi đâu? Nước nào? Lý do tại sao? Có nhất thiết phải đi? v.v và v.v.

Không còn là để củng cố cái Tôi bản thân nữa, không còn muốn được nhiều người biết tới, muốn tự hào, muốn chinh phục tự nhiên, chinh phục cái này cái kia... Các chuyến đi "khám phá" trong dấu ngoặc kép thật ra giống cảm giác về lại tự nhiên, về nhà, về lại con người xưa của ta. Được đi đã là niềm hạnh phúc rồi. Còn đi đâu mà không được? Và cần gì phải có lý do?
Đi để làm giàu trải nghiệm cuộc sống, làm mới cảm xúc, làm phong phú cảm nhận để rồi liên tục cho đi, liên tục chia sẻ với mọi người mà không mong được nhận lại.

"Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy" xin phép được ra đời!
 
"Cuộc sống là quá trình tìm kiếm - tìm kiếm không ngừng, tìm kiếm trong tuyệt vọng, tìm kiếm thứ mà mình không biết. Tận sâu bên trong con người luôn cảm thấy thôi thúc phải kiếm tìm, nhưng lại không biết mình đang tìm kiếm điều gì? Và luôn tồn tại một trạng thái tâm lý rằng dù sở hữu điều gì, bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng. Thất vọng dường như là một đặc tính cố hữu của con người, bởi bất kỳ điều gì bạn đạt được đều nhanh chóng trở nên vô nghĩa ngay tại thời điểm sở hữu nó. Và bạn lại bắt đầu hành trình tìm kiếm mới". (Osho)
Câu nói của Osho làm tôi nhiều lần suy nghĩ. Câu chuyện về Alexander Đại đế sau đây nhiều người đã đọc nhiều lần nhưng có thể chưa bao giờ suy nghĩ đó cũng là câu chuyện phản ánh chính bản thân bạn.

Chuyện kể rằng vào ngày chinh phục được Thế giới, Alexander Đại đế đã đóng cửa phòng mình và bắt đầu khóc. "Giờ khi đã thành công, ta mới biết đó là một thất bại. Giờ ta biết rằng ta đang đứng chính tại nơi mà ta đã từng đứng khi bắt đầu hành trình nhu ngốc chinh phục này Thế giới này. Và giờ ta hiểu rất rõ rằng không còn Thế giới nào khác để chinh phục, nếu có thì hẳn ta vẫn còn trong cuộc chinh phạt đó, hẳn ta đã bắt đầu chinh phục Thế giới đó. Giờ chẳng còn Thế giới nào để chinh phục, chẳng còn gì để làm - và bỗng nhiên ta như bị ném trở lại với chính mình."

Rất nhiều người - trong đó có tôi - bắt đầu một chuyến đi nào đó với ý nghĩa của việc "chinh phục". Chinh phục thiên nhiên, chế ngự đỉnh cao, vượt lên trên thiên nhiên, vượt lên người khác, chinh phục bản thân v.v... Rồi tâm trí cứ mãi tìm kiếm: tìm kiếm một miền đất mới, thử thách mới, khó khăn mới, cung đường mới ... để làm gì? Để cảm thấy cuộc sống nghĩa, có phải vậy không? Nhưng ít ra trong cuộc hành trình tới Kenya này tôi không còn ý nghĩ "chinh phục" trong đầu nữa. Cảm giác thư giãn, bình an tăng lên. Cảm giác lo lắng, căng thẳng hồi hộp vì đã đẩy cơ thể tới mức giới hạn... giảm xuống. Mỗi ngày không còn là cuộc chạy đua tới đích, cuộc chạy nước rút để tới kịp địa điểm nào đó trong kế hoạch. Không có gì phải chứng tỏ, chẳng có gì để chinh phục, vậy làm gì có căng thẳng?

Dần dần qua nhiều năm tháng mới hiểu được câu nói: "Đi chỉ vì được đi" nghĩa là như thế nào! Cảm ơn khoảnh khắc yên tĩnh tại khu cắm trại Bobong, vắng vẻ không bóng người nhưng mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc vô cùng lớn, cảm ơn những lúc đốt lửa trại ngồi ngắm ánh lửa nhảy múa. Và những dòng chữ này để cảm ơn cuộc đời đã cho tôi may mắn được đi đây đi đó. Bản thân chuyến đi đã là phần thưởng vô cùng quý giá, bản thân trải nghiệm đã là rất tuyệt vời, "Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy" là sự chia sẻ câu chuyện về một Thế giới thân thiện, tràn đầy niềm vui cho những ai dám dấn thân khám phá mà thôi...

32585264824_a2370b69a1_c.jpg


33044795180_7f078034f9_c.jpg


Tại sao tôi lại chọn khu cắm trại Bobong? Bởi vì đây là nơi xuất phát của rất nhiều chuyến đi lạc đà vào miền Bắc Kenya...

33045328960_c6336e1012_c.jpg
 
"Ưm... ưm..." Một chú lạc đà to như quả núi đứng sừng sững trước lều cắm trại, trong khi một tay Châu Á đang dụi con mắt ngái ngủ nhìn ra... "Bừ... bừ... Ngồi xuống nào". Tay thanh niên Châu Phi dáng người gầy như que củi nhưng rắn chắc và vai rộng nở nụ cười toe toét nhìn tôi: "Xin chào buổi sáng. Tôi tên là Asan. Tôi sẽ dẫn anh đi tham quan lạc đà sáng nay.". Tôi nhảy bật ra khỏi lều nghĩ thầm "Chết cha... Gần 8h sáng rồi kìa à..." và nói: "Chờ tôi chút nhé. Tôi ngủ dậy trễ".

Trong khi tôi thu vén nào là một chai nước uống, mì tôm để ăn trưa (vì chuyến đi kéo dài tới tận chiều), vài miếng bánh quy ăn dọc đường, chưa kể mũ nón, dày dép thì hai tay Châu Phi tên là Asan và Tom cứ thản nhiên ngồi nói chuyện vì... cả hai đều đi tay không.
Tôi nói:
- Asan! Cậu không mang theo thứ gì ngoài chiếc mũ đang đội trên đầu à?
Asan đáp:
- Chúng tôi không cần! Anh cứ chuẩn bị đi.
Tôi hỏi:
- Không cần nước uống?
- Không!
- Không cần thức ăn?
- Không! Chúng tôi có thể đi bộ từ sáng tới chiều mà không cần ăn uống.
"Amen... Mô phật..." Tôi ngước nhìn ánh nắng chói chang của miền đồng cỏ xích đạo mà lắc đầu lè lưỡi. Ngồi trên lưng lạc đà cũng đã thấy nóng, đi bộ nữa thì...

Khi con lạc đà bắt đầu ngồi xuống hoặc đứng lên là lúc dễ bị té nhất. Vì chân lạc đà rất cao nên khi nó chúi xuống dễ làm cho thân mình mất thăng bằng và lộn nhào. Asan nhắc nhở:
- Cẩn thận té nhé Dong! Lạc đà chuẩn bị đứng lên đấy.
Tôi nói:
- Yên tâm đi Asan. Tôi bị té xe mấy lần rồi nên có... kinh nghiệm lắm. Không dễ gì té nữa đâu. hihi.

Xin mời quý khách...

32585801944_24206d8307_c.jpg


...lên đường.

33045440510_ff224b8ee6_c.jpg


Cái nắng oi ả giữa mùa khô khiến cây cỏ tại vùng đồng cỏ mênh mông này cháy trơ trụi. Cây nào cũng héo úa, vàng ươm, xơ xác. Những con ngựa vằn, lợn rừng, hoẵng... lang thang kiếm ăn, cố tìm ra cho được những lá cây còn màu xanh. Thấy bóng dáng của chúng tôi từ phía xa, chúng nhanh chân chạy trốn, ẩn vào lùm cây rậm rạp. Chúng tôi cứ đi về phía Bắc, hướng về con đập khô cằn của thị trấn và dự định nghỉ ngơi tại một con sông dưới thung lũng. Asan và cậu bé đi theo thay phiên nhau dẫn đường, một người thì đi trước kéo dây con lạc đà, một người thì đi sau quất roi giục nó những khi nó dừng lại bên đường để ăn lá cây. Giống lạc đà này không phải xuất xứ từ bản địa Kenya mà được du nhập từ Pakistan. Do có sức khỏe tốt, sức chịu đựng thời tiết và đặc biệt là có lượng thịt, sữa dồi dào nên được nuôi tại đây.

33388265546_90b2044e67_c.jpg


Asan là người bộ lạc Turkana, còn cậu bé đi theo là người Samburu. Càng đi lên phía Bắc Kenya khí hậu càng khắc nghiệt, đất đai càng khô cằn, và thổ dân ở đây càng lên xa càng cao kều hơn, cơ thể quắt lại chỉ còn da - gân - xương rắn chắc, đen hơn và sức chịu đựng của họ cũng bền bỉ hơn.

32614706253_6f13a7a703_c.jpg
 
- Dừng lại !
Tay Asan đi trước đột nhiên hô lên và cúi xuống chỉ cho tôi xem một vết chân trên nền cát.
Tôi hỏi: - Gì vậy Asan?
Asan đáp: - Dấu chân sư tử đấy. Đây có lẽ là một con sư tử còn trẻ.
"Má ơi... Sư tử à? Có sư tử quanh đây à?" Tôi nghĩ thầm và nhìn những lùm cỏ rậm rạp um tùm, quả thật là nơi lý tưởng cho những chú sư tử ẩn nấp săn mồi.

33045834270_3a588ca733_c.jpg


"Dấu chân còn mới. Chắc là con sư tử tối hôm qua mò ra thung lũng uống nước đây." Asan nói.

33300518821_70b387a9e0_c.jpg


Trời nắng nên sau khoảng vài ba tiếng là tôi đã uống hết nửa chai nước 0.5l mang theo. Cảm thấy ái ngại cho Asan và cậu bé đi bộ từ sáng đến giờ dưới trời nắng, tôi đưa phần nước còn lại cho hai cậu. "Này Asan, uống đi".
Asan trả lời rất bất ngờ:
- Không. Chúng tôi không uống nước đóng chai. Thứ nước trong chai này không tốt cho sức khỏe của chúng tôi.
Buổi trưa lúc đi ngang qua một con suối nhỏ, Asan và cậu bé tất tưởi chạy lại gần con suối. Chẳng nói chẳng rằng cả hai đều vục mình xuống con suối đục ngầu bụi và thum thủm mùi phân gia súc, thú rừng mà uống lấy uống để. Thấy tôi đang trợn tròn mắt kinh ngạc, hai cậu cười hề hề: "Uống đi. Ngon lắm! Tốt cho sức khỏe!". "Thôi cảm ơn..." :mrgreen:

33045833260_63375e4c3c_c.jpg


32585800534_df94f30f51_c.jpg


33045439070_040ef77a40_c.jpg
 
Tò mò là bản tính vốn có của người Châu Phi ! Trong khi đang ngủ trưa thì hai tay Châu Phi lấy máy chụp ảnh ra nghịch ngợm một lúc thì có tấm này...

"Thức đêm mới biết đêm dài
Đi ngày mới biết... ngày dài hơn đêm!"

33272789562_6ec86f049a_c.jpg
 
Món trà sữa ngon tuyệt của ông bà chủ trại với vị ngon béo ngậy, uống vào tới đâu là cổ họng hết ho khan tới đó có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Làm sao để tiếp tục thưởng thức nó đây? Không lẽ ngày nào cũng tới nhà người ta xin uống sữa? Chiều nào cũng tới xin ăn bánh quy? Đành rằng cũng có thể "mặt dày" vào ngồi xin ly sữa được nhưng cùng lắm là được... 1 ly, mà cái thứ nước trắng đục đó uống 1 ly rồi ai có thể kiềm lòng được không xin thêm ly nữa?

Phải nghĩ cách gì đó thôi... À... Có cách...

... Mang theo chai nước thủy tinh vào xin bình nước lọc để uống như thường lệ, tôi lơ đễnh quan sát những quyển sách ông John đọc để trên bàn ngoài hiên. Hai ông bà sống trong không gian yên tĩnh như thế này nếu không đọc sách báo thì còn làm gì nữa? Nào là "Lịch sử Thế giới", "Lịch sử văn minh Phương Tây"... E hèm... Thì ra ông John này quan tâm tới chủ đề lịch sử...
Tôi bước vào nói:
- Chào Ông John. Ông cho tôi xin một ca nước lọc nhé? (Nước lọc thì ai mà không cho?).
John nói:
- Được được. Vào đây anh bạn trẻ! Vào đây...
Làm bộ tình cờ tôi hỏi:
- Này ông John. Có phải Kenya giành độc lập bằng đấu tranh cách mạng - giống như Việt Nam chúng tôi - và do một đảng lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội không?
John vui vẻ hẳn ra:
- Ờ... anh bạn trẻ này cũng quan tâm tới lịch sử à?
- Có chứ! Tôi rất thích lịch sử... e hèm...
John nói:
- Ồ! Thế này nhé... cậu ngồi xuống cái ghế này một chút rồi ta nói chuyện...
"Rồi, thế là xong!". Tôi nghĩ.
- ((U!$&!!((!&$(!(!*!&!)(!*)*R&*TY*!Y*)(
- (*!*$Y!(!!&!&!
Sau một hồi tuôn tràng về lịch sử chiến tranh, ông John tiếp tục với chủ đề yêu thích của mình:
- Này Dong, Việt Nam chiến thắng Mỹ bằng chiến tranh du kích phải không?
Tôi đáp:
- Đúng thế. Không những với lối đánh du kích chúng tôi đã thắng Mỹ mà còn thắng Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954 nữa.
- Cái này tôi đã đọc sách qua và xem trên tivi, nhưng cậu kể cho tôi nghe xem... Ờ... Mà uống trà sữa giống hôm qua nhé? Nãy giờ tôi thấy cậu chưa uống gì?
Tôi trả lời bâng quơ:
- Vâng! Món trà sữa đó quả thật rất tuyệt !
Lát sau, một phích trà sữa lạc đà được mang ra. Một phích! Một phích! Thế là cái bụng được dịp ních thật thỏa thích thứ nước uống trắng đục ngọt ngào này. Ôi... Vị mê ly làm sao...
- (**!&(!(!)!((!*!$%!&!$!((!($!&^!$%!
- ((!*!&$^!^!&!
Tôi nói:
- Ông biết rồi, Việt Nam có lịch sử bị đô hộ ngàn năm và vô số cuộc khởi nghĩa đấu tranh giành độc lập. Bằng thứ chiến tranh du kích chúng tôi đã thắng đội quân Nguyên Mông hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn không những một lần, mà tới những ba lần.
John hào hứng tuôn trào bình phẩm một hồi về Thành Cát Tư Hãn, về cuộc chinh phạt Châu Âu của vị Đại Hãn... Ông già này còn đam mê cả lịch sử Mông Cổ nữa mới lạ chứ.
- Này Dong. Ăn bánh quy không? Bánh quy giống hôm qua đấy!
Tôi hững hờ đáp:
- Cũng được...
Lát sau, một hộp bánh quy được mang ra. Một hộp! Một hộp! Chà... Cái thứ bánh quy gì mà ngon dữ... Lâu lắm rồi tôi chưa ăn thứ bánh quy nào ngon như thế này!
Tôi nói:
- Thành Cát Tư Hãn là vị vua được miêu tả với tính cách mâu thuẫn trong văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Phương Đông chúng tôi nhiều người coi ông ta là một Hoàng đế lập chiến công hiển hách. Nhưng nhiều người Phương Tây coi đó là vị vua khát máu, tàn bạo, đi tới đâu là chết chóc tới đó...
John đáp:
- Ông ta đã xóa nhòa bức tường ngăn cách về văn hóa, đẩy mạnh giao thương khi thống nhất được khu vực rộng lớn như thế.
Câu chuyện cứ thế tiếp tục cho đến khi cái bánh quy cuối cùng trong hộp hết... Tôi xin phép ra về vì trời đã tối... Và cũng để suy nghĩ tiếp chủ đề nói chuyện ngày mai là gì? Chứ ba món kiến thức lịch sử chắp vá này ngồi nói tiếp e rằng cuối cùng cũng lòi đuôi... hihi.

Ông John...

33464754925_e21067f87f_c.jpg


... và món trà sữa lạc đà... kèm bánh quy...

33464755975_ed8f60a191_c.jpg


Một cái nồi cơm điện Made in Vietnam đặt trên một cái lốp xe, cái lốp xe và nồi cơm điện đặt trên bồn rửa mặt... Hờ hờ... Không đi chợ được nên phải ăn lương khô mang theo, đồ tươi sống không có... May mà có mấy ly sữa lạc đà và bánh quy hồi chiều! Hờ hờ...

33081331570_f5e8abdfc4_c.jpg
 
Khi biết tôi có lời muốn tới thăm nhà của Asan - anh thanh niên dắt lạc đà, Asan vui vẻ đồng ý. Khu cắm trại hóa ra nằm khá biệt lập với ngôi làng gần nhất. Nhà của Asan cùng với nhiều ngôi nhà khác cơ bản cũng được làm bằng mấy tấm tôn rách chắp vá lộn xộn hoặc bằng bùn đất. Ngôi nhà có diện tích khiêm tốn này là nơi sinh sống của cả đại gia đình ba thế hệ. Chỉ gồm cửa đi vào chính, không có cửa sổ nên bên trong ngôi nhà tối như hũ nút. Đồ đạc gần như không có gì, vài ba nồi niêu xoong chảo và mấy cái giường để nằm ngủ. Cuộc sống quả là khó khăn!

33342316472_5ae0523d7c_c.jpg


Có lẽ nhà của người Châu Phi tại đây chỉ dùng để che nắng che mưa và nằm ngủ buổi tối. Ban ngày mọi người thích ra khỏi nhà hít thở không khí hơn. Bà chị của Asan thấy có khách tới chơi liền bế đứa con ra ngoài sân, đứa bé ẵm ngửa thoải mái nằm bú sữa mẹ giữa trời nắng, đứa chị gái của nó tò mò nhìn nhìn quan sát vị khách lạ và khá rụt rè. Asan vào nhà kho lấy ra chiếc xe máy nhãn hiệu Trung Quốc cà tàng rệu rã, gần như là gia tài giá trị nhất trong ngôi nhà này. Hắn hì hục đạp liên tục nổ máy xe, xong một bộ phận trên xe đột nhiên rơi ra rớt xuống đất, bọn trẻ con thích thú phá lên cười ầm ĩ.

33457453236_b5e9652383_c.jpg


33457452506_35abac94d5_c.jpg


Chúng tôi ghé thăm nhà bà ngoại của Asan nằm ở làng kế bên. Đó là bà già có mái tóc bạc trắng và lưng còng, bà mặc chiếc áo đỏ trong hình. Thấy đứa cháu đột nhiên dẫn khách tới nhà, bà già hơi hoảng hốt chạy núp vào bên trong. Asan tới giải thích một hồi gì đó thì bà già mới bẽn lẽn bước ra cửa. Bà nói chưa bao giờ thấy khách ngoại quốc tới nhà nên bà sợ quá. Bà là người thổ dân Turkana năm nay đã gần 80 tuổi. Gương mặt của bà đầy những nếp nhăn và miệng thì móm mém. Bà nói bà chỉ thích ở nhà làm việc nội trợ thôi, không thích đi đâu xa. Còn ông nội của Asan thì đi chăn gia súc rồi.

33457451766_27b65ab98e_c.jpg


Những người hàng xóm quanh đó cũng tới chơi và nói chuyện rôm rả. Trẻ con cứ chạy loanh quanh và nhìn tôi một cách tò mò. Chúng ngồi trên những chiếc xe đạp cà tàng và với đôi chân thon dài cơ bắp dẻo dai, chúng đạp một cách thản nhiên một ngày cả chục cây số để đi học, đi lấy nước sinh hoạt hoặc đi chợ, đi chăn gia súc.

33342315772_691d426a41_c.jpg
 
Tôi nhờ Asan đi ra ngôi chợ gần đó mua giùm cho ít thịt vì đã mấy ngày hôm nay ăn uống qua quít mì tôm, miến và mấy đồ khô mang theo. Nói gần tức là gần theo cách hiểu của người Châu Phi. Hai làng gần nhau có thể là vài kilomet và chạy xe máy trên những con đường rất xấu. Người trong làng bình thường không giết thịt gia súc để ăn mà họ để nó sinh sản cho đông đúc thêm. Trừ khi có con vật nào đó quá già yếu đổ bệnh chết thì họ mới phải làm thịt mang ra chợ bán. Gia súc đối với dân bản là toàn bộ gia tài của họ, và thịt là nhu yếu phẩm tương đối xa xỉ. Giá bán một cân thịt cừu ngon chỉ chừng trăm hai trăm ngàn nhưng với đa số người dân ở đây thì họa hoằn lắm họ mới ăn thịt. Khẩu phần ăn hàng ngày gồm hai buổi sáng chiều thường chỉ có bánh làm từ bột và khoai tây, rau tự trồng.

33342314952_3046fafe8a_c.jpg


Hờ hờ... lâu ngày lắm cuối cùng cũng có nồi thịt kho ăn:

33457450966_04f7c68fbd_c.jpg


Biết Asan và tay bảo vệ khu cắm trại thường nhịn ăn tối hoặc ăn qua quít cho xong bữa, nấu xong nồi thịt kho thơm lừng bằng cái nồi cơm điện vắt vẻo trên lốp xe tải, tôi mời cả hai cùng ăn tối. Giữ lại phần thịt cho buổi ăn sáng ngày mai, tôi chia phần thịt còn lại ra làm ba: Tôi, Asan, tay bảo vệ. Dưới ánh lửa bập bùng ba chúng tôi gặm lấy gặm để mấy miếng thịt đùi tuy rất dai nhưng ngọt nước. Hai tay này cứ vừa ăn vừa xuýt xoa cảm tạ không thôi. Tôi hỏi tay bảo vệ ước mơ của anh là gì? Tay bảo vệ đáp rằng hắn ước gì hắn có tiền để mua một cặp dê, à không, hắn ngập ngừng "Một con thôi cũng được". Từ một con dê ấy hắn sẽ cố gắng chăm sóc để nó đẻ ra thêm vài con dê nữa...

Hôm đó là đêm 30 Tết âm lịch. Ở đâu đó bên kia nửa vòng Trái đất pháo hoa đang đốt tưng bừng đón chào năm mới. Tôi mơ hồ hình dung cảnh nhà nhà sum vầy bên mâm Tết cổ truyền dân tộc với cơ man nào là thịt, cá. Dưới bầu trời đêm khu cắm trại yên tĩnh, có ba người đàn ông đang nhồm nhoàm mấy miếng thịt với đầy ắp tiếng cười...

32655482284_20068512d9_c.jpg
 
Tôi quyết định dành thời gian tới thăm nhà của anh bảo vệ khu cắm trại để hiểu thêm về cuộc sống của người dân. Ngôi nhà của tay bảo vệ là hai cái chòi dựng bằng đất sét giữa đồng không mông quạnh. Tay không lập nghiệp từ tận miền Bắc xa xôi của Kenya là vùng hồ Turkana. "Đói và cực khổ quá anh ạ, ở quê chúng tôi lớn lên không có công việc gì để làm cả. Chúng tôi đành phải ra đi". Cùng với vợ và một đứa con nhỏ du canh du cư tới Rumuruti khoảng năm năm về trước, anh ta xin được công việc làm bảo vệ tại khu cắm trại vào ban đêm. Ban ngày thì cả hai vợ chồng cùng canh tác trồng trọt. Làm việc quần quật cả ngày và đêm nhưng họ cũng chưa có nổi tiền để mua một con dê (giá chừng $30). "Tiền lương làm bảo vệ không tiết kiệm được anh ạ. Tôi kiếm được $6/ tháng. Đứa con nhỏ của tôi phải tới trường và nào là tiền mua đồng phục, tiền học phí... không tiết kiệm được gì cả". Nhà họ có một thửa vườn chừng vài trăm m2 trồng khoai tây. Căn nhà tuyền toàng gần như trống không. "Nhìn như vậy nhưng chắc lắm đấy." Anh ta đưa tay gõ gõ vào vách tường đất và nói.

32661703124_48fbb7e7c3_c.jpg


33464128966_e760a9523a_c.jpg


Cô vợ đang làm ở ngoài vườn thấy chồng dẫn khách tới nhà chơi thì hơi xấu hổ. Dáng dấp lam lũ của một người nông dân, tôi thấy chị làm việc không ngơi tay giữa trời nắng. Một tay thì cuốc, một tay thì nhổ cỏ thoăn thoắt. Được cái là vườn tược của họ cũng khá là xanh tốt. Khu vườn rộng này cũng đủ nuôi sống gia đình qua ngày... Tưởng tượng gia tài của ông John - người chủ khu cắm trại - gồm có: vài trăm con lạc đà, nghìn con dê, cừu và nuôi cả đội quân đông đảo người hầu kẻ hạ mới thấy sự tương phản trong giàu nghèo của vùng đất phía Bắc Kenya này.

33464125786_028c222b9a_c.jpg


33464127686_3ca3684923_c.jpg


33464126946_e12381cdfd_c.jpg


Trước khi chia tay gia đình anh bảo vệ khu cắm trại, tôi nói: "Này, anh có thể nấu cho tôi một bữa cơm có thịt được không? Có thể là thịt gà này cũng được. Anh có thể nói vợ anh nấu cho tôi một bữa ăn đi?". Nói rồi tôi chỉ tay về phía một con gà mái đang chạy trong sân. Muốn giúp gia đình họ có một số tiền nhỏ để tiết kiệm, tôi định bụng khi anh ta nói chi phí cho bữa ăn sẽ tốn mất 01 đồng thì mình sẽ trả cho người ta 02 đồng. Như vậy anh ta sẽ vui hơn chăng??! Ai ngờ câu nói của tôi khiến cho cả hai vợ chồng gãi đầu liên tục "Thật sự nhà tôi chỉ có 01 con gà mái đó thôi. Nếu nhà tôi có 02 con thì tôi có thể bán cho anh được". Chà... Nhà họ có mỗi một con gà mái đó thì mình làm sao mà ăn được? Vậy phải làm sao? Chợt thấy đứa bé gái bồng trên tay đang nhai miếng kẹo cao su, tôi lấy một số tiền ra và nói "Này, chú cho cháu số tiền này đi mua kẹo cao su nhé?". Cô bé lưỡng lự nhưng sau đó thì cũng cầm lấy... Hôm đó là ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam.

32661701594_2548e5dd03_c.jpg


33464124836_585eefac17_c.jpg
 
Giờ ra chơi, bọn trẻ em trong trường ùa ra khỏi lớp như bầy ong vỡ tổ. Tôi đưa máy ảnh lên chụp cả bọn ngay lập tức phóng chân ùa vào lại trong lớp rồi ló đầu ra nhìn. Mỗi khi bọn con nít định ùa ra, tôi giơ máy ảnh lên thì tụi nhỏ lại chạy ùa vào lại... Tình cảnh dở khóc dở cười khi một bên thì rình rập với máy ảnh, một bên thì thì thà thì thụp chờ cơ hội ùa ra chơi... Đột nhiên một giọng nói vang lên:
- Mời anh vào tham quan trường học của chúng tôi!
Đi dọc theo các hành lang của trường học... Bọn trẻ em đứa cao đứa thấp, đứa to đứa nhỏ, đứa lớn đứa bé ngồi học chung một lớp. Các lớp được chia thứ tự từ lớp 1 đến lớp 9. Đi vòng quanh dãy hành lang, tiếng đọc bài ê a vang lên giữa trưa nắng như tiếng kim châm. Nhiều đứa có dáng dấp rất lam lũ. Có đứa thì mặc đồng phục, có đứa thì mặc quần áo bình thường. Chắc là bố mẹ chúng không có đủ tiền để may đồng phục trường. Nhiều đứa hàng ngày cuốc bộ rất xa trên sa mạc cát nóng để tới trường, tôi đã thấy giờ tan học tụi trẻ phải tự đi bộ về các làng bản xung quanh trong bán kính hàng chục km. Không có phụ huynh đứng ở cổng đón giờ tan trường như trẻ em thành phố. Thực sự đi học là một nỗ lực phi thường của các em và của gia đình.

33377300121_4ae3188dfd_c.jpg


33377300091_c491b63b1e_c.jpg


32691311233_ac307f8f73_c.jpg


Lớp học nhìn bề ngoài cũng khá tươm tất, sạch sẽ. Trong khi đó bàn ghế thì bé tẹo bé teo được đóng từ các miếng ván gỗ chắp vá xấu xí. Ba đứa ngồi chung trên một cái bàn nhỏ, phải ngồi sát vào nhau thì mới đủ chổ để đặt thêm quyển vở và cây viết. Trong khi tôi đang tham quan dọc hành lang trường học cùng với Asan và tay bảo vệ thì mọi giọng nói cất lên:
- Này! Tôi nghe nói anh công tác ở trường Đại học à?
Tôi đáp:
- Đúng vậy.
Anh chàng da đen dáng dong dỏng cao tự giới thiệu là người quản lý thư viện trường, nói:
- Vậy anh nói chuyện với lớp, chia sẻ với các em nhỏ vài câu chuyện được không?
Thế là một tay Châu Á ăn mặc như người tiền sử với quần áo moto, giày moto đứng trước hàng chục con mắt đang mở to lên ngạc nhiên.
- Ờ... Giới thiệu với các em tôi tên là !*)!$*!!! Các em có biết nước Việt Nam ở đâu không?
Cả lớp im phăng phắc...
- Ờ... Việt Nam nằm ở Đông Nam Á. Nằm ở khu vực này nề.
Nói rồi tôi lấy tay vẽ minh họa trong... không khí để thể hiện vị trí của Việt Nam.
- Ờ... Muốn đi từ Việt Nam tới Kenya thì phải đi bằng máy bay. Thời gian bay là 30 tiếng. Phải bay tới Kualar Lumpur của Malaysia, rồi tới Quảng Châu của Trung Quốc, rồi tới Nairobi của Kenya, rồi mới đi xe máy từ Nairobi tới đây...
Cả lớp vẫn im phăng phắc. Đâu đó có tiếng nuốt nước bọt...
- Ờ... Bây giờ ở Việt Nam đang là Tết âm lịch. Thời tiết ở nhiều Tp đang rất lạnh và có mưa. Mưa liên tục cả tháng, bầu trời toàn mây đen không thấy mặt trời cả tháng, chứ không phải là mưa như ở Kenya (thường là vài tiếng mưa rào lúc mùa mưa).
Lại thêm có tiếng động nuốt nước bọt "ực, ực"...
- (!*!!*!$($(!*!&!&!
- !(!*$&!*!(!$!(!&&%

Sau khoảng 15p nói liên tục, tôi khép lại phần trò chuyện bằng câu hỏi kinh điển mà bất cứ ai cũng biết:
- Ờ... Các em có ai thắc mắc gì không thì giơ tay? Còn nếu không thì chúng ta sẽ kết thúc ở đây!
Dĩ nhiên là chẳng có cánh tay nào giơ lên cả. Hề hề... Châu Phi hay Việt Nam thì cũng như nhau cả mà thôi!!! Tỏ ra đắc chí tôi định bước ra khỏi lớp thì anh chàng quản lý thư viện lúc này giơ tay ngăn lại, nói:
- Không được!!! Anh chưa về được!!! Anh phải... nói thêm nữa! Anh nói thêm về Việt Nam, về trường học của anh đi...
- (*!&$^!*!(!!!&!(!*$&!!)!)!*$%&^%!&!!(

33122155270_b5dcaaa4e8_c.jpg


33505831955_602d593061_c.jpg
 
Hôm sau tôi lại lên đường về phía Đông Kenya khép lại Phần 2 của "Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy", để viết tiếp Phần 3 và cũng là phần cuối cùng. Hướng về phía Đông về một vùng đất khác, vùng đất chưa bao giờ đặt chân đến và cũng chưa biết thử thách nào đang chờ đón phía trước...

33432771811_74ec254860_c.jpg


33432856101_e4296d277c_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,068
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top