What's new

[Chia sẻ] Quần đảo Hawaii – Somewhere over the rainbow

Quần đảo Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 của Hòa Kỳ vào ngày 21/8/1959 gồm một chuỗi các đảo và vỉa đá ngầm dài chừng 3300km nằm giữa biển Thái Bình Dương cách lục địa khoảng 3700km về phía tây, cách Tokyo 6500km về phía đông và cách bờ biển Australia 7300km về phía đông bắc. Cùng với Alaska, Hawaii là hai bang nằm riêng rẽ chả có tý dính dáng gì về mặt địa lý đến nước Mỹ quốc cường. Để đi phượt Hawaii từ Việt Nam, nghe ra có màu xa xỉ. Quần đảo du lịch nổi tiếng này vốn là điểm ăn chơi hấp dẫn của dân châu Úc, Mỹ, nghe đâu họ gọi là xứ sở thiên đường. Chi phí trên đảo rất đắt đỏ, taxi, khách sạn tính bằng tiền trăm $, ăn uống cũng không hề rẻ, cho dù bạn có cố gắng tiết kiệm chi tiêu đến mấy thì cũng có lúc muốn điên cái đầu.

attachment.php


(Nguồn ảnh: Internet)​

Thế nên, hành trình 20 ngày với đám trẻ nheo nhóc của chúng tôi kể cũng xem như một kỳ tích "think big" của gia đình với sự giúp đỡ trên cả tuyệt vời của hai vợ chồng một người bạn sống ở phía tây đảo Oahu.

Những ghi chép của tôi về Hawaii, về những nơi tôi đã đến, chỉ là những mảnh ghép không trọn vẹn trong một hành trình – đi – khi – tôi – không – còn – trẻ. Những mảnh ghép rời rạc và lộn xộn tông màu – somewhere over the rainbow

[It’s never enough to say thanks to Ms Thuy Wild honey with her husband TIM Nguyen – a famoust painter in Hawaii]
 
Visa USA - chặng đường không gian nan

attachment.php


(Nguồn ảnh: Internet)​

Nếu có kế hoạch tới Mỹ, việc cần làm đầu tiên là xin thị thực. Nhiều người bảo visa Mỹ khó xin, trượt không lý do, hoặc với lý do khó hiểu. Trước khi chuẩn bị hồ sơ tôi cũng có đọc vài trang trong topic Visa Mỹ của diễn đàn, tuy nhiên, càng đọc tôi càng thấy bị rối! Cuối cùng, tôi quyết định sẽ không đọc gì cả và chuẩn bị theo những yêu cầu tối thiểu.

Cái tối thiểu đầu tiên là khai form DS-160, trước đó thì đi chụp cái ảnh thẻ và có file ảnh với kích thước chuẩn 5x5 pixel, tốt nhất là chụp luôn ở Triệu Tuấn 174 Giảng Võ, 50k/1 kiểu in 4 ảnh nhỏ và được copy ảnh vào usb, hơi khó chịu ở chỗ là nhất định không đồng ý gửi qua email.

Kinh nghiệm khai form DS-160 thì cứ có gì khai nấy, và phải nhớ các thông tin này, khi phỏng vấn nếu được hỏi phải nói cho khớp. Đơn giản thế thôi, trượt thì trúng mà trúng thì trượt. Cứ trung thực mà làm.

Tôi cũng ngần ngừ mãi vì tiếc 160$ lệ phí nộp ở HSBC, chỉ sợ trượt thì lãng phí tựn 2 suất. Hôm xếp hàng chờ phỏng vấn, tôi đến sớm hơn giờ hẹn độ 20’, vác theo cu bé con mới vừa tròn 1 tuổi. Một chị xếp hàng cùng tôi hỏi “Hai mẹ con đi đoàn tụ với bố à” khiến tôi có tý giật mình, dễ nhân viên lãnh sự nghĩ tôi thuộc diện một đi không trở lại đây. Không đi được Mỹ thì thôi, nhưng tôi sẽ tiếc 320$ lắm ấy!

Được cấp visa rồi, nói gì cũng thấy dễ. Mới đầu tôi định trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt như mấy bạn tư vấn bên topic visa, nhưng rồi quyết định đối mặt luôn cho đỡ phải qua mồm người khác. Bạn nhân viên lãnh sự hỏi tôi vài câu kiểu: đi đâu, bao lâu, với ai, làm gì. Đòi xem thêm mỗi cái hộ khẩu gia đình rồi tạm biệt. Hai ngày sau hộ chiếu và visa được EMS chuyển tới tựn văn phòng.

Cánh cổng tới thiên đường Hawaii đã hé mở ... giờ tới chuyện vé máy bay!
 
Air Ticket to USA

Air Ticket to USA

Nhiều người không dám book vé máy bay vì sợ trượt Visa. Kỳ thực bạn hãy book càng sớm càng tốt để được giá vẻ rẻ nhất có thể. Thông thường, để bay chặng Hà Nội – Hololulu (Hawaii, USA) bạn có thể chọn: (1) Hà Nội – Tokyo (Nhật Bản) – Hololulu; (2) Hà Nội – Seoul (Hàn Quốc) – Hololulu; (3) Hà Nội – Taiwan – Hololulu.

Xét về mặt giá cả và thời gian thì đây là 3 chặng bay có vẻ phù hợp hơn cả. Giá vé khoảng trên dưới 1000$. Trên hay dưới là cả một vấn đề với dân đi phượt luôn phải nghĩ đến tiền. Vì thế, hãy cố gắng để có thể mua được vé ở giá sàn, tầm hơn 700$.

Do thời điểm đặt vé của chúng tôi khá sát với hành trình, chỉ cách độ 6 tuần nên mức vé lúc này khiến ta khó thở. Trước tiên, tôi cứ book với ANA (All Nippon Airway - Nhật) với mức giá tầm 1300$ rồi sẽ tính tiếp. Tuy vậy, tôi bắt đầu cân nhắc đến việc bay qua Hàn Quốc, tuy đắt hơn khoảng +100$ nhưng thời gian nối chuyến ngắn hơn, sẽ đỡ mệt. Với các chuyến bay transit thế này thì không phải xin Visa tại các nước trung chuyển. Nghe nói với thời gian nối chuyến đủ dài, còn có thể xin được Visa arrival hay là tour visa gì đó tại airport. (not sure).

May mắn sau khi đã có visa thì tôi nhận được thông tin từ ANA đã book được hành trình mới cho tôi với giá vé rẻ hơn rất nhiều 1053.4$, còn giá vé của Eka là 140.5$. Trẻ em dưới 24 tháng tuổi được miễn phí vé máy bay, nhưng phải trả một số phí nhất định vào khoảng trên 10% giá vé người lớn và vẫn được phục vụ rất chu đáo. (Chuyện bay với trẻ sơ sinh tôi sẽ kể trong một post khác). Thời điểm xuất vé sẽ kéo dài đến trước khi bay khoảng 1 tháng, có đủ thời gian để gom góp tiền bạc, bán bớt đồ quý hiếm cá nhân để chuẩn bị đi Mỹ.

Đi Mỹ.
Thực ra chỉ là một cụm đảo nằm ngoài khơi Thái Bình Dương – một cái ngón tay út mà thôi.

attachment.php


Ảnh: Quầy boarding của ANA tại sân bay Haneda "đang gọi" Ms TTT nghe rõ trả lời!
 
Last edited:
Hic, bạn Tím đúng là nhanh chân, tớ thì đang lò mò tìm cung đường sang Hawaii, và tìm cách tiết kiệm tiền, bạn thì đã đặt chân đến.
Ghen tị quá.
Anyway, phải đăng nhập cái mà like và thanks luôn.
Cho tớ cái report về chi phí để còn về bán răng vàng, nhể?
 
Tớ có một lợi thế vô địch, đó là có căn cứ địa tại miền tây đảo Oahu, thường chúng tớ ăn sáng và ăn tối tại nhà (tự đi siêu thị mua đồ về nấu nướng), bữa trưa chuẩn bị theo dạng picnic, hoặc ăn đồ ăn nhanh dọc đường như pizza, hotdog, humberger, cơm dĩa địa phương, Mac Donal vv... Chi phí vào khoảng 10-20$/ người cũng tùy trường hợp. Ví dụ có lần 3 người lớn ăn trưa với một cái bánh pizza cheese to bá đạo ăn mãi không hết mà chỉ phải trả có 9$ (mua tại Cosco) với thêm mấy đồng nước uống.

Về chi phí ngủ ở đảo Oahu: tớ ngủ nhà bạn nên free hoàn toàn, được bao cả điện nước, máy giặt, xà phòng tắm
Về chi phí di chuyển ở đảo Oahu: Gia đình đi xe riêng, được tài trợ cả tiền xăng nên tiết kiệm lắm ợ.

Các chi phí và kinh nghiệm di chuyển ở Big Islands và Kua'ai từ từ tớ sẽ thống kê nha.


Hic, bạn Tím đúng là nhanh chân, tớ thì đang lò mò tìm cung đường sang Hawaii, và tìm cách tiết kiệm tiền, bạn thì đã đặt chân đến.
Ghen tị quá.
Anyway, phải đăng nhập cái mà like và thanks luôn.
Cho tớ cái report về chi phí để còn về bán răng vàng, nhể?
 
Chuyến bay của hoàng tử bé

Chuyến bay của hoàng tử bé

Anh của Eka nghẹn ngào bên ngoài ô cửa kính ở tầng 3 nhà ga T2 khiến tôi rùng mình. Có nhiều câu hỏi xoáy thẳng vào ngực trái, đau nhói và tôi phải gồng mình ngó lơ, ráng vo tròn những giọt nước mắt chực rỏ xuống tong tong vào một mớ, tuy bòng bong nhưng làm như thể, nó không phải là của mình. Ít nhất, để đi qua khoảnh khắc khó thở này. Tạm biệt Hà Nội, hoàng tử bé tung tăng chạy vào ống dẫn khách ra máy bay. Tạm biệt tết nguyên đán, tôi đi ...

attachment.php


Ảnh: Tạm biệt Hà Nội

Về cơ bản, các hãng bay luôn có một chế độ ưu tiên đặc biệt dành cho trẻ em nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng. Bạn và em bé của mình sẽ được ưu tiên khi “boarding – lên tàu bay” bằng lối riêng, thậm chí một số thành viên đi kèm đôi khi cũng được hưởng ké quyền ưu tiên đó mà không cần phải xếp hàng. Em bé cũng sẽ được ưu tiên khi làm thủ tục xuất nhập cảnh cho các chuyến bay quốc tế hoặc khi đi qua cửa an ninh. Xe đẩy (xe nôi em bé) được đồng ý mang tới tận chân máy bay và nhân viên sẽ chuyển lên khoang hành lý giúp bạn, khi hạ cánh sẽ hoàn trả ngay tại chân máy bay hoặc trả ở băng hành lý. Điều này là hoàn toàn miễn phí.

Thông thường, em bé sẽ được ngồi chung ghế cùng bố, mẹ hoặc người bảo hộ với dây bảo hiểm riêng được gắn với dây bảo hiểm của người lớn. Thuật ngữ bassinet dùng để nói đến dịch vụ xe nôi cho trẻ sơ sinh trên máy bay, tùy theo từng hãng mà trọng lượng em bé tối đa được sử dụng là khoảng trên dưới 10kg. Theo kinh nghiệm của tôi thì hãng ANA (Nhật) cho phép tối đa 10kg, VNA (Việt Nam): 11kg, Korean Air (Hàn Quốc): 11kg. Tại thời điểm sử dụng dịch vụ, tôi thấy trên chính xe nôi ghi trọng lượng tối đa là 12kgs thay vì 10kgs như hãng thông báo (có lẽ họ cần có một khoảng cân an toàn?). Và Eka của tôi cân vội cũng ở mức 12kgs, haizzzz!

attachment.php


Ảnh: Dịch vụ xe nôi cho trẻ sơ sinh trên máy bay đem lại tiện ích cho người bảo hộ, uống được cả rượu cơ nà :D

Việc sử dụng dịch vụ xe nôi yêu cầu phải đặt trước, càng sớm càng tốt vì số chỗ có thể lắp đặt xe nôi trên máy bay là hạn chế (tùy theo loại máy bay). Tôi đã muộn khi đặt dịch vụ này cho chặng bay Haneda (Nhật Bản) tới Hololulu (USA) và ngược lại do các ghế phù hợp đều đã được đặt trước cho trẻ em và người khuyết tật cần hỗ trợ đặc biệt. Trong trường hợp này, hãng thu xếp cho tôi và em bé ngồi ở hàng ghế có khoảng trống rộng, hoặc gần với khu vực tiếp viên để có thể nhận được sự hỗ trợ ngay khi cần.

Theo quy định, các hãng hàng không không cho phép/hạn chế việc mang chất lỏng lên máy bay nhưng với trẻ em, sẽ có một số ưu tiên nhất định. Tôi có thể xếp vào hành lý xách tay của mình nước lọc tinh khiết, bình nước nóng, sữa nước đóng hộp, thậm chí cả cháo, soup. Một số nơi, bộ phận an ninh sân bay sẽ yêu cầu kiểm tra khá kỹ đồ ăn cho trẻ em trước khi lên máy bay, nhưng đơn giản đó chỉ là thủ tục.

Haneda (Nhật Bản) là một sân bay nối chuyến quá tốt với một nền tàng cơ sở hạ tầng cao cấp. Xe nôi thường gửi thẳng từ điểm đầu đến điểm cuối, vì vậy khi chờ nối chuyến các bà mẹ sẽ sử dụng địu em bé, nhưng nếu thời gian quá dài thì sẽ khá bất tiện. Tại sân bay Haneda có rất nhiều xe hàng kèm theo ghế trẻ em sẽ giúp các ông bố, bà mẹ giải quyết nỗi lo lắng này. Sân bay cũng có phòng vệ sinh riêng dành cho em bé với nước nóng, chỗ thay bỉm, thay quần áo cho cả mẹ và bé, sạch sẽ, hiện đại.


attachment.php


Ảnh: Xe nôi có sẵn ở sân bay Haneda cho các ông bố bà mẹ tha hồ chở con đi lượn lờ shopping

attachment.php


Ảnh: Chờ nối chuyến tại sân bay Haneda ~ trông nhếch nhác thế thôi chứ thực ra rất OK, kể cả với baby

Eka bắt đầu sốt trên chuyến bay từ Haneda đi Hololulu với 38.5 độ đo vội, em quấy và liên tục bắt mẹ bế. May mắn hàng ghế của tôi lại nằm sát với khu vực tiếp viên chuẩn bị dịch vụ, nơi này có khoảng trống rộng cùng với ghế dành cho tiếp viên nên tôi được tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc Eka. Đội bay cũng hỗ trợ cặp nhiệt độ, hạ sốt, tiếp viên liên tục hỏi thăm và hỏi xem mẹ có nhu cầu trợ giúp gì không. Đến khi sắp hạ cánh, Eka được kiểm tra thân nhiệt lần cuối và may thay, em đã gần như trở về nhiệt độ thường, 37 độ 2. Sau này, tôi mới đoán Eka sốt vì em mọc 4 cái răng nanh cùng một lúc, có lẽ vậy.

Hay em sốt, để thể hiện tình cảm nhung nhớ với quê hương? :LL
 
Last edited:
Somewhere over the rainbow

Somewhere over the rainbow

Tôi vẫn hay nghe đi nghe lại bài này vào mỗi buổi sớm mai thức giấc trong căn phòng với chiếc ga trải giường màu xanh nước biển và Eka, con trai tôi, nằm ngủ y như một con ếch, mông chổng lên trời. Nhà bạn tôi ở phía tây đảo, trong một thung lũng, có lẽ vì thế mà mặt trời luôn tới khá muộn. Lúc nào tôi cũng có cảm giác, ngày mới chưa bắt đầu.

Tôi nhớ mỗi buổi sáng thứ 3 hàng tuần, xe dọn rác ầm ầm đi trên phố, đến trước mỗi ngôi nhà và thò cánh tay thép của mình ra, nâng chiếc thùng màu đen đổ ầm vào bồn xe rồi lại vội vã chạy sang nhà hàng xóm, trả lại con đường vẻ buồn tênh. Tôi khẽ kéo rèm cửa, hé mắt nhìn ra ngoài trời còn đang ngái ngủ và ướt đầm sương sớm. Tôi có cảm giác như thể mình đang chạm vào những tháng ngày định cư đâu tiên của bạn trên đất Mỹ cách đây 3 năm. Sự yên tĩnh, cô độc và những nỗi buồn cựa mình trong nhung nhớ. Nỗi nhớ từ đâu đó ở phía bên kia cầu vồng. Người ta còn gọi Hawaii là Rainbow state – bang Cầu Vồng.

Thỉnh thoảng, tôi lại nghe IZ Israel Kamakawiwo 'Ole khổng lồ ôm cây đàn bé xíu và hát bản tình ca tuyệt diệu về Hawaii. Tôi luôn đứng cách xa một người Hawaii chân chính trên bãi biển, không chụp hình và không bao giờ dám “keep eyes contact” nếu tình cờ có cơ hội chạm mặt. Đó chính là cái tôi tiếc nhất sau chuyến đi, tôi đã không thở hơi thở của Hawaii, không cười điệu cười của Hawaii, không hát ca những giai điệu Hawaii thực thụ. Ký ức của tôi không có dấu ấn của những thổ dân châu Đại Dương - người Polynesian. Nghĩ tới điều này, thực sự tôi muốn khóc ... Tôi đã có một chuyến đi khi tôi không còn trẻ, và tôi thấy mình mất mát, khi đã không thể đi bằng nhiệt huyết thuở hồng hoang.

Tôi muốn đến Hawaii để sống chậm. Muốn được nằm dài trên bãi biển cả ngày đọc sách, nghe tiếng đàn Ukulele, ngắm những chiếc mông cong vút lắc lư trong tiếng gáo dừa va vào nhau rộn ràng. Tôi muốn thẹn thùng ngắm những chàng trai rắn rỏi và đen bóng làm chủ con sóng dữ tợn bằng chiếc ván sắc màu ngày này qua ngày khác. Tôi muốn uống từng giọt Hawaii xanh biếc, ấm áp, máu lửa trên băng ghế cầu vồng.

Bạn tôi bảo, chúng tôi ở Hawaii 20 ngày bằng bạn tôi khám phá chuỗi đảo ngọc này trong 2 năm. Với một lũ trẻ lít nhít. Đủ để thấy lịch trình dày đặc và cuống quýt mà chúng tôi đã trải qua trên 3 đảo: Oahu, Big Islands và Kua’ai.

attachment.php


Ảnh: Ko Olina beach - Đảo Oahu

attachment.php


Ảnh: Cuốn theo dòng .. . lava tại Công viên núi lửa quốc gia - Đảo Big Islands

attachment.php


Ảnh: Poipu Beach trông cứ như hai bãi biển âu yếm xây lưng vào nhau - Đảo Kua'ai

[Sống vội ở Hawaii]
 
Hawaii at the first sight


Hawaii at the first sight


attachment.php


(Nguồn ảnh: Internet)​

Sân bay Hololulu cũ kỹ và khô cằn hơn chúng tôi tưởng, cả về kiến trúc và thái độ của nhân viên mặt đất. Do trong đoàn có trẻ con nên chúng tôi được vào thẳng cửa dành cho dân Mỹ mà không phải xếp hàng dài dằng dặc, vừa làm thủ tục vừa lo không biết mấy ký xúc xích Đồng Văn, bánh chưng có qua được cửa hải quan không.

Tôi đã từng nghĩ là, sẽ có những điệu múa hula rộn ràng, những vòng hoa đại đội đầu rực rỡ và những nụ cười bất tận luôn nở trên môi tiếp đón chúng tôi ở xứ sở thiên đường. Nhưng cả tôi và bạn tôi đã nhầm. Đi phượt chắc có tý khác.

Lúc này khoảng gần 11g trưa, giờ Hawaii. Một mớ hành lý với đám trẻ con đứng chờ “người nhà” tới đón bên ngoài sân bay, nơi tôi không xin được tấm bản đồ thành phố nhưng kịp lấy vài cuốn guide book miễn phí trên kệ sách trong khi một người bạn khác của tôi đã nhanh ý xin gọi nhờ một cuộc điện thoại từ một người bản địa, cho dù người này cũng không lấy gì làm thoải mái. Kinh nghiệm rút ra là, khi cần, phải lỳ và nito một tý, nhất là ở trên đất khách quê người.

May mắn là cả đoàn cùng với 3 đứa trẻ ( một đứa 4 tuổi bằng tuổi con chủ nhà, 1 đứa 2 tuổi và 1 đứa 1 tuổi) không thấy ai bị dấu hiệu jet-lag (mất ngủ do lệch múi giờ). Khoảnh khắc đáng giá nhất của Hawaii at the first sight là lúc tôi ôm lấy người bạn gái cùng tên khác nick (cô ấy tên Thủy Ong, còn tôi được gọi là Thủy Bướm), niềm vui khi gặp bạn bè, sự lo lắng ẩn dấu khiến lời nói của bạn hối hả như quấn vào nhau và ... tôi không chắc lắm, rằng, lúc đó có giọt mồ hôi nào từ mắt đã rơi không...

[Tôi đã không chụp bất kỳ một bức ảnh nào tại sân bay Hololulu]
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,180
Bài viết
1,150,366
Members
189,939
Latest member
chuyengiatrimun
Back
Top