What's new

Ký sự Ai Cập.

Chiếc Boeing của hãng Hàng không Egypt Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo – Ai Cập vào một buổi sáng sớm, khí trời còn khá mát mẻ. Giọng của phi cơ trưởng cất lên trên loa mời tất cả hành khách chuẩn bị hành lý xuống sân bay. Hòa theo dòng người đến khu vực kiểm soát hộ chiếu với visa Ai Cập trên tay mà tôi cũng hơi run, không rõ có trục trặc gì không?

Tay cảnh sát cửa khẩu gương mặt nghiêm nghị cầm cuốn Hộ chiếu Việt Nam hết lật đi lật lại, lại gõ gõ chiếc bút xuống bàn có vẻ khó hiểu cân nhắc ghê lắm. Sau một hồi đắn đó, anh ta chạy đến tay sỹ quan diện bộ đồ quân phục màu trắng tinh đang ngồi trong góc phòng để hỏi ý kiến. Tay này lướt mắt qua cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây rồi gật đầu một cái…

Thế là…

“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” trong ngoặc được phép ra đời!

Sở dĩ như vậy vì xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm”, “Xác ướp Ai Cập”, của “Alibaba và 40 tên cướp” này thật khác xa với những quốc gia mà tôi đã từng đặt chân tới, khác xa với những trải nghiệm tôi có với các nước trong khu vực và Châu Âu, Mỹ. Rồi đến lượng thông tin ít ỏi tìm được về Châu Phi nói chung, Ai Cập nói riêng càng làm cho mọi thứ ở đây thêm đầy rẫy những điều ngạc nhiên khiến tôi đến tận bây giờ cũng không dám nói trước điều gì…

Nhưng cho dù đi với phương tiện gì, đi đâu đi chăng nữa thì mục đích của tôi là nhằm chia sẻ với các bạn những câu chuyện bình thường, những bức hình chụp bình thường về cuộc sống đời thường tại một đất nước Bắc Phi, với cách giải thích còn lắm hạn chế với mong ước rằng: Các bạn hãy lên đường khám phá thế giới! Thế giới quả là rộng lớn và thú vị! Hãy lên đường theo cách riêng của bạn. Đừng ngại ngần! Đừng sợ hãi!

Bởi vì…

“SỐNG ĐỂ ĐI – LIVE TO RIDE”
 
Khác với Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc được xây dựng dưới thời Tần Thủy Hoàng: Ông vua tàn bạo bóc lột sức lao động và sự hy sinh của nghìn người dân để xây dựng hệ thống tường thành phòng thủ vòng quanh các đỉnh núi. Kim tự tháp là sự cống hiến của người Ai Cập cổ đại cho vị Pharaon của họ. Tín ngưỡng rằng khi Kim tự tháp là cánh cổng đưa linh hồn của vị vua lên thiên đường, là cầu thang nối giữa mặt trời và mặt đất. Trên thiên đường, Pharaon sẽ phù hộ cho vương quốc tránh khỏi các thiên tai, bệnh tật và quốc gia thêm thịnh vượng. Đội quân xây dựng Kim tự tháp khác với đội quân khổ sai xây dựng Vạn Lý Trường Thành là như thế…

IMG_3353_zpswfxquvoi.jpg
 
Immotep không phải là kiến trúc sư thiên tài bẩm sinh. Không phải Đại kim tự tháp Khufu tự nhiên mọc lên sừng sững đó, mà trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại của Immotep, nhiều phương án thất bại... Tôi không rõ là các du khách khác có suy nghĩ như vậy khi tới thăm Giza hay không?

Vẫn còn rất nhiều ông bố bà mẹ dạy dỗ con cái theo kiểu không cho mắc sai lầm, hạn chế con trẻ được phép làm điều sai. Rất nhiều công ty trừng phạt nhân viên mỗi khi họ mắc sai lầm. Rất nhiều ông thầy, bà cô vẫn chê bai học sinh mỗi khi các em làm điều gì sai, không khuyến khích các em mạnh dạn với các ý tưởng mới (cho dù đó là sai)... Và bởi vì cả xã hội thử nghiệm quá ít điều sai, nên xã hội cũng chẳng làm được cái gì to tát! Không có thử nghiệm, không có sai sót, làm sao học hỏi được cái mới, làm sao để hoàn thiện? Nếu không có vị Pharaon Sneferu rộng lượng cho phép mắc sai lầm, liệu có Immotep tài ba, liệu có Đại kim tự tháp ngày hôm nay?

Với những người vẫn còn khăng khăng rằng hạn chế sai lầm là tốt, hãy nhìn vào lịch sử 5.000 năm của Ai Cập!

IMG_3346_zpsntsf0set.jpg
 
Một dòng chữ Ai Cập cổ được giới khảo cổ phát hiện thấy trên một phiến đá vào ngôi đền nhỏ. Giới khảo cổ Việt Nam giải mã ý nghĩa của dòng chữ này như sau:

"Nếu bạn đọc topic đến thời điểm này mà chưa chịu Like hay Comment thì bạn sẽ phải nằm trong kim tự tháp" :D

IMG_3330_zpseh2vigow.jpg


Còn tiếp... ;)
 
Muốn lái xe an toàn ở nước ngoài trước tiên cần hiểu suy nghĩ của người dân địa phương, tập quán, thói quen của họ cũng như luật lệ giao thông!

Va quệt giao thông xảy ra nhiều trên đường phố. Người Ai Cập cũng cãi nhau rất hăng: hét to vào mặt nhau, xông vào nhau (nhưng không đánh lộn), quát tháo quyết liệt. Không rõ có phải do tháng Ramadan cấm đánh nhau ngoài đường hay không, nhưng rất có thể va quệt kiểu này sẽ thành ẩu đả. Giao thông phản ánh rõ rệt thói quen của con người trong tháng Ramadan này. Cụ thể ư? Đây...

Buổi sáng sớm đến trưa, đường phố ít xe nhất trong ngày. Xe cộ lưu thông từ tốn chậm rãi (xu hướng tiết kiệm sức lực cho cả ngày không ăn uống). Càng dần về chiều, đặc biệt tầm trước 7h tối (thời điểm được phép ăn uống) xe cộ chạy bát nháo, bóp còi inh ỏi, chen lấn từng cm trên đường. Buổi tối đến khuya là thời điểm nguy hiểm nhất, người người ùa ra đường sau bữa ăn no nê, thời tiết ban đêm cũng mát mẻ hơn và chạy xe lúc này thì phải nói là điên cuồng!

Trong đầu từ đó đã phác thảo kế hoạch "thoát" ra khỏi Cairo ngay khi có xe máy xong...

Bắt đầu bước 1: Liên lạc với những người muốn bán xe trên mạng Internet. Tay quản lý khách sạn là người hỗ trợ trong việc gọi điện, và hắn hỗ trợ tôi rất nhiệt tình. Thông tin phản hồi nghe qua khá khả quan: người bán sẽ tới ks trong vòng 1 tiếng nữa, hoặc ngày mai tôi có thể tới xem v.v... và v.v... Kinh nghiệm các lần mua xe ở nước ngoài thường cho thấy Bước 1 là bước dễ nhất. Tuy nhiên, xứ sở "Alibaba và 40 tên cướp" đã chơi khăm: Không ai tới, không nghe điện thoại sau đó nữa. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như vậy. Tại sao? Thật sự khó hiểu!

"Biến tấu" một chút: Bỏ không lên mạng coi bán xe nữa, cứ xuống phố thấy chiếc máy nào ưng ý là hỏi thẳng luôn người chủ có muốn bán không? Kết quả tốt đẹp không ngờ! Toàn bộ những người được hỏi đều sẵn lòng bán xe luôn! Chỉ cần mặc cả giá, ưng ý là ai cũng sẵn lòng bán tuốt! :D

Công việc phức tạp hóa trở thành đơn giản: Mỗi lần tôi và Jose xuống phố đi ăn cơm, chúng tôi đều tranh thủ "shopping" xe gắn máy kiểu như vậy... Vừa thú vị, vừa hài hước...

Người Hồi cũng ăn tất tần tật các bộ phận của bò, dê. Từ mắt, mũi, chân, tay, da, lòng, mề, gan... ăn tuốt!

IMG_20150710_114206_zpsgubjhzps.jpg


IMG_20150710_114036_zpswgyenixs.jpg


Phần cơm này có giá 13 đồng bảng (khoảng 40.000 VNĐ).

IMG_20150710_114305_zps40kfbwq9.jpg
 
6 giờ 30 phút sáng ngày Thứ 7, một tiếng nổ "BÙM" chát chúa xé nát bầu không khí yên tĩnh một buổi sáng sớm Ramadan tại Trung tâm Cairo!

Tôi đang nằm trên giường bỗng bật dậy, thấy cửa sổ phòng rung bần bật dưới sức ép không khí từ vụ nổ. Nhìn sang giường bên cạnh, tôi thấy Jose đang dụi mắt, mặt tái xanh. Cả hai chúng tôi đồng thanh la lên: "Khủng bố"! Tôi mở cửa ban công bước ra ngoài, thấy lố nhố người ở các chung cư bên cạnh cũng đang ló đầu ra... Chừng 5p sau, tiếng còi xe cảnh sát rú lên inh ỏi "tò te, tò te, tò te" tám phương bốn hướng chạy vèo qua trước khách sạn, hướng về cột khói, nơi có cây cầu đường cao tốc, cách tôi đang đứng chừng hơn 500m.

Thoạt đầu, tôi và Jose chưa dám ra khỏi khách sạn ngay. Jose lên mạng tra cứu tin tức... Tin tức lan truyền rất nhanh: Một vụ nổ bom xe ngay cạnh Lãnh sự quán Italia gần đường Ramsey, chỉ cách quán ăn chúng tôi ghé hôm trước hơn 100m. Nửa tấn thuốc nổ được cài sẵn trong một chiếc oto và cho kích nổ từ xa. Sức ép từ khối thuốc nổ phá sập một phần ba tầng của văn phòng Lãnh sự quán Italia. Thống kê sơ bộ: 5 người bị thương, 2 người chết tại chỗ...

Vụ nổ bom từ những phần tử quá khích Muslim Brotherhood (phe ủng hộ cựu T.T Mobarak) nhanh chóng được các hãng thông tấn lớn trên TG phát đi trên kênh thời sự nhanh. Video clip sau được lấy từ bản tin thời sự của Hãng Reuters:

[video=youtube;o09aO-mMOIE]https://www.youtube.com/watch?v=o09aO-mMOIE[/video]
 
Ngay khi hãng Reuters nổi tiếng TG vừa đưa tin xong, hãng thông tấn xã Suvietnam cũng ngay lập tức điện thoại "cử" phóng viên đang du lịch tới ngay hiện trường để tìm hiểu... Tròng vào chiếc áo khoác chống đạn dày 0.5mm Made in Vietnam, chân mang đôi dép Lào có chức năng cảnh báo và dò mình, đầu đội mũ tai bèo cũng chống đạn nôt, phóng viên Suvietnam lăm lăm máy ảnh trong tay chạy tới "hiện trường".

Trên đường đi, có thể thấy rằng dưới sức ép của vụ nổ, cửa kính các tòa nhà quanh khách sạn đều bể hết:

IMG_3386_zpsiturdaos.jpg


Người ta căng dây để người đi đường không đi vào khu vực nơi các tấm kính rơi. Càng gần tới nơi xảy ra vụ nổ, kính bể càng nhiều văng khắp nơi:

IMG_3387_zpsshwcjdxe.jpg


Hiện trường mặt sau tòa nhà của Lãnh sự quán Italia còn ngổn ngang tường ngói, nước tràn lan khắp nơi (chắc là nổ phá hư đường ống nước). Nữa tấn thuốc nổ chứ không phải ít!

IMG_3389_zpsnhjum52e.jpg


Phía trước con đường chính, một đám đông gồm người dân, cảnh sát, phóng viên v.v... tụ tập. Một nhóm tụ tập hướng về tòa Lãnh sự quán hò hét quyết liệt, không rõ là lý do gì? Tóm lại, một khung cảnh không lấy gì làm hòa bình cho lắm...

IMG_3393_zpsdctcq3jt.jpg
 
Ngôi nhà 3 tầng màu đỏ khá kiên cố bị thổi bay mất một mảng lớn, nó nằm trên đại lộ đông đúc người đi bộ và xe oto tại trung tâm Cairo. Thời điểm xảy ra vụ nổ rất may là vào lúc sáng sớm, khi phần lớn mọi người còn đang ngủ (hoặc đây chủ ý của người đánh bom chăng?) nên thương vong ít. Chiếc xe đặt bom cũng không nằm trên đại lộ lớn, mà nằm ở con hẻm ngay cạnh, mà phía đối diện nó lại là bãi đất trống không người ở... Cố tình gây ít thương vong chăng?

IMG_3394_zpsx8nprmeo.jpg


IMG_3395_zpswpazaym3.jpg


Bên kia đường, đám đông tụ tập hò hét dữ dội tỏ vẻ phản đối hành động khủng bố. Đôi khi họ lại hát bài hát gì đó dưới sự "cầm đầu" của người đàn ông trọc đầu mặc áo đỏ sọc trắng. Dưới cái nắng gay gắt, cảnh sát ra sức điều tiết làn xe cộ và cả đám đông càng lúc càng đông. Khung cảnh hỗn loạn, dường như chỉ có tôi và tay Jose là khách du lịch với kiểu ăn mặc khác dân địa phương. Đám đông này mà đổ hô tôi là "nghi phạm khủng bố" thì cũng gay go à nha...

IMG_3399_zpsryvceqlu.jpg


IMG_3400_zpshev0oy45.jpg
 
Tàn dư của chế độ cũ vốn đã tồn tại 30 năm đâu dễ gì năm một, năm hai mà xử lý xong? Jose có thể nói một chút tiếng Ả rập tiến lại bắt chuyện với một người đàn ông địa phương. Anh ta giải thích với chúng tôi rằng đám đông tập hợp ở đây để thể hiện sự phản đối hành động khủng bố, phản đổi đánh bom xe, ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Hành động đánh bom cạnh Lãnh sự quán Italia là có mục đích triệt hạ nền du lịch của Ai Cập, tạo hình ảnh xấu cho đất nước "nghìn lẻ một đêm", khiến du khách phải tránh xa. Thực tế cho thấy là âm mưu nham hiểm này của nhóm Muslim Brotherhood đã thành công, kể từ sau Cuộc cách mạng 2011 (mà người Ai Cập dùng từ Revolution) lượng khách tới đây sụt giảm chắc phải hơn 80%...

IMG_3405_zpsukda8nbv.jpg


IMG_3403_zps5otdfwkp.jpg


Theo quan điểm của tôi, mục đích của nhóm khủng bố không phải là giết thật nhiều người (đặc biệt là du khách nước ngoài). Nếu không thì tại sao lại nổ bom vào buổi sáng sớm ít người? Tại sao lại đặt bom xe cạnh khu vực trống trải? Mà không phải là ngay trên đường phố đông đúc?

IMG_3395_zpswpazaym3.jpg


Nói thì nói vậy thôi chứ chụp xong bức ảnh này tôi phải tìm đường "chuồn" thật nhanh! Lỡ có quả bom xe nào quanh đây còn chưa nổ thì...có mà chạy không kịp! hehe.

IMG_3397_zpsvqbsyofx.jpg


Bạn thấy đấy, xứ sở của "Nghìn lẻ một đêm" đôi khi cũng có thể trở thành "Nghìn lẻ một...quả bom". Nó không hẳn là hoàn toàn giống như tưởng tượng của bạn lúc còn ở nhà...
 
Tầm gần 7h tối, tôi và Jose cùng nhau xuống phố tìm “quán ăn” miễn phí dọc đường. Thường thì Jose hoặc tôi, sau khi chọn được “quán ăn” ưng ý xong, giả bộ hỏi: “Chúng tôi có được phép ngồi đây và trả tiền cho món ăn không?”. Câu trả lời tiếp theo thường là “Ồ! Ngồi xuống đây hai anh bạn, chúng tôi sẽ phục vụ cho hai anh miễn phí!”. Thế là chúng tôi cứ đàng hoàng ngồi xuống, làm bộ hơi rụt rè, chờ những dĩa thức ăn miễn phí trong tháng Ramadan dọn ra cho mình. Mỗi “quán” phục vụ một số món ăn khác nhau, ví dụ như quán này là spagetti với hai viên xúc xích được làm từ gan bò.

IMG_20150711_185906_zpsyiluar0j.jpg


Chỉ có những người dân lao động nghèo mới ngồi tụ tập ở các quán ăn như vậy. Tuy là dân lao động nghèo nhưng tôi và Jose rất bất ngờ nhận được khi thì cái thìa để xúc cơm, khi thì nước uống, khi thì trái táo tráng miệng từ chính phần ăn của họ. Vài người ngồi cạnh còn lớn tiếng gọi người phục vụ mang thức ăn tới nhanh cho chúng tôi, hoặc lấy tay đẩy dĩa thức ăn của mình về phía chúng tôi, kèm theo điệu bộ có thể hiểu rằng “Anh hãy cứ ăn tự nhiên, đừng khách sáo”. Không khí thật đầm ấm!
“Người có điều kiện hơn hãy giúp đỡ người nghèo hơn” rõ ràng là một truyền thống tốt đẹp trong tháng Ramadan. Hồi giáo đang ngày một phát triển tại các nước Châu Âu có lẽ cũng vì những điều này chăng?

Đến 7h rồi... uống nước rồi ăn thôi!

IMG_20150711_185914_zpsjsvdpcop.jpg


IMG_20150711_190006_zpsnxyzma18.jpg
 
Một hôm trước khi nằm nghỉ, tôi bâng quơ hỏi Jose:
- Jose! Ông có thể chia sẻ cho tôi câu chuyện tại sao ông lại nhập quốc tịch Đức không?
- Đương nhiên rồi Đông. Cách đây hơn 30 năm, Guatemala có một số người du học sinh sang Đức học. Sau khi học xong, hồi đó nước Đức cần kỹ sư lắm, Đức có các chương trình đãi ngộ những kỹ sư như tôi ở lại làm việc. Điều kiện làm việc và lương tốt lắm! Rồi tôi quen một cô gái người Đức, sau vài năm tìm hiểu thì chúng tôi quyết định cưới nhau…
- Rồi sao nữa?
- Sau đó chúng tôi có một đứa con gái, tên là Maria! Chúng tôi sống khá hạnh phúc! Lúc đó, tôi vẫn luôn có suy nghĩ trở về Guatemala với cha mẹ và gia đình mình. Thế rồi tôi động viên vợ cùng tôi trở về Guatemala sinh sống.
- À!
- Nhưng cô ấy tỏ vẻ không đồng ý! Tôi thì làm công việc kỹ sư phần mềm cho công ty lớn nên đi suốt ngày... Rồi một hôm, tôi phát hiện thấy cô ấy dẫn người đàn ông khác về nhà. Tôi đã rất tức giận và chúng tôi quyết định dắt nhau ra tòa ly hôn. Cưới một phụ nữ Đức thì dễ, ly dị thì rất phức tạp và tốn kém…
- Vậy sao?
- Đúng vậy! Tôi gần như khánh kiệt về tinh thần, không hiểu nổi tại sao cô ấy lại phản bội mình? Và số tiền ly hôn cũng là số tiền lớn… Một thời gian dài tôi chìm vào khủng hoảng! Tôi rời bỏ công việc tại công ty phần mềm lớn và tìm cho mình một công việc tại công ty nhỏ hơn gần nhà để tiện thăm đứa con gái chung của chúng tôi, Maria. Sự đổ vỡ hôn nhân khiến tôi cảm thấy sợ phải lập gia đình lần nữa và sống độc thân hơn 20 năm nay.
- Ờ… Cảm ơn anh đã chia sẻ, Jose! Tôi nói rồi ý định không hỏi thêm nữa để khỏi phải khơi lại quá khứ buồn của anh…
Căn phòng chìm trong bóng tối yên lặng một lúc lâu, đột nhiên Jose hỏi tôi:
- Đông, có bao giờ mày cảm thấy đơn độc không?
- Có chứ! Nhưng cảm giác đó không thường xuyên và không nhiều.
- Ờ… Đôi khi tôi thấy cô đơn. Đứa con gái tôi dường như hiểu nên thường tới chơi với tôi vào mỗi cuối tuần. Nó biết lỗi không phải từ tôi…
- Thế anh có ý định gì cho tương lai không? Tôi chuyển hướng câu chuyện.
- Tôi muốn trở về Guatemala phụng dưỡng cho bố mẹ già. Năm nay họ đã gần 80 tuổi và năm sau tôi có kế hoạch trở về hẳn Guatemala, mở một trường học để chia sẻ kinh nghiệm IT, và để chăm sóc hai cụ. Hơn 30 năm nay, lúc nào tôi cũng muốn về quê! Cho dù tôi phải trả giá cho ý định đó bằng gia đình của mình ở Đức, thì tôi vẫn không từ bỏ!

Tôi thực sự cảm mến Jose không phải vì trình độ IT tuyệt vời của anh, mà vì câu chuyện này. Có cái gì đó gần gũi cảm thông giữa hai tay du lịch ở hai châu lục tình cờ gặp nhau tại Cairo. Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều rằng:

"Thiện căn bởi tại lòng ta.
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài."

Có rất nhiều người trong cuộc sống bạn gặp khoe mình có tài này nọ: tài kiếm tiền, tài đi du lịch, tài viết lách, tài lãnh đạo, tài kinh doanh v.v… Những người này với tôi thật ra không để lại nhiều ấn tượng lắm. Cũng có những người thao thao bất tuyệt hàng giờ liền nào là chữ tâm, nào là hiếu, nào đạo đức, nào là văn hóa v.v… Nhưng hành động của họ lại khác. Còn những người thầy tôi gặp tại đây đng giảng giải cho tôi thấy bằng thực tiễn câu chuyện cuộc đời mình!

IMG_20150711_173639_zpsprnhqquw.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,181
Bài viết
1,150,388
Members
189,941
Latest member
Thao10
Back
Top