What's new

Chuyện về các CON ĐÈO trên khắp mọi miền Việt Nam

Trên trục đường Trường Sơn, đoạn từ ngã ba Đăk Tô đến cầu Dăk Rông có mấy con đèo rất dài: Đèo Lò Xo - Đèo A Roàng ... Đường Trường Sơn nhánh Tây, có 3 con đèo lớn rất hiểm trở và hay bị sạt lở: Đèo Sa Mù - Đèo Khe Đăng - Đèo U Bò. Chúng ta nói về từng đèo nhé :)

Đèo Lò Xo thì tôi đã viết ở những post trên, còn đèo A Roàng thì ....

Những năm trước đây, theo một nguồn tin "không chính thống", phần đất từ những km gần đèo A Roàng đến hầm A Roàng 1 và A Roàng 2 không rõ ràng về ranh giới quốc gia. Đại loại thế ... Trục đường này quanh co và uốn lượn rắn bò kinh khủng. Nó chui sâu trong rừng già thâm u. Không có một căn nhà dân nào trên quãng đường dài 70km từ P'rao sang A Lưới. Hoàn toàn vắng lặng. Tôi đã đi qua con đèo này 2 lần.

Lần 1, chạy qua đây lúc chiều tà. Trời mù mịt sương và lạnh như cắt. Rừng âm u không thể tả! Vắng! Vắng kinh hoàng... Bắt đầu từ ngoại vi thị tứ P'rao trở đi thì con đường rừng hoang lạnh này chỉ có mỗi chiếc xe của tôi. Chiều tối nhưng tôi mở đèn pha và bật nhạc ầm ĩ cho đỡ ...sợ!

Chui qua căn hầm A Roàng 2, trời bắt đầu tối. Sương bớt mù mịt, đường vẫn hun hút. Gió ào ạt. Tôi chạy xe như "ma đuổi" lòng mong mỏi về A Lưới thật nhanh....

Bất chợt, nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy 2 ngọn đèn mờ mờ ở phía sau xe. Tự dưng tóc gáy dựng cả lên, chợt nhớ câu chuyện dị đoan bà chủ quán ở Huyện Hiên kể rằng đường Trường Sơn này rất nhiều "ma lai", đêm nó "bay tà tà" theo người để hút máu. Mịe khỉ, thế là nhấn ga chạy ...

Giời ạ! Mình chạy nhanh cỡ nào thì 2 cái đèn mờ mờ kia nó cũng chạy nhanh, chạy chậm lại nó cũng chạy chậm lại. Mình cua gấp nó cũng cua gấp. Cứ cách nhau khoảng 10m, đuổi theo như hình với bóng.

Lúc này bắt đầu đ.é.o nghĩ đến Ma nữa, mà nghĩ đến cướp. Nhưng mà quái lạ, sao không thấy nó vượt lên nhỉ?! Thôi, có khi đúng là Ma rồi ... Đuổi theo nhau dễ đến hơn 30km rồi còn gì ...

Vậy là bắt đầu "thần hồn nát thần tính". Chạy! Chạy bay tóc. Chạy mà không thèm nghĩ gì đến đèo dốc, vực sâu, cua gắt hoặc tai nạn. Cho đến khi mờ ảo phía trước là những ngọn đèn vàng vọt của 1 cái bản người Vân Kiều, chó chạy lao ra đường sủa ông ổng thì tôi giảm ga ... dừng lại.

2 ngọn đèn mờ ảo kia sáng dần lên và ...cũng dừng lại. Kettttt! Một bóng người mở cửa xe lao xuống, tay lạnh ngắt cầm chặt tay tôi miệng hào hển run rẩy: Anh ơi ...đường vắng nhỉ, vắng nhiiiiiiii ....

Hóa ra một "ông" Camry biển 29, chở khách đi Thủy điện A Vương, tiện đường Trường Sơn chạy về. Khi đến P'Rao, thấy vắng quá nên định quay lại. Nghe ông bán xăng nói trước đó 20 phút có 1 chiếc Escape cũng biển ngoài nớ đang chạy ra, hắn quyết định đuổi theo xe tôi. Qua khỏi đèo A Roàng thì "hắn" bắt kịp xe mình, cứ thế chạy theo sau. Nhưng "hắn" bảo: Anh chạy nhanh quá, mà em thì lo bị anh bỏ rơi nên cố chạy bám theo ....Hóa ra, hai thằng đều "thần hồn nát thần tính" rượt nhau chạy tóe khói :D

Đêm đó, hai anh em "rồng rắn" nhau chạy về Lao Bảo uống rượu. 2h sáng lại tiếp tục chạy về Khe Sanh để hôm sau đi tiếp Tây Trường Sơn với những con đèo Sa Mù - Khe Đăng - U Bò nổi tiếng ....
 
Last edited:
Sáng sớm ở Khe Sanh, trời xanh trong và nắng dịu, gió Lào khô khốc hiu hiu thổi. Con đường 9 phẳng lì gặp Tây Trường Sơn tại ngã ba Khe Sanh, nơi có một tượng đài kỷ niệm chiến thắng Đường 9 Nam Lào...

Tôi đi đổ xăng xe, bụng nghĩ, cung đường Tây Trường Sơn từ Khe Sanh sang Khe Cạc khoảng cách 235 km, chắc đổ đầy bình 60 lít là ổn. Thế rồi 7h sáng tôi rời Khe Sanh để vào cung đường "huyền thoại" nhất: Tây Trường Sơn với những con đèo Sa Mù - Khe Đăng và U Bò ...

Đường Tây Trường Sơn được xây dựng dựa trên nền con đường Trường Sơn của đoàn 559 trước đây. Gần như toàn bộ 235 km từ Khe Sanh sang Khe Cạc là đổ bê tông chứ không rải nhựa đường. Đường hẹp, chỉ 6 m bề ngang. 253 km thì có đến 180 km là cua gấp, ngoằn nghèo, lên xuống, chui rúc sâu tít trong rừng rậm nhiệt đới. Không sóng di động, không trạm xăng, không hàng quán và không ... người!


Lúc này tôi vừa đi qua cái bản người Vân Kiều cuối cùng của huyện Hướng Hóa. Rừng đã âm u và mây đã bắt đầu xầm xì một màu xám. Khả năng trời đổ mưa ... Nếu mưa thì đúng là bỏ mịe chứ chẳng chơi. Cái khúc cua sạt lở mà tôi nhớ 2 đồng chí imim và anson đã không thể đi qua bằng chiếc xe Daewoo, may nhờ có dân bản giúp đỡ (Hình như bằng cách ...khiêng thì phải =)) )

Màn dạo đầu của con đèo Sa Mù là một khúc cua và dốc bị sạt lở, thành ta luy dương đổ ập xuống khiến cho con đường đã hẹp lại càng hẹp, vừa đủ cho chiếc xe escape đi...

Tôi dừng lại và chụp một tấm ảnh trước cột mốc đầu tiên của Tây Trường Sơn

IMG_0021.jpg
 
Last edited:
Đây là cái bản cuối cùng của huyện Hướng Hóa Quảng Trị trên con đường Tây Trường Sơn

IMG_0049.jpg



Đây là đoạn đường bị sạt lở ...


IMG_0036.jpg


IMG_0035.jpg



Đây là đoạn đường mà imim và anson khó khăn lắm mới đưa được em Daewoo đi qua ...

IMG_0045.jpg



Các bạn Vân Kiều có lẽ chơi xe hơi trước cả anh em người Kinh nhá ...


IMG_0050.jpg



Và đây là con dốc đầu tiên để lên đèo Sa Mù

IMG_0052.jpg
 
Một đoạn đèo Sa Mù

IMG_0072.jpg



IMG_0076.jpg



Con đèo Sa Mù thường là rất nhiều sương mù (không phải luận ra từ cái tên đâu nhé :D) ... Lần đi qua đó tôi gặp may vì trời cũng không đến nỗi tệ. Nhưng phải nói thật là rất hãi chuyện sạt lở ... Nói dại chứ đang đi mà cả nửa quả đồi sạt xuống, chắc chỉ còn nước đi bộ quay ngược lại 50 km mới có cái ăn, mà thế là may chứ không may mà nó vùi cả xe thì chỉ có nước ....đứt. Chẳng có ma nào cứu kịp.

Tháng 8 hay là 9 năm 2006, lần đi cái chấm ở Anh Sơn, có GPS ở Quata về, CVN, Minh Cận, và anh minh ở Hà Nội nửa đêm mò vào, Hai Lúa, Ducko và một số anh em ở Sì Gềnh ra, có cả Lam chiều và tabalo cùng rất rất nhiều anh em nữa, chuyến đó Lam Chiều bảo: Em vừa đi Tây Trường Sơn, "hắn" tí tởn cho mình xem bộ ảnh "hắn" đi Tây Trường Sơn. Ô Hô... Hai "lão" Lam Chiều và Lý Toét đi cung này đã phải dùng rìu để chặt cây đổ giữa đường mới thoát được, hình như lại còn dùng xẻng đào đất nữa ... Anson và imim thì bày đồ ăn giữa đường trên đỉnh U Bò, vừa ăn vừa ngắm Đồng Hới phía xa xa ...Còn mình, may thế. Chuyến đó không gặp cái vụ sạt lở nào, nhưng gặp một vụ đưa người đi cấp cứu khá hồi hộp giữa rừng không mông quạnh .....
 
Vài cái ảnh nữa về Tây Trường Sơn ...

Cầu Khỉ ... những không phải cầu khỉ ...

IMG_0085.jpg



Dừng lại ăn trưa. Cả một quãng đường dài gần 100km chỉ có rừng già và hai đứa chúng tôi. Không dám bày ra giữa đường để "chén" nhưng mà cũng thích chí khi ngồi ăn trưa mà nghe tiếng nước chảy, tiếng vượn hú, tiếng chim hót véo von và tiếng rừng đại ngàn đang ..thở than!!!

IMG_0088.jpg


IMG_0166.jpg



Qua khỏi đèo Sa Mù chừng 40km thì chúng tôi dừng lại ăn trưa. Rừng thâm u kinh khủng. Vắng lặng. Gió xào xạc. Chỉ có thoang thoảng tiếng chim hót và tiếng vượn hú phía xa xa. Rì rầm tiếng nước chảy. Đại ngàn hoang vắng sẽ còn được bao lâu nữa, khi con đường này cứ đông đúc dần, dân cư sẽ lại bám đường sinh sống, chặt rừng để ...ăn !

Gần 13h chúng tôi đi qua đèo Khe Đăng (Khu Đăng). Con đèo này trước đó bị sạt lở mất một khoảng đường dài mấy trăm mét, bộ đội và công nhân làm đường tránh, đi vòng một khúc ....

IMG_0104.jpg


Đường bị sạt lở

IMG_0110.jpg


Qua khỏi đèo Khu Đăng thì đến cái cầu Lồ Ô ... Chụp phát làm kỷ niệm

IMG_0102.jpg
 
Anh ơi, anh cứ mải miết post bài thôi à? Em nhắn bảo là có người mong ngóng anh, sao anh nỡ phụ lòng mong mỏi người ta thế?



Trời trời! Ai mà mong ngóng anh thế cô banmai? Giờ chỉ có bà xã anh ngóng anh thôi chứ chả có ai ngóng anh đâu cô ạ...
-------------------------------------------------------------


Đèo Khu Đăng dài hơn 10 km. Vùng này là vùng đồi đất, cây cối thưa thớt. Nhìn trên GPS, con đường đèo vẫn gần với biên giới Lào.

Trước đó chừng 60km, có một ngã ba, tôi nhìn thấy một cái biển chỉ đường chỉ rằng: Biên giới Lào 5km. Gần sát sạt .... Giờ nhìn GPS vẫn rất gần Lào.

Con đường tránh đoạn sạt lở đang được làm lại. Chiếc xe của tôi bị một phát sạt gầm. Tự dưng hoảng lên vì nhó đến cái đận đi chấm Na Rì, bị phát sập gầm, may nhờ Lam Chiều (lại là "hắn") đi sau phát hiện ra bấm còi inh ỏi báo hiệu, may dừng lại kịp. Đáy cat đăng bị vỡ một miếng bằng lòng bàn tay, dầu chảy lênh láng. Cả đêm đó nằm chờ xe cứu hộ cùng với eskimo. May là gần sáng hoankiem quay lại cùng với xe cứu hộ ....

Thế là hoảng lên, dừng lại ngó nghiêng mãi. Từ lúc đó, khi vào ổ gà hoặc đi qua chỗ sạt lở, ngồi lái mà tự dưng cứ...kiễng mông lên :D
 
Quay trở lại với một con đèo trên con đường Trường Sơn (Đoạn quốc lộ 14) mà tôi quên không nhắc đến ở đoạn trước. Đó là đèo Hàm Rồng, hay còn gọi là dốc (hoặc là đỉnh) Hàm Rồng - Hà Lam Krong Buk.

Hàm Rồng xưa kia chính là một đỉnh ngọn núi lửa đã tắt. Có hai đỉnh Hàm Rồng trên con đường quốc lộ 14A từ Pleiku đến Buôn Ma Thuột. Đỉnh Hàm Rồng Pleiku cũng là đỉnh của một ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh Hàm Rồng Hà Lam cũng thế. Nhưng đỉnh Hàm Rồng Hà Lam khác với cái đỉnh kia là đường quốc lộ chạy qua đỉnh. Ở đó có một khu rừng thông ...ôi thôi là đẹp! Cực đẹp với những đêm trăng ...

Có những câu chuyện "nửa hư nửa thực" về cái đỉnh Hàm Rồng này. Câu chuyện đầu tiên là câu chuyền huyền thoại. Dân Ê đê kể ngày xưa trời mưa như trút, từ trên trời có một con Rồng mắc tội với Giàng nên bị Giàng đày xuống trần, nó bay và bay mãi, tức tối phun lửa gầm rú đốt cháy cả cỏ cây, thiêu cả đất nên từ đó đất có màu đỏ. Nó bay và bay mãi, đến khi gặp thảo nguyên Ban Mê mênh mang, nó dừng lại ở đấy và hóa ... Cái đầu của nó là đỉnh Hàm Rồng và cái đuôi của nó là con đèo E'Hleo.

Rừng thông ở đỉnh Hàm Rồng là thứ thông Đà Lạt. Mọc rất đều, bãi cỏ xanh mượt như nhung vào mùa khô. Từ đỉnh Hàm Rồng nhìn về các hướng là mênh mang cao nguyên Buôn Ma Thuột với rừng cafe, cao su xanh tít tắp, lô nhô mái ngói đỏ nhà dân và những ngọn tháp chuông nhà thờ ....

Vậy mà ở trên cái đỉnh này, vào những năm 1979 - 1985, lúc đó dân cư thưa thớt và vắng, có thời gian chẳng ai dám đi ban đêm qua đây. Có một nhóm cướp khá táo tợn thường trấn lột và dùng súng AR15 chặn xe tải xe khách cướp hiếp. Chúng gây ra rất nhiều vụ cướp kinh hoàng làm dân Hà Lam, Buôn Hồ và Thị xã Buôn Ma Thuột không dám qua lại khi màn đêm buông. Cho đến khi bộ đội biên phòng phối hợp công an lập mưu truy quét mới hết. Thế nhưng cứ thi thoảng trên đỉnh con đèo này lại xảy ra một vụ giết người vứt xác trong rừng thông. Lại có cả những đôi trai gái dắt nhau lên đây uống thuốc trừ sâu hoặc thắt cổ tự tử ... Thật sự ghê rợn. Cho đến khi chính quyền Đak Lak cho dân lên ở sát chân đèo, mở một cái nghĩa trang liệt sĩ, cho bộ đội thông tin xây cái tháp Viba và "ông" Viettel cũng xây một trạm phát sóng thì khu vực đỉnh đèo hết ...hoang lạnh và rùng rợn.

Khu rừng thông này bây giờ không còn nhiều lắm vì bị dân chặt phá. Họ trồng lại bạch đàn nên đỉnh Hàm Rồng cũng bớt đi đến 70% cái phong cảnh thơ mộng lãng mạn của nó. Nhưng nếu ai đã từng ở Buôn Ma Thuột, vào mùa khô, khi rừng cafe bắt đầu nở hoa, vào đêm trăng sáng vằng vặc đứng trên đỉnh Hàm Rồng nhìn phóng tầm mắt ra phía Krong Pach, Buôn Hồ. Trong ánh trăng sáng, bầu trời xanh nao lòng và cái gió lạnh mùa khô lao xao, cả một vùng đất xa tít và mênh mang màu hoa trắng, chấm lẫn là những đốm sáng đèn vàng vọt của những căn nhà mờ ảo trong đêm, bầu không gian tràn ngập mùi thơm ngào ngạt của hương hoa cafe, rì rầm tiếng máy nổ bơm nước tưới cây và tiếng cô gái cười lanh lảnh thoảng bay trong gió đêm .... Cái quang cảnh đó thật là kỳ ảo và lãng mạn của vùng đất Cao Nguyên Bazal...
 
Một vài cái ảnh nữa trên đường Tây Trường Sơn ...

Cầu Dak Rông ....


P1060227-1.jpg



Kỷ niệm ngã ba Tây và Đông Trường Sơn, bạn gái tớ ...


IMG_3458.jpg



Cầu Khỉ .... Nhưng không hề thấy con Khỉ nào, chỉ có tiếng vượn hú ...

IMG_0087.jpg



Đoạn đèo hoang vắng ở đèo Sa Mù

IMG_3627.jpg



Đường đèo vắng ngắt và rừng âm u ...

IMG_3622-1.jpg



IMG_3623.jpg
 
Hai đứa tôi vượt qua đèo Khu Đăng. Trời ngả sang chiều mặc dù mới là 13h. Con đường vẫn hun hút quanh co, uốn lượn sâu tít trong bầu không khí oi nóng và âm u của rừng rậm trưa hè. Tiếng ve sầu kêu râm ran, tiếng chim thánh thót và tiếng cây rừng "vặn mình" kẽo kẹt ....

Vừa đi qua một khúc cua, chúng tôi chợt nhìn thấy một ngôi nhà 2 tầng màu sơn vàng, quốc kỳ tung bay phần phật. À, đấy là đồn biên phòng. Cổng đồn lặng phắc chẳng có ai. Chúng tôi phi xe vụt qua. Con đường bỗng thẳng tắp đằng trước mặt.

Từ phía xa, tôi phát hiện có một đám đông lố nhố. Một người mặc đồ sĩ quan chạy ra giữa đường "chặn" chúng tôi lại. Gần 10 đồng chí bộ đội biên phòng đang vây quanh một chị phụ nữ và một anh sĩ quan, trên tay anh bộ đội bồng một cháu nhỏ quấn chăn "tùm hụp"....

Anh bộ đội lớn tuổi nhất, có vẻ là chỉ huy đồn vì đeo lon trung tá thò đầu vào cabin xe:

- Này anh chị, nhờ anh chị chở giúp chúng tôi một cháu bé đi cấp cứu được không? Cháu nó đang bị sốt cao, phải đi cấp cứu ngay. Chúng tôi chờ ở đây suốt từ sáng đến giờ mới có 1 chiếc xe này đi qua ... Tình hình gay lắm. Anh chị cố giúp cho ....
- Cấp cứu ở đâu hả anh.
- Ở thành phố Đồng Hới....
- Ủa! Ở đây có đường về Đồng Hới không ạ?
- Có! Chính là ngã ba này, nhưng đường đang làm, xe không thể đi được, từ đây về Đồng Hới 60km. Còn nếu đi thẳng cách đây 30km, có xã Trường Sơn, gần đó có ngã ba có đường về Đồng Hới, đường rải đá dăm, xe này chạy tốt.
- Vâng, các anh chị đưa cháu lên xe đi.

....Thế là chúng tôi phi xe như điên để đưa cháu bé đi cấp cứu.

Đúng là rừng Trường Sơn, rừng thiêng nước độc. Chị vợ anh bộ đội biên phòng là giáo viên ở vùng quê Hà Tĩnh, lấy nhau được 4 năm những không có con vì anh chồng đi xa suốt năm tháng. Vì muốn gần chồng, chị xung phong lên Trường Sơn cùng các chiến sĩ biên phòng lập lớp học xóa mù cho bà con dân tộc Vân Kiều, Mạ, Giẻ Triêng, Chứt... Hai vợ chồng được đồn biên phòng làm cho một căn nhà ở cổng đồn, hàng ngày chị đi dạy học cho bà con biết cãi chữ ....Năm sau chị có con với anh. Cháu bé mới được 10 tháng, hôm qua bỗng lên cơn sốt co giật. Y sĩ đồn biên phòng chẩn đoán cháu bị sốt vi rút và nhiễm trùng hô hấp....Đôi mắt nó lờ đờ dại hẳn đi nhìn chúng tôi, toàn thân quấn trong một chiếc chăn lính chỉ còn ló khuôn mặt như xám ngoẹt ... Trông thật tội nghiệp cho bé.

Hơn 30 km từ đồn biên phòng về đến xã Trường Sơn nhanh chóng qua đi. Giữa rừng rậm Trường Sơn "bỗng" có một thung lũng bằng phẳng, một dòng sông xanh trong êm đềm chảy lững lờ và một xóm nhỏ với vài chục nóc nhà mái ngói. Cánh đồng bãi ven sông cỏ mượt mà với một đàn bò vàng, nâu, đen cả trăm con đang thủng thẳng gặm cỏ. Khung cảnh thật là trù phú, lạ cái là nó nằm lọt thỏm trong rừng đại ngàn, tách biệt ...

Cháu bé tự nhiên kêu rên, co giật rất mạnh. Người mẹ ôm chặt cháu, miệng mếu máo. Cũng may đứa bé chỉ co giật một chút rồi lại thiêm thiếp ... Hai vợ chồng thay nhau bế và xoa bóp. Tôi bắt đầu lo lắng, có vẻ hơi cuống khi tay lái không còn "chuẩn" nữa ...

Như đoán biết tâm lý, anh chồng kể chuyện như là 1 cách xóa tan không khí căng thẳng trên xe, anh kể: Đây là xã duy nhất có người Kinh định cư lâu đời trên con đường Trường Sơn này. Hồi xưa còn chiến tranh đã có người Kinh ở đây nhưng lèo tèo vài ba nóc nhà, bom Mỹ rải hàng trăm tấn napal đốt cháy rừng nhưng vẫn không "xua đuổi" được dân. Chẳng có đường bộ, chỉ có đường mòn xuyên rừng và đường sông Long Đại lên đây. Chỗ này chính là 1 địa điểm tập kết bộ đội Trường Sơn và tập kết vũ khí, quân nhu cho chiến trường B. Hòa bình lập lại, người ở dưới miền biển ngược sông Long Đại lên đây chặt gỗ, khai thác rừng, thấy vị trí đất bằng phẳng và lại ở ven sông tiện cho giao thông, thế là dần dần họ đưa gia đình lên đây định cư, làm ăn khấm khá do chăn nuôi, khai thác lâm sản... Giờ đã thành 1 xã với mấy trăm hộ gia đình. Tỉnh Quảng Bình mới đầu tư cho làm con đường tỉnh lộ nối nơi đây với Đồng Hới.

Mình chợt nghĩ, chẳng biết chính quyền Quảng Bình cho làm con đường nối xã Trường Sơn với Đồng Hới có phải là sách lược tốt hơn không, chưa thấy gì tốt, chỉ thấy rừng đã bị khai thác tràn lan, gỗ to hàng người ôm nằm xếp "chỏng chơ" ven đường ...

Đến ngã ba, lối rẽ về Đồng Hới, có một chiếc xe khách 16 chỗ đang phi như bay, bụi mù mịt, chạy phía trước, hai vợ chồng đồng chí bộ đội liền bảo: Anh chạy nhanh giúp chúng tôi đuổi theo chiếc xe kia, chiếc xe này chúng tôi quen, chúng tôi sẽ đi chiếc xe đó về Đồng Hới, như thế sẽ tiện cho anh chị ...

Vượt lên chiếc Toyota 16 chỗ, anh chồng thò đầu ra ngoắc ngoắc, chiếc xe dừng lại. Hai vợ chồng cuống quýt mở cửa xe. Ông lái xe 16 chỗ kêu ầm lên : Sao thế ... Sao thế? Chừng như đoán biết, ông ta bảo: Cấp cứu hả, lên nhanh đi, lẹ lên ....

Không kịp bắt tay cám ơn, anh bộ đội giơ tay chào chúng tôi và nói vọng sang: Cảm ơn anh chị nhé, hẹn gặp lại ....

Chiếc xe 16 chỗ rồ ga, phóng thẳng về phía Đồng Hới, bụi cuốn đỏ phía sau xe thành một làn sóng đặc quánh ....
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,810
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top