What's new

[Chia sẻ] Peru-bài 1: Làm quen với con cháu thần mặt trời.

Peru-bài 2: Inca trail-cung đường huyền thoại và cuộc bạo động lúc nửa đêm.

BandoIncatrail.jpg

Bản đồ cung đường Inca: đây là hai hệ thống đường chính (không kể vô số nhánh nhỏ) kéo dài qua năm nước từ Ecuador đến tận Agrentina. trong cung đường Inca với tổng chiều dài hơn nưả đường xích đạo (gần 23.000 km)


Con đường mòn gồ ghề đá , len lỏi qua dải núi Andes phủ đầy mây mù và tuyết trắng, vậy mà muốn đi phải đăng kí trước cả nưả năm mới hi vọng xin được giấy phép. Chuyến đi bộ bốn ngày, ba đêm trung bình trên con đường này ngốn 500 usd/người. Đơn giản nó chính là con đường mòn Inca có từ thế kỉ 15, một trong những cung đường mòn lịch sử đáng đi nhất trên thế giới, dẫn đến kì quan thế giới Machu Picchu...

Không phải gì cũng mua được bằng tiền
Tôi từng gặp những khuyến cáo: “Muốn đi Inca trail phải đăng kí giấy phép ít nhất sáu tháng trước khi khởi hành”. Vì thế, sau khi thu xếp được công việc để đi Peru, tôi lập tức online đăng kí giấy phép. Thế nhưng… giấy phép đã kín chỗ cho đến… tháng 11. Do sợ quá đông khách du lịch sẽ phá hỏng con đường, chính quyền Peru chỉ đồng ý cấp phép cho dươí 250 du khách/ngày (không tính hướng dẫn viên và người thồ hàng). Chính vì thế, con đường này là một trong những tuyến đường trekking (đi bộ) “hot” nhất thế giới. Muốn đi phải đặt trước ít nhất từ 4 đến 6 tháng, thậm chí cả năm. Mà đâu có rẻ, một chuyến đi bộ 4 ngày 3 đêm giá trung bình từ 500 đến 600 usd. (Đối với nhóm ít người, số tiền này còn cao hơn nhiều).

Phải tìm cách xoay sở! Vừa đến Cuzco, tôi lập tức liên lạc với tất cả các công ty du lịch được giới đi đường xa “điểm mặt chỉ tên”, nhưng đều được nhận cái lắc đầu một cách dứt khoát. Thậm chí họ còn cười nhạo khi tôi hỏi việc sẵn sàng trả thêm cho việc “chạy” giấy phép đi Inca trail: “ Đừng mơ tưởng, có trả gấp ba, bốn lần cũng thua”. “Thế còn việc đi chui?”, tôi hỏi nhỏ. Họ cười phá lên: “Dọc đường có đến năm trạm gác, kiểm tra 24/24 vì thế, đừng hòng. Thậm chí, nếu có người đã đăng kí nhưng hủy vào giờ chót, cũng không có ai được trám chỗ vì số hộ chiếu đã được lưu vào máy, không thay đổi được”. Cùng đường, tôi đành cầu cứu văn phòng đại sứ quán Việt Nam tại Chile (Peru không có văn phòng đại sứ quán Việt Nam) hi vọng nhờ can thiệp. Ngay trong buổi chiều, lá thư giới thiệu từ đại sứ quán được fax trực tiếp đến nơi cấp giấy phép là Viện văn hoá quốc gia tại Cuzco (INC: Intitution National Culture de Cuzco). Cùng lúc đó, để chắc chắn, bí thư thứ nhất Nguyễn Đại Bản cũng nhờ đến sự giúp đỡ của đại sứ quán Peru tại Chile. Lá thư giới thiệu thứ hai cũng được tức tốc fax về ngay trong ngày.

Sau gần một tuần chờ đợi, đích thân Giám đốc Viện văn hoá quốc gia cho tôi một cái hẹn làm việc. Tôi vừa mừng thầm, vừa yên tâm tin chắc mình sẽ cầm một chiếc giấy phép trong tay. Nhưng tôi lầm, sau khi bắt tay thăm hỏi xã giao, INC lịch sự trả lời ngắn gọn: “Xin lỗi, chúng tôi không thể cấp giấy phép cho anh”.

Nhà thờ tại Cuzco-kinh đô của đế chế Inca xưa
9.jpg


Tờ giấy phép may mắn
Mọi ngã đường dường như bịt kín. Đúng lúc thất vọng não nề, B.-người phiên dịch giúp tôi rất nhiều trong thủ tục xin giấy phép tại INC- mới nhẹ nhàng gợi ý: “ Tôi có thể giúp anh xin giấy phép với giá 400 usd”. Để chứng minh, B. lôi ra một xấp bản copy giấy phép đã xin được cho những du khách. Khá nhiều. GIấy phép xin được gần nhất là tháng 5/2008: “Yên tâm đi, tôi làm nhiều lần rồi. Tuy nhiên, vụ này ngày càng khó vì kiểm tra rất gắt gao, lại thông qua rất nhiều cưả.” Bốn trăm usd là con số không nhỏ, nhưng tôi đã đầu tư quá nhiều cho chuyến đi này (tiền bạc, công sức, bỏ học, bỏ việc…), tôi nhận lời.Nhưng đến phút chót, B. gọi lại: “Xin lỗi, họ không dám cấp phép cho anh vì... sợ bị lộ!”.

Dời lại vé máy bay, tốn tiền thuê hướng dẫn viên… Hơn 10 ngày tất tả tìm đủ cách để đi cho được con đường Inca này cuối cùng cũng công cốc. Tôi gọi điện cho đại sứ quán Việt Nam để gởi lời cảm ơn và chào tạm biệt thì một phép lạ ở phút 89 xuất hiện. Đúng lúc đó, đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Tích đang công tác tại Peru. Biết chuyện, ông liền liên lạc trực tiếp vơí ban tổ chức APEC 2008 (Peru là nước đăng cai tổ chức APEC 2008), và bộ ngoại giao Peru nhờ can thiệp. Những cú gọi điện thoại, email tới tấp từ cấp cao hơn đã giúp tôi nhận được tờ giấy phép đặc biệt từ đích thân giám đốc INC. Con đường Inca huyền thoại tưởng đã đóng chặt bất ngờ lại hé ra đón người lữ hành Việt Nam cuôí cùng…

Nhóm trekking quốc tế: 1 Việt Nam, 2 Bỉ, 2 Canada.
2c.jpg


Cuộc du hành lúc nửa đêm
Theo lịch, sáng thứ 3, ngày 8/7, chúng tôi sẽ lên xe bus đến điểm xuất phát đầu tiên, Km82, để bắt đầu con đường Inca. Tuy nhiên, 7h30 đêm trước ngày xuất phát tôi bỗng nhận cú điện thoại triệu tập bất ngờ: “ Ngày mai cả nước bỉểu tình, mọi ngả đường đều bị chặn. Cả đoàn phải xuất phát ngay trong đêm nay, lúc 11h đêm”. Tức tốc lên mạng, hàng loạt đại sứ quán các nước đều thông báo khẩn: “ Bạo động có thể xảy ra, mọi người không nên ra ngoài đường vào hai ngày 8 và 9/7”… Không phải chỉ riêng đoàn tôi, những nhóm ở đoàn khác cũng lên xe bus đến điểm tập kết ngay trong đêm.

Chặn đường đốt vỏ xe
4.jpg


Người hướng dẫn viên đã nói sai. Mọi ngã đường không phải bị chặn vào ngày mai, mà …ngay trong đêm chúng tôi khởi hành. Vưà ra khỏi trung tâm thành phố Cuzco không xa, đã thấy những đống đá to trên đường. Xe chạy thỉnh thoảng phải dừng lại, mọi người xuống xe, dẹp đá vào vệ đường rồi tiếp tục. Tuy nhiên, mọi việc trở nên căng thẳng khi gần đến điểm xuất phát. Đường ngày càng nhỏ, đất đá đổ ra đường ngày càng nhiều. Đang cặm cụi dẹp đá, thì một nhóm người với gậy gộc trên tay, mặt mũi “đằng đằng sát khí” bước đến: “ Ai cho tụi mày dẹp?”, Hướng dẫn viên người Quechua phải chạy đến giải thích. Hồi lâu, chúng tôi, những khách du lịch người nước ngoài, được đi tiếp nhưng…đi bộ. Xe bus, hướng dẫn viên cùng với những người porter phải ở lại vì “tụi mày là người của chính quyền”. Một số người quá khích nhảy lên xe, la hét um sùm, rồi như để trút giận, họ lôi cái bánh xe sơ cua trong xe đem ra đốt. Hướng dẫn viên nói nhỏ: “ Xin các anh im lặng mà đi. Bất cứ kháng cự nào sẽ dễ xảy ra chuyện lớn”. Cũng may, điểm tập kết chỉ cách gần 1 tiếng đi bộ. Chúng tôi đi mà lòng cứ lo ngay ngáy. Vưà lo cho những người porter ở lại, vưà lo không biết sẽ ngủ ở đâu vì những người porter giữ hết lều, túi ngủ. Hơn 3h sáng, những người porter đến. Họ phải đi ngược lại, kiếm đường vòng băng qua suối để đến nơi tập kết. Giấc ngủ muộn, chập chờn chuẩn bị cho con đường Inca sắp đến được bắt đầu vào lúc 4h sáng…

Điểm cắm trại
12.jpg



Đường mòn Inca dẫn đến Machu Picchu chỉ là một đoạn trong hệ thống đường Inca với tổng chiều dài lên đến 23.000km nhưng chỉ dùng để…đi bộ. (người Inca không có ngựa cũng như xe kéo để đi lại như ở Châu Âu, Á). Tuỳ theo địa hình mà con đường có thể rộng 8m (ven biển) và hẹp chỉ 1m (ven núi), gồm hai nhánh chính: đường ven biển dài hơn 4000 km rộng 8m, và đường dọc theo dãy núi Andes dài 5200 km cùng vô số nhánh nhỏ khác. Các đoạn dốc đứng được xử lí bằng những bậc thang xây bằng đá, có bờ kè an toàn để tránh rơi xuống vực.
19.jpg



Điểm xuất phát cung đường Inca, km 82, đến kì quan thế giới Machu picchu
5.jpg


Bonus thêm vài hình gái Peru coi cho đỡ ngán
7.jpg



8.jpg



16.jpg
 
Last edited:
Bài 3: Đường đến kì quan thế giới, Machu picchu

3a.jpg


Chưa đến 100 năm, với bàn tay và công cụ thô sơ người Inca đã làm được một kì tích: xây dựng một hệ thống đường với tổng chiều dài gần 23000 km (hơn một nưả chiều dài đường xích đạo). Pedro de Cieza de Leon, một người lính Tây ban nha năm 1540 đã thốt lên: “ Tôi không tin việc ghi chép về một con đường nào khác có thể sánh với con đường này, con đường chạy xuyên qua các thung lũng sâu rồi đến các đỉnh núi cao (hơn 5000 m so với mực nước biển), len lỏi qua tuyết, đầm lầy, đá…”

Cung đường huyền thoại
Trong hàng ngàn con đường được xây dựng thời kì tiền Columbo tại Châu Mỹ, cung đường Inca đáng được chú ý nhất. Tuy nhiên, nổi tiếng và được giới balô chuyên nghiệp ao ước có cơ hội được đi nhất là đoạn đường từ Ollantaytambo (km 82) đến Machu Picchu, một trong bảy kì quan thế giới mới,. Tuy chỉ dài 45 km, nhưng đoạn đường này còn đi qua rất nhiều công trình kiến trúc có một không hai còn sót lại của nền văn minh Inca.

Xuất phát
2b.jpg


Xuất phát từ km 82 ở độ cao 2600m, ngày đầu tiên chỉ như bước khởi động nhẹ nhàng: 12 km đường núi để tập kết ở độ cao 3000m, gấp đôi Đà Lạt. Chúng tôi vượt qua sông Urubamba bằng chiếc cầu treo để chính thức bước vào con đường Inca. Sam, bạn đồng hành ngưòi Canada, chỉ vào hai trụ beton to đùng và mấy sợi dây thép to bằng ngón chân cái của chiếc cầu treo, rồi nheo mắt chế nhạo: “ Ồ! Người Inca thật văn minh, từ thế kỉ 15 đã biết dung beton, thép để làm cầu rồi”, Henry, người dẫn đường, có vẻ hơi ngượng: “À, chiếc cầu treo này đã được phục chế để đảm bảo an toàn cho 500 lượt người mỗi ngày. Cầu treo nguyên bản của người Inca được làm từ các sợi dây thừng ( bện từ cuống hoa khô của loại cỏ q’oya) đường kính đến 20 cm, rồi căng ra các trụ đá hai bên sông.Ở phiá tây Cuzco, kinh đô cũ của người Inca, có chiếc cầu treo bắc qua sông Apurimac dài đến 60m. Tiếc là đến nay đã không còn nữa” .

Cầu treo bước vào con đường Inca
2a.jpg


Con đường Inca như con rắn khổng lồ len lỏi qua những khe núi bên cạnh dòng sông Urubamba đang cuồn cuộn chảy xiết qua các gềnh đá để trườn lên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng trước mặt…Đi chừng vài tiếng, từ xa đã thấy hiện ra sừng sững: những ruộng bậc thang với hàng chục bậc, những khu nhà lớn “cắn” thẳng vào một góc núi (tất cả được xây bằng đá): Llactapata. Đây chính là một trong 2000 kho lương thực, trạm nghỉ do nhà nước Inca tổ chức dọc hệ thống đường Inca 23.000 km. Nhìn vào sự đồ sộ của Llactapata, tôi mới thật sự tin những gì đã đọc trong sách: “dọc tuyến đường Inca có những kho lương thực có thể đáp ứng cho 25 ngàn người cùng một lúc. Vì thế, quân của đế chế Inca có thể tiến quân, xâm chiếm các bộ tộc khác mọi lúc, mọi nơi”.

Kho lương thực Llactapata
3a-1.jpg


Cư dân trên con đường Inca
10.jpg


Leo đỉnh “Người đàn bà chết”
4h30 sáng, chúng tôi được đánh thức bằng một ly trà coca nóng (nấu từ lá coca, loại dung để sản xuất cocain). Henry, người dẫn đường, cười động viên: “ Uống đi! Nước tăng lực của người Inca đấy! Uống để có sức vượt đèo”. Đúng như lời Henry cảnh báo, đây chính là ngày kinh khủng của hành trình: vượt qua đèo “Người đàn bà chết” cao 4215m so với mực nước biển. Hàng ngàn bậc thang bằng đá cứ thế nối tiếp nhau lẫn vào trong mây lên cao, lên cao mãi… Henry dừng lại giữa đèo, đưa cho những porter ( người thồ hàng) trong đoàn một vốc lá coca. Họ vui ra mặt. Người porter trịnh trọng mặt ngưả lên trời, thổi nhẹ vào mấy chiếc lá coca cầm trong tay để thể hiện sự kính trọng, cảm ơn đối với núi, trời rồi bỏ vào miệng nhai. “ Nhai lá coca sẽ giúp họ không cảm thấy đói khát, mệt mỏi”, Henrry, hướng dẫn viên người Quechua giải thích rồi đưa tôi thử. Chẳng có mùi vị gì đặc biệt, nhưng tôi cảm thấy phấn chấn hơn, leo dốc đỡ mệt hơn. (Sau này tôi mới biết lá coca giúp tạo sự thăng bằng cho cơ thể khi thiếu ôxy ở độ cao hơn 4000 m)

Nhai lá coca là một liều thuốc tăng lực hữu hiệu của người Inca (Người porter tay đang cầm nắm lá coca)
11.jpg


Cách đây hơn 500 năm, người Inca không biết đến con ngựa, họ cũng chẳng biết đến bánh xe. Vì thế mọi phương tiện giao thông, liên lạc đều bằng đôi chân. Họ truyền tin bằng chạy cách “chạy tiếp sức”. Khi nhận được thông tin, các chasquis (người truyền tin) sẽ chạy hết tốc lực đến trạm kế tiếp cách đấy khoảng 1-2 km. Tại đây một chasquis khác sẽ nhận thông tin và tiếp tục chạy đến trạm tiếp theo. Bằng cách này, mọi thông tin được truyền đi đến mọi miền đất nước với tốc độ đáng kinh ngạc: 400 km/ngày. Ngày nay, trên con đường này, chúng tôi cũng “lết” lên được đến đỉnh “Người đàn bà chết” cao 4215m lúc gần 1h trưa. Sáu tiếng đồng hồ cho …9 km.

Trước khi rời khỏi đèo, Henry và những người porter yêu cầu chúng tôi nắm tay nhau, kết lại thành vòng tròn: “Đây là vòng tròn tình thương. Chúng ta hãy cùng gởi sự tôn kính đến thần núi Veronica, ngọn núi cao 5800 m phủ tuyết trắng xoá trước mặt. Chính ngài sẽ tiếp thêm sức mạnh, phù hộ cho chuyến đi chúng ta được bình an”. Rồi không ai bảo ai, Henry cùng những người porter cùng cất lên những lời cầu nguyện bằng tiếng Quechua với vẻ rất thành kính. Chính trong khoảnh khắc này, tôi mới chợt nhận ra, Tây Ban Nha đã thất baị trong nỗ lực đồng hoá Peru, thuộc địa của mình. Sau hơn 500 năm, dù tiếng Tây Ban Nha đã trở thành quốc ngữ tại Peru, dù những công trình kiến trúc ở Peru đều ít nhiều mang phong cách Tây Ban Nha nhưng bản sắc văn hoá, những lễ nghi, niềm tin vào các thần linh trong thiên nhiên của người xưa vẫn luôn trường tồn. Peru mãi là Peru.

Con đường Inca
17.jpg


Porter- những người hùng thầm lặng
Chẳng có điều gì nghi ngờ, anh hùng trên con đường Inca chính là các porter- những người thồ hàng cho đoàn. Chính họ phải cõng trên vai lều, bạt, thức ăn cho cả đoàn. Cùng đi, nhưng họ phải đến trước để nấu ăn, căng lều cho khách. Khi khách đi ngủ, chính họ phải lụi cụi xuống suối rưả chén bát, sưả soạn đồ ăn cho bữa tiếp theo…

Leo dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn. Đường đèo hẹp tí, dốc dựng đứng. Vưà qua cơn mưa, hàng ngàn bậc đá phủ rêu trơn như bôi mỡ, ẩu 1 tí là có thể trượt chân, lăn xuống vực bên cạnh dễ như bỡn. Vậy mà các porter vơí túi đồ khổng lồ nặng vài chục kí trên lưng chạy xuống dốc như đang làm xiếc với tốc độ kinh hồn. Henry cho biết: “Trong một cuộc thi chạy gần đây từ km 82 đến Machu Picchu do chính quyền Peru tổ chức, một porter người Quechua chỉ tốn… 5h45 phút để hoàn thành con đường mà chúng ta mất gần 4 ngày!”

Peru đang vào đông, trời lạnh ngắt, mấy người trong đoàn ai nấy đều đứng run lập cập, miệng suýt xoa dù áo ấm sù sụ, giầy đến 3,4 lớp vớ. Trong khi đó, những người porter chỉ 2 chiếc áo thun cũ mèm, đôi chân trần nứt nẻ, đen đuá, móng chân hãy còn vết phèn, chỉ mang độc một chiếc dép lốp (như dép râu bộ đội ở Việt Nam). Thấy người porter già trên lưng là đống đồ to đùng đang cặm cụi bò lên dốc trong nắng chiều. Theo quán tính mỗi khi chụp hình, tôi mở miệng nói với người porter: “ Tôi chụp hình nhé. Cười lên nào”. Ông già quay lại, gương mặt xạm đen đầy nếp nhăn đầm đià mồ hôi hướng về máy chụp hình cố gắng gượng cười. Nói xong mới thấy hối hận vì mình quá vô tâm. Hai hình ảnh nghĩ lại thấy bất nhẫn. Một thằng thanh niên khoẻ mạnh trên lưng chỉ có máy chụp hình và một số đồ linh tinh nặng chừng chục kí, một ông già 50 tuổi lụm cụm trên lưng là đống đồ không dưới 30 kí đang đè nặng trên vai. Vẫn biết là phân công xã hội. Vẫn biết thồ hàng là công việc của porter. Nhưng nghĩ lại vẫn thấy xót xa…Gánh đồ vài chục kí mỗi chuyến thồ hàng xem ra haỹ còn nhẹ hơn nhiều so với gánh nặng cuộc sống…

Những đôi chân trần...
6.jpg


Ông Hugo, 50 tuổi, vẫn đều đặn làm porter khuân vác hàng, mỗi tuần một chuyến (4 ngày) để kiếm tiền nuôi gia đình với 4 người con.
3c.jpg


Trời lạnh muà đông, vùng núi cao lạnh khủng khiếp nhưng những porter nhí vẫn chỉ quần cụt, chân trần đi dép lốp, với túi hàng khổng lồ sau lưng.
18.jpg
 
Last edited:
@Oliman, baxu: Vụ xin giấy phép chẳng qua là do may mắn em làm cho TT, có cái "mác" pv, nên dễ "làm việc" với "chính quyền" hơn thôi. Chẳng có tài giỏi gì đâu :)
Btw, Các bác khen làm em cực khoái đến mấy lần, hihi, cám ơn các bác :)
 
Ừ chức năng chính của mình thì không làm được chỉ hay những chuyện "cực khoái", em chỉ nghĩ thế mà tiếc :) .
 
Tuyệt!

Tự tìm hiểu trên net thì hoặc xem discovery vẫn thấy nó ở đâu đâu đó, không đọng lại cái gì trong đầu cả. Đọc bài của bác em cảm tưởng như mình cũng được đi Peru rồi.
 
Bài 4: Kì quan thế giới Machu picchu

IMG_4730.jpg

Dãy núi phía sau lưng Machu Picchu có hình dạng y đúc gương mặt của người đàn ông ngửa lên trời…


Ngày thứ tư của hành trình, khi trời hãy còn tối mịt, tiếng của người porter đã ồm ồm ngoài cưả lều: “ Buenos días, coca tea ( xin chào, trà coca đây!)”. Ly trà coca luôn bắt đầu cho một ngày đi bộ rã rời. Chúng tôi rời điểm cắm trại từ 4h45 sáng. Đi thật sớm để đón bình minh tại cổng Mặt trời -cửa ngõ bước vào kì quan thế giới Machu Picchu.

Thành phố đá
Chúng tôi đến cổng mặt trời Intipunku khi sương mù hãy còn dày đặc. Té ra chúng tôi chẳng phải là người đầu tiên, cả trăm khách bộ hành trên đường Inca đủ mọi màu da gần như tề tựu đông đủ tại đây để ngắm mặt trời mọc. Khi ánh bình mình đâù tiên vưà ló dạng, mọi người bỗng im bặt, nín thở dõi theo từng bước đi của ánh mặt trời. Kì quan thế giới Machu Picchu dưới thung lũng từ từ hiện ra giữa lớp mây mù, như đang vươn vai bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Khi ánh mặt trời thật sự chan hoà xuống thành phố đá Machu Picchu, mọi người chẳng ai bảo ai cùng vỗ tay, nhún nhảy la hét như trẻ con được quà, rồi bất kể quen lạ, họ lao vào ôm hôn nhau... Thật tiếc, đứng cạnh tôi không phải là một cô gái tóc vàng xinh đẹp mà là một anh da đen khổng lồ. Anh ta ôm ghì tôi như xiết con nhái bén… Người dẫn đường chỉ vào hai tảng đá khổng lồ ở cổng mặt trời Intipunku: “ Vào đông chí và hạ chí, Intipunku được mặt trời chiếu sáng bởi những chùm sáng như tia laser nhìn cực kì hấp dẫn”. Tôi đến đây vào đầu tháng 7, đã qua đông chí ( ngày 21/6), nên chẳng thấy được “chùm sáng mặt trời như tia laser” hấp dẫn thế nào, nhưng đón ánh bình minh đầu tiên tại kì quan thế giới cũng đủ là một kỉ niệm khó quên.

Ngắm mặt trời mọc ở cổng mặt trời Intipunku
30.jpg



Tảng đá thiêng khổng lồ của người Inca tại cổng mặt trời
32.jpg


Thánh địa Machu Picchu
Không đồ sộ, vĩ đại như Vạn Lí Trường Thành của Trung Quốc, cũng chẳng có tuổi thọ hơn 4000 năm như bãi đá Stonehenge (Anh), nhưng Machu Picchu, thành phố nhỏ nằm lẫn khuất trong rừng già trên dãy núi Andes, đã lần lượt vượt qua những “đối thủ sừng sỏ” như: quần thể Angkor (Campuchia), Stonehenge (Anh), những bức tượng trên đảo Phục Sinh (Chile)… để trở thành một trong bảy kì quan thế giới mới. Không phải ngẫu nhiên mà hơn 100 triệu lượt bầu chọn của mọi người trên toàn thế giới cùng hội đồng tuyển chọn là những kiến trúc sư hàng đầu của năm châu lục lại chọn Machu Picchu là một trong những di tích khảo cổ đẹp và bí ẩn nhất trên thế giới.

Machu picchu
33.jpg


Một trăm bốn mươi công trình tại Machu Picchu gồm nhà ở, đền đài, công viên, nơi thờ cúng trên diện tích 5 km2 này đều được xây dựng bằng đá. Tương tự Kim Tự Tháp Cheops (Ai Cập), Machu Picchu được dựng lên từ những viên đá nặng hàng tấn (có viên nặng đến 50 tấn). Những viên đá này được sắp lên nhau mà không dùng bất cứ loại hồ vữa kết dính nào. Đặc biệt hơn, các viên đá này đều có hình dạng, và khối lượng khác nhau hoàn toàn, có viên có đến 30 góc. Dù vậy, tất cả được mài nhẵn đến độ không thể nào lách nổi lưỡi dao vào giữa các mối nối(!) Và một điều bí ẩn đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng là người Inca không sử dụng bánh xe, làm sao họ có thể đặt những phiến đá lớn lên nhau một cách chính xác đến thế? Người Inca không có chữ viết, để lưu trữ, truyền đạt thông tin, họ có hệ thống các nút thắt Quipu. Đáng tiếc, các nút thắt Quipu cũng chính là một trong những bí mật làm đau đầu các nhà khoa học trên thế giới.

Tảng đá thiên văn của người Inca
31.jpg


Tui cũng không biết người Inca xưa đã đục cái lỗ xuyên qua đá này bằng cách nào?
28.jpg


Henry nháy mắt chỉ vào đỉnh núi cùng tên Machu Picchu trước mặt: “ Trên đó thiêng lắm, dám leo thử không?”. Bốn ngày bộ hành trên con đường Inca đèo núi đã vắt kiệt sức của chúng tôi …Cả đoàn chẳng ai lên tiếng. Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi lẫn trong mây, không cưỡng được sự tò mò, tôi đồng ý. Hai tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua, khi đầu gối muốn long ra cũng là lúc tôi bò đến đỉnh núi. Lên mới thấy ngợp, gió thổi ào ào như muốn bạt cả người xuống vực. Có quá nhiều giả thuyết cho rằng Machu Picchu là nơi phòng thủ cuối cùng của người Inca, là cung điện của vị vua vĩ đại Pachacuti (người được sánh với Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ khi thống lĩnh một đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ thế kỉ 15)… Tuy nhiên, tôi nghiêng về giả thuyết Machu Picchu là thánh địa, nơi thực hiện các nghi lễ cúng, tế thần của người Inca hơn. Từ đỉnh núi nhìn xuống, cả thành phố đá nằm lẫn trong mây, lọt thỏm giữa núi rừng, vách đá dốc đứng hàng trăm mét như tấm áo giáp che chở. Hai ngọn núi Machu Picchu và Huayama Picchu và hai khe núi bao quanh thành phố chỉ chính xác bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc không sai một tí.

Hầu hết du khách đến Machu picchu đều tốn trên dưới 1 tiếng đồng hồ để leo lên đỉnh Huayama Picchu (2743m), nhưng ít người lên cái đỉnh cùng tên Machu picchu ở phiá đối diện chỉ vì nó...cao hơn nhiều(3140m). Đây là góc nhìn từ đỉnh Machu picchu xuống
22.jpg


Henry đưa tôi cầm ba chiếc lá coca và yêu cầu tiến gần đến mấy đống đá nhỏ được xếp vun lên cao ngay trên đỉnh núi. “Làm gì thế?”, tôi thắc mắc. Henry ra hiệu im lặng, rồi yêu cầu tôi tự ước ba điều ước và bắt chước theo hành động của anh ta. Henry đứng thẳng, vẻ mặt trang nghiêm khác thường, rồi ngưả mặt lên trời, thổi nhẹ vào ba chiếc lá cầm trên tay, miệng lầm rầm bằng tiếng Quechua. Xong, anh đặt ba chiếc lá coca lên đống đá và chèn một viên đá khác lên trên. Đợi mọi người xong, anh mới chậm rãi giải thích: “ người Inca quan niệm có ba “thế giới”: đại bàng biểu tượng cho thế giới trên trời; báo biểu tượng cho thế giới trần gian và rắn biểu tượng cho thế giới dưới lòng đất . Mỗi chiếc lá coca tượng trưng một lời ước nguyện cho mỗi thế giới. Họ tin rằng ước nguyện trên đỉnh núi cao sẽ dễ thành hiện thực vì “gần” với trời, nên trời “dễ nghe” hơn”…

Đống đá thiêng tại đỉnh Machu picchu
24.jpg


Chiếc máy chém ngọt ngào
Nói đến Peru là nói đến Machu Picchu. Vì biết thế, chính quyền Peru ra sức khai thác tối đa kì quan thế giới này. Ngoài bộ hành trên đường mòn Inca, muốn đến Machu Picchu chỉ có duy nhất đường xe lưả nên nhà ga tha hồ hét giá. Nếu như người dân Cuzco mua vé tàu khứ hồi đến Machu Picchu chỉ khoảng năm usd thì khách nước ngoài phải trả đến… 96 usd/người. Chưa kể phải trả thêm tiền xe bus 14 usd từ ga đến Machu Picchu. Du khách muốn tham quan Machu Picchu, phải tốn ít nhất 170 usd/người. Làm một phép tính đơn giản, chỉ riêng Machu Picchu, chính quyền đã thu được gần nưả triệu đô la/ngày (khoảng 8 tỉ đồng Việt Nam). Một lợi nhuận khổng lồ! Đó là chưa kể một bữa ăn trưa buffet có giá hơn 30 usd, một chai nước suối nhỏ giá gần bốn đô (trong khi mua tại Cusco giá chưa đến nưả đô), cái hambuger đáng giá chừng hai đô, Machu Picchu bán 11 usd… Du khách bị “chém” bằng lưỡi dao bén ngót, có bực cũng ngậm bồ hòn làm ngọt vì không có sự lựa chọn.


Box: Machu Picchu là một khu di tích Inca, nằm trên thung lũng Urubamba tại Peru ở độ cao 2430 m. Được xây dựng từ thế kỉ 15, nhưng hơn 400 năm sau, mãi đến năm 1911, nhà khảo cổ học Hiram Bingham người mới tái khám phá, và viết một cuốn sách về Machu Picchu làm thế giới sửng sốt. Năm 1983, Machu Picchu được UNESCO công nhận là địa điểm di sản thế giới và được bình chọn là một trong 7 kì quan thế giới vào năm 2007.

Đây cũng là một nhánh trong cung đường Inca men theo vách núi chỉ rộng vưà đúng một người đi. không có taluy, tay vịn. Sẩy chân là té xuống vực, chết chắc.
21.jpg



Đến Machu picchu 2 lần, tôi đều gặp ông Mỹ này. Ông này có một công ty khá lớn, công việc như núi nhưng cứ đều đặn mỗi năm, ông lại đến Machu picchu ở cả tuần lễ. Mỗi sáng cặm cụi leo lên đỉnh núi cao 3140m này chỉ để nằm ngắm mây bay, đọc sách và...ngủ.
"Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm đỉnh Ma chù ngủ say". Âu đó cũng là một cái khoái, nhỉ?

25.jpg
 
Bài 5: Quần đảo kì lạ và thân phận người Inca cổ

“ Đảo chúng tôi ở phải buộc vào một tảng đá thật lớn để neo lại. Bữa nọ, gió to quá, bứt dây neo, nguyên cái đảo trôi qua tận Bolivia…” Với vẻ mặt nghiêm trang, Javier, hướng dẫn viên trẻ người Peru, kể về nơi anh ta ở một cách say sưa. Chúng tôi không ai nhịn được cười, không ngờ ở Peru cũng có người như “bác Ba Phi”, nói dóc như thật. Javier có vẻ phật lòng, anh nói: “ Có dám đánh cược không? Tôi sẽ dẫn các anh đến đấy”. Ừ, thì cược! …

Những hòn đảo trôi
Không chỉ riêng tôi, những người bạn nước ngoài cũng háo hức và sốt ruột chờ xem “cái đảo biết trôi” của Javier. Thì ra nó nằm ngay trên cái hồ Titicaca nổi tiếng. Đây là hồ cao nhất thế giới có thể đi thuyền được (cao 3813 m so vơí mực nước biển). Giữa mặt hồ xanh thẳm, rộng ngút tầm mắt, hòn đảo Javier ở nằm lẫn giữa đám lau sậy um tùm, cao quá đầu người. Vưà đặt bước chân đầu tiên từ thuyền xuống đảo, bàn chân tôi bỗng bị lún xuống. Quá bất ngờ, tôi loạng choạng muốn té. Đoán được trước, Javier đã nhanh nhẹn đưa tay đỡ lấy: Đừng sợ, sẽ còn nhiều điều bất ngờ chờ đợi anh tại quần đảo Uros này”.

Quần đảo nổi Uros có một không hai trên thế giới tại hồ Titicaca
IMG_1951.jpg


Quần đảo Uros kì lạ (khoảng 43 đảo) có một không hai trên thế giới này được hình thành từ những lớp totora (lau sậy) chết đóng thành từng mảng dày. Sau đó, người dân phủ xen kẽ những lớp lau sậy mới lên cho đến khi chiều dày đạt 1-2m rồi dựng nhà sinh sống trên đó. Vì thế, cả hòn đảo như một cái bè nổi khổng lồ bằng lau sậy, bước chân đi cứ xốp xốp, nhún nhún như đi trên nệm bông. “Thế đảo có trôi không?” câu hỏi quyết định thắng thua với Javier đã đến. Ông trưởng đảo Marcos khẳng định: “ Có chứ, những ngày gió mạnh, thổi bứt dây chằng, sáng sớm mở mắt tỉnh dậy thấy mình ở Bolivia. Vì thế, người Uro chúng tôi phải cột đảo thật chắc vào một tảng đá lớn để cố định vị trí”.

Nhà thờ trên đảo nổi
IMG_1795.jpg


Trưởng đảo Marcos dẫn tôi vòng quanh giang sơn của ông. Nói là đảo cho oai, thực ra nó nhỏ như cái cù lao, bề dài mỗi chiều không quá 300m. Mỗi đảo khoảng trên dươí 10 hộ sinh sống chủ yếu là tự cung, tự cấp: đánh cá trên hồ. Với tay bẻ một cây sậy non mọc sát mép nước, Macros bỏ vào miệng ăn ngon lành rồi đưa tôi thử: “ Ăn thử món ăn truyền thống của người Uro xem nào.” Món lõi sậy non của người Uro giòn giòn, nhạt nhạt, chẳng ngon tí nào nhưng công dụng của nó làm tôi ngạc nhiên: lều ở, thuyền đánh cá trên hồ đều làm cây sậy; sậy khô làm chất đốt, rễ sậy còn là vị thuốc khá hữu hiệu để chữa đau bụng, đau răng… Đang nói chuyện với tôi, bỗng nghe có tiếng kèn đâu đó vẳng lên, Marcos lấy cái vỏ ốc trong người ra, trèo lên cái chòi canh cao ngệu trên đảo rồi thổi lên mấy tiếng đáp trả. “ Chút nữa có người ở đảo bên cạnh đến hỏi vợ cho con trai họ. Bữa trước, họ đã mang lễ vật (thường chỉ là bánh mì, và một số thực phẩm) và ra mắt chào hỏi. Hôm nay, là lần cuối, họ sẽ mang rượu và lá coca qua, rắc xung quanh lều đôi vợ chồng mới như một lời tạ ơn gởi đến Đất mẹ. Đêm nay chắc sẽ vui lắm, lại uống mừng đến sáng rồi”…

Trên đảo nổi, bếp phải kê trên những tảng đá, sau khi sử dụng xong, phải đổ nước dập tắt để đề phòng cháy
43.jpg


Cá đánh bắt từ hồ Titicaca là nguồn thức ăn chính của cư dân quần đảo nổi
42.jpg


Vẫn còn giữ những nét văn hoá đặc trưng, nhưng người dân đảo nổi Uros cũng không kém văn minh. Lênh đênh trên mặt hồ nhưng người Uros cũng có trường học, nhà thờ (dĩ nhiên, đều được dựng bằng cây sậy) , có điện sử dụng từ pin năng lượng mặt trời. Chưa kể, họ làm du lịch cũng khá bài bản: bán những món đồ lưu niệm làm từ cây sậy, đặc trưng của vùng; làm hẳn mô hình thu nhỏ của đảo để giải thích cặn kẽ cho du khách; Chỉ cần bỏ khoảng 10 đô la, khách sẽ được sống cùng dân bản xứ một ngày, cùng ăn, ở, tối khuya cùng đi câu cá… Bây giờ tôi mới ngớ người ra, công nhận chiêu “khích tướng” rồi dụ khách đi theo tour của Javier thật cao thủ. Cả tôi và mấy người khách nước ngoài đều bị “xỏ mũi” một cách ngọt ngào. Nhưng dù sao, được đặt chân đến quần đảo lạ lùng nhất thế giới này cũng là kỉ niệm khó quên.

Nhà bằng lau sậy nhưng cũng xài pin năng lượng mặt trờ
40.jpg


"Dãy nhà trọ" cho khách du lịch nghỉ qua đêm, tối có thể cùng đi câu với dân trên đảo
56.jpg


Đồ lưu niệm làm từ lau sậy
58.jpg


Kiếp nghèo trên đảo Amataní
Thời hoàng kim của đế chế Inca chấm dứt khi người Tây Ban Nha xâm lược Peru vào giữa thế kỉ 16. Một số người Inca lui về nơi họ sinh ra, hồ Titicaca- nơi phát nguồn của đế chế Inca hùng mạnh, một trong những cái nôi của nền văn minh Nam Mỹ-, ẩn tích trên hai hòn đảo Amataní và Taquilé, gần như đoạn tuyệt hẳn với thế giới bên ngoài. Vì thế, dù chỉ cách thị trấn hiện đại Puno hơn hai tiếng tàu thủy, nhưng cuộc sống trên đảo Amataní vẫn như thể một trăm năm trước. Mặc dù tiếng Tây Ban Nha đã trở thành quốc ngữ tại Peru, nhưng người dân ở đây vẫn sử dụng tiếng Quechua, ngôn ngữ cổ thời Inca. Đàn ông vẫn còng lưng trên những mẫu ruộng bậc thang trồng khoai tây, luá mì để có miếng ăn. Phụ nữ vẫn cặm cụi xe sợi, đan len để có cái mặc. Họ vẫn sống cuộc sống tự cung tự cấp như cha ông mình cách đây hàng trăm năm (có chăng là thêm chút tiền còm từ những khách du lịch đến đảo ngủ lại). Không gian ở đây yên tĩnh lạ lùng. Không xe hơi, không nước nóng, không điện thoại chỉ có những đàn cừu, alpaca thong thả gặm cỏ… Những ồn ào, tiện nghi hiện đại của cuộc sống hối hả bên ngoài dường như bị nước hồ Tititcaca làm đóng băng lại cả. Amataní không có khách sạn. Du khách đến sẽ ở chung với gia đình dân địa phương. Tôi và anh hướng dẫn viên ở chung nhà với Vanessa, cô gái 19 tuổi, cùng với người mẹ. Khi tôi đến, Vanessa và mẹ hãy còn trên rẫy, hàng xóm phải chạy lên kêu về.

Cư dân đảo Amatani
54.jpg


Phòng tôi ở có nệm 3 lớp (cũng làm từ cây sậy như quần đảo nổi Uros) , có điện (dù chỉ là một bóng lù mù chạy bằng máy phát điện cổ lỗ sĩ). Phòng của Vanessa và mẹ chỉ có một cây đèn cầy lờ mờ. Nhà vệ sinh cũng có hai cái riêng biệt. Cái cho dân làng chỉ là 1 cái hố. Cái cho khách du lịch có hẳn bồn cầu. Một ngày đi bộ rả cả người nên lu nước lớn để sẵn trong phòng tắm chỉ một loáng là cạn. Vanessa và mẹ lẳng lặng xuống núi, một hồi lâu thấy khệ nệ khiêng thùng nước lên. Nước ngọt ở đảo phải hứng từng thùng từ dưới chân núi mang lên. Mẹ Vanessa cho biết: “ muốn khách du lịch đến ở, mỗi gia đình chúng tôi phải đạt được một số tiêu chuẩn nhất định về vệ sinh, điều kiện sinh hoạt. Điều đó quá xa vời với điều kiện hiện tại của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải vay mượn rồi trả từ từ”

Món ăn thường ngày từ khoai tây các loại (Peru là "quê hương" của khoai tây với vài ngàn loại khoai tây khác nhau)
monantruyenthongcuanguoiQuechuatren.jpg


Buổi tối, làng tổ chức đêm văn nghệ, nhảy múa cho khách, chủ nhà cũng phải bận đồ đẹp để cùng vui. Ban nhạc là những bạn trẻ, già nhất có lẽ cũng chưa đến 18 tuổi. ban ngày làm nương, đi học (ngay tại đảo), ban đêm trông chờ vào những đồng tiền tip từ khách du lịch. Cesar, nhạc công 14 tuổi, khoe: “ Muà này là muà du lịch nên khách đến nhiều. Tuần trước, chơi nhạc 4 lần. Tiền tip mỗi đưá được 20 sol (khoảng 7 đô la)”. Khách nhảy nhót vui vẻ, mua bia uống, mời cả dân trong làng. Họ uống hết một cách nhanh chóng vì như thế có nghĩa là họ lại bán thêm được 1 chai nước. Thấy tôi ngôì một mình, Vanessa tới mời nhảy. Tôi lắc đầu, mặt cô buồn hẳn: “chúng tôi phải làm tất cả để khách vui, vì đó là nguồn thu nhập lớn của gia đình”. Cô cho biết: Mẹ Vanessa cũng mặc đồ đẹp mời mọi người nhảy múa. Chân vẫn nhảy, miệng vẫn cười nhưng sao họ vẫn không giấu được nỗi buồn trong khoé mắt. Vanessa thổ lộ: “ba tôi mới mất cách đây mấy ngày”…

Đảo Amataní hãy còn sót lại những di tích từ thời Inca trên hai đỉnh núi mặt trăng và mặt trời, nơi mà du khách nào đến cũng cố trèo lên để cầu xin sự sung túc cho bản thân và gia đình. Vanessa nói hai đỉnh núi đấy thiêng lắm, nhưng tôi không tin. Vì nếu thiêng thì mỗi khi khách du lịch đến bà mẹ già của cô đâu phải cặm cụi leo lên theo chỉ với hi vọng bán được chút đồ thổ cẩm tự dệt của mình…

Mẹ con Vanessa bán đồ thổ cẩm trên đỉnh mặt trời
IMG_2003.jpg
 
Last edited:
Hôm bọn mình đi, đoạn này mệt quá lại còn vụ nước mắt rơi ở độ cao 4500m làm mấy thằng cuống đít hết cả lên chẳng buồn đọc lại sách nữa, cứ thế nằm nghỉ vì lúc đó đi tiếp chắc có người tèo, thôi đành để lần tới vậy.=))

CBT viết hay lắm. Good job! Máy 5D chụp đẹp nhỉ chắc dùng với ống 24-70mm f/2.8 vì thấy ảnh mấy con cá chụp DOF mỏng chắc f/2.8. Ảnh nhà thờ PS quá tay ảnh bị ám vàng.
 
CBT viết hay lắm. Good job! Máy 5D chụp đẹp nhỉ chắc dùng với ống 24-70mm f/2.8 vì thấy ảnh mấy con cá chụp DOF mỏng chắc f/2.8. Ảnh nhà thờ PS quá tay ảnh bị ám vàng.

Bác Netwalker đoán chính xác. Tui xài 24-70mm, f/2.8
Cái hình nhà thờ đúng là quá tay thiệt, hihi :D. Tui hỏng xài PS (vì dốt), mà xài cái effect sepia trong Mac book luôn. Btw, tui mới chuyển nó qua effect antique. Chắc đỡ cháy hơn, bác nhỉ :)
Cám ơn bác nhiều.
 
Last edited:
Bạn Trâu Bá Thông viết hay nhỉ , đúng là phóng viên có khác (c) , giá mà mình viết được hay thế , cơ mà cũng học được cách viết của báo của bạn, chia ra thành từng kỳ, chính ra ly kỳ phết :D Tiếp kỳ sau đi bạn !
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,818
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top