What's new

[Chia sẻ] Peru-bài 1: Làm quen với con cháu thần mặt trời.

Peru-bài 2: Inca trail-cung đường huyền thoại và cuộc bạo động lúc nửa đêm.

BandoIncatrail.jpg

Bản đồ cung đường Inca: đây là hai hệ thống đường chính (không kể vô số nhánh nhỏ) kéo dài qua năm nước từ Ecuador đến tận Agrentina. trong cung đường Inca với tổng chiều dài hơn nưả đường xích đạo (gần 23.000 km)


Con đường mòn gồ ghề đá , len lỏi qua dải núi Andes phủ đầy mây mù và tuyết trắng, vậy mà muốn đi phải đăng kí trước cả nưả năm mới hi vọng xin được giấy phép. Chuyến đi bộ bốn ngày, ba đêm trung bình trên con đường này ngốn 500 usd/người. Đơn giản nó chính là con đường mòn Inca có từ thế kỉ 15, một trong những cung đường mòn lịch sử đáng đi nhất trên thế giới, dẫn đến kì quan thế giới Machu Picchu...

Không phải gì cũng mua được bằng tiền
Tôi từng gặp những khuyến cáo: “Muốn đi Inca trail phải đăng kí giấy phép ít nhất sáu tháng trước khi khởi hành”. Vì thế, sau khi thu xếp được công việc để đi Peru, tôi lập tức online đăng kí giấy phép. Thế nhưng… giấy phép đã kín chỗ cho đến… tháng 11. Do sợ quá đông khách du lịch sẽ phá hỏng con đường, chính quyền Peru chỉ đồng ý cấp phép cho dươí 250 du khách/ngày (không tính hướng dẫn viên và người thồ hàng). Chính vì thế, con đường này là một trong những tuyến đường trekking (đi bộ) “hot” nhất thế giới. Muốn đi phải đặt trước ít nhất từ 4 đến 6 tháng, thậm chí cả năm. Mà đâu có rẻ, một chuyến đi bộ 4 ngày 3 đêm giá trung bình từ 500 đến 600 usd. (Đối với nhóm ít người, số tiền này còn cao hơn nhiều).

Phải tìm cách xoay sở! Vừa đến Cuzco, tôi lập tức liên lạc với tất cả các công ty du lịch được giới đi đường xa “điểm mặt chỉ tên”, nhưng đều được nhận cái lắc đầu một cách dứt khoát. Thậm chí họ còn cười nhạo khi tôi hỏi việc sẵn sàng trả thêm cho việc “chạy” giấy phép đi Inca trail: “ Đừng mơ tưởng, có trả gấp ba, bốn lần cũng thua”. “Thế còn việc đi chui?”, tôi hỏi nhỏ. Họ cười phá lên: “Dọc đường có đến năm trạm gác, kiểm tra 24/24 vì thế, đừng hòng. Thậm chí, nếu có người đã đăng kí nhưng hủy vào giờ chót, cũng không có ai được trám chỗ vì số hộ chiếu đã được lưu vào máy, không thay đổi được”. Cùng đường, tôi đành cầu cứu văn phòng đại sứ quán Việt Nam tại Chile (Peru không có văn phòng đại sứ quán Việt Nam) hi vọng nhờ can thiệp. Ngay trong buổi chiều, lá thư giới thiệu từ đại sứ quán được fax trực tiếp đến nơi cấp giấy phép là Viện văn hoá quốc gia tại Cuzco (INC: Intitution National Culture de Cuzco). Cùng lúc đó, để chắc chắn, bí thư thứ nhất Nguyễn Đại Bản cũng nhờ đến sự giúp đỡ của đại sứ quán Peru tại Chile. Lá thư giới thiệu thứ hai cũng được tức tốc fax về ngay trong ngày.

Sau gần một tuần chờ đợi, đích thân Giám đốc Viện văn hoá quốc gia cho tôi một cái hẹn làm việc. Tôi vừa mừng thầm, vừa yên tâm tin chắc mình sẽ cầm một chiếc giấy phép trong tay. Nhưng tôi lầm, sau khi bắt tay thăm hỏi xã giao, INC lịch sự trả lời ngắn gọn: “Xin lỗi, chúng tôi không thể cấp giấy phép cho anh”.

Nhà thờ tại Cuzco-kinh đô của đế chế Inca xưa
9.jpg


Tờ giấy phép may mắn
Mọi ngã đường dường như bịt kín. Đúng lúc thất vọng não nề, B.-người phiên dịch giúp tôi rất nhiều trong thủ tục xin giấy phép tại INC- mới nhẹ nhàng gợi ý: “ Tôi có thể giúp anh xin giấy phép với giá 400 usd”. Để chứng minh, B. lôi ra một xấp bản copy giấy phép đã xin được cho những du khách. Khá nhiều. GIấy phép xin được gần nhất là tháng 5/2008: “Yên tâm đi, tôi làm nhiều lần rồi. Tuy nhiên, vụ này ngày càng khó vì kiểm tra rất gắt gao, lại thông qua rất nhiều cưả.” Bốn trăm usd là con số không nhỏ, nhưng tôi đã đầu tư quá nhiều cho chuyến đi này (tiền bạc, công sức, bỏ học, bỏ việc…), tôi nhận lời.Nhưng đến phút chót, B. gọi lại: “Xin lỗi, họ không dám cấp phép cho anh vì... sợ bị lộ!”.

Dời lại vé máy bay, tốn tiền thuê hướng dẫn viên… Hơn 10 ngày tất tả tìm đủ cách để đi cho được con đường Inca này cuối cùng cũng công cốc. Tôi gọi điện cho đại sứ quán Việt Nam để gởi lời cảm ơn và chào tạm biệt thì một phép lạ ở phút 89 xuất hiện. Đúng lúc đó, đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Tích đang công tác tại Peru. Biết chuyện, ông liền liên lạc trực tiếp vơí ban tổ chức APEC 2008 (Peru là nước đăng cai tổ chức APEC 2008), và bộ ngoại giao Peru nhờ can thiệp. Những cú gọi điện thoại, email tới tấp từ cấp cao hơn đã giúp tôi nhận được tờ giấy phép đặc biệt từ đích thân giám đốc INC. Con đường Inca huyền thoại tưởng đã đóng chặt bất ngờ lại hé ra đón người lữ hành Việt Nam cuôí cùng…

Nhóm trekking quốc tế: 1 Việt Nam, 2 Bỉ, 2 Canada.
2c.jpg


Cuộc du hành lúc nửa đêm
Theo lịch, sáng thứ 3, ngày 8/7, chúng tôi sẽ lên xe bus đến điểm xuất phát đầu tiên, Km82, để bắt đầu con đường Inca. Tuy nhiên, 7h30 đêm trước ngày xuất phát tôi bỗng nhận cú điện thoại triệu tập bất ngờ: “ Ngày mai cả nước bỉểu tình, mọi ngả đường đều bị chặn. Cả đoàn phải xuất phát ngay trong đêm nay, lúc 11h đêm”. Tức tốc lên mạng, hàng loạt đại sứ quán các nước đều thông báo khẩn: “ Bạo động có thể xảy ra, mọi người không nên ra ngoài đường vào hai ngày 8 và 9/7”… Không phải chỉ riêng đoàn tôi, những nhóm ở đoàn khác cũng lên xe bus đến điểm tập kết ngay trong đêm.

Chặn đường đốt vỏ xe
4.jpg


Người hướng dẫn viên đã nói sai. Mọi ngã đường không phải bị chặn vào ngày mai, mà …ngay trong đêm chúng tôi khởi hành. Vưà ra khỏi trung tâm thành phố Cuzco không xa, đã thấy những đống đá to trên đường. Xe chạy thỉnh thoảng phải dừng lại, mọi người xuống xe, dẹp đá vào vệ đường rồi tiếp tục. Tuy nhiên, mọi việc trở nên căng thẳng khi gần đến điểm xuất phát. Đường ngày càng nhỏ, đất đá đổ ra đường ngày càng nhiều. Đang cặm cụi dẹp đá, thì một nhóm người với gậy gộc trên tay, mặt mũi “đằng đằng sát khí” bước đến: “ Ai cho tụi mày dẹp?”, Hướng dẫn viên người Quechua phải chạy đến giải thích. Hồi lâu, chúng tôi, những khách du lịch người nước ngoài, được đi tiếp nhưng…đi bộ. Xe bus, hướng dẫn viên cùng với những người porter phải ở lại vì “tụi mày là người của chính quyền”. Một số người quá khích nhảy lên xe, la hét um sùm, rồi như để trút giận, họ lôi cái bánh xe sơ cua trong xe đem ra đốt. Hướng dẫn viên nói nhỏ: “ Xin các anh im lặng mà đi. Bất cứ kháng cự nào sẽ dễ xảy ra chuyện lớn”. Cũng may, điểm tập kết chỉ cách gần 1 tiếng đi bộ. Chúng tôi đi mà lòng cứ lo ngay ngáy. Vưà lo cho những người porter ở lại, vưà lo không biết sẽ ngủ ở đâu vì những người porter giữ hết lều, túi ngủ. Hơn 3h sáng, những người porter đến. Họ phải đi ngược lại, kiếm đường vòng băng qua suối để đến nơi tập kết. Giấc ngủ muộn, chập chờn chuẩn bị cho con đường Inca sắp đến được bắt đầu vào lúc 4h sáng…

Điểm cắm trại
12.jpg



Đường mòn Inca dẫn đến Machu Picchu chỉ là một đoạn trong hệ thống đường Inca với tổng chiều dài lên đến 23.000km nhưng chỉ dùng để…đi bộ. (người Inca không có ngựa cũng như xe kéo để đi lại như ở Châu Âu, Á). Tuỳ theo địa hình mà con đường có thể rộng 8m (ven biển) và hẹp chỉ 1m (ven núi), gồm hai nhánh chính: đường ven biển dài hơn 4000 km rộng 8m, và đường dọc theo dãy núi Andes dài 5200 km cùng vô số nhánh nhỏ khác. Các đoạn dốc đứng được xử lí bằng những bậc thang xây bằng đá, có bờ kè an toàn để tránh rơi xuống vực.
19.jpg



Điểm xuất phát cung đường Inca, km 82, đến kì quan thế giới Machu picchu
5.jpg


Bonus thêm vài hình gái Peru coi cho đỡ ngán
7.jpg



8.jpg



16.jpg
 
Last edited:
Haha, cái võ này mình cũng áp dụng.

Nhưng người còi, L ngắn, cũng không được vị nể gì cho lắm ;)

Tuy nhiên, đợt trước mình ra sân chụp bọn trẻ con đi cổ động Euro, cũng được tụi nó hỏi thăm. Nó cứ hỏi báo nào, bảo "Phượt journal", chúng nó cứ hỏi đi hỏi lại, hỏi mình rồi lại quay qua hỏi nhau: "Phướt? Phướt?" - vẻ mặt hơi coi thường :Dam, rồi lại hỏi "Hôm nào thì ảnh bọn tao lên báo?" :D.

À nói vậy người ngắn cũng có lợi. Đi muộn, cứ trơ tráo len vào thì nhúc nhích tí là cũng lên hàng đầu :))
 
À, dĩ nhiên là cũng phải "chai mặt" 1 tí, cứ coi thiên hạ như ruồi, tiên hạ thủ vi cường, cứ lao lên giành lấy chỗ tốt nhất. Security nói gì cũng giả điếc, bấm tán loạn như là "say mê" lắm. Nhiều khi nó cũng bỏ qua (cùng lắm đuổi thì chạy chỗ khác thôi ;) ) Nghĩ lại thấy vừa vui, vừa ngượng :D

Cái này là lưu manh giả danh trí thức nè... chắc VN là vậy quá...tại vì BG chuyên gia chai mặt :"> :">
 
Tình Việt

Người theo chồng về dinh, kẻ lang bạt đi tha phương kiếm sống mà cùng dạt về đất nước Peru xa xôi bên kia bờ Thái Bình Dương. Giữa 30 triệu người Peru, chỉ có 4 trái tim Việt. Họ chọn Peru làm nhà, nhưng trái tim vẫn luôn hướng về quê hương…

Nước mắt nơi xứ lạ
Bí thư thứ 1 đại sứ quán Việt Nam tại Chile, Nguyễn Đại Bản đưa tôi địa chỉ của Văn với lời nhắn: “ Văn đi làm về trễ lắm, muốn gặp nó thì đến nhà sau 10h tối.” Taxi cầm địa chỉ, phải hỏi đến mấy lần mới tìm được phòng trọ của Văn. Mãi đến hơn 12h khuya, Văn mới về đến nhà, mặt phờ phạc hẳn: “ Hôm nay khách đông quá! Làm cả ngày mà không kịp ngơi tay để ăn”. Văn hiện là đầu bếp của một nhà hàng Tàu, làm việc từ 11h30 trưa cho đến 12h khuya. Đều đặn như thế, 7 ngày/tuần, 30 ngày/tháng.

Peru đang mùa đông (vì nằm ở Nam bán cầu), đứng ngoài đường đã lạnh co ro, vào nhà Văn còn…lạnh hơn vì không có máy điều hòa, cô vợ người Peru và con gái mặc áo lạnh sù sụ. Văn ôm con gái vào lòng: “ Con em tên Dung Minh, anh có thấy nó giống người Việt Nam không?” , rồi không đợi tôi trả lời, Văn tự nói với vẻ sung sướng, đầu tự hào: “ Cha nó là người Việt Nam thì con nó cũng phải là người Việt Nam chứ”. Gặp đồng hương, bao nhiêu tâm sự về nỗi nhọc nhằn mưu sinh nơi xứ lạ được dịp trào ra…

Cùng cô vợ Peru và bé gái Dung Minh
IMG_5856.jpg


Quê ở huyện Cầm Xuyên (Hà Tĩnh), bố đi đánh cá không đủ ăn, nghe lời rủ rê, cả nhà chạy vạy vay 3000 đô nộp cho công ty môi giới xuất khẩu lao động để làm việc cho một tàu đánh cá Đài Loan. Quần quật làm việc trên biển mười mấy tiếng một ngày, cả năm trời không đặt chân xuống đất liền, mà lương chỉ hơn 200 usd/tháng. Đến khi tàu ghé Peru, do chịu không nổi, Văn trốn lại. Chỉ có mấy bộ đồ và vài trăm đô trong túi, không biết 1 tí tiếng Tây Ban Nha, lại ở lậu, Văn sống chui nhủi, lê la khắp nơi để xin việc, thậm chí cả đánh nhau đến đi bệnh viện vì tranh giành một chỗ làm...

Cũng may, khi đồng tiền cuối cùng tiêu hết, Văn được nhận vào rưả chén cho một nhà hàng Tàu. Một ngày làm mười mấy tiếng, tối xếp ghế, ngủ ngay tại nhà hàng, chỉ được nuôi cơm, không lương. Vưà làm, Văn vưà học lóm nghề nấu bếp, bên cạnh việc tự học tiếng HOa, tiếng Tây Ban Nha. Sau 5 năm ở Peru, Văn đã trở thành bếp chính một nhà hàng Tàu, nói thông thạo cả 2 tiếng Hoa và Tây Ban Nha. Tuy thế, thu nhập của anh cũng chỉ vưà đủ chi tiêu cho gia đình nhỏ cùng vợ và con gái. Chưa kể, Lima khá nguy hiểm, ở Peru 5 năm mà anh đã bị kê súng vào đầu trấn hết tiền bạc, điện thoại không dưới… 4 lần.

Nói về gia đình Văn rơm rớm nước mắt: “ 5 năm xa Việt Nam, đám cưới chỉ có mấy bác bên đại sứ quán thay mặt bố mẹ. Bây giờ, chỉ mong gởi con bé Dung Minh về Việt Nam cho nó học, hai vợ chồng ráng cày kiếm chút vốn rồi về sau. Nhưng vé máy bay từ Peru về Việt Nam cũng hơn 2500 đô, chẳng biết đào đâu ra cho đủ”. Tháng 3 vừa rồi, Văn có gởi về Việt Nam cho bố 150 đô. Ông bố già vẫn còn đánh cá thuê, lên xe đò, chạy suốt đêm từ Hà Tĩnh ra Hà Nội rồi sáng hôm sau lại quay quả trở về sớm. Cầm 150 usd Văn gởi trong tay, ông hỏi nhỏ chị Dao (người mang tiền về giùm): “ Cô đổi ra tiền Việt giùm, để tôi đi xe đò về”. Món nợ mượn để đi xuất khẩu lao động giờ vẫn chưa trả hết…

Văn đang nấu ăn tại nhà hàng người Hoa
9a.jpg


Tình đồng hương
Bốn người ở Việt Nam, chị Dao, chị Nhung, chị Hậu và Văn mỗi người ở một nơi, có chuyện gì cũng tíu tít, gọi điện thoại cho nhau. Còn nhớ ngày đầu đến Peru, gọi điện hỏi thăm chị Dao, chưa kịp giởi thiệu gì thì chị đã nói: “ Người Việt Nam mới sang phải không, Văn kể chị nghe hết rồi. Sắp xếp công việc rồi lên chị chơi nhé”.

Chị Dao là du học sinh tại Nga, cưới chồng người Peru, nên theo về ở. Hai vợ chồng hiện mở một tiệm ăn nho nhỏ tại Juliaca- một thành phố hẻo lánh cao 3800 m so với mực nước biển-. Khi tôi đến chơi, anh chồng người Peru nhất quyết mời đi uống bia. Nắp chai bia vưà bật, bọt trào ào ra ngoài, anh chồng mừng ra mặt nhanh tay hớt lấy lớp bọt và…bỏ vào túi, miệng không ngừng xuýt xoa: “ ô, tiền, tiền! may mắn quá”. Thì ra, đối với người Peru, bọt bia khi vưà khui chính là tiền, là sự may mắn. Khui bia bọt càng nhiều tức là càng may mắn, tình bạn càng thắm thiết. (Biết vậy tôi đã lén sục mấy chai bia đó vài lần trước khi anh chồng khui. Bảo đảm, tình bạn sẽ lênh láng). Rồi anh chồng chỉ vào cái nón lá và mấy bức tranh Đông hồ treo trên tường, nói giọng ngọng ngịu: “ Việt Nam đấy, đẹp không?”. Những ngày tại đây, chị Dao và chồng bỏ hết việc nhà hàng để dẫn tôi đi tham quan. Anh chồng là giảng viên đại học, chị Dao cũng từng giành bằng đỏ tại Nga nên kiến thức khá sâu rộng. Nhờ vậy, mà tôi có thể thâm nhập thật sâu vào cuộc sống người Peru.

Hạnh phúc bên cùng chồng tại Peru nhưng chị Dao vẫn không nguôi nỗi nhớ Việt Nam
9b.jpg


Thật ra, tôi biết chị Dao, Văn, chị Nhung cũng thông qua đại sứ quán Việt Nam tại Chile. Chỉ có thế, không bà con, bạn bè thân thuộc. Vậy mà suốt những ngày rong ruổi tại Peru, hơn lúc nào hết tôi mới thấm thiá hết hai chữ đồng hương. Chị Dao, Văn bỏ cả công việc để dẫn tôi đi mọi ngóc ngách để tìm hiểu thực tế. Thậm chí, chị Dao còn tháp tùng theo tôi qua tỉnh khác cách đó 400 cây số để gởi gắm tôi cho nhà gia đình chồng. Văn thì vài ngày lại hỏi han từ những điều nhỏ nhặt nhất: ăn, ngủ có được không, và thậm chí còn hỏi tôi có thiếu tiền không thì Văn cho mượn (dù Văn hãy còn trong hoàn cảnh “chạy gạo từng bưa”). Mấy anh bên đại sứ quán ở tận Chile nhưng vẫn email, gọi điện liên tục…Vì thế, làm sao tôi quên được vẻ mặt đầy nghi ngờ của dân balô tứ xứ: “ Mày nói dối, nếu không phải là bà con, bạn bè thân thiết làm sao có thể giúp nhau tận tình đến vậy?” Lúc đó, tôi đã trả lời không giấu vẻ tự hào: “ Ừ, người Việt Nam như thế đấy. Ở bất cứ nơi đâu cũng coi nhau như anh em một nhà.”

Theo thói quen, trước khi chia tay với một vùng đất mới, tôi lại tìm một góc thật yên tĩnh để hồi tưởng lại những kỉ niệm của chuyến đi. Cho đến giờ, đây là chuyến đi dài ngày nhất, gần hai tháng lang thang tại Peru thoáng qua như chớp mắt. Nhớ ngày sắp đi, Yony, cô bạn Peru xinh đẹp, đưa tôi 3 chiếc lá coca: “ Tặng anh một điều ước”. Tôi không thể mang “điều ước” này trở lại Mỹ. Đối với họ, lá coca (nguyên liệu tạo ra cocain) luôn là kẻ thù, họ không cần biết rằng đối với người Peru, đó là chiếc lá linh thiêng. Ừ, thì đành vậy. Tôi cầm ba chiếc lá trên tay, hướng về dãy Andes đầy mây mù đằng xa, tần ngần đưa lên miệng thổi nhẹ như cách cám ơn đất trời của người Peru rồi thả bay lẫn vào trong gió. Tôi không ước điều gì cả. Hai tháng vưà qua chẳng phải đã là món quà lớn mà Peru tặng tôi rồi sao?


Bà già Peru
IMG_1095.jpg


IMG_1041.jpg


Con nít Peru
IMG_1135.jpg


IMG_4197.jpg


Chuyện bên lề:
Sau những bài viết này, có những cảm xúc khó tả (đối với tôi):

Thứ 1: Không ngờ Anh Già (ông sồn sồn gãi đít sồn sột trong phượt) lại là bạn học cũ của chị Dao (người Việt ở Peru-nhân vật trong bài viết).

Thứ 2: Ở Peru không phải có 4 người Việt Nam (như tôi và đại sứ quán biết), mà là 5. Một chị người Việt cũng ở tại Peru (lâu nay không ai biết) sau khi đọc những bài viết đã bất ngờ bắt liên lạc. Ai cũng mừng. Vậy là thêm một trái tim Việt sưởi ấm tình đồng hương tại Peru xa xôi này.

Thứ 3: Tôi còn nợ Văn -người Việt ở Peru-(nhân vật trong bài) một lời hứa. Đó là đưa "quảng cáo" lên mạng giùm Văn rằng:
"Bất kì ai có nhu cầu du lịch tại Peru, muốn tìm người phiên dịch (Văn rành cả hai tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hoa), muốn tìm hiểu cuộc sống thực tế của người Peru, hoặc cần chỗ trọ rẻ... hãy liên lạc với Văn". (Tiền công thỏa thuận).

Điện thoại liên lạc: 993 034 759 hoặc 997 750 994.
Email: [email protected]

Tôi rất kị quảng cáo, nhưng tôi thấy đây cũng là một thông tin tốt. Về cá nhân, Văn là người tình cảm, có nghĩa khí, không phải là dạng chụp giựt, "ma đầu". Sau này, bạn nào du lịch tại Peru, hãy liên lạc với Văn. Trước hết, sẽ có một thổ địa tốt, sau nữa, cũng là cách giúp, ủng hộ cho đồng hương.

Xin hết ạ! (Vỗ tay!!!)
 
Last edited:
Em có đọc bài viết tương tự trên tuổi trẻ online giờ mới biết của bác. Bác viết thật tuyệt và hình cũng đẹp. Không ngờ xứ Peru vậy cũng có người Việt định cư, đồng hương có mấy người vậy mà gặp được nhau thì vui nhỉ. Thanks for posting (beer).
 
Đáng lẽ CBT viết bài này sớm hơn. Nếu mình biết vậy, khi mình qua Peru cho dù không cần cũng chắc chắn rủ Văn đi chơi cùng cho vui và tất nhiên sẽ trả tiền tour guide. Lúc mình đi chơi qua châu Phi có gặp người Việt, đồ mang theo hoàn toàn mình mua trước khi đi Phượt, toàn đồ mới cũng đem tặng luôn.

Hoàn toàn ủng hộ ý kiến của CBT, có gì mình cũng sẽ quảng cáo cho Văn, hy vọng sau này Văn sẽ thành tài ở Peru, gia đình sung túc và thừa khả năng đưa gia đình về Việt Nam chơi.

Bọn mình không liên hệ qua sứ quán Việt nam cho nên không biết về những người Việt ở Nam Mỹ nhưng lại được ông lãnh sự của Brazil giới thiệu một người Việt, đi du học cùng cha ông ta ở Pháp từ những năm 40 của thiên niên kỷ trước sau đó vì đất nước Việt nam còn loạn lạc cho nên ông không về được mà theo bạn sang Brazil. Ông trở thành một doanh nhân thành đạt, đóng góp nhiều cho cộng đồng và đất nước Brazil. Khi nghe ông lãnh sự giới thiệu con người tài giỏi vơi snhuwngx lời lẽ kính phục và thân thiện. Tôi càng tò mò và muốn tìm hiểu. Khi tôi viết thư hỏi thăm ông thì còn được biết thêm ông là một giáo sư kinh tế, cố vấn về tài chính cho chính phủ Brazil, viết nhiều sách về tài chính, kinh tế nổi tiếng.

Một người Việt khác ở Argentina thì cũng là quen qua diễn đàn Phượt, cô bé google về du lịch Việt Nam và ra chủ đề tìm bạn đồng hành đi Nam Mỹ trên diễn đàn Phượt. Cô ngỏ lời giúp đỡ chúng tôi khi đến Argentina. Đó chính là thành viên Tyna trên diễn đàn. Cám ơn Tyna, Diệp và gia đình.

Hy vọng người Việt mình luôn luôn đoàn kết và giúp đỡ lần nhau.
 
Tuyệt vời. Đọc bài của CBT xúc động quá. Có đi càng xa mới càng hiểu tình quê hương là thế nào.

Đọc về Văn, thốt nhiên nhớ đến một người đàn ông đã từng gặp nơi đất khách quê người. Tuy hoàn cảnh khác nhau, cuộc sống khác nhau, nhưng dường như đều có một mối dây ràng buộc rất chặt con người với nơi mình đã sinh ra, nơi cha ông mình đã sinh ra....

Vậy là nhờ Phượt, thế giới của những người Việt Nam nói riêng, và thế giới nói chung, đã được thu ngắn lại.
 
Trên đường phiêu bạt, tình đồng hương nơi xứ xa, đất lạ rất ý nghĩa...nếu biết nơi ta đến có người việt sinh sống thì cũng nên ghé.


Trong chuyến Âu Châu vừa rồi-Peru thì khác hơn nhiều rồi,xa xôi quá mà. Những nơi em đến, ở đâu có người việt em đều mò đến. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng tâm trạng người làm ăn xa xứ đều có điểm chung chung nên khi gặp người từ việt nam sang, nhất là những người đi bụi như chúng ta. Đều rất vui mừng và nhiệt tình giúp đỡ, lần đó ở Sarlat vô tình gặp 1 người việt đang đi dạo mà em thoát được cảnh ngủ buồng điện thoại ban đêm.

Hay nhân chuyện này mình làm 1 cái liên lạc với tất cả người việt trên thế giới mà anh em nhà phượt biết. Để khi tới đó mọi người dễ bề liên hệ hơn.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,166
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top