What's new

Chuyến đi giữa Mùa Xuân Ả rập và Trung Đông luôn nóng bỏng

Chuyến đi vừa kết thúc, những cảm xúc còn đong đầy ở một vùng bắc Phi và Trung Đông nóng bỏng. Ai Cập đã làm chúng tôi lo lắng từ ngày đầu tiên khi đặt chân đến và ngày cuối cùng khi chia tay vùng đất Pharaoh huyền bí với nhiều công trình thách thức với thời gian này. Đến Israel và Palestine, nơi được xem như lò thuốc súng ở khu vực lúc nào cũng chực chờ phát nổ mà không cần phải báo trước. Một Jordan vội vã không làm cho những du khách đam mê khám phá được tìm hiểu. Chuyến đi giữa làn sóng biểu tình rầm rộ của người dân Ai Cập theo lời kêu gọi của cả chính quyền lâm thời lẫn phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi nhân ba năm nổ ra "Mùa Xuân Arab", giữa những trạm kiểm soát gắt gao của quân đội, giữa những ánh mắt đầy dò xét của nhân viên cửa khẩu, giữa sự đối phó của du khách và người dân địa phương làm du lịch đã cho chúng tôi có một chuyến đi trãi nghiệm thật sự. Bỏ lại những âu lo là cả một bề dày lịch sử của Ai cập với những ngôi đền, những công trình hàng ngàn năm lịch sử. Một Jerusalem với những ngõ ngách đầy bí ẩn, mỗi viên đá ở đây chứa đựng biết bao nhiêu là minh chứng cho sự hình thành của những tôn giáo lớn trên thế giới. Một thành phố cổ Petra được du khách khắp nơi trên thế giới bình chọn là kỳ quan mới của nhân loại với sự tuyệt vời mà thiên nhiên đã mang lại và đặc biệt hơn chúng tôi có thêm những người bạn mới từ Ai Cập.
Topic được lập ra để chia sẻ những cảm xúc của chuyến đi và được viết như một nhật ký hành trình. Một số thông tin do cảm nhận cá nhân và thu thập trên internet cũng như những thông tin từ sự tìm hiểu thực tế của chuyến đi. Bài viết được chia làm 3 phần theo lịch trình mà chúng tôi đã trải qua...

Phần 1: MÙA XUÂN Ả RẬP Ở AI CẬP
Phần 2: TRUNG ĐÔNG NÓNG BỎNG (ISRAEL - PALESTINE - JORDAN)
Phần 3: AI CẬP VỚI NHỮNG DI SẢN KHỔNG LỒ

Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyến đi!

attachment.php

Quần thể Đại Kim Tự Tháp Giza ở Cairo - Ai Cập

attachment.php

Biểu tượng ở Sa Mạc Trắng - Ai Cập

attachment.php

Mưu sinh trên sông Nile - Luxor

attachment.php

Sa Mạc Đen huyền bí - Ai Cập

attachment.php

Hàng hóa được bài bán ở khu chợ cổ Khan El-Khalili - Cairo

attachment.php

Biển Chết ở Israel

attachment.php

Những người bạn Ai Cập

attachment.php

Thành cổ Jerusalem

attachment.php

Kinh khí cầu ở Luxor

attachment.php

Rừng Chà Là ở ốc đảo Baharia

Lịch trình cụ thể và thông tin sẽ được post ở bài sau!....
 
Last edited:
Lịch trình chuyến đi 19 ngày 18 đêm như sau:

NGÀY 1: TP.HCM - CAIRO - NHÀ THỜ HỒI GIÁO - CHỢ KHAN EL KHALILI (Ngủ ở Cairo - Lotus Hotel 12 Talat Harb St.,Downtown, Cairo)
NGÀY 2: CAIRO - BÁN ĐẢO SINAI - TABA - EILAT (Ngủ ở Eilat - Corinne Hostel)
NGÀY 3: EILAT - PETRA - EILAT (Tour Petra từ Fun-Time Tour & Travel/Mizpe aviv 82 D.N. MISGAV 20187, Israel/Tel: +972-72-2222-044 /Website: www.fun-time.co.il E-mail: [email protected]/ Ngủ ở Eilat - Corinne Hostel)
NGÀY 4: EILAT - PHÁO ĐÀI MASADA - BIỂN CHẾT - ĐỒI OLIVE - BETHLEHEM - JERUSALEM
NGÀY 5: JERUSALEM
NGÀY 6: JERUSALEM - TEL AVIV - OLD JAFFA - JERUSALEM
NGÀY 7: JERUSALEM - THÁP DAVIS - EILAT (Ngủ ở Eilat - Corinne Hostel)
NGÀY 8: EILAT - TABA - SHAEM EL SHEIKH - CAIRO (Ngủ ở Barcelo Three Pyramids Hotel)
NGÀY 9: CAIRO - GIZA - MEMPHIS - CAIRO
NGÀY 10: CAIRO - ỐC ĐẢO BAHARIYA (Ngủ ở resort Bahariya)
NGÀY 11: ỐC ĐẢO BAHARIYA - SA MẠC ĐEN - SA MẠC TRẮNG (ngủ ở Sa Mạc Trắng)
NGÀY 12: SA MẠC TRẮNG - ỐC ĐẢO BAHARIYA - CAIRO - ASWAN (Ngủ Aswan)
NGÀY 13: ASWAN - ĐỀN ABU SIMBEL - CITY ASWAN - DU THUYỀN (Ngủ trên thuyền)
NGÀY 14: DU THUYỀN SÔNG NILE - ĐỀN EDFU - LUXOR (Ngủ trên thuyền)
NGÀY 15: LUXOR - KHINH KHÍ CẦU - THUNG LŨNG CÁC VỊ VUA - THUNG LŨNG CÁC HOÀNG HẬU (Ngủ trên thuyền)
NGÀY 16: LUXOR - ĐỀN KARNAK - ĐỀN LUXOR - TÀU HỎA (ngủ trên tàu)
NGÀY 17: CAIRO - ALEXANDRIA - CAIRO (Ngủ ở Barcelo Three Pyramids Hotel)
NGÀY 18: BẢO TÀNG CAIRO - SÂN BAY - DUBAI (ngủ sân bay Dubai)
NGÀY 19: DUBAI - TP.HCM
 
Last edited:
PHẦN 1: MÙA XUÂN Ả RẬP Ở AI CẬP

Ngày 1: TP. Hồ Chí Minh - Cairo

Đi Ai Cập có nhiều sự lựa chọn. Một số bạn đồng hành của tôi con lựa hãng hàng của Ả rập Xê Út được xem là giá khá rẻ vào thời điểm book, có người book được khoảng 700 USD khứ hồi từ Hà Nội - Singapore - Riyadh - Cairo - Riyadh - Singapore - HN. Tuy nhiên, chuyến bay này thời gian transit khá dài nên phải cân nhắc thêm chi phí khách sạn, ăn uống khi ở tại sân bay Singapore hoặc Riyadh. Còn khởi hành từ TPHCM thì cũng có nhiều dự lựa chọn, đặc biệt là hãng bay 5 sao ở Trung Đông như Qatar hay Emirates. Tôi chọn hãng Emirates vào thời điểm book vé trước ngày khởi hành khoảng 2 tháng và ngay đợt khuyến mãi nên giá cũng chấp nhận được. Tổng cộng lộ trình của tôi là SGN - Dubai - Cairo - Dubai - SGN có giá 870 USD. Thời gian transit tại Dubai lượt đi khoảng 3 giờ, còn lượt về khoảng 9 giờ nên tôi nghĩ chuyến bay này khá kinh tế. Hãng cho tổng hành lý là 30 kg ký gửi và 7 kg xách tay. Hành lý trực tiếp từ TPHCM đến Cairo.

Chuyến bay của Emirates chất lượng 5 sao nên cũng khá thoải mái, cho ăn uống liên tục với những cô tiếp viên xinh đẹp luôn niềm nở với khách. Chuyến bay khởi hành lúc 1 giờ sáng, lên máy bay ổn định độ cao, tôi được phát cho một khẩu phần ăn tối khá thịnh soạn. No nê cùng với một ly rượu vang, tôi đánh một giấc tới sáng vì thực chất cũng chả ngắm được gì khi bay đêm.

Đến sân bay Dubai, quả thật choáng ngợp với cái sân bay vừa rộng và hiện đại. Bên trong là la liệt các gian hàng duty free cùng với hàng loạt các cửa hàng bán vàng rất hoành tráng. Tôi rảo bước và lấy vội máy ảnh để ghi lại một số bức ảnh đầu tiên trong hành trình.

attachment.php

Một cửa hàng bán vàng ở sân bay Dubai

attachment.php

Sản phẩm lưu niệm đặc trưng vùng Trung Đông

attachment.php

Lonely Planet những điểm đến của chuyến đi trong mơ

attachment.php

Israel và Jordan trong đây nhé

Sau 3 giờ transit, 8 giờ 30 phút tôi tiếp tục hành trình từ Dubai đến Cairo.

attachment.php

Sân bay quốc tế Dubai khi máy bay trượt trên đường băng trên đường đến Cairo

attachment.php

Hành trình hiển thị trên máy bay

attachment.php

Đây là Vịnh Aqaba, một nơi nối liền 3 nước Ai Cập bên tay trái, Jordan bên tay phải và chính giữa là Israel.

Theo Wikipidia, vịnh Aqaba là một vịnh lớn nằm ở mũi phía bắc của Biển Đỏ. Tại Israel, vịnh này thường được gọi là Vịnh Eilat do Eilat là thành phố chủ yếu của Israel. Vịnh nằm ở phía đông của bán đảo Sinai và phía tây của lục địa Ả Rập. Này và Vịnh Suez là hai vịnh kéo dài từ phần phía bắc của Biển Đỏ, Vịnh Aqaba phía đông của vịnh Suez. Ai Cập, Israel, Jordan và Ả Rập Saudi tất cả đều có đường bờ biển trên vùng Vịnh. Vịnh đạt đến một độ sâu tối đa của 1.850 m trong lưu vực trung tâm của nó trong khi đó vịnh Suez là rộng hơn đáng kể nhưng ít hơn 100 m sâu. Vịnh Aqaba dài 24 km tại điểm rộng nhất của nó và trải dài khoảng 160 km về phía bắc eo biển Tiran đối với một điểm mà các biên giới của Israel đáp ứng các biên giới của Ai Cập và Jordan.

Thành phố Aqaba là thành phố lớn nhất bên vịnh. Vịnh Aqaba, giống như các vùng nước ven biển của Biển Đỏ, là một trong những địa điểm hàng đầu thế giới cho môn lặn. Khu vực này là đặc biệt phong phú về đa dạng sinh học biển, san hô và các và chứa một số lượng xác tàu đắm dưới nước, một số tai nạn đắm tàu, những chiếc tàu khác cố tình bị đánh chìm trong một nỗ lực để cung cấp một môi trường sống cho sinh vật biển và thúc đẩy ngành du lịch lặn biển của địa phương. Ở cuối phía bắc của Vịnh ba thành phố quan trọng: Taba ở Ai Cập, Eilat của Israel, và Aqaba ở Jordan. Tất cả ba thành phố phục vụ cả hai như là thương cảng chiến lược quan trọng và là điểm đến khu nghỉ mát phổ biến cho khách du lịch tìm kiếm để tận hưởng khí hậu ấm áp của khu vực. Về phía nam, Haql là thành phố lớn nhất Ả Rập Saudi trên vịnh. Sinai, Sharm el-Sheikh, Dahab là các trung tâm lớn. ...... và ngày hôm sau, tôi sẽ có mặt ở Taba và Eilat.
 
Last edited:
Bạn ơi, tiếp hành trình đi :) vẫn mong ước 1 lần đặt chân đến đây, nhưng mình là nữ nên tới những vùng này cũng hơi lo lắng. Ko biết ngày nào mới có cơ hội đặt chân đến vùng đất của các vị pharaoh ở ai cập.
 
Sau gần 3 giờ bay, tôi có mặt tại sân bay quốc tế Cairo Ai Cập. Tại Cairo có 2 sân bay là một sân bay quốc tế Cairo và một sân bay nội địa mà tôi có dịp sử dụng khi bay từ Cairo đi Aswan được đầu tư mới rất đẹp.

Sân bay quốc tế Cairo là một sân bay dân sự lớn ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Đây là trung tâm hoạt động hàng đầu của hãng hàng không EgyptAir. Sân bay này toạ lạc tại Đông Bắc của Cairo, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km. Năm 2006, sân bay này phục vụ trên 10 triệu hành khách. Đây là sân bay bận rộn thứ hai ở châu Phi, sau Sân bay quốc tế OR Tambo của Johannesburg của Nam Phi. Tôi đáp xuống Terminal 1 được xây năm 1945. Bên cạnh đó là Terminal 2 được khánh thành năm 1986. Nhà ga này ban đầu dành cho phục vụ các hãng hàng không châu Âu, Viễn Đông và vùng Vịnh và châu Phi cận Sahara. Sau sự kiện 11 tháng 9, tất cả các chuyến bay đến Mỹ và Canada, bao gồm các chuyến bay của hãng EgyptAir, được chuyển đến Terminal 2. EgyptAir kể từ đó đã chuyển các chuyến bay đi Bắc Mỹ đến Nhà ga 1 sau khi nhà ga này hoàn thành việc nâng cấp. Các sảnh đi và đến nằm cạnh nhau trên một tầng. Ở đây có cửa hàng miễn thuế tại khu trung chuyển. Kiến trúc của nhà ga này hạn chế khả năng mở rộng, Khi hơn 3 chuyến bay làm thủ tục đi cùng lúc hoặc 2 chuyến bay đến một lục thì có sự tắc ngẽn lớn. Do sự tăng trưởng vận chuyển và sự hạn chế của Terminal 2, Terminal 3 đã được bắt đầu xây dựng và mở cửa từ tháng 3 năm 2008. Hai Terminal này có cầu nối với nhau. Terminal này rộng 164.000 m2 có 3 tầng, có 3 cổng có thể phục vụ tàu bay Airbus A380.

Tôi vội vã vào làm thủ tục nhập cảnh để tranh thủ có thể tham quan Cairo vào buổi chiều. Thủ tục khá nhanh chóng và dễ dàng. Nhà ga cũng không có gì đặc sắc nếu không muốn nói đơn giản vì đây là Terminal khá lâu ở Cairo. Sau khi làm thủ tục khá nhanh do lượng khách du lịch không quá đông và tấp nập như các sân bay quốc tế khác mà sau này khi ở Cairo một ngày sau đó tôi tự giải thích cho mình là khách du lịch nước ngoài đều được khuyến cáo không nên du lịch Ai Cập vào thời gian này. Hay cũng có thể với thủ tục đơn giản của nhân viên hải quan là có rất nhiều khách có thể lên cùng một lúc làm thủ tục, scan hộ chiếu và đóng dấu vào visa mà không cần săm soi mặt khách du lịch như tôi từng bị gặp khi nhập cảnh Israel.

attachment.php

Không thấy nhiều du khách nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh, đa phần là khách du lịch nội địa về thăm quê hương

Nhưng sau khi làm thủ tục nhập cảnh khá đơn giản thì tôi lại bị săm soi khá kỹ về hành lý của mình đặc biệt các các câu hỏi về cái camera của tôi. Mất thêm khoảng 10 phút kiểm tra, tôi đi ra theo lối Exit và bên ngoài là cơ mang tãi đậu sẵn ngoài bãi trước mặt. Cò kè với một bác tài xế từ 200 L.E còn lại 70 L.E từ sân bay về khách sạn khoảng 22 km và tôi khá hài lòng với mức giá này. Tôi bắt đầu có cảm giác về vùng đất Pharaoh mà mình đã khám khá rất gần....

Tips:

- Bạn có thể đổi tiền trong sân bay trước khi làm thủ tục nhập cảnh. Tỷ giá khá tốt và không chênh lệch nhiều nếu các bạn đổi ở downtown và nhớ lấy nhiều tiền lẻ.
- Cước taxi ở AC khá rẻ, các bạn cứ trả giá mạnh vào.
- Chuẩn bị tiền lẻ vì các bác tài taxi, đặc biệt là taxi "dù" thường không có tiền lẻ để trả lại cho bạn.
 
Last edited:
Đến khách sạn Lotus ở ngay trung tâm thành phố tôi mừng thầm vì buổi tối có thể ngó nghiêng đây đó. Lên nhanh khách sạn nhận phòng. Tôi cùng anh bạn cùng đoàn đã đến Cairo sớm hơn tôi 3 bữa để bắt đầu chuyến tham quan trong buổi chiều.

Lịch trình chúng tôi đi là Citadel, chợ Khan El Khalili và buổi tối là xem một show biểu diễn văn hóa Ai Cập. Tôi được anh bạn bắt đầu kể về những ngày Ai Cập kinh hoàng bởi biểu tình ngay sát khách sạn mà anh ấy không thể đi đâu được kể cả Museum Cairo rất nổi tiếng khoảng vài trăm mét. Tôi thì không hình dung ra được những gì anh ấy kể, bởi xung quanh tôi, trên đường phố Cairo vẫn tấp nập xe cộ, dòng người vẫn hối hả những công việc của họ mặc dù đâu đó trên đoạn đường từ sân bay cũng có rất nhiều đoạn chốt trạm của quân đội. Sự háo hức thăm viếng Cairo làm tôi cứ chủ quan nhận định một Cairo nhộn nhịp như tôi nghĩ trước khi lên đường.

attachment.php

Bên ngoài Citadel với cảnh sát kiểm soát nghiêm ngặt

attachment.php

Bên ngoài Citadel với những kiến trúc cổ dần xuất hiện

attachment.php

Giá tham quan là 60 L.E đấy!

attachment.php

Cổng soát vé cũ kỹ

attachment.php

Một góc nhà thờ hồi giáo

attachment.php

Toàn cảnh Citadel từ phía trước

attachment.php

Kiến trúc đặc trưng hình vòm bên hành lang của nhà thờ hồi giáo
 
Nhà thờ Hồi giáo Muhammad Ali

Vì thời gian lưu lại Cairo không nhiều, sau nhiều lần lưỡng lự, tôi chọn Nhà thờ Hồi giáo Muhamad Ali để viếng thăm như một hoài niệm về một Cairo cổ kính. Cairo vào thời gian này gặp nhiều bất ổn nên hầu như tất cả các điểm tham quan đều đóng cửa và được cảnh sát và quân đội kiểm soát chặt chẽ. Anh bạn đi đến Cairo vào ngày hôm trước cũng không thể tham quan được đành phải quay về. Tuy nhiên, lần này chúng tôi đánh liều, anh bạn chạy thẳng đến chỗ cảnh sát phân trần đại loại là "chúng tao đường xa lặn lội tới đây để du lịch, đi đến 2-3 lần rồi mà vẫn chưa được tham quan". Ỷ ôi một hồi cũng nhận được cái gật đầu ngoại lệ. Chúng tôi nhanh chóng rời taxi và tham quan nhà thờ hồi giáo được xem là lớn nhất Cairo giữa buổi chiều đông se lạnh cùng với ánh nắng chói chang đặc trưng ở vùng Bắc Phi.

Qua tìm hiểu, nhà thờ Muhammad Ali được xây dựng trong khu Citadel của Cairo trong khoảng thời gian từ 1830-1848, mặc dù đến năm 1857 nó mới được hoàn thành. Đây là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất được xây dựng trong nửa đầu của thế kỷ thứ 19 dưới sự chỉ đạo của Muhammad Ali, để tưởng nhớ người con trai trưởng của ông là Tusun Pasha mất năm 1816. Nhà thờ quốc gia này cũng là biểu tượng cho sự độc lập của Ai Cập với đế quốc Ottoman thuở ấy.

Nằm ngay trên khu vực thành cổ của Cairo nên chúng tôi có thể nhìn thấy nó từ mọi hướng khi đến thành phố này. Từ xa đã thấy hai tháp Minaret cao vút thẳng đứng vươn lên bầu trời và những mái vòm hình bán cầu màu bạc giống công trình nổi tiếng Hagia Sophia ở Istanbul. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nhà thờ Muhammad Ali được xây dựng theo kiểu kiến trúc Ottomans dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư người Hi Lạp Yusuf Bushnak đến từ Istanbul và nguyên mẫu của nhà thờ này là nhà thờ Hồi giáo Yeni ở thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ.

attachment.php

Vì nhà thờ nằm trên ngọn đồi cao, nên từ đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn Cairo cổ kính với những công trình tôn giáo ẩn hiện trong những dãy nhà lô nhô đặc trưng ở Ai Cập.

attachment.php

Một gác chuông có kiến trúc độc đáo, từ đây du khách có thể nhìn một phần Cairo cổ kính

Vào bên trong nhà thờ, chúng tôi phải cởi giầy và gởi ở ngoài. Không gian ở khu vực bên trong thật sự rộng lớn hơn cả sự hình dung khi nhìn từ bên ngoài. Bên trong nhà thờ có tôi quan sát có màu xanh lá cây của các mái vòm - biểu tượng của đạo Hồi, màu đỏ của thảm, màu vàng dát trần và màu ngọc của đá Alabaster. Kiến trúc nội thất được tôn tạo sự hoành tráng của chiếc đèn chùm khổng lồ, xung quanh là một hệ thống đèn hình cầu treo thành hình tròn. Khu vực nội thất được thiết kế độc đáo với những lỗ thông khí nên luôn tạo cảm giác mát lạnh cho du khách lẫn những người cầu nguyện bên trong nhà thờ.

attachment.php

Một phiên bản theo kiểu kiến trúc Ottomans của nhà thờ Hồi giáo Yeni ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ

attachment.php

Nội thất cầu kỳ với chùm đèn khổng lồ cùng họa tiết độc đáo trên cột và trần nhà

attachment.php

Nguyên liệu chính để xây nhà thờ này là đá vôi, lúc đầu toàn bộ mặt bên ngoài và bên trong được ốp đá Alabaster, nhưng sau này bị dỡ bỏ nhiều phần để xây lâu đài của Abbas I. Phần còn lại ở mặt tiền của nhà thờ cũng như phần dưới đến 11,3m hiện vẫn được ốp với loại đá này. Chính vì vậy nhà thờ này còn có tên gọi là nhà thờ Alabaster.

attachment.php

Ấn tượng đầu tiên của tôi thật sự trọn vẹn về một Cairo cổ kính bất kể những bất ổn đang diễn ra bên ngoài của công trình kiến trúc tôn giáo này!
 
Bazar Khan-El-Khalili

Ở Ai Cập, Bazar được dùng như "chợ", tuy nhiên không hẳn là một cái chợ kiểu như ở Việt Nam mà thường là cả một khu thương mại gồm nhiều dãy phố, ngõ ngách với hàng trăm cửa hàng buôn bán, các cơ sở sản xuất và chế tác thủ công mỹ nghệ, các khu bán gia vị, khu bán rau quả thực phẩm tương tự như khu phố cổ 36 phố phường ở Hà Nội hay khu Chợ Lớn ở TP. Hồ Chí Minh mà mỗi khu phố có thể người ta bày bán các loại mặt hàng đặc trưng. Vốn là người rất thích tìm hiểu đời sống văn hóa địa phương nên sự ưu tiên để tham quan, khám phá một khu chợ cổ ở Cairo luôn là sự chọn lựa đầu tiên của tôi. Ở Cairo có rất nhiều Bazar, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Khan-El-Khalili. Sau khi tham quan nhà thờ Hồi giáo Muhamad Ali, chúng tôi vội vã bắt taxi để có nhiều thời gian tham quan khu chợ này hơn.

Khan-El-Khalili không những là Bazar lớn nhất của thủ đô Cairo mà còn của thế giới Ả Rập trước đây. Được thành lập năm 1382 bởi Quốc vương Djaharks el-Khalili và khu chợ cũng được lấy tên của ngài. Ban đầu chợ chỉ là một nhà kho lớn, nhưng dần dần mở rộng thành khu chợ sầm uất với rất nhiều sản phẩm hàng hóa phong phú và đa dạng cung cấp cho cả một vùng rộng lớn như ngày nay. Thuở đầu những ngóc ngách nhỏ được lấy theo tên hàng hóa hay các ngành nghề thủ công cũng giống như Hà Nội. Ngày nay một số ngõ nhỏ ấy vẫn còn mang tên như hàng sắt, hàng bạc, hàng đồng...

Thú vui dạo quanh chợ là thăm quan những ngõ ngách chằng chịt tại đây với cả cửa hàng với muôn vàng hàng hóa đặc trưng của Ai Cập. Những cửa hàng bán quần áo, thảm len, gia vị, hương liệu, đồ da, đồ lưu niệm cho du khách và tất nhiên không thiếu các cửa hàng sang trọng bán vàng và đồ trang sức. Các khu bán rau quả thực phẩm có không khí vui tươi và rất nhộn nhịp. Tại đây người ta có thể gặp những phụ nữ đội thúng mủng nặng trĩu trên đầu mà hai tay vẫn thoăn thoắt đếm tiền trả tiền, hay những em bé vẫn còn bé xíu nhưng cũng phải đội hàng ra chợ bán kiếm tiền giúp cha mẹ.

attachment.php

Những khu phố cổ chằng chịt với rất nhiều hàng hóa địa phương làm cho Khan-El-Khalili htu hút du khách nước ngoài

attachment.php

Một khu Bazar đặc trưng

Thỉnh thoảng tôi bắt gặp những thiếu niên Ai Cập chạy xe đạp hoặc đi bộ mà trên đầu đội những lồng bánh mỳ rất to di chuyển một cách điệu nghệ trong dòng người hối hả của khu chơ. từ lúc xuống sân bay Cairo tôi vẫn chưa có gì lót bụng bởi tranh thủ thời gian ít ỏi thăm thú Cairo. Tôi bắt gặp một xe bán bánh mỳ trong khu chợ với những xâu thịt nướng gnhi nhút khói là tôi không cầm lòng được. Chỉ với 2.5 L.E tôi có được một ổ bánh mỳ kẹp thị cùng một số đồ chua được muối giống ở Việt Nam làm món ăn có phần hấp dẫn và hợp khẩu vị. Vừa ăn tôi vừa nhìn xung quanh với dòng người hối hả, âm thanh mời mọc mua hàng cùng với những tấm băng rôn nhiều màu sắc cổ động cho các phe phái chính trị làm tôi có phần lo lắng cho những ngày tiếp theo ở Ai Cập.

attachment.php

Một xe bán bánh mỳ ở Khan-El-Khalili với ông chủ là người rất thích được chụp ảnh

attachment.php

Ổ bánh mỳ thịt với giá 2,5 L.E ngon tuyệt

Tôi tiếp tục rảo bước quanh chợ để có thể tìm kiếm cho mình những món quà lưu niệm mang dấu ấn địa phương. Khan-El-Khalili ngày nay là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách nước ngoài khi đến Cairo. Đến đây người ta được chiêm ngưỡng cảnh các đại gia đình cùng nhau đi mua sắm thật hạnh phúc. Ở đây đàn ông thường là những người bán hàng, mời chào khách và giới thiệu sản phẩm một cách điệu nghệ. Phụ nữ ở đây thường là những người mua hàng. Không giống như một số quốc gia Trung Đông Hồi giáo khác, bắt gặp những phụ nữ Hồi giáo với trùm kín từ đầu đến chân với bộ trang phục đen truyền thống, nhưng gặp cũng không ít những phụ nữ ăn mặc hiện đại theo lối phương Tây với trang sức đầy người.

Đi Bazar ở Cairo vui nhất là được tiếp xúc trực tiếp với dân địa phương và những người bán hàng. Tiếng Anh họ khá tốt vì đây là một đất nước du lịch và cũng có thời kỳ là thuộc địa của người Anh. Đa phần họ rất vui vẻ, thân thiện và rất thích được chụp hình. Biết tôi là du khách nước ngoài, họ cũng mời chào, hỏi những câu đại loại như từ đâu đến. Và khi trải nghiệm những ngày ở Ai Cập tiếp theo, đâu đâu tôi cũng gặp những người bán hàng ở các khu Bazar khác và họ luôn hỏi tôi từ đâu đến kèm theo lời đoán mò là nào là Chinese, Korea, Japan, thậm chí Thailand, Philippines mà chẳng đoán ra tôi đến từ Việt Nam. Đến khi tôi bảo họ là đến từ Việt Nam, họ à à và tỏ ra thái độ là biết Việt Nam nhưng tôi thừa biết là họ cố lấy lòng để tôi có thể mua và quan tâm đến sản phẩm của họ. Nhưng đôi khi cũng có một vài người đoán trúng vì có lẽ du khách người Việt còn thưa người tới đây. Khi được biết là người Việt Nam thì phần lớn người có tuổi đều ồ lên thích thú và có phần khâm phục vì chúng ta luôn nổi tiếng trên thế giới qua cuộc chiến thắng Mỹ.

Một điều nhất thiết nên biết ở các Bazar là phải biết mặc cả và mặc cả cật lực. Dù chuyện trò vui vẻ nhưng họ luôn thách giá rất cao, thường gấp từ 3 - 5 lần. Thậm chí, tôi đã từng mua một miếng dán tủ lạnh ở đây với một giá rẻ hơn 10 lần so với giá ban đầu mà những người bán hàng đưa ra.

attachment.php

Một cửa hàng bán và trưng bày các bức tranh vẽ lên giấy Papyrus truyền thống của Ai Cập

attachment.php

Hút shisha trong một nhà hàng ở Khan-El-Khalili

Trong Khan-El-Khalili còn có nhiều quán, quán cà phê hay cả người người bán nước rong với một ly nước ép khoảng 2 L.E hoặc một ly trà nóng 1 L.E để người chơi chợ hay những người bán hàng ghé qua. Quán cà phê là nơi ưa thích của dân địa phương. Tại đây vừa có thể nhâm nhi cà phê vừa có thể hút shisha và ngắm người qua lại trên phố. Lang thang đã 3 giờ khi trời Cairo đã tối hẳn, tôi chuẩn bị rời Bazar để chuẩn bị đến điểm hẹn xem một show biểu diễn nghệ thuật như đã hẹn trước với anh bạn trong đoàn....
 
Ai cập trông vẫn giống như năm 2007! Mình đã thực hiện một chuyến đi đến Cairo - Luxor -Esna - Aswan rồi lại quay ngược lại Alexandra!

Quả là 1 trong những chuyến đi thú vị nhất của mình, những vùng đất, những lịch sử và những người bạn!

(Tiếc là mình chưa thể up được ảnh góp vui cùng bạn)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,427
Bài viết
1,152,743
Members
190,079
Latest member
Quynh258
Back
Top