What's new

Những ngày ở Nam Du

Bài viết được đăng lại từ chính trang blog cá nhân của mình
Phần 1: Tàu cập bến
Với nhiều người, đặc biệt là những ai có máu la cà thì miền Tây Nam Bộ từ lâu đã được “dán mác” vùng đồng bằng màu mỡ, nơi có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằn chịt, những vườn cây ăn trái xanh tốt tươi kề bên đồng lúa bạt ngàn và những khu chợ nổi trên sông tấp nập người mua kẻ bán. Hầu như ít ai chọn miền Tây là điểm đến cho các chuyến du lịch biển. Cũng phải, biển ở miền Tây là biển phù sa quanh năm nước đục, nó không thể bắt mắt bằng các bãi biển cát trắng tinh dọc duyên hải miền Trung. Toàn vùng Tây Nam Bộ chắc chỉ có biển Mũi Nai ở Hà Tiên là có bờ cát tương đối đẹp cho khách du lịch đến tham qua. Tuy nhiên biển đảo ngoài khơi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ở miền Tây hiếm tỉnh nào lại có nhiều tiền năng du lịch như Kiên Giang. Nơi đây có sự góp mặt của tất thảy mọi cảnh quan, từ kênh rạch, sông ngòi, đồng bằng, núi non, hang động, rừng rậm cho tới biển đảo. Đảo ngọc Phú Quốc từ lâu đã quá nổi tiếng về những bãi biển hoang sơ được các tạp chí du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Nhưng ngoài Phú Quốc ra thì Kiên Giang vẫn còn vô số đảo lớn nhỏ khác phải kể tới như quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc, quần đảo Nam Du, đảo Lại Sơn, hòn Tre, và tận cùng nhất là đảo Thổ Chu. Mỗi nơi lại có mỗi cách hớp hồn người yêu biển đảo bằng vẻ đẹp riêng của mình. Trong số đó quần đảo Nam Du có lẽ là nơi chứa nhiều nét ấn tượng hơn cả.

Tất nhiên Nam Du từ lâu đã là một trong những nơi mà thằng “máu me” du lịch bụi như mình nhắm tới. Sau rất nhiều cố gắng trong việc dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo bằng nhiều “thủ đoạn” khác nhau, cuối cùng thì mình cũng tìm được ba người bạn đồng hành để lập ra đội hình ABCD (tên viết tắc của 4 đứa) thẳng tiến “thiên đường biển đảo” Nam Du.

Xuất phát từ bến xe Miền Tây lúc 10 giờ 45 phút đêm, bọn mình dự định sáng hôm sau sẽ có mặt tại thành phố Rạch Giá để kịp chuyến tàu cao tốc ra đảo. Không khó lắm để tìm một hãng xe chất lượng cao chạy ngay trong đêm về Rạch Giá, nhưng nếu là dịp cuối tuần thì bạn nên đặt vé trước một ngày để đảm bảo đúng lịch trình. Xe Phương Trang cứ nửa tiếng có một chuyến xuất bến, xe Mai Linh, Kumho và Tuyết Hon (một hãng địa phương có uy tín chuyên chạy tuyến Sài Gòn - Rạch Giá) chất lượng cũng không kém cạnh.

Bọn mình tới bến xe Rạch Sỏi lúc 4 giờ rưỡi sáng, quá sớm so với dự kiến. Từ đây nhà xe Phương Trang có bố trí phương tiện trung chuyển về bến tàu Rạch Giá nhưng vì mãi loay hoay trong bến xe nên cuối cùng bốn đứa đã lỡ chuyến. Vậy là đành chọn cách đi xe ôm ra cảng sau lời mời mọc nhiệt tình của chú lái xe, tốn tiền nhưng nhanh chóng hơn và không sợ không mua kịp vé tàu.

Bến tàu khách Rạch Giá nằm ở đường Nguyễn Công Trứ. Đây là nơi xuất phát của tất cả các hãng tàu lớn nhỏ đưa khách đi các đảo, gần nhất là đảo Hòn Tre chỉ mất một tiếng ngồi tàu và xa nhất là đảo Thổ Chu với hai ngày lênh đênh trên biển. Các tàu đi Phú Quốc luôn nhộn nhịp hơn hẳn vì lượng khách tham quan rất đông. Tàu cao tốc duy nhất đi Nam Du là tàu Ngọc Thành, mỗi ngày một chuyến ra khơi và quay về. Chuyến đi bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 sáng từ cảng Rạch Giá và chuyến về đất liền khởi hành lúc 12 giờ 15 phút trưa từ quần đảo Nam Du. Trên đường đi và về tàu Ngọc Thành có cập cảng Hòn Tre và Hòn Sơn để rước và trả khách. Đối với những ai ra Nam Du vào dịp cuối tuần thì tốt nhất nên đặt trước vé khứ hồi để tránh tình trạng cháy vé.

Nói thêm một chút về quần đảo Nam Du. Quần đảo thuộc huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang, cách đất liền Rạch Giá 65 hải lý (1 hải lý bằng 1852 mét), gồm có 21 đảo lớn nhỏ (người dân gọi là hòn) chia thành 2 xã là Nam Du và An Sơn. Hòn Củ Tron (hay hòn Lớn, hòn Nam Du) là đảo lớn nhất, cùng với Hòn Mấu và Hòn Ngang là ba nơi dân cư tập trung đông nhất, các hòn khác chỉ thưa thớt vài nóc nhà, một số hòn hiện vẫn không có người ở. Bến tàu cao tốc đặt tại hòn Củ Tron do duy nhất hòn này có cầu cảng vững chắc cho tàu khách neo đậu.
img_0567.jpg

Một góc bến tàu hòn Củ Tron
Sau ba giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, nhắm mắt nhắm mũi chịu đựng cảm giác lắc lư theo từng cơn sóng dồn dập thì cuối cùng bọn mình cũng tới được hòn Củ Tron với cái đầu không thể lâng lâng hơn. Nhưng vừa bước chân lên cầu tàu là đã nhận ra ngay mùi vị đặc trưng của biển, mát mẻ và dễ chịu vô cùng. Hàng hóa và hành lý cũng nhanh chóng được dỡ khỏi tàu. Đa phần các loại thực phẩm đều phải nhập từ đất liền ra do việc thiếu thốn nước ngọt làm cho việc trồng trọt hay chăn nuôi trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây lại là thiên đường của các loài hải sản. Ngay từ khi ra khỏi tàu cao tốc thì bọn mình đã bị ấn tượng bởi những thau sò tộ, ốc giác và ốc voi bày bán la liệt trên cầu tàu. Những con sò tộ béo núc ních chỉ cần nhìn sơ là đã muốn đặt ngay lên bếp than rồi cho thêm tí mỡ hành vào. Con ốc voi khổng lồ vỏ màu cam đang bò trong thau đảm bảo bốn đứa ăn không hết. Cuối bến tàu còn có một vựa hải sản tươi sống ngày ngày đóng thùng chở vào đất liền. Kế bên vựa hải sản có một công trình nho nhỏ, hỏi ra mới biết đó là nhà bia tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Số 5. Đối với nhiều người trên đảo bão Số 5 vẫn là một quá khứ đau xót và kinh hoàng.
img_4103.jpg


img_4104.jpg
Hai anh em bán ốc giác ở bến tàu​
img_4101.jpg
Bia tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Số 5 nằm quay ra hướng biển​
Cũng giống như đa phần các đảo khác, hiện Nam Du vẫn chưa tiếp cận được với hệ thống điện lưới quốc gia mà chỉ dùng điện từ nhà máy phát điện ngay trên đảo. Nhưng điện cũng chỉ có từ năm giờ chiều cho tới mười một giờ đêm, còn lại người dân phải tự trang bị bình ắc quy, nhà nào khá giả hơn thì sắm máy phát điện mini để sử dụng. Khoảng hai năm gần đây lượng du khách kéo đến nhiều nên đảo cũng đã xuất hiện nhiều dịch vụ tối thiểu phục vụ khách tham quan. Ban đầu bọn mình dự định nghỉ tại nhà trọ Kim Yến, nhưng khi đến nơi thì đã hết sạch phòng do trùng dịp cuối tuần. Vậy là chị Yến giới thiệu cho mình nhà trọ Quang Nhi đối diện. Chủ nhà trọ là anh Nhựt, anh chắc cũng lớn hơn mình chừng vài tuổi (Quang Nhi là tên hai đứa con của anh). Anh có hai nhà, một cái để ở và bán cà phê, còn một căn cho du khách thuê với giá sáu mươi ngàn một người. Căn nhà cho thuê có một phòng ngủ chính thức và hai phòng ngủ “không chính thức” được cải tạo từ phòng khách và phòng bếp, đủ sức chứa cho mười người. Tính ra thì bọn mình cũng rất may mắn khi tìm được một căn nhà khang trang rộng rãi thế này để lưu trú. Ngoài cho thuê nhà ra thì anh Nhựt còn cho thuê xe máy và bà xã anh cũng kiêm luôn việc nấu nướng khi khách có nhu cầu.
img_3896.jpg


img_0570.jpg


img_3726.jpg


img_0470.jpg
Nguồn hải sản trên đảo rất phong phú, cả tươi và khô​
Bọn mình không vội nghỉ ngơi ngay mà ra quán cô Năm Nương gần bến tàu ăn trưa. Quán cô Năm chắc là quán nổi tiếng nhất ở đây. Đồ ăn cô làm rất ngon và giá tiền cũng vừa phải. Hôm đó cô làm món cá thu muối chiên và canh chua cá diển phướng. Đây là lần đầu tiên mình ăn một nồi canh chua nấu bằng cá biển ngon tới như vậy (sau này mới biết cô Năm là thợ nấu chính hiệu, đám tiệc ở các hòn thường hay chạy qua đặt cô nấu đồ ăn, hôm mình về cô đang nhận nấu cho một đám cưới ở hòn Ngang). Quán cô Năm chỉ bán điểm tâm buổi sáng và cơm buổi trưa, còn buổi chiều muốn ăn phải đặt trước cô mới chuẩn bị. Bốn chục ngàn một phần cơm hai món và năm chục cho ba món, nghe qua thì hơi mắc nhưng thật sự nó quá rẻ cho những gì bốn đứa được thưởng thức.
img_3987.jpg
Món canh chua cá diển phướng cô Năm nấu trên cả tuyệt vời​
Sau khi đánh chén no nê ở quán cô Năm bọn mình quay về nhà trọ nghỉ ngơi. Xế chiều hôm đó đội hình ABCD khởi hành đi Bãi Cây Mến – bãi biển đẹp nhất Nam Du như lời mấy anh xe ôm giới thiệu.
_______________

Thông tin về tàu cao tốc Ngọc Thành:

Đối với những ai có ý định đi Nam Du vào dịp cuối tuần hay ngày lễ thì nên đặt trước vé khứ hồi để tránh tình trạng hết vé. Số điện thoại đặt vé là 0773.863019. Còn trong những ngày bình thường khách có thể đến mua vé trực tiếp ở văn phòng tàu cao tốc Ngọc Thành tại số 16 Nguyễn Công Trứ, Rạch Giá hoặc quầy bán vé của bến tàu Rạch Giá trước giờ tàu khởi hành. Tại đây cũng có bán vé của các hãng xe Mai Linh, Phương Trang, Kumho, Tuyến Hon về lại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây khác.

Nếu không mua được vé tàu cao tốc bạn có thể hỏi thêm thông tin để mua vé tàu thường (tàu Hồ Hải) để ra Nam Du, tuy nhiên sẽ tốn nhiều thời gian di chuyển và dễ say sóng hơn.
 
tiếp theo

Phần 2: Hòn Củ Tron
Bãi Cây Mến là bãi biển đẹp nhất hòn Củ Tron. Có hai cách để tới được đây. Cách đầu tiên và cũng phổ biến nhất là thuê tàu của người dân. Mấy năm nay do du khách đổ về Nam Du ngày một nhiều nên việc kiếm một con tàu để đi lại cũng không khó khăn lắm. Tàu sẽ chở khách tham quan một số địa điểm của quần đảo và thường kết thúc bằng việc cập bãi Cây Mến để mọi người thoải mái đắm mình trong làn nước trong vắt. Nhưng kể từ khi con đường quanh hòn Củ Tron dần thành hình thì lại có thêm một phương tiện nữa để lựa chọn là xe máy. Khách có thể thuê xe từ nhà trọ hoặc trực tiếp từ những người chạy xe ôm với giá một trăm ba mươi ngàn một chiếc, tự điều khiển hoặc nhờ luôn cánh xe ôm chở ra và chờ khách về. Khoảng cách từ bãi Chệt (là nơi tập trung tất cả các nhà trọ) đến bãi Cây Mến dài khoảng bảy cây số. Lúc bọn mình đi thì đường vẫn còn đang thi công nên nhiều đoạn rất xấu, bù lại mọi người vừa có thể mặc sức ngắm cảnh trời mây thênh thang, vừa đón từng cơn gió mát rượi từ phía biển liên tục thổi vào. Con đường quanh hòn Củ Tron hứa hẹn sẽ mở ra một triển vọng phát triển mới cho người dân đảo nghèo.
img_3788.jpg

Con đường vòng hòn Củ Tron
Xuyên qua khu dân cư đông đúc ven biển san sát nhau, có nhiều đoạn con đường hoàn toàn núp mình dưới những mái hiên ọp ẹp. Nhà cửa ở đây đa phần đều được xây dựng theo kiểu tạm bợ, chủ yếu là nhà vách lá hay che chắn bằng những tấm tole rỉ sét. Nhìn chung đời sống của người dân trên hòn không mấy khá giả, phần nhiều họ phải dựa vào biển để mưu sinh chứ không có những sự lựa chọn khác. Có những đoạn con đường chênh vênh giữa một bên là vách núi dựng đứng, còn bên kia là vực sâu dốc xuống biển đủ sức thử lòng gan dạ của những ai có máu mạo hiểm. Nhưng khó khăn hơn cả là những đoạn dốc lên dốc xuống nhấp nhô đá do việc xây dựng vẫn còn dang dở, làm xe rất dễ trượt bánh nếu người điều khiển thuộc hạng “gà”. Tất nhiên là máu liều mạng của mình không đủ để thôi thúc việc cầm lái ở những đoạn thế này nên mình chỉ còn biết cách bấm bụng giữ chặt yên xe phía sau, nhiều lúc không dám thở mạnh khi chiếc xe lảo đảo lao qua bãi đá lởm chởm. Cũng may nhóm có C và D đều là những tay lái xếp hạng “lụa” chứ thuộc cấp độ “giẻ” như mình.
img_3783.jpg

Một cây to mọc chênh vênh ven đường ra bãi Cây Mến
Cuối cùng thì bãi Cây Mến cũng dần hiện ra trước mắt sau làn bụi mù mịt phát ra từ mấy chiếc xe cẩu xúc đá gần đó. Từ phía trên nhìn xuống có thể thấy rõ bãi Cây Mến nằm lọt thỏm trong một vịnh nhỏ có làn nước xanh màu ngọc. Bãi biển không trải dài nhưng cát trắng tinh, và đặc biệt là những cây dừa nhiều năm tuổi vươn mình ra hướng biển. Có lẽ nếu không có vườn dừa này thì vẻ đẹp của bãi Cây Mến chỉ còn được một nửa. Theo thông tin mình tìm hiểu trước khi đến đây thì bãi biển này nằm trên mảnh đất của một gia đình địa phương. Khoảng thời gian hai năm qua du khách đến tham quan ngày càng nhiều nên người chủ cho xây dựng một căn nhà tranh ngay bãi biển, vừa làm quán nước vừa là chỗ để du khách tắm nước ngọt. Vườn dừa cũng được khai thác tối đa phục vụ cho du khách. Dừa ở đây trái rất to và mát dù nước không được ngọt lắm.
img_3763.jpg

Bãi Cây Mến nhìn từ con dốc
img_3762.jpg

Bãi biển nằm gọn trong một vịnh kín gió
Không ai biết vì sao bãi biển lại có tên là bãi Cây Mến dù trên bờ chỉ toàn dừa và dừa. Mình cũng chẳng biết cây mến là giống cây hình thù thế nào, nhưng rõ ràng bãi Cây Mến là một trong những bãi biển đẹp nhất mà từ trước tới nay mình được đặt chân tới. Tất nhiên nó không có quy mô đồ sộ như biển Đà Nẵng, bờ cát chắc cũng không thể trắng hơn so với biển Nha Trang, nhưng nếu xét về tính nguyên sơ thì bãi Cây Mến ăn đứt hai bãi biển này. Vẻ tự nhiên của bãi Cây Mến đến từ hàng dừa lão cao vút uốn mình che nắng cho bờ cát trắng tinh, và ngoài căn nhà cùng quán nước của chủ khu đất này ra thì xung quanh hoàn toàn không có bóng dáng của bất kỳ công trình xây dựng nào. Do nằm trong vịnh kín gió nên bãi biển thường không có sóng lớn, rất thoải mái cho những ai có sở thích thả mình lênh đênh trên mặt biển, tận hưởng cái cảm giác dập dìu êm dịu của làn nước mát rượi và trong vắt. Những ai năng nổ một chút có thể mượn chiếc thuyền thúng của chủ quán để trổ tài chèo chống. Quán còn có cả một chiếc thuyền kayak cho du khách mượn nhưng thuyền đã bị thủng một lỗ khá lớn nên bạn phải chịu khó vừa chèo vừa… tát nước nếu muốn bơi được vào bờ.
img_3731.jpg


img_3736.jpg


img_3730.jpg


img_3772.jpg
Lúc bọn mình tới bãi Cây Mến thì vài ba đoàn đã cắm chốt ở đây từ khi nào. Chẳng có nơi đâu tuyệt vời hơn để tổ chức một buổi picnic cùng bạn bè dưới những bóng dừa hoang dã ven bãi biển tuyệt đẹp như chỗ này. Đây là nơi làm con người ta dễ dàng quên đi những văn phòng kín bưng, những con đường chật nít xe cộ và đủ thứ chuyện bon chen trên đời để ngâm mình vào làn nước biển xanh như ngọc hay thỏa sức chơi đùa, nấu nướng và đàn hát cùng bạn bè ngay trên bờ biển. Bọn mình cũng không phải là những người duy nhất thuê xe máy đến bãi Cây Mến mà còn vài ba du khách đi lẻ nữa cũng chọn phương tiện này, lý do là vì phí thuê tàu khá cao nên chỉ thích hợp cho những đoàn đông người.
img_3779.jpg

Hoàng hôn trên bãi Cây Mến
Tới đây thì mình còn trổ tài tập bơi cho B. Mình và B vốn là bạn cùng lớp đại học. Lúc trước khi còn học chung hai đứa cũng ít khi trò chuyện nhưng rõ ràng tụi mình dành rất nhiều thiện cảm cho nhau. Lúc mình ra Quảng Nam B có biết, vậy là dù còn đang trong Sài Gòn nhưng B vẫn nhiệt tình giúp đỡ bằng cách nhờ một người bạn thân đồng hương làm “hướng dẫn viên” đi cùng mình. Đó là vào năm 2012, mình vừa mới bảo vệ xong khóa luận tốt nghiệp, còn giờ thì sau vài năm bươn chải tại Sài Gòn B cũng đã quyết định từ giã thành phố chật hẹp này để về lại Quảng Nam lập nghiệp. “Không chốn nào thân thương hơn quê ta”. Bởi vậy cho nên mình thật sự cảm thất rất vui vì chuyến đi này có B tham gia cùng. Đây cũng là cách mình giới thiệu cảnh đẹp của quê hương miền Tây đến với B để đáp lại tấm thiện ý mà B đã dành cho mình hai năm về trước. Còn về chuyện dạy bơi thì mình có kinh nghiệm tương đối khá khẩm. Ít ra tính đến thời điểm hiện tại mình đã hướng dẫn cách bơi và cách thả nổi trên mặt nước cho ba người bạn nữ cùng lớp đại học – một thành tích khá thú vị.
 
tiếp theo

Sau khi đã tắm táp, bơi lội, chèo lái và cả uống nước chán chê, bốn đứa vội dẫn xe ra về để kịp bữa ăn chiều mà mình đã dặn anh Nhựt chuẩn bị trước đó. Nhưng cuối cùng thì mọi người đã gặp phải một chuyện không ngờ tới: đường về đã bị đá tảng chặn lại sau một vụ nổ mìn ngay vách núi phía trên. Việc nổ mìn nằm trong kế hoạch xây dựng con đường quanh đảo nhưng không một ai được thông báo trước. Và dĩ nhiên không chỉ có mỗi bốn đứa ABCD bọn mình bị kẹt lại mà tất cả những người chạy xe máy qua bãi Cây Mến tắm biển đều cùng chung số phận. Do không thể quay về theo đường cũ nên mọi người đành tiếp tục chạy theo cung đường vòng còn lại để trở lại nhà trọ. Nhưng rốt cục thì hướng này cũng bị cho nổ mìn để lấy đá làm đường ngay đoạn cách bãi Chệt chừng một cây số. Nghĩa là cả hai hướng lúc này đều không thể đi được. Hơn một chục con người cùng xe máy nháo nhác lo lắng vì tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hỏi những người công nhân làm đường gần đó thì họ cho hay đã tới giờ nghỉ nên tất cả những người lái xe cẩu đều quay về nhà tắm rửa cơm nước hết, tầm vài tiếng nữa họ mới quay trở ra dọn tạm đường cho xe cộ lưu thông.
img_3782.jpg

Đường về bị tắt do người ta nổ mìn lấy đá
Đang trong tình trạng chẳng biết phải xoay sở thế nào với đống đất đá ngổn ngang chặn kín lối về trong khi trời mỗi lúc một tối dần thì bỗng chú lớn tuổi nhất trong đoàn khách lên tiếng. Chú đưa ra đề nghị kêu gọi mọi người cùng nhau khuân đá dọn đường và cùng nhau hỗ trợ đẩy xe qua khỏi đoạn nổ mìn, chỗ nào đẩy không được thì ra sức khiêng xe qua. Rất may là đất đá ở chỗ nổ mìn này tuy trông tràn lan hơn đầu phía khi nãy tuy nhiên không có nhiều đá tảng nên với sức vài ba người vẫn có thể xê dịch chút ít được. Vậy là bọn mình trở thành những công nhân bất đắc dĩ. Cũng may nhờ có sự hiệp sức của đoàn khách tham quan và một vài người dân địa phương gần đó mà cuối cùng tất cả xe đều được đẩy qua hết. Ai cũng bở cả hơi tay do lớp đẩy xe, lớp dọn đường nhưng mọi người đều phì cười vì chưa khi nào đi du lịch mà lại được trải nghiệm cái cảm giác “vượt chướng ngại vật” độc đáo tới như vậy.
img_3791.jpg

Gian nan đẩy xe qua đoạn vừa mới nổ mìn ở hướng còn lại
Con cá mú một ký lô, ba ký ốc voi cộng thêm một con mực ống to bằng cổ tay mà bà xã anh Nhựt ưu ái khuyến mại bọn mình là “phần thưởng” bù đắp cho chuyến đi thú vị tới mức hụt hơi ban chiều.
img_3798.jpg


img_3800.jpg

Trên cả tuyệt vời!
 
tiếp theo

Phần 3: Buổi câu cá ở hòn Hai Bờ Đập
Sáng sớm hôm sau mình nhận được một tin không mấy khả quan. Số là đêm qua khi đánh chén no nên ở quán anh Nhựt xong thì mình có liên hệ với chú Hai là người địa phương để thuê tàu chú tham quan các hòn trong hôm nay. Thỏa thuận giá cả và điểm đến đâu đấy xong xuôi thì ngay trước khi xuất phát tầm một giờ chú gọi điện báo do “trời thổi” (gió chướng thổi mạnh làm biển động) nên tàu chú nhỏ không ra khơi được. Chú đành cáo lỗi và khuyên mình tìm một tàu khác lớn hơn để đi cho an toàn.

Mình bắt đầu phát hoảng. Nếu hôm nay không thuê được tàu thì coi như những điểm hấp dẫn nhất của Nam Du mà mình đã cất công tìm hiểu từ trước chắc chắn xếp xó hết. Thêm một lý do để lo lắng nữa bởi hôm nay là chủ nhật, lượng khách trên đảo khá đông nên cũng không dễ dàng gì kiếm ra ngay một con tàu thay thế ngay lúc này.

Trong khi lòng còn đang rối ren không biết phải xử trí ra sao thì bỗng mình nhớ tới lời bà xã anh Nhựt. Hôm qua khi ăn ở quán chị thắc mắc mình thuê tàu của ai để chị hỏi lại anh xem tàu ấy có an toàn không. Rất có thể anh Nhựt quen biết với nhiều chủ tàu ở đây cũng nên. Vậy là tranh thủ lúc ba người bạn đồng hành vẫn còn đang ngủ, mình vội chạy ra quán tìm kiếm vận may. Kết quả chưa kịp uống hết ly cà phê là mình đã thuê được một con tàu khác không thể phù hợp hơn nhờ vào sự giới thiệu của anh Nhựt. Thật may mắn.

Đó là tàu Duy Tân, tài công là anh Sáu. Tàu anh thuộc dạng lớn nên phí thuê có hơi cao hơn những tàu nhỏ khác. Theo thỏa thuận giữa mình và anh Sáu thì buổi sáng anh sẽ đưa bọn mình ra hòn Hai Bờ Đập để câu cá, sau đó cập Hòn Mấu để ăn uống và tham quan lúc trưa, cuối ngày trên đường quay trở về hòn Củ Tron tàu sẽ ghé lại hòn Dầu để cả bọn tắm biển, lặn ngắm san hô và bắt nhum. Tàu của anh có chuẩn bị sẵn dụng cụ câu cá, kính lặn, áo phao, bè và cả bếp nấu ăn cho mọi người. Quá đầy đủ cho một chuyến đi trong ngày.
img_3805.jpg

Tàu Duy Tân
Mình vội quay trở về nhà trọ báo tin mới cho ba người bạn đồng hành biết và giục mọi người nhanh chóng chuẩn bị hành trang lên đường. Trước khi đi bốn đứa có ghé lại quán cô Năm ăn điểm tâm. Sáng nay cô bán bún chả giò và bún riêu. Cô Năm cho hay chỗ cô cũng có giới thiệu tàu cho khách, thường là đi ghép đoàn nên giá rẻ hơn đôi chút. Tại quán bọn mình vô tình gặp lại vợ chồng chú lớn tuổi ngày hôm qua. Thì ra cô chú chuẩn bị rời Củ Tron để vào Hòn Sơn. Cô bảo nghe nói hòn Sơn đẹp lắm. Bất giác mình nảy sinh thêm một dự định mới trong đầu…

Trời thổi. Sóng liên hồi tung mạnh từng cơn vào bờ làm con đường dẫn ra cầu cảng ướt nhem. Tàu anh Sáu đã neo đậu ở đó từ lúc nào. Trông nó còn rất mới và lớn hơn so với những chiếc gần đó. Do sóng liên tục vỗ vào mạn tàu làm nó liên tục chồm lắc nên nếu không có sự giúp đỡ của ba anh phụ tàu đi cùng thì bọn mình khó mà bước chân lên tàu dễ dàng được.

Tàu nhổ neo rồi chầm chậm rời cầu cảng. Càng ra xa sóng nổi lên càng nhiều. Sóng đập chan chát vào mạn tàu làm bọn mình cũng phải nghiêng người lắc lư theo. Có những con sóng mạnh bắn nước tung tóe lên boong tàu. Bọn mình được khuyên ngồi phía mạn phải để tránh bị ướt hết quần áo trước khi đến nơi. Mình vốn quen với chuyện phải thường xuyên di chuyển bằng tàu xe nên việc con tàu chồm lên bổ xuống liên tục cũng không tác động nhiều lắm tới tâm trạng háo hức trong lòng. Nhìn lại thấy D có vẻ tạm ổn, trong khi tình hình của B và C không được khả quan cho lắm. Rõ ràng là những cơn sóng thế này khiến họ không hề cảm thấy thoải mái chút nào.
img_3808.jpg

Tàu dần tiến ra xa bờ
img_3831.jpg

Hòn Củ Tron nhìn từ xa
Dọc đường đi mình có bắt chuyện làm quen với các anh phụ tàu, từ đó mới biết về tình hình khan hiếm nước ngọt trên các đảo, về kế sinh nhai chính của người dân nơi đây và về thời điểm đảo bắt đầu thu hút khách du lịch tới tham quan. Hỏi kỹ nữa thì mới hay quê ngoại của anh Sáu ở Châu Thành Tiền Giang. Thì ra anh cũng có chung một nửa gốc gác với mình. Ngồi nói thêm đủ thứ chuyện trên trời dưới đất nữa thì hòn Hai Bờ Đập dần hiện ra trước mắt. Sóng cũng yếu lại, con tàu tiến êm êm vào gần bờ.
img_3812.jpg


img_3820.jpg

Ba anh phụ tàu đi cùng
Hòn Hai Bờ Đập rất dễ nhận biết từ xa nhờ vào hình dáng đặc biệt của nó. Hòn gồm hai phần được nối liền bằng một dãy đá tự nhiên trông khá giống hình dáng một con đập. Theo mình quan sát thì hình như trên hòn chỉ có một nhà dân duy nhất, gần đó có thêm một vài bè nuôi cá bớp. Đa phần các hòn của quần đảo Nam Du đều thưa thớt người ở như vậy.
img_3817.jpg

Một góc hòn Hai Bờ Đập
img_3830.jpg

Cận cảnh dãy đá nối hai phần của hòn
img_3823.jpg

Một bè nuôi cá bớp gần đấy
Tàu thả neo cách hòn hơn chục thước. Anh Sáu xách từ đâu ra một con mực tươi rói để làm mồi câu cá. Nhìn con mực bị xẻ thịt mà tiếc đứt ruột, nhưng ở đây thì số phận của nó không phải trực tiếp vào bụng khách mà là gián tiếp khi nằm trong bụng cá. Hình như mình là đứa hồ hởi nhất sau gần bốn mươi lăm phút vật lộn với sóng biển. Mình nhanh chóng được các anh phụ tàu hướng dẫn cách mắc mồi và quăng câu làm sao cho không vướng vào đám san hô phía bên dưới.
Trong những người đi cùng có Hùng, một anh bạn trẻ rất mát tay câu cá, chỉ cần anh chàng thả mồi xuống chưa đầy một phút là cá đã mắc câu. Chẳng mấy chốc mà Hùng đã kiếm được một mớ kha khá, toàn cá bống mú. Còn mình sau khi quăng câu đến lần thứ hai thì cũng tóm được một chú cá bống mú lớn cỡ chừng ba ngón tay. Năm lần quăng câu tiếp theo mình không thể nào thu về lưỡi câu lẫn cục chì lại được, tất cả đều bị vướng vào san hô. D cũng tham gia nhưng không thu hoạch được bất kỳ con cá nào dù cá rỉa mồi liên tục. Có vẻ như tay nghề câu cá của đám khách tụi mình vẫn còn quá non yếu.
img_3829.jpg

Đám cá bống mú bắt được, con to nhất cũng là con duy nhất mình câu
Sau mấy lần quăng câu thất bại liên tục, mình nhìn vào thùng cá thấy Hùng nãy giờ bắt được khá nhiều. Do cũng chẳng còn gì làm ở hòn Hai Bờ Đập nên mình yêu cầu anh Sáu cho tàu tới hòn Mấu để cả bọn lên bờ nghỉ ngơi và tham quan. Tàu lại ra xa bờ, lại lắc lư, lại chồm lên nhồi xuống liên tục, B và C lại không có “tín hiệu” khả quan hơn.
____________

Thông tin về thuê tàu ở Nam Du:

Việc thuê tàu đi tham quan các hòn ở Nam Du hiện nay không mấy khó khăn gì. Nếu không biết bạn có thể hỏi chủ nhà nơi bạn trọ hoặc ra quán cô Năm Nương để tham khảo về việc thuê tàu.

Tàu anh Sáu là tàu Duy Tân. Tàu lớn nên chở được đoàn đông người. Giá thuê một ngày là một triệu sáu trăm ngàn đồng. Số điện thoại của anh Sáu là 0944899122. Ngoài ra nghe nói còn có tàu của anh Phong Vũ cũng cùng tải trọng và mức giá tương tự.

Tàu của chú Hai nhỏ hơn, đi được vài ba người. Giá thuê một triệu hai trăm ngàn đồng một ngày. Số điện thoại của chú Hai là 01647310277.

Để có một chuyến dạo quanh các hòn trọn vẹn nhất, lời khuyên đối với những ai không quen đi tàu thuyền trên biển là hãy uống thuốc chống say tàu xe trước khi lên tàu nửa tiếng.
 
tiếp theo

Phần 4: Hoang sơ hòn Mấu
Vào đến sát bờ hòn mà sóng vẫn còn mạnh. Hòn Mấu là một trong ba hòn tập trung nhiều dân cư nhất ở Nam Du. Trước khi đi mình đã từng đọc được nhiều bài báo ví von hòn đảo này chính là viên ngọc của cả quần đảo, do nơi đây còn nhiều bãi biển rất đẹp và hoang sơ.
img_3848.jpg

Cầu tàu hòn Mấu
Cầu cảng hòn Mấu được dựng sơ sài từ những cọc bê tông lót ván nên không thích hợp cho ghe tàu lớn neo đậu. Qua lời giới thiệu của ba anh phụ tàu thì hòn Mấu là xứ sở của nghề lưới ghẹ. Quả đúng như vậy thật. Vừa đặt chân lên cầu tàu thì hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mình là khung cảnh làm việc nhộn nhịp của nhiều người dân đang ngồi dưới mái hiên nhà gỡ lưới ghẹ. Họ làm việc luôn chân luôn tay, gỡ từng tảng san hô, đôi khi có cả những con ốc giác, ốc voi ra khỏi lưới để chuẩn bị lưới cho chuyến đánh bắt tiếp theo.
img_3849.jpg

Gỡ lưới ghẹ là công việc chính trên bờ
Bên trái cầu tàu là trụ sở ấp và một ngôi miếu Bà nho nhỏ, còn phía trái là bãi Nam – một bãi cát trắng tinh nhưng do nằm gần khu dân cư nên đầy rác thải. Ghe tàu neo đậu tập trung nhiều nhất cũng ở bãi này. Từ cầu tàu rẽ phải một đoạn sẽ thấy một quán nước cạnh ngã ba, hướng ra bãi Nam. B và C do vẫn còn “dư âm” của cơn say sóng nên quyết định dừng ở quán nước nghỉ ngơi đôi chút, còn mình tiếp tục rẽ phải để xem sẽ đi tới đâu. Con đường bê tông ngang qua một khu chợ nho nhỏ có vài ba quầy tạp phẩm. Cứ đi thẳng theo đường này sẽ thấy cổng ấp văn hóa Hòn Mấu. Gần đó còn có một tiệm hớt tóc cũ kỹ ọp ẹp. Nhưng đây chắc chắn là tiệm hớp tóc có bối cảnh đẹp nhất mà mình từng biết tới, vì nó hướng ra bãi Chướng – bãi biển đẹp nhất Hòn Mấu.
img_3850.jpg

Một góc bãi Nam
img_3853.jpg

img_3887.jpg

Từ tiệm hớt tóc con đường tiếp tục trải dài men theo bờ biển. Nhà cửa dọc bãi Chướng khá đông đúc chứ không giống như bãi Cây Mến ở hòn Củ Tron, do vậy mà rác thải vứt bừa bộn cũng nhiều. Tuy nhiên nếu bỏ qua điều này thì quang cảnh ở bãi Chướng không hề thua kém bất kỳ bãi biển nổi tiếng nào của Việt Nam. Bờ cát trắng tinh của nó trải dài hơn một cây số và được tô điểm bằng một hàng dừa cong mình hướng ra phía biển đón gió. Theo lời anh chủ quán ở bãi Nam thì do gặp ngày trời thổi nên sóng ở bãi Chướng hôm nay lớn hơn mọi khi, chứ bình thường nơi đây sóng êm dịu, rất thích hợp cho việc bơi lội.
img_3858.jpg


img_3861.jpg


img_3865.jpg


img_3862.jpg

Bãi Chướng hoang sơ và quyến rũ
 
tiếp theo

Mình cứ thế đi tới cuối đường. Nhìn sang bên trái thấy một mặt giáp biển nên mình tiến qua xem sao. Thì ra đã tới bãi Đá Đen. Đúng như tên gọi, bãi Đá Đen được tạo nên từ rất nhiều hòn sỏi sẫm màu trông cực kỳ bắt mắt. Sóng nước bào mòn làm cho những viên sỏi ở đây trơn nhẵn và lóng lánh dưới ánh nắng. Bãi Đá Đen tuy nhỏ, lại nằm khuất sau nhà dân nhưng quả là một nơi rất đáng đặt chân tới.
img_3868.jpg

Quang cảnh bãi Đá Đen
img_3877.jpg

Một góc me cổ thụ mọc gần đấy
Đến đây thì mình trở lại quán nước xem tình hình của B và C thế nào. Có lẽ họ vẫn còn khá mệt mỏi sau chuyến lênh đênh vừa rồi nên bảo mình và D trở lên tàu ăn cơm trước, họ sẽ tiếp tục nghỉ ngơi và chờ tại quán. Trên tàu anh Sáu cũng đã chế biến đám cá bống mú ban nãy thành nồi cá kho không thể tuyệt vời hơn, cộng thêm một nồi canh rau, vậy là anh em tụi mình có được một bữa ngon lành đúng kiểu con nhà biển.
img_3892.jpg

Cá bống mú kho khô và canh cải
Ăn uống no nê xong thì ba anh phụ tàu chuẩn bị lên nhà người quen trên bờ làm vài xị đế cho ấm bụng, chỉ còn anh Sáu ở lại trông tàu. Lúc này mình mới phát hiện ra dưới mặt nước toàn cá là cá. Cá bống mú mà mình vừa ăn, có thêm cá lia thia (mình hỏi Hùng mới biết tên của nó là vậy) bơi thành từng đàn bên dưới tàu. Phải chi lúc nãy đến đây câu luôn thì đã không tốn gần một chục cái lưỡi câu lẫn chì ở hòn Hai Bờ Đập. Máu câu cá nổi lên, anh bạn trẻ Hùng lại tiếp tục trổ tài quăng câu (tới khi tàu chuẩn bị rời Hòn Mấu Hùng có dẫn mình rau sau tàu khoe cả một thùng cá lia thia vừa bắt được).
img_3922.jpg

Cá bơi thành từng đàn ngay dưới chân cầu tàu
img_3890.jpg

Ba anh chàng ngư phủ nhí
Mình lên bờ trước, còn D nằm lại trên tàu để ngủ ít phút. Trở lại quán nước thấy B và C vẫn đang ngồi đó nói chuyện với anh chủ quán. Anh nói lúc trước trời bình thường có thể lấy bè đưa tụi mình ra xa để thả câu. Tất nhiên không phải là thả từng lưới mà là cả một dây móc câu. Anh cho hay có khi chỉ cần một tiếng sau là kéo dây lên không nổi vì cá mắc câu rất nhiều, mà con nào con nấy đều cỡ một ký trở lên. Lúc trước có mấy anh khách kia đến đây được anh dẫn theo đi câu thấy ham quá, vậy là họ ở lại hòn chơi luôn với anh vài ba ngày. Đáng tiếc do tụi mình không có nhiều thời gian, với lại lúc này nhằm ngay hôm trời thổi, nếu không chắc bốn đứa cũng xin ở lại để trải nghiệm cảm giác làm ngư dân chính hiệu của hòn Mấu.
img_3897.jpg

Quán nước kế bên bãi Nam
 
tiếp theo

Từ quán nước lần này mình rẽ trái để xem phía đó có gì. Vừa đi được hơn chục bước đã nghe thấy có tiếng gọi từ trong nhà vọng ra. Ngó vào thì thấy hai anh phụ tàu đang ngồi lai rai trong đấy với vợ chồng chủ nhà. Thì ra đây là nhà bà con của một anh trong số đó. Mình bước vào nhà cởi dép trèo lên bộ ngựa. Trên đó đã dọn sẵn một dĩa cá khô và ít trái thanh trà (ở đây người ta gọi là trái sơn trà). Tất nhiên là không thể thiếu ca rượu. Vợ bác chủ nhà mời mình một trái và một miếng khô mực. Trái thanh trà ở miền Nam là loại trái cây hình trứng, lớn cỡ khoảng đầu ngón chân cái, khi chín có màu vàng tươi, ăn vào có vị chua ngọt và thanh chứ không phải là giống bưởi thanh trà ở Huế. Công nhận thanh trà trên đảo ngọt hơn rất nhiều so với giống trồng ở quê mình.

Do mình không thể uống cùng mọi người vì biết chắc có men trong người thì thế nào lát nữa trở về cũng cho “cá ăn chè” dọc đường, nên đành xin phép chủ nhà cáo lui để đi tham quan tiếp. Cô chủ nhà cạn xong ly rượu với một anh phụ tàu thì vội chỉ tay hướng dẫn mình đường ra bãi Bấc của hòn. Vậy là mình men theo con đường mòn trước cửa nhà một mình thẳng tiến. Đi một quãng chừng năm trăm mét là đã thấy biển hiện ra trước mắt. Đang lơ ngơ không biết đường nào xuống dễ dàng thì bỗng có giọng nói dịu dàng trong một căn nhà gần đấy vọng ra: “Anh xuống bãi Bấc phải không ? Cứ đi thẳng là tới thôi, chỗ đó có đường xuống”. Mình vội cảm ơn cô gái tốt bụng rồi chạy nhanh ra bờ biển.
img_3902.jpg

Đường mòn ra bãi Bấc
Vị trí bãi Bấc cũng giống với bãi Đá Đen, nằm khuất sau vài nhà dân. Đó là một bãi nhỏ không có gì đặc biệt nhưng từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát rất nhiều hòn còn lại trong quần đảo Nam Du, kể cả hòn Củ Tron, đúng như lời cô chủ nhà khi nãy giới thiệu. Do kế bên bãi biển là nhà dân nên rác thải sinh hoạt tương đối nhiều. Nhưng chỉ cần rẽ qua hướng bên phải một chút sẽ thấy một gành đá nhỏ. Chỗ này sạch sẽ và cực kỳ hoang sơ. Có những cái cây kỳ lạ với tấm thân xù xì mọc sát bờ biển mình chẳng biết là giống cây gì, nhưng trông chúng đã có mặt ở đây từ lâu lắm rồi.
img_3903.jpg

Từ bãi Bấc trông ra các hòn còn lại
img_3908.jpg


img_3909.jpg


img_3915.jpg

Bãi Bấc hãy còn hoang sơ
 
tiếp theo

Đứng ngó nghiêng ở bãi Bấc một lúc thấy trời cũng còn đang nắng nên mình vội quay về quán nước bãi Nam để cùng với ba người còn lại ra bãi Chướng uống nước dừa. Ngoài bãi Chướng có một chỗ khá mát mẻ mắc vài ba cái võng nho nhỏ, chắc quán nước ở đó. Bọn mình vừa định ngồi thì một cậu nhóc ở đâu chạy ra.

“Nằm võng là phải trả tiền à nghe”, nhóc ta nhanh miệng lên tiếng trước.

“Vậy con có biết chỗ nào bán nước dừa không?”, mình hỏi nó. Nó vừa nói vừa chỉ vào buồng dừa đặt cách đó khá xa – “Ở trong đó bán, mà giờ người ta ngủ hết rồi”.

Mình ngó trước ngó sau không thấy ai, cũng chẳng muốn mất tiền oan khi chưa kịp uống được trái dừa nào nên đành đi tiếp tới căn chòi lá sơ sài phía đầu trên. Ở đây cũng có vài ba cái võng giăng sẵn, chỉ là không đón gió nhiều như chỗ ban nãy. Có hai người đàn ông đang kết những tấm xốp trắng lại thành một cái bè ngay trong chòi. Thấy bọn mình lớ ngớ đi tới họ hỏi có phải khách du lịch không rồi kêu vào quán nghỉ ngơi. Một chú kêu thằng cu ban nãy vào nhà gọi chị chủ quán ra chặt dừa cho khách. Phần thằng bé sau khi nhận được gói bánh B và C cho thì nó ở luôn đây chơi với tụi mình. Thấy nó dễ thương mình rủ lại chụp hình chung nhưng cu cậu ngại nên nhất quyết không chịu hợp tác.
img_3918.jpg

Không hợp tác thì chú đành... chụp lén vậy
Nó ngồi đấy một hồi nói đủ thứ chuyện. Mình hỏi học lớp mấy thì nó nói học lớp Một. C hỏi nó đi học được mấy điểm thì nó trả lời được “mười một điểm”. Lát sau nó chỉ D rồi nhìn mình nói: “Chú này dốt lắm, hồi nãy con hỏi một cộng một bằng mấy mà chú không biết bao nhiêu”. Mình cười, “Ừ chú đó coi vậy chứ dốt lắm”.

Thằng cu có vẻ muốn chứng tỏ thêm vốn hiểu biết của nó nên tiếp tục thách đố: “Vậy chứ chú biết người ta đóng bè để làm gì không?”. “Thì chắc là để ra mấy bè cá ngoài kia chứ gì”, mình trả lời đại sau khi thấy có vài bè cá phía đằng xa.

Nó lắc đầu nguây nguẩy rồi nở một nụ cười ranh mãnh: “Chú cũng dốt luôn, người ta đóng bè để đi kéo lưới ghẹ”. Nó cũng không quên kết luận gọn lại một câu: “Cả hai chú đều dốt!”

Ừ thì công nhận là mình dốt thật.

Đời sống ở hòn Mấu có vẻ không khá giả gì hơn hòn Củ Tron. Nhà cửa của người dân đa phần là nhà tranh vách lá tạm bợ. Cũng may vùng biển này không chịu ảnh hưởng của bão chứ nếu không thì những căn nhà khó mà chống chọi được với mưa gió. Trẻ con, phụ nữ và người già trên đảo rất nhiều, còn thanh niên trai tráng thì đã đi biển gần hết. Nơi đây người ta sống dựa vào biển, biển vừa là nhà, vừa là kế sinh nhai của bao nhiêu thế hệ. Lớp trẻ như thằng cu lớn hơn một chút chắc cũng nối nghiệp cha ông mình mưu sinh. Sự học ở đảo nghèo hãy còn là một lựa chọn không mấy dễ dàng gì đối với nhiều gia đình.
img_3884.jpg

Những căn nhà dọc bãi Chướng
img_3919.jpg


img_3916.jpg

Cá mối phơi khô
Nằm đó nhìn thằng nhóc với con bạn nó chơi một hồi lâu thì Hùng từ xa đi tới. Anh chàng có vẻ cũng đã thấm men trong người từ cuộc nhậu phía đầu kia. Hùng bảo bọn mình nếu nghỉ ngơi xong xuôi rồi thì về tàu để quay lại hòn Dầu cho kịp buổi chiều.

Về tới tàu thì đã thấy hai anh còn lại nằm lăn trên boong từ khi nào. Có thêm một anh bán bánh mì cá chả, hình như là bạn với mấy anh phụ tàu cũng xin đi cùng về hòn Củ Tron. Chỉ còn mỗi anh Sáu là tài công nên không tham gia nhậu nhẹt. Mình hỏi nãy giờ mọi người lai rai được mấy xị rồi thì một anh giơ ba ngón tay lên bảo ba lít. Dân miền biển uống rượu kinh thật.

Xế trưa, trời cũng bớt thổi. Tàu nhằm hướng hòn Dầu thẳng tiến êm êm.
img_3926.jpg

Tạm biệt Hòn Mấu xinh đẹp
 
tiếp theo

Phần 5: Hòn Dầu - Thiên đường bị lãng quên
Để tới được hòn Dầu tàu phải chạy qua hòn Ngang. Diện tích hòn Ngang nhỏ hơn nhiều so với hòn Củ Tron nhưng lại là nơi dân cư tập trung đông đúc nhất. Từ xa có thể thấy rõ quang cảnh nhộn nhịp của đảo qua vô số bè nuôi cá san sát nhau bao quanh hòn. Nếu người dân hòn Mấu có truyền thống thả lưới ghẹ thì ở hòn Ngang này lại nổi tiếng với nghề nuôi cá bớp – một loài cá mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đa phần du khách đến với hòn Ngang chủ yếu cũng vì mục đích tham quan các nhà bè hoặc thưởng thức món cá bớp tươi ngon. Ngoài điều này ra thì hòn Ngang cũng không còn cảnh quan thu hút nào khác.
img_3933.jpg

Các bè cá quanh hòn Ngang
Tàu không ghé lại hòn Ngang mà trực chỉ hòn Dầu gần đấy. Hòn Dầu là một đảo nhỏ chỉ có vài ba hộ dân. Hòn không xây cầu cảng nêu tàu chỉ có thể thả neo ngoài xa để bọn mình đi bè vào. Trên tàu anh Sáu có sẵn một chiếc bè bằng xốp trắng cho khách “đổ bộ”. Ai không muốn thử cảm giác ngồi bè thì có thể lựa chọn cách mặc áo phao rồi nhảy thẳng xuống biển bơi vào bờ. Cách thứ hai tỏ ra cực kỳ thú vị nhưng không phù hợp lắm cho những ai hay mang theo linh kiện điện tử. Tất nhiên bọn mình chia làm hai phe, một phe đi bè kiêm thêm nhiệm vụ mang đồ đạc lên đảo và một phe trực tiếp bơi vào cho “máu”.
img_0647.jpg

Lần đầu tiên trong đời mình được đi bè kiểu này
img_3980.jpg

Bơi vào bờ và từ bờ bơi trở ra tàu
Thông tin du lịch về hòn Dầu vẫn còn ít ỏi. Đa phần khách tham quan hay lựa chọn lịch trình Hòn Hai Bờ Đập – Hòn Mấu – Hòn Ngang – Bãi Cây Mến chứ ít ai chọn dừng chân tại hòn Dầu. Trước khi đi mình có tìm hiểu qua và biết tới nơi này nhờ vào vài tấm hình chụp lại bãi biển hòn Dầu mà một vị khách đi trước chia sẻ trên facebook. Vỏn vẹn chỉ có thế, nhưng quả thật nếu bỏ qua hòn đảo này thì kể như chuyến hành trình đi Nam Du đã giảm đi phân nửa sự thú vị.
img_3937.jpg

Bãi biển hòn Dầu nhìn từ ngoài khơi
Hòn Dầu có một bãi biển nhỏ nhưng đẹp vô cùng, thậm chí nó còn có nét hoang sơ và trong lành hơn cả bãi Cây Mến ở hòn Củ Tron. Đây là điểm tập kết chính của bọn mình chiều nay. Từ xa có thể nhận ra ngay bãi biển với dãy cát vàng cùng hàng dừa xanh cao vút. Khung cảnh tuyệt mĩ này này làm hòn Dầu trông không thua kém bất kỳ hòn đảo xinh đẹp nào thuộc vùng Nam Thái Bình Dương mà nhà đài vẫn hay chiếu trong các chương trình khám phá thế giới qua màn ảnh nhỏ. Bãi biển ở đây chia làm hai phần rõ rệt. Phía trong là lớp cát nông rất thích hợp để tắm, còn bao quanh phía ngoài là một rạn san hô khá rộng. Thảo nào mà trên đường tới Hùng có rủ rê mình: “Lát nữa anh xuống lặn ngắm san hô với em cho biết”. Mình đoán chắc là mọi người sẽ lặn ở rạn này.
img_3973.jpg


img_3950.jpg


img_3951.jpg


img_3976.jpg
 
tiếp theo

Do không đủ kính lặn nên mình và vài người nữa lên bờ trước, còn D và Hùng cùng hai người nữa bắt đầu săn nhum và ghẹ ở rạn. Ghẹ chỗ này không nhiều lắm, nhưng nhum thì vô số kể, chỉ cần chịu khó lặn vài phút là bắt được cả rổ. Tuy nhiên cũng cần phải biết cách bắt sao cho đúng để tránh bị nhum đâm gai vào người gây nhứt. Việc loại bỏ gai nhum rất dễ dàng, cứ việc bỏ chúng vào rổ rồi lắc mạnh là tự động những chiếc gai trên người chúng sẽ rụng sạch, chỉ còn trơ lại phần vỏ hình cầu bên trong. Nhum nấu cháo, ăn sống với mù tạc hoặc nướng mỡ hành là ngon nhất.
img_3948.jpg


img_3986.jpg
Chẳng thể ngồi trên bờ với tâm trạng háo hức lâu hơn nữa nên mình lao luôn ra chỗ mọi người để vừa tắm vừa tham gia bắt nhum và cua ghẹ. Biển trong xanh có thể thấy rõ đáy nhưng nếu không đeo kính lặn thì rất đau mắt. Lúc này do cũng đã kiếm được một mớ kha khá nên có anh nhường lại kính cho mình. Thế giới đủ màu sắc dưới nước hiện ra rõ nét hơn bao giờ hết. San hô nhiều vô số kể, có những đám đã hóa vôi, có bụi vẫn còn đang đung đưa theo dòng thủy triều. Chưa bao giờ mình thấy nhiều san hô đẹp và đa dạng tới vậy. Nơi đây cũng đồng thời là nhà của vô số loài cá đủ màu sắc. Chúng cứ bơi lởn vởn xung quanh nhưng khi mình vừa giơ tay ra định bắt thì chúng lại bơi nhanh đi mất hoặc chui vào các hốc sâu của rạn.
img_3949.jpg
Tắm táp và bắt nhum đâu đấy xong xuôi thì tất cả kéo nhau lên bờ. Chủ nhân của bãi biển này là một cô trạc chừng năm mươi tuổi. Nhà cô xây cất khang trang hơn nhiều so với những căn nhà ở hòn Mấu mình qua khi nãy. Kế bên nhà có một cây xoài lớn, bọn mình định ngỏ lời mua vài trái thì cô nói ăn thì hái khỏi trả tiền. Ngoài nhà cô còn có hai nhà nữa cạnh đó, mà hình như trên hòn cũng chỉ có vài ba nóc nhà thế này thôi. Thấy dừa nhiều quá nên tụi mình lên tiếng mua luôn vài trái để giải khát, bởi trong đám có Hùng leo dừa thuộc hạng khá giỏi. Thì ra toàn bộ dừa gần đây đều của cô. Do bọn mình cất công leo lên nên tất nhiên là cô bán với giá rẻ hơn so với dừa hái sẵn.
img_3967.jpg


img_3968.jpg
Lát sau thì Hùng đã hái được một quầy đúng tám trái cho tám người, nhưng chỉ có nhóm ABCD bọn mình là hào hứng uống, những người còn lại do vẫn còn men trong người nên không dám uống thêm dừa vì sẽ rất dễ say trên tàu. Nước dừa ở đây không ngọt lắm, nhưng cái cảm giác cầm nguyên cả trái đưa lên miếng uống từng ngụm thì đã lâu rồi mình chưa thử lại. Bỏ qua hết mọi thứ phức tạp để trở về lại với những gì nguyên sơ nhất, hòn Dầu thật sự đúng nghĩa với một thiên đường thu nhỏ bị lãng quên. Ngay cả bốn anh phụ tàu đi cùng còn phải gật gù công nhận: “Ở đây sướng thiệt!”
img_3970.jpg


img_3975.jpg


img_0713.jpg


img_3979.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,436
Bài viết
1,152,823
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top