What's new

Phú sĩ - đêm lạnh buốt xương

Mình đi Nhật tổng cộng 9 ngày. Hành trình từ tokyo - phú sĩ - takayama - Shirakawa go - Nagoya - Kyoto - Osaka. Topic này sẽ chỉ chia sẻ câu chuyện đi leo núi phú sĩ. Các địa điểm khác đã có quá nhiều topic rồi. Bạn nào vẫn muốn tìm hiểu về các địa điểm trên ngoài phú sĩ và cách thức đi lại có thể liệc lạc với mình. Mình lựa chọn các thức di chuyển rẻ nhất và tiện nhất cho tất cả các hành trình: chủ yếu là railway và bus qua đêm để tiết kiệm tiền ngủ.

Hành trình “lên núi” xin Visa
Nhật bản luôn nằm trong list những địa điểm cần phải đi đầu tiên ngay từ khi còn bé. Chả phải vì mấy cái chùa đo đỏ trong một mùa thu vàng rực cháy, cũng chả phải vì tuyết rơi ngập trắng đủ để một đứa đến từ xứ nhiệt đới hò hét ném tuyết chơi cả ngày. Như một lý thuyết cơ bản trong marketing: thứ xuất hiện đầu tiên và lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến bạn nhớ mãi. Với tôi, đó là núi Phú sĩ, cái núi be bé với tuyết phủ quanh năm trên đỉnh núi, với những câu chuyện về người dân sống xung quanh chân núi Phú sĩ nghe mãi mà chưa được đặt chân.
Bắt đầu từ tháng 3/2014, những thong tin về nới lỏng visa Nhật bản cho người Việt được công bố trên thong cáo báo chí của Nhật. Khấp khởi chờ đợi mà cuối cùng mới vỡ lẽ đó chỉ là nới lỏng cho các công ty du lịch chứ không miễn cho những đứa du lịch bụi. Lòng buồn vời vợi, đành phải chuyển sang phương án 2: tự xin visa. Đọc mấy topic về xin visa Nhật mà lo sợ không biết phải làm sao. Tiền thì chẳng có nhiều, công ty du lịch thì cũng quen đấy mà có ở Việt nam đâu mà nhờ. Nghe phong phanh là nếu có thẻ nhập cư của Hàn thì xin dễ hơn nhiều thế nên thôi cứ đâm đầu đi làm xem sao. Rủ mãi mới được một con bé đang ở Kyushu đi cùng. Lò mò mãi chả fix được lịch đi nên đặt vé bị đắt. Jeju air luôn có vé rất rẻ đi từ Hàn sang nhật. Nếu đặt sớm chỉ khoảng 100 đô hai chiều. Mình đặt muộn trước một tháng nên là 250 đô. Thấy vẫn còn may mắn chán vì đó là đợt Obon ở nhật, dân Hàn sang du lịch rất nhiều.
Bị lịch thi đè đầu tới tận gần 2 tuần trước khi đi, cũng chả them đọc kĩ trước khi đến dsq. Mình mang hồ sơ chỉ vọn vẹn hộ chiếu, alien card, và giấy chứng nhận tài khoản. Sau một vài lần đi đi lại lại thì cũng có được cái hộ chiếu. Mách nhỏ với các bạn một số thủ thuật: Visa nhật đối với dân đi bụi có hai loại: loại du lịch và loại thăm bạn bè người than. Nếu có bạn bè người than thì tốt quá rồi, bạn sẽ chẳng phải chứng minh quá nhiều tiền. Nhưng thay vào đó, bạn sẽ phải có những giấy tờ do người ở Nhật chuẩn bị. Không dám làm phiền anh bạn ở Tokyo cũng chả nhiều thời gian nên mình xin visa du lịch. Để xin visa du lịch bạn phải chuẩn bị schedule of Stay, list tất cả các địa điểm bạn đến, và nơi ở theo từng ngày. Mình đi tận 6 nơi mà list hết ra thì chết. Nếu bạn đến và đi đều ở Tokyo thì cứ list các địa điểm ở Tokyo là được. Mình bay đến narita và bay về ở Osaka nên mình chỉ nói là đi hai nơi. Ở mỗi nơi các bạn đều phải có booking khách sạn cho dù bạn có ở với bạn đi chẳng nữa. Mình book của agoda ngay trước ngày đi xin visa, sau khi có visa rồi thì hủy booking và ở với bạn. Tốt nhất là nên book của booking.com. Họ không charge phí luôn của bạn nên có hủy book cũng không sao. Agoda trừ tiền trong thẻ visa ngay lập tức, và tùy từng khách sạn mà có tính cancel phí hay không.
Về chuyện chứng minh tài chính mới là vấn đề khó khan. Mình thậm chí còn chả đủ một nửa của số tiền tối thiểu phải có. Vay bạn bè một ít đút vào tài khoản cũng chả đủ. Mình làm thủ thuật thế này (cách này chỉ dung cho bạn nào ở nước ngoài như mình): Mình vay tiền từ đứa bạn và gửi vào Techcombank. Sau đó chụp lại màn hình của internet banking online rồi bắt đầu viết thư explaining letter cho đại sứ quán kèm theo hồ sơ. Blah blah rằng tao có từng này tiền trong tài khoản ở Hàn. Tao cũng có kha khá tiền trong hai tài khoản visa ở việt nam (thực ra mình chỉ có một). Nhưng chúng nó không có trụ sở ở Hàn nên tao không thể có được certificate of deposit để cho mày xem. Tao chụp internetbanking đây cho mày xem tao có bao tiền trong tài khoản tech nè, tao còn Vietcom nữa cơ (làm gì có đâu???) cơ mà không có internet banking. Thế nên cứ yên tâm đi tao thừa tiền đi nhật.
Viết xong tự thấy mình quá thảo mai. Lần thứ tư đến nộp hồ sơ bổ sung visa và chìa cái thư đầu tiên ra cho visa officer đọc. Anh ấy rất lạnh lung bảo ngồi đấy. Mình nghĩ thôi chả đi nữa, visa gì mà khó khan thế. Chả hiểu sao, 5p sau anh ý quay lại với cái hộ chiếu dán visa. Kìm nén lắm mới gọi là điềm tĩnh cầm cái hộ chiếu tỏ vẻ: "uh thôi chú cho anh nhận". Chứ thực ra sướng lắm ý. Một điều thú vị là visa nhật chỉ tốn của mình có 35000 won (750k) còn đứa bạn xin visa đi Việt nam hết 100k won (2tr2) ☺
 
Last edited:
Đất nước Nhật bản được chia làm bốn đảo chính: Kyushu, Honshu (đảo lớn nhất gồm có tokyo), Hokkaido, và shikoku. Bạn đồng hành bay từ Kyushu lên Tokyo chờ sẵn ở sân bay. Bằng các kỹ năng của một người Việt Nam chính gốc: đi nhanh, chen một cách hết sức văn minh và chịu khó nhìn ngó điên đảo, tổng thời gian từ lúc ra khỏi máy bay tới lúc làm xong thủ tục nhập cảnh và lấy hành lý mất tổng cộng 25p. Ra đến cửa thì đã thấy bạn đồng hành ngồi ở cửa.
Một trong những điều khó khăn ở nhật đó là ngôn ngữ. Phần lớn người Nhật không nói tiếng anh, mà cũng chả có thứ gì bằng tiếng anh. Tại Hàn quốc chẳng hạn, bạn sẽ thấy mọi thứ đều được viết bằng tiếng hàn, nhật, trung và Anh. Các trung tâm information center nhan nhản khắp nơi sẵn sàng giúp đỡ bạn bất kể lúc nào. Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại đến cả người lần đàu tiên đi cũng có thể dễ dàng tìm được đường. Tại Nhật bản, khái niệm về information center dường như chưa xuất hiện. Đặc biệt là Tokyo. Bạn có đi tìm mỏi mắt thì thứ duy nhất bạn thấy là những dòng người. Taxi thì đắt kinh khủng. May mắn là cô bạn đi cùng nói rất tốt tiếng Nhật. Nếu không thì chắc mình sẽ chết vì lạc đường ở Tokyo. Một điều rất quan trọng khi đi du lịch ở nhật là bạn nên một cái sim điện thoại có data. Bạn sẽ thấy nó hữu dụng thế nào.
Trang web check đi lại: http://www.hyperdia.com/en/ là thứ bạn phải luôn nhớ. Hyper giúp bạn check đường đi bằng subway và railway (không có bus. Nếu như hệ thống subway tại Hàn, bạn sẽ sử dụng T money để sử dụng cho tất cả các loại bus, tàu điện ngầm và thậm chí trong một số cửa hàng siêu thị vô cùng tiện lợi. Dù đã đọc vài topic về đi lại ở Nhật mình vẫn chả thể hình dung được nó mô tê ra sao. Bởi vì mỗi nơi mỗi hệ thống lại có một chủ khác nhau nên đi lại ở nhật bạn sẽ chả thể dùng được một loại thẻ cho tất cả mọi nơi được. Ở Tokyo là passmo, ở kyoto là cái gì gì ấy chả nhớ . Mình mua một thẻ passmo và nạp 2500 yên vào tổng cộng là 3000 yên. Máy bán passmo có cả tiếng anh nên bạn không phải lo.

Lên trang hyper check: điểm đi Narita Airport terminal 1 – điểm đến Shinjuku chẳng hạn,

Nó sẽ cho bạn chục option từ tàu nhanh đến tàu chậm. Mình thì cứ cái nào rẻ nhất thì chiến. Các bạn nhớ là tàu của Nhật vô cùng chính xác về mặt thời gian (đặc biệt là ở tokyo chứ dưới Osaka với kyoto delay cũng có nhiều lắm) thế nên dù chả cần biết tiếng nhật bạn vẫn chả sợ bị lạc. Giả sử bạn chọn route 1 - đầu tiên trong hình. Tìm đến keisei line trước. Chịu khó nhìn thì cũng biết là bên nào đi về phía shinjuku. Còn không cứ thấy 3p.18 tàu nào đến thì lên tàu đó. Điểm confuse là khi nào thì đến bến nippori. Họ có đọc tiếng anh đấy cơ mà có đọc cũng như không. Vì căng tai nghe cũng chả thể hiểu nổi họ đọc cái gì. Nên là cứ chú ý giờ, 3h58 thì xuống - chắc chán là Nippori. Rồi chạy đi tìm Yamanote Line.
Mọi người nên mua Japan pass (trong trường hợp di chuyển rất nhiều giữa các thành phố) mà dùng. Lúc đầu mình nghe tới giá 258 đô cho 7 ngày hay sao ý, mình hoảng hồn quá. Rồi về tính lại chi phí đi lại của mình cũng là 350 đô rồi. Bạn nên tính toán thời gian, hành trình xem có nên Japan pass không. Mặc dù tổng chi phí của mình 350 đô nhưng trong đó có rát nhiều hành trình như đi lên fuji mt. hay đi shirakawa đều không được dùng japan pass nên vẫn rẻ hơn là mua japan pass. Xin nhắc lại là Japan pass là rất rẻ ý, đừng bị shock giá. Nếu di chuyển nhiều thì cái đó rẻ hơn rất nhiều. Người Nhật không được mua cái nào rẻ như vậy đâu.
 
Last edited:
“Nếu bạn đến thăm Nhật bản mà không leo núi Phú sĩ, bạn chắc là bị dở hơi. Nhưng nếu bạn leo Phú sĩ nhiều hơn một lần, bạn chắc hẳn còn hơn cả dở hơi”
---old Japanese proverb---
Lại nói về việc chuẩn bị đồ đạc để đi leo núi. Mình thì chả phải dân leo núi chuyên nghiệp, thôi thì cũng gọi là đi leo đôi ba lần ở việt nam từ tà xùa tới tà chì nhù. Nhưng cô bạn còn thảm hơn, ngoài tinh thần hừng hực khí thế thì chả có gì. Nghe đồn thổi là núi Phú sĩ thì ngay cả mùa hè cũng rất lạnh. Uh thì lạnh chắc cũng chỉ cần cái áo lông vũ là đủ. Vì di chuyển quá nhiều nên mình còn chả mang vali. Chất hết đồ vào một cái balo của con em mới đi châu Phi chưa kịp giặt. Đồ nghè leo núi từ quần áo tới balo lều túi ngủ thì để hết ở Việt nam. Rình nhờ người mang sang mà không kịp. Thôi chẹp lưỡi đến đâu thì đến. Dặn rất rõ rang con bé kia là lạnh lắm đấy, mang đầy đủ quần áo và giày đi nhé. Nó vâng vâng dạ dạ rõ to. Đến Tokyo hỏi thì bảo em chỉ mang áo dài tay và một cái áo gió. Tối trước khi đi check thời tiết thì chỉ có 2 độ và wind khoảng 35km/h. Điểm hạnh phúc nhất là trời clear. Các bạn check thời tiết fuji ở đây: http://www.mountain-forecast.com/peaks/Fuji-san/forecasts/3776
Cung đường đi trek núi Phú sĩ rất đông vậy nên việc đặt chỗ bus là thứ không thể không làm trước khi đi. Đừng để đến lúc đi mới đến đó mua vé thì không có đâu. Đặt online qua trang: http://highway-buses.jp/fuji/. Bus xuất phát từ bến Shinjuku. Các bạn đi ra tàu điện ngầm bến Shinjuku, phóng tầm nhìn xa xa thấy tòa nhà màu đỏ đỏ là bến xe bus đó. Nếu không thì tìm cái UNIQLO rất to ở đó, đứng từ cửa và nhìn ra góc 10h là thấy. Giá xe Bus là 2700 yên một chiều và mất 2 tiếng 30 phút để tới nơi. Nơi bạn cần đến là Mt. Fuji 5th.
Hai đứa xuất phát từ Shinjuku đầy hứng khởi với hai chiếc áo khoác mỏng vừa mua them ở UNIQLO. Một đứa đeo một chiếc balo bẩn hết mức mới bay từ Tazania về với đồ nghề là hai chiếc quần leo núi mỏng, một áo khoác mỏng, một áo lông vũ, mũ len, gang tay da, áo gió chống nước. Một đứa khoác balo kute chác khoảng 20l nhìn không chuyên nghiệp nào, một áo dài tay, một áo khoác, một áo gió và mũ. Hành trang không thể thiếu là 6 cục cơm cuộn rông biển mua ở A family mart và một túi ô mai, một chai nước 1.5 l và hai chai 300ml. Sau chỉ còn 4 cục vì hai đứa đói quá ăn trên xe lên núi.

Bến xe Shinjuku

Dòng tây xếp hàng lên 5th Station. Không phải ai lên 5th Station cũng đi leo, một số người chỉ lên đó để hưởng không khí mát mẻ vài tiếng rồi về.

Đường lên núi:

Fuji từ xa

Lời khuyên là nên mua hết tất cả các thứ cần thiết dưới Tokyo vì khi lên tới 5th station thì mọi thứ đều rất đắt. Ngay cả đi vệ sinh cũng hết 100 yên. Còn trên núi thì là 200 yên. Hai đứa lên tới núi lúc khoảng 4h chiều. May mắn thay, trời quang mây tạnh không thể đẹp hơn. Tiết kiệm bốn cục cơm để ăn đêm nên mò loanh quanh đi tìm chỗ ăn. Tất cả mọi thứ đều rất đắt hơn tưởng tượng. Kết thúc cuộc hành trình tìm kiếm, hai đứa quyết định bữa tối bằng hai cục cơm, một bát canh mixxo với giá 700 yên. Nước lọc mỗi người chỉ được uống một cốc.

Hai thanh niên khi còn khỏe mạnh và hừng hực khí thế
 
Một số thong tin thêm về leo Phú sĩ. Mùa leo núi Phú sĩ kéo dài hai tháng. Xe bus đi từ bến Shinjuku có 6 chuyến mỗi ngày từ hai đầu bến lúc @ 7:40, 8:40, 9:40, 16:50, 17:50, & 19:30. Xe bus đi từ 5th Station mất 2 tiếng 25 phút xuất phát từ 10:00 đến 15:00, cứ 1 tiếng một chuyến. Bởi vì phần lớn mọi người đến đỉnh núi để ngắm mặt trời mọc thế nên cung đường Phú sĩ xuyên đêm là đông đúc hơn rất nhiều so với ban ngày. Bạn có thể leo và xuống trong ngày nếu thực sự không muốn ở qua đêm trên đỉnh. Nhưng mình phải thú nhận với các bạn là việc ngắm bình minh quá tuyệt thế nên đừng bỏ lỡ cơ hội.
Mùa leo phú sĩ thay đổi theo từng năm. Đối với 2014 đó là từ 1/7 tới 14/9 đối với cung đường Yoshida và từ ngày 10/7 đến 10/9 đối với ba cung đường còn lại. Cung đường Yoshida là cung đường dễ và nhiều người đi nhất. Chả phải boăn khoăn gì chuyện tìm đường đầu, cứ thấy mọi người đi đường nào nhiều thì đi theo họ là được. ĐI leo núi như đi hội ý mà. Núi phú sĩ là núi cao nhất Nhật bản 3776m. Cùng với núi Tateyama và Hakusan tạo thành ba ngọn núi thiêng ("Three Holy Mountains" (三霊山, Sanreizan)).
Ngoài mùa leo núi nói trên, chả ai cấm bạn đi leo Phú sĩ cả. Nhưng phần lớn thời gian nhiệt độ trên đỉnh là âm trong thời gian này, các station sẽ đóng cửa, và gió thôi thì bay người. Nghe nói trong mùa đông, nhiều độ vào khoảng -40 độ và tốc độ gió là 100km/h. Mình leo phú sĩ vào ngày 20/8, nhiệt độ vào khoảng 2 độ vào đêm.
Trung bình, nếu bạn leo theo đường Yoshida, sẽ mất khoảng hơn 5 tiếng leo lien tục từ 5th station tới đỉnh và 3 tiếng để đi xuống. Bạn sẽ leo từ độ cao 2305m lên 3776m chiều cao, tức là khoảng 1471m

Trở lại với hành trình, hai đứa sau khi chụp choẹt chán chê bắt đầu pack đồ chuẩn bị leo núi. Nhìn các đội Nhật bản leo núi mà ngưỡng mỗ: Gear rất chuyên nghiệp từ giày tới quần áo, đen pin, gậy leo núi. Quay lại nhìn hai đứa mà chán, không chuyên nghiệp tí nào. Thôi thì kệ tới đâu thì tới. Quan trọng là tinh thần phải hừng hực. Đúng 5h30 xuất phát, thời tiết mát mẻ trong xanh, có vẻ thuận lợi. Mới đi được khoảng 10p mà con bé kia đã có vẻ thở không ra hơi. Chết thật. Mình bắt đầu nói như cái đài nhằm khích lệ con bé kia. Với kinh nghiệm đi leo núi, quan trọng nhất là phải nói nhiều quên đi mệt nhọc. Hai đứa đi chậm lại, nói nhiều hơn, ngắm cảnh sắc. Có vẻ hiệu quả.
Trên đường còn gặp cả bé hươu:
Khoảng 7h tối, mặt trời bắt đầu xuống dần. Điều đáng tiếc là đường đi lên núi ở phía bên kia của mặt trời lặn. Chỉ được nhìn những ánh sang le lói từ phía bên kia núi. Nhưng thế thôi cũng đủ đập tan các cơn mệt mỏi và chộp ảnh điên loạn.



 
Đường lên núi được chia thành nhiều chặng khác nhau. Giữa mỗi chặng là các station, các điểm nghỉ, nhà nghỉ (huts) và chỗ ăn uống. Trước khi cũng check xem nhà nghỉ giá bao nhiêu mà xem xong giá hồn bay phách lạc. Giá trung bình cho một đêm ngủ khoảng 3 tiếng là 8500 yên (gần 2tr). Thấy anh bạn leo trước nói là ngủ ngoài trời cũng không sao. Chỉ bảo là lạnh lắm. Thế mới thấy tiếng việt mình nó mơ hồ. Lắm chả biết là bao nhiêu. Thôi cứ cho là chắc là vẫn đủ để sống sót trong mấy tiếng. Khoảng 8h là trời bắt đầu tối hẳn. Hai đứa thậm chỉ có một cái đèn pin. Lúc nào trời bắt đầu lạnh dần, không còn thấy mệt như lúc ban đầu nữa nên leo phăng phăng.
Trạm nghỉ chân 7th station

Leo núi trong đêm

Đêm thấu xương và câu chuyện toilet
Nhìn chung đường leo lên khá dễ theo cảm quan của một đứa hay đi leo núi. Bạn có thể dễ dàng đi leo mà không cần kinh nghiệm gì cả. Đoạn gần lên tới đỉnh thì có dốc và nguy hiểm hơn một chút. Khoảng 10h tối mình tới điểm 3250m

Tại điểm này, lúc này vẫn chưa phải lạnh lắm. Khoảng 11h đêm, mình tới trạm 9th station gần tới đỉnh rồi. Đi đường người sinh nhiệt nên không cảm thấy lạnh gì cả. Trên người chỉ mặt duy nhất một chiếc áo phông mỏng và chiếc áo gió. Hai đứa ngồi nghỉ bên ngoài một nhà nghỉ ở trạm này. Mình đói quá giở ăn một lèo hết hai cục cơm, con bé kia thì nhất quyết thế nào cũng không chịu ăn. Dừng chỉ khoảng 5p thôi mà hai đứa bắt đầu phải dở hết quần áo chất lên người. Mình bắt đầu mặc cả hai cái quần vào, hai cái áo phông, áo khoác, áo lông vũ, rồi áo gió, mũ len, gang tay. Con bé kia cũng chất chất chất. Một lúc sau thấy con bé kia lạnh quá mà mình phải cởi áo khoác đưa cho nó. Con dở hơi đứa mãi không chịu mặc, buộc phải dung vũ lực, làm mình hao tổn bao nguyên khí. Trời thì đã lạnh và cơm thì đã hiếm thì chớ.
11h đêm, hội nghị ghế dài giữa hai thành viên đưa ra phán quyết không lên đỉnh lúc này vì trên đó rất gió. Ngồi ở ghế dưới này vừa kín gió cũng ấm cúng hơn. Gì chứ lạnh thì chịu được.
11h02 Chỉ sau hai phút, thành viên hội đồng quyết định phủ quyết vì lạnh quá. Hai đứa quyết định bắt đầu vào nỉ non anh chủ nhà hàng cho chúng em ngồi trong nhà hàng cho ấm tới 2h sang thôi. Chúng em là sinh viên chả có gì cả, chúng em sẽ ăn bát mì mấy tram yên cho anh. Anh ta nhẫn tâm từ chối. Nhà hàng chỉ dành cho những ai thuê nhà nghỉ bên cạnh. Lúc này không có ai cả, hai đứa ngồi ngoài trong tiết trời lạnh giá. Mình nhớ lại cảnh hai chị em An và Liên trong Hai đứa trẻ của Thạch lam. Nhưng tình cảnh thì éo le hơn gấp bội lần. Trời vừa lạnh vừa tối, lại chả có ai, trong đàu chỉ hiện ra mấy cái tin đọc lúc trước khi đi về khách du lịch bị chết cóng trên núi phú sĩ. Nếu có gì đó may mắn hơn An và Liên thì chắc đó là hai cục cơm và gói ô mai cuộn giá 200 yên ở Family mart mua hồi chiều.

11h20 Mình sử dụng hết những gì có thể, lấy balo che lên chân rồi cuộn người lại. Hai đứa dựa vào nhau cho kín gió. Với tình trạng như này thì mình vẫn có thể tồn tại được đến 2h đêm để đi leo tiếp nhưng xem ra con bé kia sắp chết cóng đến nơi. Hỏi gì nó cũng không nói. Mình sợ nó ngủ rồi thành ngủ đông luôn nên bắt đầu nói lien thanh chuyện trên trời dưới bể. Nói thế nào nó cũng chỉ ậm ừ rồi im lặng. Lúc này bắt đầu thấy một thằng bé đi lên. Trông còn amateur hơn cả mình.
Anh ta đặt balo ở cái ghế trước mặt mình rồi bắt đầu gõ cửa cái nhà hàng với cái chai nước không với những động tác hình thể. Mình đoán chắc xin nước. Không xin được cậu ta lại ra ghế ngồi. Trông còn thảm cảnh hơn hai đứa mình: mặc một cái quần gió mỏng, một cái áo phông và một cái áo khoác mỏng. Ngồi co ro ngay đối diện mình. Mình ngó balo chai 1.5 l vẫn còn gần đầy. Chẹp lưỡi thôi cho nó một chút. Mình ra hiệu với cậu ta về chai nước hết sức lịch sự. Nó cười rồi rút trong balo một chai 1.5l đầy hự ra. Ôi may thế, vừa được mang tiếng chia sẻ lại không tốn nước. hố hố. Chả có việc gì làm nên hai đứa ngồi tán gẫu với nhau.
Cậu ta kể tao mới kiếm được ít tiền nên quyết định đi Nhật một tuần chơi một mình để trải ngiệm. Vừa mới bay từ Pháp sang hôm qua rồi quyết định đi leo Phú sĩ một mình trong hai nốt nhạc. Mình quá là hâm mộ mấy bạn kiểu này, không tính đến chuyện tiền nong, nhưng dám đi dám làm một mình chả ngại gì. Đó mới là thanh niên chứ nhề.
Khoảng 11h30 hai dãy ghế bắt đầu có thêm một số người đi lên thêm. Phần lớn là tây đi theo đoàn hai ba người. Một số anh thậm chí còn chỉ mặc áo phông quần bò, người đỏ bừng bừng vẫn đi như bay trong đêm. Một số bạn gái (mình đoán Mỹ la tinh) nhìn rất to khỏe cũng chỉ mặc áo phông, tay cầm gậy, đeo balo to đùng hơn người mình cũng phăng phăng đi qua. Khoảng 12h đêm bắt đầu có nhiều người đi qua hơn. Anh bạn người Pháp kia lạnh quá cứ quay hết bên này đến bên kia mà không thể ngủ được. Đỉnh điểm của cuộc vật lộn với thời tiết, anh tao mặc người lại chiếc áo khoác để cái cái mũ che hết được mặt. Nhưng anh ta không biết làm sao để đóng cái khóa ở đăng sau lung. Vật lộn mãi rồi cũng tiến đến nhờ mình. Mình nhịn cười lắm mới kéo được cái khóa xong cho anh ta. Thế rồi cũng chả tôn tại được quá 2 phút. Lại ngồi dậy, mặt nhìn chắc đang đấu tranh dữ dỗi trong tư tưởng lắm. Rồi thấy quay sang mình bảo: Hẹn gặp mày trên đỉnh chứ tao đi đây. Ít nhất là di chuyển để giữ ấm.
 
12h đêm, Con bé kia vẫn cứ rên hừ hừ. Mình nghĩ chắc thêm 5p nữa là nó ngủ đông thật luôn ý. Mình bắt đầu đứng dậy và đi ngắm nghía xung quanh. Sau 2 phút khảo sát thị trường, mình quyết định dứt khoát: Vào nhà vệ sinh ngồi cho ấm. Mình tìm được một cái toilet khuất của nhà nghỉ rất sạch và ít người ra vào. Trả 200 yên (40k) để vào rồi mỗi đứa một buồng ngồi cho ấm. Ai mà ngờ được rằng cái ý tưởng điên cuồng ấy đã thực sự cứu sống hai đứa. Mình ngồi được khoảng 30p thì quyết định ra ngoài vì sợ người ta thấy ngồi lâu quá phát hiện ra hai đứa dở hơi ngủ trong toilet. Gõ tường bảo con bé kia anh ra ngoài đây, cứ ngồi đấy nhé cho ấm mà nó chẳng chả lời. Mình đoán chắc nó mệt quá ngủ khì rồi. cẩn thận viết lại mảnh giấy: 2h dậy đi nhé. Anh hẹn chuông ở điện thoại rồi đấy. Xong xuôi mình trở lại chỗ cái ghế bành để ngồi.
Lúc này khoảng 12h30, người chả hiểu ở đâu mà túa ra. Hàng đoàn hang đoàn đi qua. Mình ngồi co ro một góc và nói chuyện với một anh bạn người Đức luyên thuyên đến hơn 1h. Lúc này phải nói là tắc đường lên núi, đoàn người này nối đoàn người khác, mình để ý thấy mọi người ngủ trong nhà nghỉ cũng bắt đầu lục tục dậy và đang pack đồ. Lên đánh thức con bé kia mãi mới dậy. Hai đứa bắt đầu leo lúc 1h30 sáng. Vậy là nguyên cả đêm không ngủ gì. Lúc này vừa mệt vừa lạnh lại vừa đói. Vẫn còn hai cục cơm mà ăn cũng chả nuốt được nữa. Chỉ mơ về những bát phở húp nước xì xụp. Vừa đi vừa xỉ vả bản than chả hiểu sao lại vác các than đi vào chốn khổ sở này làm gì nữa.
Lúc này, đoàn người nối đuôi nhau lên đỉnh, mình đoán chắc phải cả nghìn người. Ngó đầu nhìn xuống dưới thấy một vạt sang đèn pin như dải lụa dài tít tắp đến tận chân núi cho tới tận lên đỉnh. Mình lê cái xác già từng bước một dưới cái lạnh 2 độ lên đỉnh. Cứ đi một đoạn lại thấy một nhân viên bảo vệ đứng hướng dẫn tránh xa chỗ nguy hiểm. Vừa đi vừa ăn nửa cục cơm mà chán gần chết. Bỏ túi ô mai ra ngậm từng quả một, ít nhất nó cũng cung cấp them chút vitamin c để giúp tỉnh táo. Mình chả biết mình đi bao lâu nữa vì cứ đi một tẹo mình lại phải dừng lại một chút để nghỉ. Đến lúc này con bé kia lại bắt đâu nói liên tục để khích lệ mình.
Khoảng 3h30 sáng mình bắt đầu nhìn thấy cái cổng đặc trưng của Nhật bản ở xa xa. Không hiểu, lúc đó hai đứa lấy sức lực ở đâu mà tự dung bước phăm phăm lên cái cổng và rồi là đỉnh. Ấn tượng đầu tiên là cái đỉnh nó không hề như mình nghĩ. Một đống cửa hang ở trên đỉnh và số lượng người thì vô cùng đông vui. Hai đứa chui ngay vào một cửa hang rất rộng đang đốt củi sưởi ấm bên trong. Vừa mệt vừa đói, con bé kia chạy đi mua ngay hai bát mì cho hai đứa.


Hai bát mì rong biển và một lát pate mỏng tang như tờ giấy biến mất trong hai nốt nhạc. Lấy lại sức rồi mình mới hỏi về giá hai bát mì: 900 yên một bát (200k). Tự dung thấy đúng là hai đứa dở hơi, leo bằng sống bằng chết lên để ăn bát mì 200k. Ngoài trời vẫn còn tối, nên tất cả mọi người vẫn ngồi trong nhà cho ấm. Định chợp mắt một chút mà thấy cảnh một anh tây đang ngủ ngon lành bị anh chủ quát bắt dậy vì đây là quán ăn, không phải chỗ ngủ. Thế là ngồi lật đà lật đật sưởi ấm cho qua thời gian.
4h30 ra ngoài, trời vẫn lạnh thấu xương, thế nhưng nhìn thấy cái bầu trời đang sáng dần tự dưng quên hết cả mệt mỏi. Gió thổi muốn bay người mà ai cũng phải chen ra bằng được để coi cái cục đo đỏ đang lên dần đó. Cả biển mây (unkai - 雲海) đang ở bên dưới chúng tôi, cảm thấy rất may mắn mới có được thời tiết thuận lợi thế này.





 
Nếu mình mua JR pass ở VN thì qua bên đó có những chặng ko có JR chạy thì cũng tốn tiền nữa.
Mình kiểm tra thử trang bạn cho thì JR chỉ chạy khoảng 50% chặng mà thôi.
 
Thế nên mình mới nói là bạn phải xem kĩ hành trình và tiêu chí khi mua vé của bạn là gì. Mua JR thì bạn có thể đi được shinkansen rất tiết kiệm thời gian. Chẳng hạn như đi từ kyoto lên tokyo băng shinkansen đã hết 130 đô rồi. Còn nếu bạn thoải mái về mặt thời gian thì không mua cũng được. Mình paste hành trình và tiền vé của 6 ngày đầu của mình ở đây để bạn tham khảo nhé. Phần lớn đều là tàu chậm và loại rẻ nhất:
19
Narita - Akihabara: 6h14, 82mins, 1190yen
Akihabara - Ikebukuro: 22h01/22h06, 21mins, 200yen
20
Ikebukuro - Harajuku: 9h, 13mins, 170yen
Harajuku - Shinjuku - Shinjuku Nishiguchi: 13h30, 12mins, 140yen
Shinjuku - Fuji 5th: 14h40 - 17h05, 2700yen
21
Fuji 5th: 14h00, 2hours25, 2700yen
Shinjuku - Takayamanouhi BC: 22h50 - 4h30, 6690yen
22
Takayamanouhi BC - Shirakawa-go: 11h50/13:50, 52mins, 2470yen
Shirakawaguchi eki - Nagoya: 3hours
23
Nagoya
24
Nagoya - Nagaokakyo: 11h30- 13h50, 3000yen
Nagaokakyo - Kyoto: 14h09, 11mins, 220yen
Kyoto - Gion shijo: 16h07, 11mins, 270yen
Kyoto - Hostel
25
Kyoto - Osaka - Kansai: 21h23, transfer 1times, 112mins, 1880yen
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,944
Latest member
mahormonu81
Back
Top