What's new

[Tổng hợp] Hãy gọi tôi là Mongolia

Mongolia-Không thể có lần thứ hai

(Bài viết này sử dụng nhiều và rất nhiều các tư liệu của các tác giả khác nhau, có thể nhiều nội dung không phù hợp nhưng chỉ với mục đích vui chứ không có ý gì khác. Xin cám ơn và thứ lỗi.)

Đến đất nước Mongolia lúc này như nhìn thấy một hình ảnh của Việt Nam ngày nào, vừa mừng cho đất nước bạn đã và đang phát triển, nhưng lại cũng nhiều tự sự, mọi thứ không thể khác được, quy luật cuộc sống hay quy luật của loài người là phải thế.

Mông Cổ, tôi không rõ cái tên này ở đâu ra, càng lớn nghe càng khó chịu vì một quốc gia sao lại phiên âm thành mông với cổ. Nam Triều Tiên-Đại hàn Dân quốc đã đề nghị gọi lại tên nước khi vào Việt Nam: Hàn Quốc. Vậy Mông Cổ sẽ phải đọc thế nào cho xứng danh đã từng là một quốc gia hùng mạnh, từng cai quản vùng đất và cả dân số đến gần 2/3 thế giới. Mà cũng có khi cái tên nó vận vào người, mông cưỡi ngựa chinh chiến khắp nơi, cổ lắc lư luôn chỉ hướng về phía kẻ khác để bách chiến bách thắng trong quá khứ, nhưng nay thì luôn phải nhẹ cúi đầu bước đi trên những thảm cỏ mùa hè hay mặt băng buốt giá mùa đông, nhỏ bé và nhẫn nại như cát sa mạc, như vài dòng suối lẻ loi thêm vài bông hoa khác lạ trên vùng đất rộng lớn thứ 19 thế giới, tất cả là để chờ đợi đến ánh hoàng quang lần thứ hai-như cầu vồng kép ở Mongolia, không biết bao giờ sẽ quay lại với dân tộc mình. Hay cái tên vậy nên con người nơi đây cũng chỉ quanh quẩn với tứ khoái, với những dê cừu bò thẩn thơ đồng cỏ và lạc đà chậm rãi trên sa mạc bao la bất tận ánh nắng trong cả mùa đông lẫn mùa hè, hay còn đó là ẩn chứa một nỗi đau ê ẩm (mông) và mỏi (cổ) đã thẩm thấu chạy vào mỗi trái tim lạnh của những người lính du mục vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, để thỉnh thoảng lại le lói trở lại bởi những cơn gió băng quật vào mặt đã cháy sạm như nhắc nhở các thế hệ con cháu Thành Cát Tư Hãn về một thời xưng vương đã xa.

Mongolia, nên đến và ở lại để cảm nhận cuộc sống du mục, dù rằng chẳng còn bao nhiêu nếu bạn đến ở trong các thành phố, đặc biệt ở thủ đô Ulaanbaatar. Các thành phố Ulaanbaatar, Edernet, Murun, Karakorum,… đều đã không còn kiểu du mục nữa, nhà cửa đã đúng với tính chất …bất động sản và siêu bất động sản ở thủ đô, chứ không còn di động như du mục. Có khi tính du mục còn sót lại chỉ là bởi ánh nắng và bụi bẩn luôn hiện hữu ở khu dân cư mới trở thành đô thị, trong đó vẫn xen kẽ là một vài và nhiều lều (ger) của ai đó như chứng minh quá trình du mục-tái nghèo lại đang bắt đầu trở lại, khoảng cách giàu nghèo lại tái hiện.

Cũng như nhiều nơi khác, chỉ cần đi xa ra phía ngoài vài dặm là có thể thấy lại hình ảnh của chính mình vài chục hoặc vài trăm năm về trước, là cuộc sống luôn thiếu thốn, bần tiện, lạc hậu…, làm chân tay quần quật cũng chẳng đủ ăn, đừng nghĩ đến tính cho con cái ăn học bằng bạn bằng bè, nói thật tí là đến chỗ ị còn chẳng ra gì thì làm sao mà làm việc lớn được… Và tất nhiên bên cạnh đó, luôn luôn là tầng lớp những người con ưu tú, tinh hoa của dân tộc được hưởng những biệt đãi của trời đất và cha ông họ. Những con người ngồi xe sang với điều hòa lạnh như đêm mùa hè vẫn 10 độ C, cổ lại hướng mặt thẳng về phía trước, bên cạnh là bạn trai, bạn gái đầy nội lực và cả …phồn thực, mặt da trắng cứng tựa băng mùa đông 8 tháng dày đến cả mét bao phủ khắp đất nước.

Mongolian có thân thiện, dễ chịu, dễ tính… không. Để xét tính cách của một dân tộc từng thống trị gần cả thế giới này phải xét đến điều kiện tự nhiên nơi sinh sống. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, 4 tháng mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, còn lại là mùa đông, ngay trong những ngày hè, với lễ hội Nadaam thường được tổ chức từ 10/7-13/7, cũng không phải mùa hè như thông thường, bởi sáng và đêm vẫn rét, có khi dưới 10 độ C là rất bình thường, một ngày 4 mùa, là câu nói dễ nhất đối với ai đã từng một lần đến đất nước này vào mùa nóng nhất trong năm, hay mùa hè phải oto, mùa đồng chỉ có thể bằng máy bay.

Đã từng là một dân tộc lớn, không, phải là vĩ đại mới đúng, nay phải cam chịu phận cửa dưới thì rõ ràng là cực kì khó chịu. Nên bên ngoài thân thiện, cởi mở cũng là điều phải. Ngay cả Japan đế quốc, cướp biển England, thực dân France hay tư bản America cũng quá là tình thương mến thương với cả loài người, thì làm sao mà vó ngựa roi da Mongolia lại khác được. Còn thiếu một yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là cuộc sống du mục. Nhiều nơi trên thế giới đã bớt dần và gần như mất hẳn kiểu sống này, nếu có chỉ là mục đích khác, ví dụ như do yêu thích tự do, chứ khó có thể nói là bởi lý do sinh tồn như ở Mongolia(?). Vẫn còn đến khoảng 50% trong số gần 2,9 triệu dân (số liệu 2014) sống cuộc đời du mục hay bán du mục ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè khoảng 40 độ C, mùa đông cũng âm đến con số đó…
 
(Chú ý: Các chữ o, u; i, y, j; n, l; ch, c, k, h;… hay được dùng lẫn với nhau nên các từ hay tên riêng ở Mongolia đôi khi khó tra cứu)


Kinh tế Mongolia đang bùng nổ, thực sự là chỉ …nổ ở UB mà thôi, giống Hà Nội, Hồ Chí Minh khoảng chục năm về trước. Tất cả sự phát triển này đang dựa vào ngành công nghiệp khai khoáng, xuất khẩu nguyên vật liệu thô.

Đến UB vào thời điểm này, bạn sẽ thấy như một công trường xây dựng với các tòa nhà thương mại cao tầng, khách sạn, khu chung cư cao tầng. Trước kia, người dân ở UB còn thấy được đường chân trời, nay thì không thể. Quanh quảng trường chính đã có nhiều nhà cao tầng hơn, các trung tâm mua sắm với các thương hiệu nổi tiếng đều đã có mặt.

Đất nước của oto. Tắc đường và ô nhiễm đã là thường xuyên ở UB. Ngay khi đặt chân đến Mongolia, ở sân bay Chinggis Khaan International Airport, bạn chỉ thấy một đất nước còn chưa phát triển, bởi nhà ga ở sân bay là nhà 2 tầng nhỏ, cũ kỹ, cũng chỉ có 2 hãng hàng không ở Mongolia; ngoài nhà ga là vài chiếc xe với biển taxi, cùng các xe oto của người dân, xe này cũng có thể là taxi nhưng không treo biển taxi, vì ở Mongolia mọi xe oto đều coi là taxi, có thể cho người không quen biết đi cùng nhưng phải trả tiền theo số km như xe có gắn tên là taxi.

Đi bộ vài bước là ra đến đường, bắt oto đi khoảng 40 phút vào thành phố UB. Quang cảnh bên ngoài nhà ga có phần nào giống nhà ga sân bay Cần Thơ, Buôn Ma Thuột-Việt Nam. Xung quanh có một vài công trình, một mặt bằng cũng khá rộng cho tầm nhìn, khá tĩnh lặng. Không khí trong lành, cảm nhận đầu tiên thật nhẹ nhàng.

Ở nhà ga sân bay này cũng có internet miễn phí. Vào thành phố, các hàng café, ăn nhanh cũng có internet miễn phí với password ghi trên hóa đơn tính tiền, ngồi bao nhiêu tùy thích trừ khi có nhiều khách đến mà hết chỗ.

Tỷ lệ người sử dụng intenet ở Mongolia là 17,7/100 dân, đứng thứ 142; Việt Nam là 44/100 dân, đứng thứ 99 thế giới. Mua sim thoải mái, giá 7.000-20.000MNT (1MNT=~11VND, 1USD=1.800MNT) cho thời gian 1 tuần đến 1 tháng, nhờ người bán cài đặt luôn 3G là xài internet tốc độ cao, giá rẻ chứ không hề đắt.

Dọc đường có khá nhiều nhà đang xây dựng. Nhưng vào trung tâm thì đông đúc xe cùng người đi bộ, chỉ xe oto mà thôi, đường chính 6 đến 8 làn. Thanh niên nam nữ với smartphone lướt web ngồi uống café bên đường, mà xe chạy rất nhanh, có cảm giác rất bất ngờ, không biết có phải là mình đi nhầm nước không, như bị lạc vào khu mua sắm của Hongkong, Singapore, hay có khi xe lướt qua khu công trường đang xây dựng với nhiều nhà cao tầng đang hoàn thiện, mà giá cả sẽ không dễ gì cho người nghèo tiếp cận, chủ đề về giá cả sẽ nói đến sau.
Nói chung là thấy một UB đang phát triển rất nhanh, nếu sang năm đến thành phố này, có thể sẽ không còn nhận ra được nữa, chắc chắn là thế bởi UB hiện nay đã quá nhỏ, chỉ như một quận của thành phố lớn, lợi ích nhóm sẽ phá nát thành phố này, đặc biệt là vấn đề môi trường. Như hiện giờ thì UB đã phải quy định hạn chế xe oto đi trong thành phố theo quy tắc dựa vào số trên biển xe, như số biển xe là 1, 4 thì xe này chỉ được đi vào thứ 2, 4, 6 mà thôi… Mà oto đã trở thành phương tiện chính của người dân Mongolia, với dòng xe của Japan là chủ yếu, tiếp theo xe của Korea.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mongolia là khoảng 5,2%, đứng thứ 148, bằng với một số nước Kazakhstan, Germany, Myanmar, Sri Lanka, Niger, Mexico.

Người Mongolia ở vùng xa trông khá khắc khổ, da đen nhiều hơn trắng, đặc biệt mặt đen đến tội nghiệp bởi nắng và gió. Ngược lại, ở thành phố, thủ đô thì phần lớn nhìn thấy người với làn da trắng, nhìn họ như ở thế giới khác, thượng đẳng hơn rất nhiều, có khi người Việt Nam mình du lịch ở UB chỉ là công dân hạng 2, 3 mà thôi.

Có 3 trường đại học lớn:
- Đại học Quốc gia (University of National of Mongolia): 15.000 sinh viên.
- Đại học Bách Khoa (University of Mongolian of Science and Technology): 30.000 sinh viên.
- Đại học Quốc tế (University of Mongolia International): 7.000 sinh viên.

Cùng rất nhiều quán karaoke, bar, pub, hot and cold massage…
 
Theo suy nghĩ của mình không phải tự nhiên gọi người Mongolia là Mông Cổ đâu bạn. Trước tiên do ảnh hưởng của tiếng Hán nên tiếng Việt nên có thể do người Việt mình đọc theo phiên âm của tiếng Hán ở đây chứ không có ý chê bai gì đối với đất nước hùng mạnh này và bản thân tới cũng rất ngưỡng mộ người Anh Hùng Thành Cát Tư Hãn.

Mình không biết tiếng Hán (tiếng phổ thông ngày nay) nhưng do chữ Mongolia có 4 âm tiết: Mon Go Li A và do 2 âm tiết đầu người Việt cổ có ảnh hưởng phiên âm tiến Hán, và chữ G thì người Hán đọc có âm như chữ K & C hay là Cờ nên là có thể họ đọc là Mông "C"ô Li A và sau đó người Việt cổ nghe và phát và nuốt chữ thành Mông Cổ thôi và từ đó hình thành nên cách đọc tên quốc gia này thành mông Cổ để cho dễ đọc, dễ nhớ chứ người Việt cổ hoàn toàn không có ý nói khinh miệt hay gì gì đó đối với quốc gia này.

Ở đây mình nói là theo suy nghĩ của mình chứ không theo tài liệu khoa học hay lịch sử nào hết. Các bác khác có phản biện cũng xin nhẹ tay 1 tý ạ :)
 
Bạn Gmeo cũng chỉ trào phúng một chút trong bài viết khi dùng Mông Cổ với nghĩa Mông là... cái mông và Cổ là cái cổ của con người. Đây là từ Hán Việt, do người Hoa gán phiên âm và gán cho Mongol ulus (Đất nước Mongol).

Nhưng ngược lại, cũng đừng cho rằng chữ Mongolia là tên đúng của đất nước, con người này, như chính họ tự gọi trong 800 năm qua! Đây cũng lại là một cái tên bị áp đặt từ bên ngoài.

Họ tự gọi họ là Mongol thôi. Người là Mongol, quốc gia của người Mongol là Mongol ulus. Cái đuôi -ia là cách thêm đuôi của phương Tây, mà cụ thể là ảnh hưởng của truyền thống Slav (slavơ) theo kiểu Russia, Bungaria, Hungaria, Estonia,... Chính cách gọi của người Nga đã trở thành cách gọi quốc tế và giờ cả thế giới gọi thế, nên người Mongol cũng phải chịu thế, chứ họ vốn đâu có cái đuôi -ia !!!

Như vậy tên gốc của dân tộc và quốc gia là Mongol, và người Hán phiên âm thành hai chữ Mông-Cổ là hoàn toàn phù hợp. Hai chữ này có trước chữ Mongolia đến hàng trăm năm. Trước những năm 1200, người Mongol không có chữ viết, và tên Mongol cũng chỉ là lưu truyền trong các bộ tộc. Dưới thời Genghis Khan mới có chữ viết cho tiếng Mongol hình như sợi mì ăn liền viết dọc, mà sau này người Manchu (Mãn Châu) cũng áp dụng. Nhưng chắc rằng khi đó người Hán đã gọi người Mongol là Mông-Cổ rồi. Các văn thư triều Tống đã gọi con người và quốc gia do Genghis Khan lãnh đạo là Mông-Cổ.

Tôi không biết được văn bản chính thức đầu tiên dùng chữ "Mông-Cổ" là từ khi nào, nhưng đoán rằng có thể ngay chính Đại Nguyên hoàng đế Khublai Khan (Hốt Tất Liệt) cũng chấp nhận nó khi ông tiến vào Trung Hoa và tiếp nhận văn hóa Trung Hoa. Cũng có thể do thấy cái tên Mông-Cổ không đẹp nên Khublai đã đổi từ tên Ikh Mongol Ulus (nước Mongol lớn) thành Đại Nguyên, một cái tên vốn không có gốc Mongol.

Cái này cũng giống người Hán gọi các tiền thân của người Mongol như: Xiongnu là Hung-Nô, Xianbei là Tiên-Ti, Rouran là Nhu-Nhiên, Turkic là Đột-Quyết. Vốn các tên như Xiongnu cũng chỉ là phiên âm Latin của những cái tên cổ xưa của người dân tộc đó, thậm chí chưa có chữ viết. Nhưng chính nhờ những cách phiên âm qua ngôn ngữ những nước lân cận mà các tên tuổi đó được lưu giữ đến bây giờ. Nếu không chẳng ai biết đến các vị vua của Xiongnu là Chanyu (Thiền-Vu) cả.

Vậy nên nếu muốn gọi đúng thì gọi là nước Mongol thôi hoặc là "Mongol-ulus". Gọi Mongolia thì cũng là cách gọi của người phương Tây, không khác gì gọi Mông-Cổ của người Hán cả. Gọi Mongolia cũng chưa phải là "trả lại tên đúng" cho người Mongol.
 
Last edited:
Blue Sky


Mongolia có khoảng 250 ngày nắng không mây mỗi năm.
Ngày rất dài, đêm rất ngắn, 9 giờ tối vẫn như 5 giờ chiều.


I) Mongolia cũng có 4 mùa: Xuân, Hè, Thu, Đông?

Mùa thường có ý nghĩa với người du mục nhiều hơn. Mỗi mùa thường được bắt đầu bằng những bữa tiệc vì đây là lúc người dân du mục di chuyển đến địa điểm mới.

1) Mùa Xuân:

Bữa tiệc kết thúc Mùa Đông và bắt đầu Mùa Xuân được tổ chức lớn nhất, kéo dài khoảng 3 ngày, tên gọi Tsagaan Sar hay chính là Lunar New Year (Tết Nguyên Đán), thường rơi vào khoảng tháng 1-tháng 3, ngày nào do người lãnh đạo Phật giáo xác định, như Tết Âm lịch truyền thống của một số nước.

Mùa Xuân kéo dài khoảng 2-3 tháng, thường bắt đầu từ khoảng tháng 3, băng dần tan, cỏ bắt đầu xanh trở lại, một số động vật tỉnh giấc sau giấc ngủ đông kéo dài. Mùa này sẽ nhiều gió, nên có bão bụi, ra đường thường phải mang theo khăn trùm che mặt. Gió sẽ làm cho cảm giác rét hơn, như nếu 0 độ C thì bạn cảm thấy như -5 độ C.

2) Mùa Hè:

Mùa này thường trong khoảng 3-4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, tháng 7 là tháng ấm nhất. Theo truyền thống thì 3 ngày cuối cùng của Mùa Hè là ngày lễ hội toàn quốc National Naadam Festival, mọi nơi đều có Naadam. Riêng ở UB thì Naadam thường tổ chức vào ngày 11-13/7 và tổ chức cấp quốc gia. Những ngày này ở UB thường như Tết Âm lịch ở ta, trước đó mấy ngày thì đông nghẹt xe, người đổ về thủ đô, đến ngày chính lễ thì vắng vì người dân lại ra các vùng quê chơi, nghỉ hè, xe oto ra khỏi thủ đô lại phải xếp hàng dài hàng km. Thường vào dịp này thì người dân được nghỉ làm có khi đến 1 tuần.

Trong Naadam sẽ tổ chức thi 3 môn thể thao: Vật, bắn cung và đua ngựa. Đây là các môn chủ yếu cho nam giới thi. Trước kia, ở môn vật có nữ giả nam tham gia và được vào sâu, sau đó bị phát hiện, từ đó áo của các đô vật được thiết kế lại để chỉ che phía sau là chính, còn hở hoàn toàn trước ngực.

Bắn cung thì cả nam nữ đều tham gia, trước kia mục tiêu đặt cách 200m, nay thì còn 75m cho nam, 60 m cho nữ.
Đua ngựa: Có nhiều cuộc đua theo tuổi của ngựa, đường đua dài khoảng 7-20km. Nài ngựa là cả nam và nữ, thường là các cô cậu bé.
Thực tế thì Mùa Hè vẫn còn tiếp tục cho đến cuối tháng 9. Mùa này thường có mưa nên cần mang theo ô, và che cả nắng.

3) Mùa Thu:

Mùa Thu thường trong khoảng 2-3 tháng, từ tháng 9 đến đầu tháng 11. Theo truyền thống, ngay sau Naadam Festival kết thúc sẽ là Mùa Thu, nghĩa là tháng 8 và 9 có thể đã là Mùa Thu.

Mùa Thu cũng có thể là ngày 01/9 vì đây là ngày bắt đầu năm học mới. Các em bé lần đầu tiên đến trường. Trẻ em chúc mừng ngày đầu tiên của trường bằng mang tặng giáo viên socola và hoa.

Như mọi nơi khác, đây cũng là mùa đẹp nhất, mùa thu sẽ mang một màu sắc khác cho các vùng nông thôn, thảo nguyên, rừng và cả sa mạc Gobi. Băng tuyết bắt đầu xuất hiện này. Một màu xanh của mùa Hè dần được thay bằng màu vàng, vàng đỏ, các đỉnh núi phủ màu trắng băng, bầu trời xanh gắt...

Mùa Thu cũng là mùa rất quan trọng, vì đây là mùa thu hoạch các loại cây trồng, thức ăn gia súc, chuẩn bị chuồng trại, nhà
cửa, kho, củi, chuẩn bị tích trữ những thứ thiết yếu cho mùa Đông dài lạnh lẽo sắp tới.

Mùa Thu và Mùa Hè xen lẫn nhau nên nếu muốn khám phá một Mongolia khác lạ hơn, bạn có thể đi Mongolia vào tháng 9 thay vì tháng 7.

4) Mùa Đông:

Mùa Đông thường trong khoảng 3-4 tháng, khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Do ở vùng khí hậu khô nên Mùa Đông ở Mongolia thường rét hơn ở Châu Âu, như -10 độ C ở Châu Âu thì có nghĩa ở Mongolia là -20 độ C. Tuyết rơi nhiều vào khoảng đầu tháng 10. Tháng 1 là tháng lạnh nhất.

Mùa Xuân và Mùa Đông có thể độ ẩm trở về 0 và bầu trời trong xanh không có mây, ánh nắng mặt trời với cường độ mạnh, chỉ có mùa hè mới có thể thấy mây che đi khoảng trời xanh mà thôi, tuyết rơi khắp nơi nhưng lượng tuyết là rất ít. Nên năng lượng mặt trời có được nhiều hơn ở Mùa Xuân và Mùa Đông. Đấy là lý do Mongolia còn được gọi là Blue Sky.

Lượng khách du lịch vào mùa này cũng đang có xu hướng tăng. Có thể tham gia Ice Festival, Winter Tour, Winter Festival.


II) Mongolia có thể coi chỉ có 2 mùa:

- Mùa Đông: Khí hậu lạnh, khô, bão, khoảng từ tháng 10 đến tháng 5.
- Mùa Hè: Khí hậu ấm hơn, mưa, khoảng từ tháng 6 đến tháng 9.


III) Mùa du lịch thì có 3 thời điểm:

1) Mùa Hè: Tháng 6 đến tháng 8 là thời gian thích hợp nhất cho khách du lịch.

2) Mùa Thu: Khoảng tháng 9-10, lên miền bắc với khu rừng, hồ nước chuẩn bị đóng băng, xuống miền nam có sa mạc Gobi dễ chịu hơn, hoặc chỉ là về các miền quê thảo nguyên.

3) Mùa Đông: Nước chuyển từ thể lỏng sang thể rắn, mọi sông, hồ, suối đều đóng băng. Sẽ mạo hiểm nếu muốn thăm Mongolia, di chuyển bằng máy bay, oto chỉ đi quãng đường ngắn và bánh xe phải cuốn xích để đi trên băng trơn trượt.


IV) Một số lễ hội lớn:

1) Nadaam: Mùa Hè, lễ hội có ở toàn quốc, lớn nhất ở UB (11-13/7), thi 3 môn: Đua ngựa, vật, bắn cung.

2) Ice Festival: Mùa Đông, tại hồ Hovsgol, thường tháng 2-3, toàn bộ hồ đã đóng băng, tổ chức: Đua ngựa, đua xe ngựa kéo, đua xe oto cùng drift xe, điêu khắc trên băng, vật trên băng, trượt băng, các nghi lễ tôn giáo, biễn diễn về truyền thống dân tộc, có cả môn bắn xương mắt cá của gia súc (Shagai),… Di chuyển mùa đông: Bằng máy bay từ UB đến Murun, oto từ Murun lên hồ.

3) Eagle Festival: Ở UB, người Kazakhstan ở Olgii về UB.

4) Carmel Festival: Sa mạc Gobi (sa mạc này hơn một nửa ở Inner Mongolia thuộc China).


V) Một số địa điểm chính:

Đây là các nơi khách du lịch phải đến, khó còn nơi nào đặc thù hơn, các địa điểm còn lại phần lớn nằm trên đường đi giữa các địa điểm này. Mùa đông thì phải bay từ UB, mỗi tỉnh đều có nhà ga, sân bay:

1) UB.
2) Gobi.
3) Kharkhorin (Karakorum).
4) Terkhiin Tsagaan Lake (White Lake).
5) Khovsgol Lake (hay Hovsgol, nhiều tên tương tự).
6) Olgii (ở cực tây đất nước, thành phố đạo hồi, của người Kazakhstan, quá xa để đến dù phải đi bằng máy bay)
7) Choibalsan (cực đông)


Tháng 11 lại tới, mùa Đông lại về trên các vùng đất Mongolia. Lúc này chắc các gia đình du mục đã chuẩn bị xong mọi thứ cho mình và gia súc. Oto đưa họ trở về các chân núi dựng lều, trại, những đứa trẻ đến tuổi đi học sẽ được ở thành phố, thị trấn để tiếp tục việc học, những em bé nhỏ hơn sẽ ở lại cùng bố mẹ để tiếp tục rèn luyện sức khỏe, tiếp thu truyền thống và phong cách hiện đại của cuộc sống du mục. Mùa đông ngày nay, đài, tivi sử dụng bằng năng lượng mặt trời, giàu có hơn là bếp ga, đã làm thay đổi rất nhiều lối sống của người du mục Mongolia. Những người du mục không phải du …mục (nát).

Biết đâu, vài trăm năm nữa khi trái đất nóng lên thì vùng đất khổ đau mang tên Mongolia lại trở nên lý tưởng cho loài người, dân tộc Mongolia sẽ có vị Đại Hãn tiếp theo cai trị thế giới hoặc không thì gọi là Hãn hủy diệt, Hãn khủng bố… tùy theo mỗi quan điểm.


Mùa Đông cũng là mùa của karaoke, pub trên vùng đất băng giá Mongolia...
 
Khí hậu khắc nghiệt, khô và lạnh, người dân du mục, thì động vật cũng phải dung mục. Theo thống kê thì tổng số có khoảng 426 loài chim ở đây, nhưng không có gì đặc biệt nếu như có đến 108 loài thuộc nhóm di cư du mục bay đến rồi bay đi, đến 231 loài chỉ thấy vào mùa hè, màu đông là 30 loài, tính ra chỉ còn khoảng hơn 70 loài ở Mongolia là không du mục.

Hay có vùng mà mùa hè có đến hơn 250 loài chim đến sinh sống nhưng chỉ còn sót lại 2 loài tiếp tục ở lại trong mùa đông. Thế nên người dân du mục sống bằng du lịch khi mùa hè đến chỉ trong gần 4 tháng, còn lại vẫn phải tự cung tự cấp trên các thảo nguyên, người khá hơn thì sẽ đổ về các thị trấn, thành phố để tránh cho qua mùa rét.

Thực vật thì có hơn 2800 loài khác nhau. Về động vật, có 128 loài động vật có vú, 76 loài cá, 8 loài lưỡng cư, 22 loài bò sát. Nhưng nhìn thấy tự nhiên trên đường vào mùa hè là loài marmot, giống chuột và cả sóc, làm tổ bằng cách chui xuống đất. Nhiều đoạn đường, ở khu đất mềm có thể làm tổ, như được người dân phát bờ, dọc theo bờ thành là các lỗ to 5-10cm cho marmot sinh sống.


Zud (Dzud) là tên gọi chung của thảm họa xảy ra ở mùa đông khi đàn gia súc bị chết quá nhiều do thiếu thức ăn cho gia súc trong mùa đông, xuân và thu. Còn nhiều phân loại thảm họa Zud ở các mức độ khác nhau: Zud trắng (White Zud), Zud đen (Back Zud), Zud bão (Storm Zud), Zud kính (Glass Zud), và một số loại Zud nữa,.. Zud xảy ra được coi như thảm họa cấp quốc gia.

Khi tuyết rơi nhiều vào cuối mùa thu và đầu mùa đông, những đồng cỏ bị vùi dưới tuyết sâu, gia súc không thể ăn cỏ hoặc cỏ đã bị hỏng bởi tuyết, đàn gia súc sẽ chết vào mùa đông-xuân, hiện tượng này được gọi Zud trắng.

Tiếp đó, khi đàn gia súc đã bị kiệt quệ sức lực bởi tuyết phủ trong thời gian dài thì tiếp tục là thiếu nước, nhiều đàn gia súc sẽ cùng đến tụ tập quanh một cái giếng nước duy nhất, đồng cỏ lúc này không đủ cho quá nhiều gia súc đổ về, cuối cùng cả đàn cùng chết, được gọi là Zud đen. Các Zud màu đen này nếu đi kèm cùng với nhiệt độ cực thấp biến thì sẽ thành một Zud "đen" thực sự, hay đại thảm họa.

Khi tuyết rơi đi kèm với những trận bão tuyết trong thời gian dài, tuyết lại bị bao phủ bởi lớp băng, gia súc không thể đi trên lớp băng nên chúng phải di chuyển theo hướng gió, nó được gọi là Zud bão.

Theo nghiên cứu, nếu các đồng cỏ đủ tươi tốt ở mùa hè thì Zud sẽ không thể xảy ra ngay cả khi có rất nhiều tuyết mùa đông. Năm 1992 là năm mới nhất bị Zud(?).

Còn khô hạn (hạn hán) thì thường có chu kỳ lặp 10 năm, riêng sa mạc thì cứ 2 năm lần.

Năm nay người Mongolia hy vọng không bị Zud.
 
Các cửa khẩu ở Mongolia

Tổng chiều dài đường biên giới là 8.220km, trong đó Russia là 3.543km, China là 4.677km. Nhưng chỉ có đâu khoảng 7 cửa khẩu xuất nhập cảnh chính thức, bao gồm:

Hàng không là 2 sân bay: Sân bay quốc tế Chinggis Khan ở Ulaanbaatar và sân bay ở thành phố miền đông Choibalsan.
Cửa khẩu đường bộ là trên tuyến đường sắt từ China vào Mongolia tại Zamin Uud.

Bốn cửa khẩu khác nằm trên biên giới với Nga tại Tsagaannuur, Sükhbaatar, Altanbulag, và Ereen-tsav. Việc qua cửa khẩu với Nga khó hơn với Trung Quốc.

Cũng có các cửa khẩu biên giới khác nhưng được mở theo thời điểm đối với mọi người dân trong nước và ngoài nước.


Sơ lược về cách phân chia đơn vị hành chính của Mongolia:

Được chia làm 3 cấp:
1) Aimag (Province, Tỉnh); Niislel (Capital city, Thủ đô)
2) Soum hay soom, sum (Districts/Counties, Quận/Huyện); Duureg (Municipal District)
3) Baghs hay Bag (Subdistrict, Xã); Khoroo/Horoo (Municipal Subdistrict, Phường)

Mỗi Soum được chia nhỏ thành các Bagh, ở vùng nông thôn thì các Bagh bản chất là ảo, vì mục đích chính của Bagh chỉ là sắp xếp cho các gia đình du mục sống tập trung thành từng khu để dễ cho quản lý, chứ đây không phải là khu định cư cố định hay lâu dài của người dân.

Hiện Mongolia có 18 tỉnh thành phố-aimags (có tài liệu là 21 aimags), khoảng 330 quận huyện-soums.

Tóm lại có 3 cấp: Aimags (Aymags, tỉnh), Soums (quận/huyện) and Baghs (làng/xã).

Người đứng đầu (hurals, khurals, governers) các cấp được hội đồng tuyển chọn (khural) đề cử và lãnh đạo cấp cao hơn phê duyệt, như người đứng đầu cấp tỉnh Aimag sẽ do thủ tướng bổ nhiệm, còn cấp quận Soum sẽ do người đứng đầu cấp tỉnh Aimag bổ nhiệm.
Cơ quan lập pháp cao nhất là State Great Hural (Quốc hội).


Đến UB, Erdenet, Darkhan, đây là 3 trong 5 thành phố phát triển nhất, 2 còn lại là Olgiy-cực tây và Cholbansan-cực đông đất nước, trừ UB, không thành phố nào vượt quá 100.000 dân, ta sẽ bắt gặp như là một phần hình ảnh của Hà Nội, cũng do Liên xô quy hoạch và giúp xây dựng.

Những khu nhà chung cư 4-5 tầng, sân chơi, trường học, cửa hàng, được lên quy hoạch từ sau thế chiến thứ hai, thập kỷ 1950, và bắt đầu xây dựng từ những năm 1960-1985, nay đã cũ vẫn còn người ở, có khác là do mùa đông giá rét nên các căn hộ đều có phòng cách ly trước khi mở tiếp một cửa nữa vào nhà, còn trong nhà là những hệ đường ống dẫn nước nóng để sưởi.

Nói chung sống trong các căn hộ này vẫn còn dễ chịu hơn rất nhiều khi sống trong ger vì đủ điện, nước nóng lạnh, vệ sinh, nhưng cũng hay bị mất điện. Các tiện nghi cho cuộc sống ở đô thị nói chung tương đương với các thành phố phát triển khác, và khác rất nhiều với người dân vẫn đang du mục và bán du mục. Hầu hết tất cả các thành phố đều có khu ger, hoặc các khu ổ chuột, không được kết nối với các dịch vụ công cộng.

Các thành phố tương đối an toàn với du khách, tuy nhiên vẫn nên cẩn thận, đặc biệt khi trời tối, trẻ ăn xin, người say rượu, nhóm thanh niên đứng ngoài đường, trước cửa quán pub,… đều là những chỗ cần phải tránh từ xa. Các vùng thành thị, nông thôn cũng tương tự, mà không sợ người thì chắc chắn phải sợ chó, ngay người dân nuôi chó cũng sợ chính chó mình nuôi.

Chó ở thảo nguyên đặc biệt dữ tợn, chúng cắn bất cứ ai, kể cả làng giềng tới chơi, chó lao vào cắn vào ủng, áo deel thì còn nhẹ, mà càng kêu nó càng cắn xé hung tợn hơn. Chỉ người nhà (sống trong ger với chó) mới có thể trị được hay nói thì chó nghe theo lệnh, trẻ con sống cùng ger cũng không thể bảo được chó của mình, cứ phải người lớn nói, thực sự là phải hét thì chó mới chịu tuân lệnh.

Đã có những nhóm dân tộc cực đoan, bài ngoại, chủ yếu là bài China như Tsagaan Khass (White Swastika), Mongolian National Union, và Dayar Mongol (All Mongolia). Người Trung Quốc và Hàn Quốc ở Mongolia là đối tượng dễ bị soi nhất, đặc biệt là Trung Quốc đang bị tình trạng giống như ở Việt Nam, mà người Việt thì cũng nhang nhác giống họ. Tạng người Mongolia nói chung thiên về giống người Châu Âu hơn là Châu Á.

Trung Quốc và Hàn Quốc đang là 2 quốc gia đầu tư lớn ở Mongolia, ngoài các mỏ để moi khoáng sản thô, họ đang xây dựng nhiều các khu đô thị ở UB, chiếm các vị trí đẹp ở UB. Mà công nhân phần lớn cũng là người Trung Quốc, Hàn Quốc, người Mongolia đã ít, dù thất nghiệp nhiều ở UB, nhưng cũng không thích thú làm công việc xây dựng nặng nhọc và nguy hiểm.
 
Sở hữu toàn dân

Thực tế là không ai được sở hữu đất đai, các cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất trong mỗi một mùa mà thôi. Một năm có 4 mùa, thì mùa hạ anh sở hữu mảnh đất này, đến mùa thu thì người khác có quyền đến sử dụng mảnh đất của anh.

Từ xa xưa, tồn tại luật bất thành văn là đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Người du mục tự phân chia lãnh địa, thường được phân chia theo các bộ tộc, bộ lạc, mỗi bộ lạc có một vùng khác nhau, không được xâm phạm. Hiển nhiên, ở bất cứ thời nào thì các tộc trưởng, lãnh chúa cũng phân chia đất cho thần dân mà mình cai quản.

Chỉ riêng ở thủ đô và các thành phố phát triển thì nhà nước mới sở hữu đất đai và giá đất mới đắt vì cần phải theo quy hoạch, tuy nhiên cũng chỉ khu trung tâm và phụ cận là nhà nước sở hữu. Ngoài khu này ra thì người dân du mục tứ phương đổ về muốn dựng ger và chăn thả, trồng trọt ở đâu là quyền của họ, thường người dân chỉ làm hàng rào gỗ bao quanh mảnh đất, sau đó cắm lều là coi như định cư xong, có hộ khẩu thành phố luôn, chẳng phải xin phép ai(?). Cũng có những khu được gọi tên là “quận ger”, “huyện ger”, để chỉ khu dân nghèo sống ở ngoại ô các thành phố, khu đô thị phát triển, có thể gọi khu ổ chuột mà ở đâu cũng có chứ không chỉ ở mỗi Mongolia. Cũng có cụm dân cư đan xen nhà gạch, bê tông với ger truyền thống.

Có các khu dân cư nhà bằng gỗ, mái dốc nhọn và phủ màu sặc sỡ đọc, xanh đan xen nhau tùy sở thích chủ nhà. Giá nhà gỗ kiểu này 5.000.000mnt, tương đương 2-3 mỗi con nặng 200kg.

Đến năm 1990, khi bắt buộc phải cải cách theo kinh tế thị trường thì tư nhân hóa đất đai cũng như tư nhân hóa mọi thứ khác mới được bàn và thực hiện trên cả nước.

Ger có giá khoảng 1.500.000 mnt (16,5 triệu vnđ).
Xe máy có giá khoảng 1.000.000 mnt (11 triệu vnđ).
Giá đất ở UB: 250.000mnt/m2, 1 thửa đất kiểu chia lô giá 25.000.000mnt/100m2.
Quy về giá bò là khoảng 13 con bò (200kg/con) cho 100 m2 đất.
Giá thịt ước tính 10.000mnt/kg, như vậy: 1 ger = 1 con bò 150 kg = 8 con dê mỗi con 20 kg.


Một số ngày lễ và sự kiện tôn giáo:


Lễ kỷ niệm và lễ hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Mongolia. Họ tổ chức lễ hội để chào mừng chuyển sang mùa mới, mùa săn bắn, để tưởng nhớ người đã mất và để tôn vinh cuộc sống du mục truyền thống của họ.
Hầu hết các lễ hội lớn nhỏ đều bắt nguồn từ thực tế Shaman giáo trước kia, và Phật giáo sau này.

1) Tsagaan Sar: Tết Âm lịch như Việt Nam. Mọi người đều về với gia đình để đón năm mới, mừng thọ người già, các em nhỏ, thăm họ hàng, làng xóm lâu ngày không gặp,…

2) Nadaam: 11-13/7.
Ngày Quốc khánh là 11/7.
Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ thành lập ngày 1/3/1921 do D.Sukhbaathar (mất khi mới 30 tuổi, là Bộ trưởng Quốc phòng thời đó) và Khorloogiin Choibalsan lãnh đạo đã tiến hành cuộc Cách mạng Nhân dân thắng lợi, ngày 11/7/1921 nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ được thành lập.
Nadaam được tổ chức cấp quận, huyện (soum), cấp tỉnh (aimag), thành phố, thủ đô. Nadaam còn có tên “Three Manly Games” với 3 môn thi: Bắn cung, đua ngựa, vật. Phụ nữ được tham gia bắn cung, trẻ em gái được làm nài ngựa, còn vật chỉ cho nam. Vật là môn phổ biến nhất. Đấu vật không phân chia hạng cân nên thường các đấu sĩ phải là to nặng nhất.
Nhưng môn thi độc đáo truyền thống đáng được giữ gìn nhất lại là môn bắn hoặc búng xương mắt cá chân Shagai (anklebone) (thường là của cừu và dê), môn này có vài nét như chơi bi trẻ con Việt Nam hay môn bi sắt. Từ năm 2000, môn này đã được đưa và thi đấu trong Nadaam.

Nadaam được cho có nguồn gốc từ thời Hung Nô (Xiongnu: 209BC-93AD).

3) Ovoo: Ngày lễ không cố định, liên quan đến Shaman giáo (sẽ được đề cập sau). Đây là đống đá có cắm cọc gỗ ở giữa hoặc dựng cây gỗ chụm đầu vào nhau, treo các khăn màu xanh (khadag).

4) Nauryz: Ngày Tết đạo Hồi của người Kazakh, vào ngày 22/3, ý nghĩa gần giống Tsagaan Sar.

5) Golden Eagle Festival: Đã được tổ chức định kỳ hằng năm. Thời Đảng cộng sản cầm quyền thì không được tổ chức. Lễ hội này của người Kazakh ở miền tây (thủ phủ là thành phố nhỏ Olgii).

6) Kurban Ait: Tổ chức ngày 10/12 theo lịch của người Hồi giáo.

7) Ngoài ra cũng có ngày 8/3.


Trang phục truyền thống:

1) Áo khoác: Loại áo choàng dài, to (Deel, Del), loại mặc mùa đông (Khurim)

Deel có thể làm chăn hoặc cả lều khi cần thiết. Deel loại tay dài có thể làm găng tay, cổ dài có thể thay mũ hoặc che gió. Mặt trước Deel có phần thừa khi mặc được xếp chéo chồng lên nhau để giữ ấm. Mùa đông thì mặc Khurim, ngắn hơn so với Deel.
Mỗi dân tộc có các Deel khác nhau, trong đó cũng phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội. Deel của nam giới thường rộng hơn, có màu nâu, xám, xanh. Nữ giới thường có nhiều trang trí, màu sáng hơn, cảm giác mượt hơn. Mùa rét thì có thêm lớp đệm bằng da cừu hay lớp bông giữ ấm.

Trên thảo nguyên 4 mùa trong năm không nơi trú ngụ thì Deel là cách tốt nhất cho sinh tồn của người du mục.

2) Dây lưng (Sash): Dây lưng thường có màu tương phản với Deel. Khi dùng Sash với Deel thì phía trên Sash và trong áo là túi đựng đồ. Họ mang các đồ, nam giới thường thuốc, rượu, dao.

3) Ủng (Gutul): Được làm từ da, chịu được khắc nghiệt của thời tiết. Mũi ủng thường hếch lên, vì lý do Phật giáo để tránh làm bẩn đất dưới chân hoặc đê khi ngã thì các kị binh không bị mắc chân lại trên ngựa.

4) Mũ (Louz, Loovuz): Theo truyền thống là mũ có vành và được vuốt nhọn trên đỉnh. Ngày nay là kiểu mũ cao bồi chăn bò, vành rộng, mũ phớt.


Tên và tên địa danh:
Các chữ o, u; i, y, j; n, l; ch, c, k, h;… hay được dùng lẫn với nhau nên các từ hay tên riêng ở Mongolia đôi khi khó tra cứu. Ví dụ về một số tên riêng được dịch:
- Ulaanbaatar: Oulan-Bator (French); Ulan Bator, Ulan Bator Choto; Ulán Bator (Spanish)
- Hövsgöl: Chövsgöl, Chuwsgul; Hobsgol, Höbsögöl, Hubsugul, Khubsugal, Khubsugud, Khubsugul, Khuvsgul, Kossogol.
- Bayanhongor: Bajan-Chongor; Bayan Khangor, Bayan Khongor.
- Töv: Central, Töb, Tub, Tuv, Tuvaimag (variant); Töw, Tuw.
- Gobi: Govi.
- Govi-Altay: Gobi-Altai, Gobi Altay, Gov'altaj, Gov'altay, Govyaltaj; Gow'altai.
- Dornod: Choibalsan, Choybalsan, Doronad, Doronod, Eastern.


Tên các địa danh như vậy nên tìm kiếm online internet, dò đường có thể sẽ không thấy hoặc chỉ nhầm. Bạn nên xác định các vị trí trong đầu theo các hướng bắc nam đông tây để nếu thấy map google chỉ đâu đó không đúng thì tự kiểm tra lại trước khi đi, kể cả trong thành phố, thủ đô.
 
Thủ đô của Mongolia qua các thời kỳ:

1) Thủ đô là bất cứ “bãi cỏ” nào

Trong lịch sử, các dân tộc sinh sống ở vùng đất Mongolia bị cai trị bởi nhiều đế chế du mục khác, như Hung Nô, Nhu Nhiên, Đột Quyết, Khiết Đai, Nữ Chân,… cho đến năm 1206.
Tộc Mongolia là một dân tộc thiểu số sống ở phía bắc Trung Quốc, sau đời Nhà Đường, họ dần dần chuyển xuống sống vùng thảo nguyên Mongolia ngày nay.

2) Karakorum

Năm 1206, Chinggis Khan lập thủ đô ở Karakorum, cũng được coi là năm Chinggis Khan thành lập Đế chế hay Đế quốc Mongolia sau khi thống nhất các bộ lạc Turk. Thời mới dựng đế chế chắc cũng vẫn chỉ là bãi cỏ. Từ khi có Chinggis Khan (Thiết Mộc Chân) mới hình thành khái niệm người Mongolia ngày nay(?). Năm 1235 thì Ogedei Khan-Oa Khoát Đài, người kế nhiệm Chinggis Khan hoàn thành xây dựng Karakorum.
Khan=Supreme Monarch=Hoàng đế, Vua…

Chinggis Khan tập trung quyền lực và thống nhất các bộ tộc lại bằng cách bắt những người đứng đầu các bộ tộc, người nắm giữ quân đội phải thề trung thành với mình, không phải chỉ trung thành với bộ tộc của họ, như vậy đã làm suy yếu các bộ tộc khác.
Bức tranh nổi tiếng nhất Mongolia có tên “One day in Mongolia” (Một ngày ở Mongolia), mô tả khoảng khắc Chinggis Khan trở thành người lãnh đạo các bộ tộc của Mongolia.

3) Beijing

Để chiếm toàn bộ China, người cháu nội Hốt Tất Liệt-Kublai đã mất khoảng 10 năm, và lập ra nhà Nguyên (Yuan Dynasty), ta hay gọi Nguyên Mông, đến năm 1263 Kublai rời kinh đô từ Karakorum về Beijing (Daidu, Khanbalik).

Do trành giành nội bộ ngôi vị Đại Hãn-Great Khan giữa hai anh em ruột (cùng con của Đà Lôi) là Aris Buke (A Lý Bất Kha) và Kublai (Hốt Tất Liệt), dù đến năm 1260 Kublai thắng nhưng Kublai chỉ được con cháu mình công nhận là Great Khan ở vùng đất Mongolia, China và một vùng phụ cận; các vùng khác thuộc quyền cai trị của Great Khan khác cũng thuộc dòng họ Chinggis Khan.

Dù thời Nguyên-Mông cai trị là một trong những triều đại ngắn ngủi nhất ở China, chỉ một thế kỷ (1271-1368), nhưng có thể nói việc Beijing đã từng là thủ đô của Mongolia là niềm tự hào, nguồn cảm hứng bất tận của mỗi một người dân Mongolia. Trong mỗi câu chuyện về đất nước, bao giờ người Mongolia cũng nhắc đến sự kiện này.

Nhưng họ cũng hay quên 3 lần quân Nguyên Mông tiến quân đánh chiếm Việt Nam thời Nhà Trần các năm 1257, 1284, 1287 đều thất bại thảm hại, dù thời đó Việt Nam có khi vẫn phụ thuộc Nhà Nguyên.

4) Thủ đô lại là “bãi cỏ” trên thảo nguyên bao la.

Năm 1368 đế chế Nguyên-Mông sụp đổ. Năm 1388, nhà Minh (Chu Nguyên Chương, Zhu Yuanzhang, Ming Dynasty) đã giành chiến thắng khi gần 7 vạn người Mongolia bị cầm tù và thủ đô Karakorum bị tàn phá. Người Mongolia đâu cần thủ đô làm gì với cuộc sống du mục, thích lấy, đánh chiếm của người khác làm của mình, coi bầu trời cỏ cây là của mình.

Sau nhà Nguyên-Mông thì người Mongolia vẫn còn nhà Bắc Nguyên (1368-1388), nhưng coi là chư hầu nhà Minh-China (1368-1644). Thế kỷ 17, năm 1634 thì Ligdan Khan, vị Khan cuối cùng của người Mongolia chết trên đường tới Tây Tạng, con trai ông này (Ejei) đã đầu hàng người Mãn Châu và chính thức trao ấn báu của nhà Nguyên cho vua Mãn Thanh (1636-1912).

Những năm 1350-1691 là những năm tan rã của Đế chế Mongolia, chiến tranh giữa các bộ tộc Mongolia đã làm suy yếu, mất đi sự thống nhất, lòng trung thành có được từ thời Chinggis Khan.

5) Ulaanbaatar (Ulan Bator, Red Hero-Anh hùng Đỏ)

Được hình thành từ năm 1639 và liên tục thay đổi vị trí, vì di chuyển ger đến vị trí nào thì đó là thủ đô. Qua 28 lần đổi vị trí thì đến năm 1778 mới cố định địa điểm như hiện nay.
Thủ đô sau đó có tên Yihe Huree (Great Monastery, Đại Tu viện).
Năm 1911 tiếp tục từ Yihe Huree thành Niyslel Huree (Niislel Khureheh, Capital of Monastery) khi tuyên bố độc lập khỏi China.
Năm 1924 (26/11/1924) thì UB-Red Hero trở thành thủ đô nước Cộng hòa nhân dân Mongolia.
Năm 1963 thì UB được tách thành đơn vị hành chính độc lập với tỉnh Tov.

6) Thủ đô mới:

UB hiện nay đã quá chật chội và ô nhiễm, nên sẽ cần một thủ đô mới vào năm 20xy.
Mùa đông ở UB cũng là mùa ô nhiễm nặng nhất do bên cạnh nhà máy đốt than cung cấp cho hệ thống sưởi trong các khu chung cư thì người dân nghèo trong ger cũng đốt than để sưởi. Chưa kể khí thải của oto, xe các loại và bụi. Mức độ ô nhiễm cao gấp 14 lần cho phép.
 
Một số người nổi tiếng trong lịch sử Mongolia thế kỷ 19-20, thế kỷ 13-15:


1) Khorloogiin Choibalsan (1895-1952)

Cùng thời Bác Hồ, là một lãnh tụ cách mạng của Mongolia. Một nhân vật còn gây nhiều tranh cãi ở Mongolia. Nhiều phế tích các công trình, đặc biệt về các công trình Phật giáo và các sư sãi đều có liên quan đến ông.
Choibalsan được coi “Stalin của Mongolia”. Choibalsan mất năm 1952, Stalin ở Liên xô cũ mất năm 1953.
Chữ viết hiện nay ở Mongolia chỉ có từ thời Choibalsan lãnh đạo, ông lấy theo chữ tiếng Nga, dù đọc khác.
Trong thời này còn có Damdin Sükhbaatar (1893-1923, 30 tuổi), tục truyền là “Lê nin của Mongolia”.


2) Temujin (1162-1227)

Thiết Mộc Chân, họ Bột Nhi Chỉ Cân, Khất Nhan Thị), hoặc Thành Cát Tư Hãn, “Khan of All Between the Oceans” thiết lập đế chế Mongolia đầu tiên năm 1206.
“Nguyên Thái Tổ” là tên ở Trung Quốc gọi Chinggis Khan.
Thiết Mộc Chân là tên một thủ lĩnh của bộ tộc Tháp Tháp Nhi, bộ tộc này đã đầu độ cha của Temujin chết. Khi tiêu diệt được thủ lĩnh bộ tộc này thì Temujin lấy tên mình là Thiết Mộc Chân.

Đội quân của Chinggis Khan chưa bao giờ vượt quá 200.000 lính.

Trước khi mất, Chinggis Khan chia vương quốc của mình cho 4 người con trai với vợ cả. Khi ông mất người con út tên Đà Lôi là người nối ngôi từ 1227-1229 gọi là Giám quốc, cũng được tôn là Đại Hãn-Great Khan. Theo tục lệ Mongolia thì con út được kế thừa di sản của cha, con lớn phải ra ngoài lập nghiệp, Đà Lôi được ở lại vùng đất Mongolia. Tuy nhiên sau đó Đà Lôi nhường lại cho ngôi Đại Hãn cho Oa Khoát Đài, cũng là ý nguyện của Chinggis Khan.

Từ 1229 thì Oa Khoát Đài (Ogedei, con trai thứ 3 lên ngôi 1229, mất 1241) mới là Đại Hãn (Đại Vương hay Hoàng đế, Đại Hoàng đế, “Khan/Hãn” tiếng Mongolia là “Vương”).

Hốt Tất Liệt và Húc Liệt Ngột là con của Đà Lôi. Cuộc chiến nội bộ tranh ngôi Đại Hãn cũng làm cho Đế chế Mongolia suy yếu dần.


3) Subutai (1176-1248)

Subetai, Tsubatai hoặc Tốc Bất Đài:

Nếu không có Tốc Bất Đài thì không có Đế chế Mongolia như đã có.

Nhà chiến lược, mưu lược, chiến thuật quân sự, đại tướng, mãnh tướng phục vụ 3 đời Hãn: Thành Cát Tư Hãn, Oa Khoát Đài, Bạt Đô. Thành Cát Tư Hãn, Oa Khoát Đài, Bạt Đô là 3 Hãn có chủ trương mở rộng về phía Tây, với phương châm là đánh đến bao giờ nhìn thấy biển thì thôi.

Sau khi Oa Khoát Đài chết, con trai Guyuk Khan (Quý Do, 1206-1248, 42 tuổi, làm Khan 3 năm: 1246-1248) nối ngôi đã điều Tốc Bất Đài đang chuẩn bị đánh chiếm sang phía tây (Châu Âu) về lại Beijing để dưỡng lão, lúc này Tốc Bất Đài đang dưới quyền của Hãn Bạt Đô chuẩn bị tây chinh. Lịch sử quân sự đánh giá nếu không có lệnh điều chuyển khó hiểu này thì có thể Châu Âu đã bị Tốc Bất Đài làm cỏ.
Ông là một trong "Tứ khuyển" (“Four Dogs of War”) hay tứ dũng, tứ tiết theo các gọi thân mật mà Thành Cát Tư Hãn đặt cho tứ đại dũng sĩ của thảo nguyên là: Bác Nhĩ Truật, Giả Lặc Miệt, Mộc Hoa Lê và Tốc Bất Đài. Ông có con trai Cốt Đãi Ngột Lang và cháu nội A Châu (A Truật, Ajiu), người cháu nội là tướng đã tiêu diệt triều Nam Tống.

Chiến thuật đánh trận của Tốc Bài Đài là sử dụng tình báo, đặc biệt lợi dụng mùa đông, càng rét càng hay, băng đá phủ kín mặt đất sẽ là một lợi thế lớn của Tốc Bất Đài.


4) Kublai (1215-1294)

Khubila, Hốt Tất Liệt, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, người đã chiếm gần trọn China (tiêu diệt Nhà Nam Tống 1279, trước đó là Nhà Kim 1234) và thành lập nhà Nguyên ở đây (1271), chuyển kinh thành từ Karakorum đến Daidu (Đại Đô, Beijing). Kublai có 47 con trai, vô số con gái.
Được cho là người đầu tiên tạo ra và công nhận đồng tiền giấy.
“Nguyên Thế Tổ” là tên ở Trung Quốc gọi Kublai (Miếu hiệu).

5) Hulagu (1217-1260)

Hulegu hoặc Húc Liệt Ngột:
Là một người anh trai của Hốt Tất Liệt, đã chinh phục cả vùng Ba Tư và Syria, có 21 con. Nhân vật này vào năm 1258 đã chiếm được, tàn sát và phá hủy gần như hoàn toàn thành Bagdad sầm uất bậc nhất vào thời đó.

Quân đội Mongolia ở đây đã thua quân Mamluk của Egypt, trận thua lớn đầu tiên và như điểm báo cho sự suy tàn của Đế chế Mongolia, người Mongolia không thể đánh chiếm về phía tây sau trận thua này.

Nhưng lý do thua cũng là bởi Hulagu Khan lúc này phải quay về Mongolia để tham gia bầu Khan mới theo truyền thống người Mongolia.


6) Batu (1205-1255)

Bạt Đô, là con của Truật Xích. Con trai trưởng của Chinggis Khan là Truật Xích, nhưng lai lịch của người con này chưa được rõ ràng(?), do mẹ Truật Xích bị bắt, sau đó trở về thì có thai.

Bạt Đô là người anh em họ của Hốt Tất Liệt, người đã chiếm đóng Nga, Ba Lan và Hungary; là Khan của vương quốc Golden Horde. Hai danh tướng là Naponeon và Hitler cũng chưa bao giờ chiếm được nước Nga.

Kublai đánh chiếm phía nam, còn Chinggis, Batu và Hulagu chinh phạt về phía tây 3 lần.


7) Timur (1336 -1405?)

Timur Lenk (Timur Lame) hoặc Tamerlane, một hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, người đã làm chủ trong một thời gian ngắn ở vùng miền nam nước Nga, India, và Levant.


8) Babur (Zahir ad-Din Muhammad, 1483-1530)

Một hậu duệ của Timur, đã thành lập một đế chế ở India.



Diện tích chiếm được thời Đế chế Mongolia thế kỷ 13-14 là khoảng 15 triệu km2, cai trị khoảng trên 100 triệu dân, sau này chỉ có Đế quốc Anh thế kỷ 19 là lặp lại được về diện tích chiếm được.



Tuổi thọ của một số Khan thế kỷ 13-14:

Tuổi thọ của người Mongolia thời Đế chế thế kỷ 13-14 được xếp vào nhóm tuổi thọ thấp, ngay cả các Đại Hãn cũng thấp, trung bình 38 tuổi, có khi chỉ 33 tuổi, trừ Kublai (Hốt Tất Liệt, Nhà Nguyên-Trung Quốc) thọ 80 tuổi (có 47 con trai), Chinggis Khan 60 tuổi (4 con trai với vợ cả), và một số rất ít qua tuổi 50.

Tuổi thọ của các vua thấp thì các tướng và thảo dân sẽ còn thấp hơn. Lý do có thể là bởi đồ ăn của người Mongolia ít chất, chủ yếu chỉ thịt và sữa hoặc không quen với đồ ăn ở những nơi họ chiếm được, thêm nữa là nạn uống rượu (sữa ngựa) của nam và cả nữ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh sản, càng làm to uống càng nhiều và đẻ ít đi, không biết có giống các quan tây và ta bây giờ không.

Dù rất nhiều vợ cùng thê thiếp, đẻ cũng nhiều, nhưng số lượng con sinh ra vẫn không đủ nhiều để từ đó lựa chọn những đứa con tinh tú nhất lên làm Khan (Hoàng đế, Vua). Chưa kể con cháu được hình thành trong tình trạng mà cả cha mẹ đều đang say rượu.

Tất nhiên chỉ đồ ăn uống đó mới phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở vùng đất Mongolia. Do vậy Đế chế Mongolia thế kỷ 13-14 cũng chóng tàn hơn nếu so với các triều đại khác trong lịch sử thế giới.

Một số đời Khan (con số chỉ thứ tự kế vị, chữ A, B là do tranh giành nội bộ, sự công nhận giữa các Khan):
Chinggis (1) -> Tolui (2A) -> Ogedei (2B) -> Guyuk (3) -> Mongke (4) -> Ariq Boke -> (5A) -> Kublai (5B) ->…

* Chinggis (Khan 1): 60 tuổi, 4 người con với người vợ cả:

- Truật Xích (Jochi, Juchi, Juji): Con trai trưởng, thọ 50 tuổi, có 9 con trai, chết trước bố Chinggis vài tháng.

- Sát Hợp Đài (Chaghatai): 57 tuổi.

- Oa Khoát Đài (Ogedei): 55 tuổi. (Khan 2B)
+ Quý Do (Guyuk, 1206-1248, 42 tuổi) (Khan 3)

- Đà Lôi (Tolui) (Khan 2A): Con trai thứ 4, thọ 42 tuổi, có 11 con trai, có 4 người rất nổi tiếng: Mông Kha, Hốt Tất Liệt, Húc Liệt Ngột và A Lý Bất Ca.

+ Hai con trai Mông Kha (Mongke, 1208-1259, 52 tuổi, Khan 4, tại vị 9 năm: 1251-1259) và A Lý Bất Ca (Ariq Boke, 48 tuổi, 1219-1266, Khan 5A, tại vị 5 năm: 1260-1264) chết nguyên nhân tự nhiên, như Mongke là vị Đại Hãn duy nhất của Đế chế Mongolia bị chết trong chiến trận, còn Ariq Boke nghi do nội bộ oánh nhau nên phải chết (Ariq Boke thua Kublai).

+ Hốt Tất Liệt (Kublai, 1215-1294, Khan 5B): 80 tuổi, cai quản vùng Trung Quốc nhưng chỉ được thời gian ngắn. Nối ngôi sau Hốt Tất Liệt: Timur-42, Qaishan-31, Ayurbarwada Buyantu-35, Yestin Timur-35, Tugh Timur-28, Irinjibal Qutuqtu-7, Toghon Timur-50.

+ Húc Liệt Ngột (Hulegu, 1218-1265): 48 tuổi, cai quản vùng Trung Đông. Nối ngôi sau Hulegu: Abaqa-48 (9 con, 15 vợ), Arghun-30 (8 con, 9 vợ), Ghazan-32 (7 vợ, 2 con), Olijeitu-35 (7 vợ, nhưng 3 không có con, 9 con thì 6 chết khi còn bé), Abu Sa’id-30 (2 vợ, 1 con). Sau Húc Liệt Ngột thì dòng họ Khan ở đây ngày càng vô sinh và dần tuyệt chủng.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,457
Bài viết
1,152,996
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top