What's new

[Chia sẻ] Marburg , Vienna, Lauterbrunnen, Luzern 2014

Chào các bạn, hôm nay xin kể với các bạn về chuyến đi loăng quăng của vợ chồng tôi tại mấy xứ Âu tháng 7 vừa rồi :

Chuyện là gia đình chúng tôi không phải là một gia đình “ Khoa bảng“ gì nên việc con trai nhớn vừa tốt nghiệp đại học được nhận ngay vào khóa cao học tại trường ĐH Philipps- Universität ở Marburg - Đức được gia đình tôi coi là một sự may mắn rất lớn mà không dám mơ trước. Sau mấy tháng đèn sách một mình bên đó, bố mẹ rất nhớ đứa con mà từ bé đến giờ chưa bao giờ xa gia đình quá một tháng nên khi thấy hãng Qatar có đợt khuyến mại vé Hà nội – Frankfurt có khoảng 700 USD , chúng tôi vồ luôn và đánh đường sang nấu nước giặt giũ cho con trai.
Tôi xin kể về 4 nơi tôi có cái để kể nhất. Chỉ là những cảm nhận thoáng qua, không theo thứ thự, lịch trình nào bởi thời gian ở những nơi này thật ngắn chỉ như một lần chớp mắt, ý niệm về những nơi này thoảng qua lãng đãng song cứ bám chặt trong ký ức. Mấy ngày này rỗi rãi xin được chia sẻ với các bạn .




Marburg an der Lahn – bang Hessen , Đức




DSC_0632.JPG



Người dân Marburg tự hào với câu slogan : Nếu mỗi thành phố ở Đức có một trường Đại học thì Marburg chính là một trường Đại học. Thật vậy, cái thành phố bé nhỏ này thuộc bang Hessen lại khá nổi tiếng bởi trường Đại học Phillips Universitäte của nó. Marburg chỉ là một thị xã nằm bên con sông Lahn bé như một con kênh thủy lợi yên ả chảy qua, không có đường Autobahn, không có đường tàu hỏa ICE chạy đến, nhưng cái thành phố cổ kính này luôn mang trong nó cái không khí trẻ trung của những sinh viên từ đủ mọi nơi thế giới . Trường đại học Phillips - Universität Marburg được thành lập từ năm 1527 là một trong 5 trường đại học lâu đời nhất của Đức gồm Heidenberg, Marburg , Tübingen, Freiburg và Göttingen.

DSC_0635.JPG

Ngôi trường cổ kính này được xây từ năm 1527 có dáng vẻ của một nhà tu hơn là một trường đại học




DSC_0567.JPG


Bên cạnh đó là cây cầu cổ nhất của Marburg và sông Lahn


Trường do hội thánh Tin lành lập nên từ thời tiền phục hưng nên ngôi trường nằm giữa thành phố cũng cổ kính nâu xỉn mốc meo y hệt như cái khoa thần học hiện vẫn còn tọa lạc trong ngôi trường cổ này. Các phân khoa thời hiện đại như kinh tế, công nghệ web, ngôn ngữ, thể thao v.v... thì ở những địa điểm rải rác khắp thành phố và được nằm trong những tòa nhà có lối kiến trúc hiện đại đương thời. Không biết những khoa Địa lý, khoa toán Thần học hay khoa Khoa học Giáo dục , sinh viên sẽ học thế nào trong những tòa nhà kiến trúc thế kỷ 16 có dáng vẻ của những ngôi nhà thờ với tường đá, cửa kính mầu và mái vòm gotich ? tôi rất muốn vào xem mà không dám mặc dù con trai đang là sinh viên trường này bảo ai cấm bố, trường đại học là nơi tự do ai muốn học thì học, muốn nghỉ thì nghỉ, tự do! Trong giảng đường sinh viên ngủ, nói chuyện, chơi điện tử trong khi giáo sư giảng bài là chuyện thường. Chỉ có điều anh học thế nào tôi không cần biết, đến kỳ thi không đủ điểm thì cứ việc học lại môn đó đến khi đạt thì thôi, 2 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa không tốt nghiệp là việc của anh. Vì vậy, tự do mà lại phải tự lo mà học, không thì cả đời làm sinh viên hoi đốt tiền bố mẹ !



DSC_0585.JPG


Khoa Địa lý - tôi tưởng tượng tụi sinh viên học trong này sẽ bị cớm nắng còi xương sớm.






Thumbnails04412014024116Yersin.jpg


Có một người gốc Thụy sĩ rất nổi tiếng trong lãnh vực y học, đặc biệt ở Việt nam không ai không biết, đó là bác sĩ Alexander Yersin, người cựu sinh viên Y khoa của trường Philipps Uni Marburg . Sau thời gian nghiên cứu tại viện Pasteur Paris, với máu xê dịch, Yersin từ bỏ kinh đô ánh sáng lang thang thám hiểm các vùng đất Đông Dương. Nha Trang và Đà Lạt là nơi phượt thủ nổi tiếng này khai phá . Ông như một vị thần y của Nha Trang và đã gắn bó đến lúc nhắm mắt xuôi tay với thành phố này. Người dân Nha trang theo ý nguyện của ông đã chôn cất ông nằm sấp để được ôm lấy mảnh đất mà ông gắn bó này. Mộ ông hiện vẫn nằm tại Suối Dầu, cách Nha Trang có 20 km, tại nơi ông lập ra trại ngựa nuôi để lấy huyết tương làm vacxin. Yersin cũng là người sau này thành lập ra viện Pasteur và là hiệu trưởng trường Y đầu tiên ở Đông Dương. Trên Wikipedia nói rất rõ thân thế vị bác sĩ nổi danh này.
 
DSC_0642.JPG


Một sinh viên nổi danh thế giới khác của Philipps Marburg là Lomonosop, nhà bác học thiên tài người Nga, người phát minh ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học rối rắm , ác mộng cho những ai không có khiếu môn hóa. Trường Đại học Lomonosop do ông lập ra ở Mạc tư khoa sau này được nhiều người biết đến hơn cả cái nôi Marburg của ông. Tên ông được khắc bảng đồng treo ngay lối vào ngôi trường cổ kính, dây trường xuân phủ rậm rì bên bức tường đá xám, nơi cánh cổng cũ không còn được mở ra nữa, nó đóng chặt như quan hệ Đức Nga ngày nay sau những toan tính của Putin về Ucraina.




DSC_0233.JPG


Cái thành phố Marburg nhỏ xíu còn có một đóng góp rất lớn với văn học Đức, đó là nơi mà anh em nhà Grimm đã sống ở đây trong những năm viết nên những câu truyện cổ tích nổi tiếng. Căn nhà trên phố Barfuß là nơi hai cụ từng trú ngụ. Căn nhà Fachwerkhaus đặc trưng kiểu Đức này có mặt ở hầu hết trong khu phố cổ của các thành phố Đức, Marburg cũng vậy. Có lẽ cái khung cảnh thanh bình nơi này đã tạo nên cảm hứng cho Jacob và Wilhelm Grimm viết nên những Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Rapunzen, Cô bé quàng khăn đỏ, Hansen và Gretel v.v... Có thể nói những câu chuyện đó đã được lưu truyền rất lâu trong dân gian các nước nói tiếng Pháp và Đức, nhưng anh em nhà Grimm đã có công ghi chép biên tập lại , thổi vào trong những câu chuyện truyền khẩu đó những gì tinh túy của ngôn ngữ Đức, văn học Đức để những câu truyện về các chú lùn, về ngôi nhà bằng bánh, về chàng thợ may dũng cảm còn mãi tới ngày nay.

DSC_0234.JPG

Ngôi nhà của anh em nhà Grimm với tấm biển đề phía trước. Nay được dùng một phần thành nơi bán rau quả !

DSC_0831.JPG






Phố Weidenhäuser , hai dãy nhà Fachwerkhaus cổ, một con phố đẹp và có cái không gian của thế kỷ 19. Tôi chụp ảnh con phố này đưa lên FB và cô bạn cùng phổ thông đã kể lại nỗi xúc động khi nhìn lại được con phố đó cũng như nhìn lại Marburg. Tôi và hai vợ chồng cô học cùng lớp với nhau hồi phổ thông. Họ đã cùng nhau học tại Marburg, yêu nhau, lấy nhau, và sinh hai con tại chính Marburg này. Tôi hiểu nỗi xúc động khi thấy lại nơi họ bước những bước đi đầu tiên trên con đường mang tên gia đình. Nay thì cả hội F1 của họ và của tôi cũng đã lớn, nhưng cũng trùng hợp khi cái thành phố Marburg này lại cùng là nơi bắt đầu cho một bước đường mới.

DSC_0268.JPG

Trên phố Weidenhaus







DSC_0926.JPG


Trên quả đồi nằm ngay bên cạnh khu vực phố cổ là tòa lâu đài lãnh chúa Marburg được xây dựng từ trước thời anh em nhà Grimm chuyển đến. Từ Frankfurt trên tàu hỏa khi còn cách thành phố cả chục cây số đã nhìn thấy tòa lâu đài cổ kính in trên nền trời trông như một cảnh trong phim cổ tích. Tại sân trước lâu đài là khoa toán thần học tĩnh tọa trong một ngôi trường cùng tuổi với lâu đài, cổ kính, trầm mặc và huyền bí như chính cái môn khoa học ghê gớm này. Khoa toán thần học là khoa đầu tiên của trường Philipps Uni, cùng với nó là khoa Địa lý, Triết học, Y khoa, Hóa học, Giáo dục và Văn học. Những khoa già lụ khụ này cũng đều nằm loanh quanh trong Marburg, cũng trong những tòa nhà bằng đá hoa cương mà tuổi tác khiến cho từng viên đá nâu đến xẫm lại giống như những khuôn mặt các lão phù thủy trong truyện xưa, cả đời lọ mọ chế thật giả kim bên những ngổn ngang ống nghiệm, đầu lâu và mùi hồng hoàng. Lâu đài lãnh chúa Marburg lại là nơi tụi sinh viên vạ vật ngả ngớn ở mọi góc trong những ngày nắng. Đứa học, đứa chúi mũi vào quyển sách, đứa chúi mặt vào cái smartfone, đứa tạ dĩ việc học ngồi tán tỉnh, đứa phơi nắng, đứa ngủ, đứa ăn. Cái cổ kính kiểu Đức nó xen lẫn hợp lý cái tươi trẻ của lũ sinh viên đủ mọi sắc tộc, cái sự học hành khổ ải nó đan xen hài hòa với cái sự êm đềm của khung cảnh, của hoa lá xung quanh tòa lâu đài.
 
DSC_0927.JPG


DSC_0878.JPG


DSC_0909.JPG


DSC_0894.JPG


Đi qua cái cầu đá nối từ lâu đài sang chỏm đồi bên là một vườn hồng đang rực rỡ dưới nắng tháng 7. Vườn Hồng của lâu đài có đến chục loại hồng và cả mấy luống hoa oải hương tím. Hoa vừa được tưới và từ đó bốc lên mùi đất ẩm và hương lavan quyến rũ. Bên dưới con phố bên vườn hoa là ký túc xá sinh viên, những ngôi nhà trắng nhỏ có rèm hoa mà nếu không có cái biển đề bên ngoài tôi lại cứ tưởng là khách sạn. Phòng cho sinh viên ở khu vực này là của hiếm và hơi nhỏ, vì thế con trai tôi ở ký túc xá cách trung tâm khoảng 6km , khu Wehrda. Tôi sẽ dẫn các bạn đến nơi này sau.

DSC_0874.JPG


DSC_0888.JPG
 
DSC_0540.JPG


Khoa Languistic and web Technology của con trai nằm bên kia sông Lahn, trong một tòa nhà kiểu mới, trông trật lấc chả ăn nhập gì vào với khung cảnh cổ kính bên kia sông. Sát bờ sông, người ta xây cho lũ sinh viên một dãy bậc lên xuống đến tận mép sông để lũ giặc kia sau giờ giảng ra đó ngồi vừa ăn vừa ngắm lũ vịt trời lau nhau vào xin ăn chạc. Vịt giời, le le nhiều quá khiến cả khúc sông hôi rình , mỗi khi có gió to thì lông trắng từ mấy cây to mọc bên mép nước bay ra lả tả nhìn phát khiếp, đêm về lũ chim kia rủ nhau ngủ trên mấy cái cây này. Lũ vịt quàng quạc nháo nhác mỗi khi đội thuyền „ bơi chải “ của tụi sinh viên khoa thể dục thể thao lao qua. Toàn những cơ bắp đang hò hét, quạt chèo hùng hục đối lập với mấy thằng trên bờ gầy nhẳng, tóc xù, kính cận mặt ngơ ngác ngẩng lên từ quyển sách.

DSC_0536.JPG

Tổ vịt hôi mù đối diện với nơi ngồi hóng gió của lũ sinh viên



DSC_0554.JPG

Một con đập nhỏ trên sống, phía trên đồi là lâu đài Marburg



DSC_0552.JPG

Chỉ là những ngôi nhà bên sông, chẳng có ý nghĩa gì, thấy màu đẹp đẹp tui cho lên thôi :)



DSC_0559.JPG

Bởi vì là thành phố của Grimm nên đây đó cũng thấp thoáng truyện cổ tích, một cối xay nước trong vườn nhà
 
Cuối cùng bác HaHoi cũng cho ra loạt bài thứ 2 đây rồi, rất là hâm mộ gia đình bác từ chuyến đi trước. Không chỉ là cảnh đẹp mà đọc bài của bác là hiểu và biết thêm được cả lịch sử, văn hoá gắn liền với từng nơi, hơn nữa bác lại có giọng văn dí dỏm không lẫn vào đâu được, rất là hâm mộ hehe. Em vẫn chờ dc mời bác 1 vại bia mùa hè để cảm ơn bác vụ hồi nào, nếu có dịp bác ghé Stuttgart thì bác nhắn em với nhé ah ^^
 
Chào bạn @huongmuahe ! cảm ơn bạn đã có lời khen. Nhưng cũng tiếc thật, vừa rồi tôi ở Stuttgart một ngày mà không biết có người quen cũ ở đó để đàn đúm tụ tập . Xem oto trong bảo tàng MB một lúc chóng cả mặt, đến vườn hoa chỗ Schillerplatz mới thật thư thái, giá biết trước cùng nâng cốc với bạn ở đó thì tuyệt vời bao nhiêu. Hy vọng sẽ có dịp quay lại ! (beer)
 
DSC_0623.JPG

Trước của trường, dọc theo con sống Lahn chạy dài dưới tán cây um tùm một con đường nhỏ dành cho người đi bộ, nó có một cái tên Đức nhưng sinh viên trường Philipps lại nghịch ngợm đặt cho nó cái tên quá quen thuộc với người Việt nam mình, đường Hồ Chí Minh !!!! hẳn là một chú sinh viên nào đó vì thích lịch sử Việt nam, thích con đường huyền thoại Trường Sơn mà đặt một cái tên danh nhân cho con đường “ lãng mạn “ này khi mà ngày nắng hai bên vệ cỏ đầy tụi con gái đeo bikini nằm ườn phơi nắng ! Heeee ! tận cái thành phố Đức bé tí này mà Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân mới thật là vui chứ !




DSC_0748.JPG

Tòa thị chính cũ trong trung tâm phố cổ. Nay họ lấy một phần làm bảo tàng. Khu vực quảng trường nhỏ phía trước là nơi tụ tập cafe, đàn hát ngoài đường, bán đồ lưu niệm v.v...



DSC_0194.JPG


Dưới cái đài phun giữa quảng trường luôn có hội sinh viên nhàn rỗi ngồi đàn ca sáo nhị, tặng kem cũng tốt mà xiền lại càng phấn khởi





DSC_0242.JPG

Góc nào trong phố cũng cũng có sinh viên ngồi đọc sách







_bqPHb0PCJSQy2SgSY6FKjCth1FWeYHNA5z2Y8gmCxw=w793-h526-no


Nhưng sinh viên bao giờ cũng là những đứa thức đêm, ngủ nướng. 9 h sáng mà hàng cafe trong trung tâm vẫn chưa có đứa nào ngồi.






DSC_0641.JPG


Nhưng là một thành phố Đại học nên chất sinh viên nó vẫn hiển hiện ngay trên phố cổ. Đằng trước một hiệu sách comics







DSCN6227.JPG


Những ngôi nhà Fachwerkhaus còn rất nhiều ở Marburg



DSC_0207.JPG



Từ thời Quốc xã, Marburg đã là trung tâm điều dưỡng thương binh của các đạo quân Wehrmacht, cho đến ngày nay, tại Marburg vẫn còn những trung tâm điều dưỡng dành cho người khuyết tật. Đi trên xe bus, người khuyết tật ta gặp rất nhiều, theo tôi quan sát thì họ có cách sinh hoạt đi lại không khác chúng ta là mấy. Những người hỏng mắt thành thạo lên xe bus và xuống đúng bến, tất nhiên là do trên xe có loa thông báo điểm đỗ, nhưng họ hoàn toàn không phiền đến người xung quanh. Những người hỏng mắt có tuổi thường có một chú chó công vụ đã qua đào tạo chuyên giúp chủ nó đi lại, thậm chí giúp được nhiều việc thông thường trong cuộc sống. Những chú chó này có thể nói là một phần quan trọng trong cuộc sống của những người khuyết tật. Lên xe bus các chú chó dẫn chủ vào ghế còn trống và ngoan ngoãn nằm bên cạnh, rất thân thiện với người xung quanh, trẻ con kéo đuôi hay có ai vô tình đá phải, chúng cũng ... cho qua ! Nhưng nhìn tên chó to vật lừ lừ nằm sát chân mình, kinh chết đi được.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top