What's new

[Chia sẻ] Thổ Nhĩ Kỳ - Em uống một ly trà táo nhé?

Mình đi Thổ Nhĩ Kỳ cùng 3 người bạn thân từ tháng 4/2014, mà mãi giờ mới thu xếp thời gian và cảm hứng để chia sẻ cùng mọi người. Mình cũng sợ nếu mình không viết lại, sẽ có một lúc nào đó mình hoàn toàn quên mất những điều vô cùng đẹp đẽ của chuyến đi này. Mình nghĩ cảnh sắc Thổ thì nhiều người đã post, đã chia sẻ rồi nhưng điều mà mình nhớ hoài chính là con người Thổ. Vì đi lang thang nên bọn mình gặp được những người rất đáng quý, rất thú vị. Nếu nói về điều làm mình cảm động nhất với chuyến đi này, thì hẳn đó là về con người.

Mình chọn tên topic là "Em uống một ly trà táo nhé?", vì đó là câu mà mình nghe nhiều nhất khi tiếp xúc với những người Thổ hiếu khách. Luôn luôn là " Would you like a cup of apple tea?"

Chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ là một quyết định được đưa ra từ tháng 12 năm trước đó. Nhóm bạn thân của mình toàn là phụ nữ, đứa đã có gia đình, đứa còn độc thân, nhưng năm nào nhóm cũng sẽ thu xếp đi du lịch đâu đó cùng nhau vào kỳ nghỉ 30/4. Sau khi hô lên 1 tiếng vào cuối năm (khi đã có lương tháng 13), thấy đứa nào cũng có Thổ Nhĩ Kỳ trong bucket list thì cả bọn mạnh dạn đi tìm thông tin và book vé máy bay. Tìm đi tìm mãi thì thấy Emirates có giá ngon lành nhất.

Thời điểm đầu tháng 1, khi check giá vé thì 2 chiều Emirates chỉ mất 816$, quá cảnh khoảng 8 tiếng ở Dubai. Mọi người có thể chọn Turkish Airlines, giá vé mắc hơn 1 chút nhưng lại tiện lợi khoản làm e-visa. Lúc nhóm mình mua vé, chúng mình chưa chú ý đến khoản e-visa này.

Về visa:

Với những bạn quyết định không bay cùng Turkish Airlines thì có thể tham khảo thêm về thủ tục xin visa của chúng mình. Thời điểm bọn mình bắt đầu làm visa là cuối tháng 2 (trước ngày khởi hành khoảng 2,5 tháng). Bọn mình đều ở SG nên phải nhờ bạn đem hồ sơ đi nộp ở Đại sứ quán ở HN. Phí visa là 65$. Điểm cần lưu ý về visa đi Thổ dạng du lịch là du khách cần có giấy mời của một công ty du lịch Thổ. Bọn mình đi tự túc chứ không đi tour nên lúc này cũng hơi lấn cấn. May nhờ có topic của chị hanhlienta mà chúng mình đã liên lạc được với Reliable Tour. Chúng mình quyết định chọn 1 tour đi khinh khí cầu & 1 tour đi tham quan Rose Valley ở Cappadocia với Reliable Tour. Vậy là họ gửi cho chúng mình thư mời cho toàn bộ chuyến đi (chứ không phải chỉ những ngày mình đi với họ). Chị Serap ở Reliable Tour rất tử tế, còn gửi thư mời về bằng DHL cho bọn mình kịp nộp hồ sơ visa

Đi kèm với thư mời là các giấy tờ apply thông thường: chứng mình tài chính, bản sao hợp đồng lao động, hành trình đi, booking khách sạn, thư cho phép nghỉ phép của công ty.

Sau khoảng 4 tuần thì chúng mình có visa và thế là sẵn sàng cho chuyến đi. Bọn mình đã xem rất nhiều review trên Tripadvisors và Lonelyplanet. Có những điểm rất thích đi mà cuối cùng cân nhắc lại đành bỏ ra vì tính touristic của nó như Pamukkale. Hoặc có điểm bọn mình rất muốn đi như Mardin, bọn mình đã book vé máy bay xong xuôi nhưng cuối cùng nghe tin có chiến sự gần biên giới nên lại đành bỏ vé.

Lịch trình 16 ngày của chúng mình như sau:

Ngày 1: bay từ SG đi Dubai. Quá cảnh ở Dubai 8 tiếng. Đến Istabul lúc 6 giờ tối.
Ngày 2 - 3 : tham quan Istanbul
Ngày 4: Bay Istanbul - Izmir. Từ Izmir lấy bus đi làng Alacati.
Ngày 5: Alacati. Buổi chiều rời Alacati đi Selcuk
Ngày 6: tham quan Selcuk. Buổi tối rời Selcuk đi Ugrup bằng bus.
Ngày 7: Ugrup
Ngày 8: Di chuyển từ Ugrup về Goreme.
Ngày 9-10: Tham quan những vùng quanh Goreme. Đi khinh khí cầu, tham quan thung lũng, đi ngựa, thăm Avanos.
Ngày 11: Chuyển về Uchisar.
Ngày 12: Dạo chơi quanh Uchisar
Ngày 13: Bay về Istanbul
Ngày 14-15:Istanbul
Ngày 16: Bay về SG. Lại quá cảnh 8 tiếng ở Dubai.

Tổng cộng nhóm mình dành 5 ngày cho Istanbul, 6 ngày cho Cappadocia, 1.5 ngày cho Alacati, 1 ngày cho Selcuk

Chi phí cho 1 người:
Tiền vé máy bay 2 chiều: 816$
Tiền visa: 65$
Khách sạn: 260$. Bọn mình theo chủ trương lên voi xuống chó. Ít tiền nên lâu lâu book 1 nơi thiệt đẹp ở cho biết như cave house ở Ugrup, còn lại thì cứ hostel thẳng tiến
Các hoạt động tham quan bảo tàng, tắm Thổ, khinh khí cầu,...: 500$
Tiền di chuyển trong Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay, bus và taxi: 250$
Tiền ăn: 500$

Còn dĩ nhiên phần mua sắm này nọ thì chi phí mỗi người mỗi khác. Nhưng đúng là ở Thổ, rất khó từ chối những người bán hàng.


Mình post tạm vài tấm ảnh giữ cảm hứng cho hôm nay đã. Mai sẽ viết tiếp :)


%25255BCappadocia%252520-%252520Goreme%25255D%252520A%252520man%252520enjoyed%252520sunlight%252520in%252520front%252520of%252520a%252520store%252520of%252520carpet%252520and%252520kilim.JPG




100_3944.JPG


100_4445-001.JPG
 
Last edited:
Những người bán chuyện kể ở Sultanahmet

Chuyến bay của Emirates trôi đi yên ổn suốt những chặng trời mây từ SG- Dubai rồi từ Dubai-Istanbul. Sân bay Dubai lớn và có nhiều băng ghế dài cho những hành khách ngả lưng ngủ khi chờ transit. Những ai bay với Emirates và có thời gian quá cảnh trên 4 tiếng thì đều được tặng một phần ăn miễn phí ở Terminal 3.

Cuối cùng sau một quãng thời gian dài thật dài, nhóm đã đến Istanbul vào chiều tối ngày 25.4. Trời lúc đó vẫn còn se se lạnh một chút. Từ sân bay Ataturk về khu Sultanahmet, chúng tôi gọi taxi. Hoa tulip nở dọc theo hai bên đường. Đến tận lúc đó, tôi mới có cảm giác mình thật sự quay trở lại châu Âu độ cuối xuân rồi.

Khách sạn bọn tôi chọn ở trọ nằm ngay ở khu Sultanahmet, tên là Antique Hostel. Bọn tôi có 4 đứa nên vừa vặn thuê hết 1 phòng dorm cho nữ, có 4 giường. Phòng ốc nhỏ nhắn, xinh xắn, giá tầm 20$/giường. Việc đầu tiên sau khi bung đồ ra là phải đi tìm đồ ăn. Quanh khu này có một vài nhà hàng, chất lượng cũng bình thường, không có gì xuất sắc lắm. Bọn tôi thử vài món bánh mì và kebab. Sau khi ăn xong thì 1 bạn đi về khách sạn nghỉ, còn 3 người còn lại đi tìm xem có tiệm tạp hóa nào gần đó để mua nước. Đây là phần mở đầu của câu chuyện.

Nếu kể theo điểm nhìn của cái đứa đi về khách sạn trước thì nó nằm hoài trong khách sạn chừng hơn 2 tiếng đồng hồ mà vẫn không hiểu sao không thấy đứa nào mang nước về. Không hiểu là tiệm tạp hóa ở xa lắm hay sao mà 3 đứa kia đi mãi không về được!

Còn nếu kể từ điểm nhìn của 3 đứa đi mua nước thì đúng là... đi mãi không về được. Mà thật ra cái chỗ mua nước chỉ cách khách sạn tầm 200-300 mét. Lý do là vì tất cả những người bán hàng ở đây không bán hàng mà bán chuyện kể. Bạn đi qua cửa hàng của họ, chỉ tình cờ liếc mắt vào thì họ đã chạy ra hỏi han bạn, kéo bạn vào, kể chuyện này chuyện kia, mà chuyện nào cũng rất thú vị. Có người còn kéo tay bạn để chỉ cho bạn thấy trong quầy hàng của họ có bầy mèo con mới sinh rất dễ thương. Cuối cùng, bọn tôi gặp một cậu trai rất đáng yêu, khăng khăng hỏi: "Các cô thấy thảm bay chưa? Vào đây tớ cho xem thảm bay nhá!" Bọn tôi bảo: "Không, bọn tôi không mua gì đâu nhé." Cậu trai lại bảo: "Không mua cũng được, vào đây xem thảm bay đi." Thế là bọn tôi bước vào cửa hiệu của cậu. Cậu mang ra một cái thảm nhỏ chừng bằng một mặt bàn uống trà và quay tít nó trên đầu rồi ném xuống đất, sau đó lại nhặt lên, lặp lại hành động và ném xuống, trải ra mặt khác của thảm. Và rồi cậu bắt đầu bô lô ba la kể về chuyện cái thảm bay ở xứ Ả rập như thế nào. Cậu mời chúng tôi lên ngồi ở phòng trưng bày thảm ở tầng trên. Thế là chúng tôi được mời ly trà táo đầu tiên. Rồi cậu kể chuyện. Kể mãi, kể mãi chuyện đông chuyện tây thì cậu kể đến chính cậu. Cậu hóa ra còn trẻ măng, bỏ học college nửa chừng. Nói đến đây cậu làm vẻ mặt nghiêm túc: "Nhưng tôi biết rằng ở trong tôi, trái tim này luôn luôn chính trực."

100_2874.JPG


Bọn tôi có bài học tiếng Thổ đầu tiên. Chữ cám ơn (Tesekkur ederim) là một cụm gì đó rất rất dài mà sau cùng cậu trai bảo: "Thôi các chị cứ đọc nó thành "Tea, sugar and cream" (mà sau đó bọn tôi đi đâu nói cụm từ này, cũng chả có ai hiểu, dĩ nhiên)

Cậu rủ chúng tôi cùng sang quán kế bên, khoảng 9-10h tối gì đó sẽ có điệu vũ dervish. Nhạc đã bắt đầu lên rồi nhưng bọn tôi không sang được. Bạn ở khách sạn hẳn đã chờ nước lâu lắm và chúng tôi cũng hơi hơi mệt sau một chuyến bay dài.


Ở khu Sultanahmet, chúng tôi biết được đặc điểm đầu tiên của những người bán hàng Thổ. Thật ra chẳng mấy ai mua thảm, mua đồ lưu niệm này nọ ở ngay khu này cả. Người ta sẽ đi Grand bazaar, sẽ đi những nơi khác,... Nhìn những người bán hàng trong những con đường nhỏ nhỏ ở Sultanahmet, tôi thấy có gì đó nơi họ như thể là một sự cố gắng tìm chút gì khuây khỏa trong lúc chờ đợi lượt buôn bán. Và họ giải khuây bằng cách trò chuyện với những du khách. Thật ra, nhìn theo cách nào đó, tôi nghĩ họ hơi cô đơn trong khu thành cổ này.
 
Last edited:
Ở Sultanahmet, thời gian không trôi

Theo những gì tôi nhớ được, cuối tháng tư ở châu Âu trời đã hơi ấm ấm, hoa bắt đầu nở.
Không ngờ tháng tư năm đó, trời còn lạnh. Hoa thì cũng đã nở lác đác vài nơi nhưng sắc trời xám, thi thoảng lại mưa. Vì thế nên khu Sultanahmet có gì đó hơi u buồn.


100_2914.JPG

Buổi sáng sớm một ngày gần cuối tháng tư, tôi thức dậy vì tiếng kinh cầu đã len qua kẽ hở của những ô cửa sổ. Từ giường nằm, tôi nhìn ra được chóp nhọn vút cao của Blue Mosque gần đó. Tất cả như nhắc tôi rằng mình đang ở Istanbul.

Tôi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ từ gần nửa năm. Nghĩa là trong ngần đó tháng, tôi bắt đầu chất vào đầu những thông tin và kiến thức về đất nước kỳ lạ này. Khi đặt bước chân đầu tiên xuống sân bay Atatürk tôi tự lẩm nhẩm trong đầu về thành phố nằm vắt qua hai miền Âu Á, về những di tích lịch sử của đế chế Ottoman, về thứ gạch men xanh huyền thoại,…

Bọn tôi ngẩn ngơ, hối hả đến mệt nhoài ở những di tích quánh đặc lịch sử và dằng dặc khách tham quan, như Tokapi Palace, Blue Mosque, Balisica Cistern rồi Hagia Sophia. Riêng Tokapi thì lận đận, xếp hàng 2 lần mới vào được. Sau đó bọn tôi còn quay lại Tokapi thêm 2 lần nữa vì ở đây có khuôn viên bên ngoài khá đẹp và dễ chịu.… Tôi sợ tôi bỏ lỡ mất một mẩu lịch sử nào mà sách từng nói đến. Hình ảnh và thông tin về các nơi này thì trên internet và các sách đã nhắc nhiều lắm rồi. Câu hỏi lớn nhất (nhất là với dân du lịch tự do không theo đoàn) khi đến các địa điểm này sẽ là : thuê tour guide hay không? Vừa đọc sách vừa dò bản đồ mà phòng thông tin du lịch cấp hay là mướn audio guide? Hay là không cần cái nào cả, đi người không vào cũng được rồi? Bạn biết đó, có một sự khác biệt lớn khi bạn nhìn một bức tường và biết được rằng họa tiết bông tulip trên nền gạch men là đặc trưng, là biểu tượng của đế chế Ottoman, so với việc bạn nhìn nó và chỉ thấy nó là một viên gạch có in một cái bông đẹp đẹp.

Câu trả lời là: tùy vào độ chi tiết của thông tin, chú thích ở các di tích. Chúng tôi bắt đầu với Hagia Sophia và sử dụng audio guide kết hợp với đọc quyển Lonely planet. Phần audio khá ngắn gọn, thông tin cung cấp cũng đầy đủ nhưng cũng được nêu khá nhiều trong Lonely planet. Lúc chúng tôi đến, Hagia Sophia đang trùng tu một vài chỗ, nhưng du khách vẫn đông vô cùng.




100_3158.JPG


Hàng người chờ vào tham quan Hagia Sophia

InstagramCapture_a8ca92cf-cd94-43ad-824d-92d6d7d3d26f_jpg.jpg


100_2979.JPG


100_2994.JPG


InstagramCapture_98cccf57-28ce-4005-a732-dd110a18f0b0_jpg.jpg




100_3014.JPG

Balisica Cistern (trước đây là hầm nước ngầm của thành phố) cũng tương tự vì họ có phần chú thích thông tin khá kỹ. Và thứ thú vị ở đây là đầu Medusa ở cuối đường hầm. Một trong hai cái đầu được đặt ngược mà các sử gia cũng không rõ vì sao. Họ nghĩ là chắc cổ nhân đặt tùy hứng.

Thế nhưng đến Tokapi và Blue Mosque thì mọi chuyện không suôn sẻ như thế. Chúng tôi quyết định không dùng audio guide nữa mà chỉ xem thông tin ở Lonelyplanet. Nhưng phần thông tin này quá ngắn, quá vắn tắt so với những gì chúng tôi đang thấy. Lúc ở Blue mosque, vì đứng cạnh một group tour có tour guide nói tiếng Pháp nên tôi cũng dỏng tai lên nghe thử xem họ nói những điều gì khác biệt so với sách. Hồi trước, lúc đi học môn Lịch sử nghệ thuật, tôi cứ hay càu nhàu là trời ơi, vì sao phải học xem kiến trúc đặc trưng của nhà thờ kiểu Roman khác với kiểu Gothique thế nào, học cái này xong thì biết làm nghề gì. Ấy thế mà bây giờ nghe người tour guide nói, tôi đã hiểu. Anh kể cho du khách nghe về lịch sử của những viên gạch xanh, những đặc trưng kiến trúc của đền có gì thú vị, những chữ cái và biểu tượng... Tôi nghĩ những cái đó đáng giá để biết, vì sau mỗi công trình đều có lịch sử và nghệ thuật. Đó là sự khác biệt lớn giữa đọc Lonely Planet và có một người kể cho mình nghe câu chuyện về nơi mình tham quan.


Chuyện tương tự xảy ra ở Tokapi. Thật sự đây là một sự thất vọng với chúng tôi khi vào khu hậu cung mà không có hướng dẫn. Những căn phòng được ghi chú bằng những cụm từ hết sức ngắn gọn: "Căn phòng có lò sưởi", "Khu ở của cung phi", "Phòng có cửa sổ phía đông/tây" gì đó,... Sau khi đi qua chừng độ 5-6 căn phòng như vậy thì người không biết gì về lịch sử, không có gì để tham khảo về đời sống đế chế Ottoman thuở trước sẽ cảm thấy ôi dào, lại một căn phòng toàn lát đá xanh, ngán phán ốm! Đó còn chưa kể đến việc Tokapi là một quần thể khá rộng, đi mòn đi mỏi với lượng thông tin mù mờ thì quả thật rất đáng buồn. Tuy nhiên phần bảo tàng về những kho báu của đế chế Ottoman trong khu Tokapi lại là một điều vô cùng thú vị, không nên bỏ qua :)


Tóm lại, hãy tìm một người tour guide kể chuyện cho bạn khi đi vào những nơi như vậy. Hầu như trước cửa các di tích đều có tour guide đứng đó. Họ có mang theo bên người bằng cấp cùng ghi chú loại ngôn ngữ họ giao tiếp được và theo như tôi biết thì ở Thổ, chỉ những hướng dẫn viên có bằng cấp mới có thể hành nghề.

Một trong những điều dễ thương của Sultanahmet là khuôn viên bên ngoài di tích. Ngoài những đóa hoa khảm trên những viên gạch mấy trăm năm tuổi, họ còn có những bông hồng, bông tulip tươi tắn khoe sắc trong những khu vườn bọc quanh đền đài thành quách cũ. Những mới cũ đan xen như vậy làm cho vẻ nặng nề của di tích được lắng xuống rất nhiều.

InstagramCapture_9da2bf5c-23f2-4056-934f-ba695d1d958f_jpg.jpg


WP_20140428_21_54_55_Pro.jpg



Vào buổi chiều ngày thứ ba của chuyến hành trình, tôi ra khỏi những mái vòm của Tokapi Palace và bảo người bạn đồng hành rằng: “Em thấy mình già đi thêm ít nhất là năm trăm tuổi… Em chợt nhớ ra rằng em không phải đang ở Constantinople, em đang ở Istanbul.” Cái suy nghĩ này thành hình khi tôi nhớ ra bài hát này: Istanbul (not Constantinople)

https://www.youtube.com/watch?v=Wcze7EGorOk


Tôi muốn tiếp tục những ngày còn lại ở Istanbul bằng những cảm giác khác. Tôi muốn nhìn thành phố này trong sự sống trẻ trung và sống động với màu sắc bạt ngàn hoa tu líp trên từng góc phố, trong ánh sáng dịu dàng xuyên qua những tán cây, trong đôi mắt của lũ mèo hoang nằm lười biếng trong những bụi cỏ hai bên đường, trong tiếng đập cánh của những con hải âu từ vịnh Marmara bay về qua từng con phố nhỏ, trong cảm giác se se lạnh đến từ cơn mưa xuân mờ mịt hai bờ thành phố. Tôi là một du khách chậm rãi, tôi không chịu nổi đời sống đô thị quá gấp gáp, nhưng những bảo tàng và di tích ở khu Sultanahmet cũng làm tôi thấy rã rời vì có cảm giác đời sống dường như bất động, không hề trôi chảy.
Vậy là chúng tôi rời bỏ những di tích im lặng để tìm đến những nơi cuộc sống vẫn đang diễn ra.

(phần này tôi sử dụng lại vài đoạn trong bài tôi đăng trên Haper Bazaar năm ngoái)
 
Last edited:
Istanbul của những con mọt sách

Chúng tôi ghé vào một tiệm sách tên là Galeri Kayseri nằm ngay gần bến tram Sultanahmet để tìm bản đồ. Thay vì thế, chúng tôi lại tìm được cuộc trò chuyện thú vị với một người bán sách đeo kính râm, ngồi sưởi nắng ngay trên con đường chính của khu Sultanahmet.

Trước chuyến đi chừng 1-2 tháng, trên NY Times tôi đọc được một bài viết về cuộc du hành cùng Orhan Pamuk và ấn tượng của ông ấy với Istanbul.

http://www.nytimes.com/2014/02/02/travel/orhan-pamuks-istanbul.html?_r=0

Orhan Pamuk không dễ đọc, tôi chả bao giờ đọc xong quyển Tên tôi là đỏ, quyển Pháo đài trắng càng không. Cuốn Istanbul thì dễ chịu hơn. Tạng kể chuyện của ông ấy không hợp với tôi. Nhưng bài báo trên NY Times có một giọng văn và không khí như mờ mờ ảo ảo, bàng bạc kiểu một chiều trên Bophorus, đại loại là một kiểu giọng văn dễ nhuốm người đọc chìm vào bầu không khí mơ màng tưởng tượng. Quan trọng nhất là ở cuối bài báo, tôi thấy họ ghi chú về Bảo tàng của sự thơ ngây. Người đọc sách có nhiều loại. Người du hành cũng có nhiều loại. Người thích đọc sách và thích du hành kiểu như tôi thì lại thích những ý tưởng có vẻ fantasy. Mỗi khi đi đâu đó xa nhà mà thấy một tiệm sách thì tôi cứ hay có cảm giác như là về lại được nơi thân quen.

Tôi không kìm được sự tò mò khoái chí khi bắt được một bác bán sách ngay giữa Istanbul. Tiệm của bác không to lắm, nhưng có mặt bằng nằm ở cả bên này và bên kia đường. Chủ yếu là sách về văn hóa, du lịch và cũng kha khá sách văn học. Khi tôi hỏi có phải đúng thật là đằng sau mỗi cuốn The museum of innocence của Pamuk đều có in một chiếc vé vào cửa bảo tàng của chính cuốn tiểu thuyết này không, bác bán sách Ali tinh quái nheo mắt nhìn tôi vào bảo: “Đúng thật là thế, nhưng cô thích sưu tầm chiếc vé thì hãy đến và mua vé vào cửa, đừng mua quyển sách. Còn về cá nhân tôi, Pamuk không phải là nhà văn yêu thích của tôi.” Và bác đưa cho tôi một quyển sách khác, Portrait of a Turkish family. “Hãy thử với thứ mà cô chưa từng biết. Đừng cố tìm lại những gì cô thấy quen thuộc. Cô sẽ mất đi cuộc phiêu lưu của mình.” Cuối cùng, bác chốt lại rằng nếu muốn nghe những câu chuyện, hãy đến hỏi những người bán hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở đây họ là những tay kể chuyện tài ba bậc nhất.

100_2903.JPG


Con mèo hay ngồi sưởi nắng cùng bác Ali trước cửa tiệm sách.




Nói thêm một chút về những quyển sách có thể đọc trước khi đi Thổ, hoặc mang theo khi đi Thổ, tôi nghĩ cuốn Istanbul của Pamuk thật ra không phải là ý tệ. Tôi lượm lặt được từ đó một ít kiến thức về lịch sử, về cảnh sắc, về xung đột văn hóa của người Hy lạp và người Hồi giáo (mà khi đến ngắn sự đan xen kiến trúc của vùng Cappadocia thì sẽ hiểu), về những con chó hoang trong thành phố bị đưa ra đảo vắng.... Ngoài ra, trong một buổi sáng nọ, thức dậy ở Ugrup và khám phá những quyển sách trên kệ của khách sạn (bạn biết đó, đó là nơi chốn mà lắm khi bạn tìm thấy những điều rất bất ngờ), tôi gặp quyển Bright Sun, Strong Tea của Tom Brosnahan. Đây là một quyển sách khá duyên của một người thật sự "nghiện" đất Thổ. Những trải nghiệm và lối dẫn dắt của tác giả đem lại cảm giác giống như có ai đó rủ rỉ kể mình nghe về chỗ này chỗ kia trên những cung đường.

Nói chung những quyển sách kiểu như là viên gạch lót đường cho khách du lịch. Chúng tạo ra một thứ "văn cảnh", làm cho khung cảnh và người du hành có chuyện này chuyện kia mà ồ à tỉ tê với nhau.

Thế là tôi cầm lấy cuốn Chân dung một gia đình Thổ. Chúng tôi trò chuyện một lúc, bác chỉ đường cho chúng tôi đi đến nơi này, nơi kia. Ngày hôm sau, chúng tôi lần mò tìm đường đi đến những địa điểm tham quan ở Sultanahmet. Vì cửa hàng của bác nằm ngay trên trục đường chính, mà lúc đi ngang, bọn tôi thấy bác đang ngồi sưởi nắng cùng con mèo già, nên bọn tôi ghé vào chào bác. Bác nheo nheo mắt cười, hỏi bọn tôi tính ăn trưa ở đâu. Bọn tôi bảo, chắc đâu đó trong khu Sultanahmet này thôi. Bác hỏi thế mấy hôm nay ăn thế nào, có thấy ngon miệng không? Bọn tôi thật thà bảo, ăn thua hên xui, có bữa cũng tạm, có bữa cũng hơi dở. Bác cười ngất và bảo để bác chỉ cho một nơi giá cả cũng tương đương mà đồ ăn thì ngon hơn nhiều. Đây là nơi dân local hay đến ăn. Nó không nằm ngay mặt đường nên ít du khách biết.

Địa chỉ của tiệm sách Galeri Kayseri cho những ai muốn ghé thăm bác Ali và trò chuyện một chút về những quyển sách (hoặc về... Nar Lokanta :D )

Divanyolu Caddesi 11
Sultanahmet 34122, Istanbul
 
Last edited:
... và những kẻ háu ăn

Trưa đó, theo lời giới thiệu của bác Ali, chúng tôi đến ăn ở Nar Lokanta, một nhà hàng rất đẹp và sang trọng ngay gần Grand Bazaar. Nhà hàng nằm trên tầng 5, các tầng dưới lư càng hàng và triển lãm về thực phẩm, may mặc, khá đẹp. Nhà hàng khá rộng, thực đơn món ăn phong phú, nhiều lựa chọn, nhân viên thân thiện và nhanh nhẹn. Buổi trưa nhà hàng đầy thực khách, có rất nhiều expat. Bọn tôi có môt bữa ăn ê hề vời đầy đủ màu sắc, hương vị và cả âm nhạc nữa. Phần tráng miệng khác thú vị, có nhiều lựa chọn như buffet vậy và thực khách sẽ đi một vòng chọn những món mình thích rồi tính tiền. Thật sự nếu so sánh với các quán ngay gần Haya Sophia và Blue Mosque thì Nar Lokanta là một đẳng cấp khác.

InstagramCapture_cff709b0-a4f8-4eb7-b2a3-56b28e13fc8f_jpg.jpg


Bữa ăn của chúng tôi tại Nar Lokanta​

Về chuyện ăn uống thì Istanbul còn cung cấp cho những đứa háu ăn như chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị khác.

Một số hostel có phục vụ ăn tối. Ví dụ như hostel mà chúng tôi ở. Thường thì những bữa này sẽ không ngon lắm, nhưng vì một lý do trục trặc về khâu sắp xếp phòng ở nên khách sạn offer cho chúng tôi một bữa tối. Thực đơn của khách sạn đại loại sẽ thay đổi theo (vài) ngày và được viết lên bảng trước cửa như vầy:


100_2923.JPG

Bữa ăn không ngon lắm, súp hơi mặn, đậu chưa nhừ, khách vắng teo (dĩ nhiên). Nhờ thế mà bác đầu bếp bỏ cả bếp nấu ra lân la trò chuyện với chúng tôi. Rồi bác hỏi chúng tôi đi du lịch thế nào, đi bao nhiêu nơi rồi, đời sống ở Việt Nam ra sao, vé máy bay từ Việt Nam qua đây bao nhiêu. Bác lẩm nhẩm tính lương của bác rồi ngồi thừ ra bảo có lẽ bác chẳng bao giờ đi nổi nơi này nơi kia. Khách sạn thì cứ đón hết đợt khách xê dịch này đến đợt khách xê dịch khác mà những người như bác thì cứ đứng chôn chân nhìn mãi...Rồi bác kể chúng tôi nghe về những ngày Istanbul lạnh, những ngày mưa, biển và trời đổi màu thế nào. Món ăn nguội, nhưng câu chuyện kể thì lại âm ấm.

Ngoài bữa tối tại khách sạn, chúng tôi còn thử ăn đây đó vài chỗ khác. Tình cờ chỉ vài ngày trước khi đến Istanbul, tôi đọc được rằng ở ngay giữa dòng sông ngăn cách đôi bờ Âu Á có ngọn hải đăng được xây từ thời Byzantine, tên là Tòa tháp của trinh nữ (The maiden’s tower), nay đã trở thành một nhà hàng nhỏ xinh khá nổi tiếng. Có nhiều câu chuyện lịch sử xung quanh lý do xây dựng công trình này, nhưng đầu óc đầy mộng mị của tôi lại chỉ nhớ nhất một truyền thuyết về tên ngọn hải đăng. Họ kể rằng một vị vua nọ quá đỗi yêu dấu người con gái của mình nên đã xây tòa tháp này cho cô ẩn náu, để cái chết không bao giờ tìm đến cô được. Nhưng cô cũng không thoát khỏi định mệnh. Một ngày kia cô nhận được một giỏ nho từ bên ngoài gửi vào. Bên trong có con rắn độc chực chờ sẵn và nó cướp đi sinh mạng của cô gái.

Bị câu chuyện mê hoặc nên tôi quyết định sẽ dành một buổi tối ở nơi này. Nhà hàng hẹn đón tôi ở bến tàu và sẽ dùng tàu nhỏ của họ để đưa tôi đến ngọn hải đăng dùng bữa tối. Trong lúc chờ đến giờ hẹn, tôi đi lang thang ở khu Karakoy, nhìn ngắm vịnh Bosphorus xao xác cánh hải âu và những chuyến tàu thay phiên nhau rời bến. Vào ngày nắng đẹp, hai bên cầu chi chít cầu câu của dân câu tự do. Họ câu cá ngay trên cầu vào buổi sáng rồi ngay lập tức bán lại cho nhà hàng dưới chân cầu. Đến chiều, số cá còn lại được bán cho những xe bánh mì rong, nướng tại chỗ, làm thành món ăn lót dạ khá đơn giản và ngon: bánh mì cá, chỉ có vài lira một phần. Cái món ăn đơn giản vậy thôi: cá nướng, rắc một tí muối, bỏ vào bánh mì, ăn nóng, vậy mà trời ơi là ngon. Lúc đầu khi ăn thử miếng đầu tiên, cảm giác của tôi đúng là: thật không thể tin nổi. Có lẽ tất cả là nhờ con cá quá tươi lại còn hơi béo béo một tí, bánh mì quá nóng, không khí quanh Bosphorus lại hơi lạnh lạnh... Cái món rẻ tiền mà ngon đến mức sau khi từ Cappadocia về lại Istanbul, trời muộn quá rồi, gần 10h tối mà tôi đói bụng, tôi hỏi người phục vụ ở hostel xem anh ta có biết quanh đây có chỗ nào còn bán gì đó ăn được, anh ta bảo: "Em ăn được bánh mì cá không?", tôi suýt nữa nuốt cả lưỡi của mình. Những người bán bánh mì cá tập trung quanh Bophorus, nếu bạn không tìm được họ bên này cầu thì hãy chịu khó đi sang bờ bên kia cầu. Lúc 10h tối, khi tôi men ra bờ cầu, tôi vẫn may mắn gặp được vài người bán bánh mì cá đang cặm cụi nướng cá mưu sinh.


100_3370-002.JPG


Cần câu vươn dài ra ở Bosphorus

100_3361.JPG


Cá câu được tai chỗ

WP_20140427_23_45_29_Pro-001.jpg


InstagramCapture_37323d30-5fe3-46c9-8e10-039f3bcf8db7_jpg.jpg


Và không khí, cảnh sắc xung quanh, khói tàu cùng những con hải âu cứ như từ trong những nước phim xưa cũ.



Buổi chiều lạnh hôm đó, quanh quẩn chờ một lúc lâu mà không thấy tàu của nhà hàng đến đón như đã định, bọn tôi đành đi gọi điện hỏi. Hóa ra... chúng tôi đứng sai bến. Bến cần đến là Kabatas nhưng chúng tôi đã xuống sớm một bến ở Karakoy. Chúng tôi đành đi tiếp bến Katabas trong sương giá của tối tháng tư. Tàu của nhà hàng The maiden’s tower đến đã chờ sẵn. Người phục vụ cầm sẵn danh sách khách đặt chỗ trước để kiểm tra số người lên tàu. Trời bắt đầu lạnh. Ngọn hải đăng không nhuốm màu u ám như câu chuyện tôi từng đọc. Nơi này giờ trở thành một điểm hẹn hò ăn tối lãng mạn của nhiều cặp tình nhân. Tôi nhìn thấy một cặp tân hôn, cô gái vẫn còn mặc váy cưới, má hồng lên dưới ánh nến của nhà hàng.

Menu được chia sẵn làm hai lựa chọn, mỗi lựa chọn gồm 4 món (bao gồm cả tráng miệng). Chất lượng thức ăn thuộc mức bình thường, quang cảnh đẹp đẽ, có người chơi nhạc, có nến, nhưng cái lạnh từ buổi chiều ở Bosphorus và chuyến đi ngắn trên tàu thủy đã kịp ngấm vào tôi và cả bữa tối, tôi run rẩy không kém gì ngọn nến và không còn thấy ngon miệng. Thật ra nếu có thể lựa chọn lại, tôi nghĩ đến đây vào bữa trưa có lẽ sẽ là lựa chọn tốt hơn để thưởng thức cảnh từ bàn ăn (và khỏi có cảm giác lãng phí tiền cho trải nghiệm dùng bữa ở điểm nằm giữa hai châu lục này).
 
Re: ... và những kẻ háu ăn

Một số hostel có phục vụ ăn tối. Ví dụ như hostel mà chúng tôi ở. Thường thì những bữa này sẽ không ngon lắm, nhưng vì một lý do trục trặc về khâu sắp xếp phòng ở nên khách sạn offer cho chúng tôi một bữa tối. Thực đơn của khách sạn đại loại sẽ thay đổi theo (vài) ngày và được viết lên bảng trước cửa như vầy:


100_2923.JPG

Dù bữa ăn không ngon nhưng 15 lira chắc là quá rẻ cho một cuộc trò chuyện và cho những nét vẽ đơn giản mà đầy đủ thông tin trên menu :)

Gần đây mình có xem chương trình gọi nôm na là du lịch ẩm thực của Ainsley Harriott, có môt episode về Istanbul nhìn rất hấp dẫn từ đồ ăn tới con người tới đường phố..

http://www.sbs.com.au/ondemand/video/490345539594/ainsley-harriotts-street-food-istanbul
 
Bí mật của Grand Bazaar

Chúng tôi đến một nơi mà có lẽ bất kỳ ai thăm Istanbul đều đã đến: Grand Bazaar. Một điểm cần lưu ý đó là Grand Bazaar đóng cửa vào chủ nhật (tuy nhiên dạo chơi Istanbul vào ngày chủ nhật là một điều cũng rất thú vị, đường phố vắng hơn, yên ả hơn, dễ chịu và thư thái hơn).

100_3198.JPG


Vào ngày chủ nhật, Istanbul sẽ vắng vẻ thế này​

Dĩ nhiên, như mọi người xứ lạ đến đây, chúng tôi lạc đường trong mê cung này. Tôi không biết mình đã xoay bao nhiêu vòng quanh những cửa hàng na ná như nhau ở đây. Khi đó Grand Bazaar là một nỗi thất vọng lớn đối với tôi: cảm giác như thể dòng chảy của thời gian đã cuốn phăng đi những gian hàng và lối buôn bán truyền thống, phủ đắp đầy lên nó những mặt hàng nhập từ tứ xứ về, hầu như chỉ phục vụ khách du lịch. Những món hàng thì không có gì đặc biệt hơn ngoài sản phẩm đặc trưng của Thổ, nhan nhản trong bất kỳ cửa hàng lưu niệm nào: gia vị, trà, lukum (một loại đồ ngọt rất nổi tiếng ở Thổ), khăn choàng cashmere, đồ gốm, khăn thêu,… Ai cũng vội vã và chen chúc, làm tôi tưởng như mình đang ở trong một thành phố nhỏ, bận rộn. Tôi hoa mắt dến nỗi chỉ muốn thoát khỏi chỗ này càng nhanh càng tốt.

Có một vài thứ mà người Thổ đặc biệt giỏi, đó là làm đồ trang sức, gia vị, gốm sứ,... Nhưng thật ra khi ở trong một mê cung như vậy, mua sắm không còn là một thú vui mà thành gánh nặng. Những người bán hàng không trực tiếp làm ra các món đồ nên họ cũng không có nhiều chuyện kể cũng như không có nhiều thời gian dành cho khách.

Mãi cho đến gần cuối chuyến đi, một người bán hàng đáng mến ở làng Uchisar mới kể cho tôi nghe rằng Grand Bazaar không phải chỉ hời hợt có thế (tôi sẽ viết về người bán hàng đáng mến ở Uchisar này :) ). Grand Bazzar vẫn giấu trong nó những huyền thoại. Một vài cửa hàng lâu đời trong chợ có gian tầng lửng bên trên. Đó là nơi những thợ thủ công tài hoa bậc nhất chế tác các món hàng tinh xảo. Những gian lửng này không chào đón khách vãng lai, du khách và thậm chí ngay cả những người bản địa cũng phải có giấy chứng nhận kinh doanh thì mới có thể đặt chân vào lãnh địa thần bí này.

Ở gần Grand Bazaar có một vài điều thú vị, ví dụ như chúng tôi tìm thấy một hàng ăn có món cánh gà ngon một cách ký lạ (đến nỗi đợt sau chúng tôi phải lần mò quay trở lại bằng được), hoặc một vài mosque xung quanh. Buổi hôm đó tôi đến Grand Bazaar vào đúng giờ làm lễ của người bản xứ. Dọc ngang các con đường, họ quỳ xuống trên tấm thảm trải.

Beyoglu - một góc kính vạn hoa của Istanbul

Nếu như bạn hỏi bất kỳ một người Istanbul nào và hỏi xem nơi nào trong thành phố này sôi động nhất, đông đúc nhất, hẳn người đó sẽ chỉ tay về hướng khu Beyoglu. Một điều rất lạ lùng rằng đa phần các du khách trước khi đến với Istanbul đều nằm lòng rằng đây là đô thị nằm giữa hai bờ Âu Á, rằng ở nơi đây dòng chảy của lịch sử để lại những vết tích giao thoa của nền văn hóa Tây và Đông, thế nhưng đa phần họ sẽ mải mê lạc trong khu phố cổ Sultanahmet, nơi in đậm nét lịch sử của đế chế Ottoman hơn là xuôi về phía Begoyglu để nhìn thấy một Istanbul duyên dáng với những tòa nhà mang đậm dấu ấn của văn hóa Tây Âu.

IMG_1001.JPG

Bồ câu ở quảng trường Taskim​

Từ một vườn trái cây năm nào, Beyoglu trở thành một khu vực mang đậm dấu ấn của kiến trúc Pháp với cơ man là nhà hát, tiệm bánh ngọt và các cửa hàng thời trang dọc theo con phố Istiklal. Bọn tôi bắt tram đến Taskim, nơi vào cuối tháng tư, dẫu trời còn se lạnh, nhưng cả quảng trường đã rợp kín những bóng câu xam xám. Cũng ở nơi này, Istanbul sẽ làm se lòng những kẻ hoài cổ vì chở chút hoài niệm về những năm cuối thế kỷ 19 trên chiếc tàu điện màu đỏ còn nguyên hình dạng như thuở xưa. Trong những cuốn sách, tôi tìm thấy nhiều bức ảnh chụp vào mùa hè, những mái vòm trên con phố này nở rộ đầy hoa rực rỡ.

Buổi tối ở khu Taskim, giới trẻ tụ hội về đây quanh những con đường mua sắm hiện đại, ăn uống tấp nập. Những cửa hàng bán kebab với những xúc thịt lớn quay tròn tỏa ra thứ mùi hương rất ấm áp, mời gọi. Taskim và khu Beyoglu cho người ta cơ hội hít thở một bầu không khí của nhịp sống đương đại, nhìn những con người cùng thời trò chuyện giao lưu và sống.

Những ngày chúng tôi ở Istanbul, trời xám, u ám và đôi khi mưa nhẹ. Những ngày sau đó, khi chúng tôi từ Cappadocia trở về, Istanbul vẫn đón chúng tôi bằng bầu trời nặng như thế. Chúng tôi đành dời khỏi Istanbul, đi tìm nắng ấm ở một làng nhỏ ven biển, Alacati.
 
Alacati trong giấc ngủ quên đầu xuân

Khi chọn lựa điểm đến trong hành trình, một trong những nơi chúng tôi thường thích là các làng nhỏ. Ở những nơi này, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với dân bản xứ hơn, quan sát được đời sống chân thực của vùng đất ấy, bớt được một lớp màng bọc "du lịch". Điểm duy nhất hơi bất tiện chính là ở nhiều nơi, họ không nói tiếng Anh.

Chúng tôi tìm thấy Alacati trên một trang web nào đó về các làng nhỏ vùng phía Tây của Thổ. Chúng tôi cân nhắc chọn một địa danh, rồi cuối cùng không chọn Ölüdeniz hay Pamukkale mà chọn một ngôi làng nhỏ xíu tên Alacati. Alacati thuộc vùng Cesme, là vùng nghỉ hè nổi tiếng của dân cư quanh vùng Izmir và Istanbul. Trong hàng loạt những làng chài nhỏ ở vùng này, chúng tôi chọn Alacati, nơi không nằm ngay sát biển nhưng có những căn nhà gợi nhăc vùng Địa Trung Hải.

Chúng tôi lấy máy bay từ Istanbul bay đi Izmir. Vé máy bay 32$. Từ sân bay Izmir có bus đi về Alacati, hết khoảng 3$. Bus đậu ngay ngoài sân bay. Lúc xuống sân bay, chúng tôi hỏi một cô nhân viên sân bay xem làm sao bắt được bus đi Alacati. Chúng tôi đọc tên địa danh là " A- la- ca- ti" và cô ấy ngẩn ra một lúc rồi à lên. Hóa ra chữ đó không đọc như thế, chữ "c" phát âm gần giống "ch" và chữ "ti" thì chỉ là một âm "t" thôi.

Tầm giữa trưa chúng tôi đến nơi. Chủ khách sạn là một người không biết tiếng Anh nhưng phòng ốc lại dễ thương vô cùng.

101_3470.JPG


WP_20140429_18_23_06_Pro.jpg



Chúng tôi bung đồ ra rồi quyết định dạo quanh làng xem có gì ăn không. Đến lúc này chúng tôi mới phát hiện ra cả làng vắng tanh. Cả làng Alacati đầy những boutique hotel và cafe xinh xắn, nhưng hầu hết đều đóng cửa vì chưa đến mùa hè. Một vài nhà hàng khép cửa hờ hờ, quá đói, chúng tôi đành gõ cửa rồi hỏi vọng vào. Họ bảo bây giờ chưa phải mùa du lịch. Khi tôi dừng lại trước một nhà hàng để hỏi về bữa trưa, bà chủ quán ái ngại trả lời rằng mùa này bà chỉ làm việc vào ngày cuối tuần và các ngày lễ.


101_3488.JPG


100_3586.JPG

Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy một nhà hàng duy nhất mở cửa và được ăn bữa trưa vào lúc 4 giờ chiều. Thức ăn dành cho những kẻ háu đói phải đi vòng vèo quá xa, nên không thể không cảm thấy quá ngon. Ăn xong, chủ tiệm còn mang ra tặng mỗi người một quyển sổ làm kỷ niệm. Câu chuyện khó khăn về đường ăn uống còn tiếp tục đến buổi tối. Chúng tôi lại tìm khắp làng mà không thấy chỗ nào mở cửa. Mãi cho đến quảng trường, chúng tôi mới thấy một cửa hàng nọ có vài người đang ăn uống ngoài trời. Chúng tơi vội lao đến. Họ mời chúng tôi ngồi, sau đó họ lục tung bếp, tìm thấy được vài con cá. Bánh mì thì phải chạy sang nhà hàng xóm mượn. Hóa ra không phải họ mở nhà hàng mà họ là thành viên trong gia đình đang ngồi ăn với nhau. Bọn tôi đến, than đói quá nên họ cũng vui lòng đem đồ nhà ra nấu nướng. Họ không nói được tiếng Anh nên còn gọi điện, triệu một cô họ hàng nào đó bập bẹ được ít tiếng Anh đến để hỏi xem chúng tôi có cần gì nữa. Lòng hiếu khách của người Thổ luôn làm tôi ngạc nhiên và cảm động hết lần này đến lần khác.


100_3555.JPG


100_3573.JPG


Mứt nhà tự làm và đem bán

100_3580.JPG

Ngoại trừ chuyện đó thì Alacati là một nơi khá dễ thương. Hoa hồng, olive, thông, trắc bá, phong lữ thảo (geranium) là những từ có thể dùng để miêu tả ấn tượng về cây cối của vùng này. Tôi có cảm giác như nhìn thấy lại một chút dấu ấn của những ngôi làng Hy lạp và những con đường nhỏ ở vùng Côte d'Azur.

Cuối tháng tư trời vẫn còn lạnh. Rời bỏ Istanbul lép nhép mưa sầm sùi, tôi may mắn tìm được hai ngày nắng ấm ở Alacati, dù google weather dự báo sấm chớp và mưa u ám đầy trời. Cảm giác trong lòng mình vừa có sự hân hoan của một ngày nắng ấm, vừa có chút ngẩn ngơ hoài niệm khi nhìn lên thấy màu trời xanh thẳm, không hề khác màu biển trong ký ức 5 năm trước là bao...

IMG_1819.JPG

Làng Alacati nhỏ xíu thế này thôi
Hôm sau khi chúng tôi đi vào trung tâm làng thì mọi thứ đông vui hơn, có nhiều góc vô cùng duyên dáng. Từ Alacati, đi taxi hoặc bus tầm 15-20 phút là ra đến biển. Và hình như cả làng cũng chỉ có 1 cái taxi ấy. Muốn gọi phải báo trước để anh lái taxi chạy về. Mùa xuân biển rất vắng, chỉ có vài con mèo hoang nằm giữa bụi hoa dại, yên lặng ngắm biển. Và biển thì tĩnh lặng, xanh ngắt.

InstagramCapture_87ea46af-16df-426f-b996-ac7d11c27c9a_jpg.jpg


IMG_1755.JPG



 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,539
Bài viết
1,153,543
Members
190,110
Latest member
b52gamevn
Back
Top