What's new

An Giang - vùng đất lưu dấu những huyền thoại thời mở cõi

Mình lập topic về tỉnh An Giang để cùng chia sẻ những địa điểm tham quan, những di tích lịch sử, những lễ hội văn hóa, những tên đất tên người đã từng lưu dấu từ thời đi mở cõi lại tại vùng đất địa linh nhân kiệt này ...
 
Re: An Giang - vùng đất lưu dấu những huyền thoại thời mở cõi - những điểm tham quan

Sơ lược 1 tí về quá trình hình thành của vùng đất An Giang này nhé :

Theo các sử liệu mình tổng hợp lại được từ nhiều nguồn trên các phương tiện thông tin thì ghi nhận lại quá trình hình thành của vùng đất An Giang này như sau:

Người Việt bắt đầu di cư đến vùng đất An Giang từ lúc nào, đến nay chưa thấy sử sách ghi chép rõ ràng. Tuy nhiên theo truyền thuyết dân gian và một số những vết tích còn lại, thì đã có một số nhóm người Việt gốc miền Trung vào đây từ rất lâu rồi …

Mặc dù cuộc sống ban đầu của những người tiền nhân đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng họ vẫn kiên trì tìm đất để sống. Họ thường ở rải rác dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu…

Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam đi kinh lược, thì đã thấy có người Việt ở vùng Bình Mỹ (Châu Phú), vùng Châu Đốc và vùng cù lao Cây Sao (cù lao Ông Chưởng). Tương truyền khi thuyền quân xuôi dòng Cửu Long (vào năm 1700), Nguyễn Hữu Cảnh ghé lại những nơi có người Việt ở để thăm hỏi và khích lệ mọi người giữ tình thân thiện dù không cùng chủng tộc. Ông cũng cho phép một số binh phu được ở lại theo ven sông vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Chợ Mới cày cấy làm ăn ….

Nhưng người lưu dân ở vùng Cù lao Ông Chưởng được gọi là dân “hai huyện” (Phước Long và Tân Bình). Họ được xem là mẫu mực về thuần phong mỹ tục, giữ vững được nếp ăn, nếp nghĩ của người Việt. Từ Chợ Mới đến Cái Hố theo lòng rạch Ông Chưởng, ta gặp một số gia đình cố cư, ông bà của họ đến đây cư ngụ từ đời Gia Long, Minh Mạng hoặc lâu hơn (6 đời)…

Ở Cù lao Giêng, có một địa danh xưa là bến đò Phủ Thờ. Phủ Thờ này là của họ Nguyễn từ Bình Định vào, con cháu ngày nay ở vào đời thứ 7, thứ 8, cư ngụ kề nhau đông đúc.Người Việt đi vào phương Nam lập nghiệp với cả gia đình cha mẹ, vợ con, và khi đã đến thì không thể về, vì quá xa…

Nhờ các chính sách của Chúa Nguyễn mà công cuộc khai hoang mở mang bờ cỏi phương Nam của lưu dân Việt ngày càng nhanh chóng.

Khi tỉnh An Giang mới thành lập, dọc theo hữu ngạn sông Tiền, dân cư khá đông, tập trung ở cù lao Ông Chưởng. Một số thôn, xã được thành lập. Riêng cù lao Giêng tuy không rộng lắm, nhưng sanh kế dễ dàng, nên qui tụ được 4 thôn.

Phía hữu ngạn sông Hậu, dân cư thưa thớt. Từ biên giới Việt – Miên xuống Long Xuyên chỉ có các làng Bình Thạnh Tây (đối diện Bình Thạnh Đông bây giờ), Bình Đức, Mỹ Phước.

angiang_ by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr

Vùng An Giang gồm 2 khu vực mới và cũ riêng biệt :

- Phía Tân Châu, Ông Chưởng, Chợ Mới dễ canh tác, dân đông, làng cũ, vì đã lập từ lâu .

- Phía hữu ngạn sông Hậu, là vùng rừng núi hoang vu, đất khó canh tác, dân thưa thớt, làng mới lập .
Hồi đầu thế kỷ XVII, phía sông hậu từ Châu Đốc xuống Năng Gù dân cư thưa thớt. Đầu nguồn, lòng sông hẹp, lượng nước phù sa không đủ sức tạo được giồng cao như sông Tiền. Chỉ có mấy khu vực cao ráo như khu chợ Châu Đốc, Mỹ Đức, Cái dầu...dân đến ở khá đông. Họ cất nhà sàn để ở, mùa nước nổi khai thác ác linh, làm lúa mùa, cuộc sống còn nghèo.

Từ xa xưa, chợ Thủ (huyện Chợ Mới) là một điểm dân cư tập trung bên cạnh điểm dân cư cù lao Giêng. dân cư đông đào, nhà cửa khang trang. Chùa miếu được xây dựng để làm nơi cầu nguyện, thờ phụng cho nhân dân trong vùng. Nghề thủ công phát triển từ lâu như nghề ươm tơ dệt lụa, nhất là nghề mộc của dân Chợ Thủ đã nỗi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và còn lưu truyền đến ngày nay. Dân cư ở những nơi này phát triển nhanh chóng. Từ đây, từng lớp lưu dân đã ổn định và bắt đầu phân tán đi khai phá các vùng đất mới khác trong vùng như: Long Xuyên, Châu Đốc. Tân Châu...

Dần dần, dân cư đông đúc. Những nhóm quần cư lần hồi nâng lên thành các đơn vị nhỏ về hành chính là lân, phường, thôn, làng, hoặc những ấp đông đúc gọi là giáp (tương đương với làng). các vị trí then chốt về an ninh gọi là điếm. Dân mới đến chưa vào sổ bộ hoặc cư ngụ tạm thời thì gom lại lập đơn vị mới gọi là tứ chiếng thôn, tứ chiếng điếm.

Bấy giờ, số dân đứng tên chính thức trong bộ đinh của làng không cần nhiều, chừng chục người hoặc ít hơn, nếu chịu trách nhiệm đóng thuế với quan trên thì việc đăng ký thành lập làng được thừa nhận ngay. dân đứng tên trong bộ ở làng chỉ gồm điền chủ lớn, nhỏm trung nông, thương buôn. Tá điền và lớp nghèo thành thị có quyền không ghi tên vào sổ bộ, sống theo quy chế dân ngoại, dân lậu tuỳ thích. Nhưng đã là dân lậu, họ không được vào ban hương chức hội tề, không được dự tiệc đình làng, không được kiện cáo bất cứ ai khi bị ức hiếp và nếu bị tố cáo dẫu là oan ức thì họ cũng bị xem là có lỗi. Lực lượng di dân này sống rày đây ,ai đó, làm ruộng, làm mướn, thay đổi nơi cư trú luôn. Có thể lúc đó vùng đất này tương đối dễ sống, đất ruộng hoang vu còn nhiều chỗ dung thân, nên nơi này sống không được, họ bỏ đi nơi khác. Họ có thể thay đổi ngành nghề nhanh chóng như làm ruộng chuyển sang đánh bắt cá, hoặc chuyển sang nghề gỗ, đốn củi....
 
Last edited:
Đây là tượng Thoại Ngọc Hầu tại khu di tích hồ Ông Thoại ở núi Sập (huyện Thoại Sơn)... mà mình vừa chụp lại ở chuyến đi vừa rồi ...

DSC_0193 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr

Việc di dân lập ấp ở An Giang có công đóng góp rất lớn của Thoại Ngọc Hầu, bắt đầu từ năm Đinh Sửu 1817. Lúc bấy giờ, nhiều nhà cửa của nông dân đã được dựng lên, các đình chùa cũng bắt đầu được xây cất.

Năm 1818, được lệnh Triều đình, Nguyễn Văn Thoại đốc suất đào kênh Đông Xuyên ra đến Rạch Giá, tạo điều kiện canh tác thuận lợi cho dân khẩn hoang 2 bên bờ con kênh.

Năm 1821, khi Thoại Ngọc Hầu đến thủ đồn Châu Đốc, ông tiếp tục cho di dần lập ấp, xây dựng nhiều làng người Việt ở đây. Những nơi cỏ cây rậm rạp, đều được ông khuyến khích dân khai phá. Trong bia Vĩnh Tế Sơn còn ghi "Lão thần Thoại Ngọc Hầu...muốn nơi đồng hoang bát ngát này trở thành làng mạc trù phú, yên vui, dân cư đông đúc, xùm vầy".

Đào kênh Vĩnh Tế xong, Nguyễn Văn Thoại cho đắp con đường từ Châu Đốc đến núi Sam mà trước kia phải đi bộ hoặc đi đò chèo. Từ đó, ngựa xe qua lại dễ dàng, đường cao khoảng 3 mét để ngừa nước lụt, cho dựng bia " Châu Đốc tân lộ kiều lương" (1828). Dân cư nhờ đó mà từ Châu Đốc vào Núi Sam khẩn ruộng, lần hồi tiến vô khai phá đến vùng Tịnh Biên .

Lúc bấy giờ, trên cánh đồng An Giang rộng lớn và hoang vu, hàng năm đều ngập trong nước lũ nhiều tháng trời, mạng lưới sông rạch tự nhiên rất nhiều. Đường bộ hầu như chưa có, đường thuỷ là tuyến giao thông gần như duy nhất trừ vùng Bày Núi. Cho nên dân cư sinh sống dọc theo các con kênh và bờ sông là điều tự nhiên. Đây là các tuyến chủ yếu tiếp nhận di dân. Lúc đầu, chỉ mới hình thành những tuyến mỏng, dọc ven theo kênh rạch. Khi dân cư đông hơn, họ ở có dạng quây quần chớ không còn đơn thuần theo tuyến dọc nữa. Trong bước đầu đến khai hoang vùng đất An Giang, sự phân bố dân cư nơi đây đã diễn ra một cách tự phát theo lối đất lành chim đậu, nơi nào dễ làm ăn thì dân cư sẽ qui tụ lại ở thành xóm làng. Ngoài ra, một số người có trình độ và có tiền của đứng ra chiêu dân lập làng để khai phá thêm các vùng đất mới còn hoang vu. Các vùng mới khai phá, dân cư quần tụ lại cất nhà kề nhau quay mặt ra sông, sau nhà là vườn, sau vườn là ruộng đồng bát ngát, xa nữa là đồng cỏ và rừng cây hoang vu, có nghĩa là ai có sức lao động và có vốn, thì có thể vỡ hoang đến đâu cũng được và không phải tranh giành với ai. Những nơi giáp nước hoặc ngã ba, ngã tư sông, dân cư thường tập trung ở đông đúc, dần dần hình thành nên quán xá, hiệu buôn, chợ búa để trao đổi mua bán, trên bến dưới thuyền.

Đầu thế kỷ 19, đã nhiều lần quân Xiêm xâm lấn nước ta. Hà Tiên, Châu Đốc là những vùng bị thiệt hại trước tiên và nặng nhất. Năm 1833, giặc Xiêm xâm lăng, tàn phá dọc kênh Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và tràn luôn qua cả Tân Châu. Nhưng chỉ 5 năm sau (1838), dân cư đã quy tụ trở lại, thành lập hàng chục thôn rải rác từ núi Sam dọc theo 2 bờ kênh Vĩnh Tế qua phía Hà Tiên .

Vùng Châu Đốc là biên cương hiểm trở, vừa sản xuất vừa phải đối phó với ngoại xâm. Mỗi người dân khẩn hoang quả là một lính thú vô danh nơi biên cương xa xôi này.

Thời Gia Long, Minh Mạng, dân cư vùng An Giang còn ít, nhiều đất hoang chưa có người khai thác. Dân xã, thôn ghi vào bộ đinh là đàn ông, không ghi đàn bà, trẻ con. Để thành lập một xã chỉ cần vài người dân đinh đứng đơn, bảo đảm với triều đình về nghĩa vụ thuế đinh, thuế điền. Người xin lập làng được quan phủ cấp cho con dấu nhỏ, bằng gỗ ( dân quen gọi là con mộc). Những người đi khai phá đến sau, phần lớn là dân nghèo, dân lậu, xin khai khẩn vùng đất gọi là " hoang nhân chi địa" (đất chưa khai phá).

Dưới đời Minh Mạng, tội phạm lưu đày phần lớn gom về vùng Vĩnh Tế để lập các xóm dọc bờ kênh, dần dần hình thành nên các vùng dân cư. Nguyễn Tri Phương khi làm kinh lược sứ ở miền Nam, đã có sáng kiến lập đồn điền biên giới nhằm ngăn giặc, yên dân, tập trung vùng Châu Đốc và Hà Tiên, đặc biệt là ở vùng Vĩnh Tế.

Năm 1854, Nguyễn Tri Phương báo cáo đã thành lập được 21 cơ đồn điền. Hai năm sau, tỉnh An Giang và Hà Tiên đã chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp . Trong thời gian này, người Chăm ở ngang chợ Châu Đốc (Đa Phước, Châu Phong) cũng gom lại từng đội, do 1 viên hiệp quản đứng đầu. Từ bên Chân Lạp, người Chăm rút về, nương náu trong lãnh thổ Việt Nam để tránh loạn lạc nội chiến bên Chân Lạp, rồi định cư luôn ở Việt Nam (Tân Châu, An Phú ngày nay).

Song song đó, người theo đạo Thiên Chúa lánh nạn kỳ thị tôn giáo của vua quan nhà Nguyễn từ miền ngoài đến khá sớm ở cù lao Giêng (1778), Bò Ót (1779) và Năng Gù (1845) đã làm tăng thêm dân số vùng đất An Giang ngay từ buổi đầu.

Triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc củng cố biên giới phía Nam, "vì địa thế Châu Đốc, Hà Tiên cũng không kém Bắc Thành" ( Vua Gia Long). năm 1830, vua Minh Mạng phán cho bộ Hộ rằng: "Đồn Châu Đốc lúc đó chưa có tỉnh là vùng địa đầu quan yếu, ta đã từng xuống chỉ chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền gạo để lập ấp khẩn điền, quây quần sinh nhai. Đó là ý niệm quan trọng của ta trong vấn đề củng cố biên cương". Buổi đầu, việc khai khẩn còn khó khăn, thuế khoá đã được miễn nhiều lần. Trong thực tế triều đình đã dùng nhiều biện pháp để chiêu dụ, thu nạp dân, để cho đồng áng ngày càng mở mang, cuộc sống người dân càng được nâng lên.

Như vậy, đến khai phá đất An Giang, ngoài dân lưu tán tự phát vào khai khẩn, còn có một bộ phận dân hưởng ứng chính sách khuyến khích khai hoang của nhà Nguyễn nên số lưu dân đến tăng lên khá nhanh. Một thuận lợi cho An Giang nữa là lúc đó miền Long An, Mỹ Tho đất tốt hầu như không còn cho dân khai khẩn, nên dân di cư tràn xuống miền sông Hậu, đến khai phá cánh đồng hoang vu mênh mông ở tỉnh An Giang.

Vào nửa sau thế kỷ 19, nhất là sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chế độ đồn điền trì trệ. Quân lính trong các đồn điền chuyển sang chiến đấu chống Pháp, nhà Nguyễn buộc phải chuyển sang hình thức doanh điền tiến hành thực hiện ở các tỉnh. Các nhà doanh điền ở An Giang và Hà Tiên được thành lập. Đến năm 1866, doanh điền sứ An Giang- Hà Tiên là Trần Hoàn báo cáo đã mộ được 1.646 dân đinh, thành lập 149 thôn, khẩn được 8.333 mẫu ruộng.
 
Đây là 1 ngôi chùa với kiến trúc đặc trưng tiêu biểu thuộc đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại núi Nước (Thủy Đài Sơn) ở huyện Ba Chúc mà mình đã đi trong chuyến đi trước đây..

DSC02386 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr

Trong thời kỳ đầu những lưu dân người Việt đến mở mang vùng đất An Giang, thì còn có những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Lực lượng này gồm dân các tỉnh chung quanh (Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long) theo về với đạo, phần lớn tập trung khai phá vùng Thất Sơn rừng núi hoang vu…

Như vậy, các luồng di dân vào An Giang chủ yếu là người miền Trung, thường gọi là dân Ngũ Quảng. Các luồng di dân khác từ một số tỉnh như Biên Hoà, Gia Định, Mỹ Tho...đến khai khẩn đất hoang theo bờ các kênh xáng mới đào.
Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, rồi năm 1867 chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây….

Theo thống kê sơ bộ do y sĩ người Pháp Vantalon ghi lại trong chuyến đi trồng trái ( chủng đậu) năm 1881, dân số Long Xuyên là 88.631 người, Châu Đốc là 105.182 dân, phần lớn tập trung ở phía sông Tiền vùng Tân Châu, Chợ Mới.

Nhân cơ hội Kinh lực xứ Nam kỳ là Nguyễn Tri Phương khuyến khích việc chiêu mộ dân đến khai hoang vùng biên giới, giao phái Bửu Sơn Kỳ Hương đưa người đến khẩn hoang vùng Thất Sơn, Láng Linh, Cái dầu và bên bờ sông Tiền.

Năm 1851, ông Đoàn Minh Huyên chia nhiều đoàn tín đồ đi khai khẩn:
- Đoàn thứ nhất vào Thất Sơn, bên chân núi Két, một nơi còn hoang vu. Đoàn chia làm hai nhánh, một do cụ Bùi Văn Thân, tức tăng chủ Bùi Thiền Sư hướng dẫn; và một đoàn do cụ Bùi Văn Tây, tức Đình Tây chỉ huy, cùng nhau góp sức lập nên các trại ruộng Hưng Sơn và Xuân Sơn, sau này hợp thành xã Thới Sơn (Tịnh Biên).
- Đoàn thứ hai do cụ Quản cơ Trần Văn Thành dẫn dắt. Đoàn này đến Láng Linh, một vùng đầm lầy, thuộc huyện Châu Phú.
- Đoàn thứ ba do cụ Nguyễn Văn Xuyến tức "Đạo Xuyến" đưa tín đồ về Cái Dầu (Bình Long) thuộc huyện Châu Phú ngày nay.

Vùng đất An Giang khi đó còn là nơi quy tụ những đoàn người theo đạo hoặc núp dưới ngọn cờ tôn giáo để kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cụ Ngô Lợi, người khởi xướng Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cũng đã đưa hàng trăm lượt tín đồ từ khắp nơi về vùng núi Tượng lập làng An Định, di dân mở đất khai hoang vùng biên giới...

Trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ (từ 1880 đến 1937), qua chính sách khai hoang và đào kênh của thực dân Pháp ở ĐBSCL, tình hình dân số và ruộng đất có sự thay đổi lớn... Theo Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1847 tỉnh An Giang, số đinh theo báo cáo của Bộ Hộ có 22.998 người (cả nước Việt Nam khi đó số đinh chỉ có 1.024.388 người).

Đến năm 1930, thì đã có sự chấm dứt các chính sách di dân khẩn hoang vào miền Nam mói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Qua số liệu Niên giám thống kê của Pháp năm 1921, dân số 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cộng lại đông đứng thứ nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là điều phải lưu ý vì Long Xuyên và Châu Đốc là vùng đất "sinh sau đẻ muộn" so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
 
1/ chuyến đi đến hồ ông Thoại (thị trấn núi Sập-huyện Thoại Sơn):

Mình xuất phát từ Cần Thơ, trên đường đi ngang qua những đoạn QL1A đang nâng cấp mở rộng nên hơi bụi ...

DSCN0346 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr

DSCN0347 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr

DSCN0349 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr

DSCN0350 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr


đến địa phận Thốt Nốt rồi đây ..

DSCN0352 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr
 
Đến khu Hồ Ông Thoại rồi nè ....

DSC_0206 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr


Đến đây, điều mình làm trước tiên là mình kiếm chổ ngồi nghỉ ngơi, kiếm 1 ca nước dừa giải đá uống giải khát cái đã … đi xe nhong nhong ngoài nắng hơi mệt… và cũng nhờ ngồi tám chuyện với chú chủ quán nước mà mình được biết thêm nhiều thông tin thú vị về hồ Ông Thoại …
Chú kể với mình rằng khu hồ Ông Thoại được hình thành từ quá trình khai thác đá dưới chân núi Sập trước đây. Vào những năm 2000, do lo ngại ảnh hưởng xấu môi trường, nên công việc khai thác đá bị ngưng lại. Điều đó cũng đồng nghĩa với làng đá mỹ nghệ Thoại Sơn trước đây từng vang danh một thời khi xưa cũng không còn. Ngày nay các thợ làm nghề đá giỏi nghề đều đi tứ tán khắp nơi. Những hố sâu do việc khai khác đá để lại có chỗ người ta mở đường để xả nước vô theo qua kinh Cống Giông. Và tại hồ chính là hồ Ông Thoại (hay còn gọi là hồ Số 1) cách xa đường con kinh dẫn nước nên phải dùng máy bơm nước.

Chú kể lúc đó người ta bơm nước vào hồ Ông Thoại mất thời gian rất lâu, phải mất 6 tháng liên tục, thay rất nhiều máy bơm mới hoàn thành. Rồi sau đó có lần người ta cho đo độ sâu các hồ, kết quả nơi cạn nhất là 8 m, nơi sâu nhất là 50 m.
Chú còn kể rằng ở hồ Số 2 và Số 3 trong hệ thống hồ dưới chân núi Sập, có lần mấy tay câu cá trộm trước đây không ít lần câu dính được cá hô nặng 20 - 30 kg.

Ly kỳ hơn nữa có lần có một tên câu cá ở Núi Sập dính được con cá to gần bằng chiếc xuồng nhỏ. lúc con cá cắn câu, người này ôm phao nhảy xuống hồ bơi theo cá. Ai ngờ, cá lôi cả câu lẫn người vào đường hầm tối xuyên núi luôn... Bơi theo được một đoạn, tên này sợ quá bỏ câu lội lên bờ... Cá ở đây hiền chứ gặp mấy loài cá tính dữ, cỡ đó nó mà cắn là chết ngắc luôn ấy chứ …
Sẵn đang hứng chí … nên chú kể thêm cho tôi nghe nhiều câu chuyện ly kỳ tiếp ….

Đó là có lần có một cặp kia chắc là bồ bịch hay gì gì đó … đang chơi đạp vịt nước ở khu Hồ Ông Thoại, chợt linh cảm có gì đó đang bám theo….tụi nó quay lại phía chổ mặt nước đằng sau đuôi con vịt, thì điếng người khi thấy có miệng 1 con cá to bằng cái thúng, đỏ au bơi rượt theo tụi nó…. Hoảng loạn, nghĩ là có cá sấu xổng ra sống ở trong lòng hồ, nên họ đạp quyết liệt vô bờ, kêu cứu. Thế nhưng, khi lúc đạp chậm thì con cá nó bơi rượt theo chậm, còn đạp nhanh thì cá rượt theo nhanh... đến khi 2 đứa kia lên tới bờ thì con cá kia bỏ mới chịu bỏ đi. Mấy nhân viên bảo vệ trông coi hồ cũng bị một phen hú hồn. Sau đó họ xác định lại thì con cá bự chà bá kia chính là con cá vồ cờ nặng khoảng 90 kg.

Chú còn nói thêm cho tôi biết …đó không phải là con cá vồ cờ lớn nhất đâu …. Bởi trong điều kiện sinh sống bình thường, thì mỗi con cá vồ cờ đều có thể đạt trọng lượng đến 300 kg khi trưởng thành

Chú còn nói mấy con cá lớn như vậy ở hồ Ông Thoại không phải chỉ là tin đồn hay nói dóc đâu. Bởi vì thỉnh thoảng chúng vẫn hay nổi lên trước sự chứng kiến của nhiều người. Ở đây không chỉ có cá hô, vồ cờ, mà còn nhiều loại cá cực kỳ quý hiếm khác nữa …
Mình có hỏi rằng nếu lúc trước ở đây là khu khai thác đá núi .. vậy thì mấy con cá đó ở đâu ra ..??

Chú kể rằng ở hai cái hồ là hồ Số 2 và hồ Số 3 là thì do chúng bơi theo đường Cống Giông vào lúc người ta xả nước vào hồ. Còn đàn cá tại hồ Số 1 (hồ Ông Thoại) là do trước đây có chủ trương thành lập công viên cảnh quan phục vụ du lịch. Để “có gì đó” thu hút khách, nên Ban quản lý mua về rất nhiều giống cá thả xuống hồ. Bên cạnh những loại cá thường như tra, hú, ba sa, vồ đém... thì còn có cá hô, vồ cờ….

Chúng sống lâu năm dưới các tầng nước sâu trong các hầm xuyên núi nên kích thước phát triển rất lớn…. lâu lâu cá hô, cá vồ cờ thường nổi lên vào những khi trời đứng gió, mặt hồ yên để kiếm mồi.

Cũng có khi đó là lúc tảo dưới đáy hồ phát triển, phía dưới thiếu ô xy, hoặc nước bị nhiễm độc... nên chúng nổi lên..

Mình đang tính trong bụng 1 hồi nữa chơi đạp vịt ở lòng hồ Ông Thoại thử … mà ngồi uống nước nghe chú này ổng kể 1 hồi tự nhiên thấy hơi teo teo … thôi ở trên bờ cho nó lành, với lại đạp con vịt mà có 1 mình mệt lắm… phải 2 người đạp mới phẻ …
 
Sau khi tự nạp nước vào cơ thể bằng 1 ca nước dừa chà bá ... và kèm theo nghe tiết mục kể truyện ly kỳ hấp dẫn hơn cả phim rùng rợn của chú chủ quán... mình bắt đầu đi tham quan 1 vòng nơi đây cái nào ...

Ở trên bờ có cả khu vui chơi cho các em thiếu nhi nữa nè ...

DSC_0223 by Nguyễn Việt Đoàn 1, trên Flickr
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,025
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top