What's new

Muối mặn - Diêm dân Hải Hoà

Trước đây, khi nghĩ tới việc làm muối, hắn và có lẽ nhiều người bạn hắn chỉ nghĩ thật đơn giản là diêm dân cứ đổ nước biển vào đồng muối, đợi nắng phơi khô nước biển là ta có thể thu hoạch muối. Điều này có thể đúng đối với cách làm muối ở miền Nam, nơi có 2 mùa khô - mưa rõ rệt. Cách làm này “nhàn” nhất. Hay tương đối đúng theo cách làm muối ở miền Trung. Ở miền Trung họ làm muối theo kiểu cuốn chiếu “ruộng bậc thang”. Bơm nước biển lên ruộng trên cùng, phơi 1 ngày rồi tháo nước xuống ruộng thấp hơn, hôm sau nữa lại tháo nước xuống rộng thấp hơn nữa và hết ngày thu hoạch muối. Cách này vất vả hơn vì hay phải “tháo nước”. Nhưng có lẽ, sau một chuyến thăm thú ruộng muối ở Hải Hậu, hắn nhận thấy vì điều kiện, hoàn cảnh nên cách làm muối của diêm dân miền Bắc là vất vả nhất và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất. Nói chuyện với diêm dân, hắn cũng ngộ ra được vài điều và hắn kể cho tôi nghe và viết ra đây để cùng trao đổi với các bạn.

Đường về Hải Hòa:
IMG_8922.jpg


Đồng muối là thứ cánh đồng dễ nhận nhất. Vì chẳng có cây cối gì cả. Cả cánh đồng thẳng tắp, phẳng lỳ chẳng nhìn thấy điểm cuối, cứ một dẫy đen lại một khoang trắng rồi lại một đen, một trắng. Đen là sân phơi cát, trắng là sân phơi muối nằm cao hơn 1 chút (khoảng 50 cm). Xen kẽ là những rãnh nước nhỏ để dẫn nước biển. Dọc cạnh từng sân phơi muối là một hố hình chữ nhật dài chừng 3m, sâu chừng 60cm, rộng cũng khoảng vậy. Đầu của mỗi hố chữ nhật này này là một hố “ga” hình tròn. Cũng cạnh đấy là 1 hố “ga” nữa cao hơn. Đường kính các hố “ga” này khoảng 50 cm.
Đồng muối:
IMG_8927.jpg


IMG_8925.jpg


Cấu trúc 1 ruộng muối:
IMG_8938.jpg
 
Đẩy cát ra sân phơi:
IMG_8967.jpg


Lấy nước biển đổ vào mương, dẫn tới bể lọc:
IMG_8946.jpg


Do hôm trước có mưa nên bác diêm dân này đang làm vệ sinh mặt sân. Dụng cụ bác đang cầm trên tay gọi là "rùa":
IMG_8931.jpg


Theo bác, vì hôm qua muối đang kết tinh dở dang nên phải rửa sạch chỗ muối đã kết tinh để làm lô mới, nếu không sẽ "hỏng" muối:
IMG_8932.jpg
 
Bài viết của bạn rất hay Mình trông bài kế của bạn.
Chẳng hay, dưới sự chứng kiến của Pol đại lão gia, chúng ta đã có dịp uống với nhau 1 cốc bia rồi vội chia tay đi Hội An tối 12/8 phải không nhỉ??? (c)

Do độ mặt của nước biển miền Bắc không cao, không làm ngay được muối. Việc tăng độ mặn của nước biển được thông qua sân phơi cát. Sân phơi cát này được cấu tạo bởi cát và đất thịt trộn lẫn với nhau theo một tỷ lệ thích hợp và được đầm phẳng. Nếu nhiều đất thịt thì cát không hút nước mặn từ dưới lên được. Nếu nhiều cát quá thì sân sẽ sũng nước, độ mặn không cao. Cát mịn được rải đều một lớp mỏng lên mặt sân để hút nước mặn từ dưới sân và bay hơi. Muối sẽ bám vào cát. Công việc này bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc khoảng 8h sáng. Tới tầm 13h, khi mặt đất đang trong thời kỳ nóng như thiêu, như đốt thì diêm dân sẽ phải đội nắng ra sân muối để gom cát lại. Vì lúc này, cát có độ mặn cao nhất. Nếu để muộn hơn, mặt đất nguội đi thì nước ở dưới sân sẽ thấm lên làm giảm độ mặn của cát. Cát này được đổ vào cái hố hình chữ nhật, bể lọc.

Cái bể lọc chữ nhật này được lót gần đáy bằng một cái phên tre. Bể này có tác dụng như cái phin pha cà phê khi nước biển được đổ lên đống cát. Nước biển thẩm thấu qua cát, róc rác qua phên tre mang thêm muối mặn trong cát và tích lại dưới hố ga thấp. Nếu nước chưa đạt độ mặn (dưới 20 độ) thì lọc lại cho đủ. Nếu nước ở dưới hố ga này có độ mặn trên 20 thì được đưa vào sân muối phơi. Dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời từng hạt muối có dỉnh nhọn như Kim Tự Tháp dần được kết tinh. Tới chiều cả đồng muối đã trắng muối chờ được thu gom. Giá muối tại thời điểm này vào khoảng 17000đ/phương ( 1 phương = 20 kg muối). 1 sào = 2 phương x 17 000đ/phương = 34 000 đ. Trung bình mỗi gia đình có khoảng 3 - 4 sào ruộng. Như vậy, sau một ngày phơi nắng (đấy là may mắn) thì một gia đình có thể thu về khổng 150 000dd. Còn nếu không may phải chạy mưa thì ngày hôm đó coi như không có gì. Đúng là:Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại Ông Giời của ta =)):))

Sân phơi muối yêu cầu phải thật phẳng, có gờ cao khoảng hơn 1cm để giữ nước, được cấu tạo bởi xi măng và nước tro rơm, tro rạ. Hỗn hợp này được pha loãng rồi đổ lên mặt ruộng đã được đầm kỹ. Dưới ánh nắng và gió biển lâu dần hỗn hợp lỏng này khô và cứng lại tạo thành sân phơi có 1 mặt phẳng “tuyệt đối”. Rất thông minh để có thể tạo ra một sân muối phẳng với cách rất đơn giản.(c)

IMG_8939.jpg


IMG_8934.jpg


IMG_8947.jpg
 
Chẳng hay, dưới sự chứng kiến của Pol đại lão gia, chúng ta đã có dịp uống với nhau 1 cốc bia rồi vội chia tay đi Hội An tối 12/8 phải không nhỉ??? (c)
Vâng chính xác bạn hiền ạh. Bữa Hôm đó vì phải chạy vào Hội An đón đoàn của Trần Quyền từ Miền Nam đi bằng xe máy ra . Mình sợ đoàn chạy xa mệt lại phải tìm chỗ ăn chỗ nghĩ và chỗ chơi nên cùng Đoàn Vip chạy vào hỗ trợ . Nửa đêm mình về tới ĐN đâu biết là nhóm còn tình thương mến thương ở lại tới 2h sáng đâu , nếu biết là nhào vô giao lưu tập 2 rồi.
Mình thích bài viết của bạn lắm , làm mình hiểu được cách bà con diêm dân sống và làm việc có dịp mình sẽ ra thăm ruộng muối nơi bạn viết lên bài kí sự này.
 
....Mình thích bài viết của bạn lắm , làm mình hiểu được cách bà con diêm dân sống và làm việc có dịp mình sẽ ra thăm ruộng muối nơi bạn viết lên bài kí sự này.
Bạn ơi.... Tới vùng Hải Hậu - Nam Định này hay lắm... nhiều điều vỡ vạc lắm... Bạn để ý các bức ảnh có thấp thoáng bóng dáng của những nhà thờ......(c)


Khi đang phơi, ông Giời mà đổ mưa thì quả là tai hại, mất đứt đi cả một ngày lao động vất vả. Nếu kịp thì nước trên mặt ruộng đang phơi được gạt xuống rãnh, thu lại vào hố ga cao và được bịt lỗ thu nước và che đậy cẩn thận, tránh trường hợp nước ngọt chẩy thành dòng mạnh vào hố ga khuấy tung nước biển đã được tăng độ mặn. Nếu hố có ngập từ từ thì cũng vô tư vì nước ngọt nhẹ hơn nằm bên trên, nước mặn nằm bên dưới, tách biệt 2 phần rõ rệt. Giả sử chẳng may có con nhái nào rơi vào hố này thì nó sẽ nằm lơ lửng trong hố, dưới phần nước ngọt và trên phần mước mặn. Hôm sau vớt nước “ngọt” và con nhái đó (nếu có) đi một cách đơn giản. Nước mặn để làm muối.

Muối thu hoạch được cất vào kho ngay bên ruộng. Vì độ mặn cao nên không thể đem muối về cất trữ, hỏng hết đồ trong nhà…..
Kho muối.
IMG_8926.jpg


Vài năm trước đây nước ót (thứ nước mà ta thấy chẩy ra từ xe cút kít sau khi đã chất muối lên để chuyển vào kho.Cùng 1 can 20 lít nước ót nhưng can nào nặng hơn - chắc là mặn hơn - thì được nhiều tiền hơn ) còn bán được (chắc để làm xà phòng) nên phần nào cải thiện được đời sống. Nhưng nay thì chẳng thấy ai mua nữa.

Hạt muối trông đơn giản nhưng để làm ra nó cũng phải trải qua bao nhiêu công đoạn và đặc biệt là lại phải phụ thuộc cả vào sự phù hộ của "ông Giời".

"Đời cha cho chí đời con,
Chiếc xe cút kít đùn ra…. đùn vào…."

Câu cửa miệng đó của diêm dân đã phản ánh sát thực phần nào nỗi cơ cực của nghề làm muối truyền thống. Miệt mài, vòng quay của chiếc bánh xe cút kít ấy đang từng ngày đưa cát vãi trên mặt ruộng vào buổi sáng, buổi chiều lại đưa cát về nơi chặt lọc, đưa muối về kho, giúp lấy nước cho mẻ muối tiếp theo, trong cái nắng, nóng đến héo cây héo cỏ...

Công việc làm muối là rất nặng nhọc và độc hại. Việc làm muối ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ và …. nhan sắc phụ nữ. Tóc cứng, chân tay thô kệch, khô ráp, da dẻ thì xám lại…. Do Nacl, do nắng cháy, do gió nóng và do giá muối ngày càng …hạ.
Nhọc nhằn là thế, khó khăn là thế, may rủi là thế… song nghề muối chỉ mang lại nguồn thu...thật sự khiêm tốn và mong manh cho những người "chẳng biết làm gì ngoài… làm muối"... Do vậy thanh niên không mấy người còn mặn mà với nghề làm muối, nhiều người bỏ nghề đi làm phu hồ vì thu nhập như vậy dù sao cũng vẫn cao hơn…. Trên đồng muối Hải Hoà hắn chỉ nhìn thấy người già, phụ nữ và trẻ nhỏ đang miệt mài xe cát với nghề truyền thống nhưng cơ cực này.

Cô bé này đang học lớp 8. Anh chị đều đã có gia đình và không làm muối nữa...
IMG_8937.jpg


Phụ nữ trên đồng muối.
IMG_8966.jpg


Làm muối vất lắm... sắp chuyển đổi trồng hoa mầu... tiền đâu bây giờ....?
IMG_8933.jpg


Đồng muối cũng có công dụng phụ của nó... là nơi các bạn trẻ về chụp ảnh cưới...
IMG_8942.jpg


IMG_8940.jpg


Hiện nay, Hải Hoà đang có dự định chuyển ruộng muối sang làm hoa mầu do giá muối quá thấp. Đây cũng là gánh nặng cho bà con diêm dân. Họ phải cải tạo lại ruông muối, nâng cao nền đất lên thì mới trồng được hoa mầu. Chi phí này không hề nhỏ đối với phần lớn diêm dân. Dự kiến khoảng 50 - 60 triệu cho 4 sào ruộng.

Đúng hôm hắn đi trời lại không nắng, hắn không được chứng kiến cảnh thu hoạch muối. Sự thiệt thòi đấy của hắn thấm sao được với những khó khăn thêm một lần nữa chất lên cuộc sống vốn đã nhọc nhằn bấy lâu mà diêm dân đang gánh vác. Nhấp một chén nước trà nóng đặc chát mà tôi vừa pha, nhìn về một nơi vô định, hắn trầm ngâm kết thúc câu chuyện.
Trời lại sắp mưa…..
Muối mặn! Cuộc sống diêm dân cũng mặn chát cùng muối……..
 
không hiểu sao em rất dị ứng với cái kiểu làm dáng chụp ảnh bên sự nhọc nhằn của người khác. các bác thấy thế nào ạ?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,464
Bài viết
1,153,082
Members
190,100
Latest member
dabongxoilac365tv
Back
Top