What's new

[Chia sẻ] Hành trình qua Java-Bali, Indonesia 2011

Ánh nắng vàng rực rỡ lấp lánh trên bãi san hô, biển xanh ngăn ngắt trong suốt như pha lê, gió biển thổi mát rượi lên làn da cháy nắng vì chặng phóng xe máy 250 km lên thăm hồ núi lửa Batur, trên mấy cây bàng Bali gần đó có tiếng đôi cu gáy đang gù nhau giữa mấy con chim sẻ tíu tít... Một đôi nam thanh nữ tú người Nga đang vờn nhau để chụp ảnh cưới...

Cảnh thiên đường này không một Đấng Chúa toàn năng nào, dẫu là Do Thái, Palestine hay Arab, hay Chí nồ mắt híp, dám hủy hoại hoàn toàn, vì ngay cả các ngài cũng cần đi du lịch tránh chốn thiên đàng cũ kỹ...


IMG_5554.jpg



Mọi chuyện bắt đầu từ một đêm khó ngủ chờ transit đi Rome ở một sân bay nhỏ gần Paris. Tôi lang thang giữa những hàng ghế chờ, mò vào các quầy quảng cáo, văn phòng du lịch... Hơ hơ, kẹt giữa một băng ghế là tấm vé đi Lyon của một du khách đãng trí nào đó. Ắt hẳn anh ta đã phát cáu, lục tung đồ đạc lên để kiếm nó, cuối cùng có thể đã lỡ chuyến bay để đi tới một hướng khác của số phận ... Bi kịch hay vận may?

Và rồi tôi tìm thấy cuốn cẩm nang du lịch bằng du thuyền vượt đại dương cruiser, hạng khách VIP. Cuốn tạp chí liệt kê hơn một ngàn điểm du lịch 5 sao bằng cruiser đi khắp thế giới. Trong số đó, khu vực Đông Nam Á chỉ có 2: Phuket, và Bali. Từ đó, tôi ước mơ về hòn đảo Bali thiên đường.
 
Loạt bài viết này xin được thực hiện với phong cách kể chuyện, bao gồm các diễn biến, cảm xúc sống, các hoạt động, các sự kiện, các chi tiết về sinh hoạt, tôn giáo, xã hội, kinh tế, văn hóa tôi thu gom được trong vòng 9 ngày tròn (25-8 tới 3-9 - tôi chọn ngày lên đường trùng vào tháng chay Ramadah của người Muslim, điều này sẽ dẫn tới một kết quả không lường sau này) đi xuyên đảo Java sang Bali, khi bằng máy bay, khi bằng bus, khi bằng taxi, khi bằng xe máy, khi xe ngựa, khi cưỡi ngựa... Lúc sống trong nhà trọ cho dân nghèo pariah, lúc trong resort 5 sao, có lúc ngủ ngay ngoài trời ngàn sao... Cảm xúc là thật, nhưng xin không dám đảm bảo là chính xác, vì chỉ cưỡi ngựa xem hoa.


Hành trình dự kiến là đi Air Asia đến Jakarta, ngủ đêm tại sân bay để 6h sáng hôm sau đi Lion Air đi Yogakarta, đi xem đền Phật giáo Borobudur và quần thể Bà la môn giáo Prambanan, sau đó đi xem núi lửa Bromo cách đó 650 km, rồi đi tiếp 250km nữa để qua phà biển đi Bali, rồi đi thêm 120km nữa để tới thủ phủ Denpasar. Thế nhưng, không phải dự tính bao giờ cũng trở thành thực tế.

JavaMap-6-1.gif
 
Mua được vé rẻ của Air Asia đến Jakarta, tôi quyết định sẽ ngủ qua đêm ở sân bay Jakarta, trước khi bay tiếp đến Yogakarta (miền Trung Java) vào sáng sớm hôm sau, ngày 26/8.

IMG_3449.jpg

Dàn tiếp viên hàng không giá rẻ Air Asia.

Jakarta nhìn từ ban đêm khá hoành tráng, với khu cảng biển trải dài, ngoài khơi cũng có thuyền câu mực bật đèn sáng trắng cả vùng như biển Nha Trang, còn trên bờ thì có nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng rực rỡ. Dĩ nhiên, ban đêm cái gì cũng thấy lung linh hơn ban ngày.


IMG_3451.jpg

Sân bay chỉ là dàn khung sắt thường, nhưng rất đậm chất dân tộc.
 
Thế là bắt đầu của chuyến phiêu lưu 9 ngày trên hai trong số 7 cụm đảo của Indonesia - đất nước đông dân thứ tư thế giới: Sumatra, Java, Sunda, Kalimantan, Sulawesi, Maluku và Tây New Guinea.

Có lẽ cũng cần thiết giới thiệu sơ qua lịch sử đất nước này:
(xin lấy những hình ảnh và thông tin tại gian trưng bày ở chân tháp "Monas" Biểu tượng quốc gia Indonesia Quảng trường Tự do, trung tâm thủ đô Jakarta, kết hợp với các thông tin từ nguồn khác do người viết sưu tầm)

IMG_5999.jpg

Năm 1891, nhà khảo cổ học Eugène Dubois đã phát hiện ở Đông Java một cái sọ của giống loại mà sau này người ta gọi là Pithecanthropus erectus hay Homo erectus erectus (tức người đứng thẳng), hay còn gọi là Người vượn Java - tổ tiên của Homo sapiens - Người tinh khôn.
 
IMG_5998.jpg

Người Việt là một giống người kết hợp giữa giống Mongoloid từ Trung Hoa lục địa với người Java đi thuyền đến. Trong suốt chuyến đi, sự giống nhau về diện mạo của người viết với dân bản xứ đem đến khá nhiều ngạc nhiên cả cho người viết lẫn dân bản xứ. Theo tấm ảnh chụp trên, vị vua Indonesia khá giống một Vua Hùng. Cả đến cảnh người đi lên núi và người mò xuống biển. (chúng ta sẽ bàn thêm về chủ đề này khi đến Borobudur)



IMG_6000.jpg

Người Java tiếp xúc với văn minh Ấn Độ qua các thuyền buôn của thương gia Ấn. Một thuyền buôn như vậy đã đem Phật giáo đến đây.

IMG_6005-1.jpg

Bên cạnh văn minh Hindu giáo đã có trước đấy


IMG_6003.jpg

Và xây dựng Borobudur - quần thể đền núi Phật giáo.

IMG_6009.jpg

Dưới triều đại của vua Wirakramawardhana, quan hệ giao hảo với các lân bang được duy trì rất tốt. Điều này được xác nhận bởi chuyến thăm của Cheng Ho, sứ thần của phái đoàn Hoàng đế Trung Hoa tới thăm triều đình Mahajapit để xác lập quan hệ triều cống thần phục Trung Nguyên.
 
IMG_6012.jpg

Pesantren (Trường học Hồi giáo) và các lãnh đạo Hồi giáo đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Đạo Hồi và nền giáo dục. Học sinh Pesantren đến từ khắp nơi trên Indonesia. Sau khi tốt nghiệp, họ quay về làng quê mình, trở thành các nhân vật tôn giáo lỗi lạc và lập ra Pesantren của mình.

IMG_6013.jpg

Năm 1522, vua Pajajaran ký một thoả ước với Henrique Leme, cho người Bồ Đào Nha xây một pháo đài ở Sunda Kelapa (Jakarta ngày nay). Nhằm ngăn ngừa ảnh hưởng của người Bồ, sultan Trengono xứ Demak gửi Fatahillah cùng một đội quân tới Tây Java và đến năm 1527 ông này đã chiếm được cảng Sunda Kelapa. Cuộc phong toả vịnh Sunda Kelapa bắt đầu với việc người Bồ tìm cách đổ bộ một đội quân lên xây dựng một pháo đài. Fatahillah đánh bại hạm đội Bồ ngày 22/6/1527 và cái tên Sunda Kelapa được đổi thành Jayakarta, nghĩa là thành phố chiến thắng.


IMG_6018.jpg

Sultan Nasanuddin xứ Makassar sau đó thi hành chính sách tự do mậu dịch với tất cả các nước, mở cửa cảng với các thương gia nước ngoài muốn buôn bán với Makassar : theo dõi sự sinh sôi phát triển nhờ chính sách của sultan, Công ty Đông Ấn Hà Lan VOC với hệ thống thương mại độc quyền đã quyết định phải chống lại ông, dẫn tới xung đột.

IMG_6020.jpg

Dẫn đầu bởi Patimura và Christina Martha Tiahuha, nhân dân Moluccas nổi dậy chống lại chính quyền Hà Lan và chiếm được pháo đài Duurstede của người Hà Lan trên đảo Saparua. Người Hà Lan, dựa theo Hiệp ước London năm 1814, tái tuyên bố nền thống trị của mình ở Indonesia và tái lập chính sách độc quyền bằng cách củng cố phương pháp bóc lột.

IMG_6021.jpg

Cuộc chiến tranh 5 năm ở miền Trung Java là cuộc chiến nổi bật nhất trong một loạt cuộc nổi dậy chống Hà Lan, và hoàng tử Diponegoro giữ vị trí chủ chốt từ năm 1828. Khoảng 15.000 lính Hà Lan thiệt mạng trong cuộc chiến này và cũng gây tốn kém rất nhiều cho họ. Người Hà Lan xây dựng hệ thống pháo đài để cô lập vùng hoạt động của hoàng tử Diponegoro, nhưng bất thành. Giả vờ rằng họ muốn đàm phán, người Hà Lan lừa hoàng tử đến để bắt ông ngày 30/3/1830.
 
Mãi đến đầu thế kỷ 20, người Hà Lan mới chiếm hoàn toàn được Indonesia.

IMG_6034.jpg

Họ bắt nông dân Indo trồng cây công nghiệp để xuất khẩu nên nông dân không còn đất trồng cây lương thực, dẫn đến đói khổ.


IMG_6037.jpg

Hoạt động của Nhà thờ Tin Lành trong việc xây dựng niềm tin và giáo dục đã giữ vai trò đáng kể, đặc biệt ở các vùng hẻo lánh. Họ thành lập các cộng đồng Kito Indonesia và đóng góp vào quá trình thống nhất quốc gia từ nhiều nhóm sắc tộc.

IMG_6048.jpg

Cuộc đấu tranh đòi độc lập cho quốc gia trên diễn đàn chính trị quốc tế được dẫn đầu bởi các sinh viên Indonesia học ở Hà Lan - họ thành lập Liên đoàn Indonesia năm 1922. Tháng 2/1927 họ tham gia Đại hội Chống khuynh hướng Thực dân ở Brussels. Liên đoàn Indonesia hoạt động tuyên truyền và đòi độc lập cho Indo. Người Hà Lan bắt giữ các lãnh đạo của liên đoàn nhưng tòa án đã kết luận họ vô tội.
 
IMG_6055.jpg

Tháng 3/1942, Hà Lan đầu hàng Nhật vô điều kiện. Nhật thoải mái bóc lột nhân công và thiên nhiên Indo. Tháng 10/1943, chính quyền của Quân đội chiếm đóng Nhật Bản ban hành sắc lệnh thành lập quân đội tình nguyện phòng thủ Java. Nhiều thanh niên đã nhiệt tình tham gia vào đội quân PETA (Lực lượng phòng thủ quê hương Indonesia do Nhật Bản huấn luyện và chỉ huy). Tại Blitar, đội quân Peta do Suprijadi dẫn đầu đã nổi dậy chống lại việc bóc lột nhân dân và khơi dậy tinh thần dân tộc.


IMG_6059.jpg

Sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, một cuộc họp bí mật của người Indo diễn ra đêm ngày 16/8/1945 tại Jakarta. Mọi người nhất trí rằng sáng hôm sau sẽ tuyên bố Indonesia độc lập. Nội dung tuyên ngôn được soạn và ký bởi Soekarno và Mohammad Hatta. Sáng ngày 17/8/1945 vào đúng 10 h, Soekarno cùng Mohammad Hatta đã đọc Tuyên ngôn độc lập cho Indonesia. Lễ đọc tuyên ngôn cũng được tham gia bởi các nhân vật lỗi lạc, các lãnh đạo đòi độc lập dân tộc và hàng ngàn người.


IMG_6061.jpg

Trước buổi lễ đọc tuyên ngôn độc lập, người Indo đã thành lập một ủy ban chuẩn bị cho cuộc độc lập. Ủy ban đã nghiên cứu nhiều phương án về học thuyết quốc gia và dự thảo quy chế quốc hội. Một ngày sau khi tuyên bố độc lập, Ủy ban chuẩn bị Độc lập Indonesia đã có cuộc họp đầu tiên ở Jakarta, bầu chọn Học thuyết Quốc gia và chọn Quốc hội 1945 là Quốc hội Quốc gia của Cộng hòa Indonesia. Ủy ban cũng bầu Soekarno làm Tổng thống và Mohammad Hatta làm Phó Tổng thống của CH Indonesia.
 
Sau đó diễn biến cũng như ở Việt Nam, người Hà Lan vào giải giáp quân Nhật và tái chiếm đóng, người Indo chống lại và chiến tranh nổ ra.

Mô hình minh họa chuyển đột ngột sang nội dung như sau:

IMG_6067.jpg

Vai trò của Nhà thờ Thiên chúa đóng góp đáng kể trong việc thống nhất đất nước và giành độc lập


Người Hà Lan bắt giữ Soekarno năm 1948. Nhân dân Indo chống trả quyết liệt và buộc người Hà Lan phải ngồi đàm phán. Cuối cùng người Hà phải công nhận quyền cai trị của người Indo trên đất Indo và thành lập Liên bang Indonesia. Tuy nhiên, người Indo phản đối hình thức Liên bang (United States) mà đòi là đất nước thống nhất (Unitary State). Do đó, các thành viên của Liên bang đồng thời tuyên bố thống nhất thành CH Indonesia.
IMG_6075.jpg
 
Phần lược sử Indo tạm dừng tại đây. Tất cả cùng lên đường nào. Bài viết xin được chia thành 2 phần: Java và Bali, do sự khác biệt rõ nét giữa hai nơi này.

IMG_3452.jpg

Khi ở VN tôi đã sợ rằng vào tháng Ramadah sẽ không có gì để ăn ở Indo, do đó mang theo tương đối kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thực tế không hẳn thế. Mọi sinh hoạt vẫn náo nhiệt. Có một điều rằng không như Châu Âu hay Nhật Bản, phòng thông tin ở đây đóng cửa sớm và cũng không có bản đồ thành phố miễn phí.

Máy bay bay 3h từ TP HCM đến Jakarta nên đến nơi đã là nửa đêm. Tôi đã đặt vé 6h sáng hôm sau bay tiếp đến Yogakarta nên bây giờ phải di chuyển sang nhà ga quốc nội. Hỏi nhân viên sân bay mỗi người chỉ một kiểu, người nói 2km, người nói 3km, người nói 4 km. Hỏi taxi thì chúng bảo 15 phút và giá 70.000 rupiah (1 rph = 2,5 VND). Tôi tóm một taxi khác và ra giá 20.000. Hắn đòi 40.000 và cuối cùng đồng ý 30.000 để chở sang ga quốc nội (Terminal 1A). Đi một quãng là tới cổng thu phí, hắn đòi tôi đưa thêm 10.000. Thì ra ga quốc nội cách đó chỉ khoảng 1,2 km. Kinh nghiệm đầu tiên về sự gian trá vặt của dân Indo.

IMG_3453.jpg

Chúng tôi nhìn quanh quẩn rồi nằm ra băng ghế ở đó để ngủ. WC ngay gần và khác sạch sẽ, nhân viên vệ sinh cũng lịch sự. Khách chờ đi sớm cũng đã nằm quanh. Cảm nhận đầu tiên là dân Indo xấu hơn người Việt, vóc dáng cũng nhỏ bé, điệu bộ có vẻ nhút nhát và hiền lành. 12 h mọi cửa hàng đã đóng hết. Nhà ga muỗi nhiều và cắn rất khó ngủ.

IMG_3456-1.jpg

Trên tầng mái nhà ga. Chẳng thấy lính đứng bảo vệ, mặc dù sau này về đây ban ngày thì lính khá nhiều.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,195
Bài viết
1,150,487
Members
189,951
Latest member
gilio
Back
Top