What's new

[Chia sẻ] Karakoram Highway + Trung Á: Pakistan - Tân Cương - Kyrgyzstan

Đây là chuyến đi đã được mơ ước từ 9 năm, kể từ ngày đọc được các bài viết về Karakoram Highway trên tạp chí National Geographic. Và mặc dù đã đọc, xem, và nghĩ về Karakoram Highway trong từng ấy năm, nhưng vẻ đẹp, sự hùng vĩ và dữ dội của con đường khi đi trên thực tế vẫn vượt quá trông đợi của mình.

Năm 2007 mình đã có kế hoạch từ Iran đi qua Pakistan lên Tân Cương (Trung Quốc), nhưng vì lập kế hoạch thời gian không đúng nên cuối cùng nhẩm tính sẽ đến Pakistan quá muộn, sát mùa đông, và sẽ chịu rủi ro đèo Khunjerab (biên giới Pakistan - Trung Quốc) đóng cửa. Vì vậy mình đã phải bỏ Pakistan năm ấy. Và rồi 8 năm sau mới trả được món nợ.

Karakoram Highway là tuyến đường nối Rawalpindi (Pakistan) với Kashgar (Trung Quốc). Tuy nhiên trên thực tế 95% cảnh đẹp nằm ở phần trên đất Pakistan. Đây được coi là một kỳ tích về xây dựng, một trong những con đường núi ngoạn mục nhất thế giới (ở Pakistan người ta gọi nó là kỳ quan thứ 8), chạy qua một vùng đất (miền bắc Pakistan) thường được coi là thiên đường hạ giới. Tất cả những so sánh này mình đều xác nhận là chính xác.

Mục đích của chuyến đi là đi trọn chiều dài của Karakoram Highway, ngắm cảnh núi non trên đất Pakistan, qua đèo Khunjerab (độ cao 4700m, biên giới quốc gia cao nhất thế giới có đường nhựa chạy qua), ngắm cảnh vật thay đổi sang phía bên Tân Cương, thăm Kashgar, và tiện đường đi thăm nước Trung Á Kyrgyzstan là nước miễn hoàn toàn visa cho người Việt, và trên chuyến bay về từ Kyrgyzstan thì ngắm ngã ba biên giới Kyrgyzstan, Kazakhstan và Trung Quốc, và ngắm nơi tiếp giáp giữa Tân Cương và Tây Tạng.

Chuyến đi tương đối mang tính been there done that, ở trên đường là chính, từ 5/9 đến 18/9. Tuy nhiên độ ép phê cũng khá lớn vì thực tế có quá nhiều cảnh ngoạn mục để thấy ngay từ trên đường.

Bản đồ đường đi (đoạn ở Kyrgyzstan vẽ không chính xác lắm nhưng mà lười vẽ lại):

11990473_877675052286934_6026790400512466868_n_zpspvgw5blq.jpg
[/URL][/IMG]

11933431_877675068953599_6950387158373437004_n_zpsdjjzobtk.jpg
[/URL][/IMG]

Chuyến đi ngắm núi, nhưng cảnh tượng đọng lại sâu đậm nhất có lẽ là cảnh một cái hồ. Hồ Attabad trên đường ở Pakistan. Nhìn thấy cái hồ này, mình buột ra một tiếng như chửi thề, mà có lẽ là một đóng góp mới cho tiếng Anh: TERRIBLUE.

P_20150909_094714_zpsios6z9h8.jpg
[/URL][/IMG]

Mình lười viết, nên sẽ viết từ từ và bỏ qua các tiểu tiết. Bạn nào quan tâm thấy cần giải đáp cái gì thì cứ góp ý mình sẽ cố gắng hết sức.
 
Việc bị lỡ chuyến đi năm 2007 lại hóa ra hay. Vì nếu đi năm 2007 thì ... chưa có hồ Attabad như hình trên. Hồ này mới xuất hiện năm ... 2010 do một sườn núi lớn bị sạt xuống lấp hoàn toàn một khúc của con đường, chặn ngang dòng sông Hunza, làm nước dâng lên thành một cái hồ kéo dài 20km.
 
Cho nên, có lẽ mọi chuyện xảy ra là có lý do của nó. Người xưa nói được ngựa chưa hẳn đã hay, mất ngựa chưa hẳn đã dở :) ...
 
11951194_877675015620271_6773100017294362568_n_zpsb67mdwx2.jpg
[/URL][/IMG]

Visa:

Visa du lịch đi Pakistan, theo quy định và thông lệ ở tất cả các nước (trừ cho một số ít nước vd như Ấn Độ vì lý do chính trị), là dễ dàng. Tuy vậy bọn mình đã mất nhiều tháng mới làm được visa. Không biết nói ra ở đây có ai ở ĐSQ Pakistan đọc được và ảnh hưởng đến lần đi sau này của mình không (chắc còn quay lại Pakistan) nhưng thôi có sao nói vậy.

Không biết vô tình (làm việc không chuyên nghiệp) hay cố ý (có những giai đoạn vì lý do an ninh nào đó mà họ không muốn đón khách du lịch, thực tế là đi dọc đường mới thấy cảnh sát Pakistan làm việc khá vất vả để theo dõi và đảm bảo an toàn cho du khách), mà dường như việc cấp visa du lịch ở sứ quán Pakistan tại Hà Nội là không có quy trình rõ ràng. Bọn mình bắt đầu liên hệ để hỏi về visa vào tháng 2/2015, vì kế hoạch ban đầu là đi tháng 4 để xem hoa đào hoa mận nở (đó là mùa thiên đường ở xứ thiên đường Hunza, bắc Pakistan). Tuy nhiên cô trực điện thoại tại sứ quán luôn nói là phải liên hệ với anh phụ trách phòng visa, và anh đó thì luôn luôn bận một việc gì đó. Mình gọi khoảng 5 lần thì lần nào anh ấy cũng bận hoặc là đi họp, hoặc là chạy ra ngoài, hoặc là bận chuyển nhà cho đại sứ (sao cán bộ visa lại phải lo chuyển nhà cho đại sứ?), hoặc là vẫn chưa chuyển xong nhà cho đại sứ. Mà mình không xin được số điện thoại di động, chỉ được cho email. Gửi email thì anh đó không trả lời, gửi đến địa chỉ email sứ quán theo website cũng không được trả lời. Sau đó mình thôi liên lạc (sợ lỡ người ta ghét), chuyển sang cho anh bạn đi cùng. Anh bạn email cũng không được trả lời. Gọi điện thì vẫn gặp cô trực điện thoại, anh bạn liền giả vờ hỏi về visa business thì được trả lời rất tận tình, nhưng sau đó vừa đả động đến visa du lịch là cô kia lại thoái thác bảo là anh phụ trách visa đang bận.

Đến đây thì bọn mình từ bỏ kế hoạch đi vào tháng 4.
 
Last edited:
Lúc đó mình đã nghĩ không khéo kế hoạch Karakoram lại phải hoãn vài năm. Thế nhưng một buổi sáng tháng năm đẹp trời, trời xui đất khiến thế nào mà mình bốc điện thoại lên gọi đến sứ quán. Và cô bé trực điện thoại (giọng cô từ đầu đến giờ vẫn luôn nhẹ nhàng dễ nghe) chuyển máy ngay cho anh phụ trách visa. Và sau khi nghe mình trình bày mấy câu, thì anh phụ trách visa vui vẻ nói ngay các yêu cầu cho visa du lịch:

(mình liệt kê các cái mình nhớ ở đây, có thể sót nhưng mà cũng sót lặt vặt thôi)

- thư mời từ một công ty du lịch tại Pakistan

- đặt phòng khách sạn

- đặt vé máy bay khứ hồi

- hộ chiếu

- tờ khai

- bảo hiểm du lịch (sứ quán chỉ định công ty bảo hiểm)

- chứng minh tài chính 3000 đola cho 2 tuần

- lịch trình (cái này tự đánh máy rồi email, chỉ mang tính thủ tục)

tất cả gửi email trước cho anh ấy xem. Nếu đủ thì gửi chuyển phát nhanh bản gốc đến sứ quán ở HN (mình ở HCM).

Anh ấy nói cứ khơi khơi như không. Cứ như cấp visa là việc đương nhiên. Không biết có gì thay đổi sau mấy tháng. Hoặc đúng là anh ấy đã hết bận !
 
Như vậy là kế hoạch đi dời sang tháng 9 (dời sang hẳn tháng 10 thì sẽ đẹp hơn vì mùa thu lá đỏ, nhưng vẫn lo đèo Khunjerab, và tiếp đó là mấy con đèo giữa Trung Quốc và Kyrgyzstan, đóng cửa vì tuyết, nên chỉ dời tới tháng 9). Bọn mình bắt đầu chuẩn bị giấy tờ từ tháng 6.

Giấy tờ thì đơn giản. Thư mời thì một số cty du lịch bên Pakistan sẽ cấp với giá 50-100 đô một người. Phải chọn cty nào chịu nhận tiền bằng Paypal, chứ nhiều bọn chỉ nhận Western Union mà chuyển Western Union sang được Pakistan là khá phiền toái (họ sợ chuyển tiền tài trợ khủng bố).

Đặt phòng khách sạn thì bên cấp thư mời có thể cho luôn. Cái này cũng chỉ là thủ tục cho có, một tờ giấy viết tay là đủ.

Mọi giấy tờ xong xuôi mình scan gửi email cho sứ quán. Có lẽ là gửi sớm quá (tháng 9 đi mà tháng 7 đã gửi) nên sứ quan im thin thít. Mình gọi điện giục giã thì cũng chỉ ậm ờ. Đến trước ngày đi khoảng 2 tuần họ mới liên lạc, hỏi thêm vài việc nhỏ nhỏ, rồi sau đó cách khoảng 10 ngày mới bảo gửi bản gốc. Với cái tác phong làm việc thiếu thông tin như vậy, thì lúc đó mình cũng chẳng dám mong là họ sẽ cấp visa, tinh thần đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên sau khi gửi giấy tờ 2-3 ngày thì nhận được visa sứ quán gửi lại. Hóa ra đến giờ chót thì họ cũng làm việc khẩn trương. Lúc nhận được visa, chỉ muốn gửi điện hoa cho em trực điện thoại và anh visa ở sứ quán.

Nhìn lại những chuyến đi, lúc nhận được visa vào nước nào đó, nó vui sướng chẳng kém lúc đi đến nơi.
 
Lưu ý có bạn nào làm visa vào Pakistan thì nguyên tắc của dân du lịch là không khai mình đi miền núi phía Bắc Pakistan (dù ý định thật là như vậy) mà chỉ khai đi những nơi cơ bản như Islamabad, Lahore. Lịch trình cũng phải bịa ra tương ứng. Vì theo thông lệ người ta nói là nếu khai đi mấy vùng xa thì sẽ khó được visa hơn (dù chính quyền thừa biết 90% khách du lịch đến Pakistan là để đến vùng núi phía bắc).

Còn một tuần cuối để chạy đua làm visa Trung Quốc (trước đó không dám giục sứ quán Pakistan cấp visa nhanh để tớ còn làm visa Trung Quốc nữa, vì giục vậy thì bằng khai mình đi lên phía bắc). Làm visa Trung Quốc ở Sài Gòn phải qua agent mới nhanh. Tự làm thì bị đòi đủ thứ giấy tờ như đi EU vậy.

Ngày 5/9 đi thì ngày 4/9 mới có visa Trung Quốc. Kyrgyzstan thì không cần. Vậy là xong, off we go. Giấc mơ Karakoram Highway cuối cùng cũng trở thành hiện thực.
 
Quên một điều. Có bạn nào sẽ làm visa Pakistan mà gặp phải tình trạng như mình. Thì hoặc là rất quyết liệt, đến tận nơi, nếu cần thì lấy số điện thoại trên website sứ quán để gọi thẳng cho mấy nhân vật người Pakistan mà than phiền (mình đã từng làm như vậy với sứ quán một nước châu Âu và nó có vẻ hiệu quả, không biết với Pakistan thì thế nào), hoặc là đành chờ vài tháng rồi quay lại như bọn mình. Mấy nước kiểu như Pakistan, nhiều khi họ không muốn nhận khách du lịch, vì nếu khách đến nơi gặp bất trắc gì (khủng bố, bắt cóc) thì họ mất mặt với thế giới.
 
Vấn đề an ninh tại Pakistan:

Về cái này thì có hai khía cạnh.

Thứ nhất, khác nhau giữa các vùng miền. Phần phía nam và phía tây của Pakistan là không an toàn, đặc biệt là vùng giáp Iran và giáp Afghanistan là rất không an toàn vì chính phủ không kiểm soát được. Phần từ Islamabad theo Karakoram Highway lên đến Gilgit thì hơi thiếu an toàn một chút (mọi xe khách đi trên khúc đường này đều phải có nhân viên vũ trang đi cùng - escort). Nhưng phần từ Gilgit lên đến biên giới Trung Quốc thì hoàn toàn an toàn như bất cứ đâu trên thế giới. Và, may mắn thay, đây là phần đẹp nhất của Karakoram Highway.

Thứ hai, tính chất bộ lạc. Nước Pakistan có nhiều bộ lạc/bộ tộc/nhóm người. Có những nhóm người thân thiện với chính phủ. Có những nhóm ghét chính phủ. Các hội khủng bố sẽ khó hoạt động trong những địa bàn thân chính phủ, vì sẽ bị báo cáo ngay. Khúc đường Karakoram Highway từ Islamabad đến Gilgit có nhiều bộ lạc ghét chính phủ, nên an ninh khúc này không tốt. Từ Gilgit trở lên là những nhóm người khác, hoặc là thân chính phủ, hoặc là xưa nay không tham gia các cuộc xung đột, nên khủng bố khó hoạt động, và do vậy an toàn.

Trên suốt chiều dài của Karakoram Highway, thì theo mình nhớ là hơn 10 năm nay không có sự vụ gì ảnh hưởng đến khách du lịch nước ngoài. Chỉ có một vụ bắn giết người địa phương đi xe bus trên Karakoram Highway, khúc phía nam Gilgit (là khúc thiếu an ninh) và vào năm 2013 có khoảng 10 khách nước ngoài bị bắn chết ở Fairy Meadow (địa điểm được ưa thích để ngắm núi Nanga Parbat. Fairy Meadow nằm gần Gilgit nhưng là nơi hẻo lánh cách xa Highway.

Về cơ bản, cứ đi men theo Karakoram Highway thì không có gì đáng ngại.

Và, liệu một chút rủi ro thì có đáng cho vẻ đẹp của con đường không? Câu trả lời là CÓ, hoàn toàn xứng đáng.
 
Hi bác,

Em cũng có plan đi Pakis - Hunza valley, qua Karakoram lên Kashgar bên Tàu. Bắc Pakis em có tham khảo bạn bè thì đúng như bác chia sẻ, khá an toàn cho khách du lịch, nhưng về phía Tân Cương bên TQ thì em còn e ngại vì bất đồng ngôn ngữ. Năm 2012 em có đi Tân Cương- nhưng phía bắc, mạn Kanas-Hemu, thì ko bất cứ nơi nào nói đc tiếng Anh, nên vụ này em vẫn còn hơi ớn. Bác có thể thông tin thêm về vấn đề này giúp em ko ạ.
Và vấn đề sử dụng máy chụp hình, em có đc share về cái này, ko sử dụng tùy tiện, nhất là có quân đội.
Mong tin bác,
Thanks for share !
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,431
Bài viết
1,152,762
Members
190,079
Latest member
Quynh258
Back
Top