What's new

[Chia sẻ] Dọc đường New Zealand- Ghi chép (27/1/2016-15/2/2016)

Để bay từ Hà Nội sang NEW ZEALAND chúng tôi có hai chặng dừng chân. Chặng đầu vừa dừng, vừa chuyển máy bay tại Đài Bắc. Chặng hai ở Sydney. Chúng tôi chọn hãng China Airlines vì vào thời điểm của chuyến đi giá vé khứ hồi của hãng này là hợp lý hơn cả.
Trên máy bay sang Đài Bắc có khá đông chị em Việt Nam sang làm lao động giúp việc nhà . Họ trên dưới tuổi 30 còn mang nhiều vẻ chân chất của con gái nông thôn trong cách đi đứng, nói năng. Tờ giấy làm khăn ăn của tôi bị bay xuống đất, tôi chưa kịp nhận ra thì một cô gái ngồi cách hai hàng phía dưới đã nhanh nhẩu nhặt lên chạy lại đưa. Tôi cảm ơn và hơi ngạc nhiên về cái việc không phải ai cũng làm ở giữa chốn ồn ào, vội vã này. Tôi cũng có cảm giác đó khi đứng trên xe điện chuyển ga bay ở sân bay Đài Bắc. Một thanh niên đang ngồi với bạn gái vội đứng dậy nhường chỗ. Tôi cũng cám ơn vì xe chỉ chạy hai phút. Tôi cứ tưởng đó là một thanh niên châu Á nào đó, hóa ra họ cũng là hai bạn trẻ Việt Nam đang trên đường sang Mỹ. Tôi cứ ngẫm nghĩ về họ, khi có được công việc thích hợp thì chắc chắn họ là những người làm việc rất tốt.
Sau gần hai mươi tiếng đồng hồ rời Hà Nội chúng tôi đã đến thành phố dừng chân đầu tiên ở NEW ZEALAND.
 
1. Thành phố yên bình
29/1/2016- Auckland. 9 giờ sáng. Gió mát thổi nhẹ trên phố Queen. Dọc con phố từ trên đồi cao thoai thoải đổ xuống Cảng, hai bên lấp lánh tên hiệu nhiều cửa hàng bằng chữ Anh xen lẫn chữ Nhật, Hàn , Trung … Một đôi trai gái người Âu đang thì thầm trên ghế gỗ đặt bên đường. Mấy đứa trẻ người Hoa lẽo đẽo chạy theo mẹ đang đi phía trước. Thi thoảng hiện ra vài tòa nhà với kiến trúc cổ cũng chỉ hơn một thế kỷ. Đầu một công viên là bức tượng một đàn ông trung niên với dáng bước chầm chậm. Cũng đầu một công viên khác là tượng một sư đoàn trưởng sư đoàn NEW ZEALAND tham chiến trong thế chiến II với tư thế đứng vững chãi giữa một lùm cỏ cao. Đầu phố “Nữ hoàng” nằm ở cuối dốc là bến cảng thấp thoáng tầu du lịch in thương hiệu của hãng Royal Caribbean và san sát các du thuyền. Một du thuyền mang tên Emirates chở mấy chục khách, người nào cũng thắt đai bảo hiểm, chưa giương buồm đang len lỏi lách ra khỏi cảng. Khách sạn Hilton trắng toát với kiến trúc hình hai con tầu song song nằm lặng lẽ sát bến cảng.
Một chiếc cầu chênh chếch phía Tây Bắc nối từ cảng qua một eo biển sang phía Bắc thành phố tạo thành một nét đậm xa xa trên mặt nước.
Auckland (với hơn 1 triệu dân, chiếm già một phần tư dân số cả nước) tĩnh lặng mở đầu một ngày mới của cả trái đất- ánh mặt trời đầu tiên của một ngày bắt đầu từ NEW ZEALAND. Con người không hy vọng gì hơn một cuộc sống yên bình như thế.
 
Phố Queen – đoạn được coi là China Town với các cửa hàng châu Á
_cd9RQSwJHlM26kaPu5KBwj0AYXxCfaw1utIspgv1o0

Bài viết không có ảnh trông buồn tẻ quá mà chưa đủ điều kiện đăng ảnh. Mình lập tạm một trang facebook, mọi người vào xem tạm nhé. Khi nào đủ điều kiện đăng ảnh mình sẽ đăng lại.
https://www.facebook.com/dulichselfdrive/
 
Last edited:
2. Những mùa hoa
30/1- Auckland. Nắng sớm. Trời se se mát. Thời tiết điển hình của một ngày cuối hè chuyển sang thu ở bán cầu Nam. Xe của chúng tôi bắt đầu đi xuôi về phía Nam. Người lái vừa nhận chiếc xe thuê và mở đầu cuộc hành trình với xe tay lái nghịch (tuy đã có kinh nghiệm lái xe tay lái nghịch trong chuyến đi Australia một năm trước). Từ phố Queen, sau ít phút chập chừng đi trong phố, xe đã bắt nhịp nhanh chóng vào đường cao tốc.
Con đường chạy giữa vùng Waitomo trù phú. Giống như đặc điểm chung của xứ sở này, hai bên đường là những cánh đồng lượn theo những ngọn đồi. Những ngôi nhà xinh xắn dọc các sườn đồi nằm giữa những vườn cây hoặc vườn cỏ rộng bao quanh bởi các hàng rào thưa bằng các tấm gỗ thâm thấp. Những thị trấn ven đường với các tên gọi âm vang tiếng thổ dân Maori : Muanukau, Papakura, Otorohanga.. thường trang trí những chậu hoa rộng treo dọc hàng hiên các phố.
Chúng tôi đã ngồi nghỉ ăn trưa bên bàn đá rộng ở khu vườn Phục Hưng Ý trong vườn hoa Hamilton. Ở một bàn khác một gia đình người Âu cũng đang ăn đồ ăn nhẹ. Chúng tôi vừa ăn, vừa ngắm vườn hoa phía dưới có khá đông khách. Trong một buổi chỉ đủ thời gian thăm một số vườn : Vườn của người Maori, vườn hoa Anh, vườn hoa hiện đại. Có lẽ cần vài ngày để thăm hết các vườn hoa ở đây. Dù thế vườn hoa Hamilton vẫn tiếp tục được mở rộng. Từ một nơi xa xôi thế này năm 2014 nó đã giành được giải thưởng « Vườn hoa quốc tế của năm ».
Người ta gọi Waitomo là vùng có hai thế giới : Một thế giới bên trên là rừng , là thế giới mà chúng tôi thấy san sát hai bên đường với những tán lá xanh sẫm bên dưới và vàng ươm trên ngọn, với những đồi cây thoai thoải phía xa. Còn một thế giới nữa là thế giới hang động. Chúng tôi đã vào một hang động như thế- hang đom đóm Waitomo. Chúng tôi đã từ trong hang đi ra bằng một con thuyền sắt chở mấy chục người. Thuyền đã đi im lặng trong bóng nước đen sẫm với hàng vạn con đom đóm vẫn lấp lánh từ hàng triệu năm trước trên trần và hai bên thành động. Khi ra đến ngoài cửa hang cả một rừng cây xanh ngợp bên ngoài.
Mùa này là mùa hoa Lavender, mùa quả Blueberry. Xe rời đường cao tốc rẽ vào các trang trại. Chúng tôi đến trang trại Bluberry County hơi muộn nhưng vẫn còn gặp những người sau cùng trong ngày đến mua theo lối tự hái quả. Trong khu vườn rộng với những hàng cây cao quá đầu người xum xuê các trái chín mọng tím, người mua đi đến bằng xe ô tô, người làm cũng lái xe chuyên dụng đến làm.
Chúng tôi còn đến vườn hoa hồng Te Awamutu để ngắm những bông hồng nhiều màu sắc được trồng thành nhiều mảng, nhiều khối trở nên rực rỡ trong ánh nắng chiều.
 
3. Những đồng cỏ trù mật.
31/1- Chúng tôi rời Te Awamutu, thị trấn nhỏ phía Tây của đảo Bắc với những ngôi nhà một tầng xinh xinh lúc nào cũng giữ một vẻ yên tĩnh. Mới sáng, nắng vừa lên, bầu trời đã đầy mây như sắp có mưa. Nhưng chỉ thế thôi, những đám mây chỉ làm ánh sáng dịu đi báo hiệu có những cơn gió mát bất chợt xuất hiện. Chúng tôi đi vào vùng Waikato, trung tâm của đảo Bắc, được coi như trái tim của NEW ZEALAND, nơi mà đất đai màu mỡ được coi là « cỏ cũng mọc nhanh hơn bât kỳ nơi nào trên thế giới », nơi cung cấp chủ yếu những sản phẩm đặc trưng của đất nước này.
Xe đi chưa được bao lâu đã dừng lại để mọi người chụp cảnh con đường dài mấy chục mét dẫn vào một ngôi nhà vẫn thường thấy bên đường. Song ở đây chủ nhân đã gây ấn tượng mạnh mẽ với việc chăm chút cho những hàng cây lớn phủ bóng xanh rợp mát cả con đường và những bụi hoa nhiều mầu ngay từ đầu lối vào.
Không lâu sau xe đã chạy giữa những đồi núi sát ngay bên. Nhiều đàn bò, đàn cừu gặm cỏ trên các đỉnh đồi dốc, in hình cả lên nền trời. Tiếp đó là rừng cây không chỉ ngay bên đường mà chạy sâu vào đến tận phía xa. Ra khỏi rừng cây là những ngọn đồi lúp xúp cao chỉ vài chục mét- có thể gọi là những núm đồi san sát , một thứ đặc trưng địa hình vùng này. Nhiều khi những quả đồi nằm ngay bên một hồ nước in bóng các ngôi nhà.
Các nhà làm phim « Hobbit » đã chọn một địa điểm trong vùng này để làm phim trường. Chúng tôi dành gần hai giờ để thăm phim trường đó cạnh thị trấn Matamata. Những ngôi nhà cổ tích trong phim với những vườn cây, hoa trái, những hồ nước, bãi cỏ hiện ra một cách tự nhiên hòa với đồi núi trập trùng và những đàn cừu đông đúc thong thả gặm cỏ xung quanh.
Chúng tôi đã len qua các rặng cây để ngắm thác Okere cạnh hồ Rotoiti đang xả nước ầm ầm xuống phía dưới. Nhiều tốp thanh niên vác xuồng cao su leo lên thác phía trên để lao cùng xuồng xuống phía dưới theo dòng nước.
Chúng tôi đã vào khu rừng thông đỏ Whakarewarewa ở phía Nam hồ Rotorua để hít thở bầu không khí nhẹ nhõm và mát rượi giữa những hàng cây cao thẳng vút như xuyên lên trời. Ở đây có cây cao tời 72m với đường kính 169cm. Có cả một cây đã đổ rạp mà lạ lùng là trên thân vẫn chồi lên 6 nhánh cao hàng chục mét sừng sững thẳng tắp.
Vùng Waikato này, tiếng Maori là « dòng nước trôi », vốn là nơi đầu tiên những người Maori đã đặt chân đến NEW ZEALAND cách đây hàng nghìn năm. Nó cũng là quê hương trong nhiều trăm năm của vua Maori. Vì thế ở hầu khắp các nơi vẫn nghe tên gọi bằng tiếng Maori : Núi Ngongotaha, hồ Tihitapu .v.v.
 
4. Vùng núi lửa huyền bí
1/2- Chúng tôi rời tiếp một thị trấn tĩnh lặng nữa. Rotorua nổi tiếng với những vùng nước khoáng nóng chia tay chúng tôi với những mảng khói trắng lơ lửng trong thị trấn và những mái nhà thấp chỉ hơi vát nghiêng màu nâu sẫm lùi vào phía trong nhường cho những khu vườn nho nhỏ bên ngoài.
Trời đầy mây từ sớm. Chúng tôi đứng trong mưa và gió lạnh trên nền cao để ngắm hai mặt nước hồ Tikitapu và Rotokakahi, một bên trái và một bên phải. Hồ nào cũng sâu trên dưới 30m với làn nước trong suốt tới đáy và rộng mấy chục nghìn ha. Nhưng nước mưa và sương sớm làm cho chúng tôi khó phân biệt được một bên vốn màu xanh da trời (Blue lake) và một bên vối màu xanh lá cây (Green lake). Song chúng tôi vẫn có thể ngắm những hàng dương xỉ mọc trên núi phía sau dựng thành lớp lớp lá xanh sẫm lấp lánh nước mưa mất hút lên tận đỉnh mờ sương.
Chúng tôi đã dừng lại trong chốc lát bên hồ nước vùng đất ướt Ngahenra nơi tiêu biểu cho mầu mỡ mà « cỏ còn mọc nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên trái đất » như đã nói. Đúng là cây và cỏ ở đây xanh ngăn ngắt, đến hồ nước cũng trở nên thăm thẳm. Vùng đất này nằm gần kề vùng khoáng nóng Wai-O- Tapu được coi là «Sự kỳ diệu của tự nhiên ». Sự ví von quả không lầm. Gần hai giờ đồng hồ chúng tôi đi sát nhiều miệng núi lửa đã tắt, với những thành đá lởm chởm hút sâu thăm thẳm và cả nhũng hồ tràn ngập chất lỏng vẫn liên tục sủi bọt và bốc lên những làn hơi nóng nặng mùi của các loại khoáng chất. Nhiều hồ nước liền kề lại mang những mầu sắc khác nhau : Xanh lá cây sẫm, vàng da cam, trắng bạc, vàng nhạt, nâu đỏ, đen đặc .v.v. Đứng giữa những mặt nước lóng lánh sắc mầu và những làn hơi thổi lên từ các phía khi mờ khi tỏ trên nền những rặng cây xanh thẫm ở trái núi phía sau, con người dễ tưởng như đang lạc trong một thế giới mong manh huyền ảo nào.
Đây là kết quả mà trái đất mang lại cho vùng này sau những đợt núi lửa phun trào bắt đầu từ 16 vạn năm trước. Wai- O- Tapu là một cụm thuộc vùng núi lửa Taupo dài 250km với chiều rộng từ 30 đến 80km. Trong 150 năm gần đây vùng này đã có 05 lần núi lửa phun trào. 4 lần vào các năm 1855, 1929, 1931, 1987. Lần gần nhất tại thành phố Christchurch(thuộc đảo Nam) vào năm 2010.
Chúng tôi bâng khuâng rời Wai-O-Tapu để đến ngắm ngọn thác Huka cách hồ Taupo khoảng 4km. Dòng chẩy tự nhiên của con sông Waikato bắt nguồn từ hồ Taupo trong vắt bị thắt lại trong khoảng 100m ở Huka đã đổ sầm sập từ độ cao 9m xuống dưới, tung bọt trắng xóa. Người ta tính rằng trong 1 giây ngọn thác này đã đổ xuống 20 vạn lít nước và chỉ cần một phút là đủ đổ đầy 5 bể bơi tiêu chuẩn Olimpic. Để thấy sức mạnh của dòng thác người ta còn tính rằng với trữ lượng nước khổng lồ của hồ Taupo rộng tới 608km2, con sông Waikato dài 425km đổ ra biển Tasman đã đem lại nguồn thủy điện chiếm tới 1/6 điện năng của cả nước. (Tasman là tên người châu Âu đầu tiên tìm ra New Zealand vào năm 1642. Ông là người Hà Lan làm việc cho Công ty Đông Ấn Hà Lan tại văn phòng của Công ty ở tỉnh Zealand của Hà Lan).
Sau những ấn tượng như vậy, chúng tôi lại đi lên đỉnh ngọn núi Ruapehu cao 2797m, một trong ba đỉnh núi lửa còn hoạt động ở phía Nam hồ Taupo. Từ chân núi nắng vẫn còn chiếu sáng loáng khắp các rừng cây, chúng tôi dần dần cảm thấy bóng tối đến sớm và những làn sương mù dầy đặc dần. Hai bên đường lởm chởm những khối đá nhiều hình thù, kết quả của những đợt núi lửa phun trào. Càng lên, chúng tôi lại càng thấy rõ những lớp sáng nhờ của đợt phun trào sau cùng phủ lên những khối đá đen sẫm. Lên đến đỉnh, gió thổi mạnh và trở rét. Song tại đỉnh này lại là một cơ sở trượt tuyết với đủ hệ thống cáp treo đưa người lên và những cỗ máy phun tuyết bổ sung. Chúng tôi gặp một chàng trai người NEW ZEALAND mặc quần sooc đang chơi đàn và hát, bên cạnh là chiếc xe đạp đèo đầy đủ các thứ cần thiết để nghỉ qua đêm. Đó là điều chúng tôi không thể nghĩ đến có thể gặp ở trên đỉnh núi lửa này.
Lúc xuống đến chân núi, trời đã về chiều muộn. Song nắng vẫn chiếu sáng bừng bạt ngàn những ngọn lau trải dài hàng chục cây số bên đường.
 
5. Dòng sông và vách đá
2/2- Hôm qua khi chúng tôi về đến nhà nghỉ ở thị trấn Ohakune thì trời đã sập tối. Chỉ thấy nó nằm giữa những nhà nghỉ nho nhỏ mầu trắng xung quanh. Lâu lâu lại có tiếng xe lửa chạy qua. Sớm nay khi thức dậy mới thấy đối diện với nhà nghỉ không xa là một dãy núi lớn điệp trùng những rặng cây. Chúng tôi hứng thú trông thấy một chiếc ôtô ray chạy qua trên đường xe lửa bằng bốn chiếc bánh sắt đường kính chỉ vài chục phân(Nó có thể dừng lại ở chỗ cắt qua đường bộ , rồi tự động rút bánh sắt lên để hoạt động như ôtô bình thường).
Hóa ra ngôi nhà chúng tôi nghỉ ở ngay đầu công viên quốc gia Tongario- lớn vào bậc nhất của NEW ZEALAND. Vì chúng tôi phải xuôi tiếp về phía Nam hơn 300km trong ngày nên chỉ có thể lướt qua vài km ngay đầu công viên mà đã như đi vào một khu rừng bạt ngàn cây xanh song vẫn được giữ gìn ngăn nắp, kỹ lưỡng.
Trong chặng đầu buổi sáng, sau khi rời Ohakune nhìn ra hai bên đường chúng tôi nhận thấy đất đai ở đây không được mầu mỡ bằng vùng Waikato vừa đi qua. Trên nhiều sườn đồi cao ngất, những chú cừu như những đốm trắng nhạt phải leo cả tới đỉnh đề tìm những vạt cỏ nửa vàng nửa xanh.
Khi đi thêm xuống phía Nam, những ngọn đồi trải màu xanh sẫm trở lại. Không chỉ thế những đồi cỏ dần được thay thế bởi những núi đá và rừng cây nối nhau lên cao xuống thấp. Hàng chục cây số liền con đường chạy ngoắt ngoéo một bên là vách đá cao sừng sững, một bên là khe sâu thăm thẳm. Đôi khi thay vào khe sâu là con sông đang mùa cạn, chỉ mảnh như một dải lụa nhỏ lấp lánh.
Đi chừng một phần tư chặng đường trong ngày, qua thị trấn Mangaweka, chúng tôi dừng trước một vực sâu để đi xuống lòng con sông chỉ là một bãi sỏi phẳng lỳ, xa xa vài chục mét mới thấy một dòng chảy màu xanh sẫm. Từ lòng sông đứng nhìn bờ vách đá trắng bị vạt phẳng hai bên thấy ngấn nước còn in rõ trên cao mấy chục mét. Chúng tôi chợt rùng mình nghĩ nếu vào mùa nước thì mình đang chìm sâu trong lòng con sông chảy mãnh liệt như những biến động địa chất vẫn đang tiếp tục diễn ra ở một mảnh đất đã bị tách rời khỏi các lục địa khác từ 100 triệu năm trước.
Càng về sau con đường càng khúc khuỷu. Mới vượt qua một ngọn đèo, lại thấy ngay một vực sâu hút ngay bên. Quả là một con đường thiên lý. Hàng trăm năm trước, khi chưa có con đường rải nhựa nhẵn bóng và các hàng rào che chắn như bây giờ, hẳn những thổ dân Maori khi di chuyển để săn bắt và đánh cá phải trải nhiều năm trời mới vượt được một đoạn đường tương tự như thế này.
Qua khỏi thị trấn Cheltenham không lâu chúng tôi lại dừng bên một khúc ngoặt của con sông Manawatu. Dòng nước vừa qua khỏi hai bờ đá vát đứng, lại bị bẻ ngoặt sang một hướng khác. Có đứng từ đỉnh đá cao đột ngột trồi lên trên bờ vực mới cảm thấy hết vẻ đẹp dữ dội này.
Cuối cùng con đường đã dẫn chúng tôi tới biển, đúng hơn là eo biển Cook ngay giữa đảo Bắc và đảo Nam (eo biển đặt theo tên của thuyền trưởng người Anh- người châu Âu đầu tiên thám hiểm các vùng bờ biển của NEW ZEALAND vào năm 1769). Chúng tôi nhìn thấy phía bên kia bờ vịnh là những ngôi nhà cao lớp lớp sáng trắng của thủ đô Wellington tựa lưng vào ngọn núi Victoria xanh sẫm phía sau.
 
6. Sắc mầu và hòa hợp
3/2- Chiều muộn hôm qua chúng tôi đã có dịp cảm nhận nhịp đập trái tim của Wellington. Từ nhà nghỉ sát ngay chân núi Victoria chúng tôi đổ dốc theo con phố Majoribanks ra bờ biển. Con phố mang dấu tích ảnh hưởng của các ngân hàng Anh trong Công ty NEW ZEALAND- Công ty có thế lực cuối thế kỷ 19- để chuyển thủ đô từ Auckland về đây vào năm 1865.
Không xa lắm chúng tôi đã ra đến quảng trường Civic thuộc trung tâm thành phố nổi bật trên nền vàng nhạt của mặt nước biển trong ánh hoàng hôn. Sát biển là một kiến trúc bằng gỗ lớn với những đường nét cổ của người Maori thể hiện một đôi chim đang hướng mỏ vào nhau và hình dáng những con cá đang bơi lội- nguồn sống của người Maori cổ xưa. Chúng tôi thấy mấy chục thanh niên đang hò nhau đưa lên bờ một con thuyền gỗ dài thuôn nhọn, kiểu thuyền của thổ dân. Họ vừa bơi từ biển về, người nào người nấy ướt sũng, lẫn lộn các mầu da đồng hun với những dáng đậm chắc của người Maori và mầu da trắng hồng với những dáng dong dỏng cao của người Âu. Sự hòa đồng và đề cao nền văn hóa Maori đã thấy rõ ở đây- ngay trung tâm của Wellington.
Cuộc sống bình yên, thanh thản của những cư dân nhiều sắc tộc ở đây đã được chúng tôi thấy rõ thêm trong sáng nay khi ngồi bên bến du thuyền gần quảng trường Civic. Trong ánh nắng dịu với bầu trời xanh trong vắt và những làn nước biển xanh sẫm, chúng tôi ngắm những người đủ lứa tuổi, đủ sắc mầu cũng như chúng tôi đang thưởng thức cảnh ngoạn mục này. Mấy cô gái vừa cười đùa vừa đạp xe đạp bánh hơi từ 4 đến 8 chỗ ngồi. Nhiều người phóng xe đạp thể thao. Nhiều người chạy bộ. Những bà mẹ dẫn con đi dạo bờ biển. Một đôi trẻ sinh đôi lẫm chẫm đạp đi trên những chiếc xe không có bàn đạp. Sự bình thản cũng thể hiện ở dáng đứng của bức tượng một người đàn ông đang dướn cong người như định lao xuống nước ngay trên bức tường ngăn với biển.
Con người đã làm được rất nhiều ở một đất nước xa xôi thuộc bán cầu Nam này. Không phải đã dễ dàng ngay từ đầu.Sau lần người châu Âu đầu tiên khám phá ra giải đất này, mãi đến năm 1769- tức 127 năm sau mới có tiếp những cuộc thám hiểm các vùng biển ở đây. Và đến 100 năm sau vẫn còn những cuộc xung đột đẫm máu.
Một điều thêm thú vị là trên đường về lại nhà nghỉ, tạt vào một siêu thị thực phẩm, chúng tôi thấy trên quầy hàng có cả các gói mì « Hảo Hảo », « Phở bò » ăn liền của Việt Nam. Trên một đường phố sầm uất có một nhà hàng trưng một biển hiệu lớn « Apache- Cafe- Vietnam met Paris ». Và ngay tại số nhà 21b ở con phố nhà nghỉ của chúng tôi cũng có một cửa hàng « Saigon Taste- VietNamese Ethnic Cuisines ». Đã có cả người Việt đến góp phần vào cuộc sống ở đây.
 
7. Núi tuyết và sông băng.
4/2- Chiều qua chúng tôi rời đảo Bắc để bay xuống sân bay Christchurch ở trung tâm của đảo Nam. Chúng tôi bắt đầu làm quen với những con đường ở đảo Nam. Những khu nhà cách nhau thưa thớt hơn. Những cánh đồng cỏ nhỏ hơn. Và những đàn cừu số lượng ít hơn. Ra khỏi sân bay hơn 50km chúng tôi gặp con sông đầu tiên ở đây- sông Rakaia. Tuy còn cách xa rặng núi Hutt, song một mình, nó vẫn làm nên vẻ đẹp tự nhiên. Chỗ Rakaia Gorge- nơi con sông uốn thành một vòng cung tạo thêm một dòng phụ xuyên ngang có hai cây cầu rất gần nhau. Một chiếc với vòng cung tròn đỡ bên dưới, một chiếc với những dóng sắt chéo nhau đỡ lên in đậm bóng xuống mặt nước cuồn cuộn trôi bên dưới.
Ban đêm trong khu nhà nghỉ tĩnh lặng Brinkley ở thị trấn ven rừng Methven, có lúc chúng tôi đã được ngắm mảnh trăng lưỡi liềm mỏng hạ tuần sáng ngời trên bầu trời trong vắt. Thị trấn này ở gần vùng được các nhà khoa học coi là lý tưởng cho việc lắp đặt các đài thiên văn lớn để quan sát bầu trời.
Sớm nay khi lưu luyến rời khu nhà nghỉ xuôi về phía Nam, chúng tôi nhận ra gần như mình đang ở một lòng chảo mà xung quanh là những rặng núi. Suốt con đường đi tiếp lúc nào cũng là những dãy núi lúc xa lúc gần chạy theo hai bên. Ngay cả ở những nơi có sông chảy qua mà những rặng cây xanh cũng chỉ hiện ra từng cụm như những ốc đảo. Đôi khi cũng gặp những con kênh dẫn nước chạy thẳng tắp dọc cánh đồng. Nhiều nhất là những dàn tưới nước vươn cánh dài sang hai bên được các xe kéo từng lúc dẫn đi trên cánh đồng. Nhiều thị trấn mà chúng tôi qua tuy cũng đủ những cửa hàng chính xong chỉ dài mấy trăm mét với những ngôi nhà dọc hai bên đường. Vì thế người ta chăm chút những gì mà thiên nhiên dành cho họ. Nhiều khu chăn nuôi cừu, tuy không lớn, xong được nằm trong những hàng cây cao, được xén tỉa như những bức tường dày hàng mét bằng lá xanh.
Trên đường đi đến núi Cook- dãy núi cao nhất NEW ZEALAND, còn hàng chục cây số nữa, chúng tôi đã đứng trước hồ Tekapo. Cả mặt hồ rộng trải dài ra tận hai vát núi chéo phía xa là một màu nước xanh đậm đặc, chỉ khi gần bờ mới chuyển sang mầu xanh nhạt. Bên cạnh hồ có một ngôi nhà thờ Thiên chúa nho nhỏ với chiếc chuông treo ngay phía ngoài mái. Cách không xa nhà thờ là tượng đài một chú chó bằng đồng. Dưới chân tượng có tấm biển ghi bức tượng được dựng lên năm 1968 bằng tiền đóng góp của dân hạt Mackenzie vì « Công lao của chú chó trong việc tìm ra đất đai cho dân hạt này » (Hạt Mackenzie cung cấp tới 70% loại lông cừu mềm và siêu mịn của cả NEW ZEALAND).
Chúng tôi gần như đã đến gần núi Cook khi tới ven hồ Pukaki- con hồ được hưởng lượng nước từ dòng sông băng trên núi Cook. Đó là một con hồ dài, song bề ngang không rộng lắm, nhiều chỗ từ bờ bên này có thể nhận rõ phong cảnh của bờ bên kia. Trên con đường bên trái hồ chúng tôi đã gặp trang trại Alpine Lavender. Từ cách xa chúng tôi đã nhận ra những luống hoa tím sẫm đặc trưng khi Lavender vào mùa nở hoa. Song vào đến bên trong mới thấy cánh đồng hoa rộng đến không ngờ. Những luống hoa dầy chạy đều thẳng tắp nổi bật trên nền những rặng cây xanh sẫm và sườn núi xanh nhạt phía xa tạo nên một vẻ đẹp sững sờ. Chúng tôi không thể lưu lại đây lâu vì trước mắt đã nhìn thấy những ngọn núi băng đóng trắng xóa theo nhiều hình thù khác nhau.
Trên đường tiến đến chân núi chúng tôi đã thấy san sát những nhà nghỉ, những lều bạt dựng lên cho khách đến chiêm ngưỡng vùng núi này. Vào mùa đông lượng khách đến đây để trượt tuyết và đi máy bay trực thăng để ngắm cảnh tuyết còn đông hơn nhiều. Chúng tôi đã đi sâu vào thung lũng Tasman- nơi khách đến xem hồ trên núi và một trong những sông băng nổi tiếng của NEW ZEALAND. Đi lên lưng chừng núi, chúng tôi đã đến nơi chụp ảnh người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục đỉnh Aoraki của núi Cook vào ngày 3/12/1910, (tại đó đặt bức ảnh lớn của Freda du Faur, sau khi bà từ đỉnh Aoraki trở về). Chúng tôi đã leo tiếp đến chỗ nhìn xuống hồ « Blue » nằm lọt giữa các vách đá. Con hồ ở trên cao 700m so với mặt biển rộng khoảng 10 nghìn mét vuông luôn có màu xanh lơ. Chúng tôi lên tiếp tới nơi ngắm dòng sông băng Tasman. Con sông, đúng hơn là lòng sông, đang cạn. Phải đến mùa đông tuyết phủ dày xuống mới tạo thành con sông băng dài tới 24km với diện tích 92km2(con số ghi được vào năm 2011).
Con sông băng đang bị co dần lại vì sự nóng lên của trái đất. Nếu với đà này người ta ước tính tới mùa đông năm 2027 nó chỉ còn dài khoảng 20km.
Trở về từ trên nơi ngắm dòng sông băng đã ngoài 8 giờ tối. Song ánh nắng vẫn còn chiếu lóng lánh trên những đỉnh núi băng và dát vàng trên một vài sườn núi. Nhiều lần chúng tôi đã dừng lại để chiêm ngưỡng cảnh đẹp vừa lộng lẫy, vừa tương phản giữa các mầu sắc này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top