What's new

Dubai - ẩn sau những tấm khăn che mặt

Phần mở đầu

Viết, rồi xóa. Xóa, rồi viết. Con trỏ màn hình cứ nằm mãi ở phần tiêu đề. Cuối cùng, tôi quyết định chọn cái tên này: “Dubai - Ẩn sau những tấm khăn che mặt”. Dubai có gì ngoài hình ảnh những người phụ nữ trùm khăn? Đó là thứ tôi muốn biết trước khi bàn chân tôi đặt xuống sân bay có mã code DXB, trạm trung chuyển hấp dẫn nhất mà các công ty Logistics chọn làm Hub cho dịch vụ vận chuyển Sea-Air.

Tôi bắt đầu gõ những dòng này vào một ngày cơ thể đình công, nhức từ chân đến tay, mắt mũi biểu tình, nước nôi lem nhem. Tôi thèm nhõng nhẽo mè nheo, thèm một tô cháo gạo lức rang nóng hổi, thèm gọi cho Béo chọc ghẹo rồi phá lên cười. Hơn lúc nào hết, tôi ước đứng phắt dậy, vươn vai như Hecman, hắt hơi một phát là mũi thông suốt ra.
Cảm xúc đang phiêu diêu với giai điệu không lời The City of Lights (Jorge Méndez). Tôi nhớ lớp Contemp, nhớ cảm giác lúc tôi và bạn nhảy chạm nhẹ vào nhau, để cơ thể tự trôi như khối chất lỏng của Alex Mark. Chiều nay không đủ sức nhảy với múa rồi.

Mở đầu lúc nào tôi cũng viết linh tinh, chả ăn nhập gì với phần thân cả. Vậy nên hồi xưa cô giáo dạy văn hay chê là đúng lắm mà. Tôi thích những thứ ngẫu nhiên, sắp xếp lộn xộn không theo quy củ. Đời mà thứ gì cũng gọn ghẽ đẹp đẽ thì đời còn gì vui?

Em trai tôi vừa đặt xong chiếc vé đi Myanmar cuối tháng, một mình. Lần này nó hổng đi chơi, biết đâu có khi là bước ngoặt cuộc đời. Rồi quay về, nó sẽ có nhiều câu chuyện để kể cho bà chị nó, người suốt ngày “xúi dại” người khác nuôi béo mấy hãng hàng không. Chị nó, sực nhớ, cũng có vài chuyện để kể, về một Dubai đằng sau những tấm khăn che mặt.

Câu chuyện của chị Hai bắt đầu…
 
Phần 1: Gật gù ở sân bay, hay chuyện của kẻ mê ngủ

Bấm gửi đi dòng tin ngắn “Bay khỏi Việt Nam những ngày cận Tết, cảm xúc thiệt khó tả. Thèm về quê lắm Béo ơi”, rồi một mình thui thủi kéo vali, tay kia cầm nón lá, ngoái đầu nhìn lại, chẳng ai vẫy tay chào.

Quatar Airline đưa tôi quá cảnh qua Doha lúc 11 khuya theo giờ địa phương. Nếu so sánh giữa sân bay Doha và Dubai, tôi bảo tôi thích Doha. Tôi thích quang cảnh nhộn nhịp và sáng loáng ở đây. Chẳng đủ thời gian để dạo chơi loanh quanh, tôi đi thẳng theo mũi tên chỉ dẫn “Transfer” đến cửa ra máy bay để lên một chiếc khác nhỏ hơn bay từ Doha đến Dubai. Cô gái tiếp viên đứng chào trên máy bay đã đùa hỏi cô ấy có thể đổi cái mũ tiếp viên để lấy nón lá của tôi được không, điều đó làm tôi bật cười tỉnh cả cơn buồn ngủ.

Phải nói thật, dưới góc nhìn và khái niệm về cái đẹp của mình, tôi sẽ nói tôi mê mẩn nét đẹp sắc sảo của phụ nữ Trung Đông, mà điển hình là những nữ tiếp viên tôi gặp trên chuyến bay Quatar. Họ có đôi mắt sâu huyền bí, sống mũi cao thanh thoát, đôi môi đỏ mọng cuốn hút chết người. Tôi thích cách họ cười, cách họ chào, cách họ nhiệt tình và hết lòng với hành khách. Hèn chi các hãng hàng không Trung Đông lúc nào cũng đứng đầu danh sách về cung cách phục vụ.

Tôi được cái “dễ dãi” trong việc ngủ, bất cứ khi nào, và bất cứ đâu. Di chuyển bằng phương tiện gì, tôi cũng có thể ngủ một cách ngon lành, cho dù đang ngồi bên cạnh ai đi chăng nữa (dù là sếp bự, hay một anh to cao không đen hoặc đen mà hôi). Máy bay chưa vào đường băng là tôi đã chìm vào giấc mộng rồi, cho đến khi anh bên cạnh lay lay cánh tay “Hey, bạn không xuống máy bay à?” – “Ủa, chưa cất cánh mà?”. Ôi trời, hèn gì tiếng rùng rùng vừa thoáng qua tai trong giấc mơ, tôi cứ tưởng máy bay đang chạy lấy đà cất cánh, ra là hạ cánh trời ơi.

Quatar đưa tôi đến terminal 1 lúc hơn 2g sáng theo giờ địa phương. Sân bay Dubai có tổng cộng 3 terminal, mỗi terminal cách nhau khoảng 7km. Nói vậy để hình dung sân bay của họ rộng lớn cỡ nào, và để hiểu công suất của cảng chuyển tải đường hàng không thế nào.

Chưa bao giờ tôi phải hòa vào dòng người đông như thế để xếp hàng qua cửa nhập cảnh. Lúc đó tôi buồn ngủ ngơ người, nhưng mắt vẫn vừa đủ sáng để đếm đâu đó có 15 hàng, nghĩa là có khoảng 15 anh hải quan ngồi ở 15 ghế để làm thủ tục nhập cảnh. Nhìn tới nhìn lui, tôi chọn xếp vào hàng gần cuối. Nếu trình tập đếm lớp 1 không quá tệ, tôi cá là trước mặt tôi có 99 người đang mệt mỏi chờ đợi, và tôi là người thứ 100. Nghĩa là ở khu vực ấy, lúc đó, có hơn một ngàn người chờ nhập cảnh. Ôi trời đất quỷ thần ơi!

Tôi nhìn quanh, chưa tìm thấy gương mặt châu Á thân quen nào cả. Đa phần là những người đàn ông trùm khăn trắng, mặc đồ trắng phủ dài từ đầu đến chân, và những người phụ nữ mặc choàng đen, trùm khăn đen. Cũng có nhiều những người đàn ông đồ trắng đã ngả sang màu cháo lòng, quần đũng xệ hệt như quần Alibaba. Tôi chưa kịp hỏi họ đến từ vùng nào.

Đứng xếp hàng chờ hơn một tiếng đồng hồ mới đến lượt mình, tôi rảnh quá thắc mắc lung tung. Tôi bắt đầu tự hỏi: “Những người phụ nữ trùm khăn che mặt kia, họ chụp ảnh trên passport thế nào? Họ qua cửa hải quan thế nào, có cần mở mạng che mặt không? Tại sao họ phải trùm khăn?”. Dĩ nhiên tôi không dại dột mà quay sang đặt câu hỏi cho họ. Nhưng may mắn là sau này có một anh chàng đến từ Lebanon, sống và làm việc ở Arab Saudi đã giúp tôi giải đáp những thắc mắc đó. Tôi sẽ kể bạn nghe ở phần sau.

Sussane là cô bạn tôi làm quen qua những tin nhắn gửi trên Couchsurfing ngay sau khi tôi quyết định sẽ sang Dubai trước hai ngày so với lịch bay của công ty. Ngoài Sussane, tôi còn nói chuyện với một số anh chàng ở Dubai. Họ có vẻ nhiệt tình cho tôi ở nhờ, nhưng tôi chỉ muốn gặp gỡ café, và trò chuyện để hiểu về văn hóa thôi. Đây là lần thứ hai tôi muốn trải nghiệm là một surfer (nghĩa là người xin ở nhờ) nên tôi biết mình chưa đủ kinh nghiệm và cách hành xử phù hợp để ở nhà con trai. Tôi không sử dụng Couchsurfing vì mục đích tiết kiệm tiền ở. Tôi vốn thích ở chung với người đang sống và làm việc nơi tôi đến, rồi nói chuyện, rồi kết bạn, rồi nấu một bữa ăn cùng nhau, và tìm hiểu về văn hóa. Để khi trở về, tôi luôn có thứ gì đó để viết, về những người tôi gặp, về những con đường tôi đặt chân qua. Sussane đồng ý cho tôi ở cùng hai đêm. Tôi chẳng hỏi thêm bạn ấy là người nước nào, nhưng qua profile tôi đoán hoặc là Mỹ, hoặc là Đức (vì bạn ấy cập nhật đã từng sống ở hai nơi ấy).

Tôi nói Sussane rằng tôi có thể loanh quanh sân bay chờ đến sáng mới về chỗ ở của bạn ấy. Dù gì tôi cũng muốn đi dạo hết để xem sân bay Dubai rộng lớn cỡ nào và năng lực vận chuyển hàng hóa ra sao (vốn bệnh nghề nghiệp mà). Nhưng Sussane nhất quyết bảo tôi đón taxi về, bạn ấy không thấy phiền gì khi dậy mở cửa cho tôi cả.

Bắt một chiếc taxi màu đen, láng bóng tại sân bay, tôi nghĩ trong đầu “Có vẻ như mình đang đi dịch vụ Limousine mất rồi mèn ơi”. Xe đẹp, êm ái, có nhạc du dương.

Ra khỏi khu vực sân bay, đường cong uốn lượn theo dốc, tôi cứ ngỡ mình đang từ Nội Bài đi về trung tâm. Không chút lạ lẫm, như kiểu đây không phải lần đầu tôi đến Dubai. Thực ra thì tôi không thích cảm giác này thân quen này. Tôi muốn cảm xúc của mình như một đứa trẻ sống ở làng quê, hoan ca theo chân mẹ ra phố, bỡ ngỡ, ngây ngây, vừa lo lắng vừa hồi hộp như lần tôi sang Singapore. Trách sao được, tôi đã bắt đầu “già” (tiếng anh dùng từ “experienced” có vẻ chuẩn), tôi đã bắt đầu “lì”, và tôi đã bắt đầu không còn biết “sợ”. Nên buồn hay nên vui?

Anh tài xế taxi nói tiếng Anh lưu loát như đây là ngôn ngữ thứ hai của anh ấy vậy. Tôi hỏi có phải taxi của anh ấy mắc hơn những chiếc taxi xanh đỏ kia không vì tôi thấy xe anh đẹp hơn và sang trọng hơn. Anh trả lời nó bằng giá, nhưng đây là hãng taxi của sân bay nên sẽ không tìm thấy ở bên ngoài. Tôi đưa cho anh ấy mảnh giấy ghi địa chỉ diễn dãi theo cách của Sussane. Anh bảo khu Mankhool thì ảnh biết, nhưng ảnh không chắc sẽ tìm được căn hộ Alraj 2. Chừng mười lăm phút sau, anh đưa tôi đến ngay khu mà anh bảo là phía sau siêu thị Spinney’s như Sussane chỉ. Chạy tới chạy lui, chạy xui chạy ngược chả tìm thấy đường 17B. Ghé hỏi đến mấy căn hộ, vẫn chẳng ai biết căn nào là Alraj 2. Cuối cùng thì cũng có một anh bảo vệ khẳng định là biết, vì căn đó cùng chủ đầu tư với căn của ảnh. Ôi thôi đã tìm thấy đường số 17B. Chạy lên chạy xuống cả chục lần, trời hãy còn tờ mờ lắm, rồi cũng tìm ra Alraj 2. Tôi gọi cho Sussane, chừng năm phút sau thấy Sussane gọi lại bảo chẳng thấy chiếc taxi nào trước căn hộ cả trong khi tôi đang chờ anh taxi tính tiền. Ra khỏi xe, cái lạnh 17 độ làm tôi rùng mình. Sussane đã đứng bên kia đường đợi tôi tự bao giờ.

Sussane xách giúp tôi hành lý lên phòng. Đó là một căn hộ chừng hai mươi lăm mét vuông, kê chiếc giường be bé sát vách tường chỉ đủ cho một người ngủ. Ngoài ra còn có một chiếc bàn làm việc cao và một chiếc bàn thấp đặt cạnh chiếc ghế sofa, nơi dành cho couchsurfer làm chỗ ngủ. Ngăn bếp nhỏ nhưng đầy đủ dụng cụ.

Vừa lên, Sussane dành cho tôi món quà là gói café bạn ấy mua về từ Ethiopia khi sang du lịch và chạy bộ bên đó vài ngày trước. Với tôi, đó là món quà chào đón ngọt ngào và dễ thương nhất.

Lúc đó kim đồng hồ đã qua 4g sáng. Tôi ngồi lôi đồ đạc ra khỏi vali rồi sắp xếp lại vài thứ. Cái tôi cần là một bộ đồ thun và một đôi giày thể thao. Bởi tôi đã có hẹn với Sussane từ trước, sẽ xuất phát lúc 5g sáng để cùng chạy bộ với bạn ấy. Tôi thích thể thao, tôi yêu thể thao, nên tôi yêu cả những người tràn đầy tinh thần thể dục thể thao.

Đứng trước căn hộ Alraj 2 khua chân múa tay khởi động cho bớt lạnh, tôi thấy mình là một anh hùng với áo bra đi kèm áo khoác ngoài ba lỗ nhỏ lỗ chỗ.

5g sáng, cuộc chạy bộ của chúng tôi bắt đầu….
 
Phần 2: Bước qua thành phố lạ, cứ ngỡ là rất quen

(Chất xúc tác để tôi tiếp tục phần 3 là bài “Jar of Hearts” do Christina Perri hát. Âm nhạc quả diệu kì! Gửi lời cảm ơn thầy dạy Comtemp).
Tìm hiểu trước về nơi mình đến là điều nên làm. Nhưng có những chuyến, tôi thích đi với một cái đầu trống rỗng. Như một tờ giấy trắng, tôi sẽ tự mình vẽ nên bức tranh về nơi đó qua lăng kính của chính mình. Thứ tôi cần mang theo, là một tâm thế sẵn sàng, sẵn sàng đón nhận cái mới, sẵn sàng ăn món mới, sẵn sàng kết bạn mới, sẵn sàng hòa nhập vào văn hóa mới.
Dubai là một trong số bảy tiểu vương quốc (tiếng Anh gọi là Emirate) của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Sáu tiểu vương quốc còn lại là Abu Dhabi, Sharjah, Ajman, Umm Al Quwain, Ras Al Khaimah and Fujairah. Có thể hiểu nôm na đơn giản, mỗi tiểu vương quốc giống một thành phố của một quốc gia. Tôi chưa đủ thời gian để tìm hiểu xem có gì khác biệt trong cách mà UAE quản lý các tiểu vương quốc. Xin visa đi Dubai, nghĩa là visa vào UAE, nên có thể sử dụng để đến sáu tiểu vương quốc còn lại. Visa UAE thuộc dạng đắt đỏ tương đương visa vào châu Âu, USD 120 cho 30 ngày.

Tôi háo hức với lời hẹn hò chạy bộ cùng Sussane. Tôi thích tham gia những hoạt động ngoài trời hay chốn công cộng ở bất cứ nơi nào tôi đặt chân qua. Chẳng biết tự bao giờ, tôi thấy tâm hồn mình trẻ ra, có khi vô tư như bọn nhỏ loi choi chưa đến tuổi dậy thì. Tôi không phải tín đồ chạy bộ, nhưng Béo đã mang đến cho tôi nhiều cảm hứng. Thêm nữa, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami cũng là nguồn động lực thu hút tôi vào môn thể thao (có vẻ) nhiều cô đơn.

Sussane dẫn tôi chạy men theo hành lang đi bộ, vòng dưới cầu vượt, băng qua mấy con đường lớn lúc xe dừng chờ đèn đỏ. Ban đầu tôi khí thế bừng bừng, cố bắt kịp tốc độ, vừa không để mất mặt. Sussane cao hơn 1.7m, đã vậy chân dài hơn người có cùng chiều cao, lại là dân mê chạy bộ và thường xuyên tham gia mấy cuộc thi chạy Marathon ở châu Phi. Nghe đâu tháng 3 Sussane sang Jordan để thi chạy tiếp sức cự ly 200km (lúc tôi viết xong phần 2 này thì Sussane đã hoàn thành tốt đường chạy 240km và đang chuẩn bị lên máy bay ở Jordan để quay về Dubai). Bấy nhiêu thôi đủ để thấy tôi “củ chuối” cỡ nào. Phải thừa nhận chạy bộ không phải là sở trường nhưng đi bộ và hiking thì tôi không hề ngại. Sussane giữ tốc độ đều đều, vừa chạy vừa trò chuyện. Được một lúc tôi hụt hơi, im thin thít, cứ tập trung vào thở đủ đuối rồi. Sussane ra chiều hiểu ý : “Này Thủy, đi bộ một lát nhé”. Ôi mừng quá, tôi chuyển liền ngay lập tức từ dáng chạy như vịt bầu sang đi bộ tốc độ cao.

- Sussane này, mình thấy nhiều phụ nữ mặc đồ đen che kín mít. Có phải bên trong họ chỉ mặc đồ lót không? Có phải về nhà họ cởi đồ đen ra rồi chỉ mặc mỗi đồ lót trong nhà không?

- Không phải vậy. Họ ăn mặc như chúng ta, thời trang lắm đấy, cũng áo quần, cũng giày thể thao hàng hiệu đấy. Họ chỉ khoác lớp áo đen bên ngoài như chúng ta mặc áo khoác thôi.

Sussane cứ thế trả lời lần lượt từng câu tôi hỏi. Một buổi sáng mùa đông Dubai, gió luồn từng cơn qua cổ áo, có một cô gái Việt Nam và một cô gái Đức rôm rả say sưa những câu chuyện bất tận về một Dubai rất khác, rất khác với suy nghĩ của cô gái Việt Nam mấy ngày trước khi lên máy bay.

Trước lúc tôi đi, nhiều bạn bảo tôi phải ăn mặc thật kín đáo, trùm kín từ đầu đến chân. Thậm chí có người bảo áo dài Việt Nam cũng không được mặc nơi công cộng nữa. Tôi ít khi tin điều ai đó nói khi người ta chưa trải nghiệm, hoặc tôi thường thích làm ngược lại những gì người ta khuyên. Nhưng lần ấy tôi tin thật nên tôi hơi lăn tăn về trang phục. Nhắn tin cho Sussane, bạn ấy bảo cứ yên tâm, mặc gì cũng được, kể cả áo dài hay quần short.
Tôi góp nhặt được biết bao điều hay, điều lạ qua những câu hỏi chẳng liền mạch khi trò chuyện với Sussane trên đường chạy. Dubai an toàn, (nếu không muốn nói là “cực kì an toàn”), camera khắp nơi, như Singapore vậy. Dubai khá thoáng trong cách ăn mặc, bạn có thể mặc bất kì thứ gì bạn thích. Chỉ nơi nào yêu cầu che kín như nhà thờ hồi giáo thì mới phải che thôi. Ở Dubai, luật pháp rất nghiêm ngặt. Hơn 80% dân sống ở đây là người nhập cư, đến từ Ấn Độ, Pakistan, Afganishtan, Iran,…Dubai không gọi là thiên đường, nhưng ai cũng hiểu có được một công việc ở đây là cơ hội tốt hơn nhiều so với ở quê nhà, họ chẳng dại mà đánh mất nó vì những vi phạm ngớ ngẩn. Nếu bất kì ai đang sống làm việc ở đây mà vi phạm pháp luật, họ có nguy tơ bị tước visa vĩnh viễn không thể quay trở lại Dubai. Đó là lý do không có nạn trộm cắp hay cướp giật, cũng không cưỡng hiếp. Nếu có ai đó vi phạm, thì chắc chắn là khách du lịch, không phải người sống ở đây.

Tôi không thấy một phụ nữ nào buổi ban sớm cả. Chúng tôi lướt ngang qua nhiều đàn ông trên đường, họ nhìn chúng tôi với vẻ lạ lẫm và hiếu kỳ. Chẳng có điều gì đáng sợ trong ánh nhìn của họ cả. Họ nhìn chúng tôi vì nét mặt chúng tôi khác họ, vì chúng tôi ăn mặc khác họ. Thế thôi.

Chúng tôi chạy ra hướng bờ sông khu Mankhool. Sussane bảo muốn tôi thưởng thức một thứ đặc biệt. Có ai đoán được không? Trời hãy còn tờ mờ (mặt trời phải gần bảy rưỡi mới nhoẻn miệng chào Dubai), có một cô gái Việt Nam đứng ngẩn người ra, lặng đi trong khoảnh khắc ấy. Là tiếng hát vọng ra từ nhà thờ, là thanh âm nguyện cầu lúc năm giờ rưỡi, vang đi rồi vọng lại cả một khu phố cổ đang mơ nốt phần đẹp nhất trước khi tỉnh giấc. Người ta đã từng phá hủy khu này, kéo đổ những ngôi nhà cổ. Để rồi khi công nghệ càng lấn sâu và con người như robot sống trong khối kiến trúc hình chiếc hộp, người ta quay quắt nhớ về một thời xưa cũ. Người ta cho xây dựng lại, tái hiện lại những khu phố, khu chợ, những ngôi nhà đậm nét Trung Đông.

Có vẻ đây không phải là nơi nhiều khách du lịch biết đến. Mỗi lần được người địa phương dẫn đến địa điểm ít người biết, tôi sung sướng tự cười một mình (ừ thì tôi không thích trông giống giống số đông). Nếu bạn muốn đến khu này, hãy nhìn trên trên bản đồ Dubai, có khu vực khoanh hình chữ nhật ghi tên “Mankhool”. Đến đó rồi hỏi đường ra “Water Bus”, là khu vực ven sông, bạn sẽ tìm thấy chợ phố cổ, nhà thờ Hồi giáo và bảo tàng tiền xu bằng vàng.

Dọc đường đi, tôi thấy hoa hồng trên mạng nhện ống nước màu đen (bắt chước phong trào “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Hihi). Đấy, tôi đã tận mắt chứng kiến nhé. Thời tiết ở đây khô hạn quá, nên cây và hoa còn quý hơn vàng với dầu mỏ. Họ đầu tư hệ thống nước tưới hoành tráng lắm, mà hoa chỉ nở loe ngoe lác đác thương ơi là thương. Tôi tự hỏi một đất nước tiêu xài bằng tài nguyên thiên nhiên, đến một lúc nguồn tài nguyên ấy cạn kiệt, thì thế hệ mai sau sẽ sống bằng gì? Giới trẻ Dubai sau này ý thức rằng chẳng có tài nguyên nào là vô hạn, nên đã đầu tư rất nhiều vào học hành, đi du học sang châu Âu, sang Mỹ, trở về làm giàu bằng trí tuệ của mình chứ không để bị phụ thuộc vào tài nguyên.

Chúng tôi trở về căn hộ của Sussane khi đồng hồ điểm 6g30. Tắm rửa xong xuôi, tôi và bạn ấy đánh một giấc ngon lành đến tận trưa, mà quên mất rằng mình chưa ăn sáng.
Cảm giác cồn cào trong dạ dày làm tôi thức giấc. Tôi chẳng cần phải vội, chẳng cần phải chạy sô như cái kiểu người đi để chụp ảnh, để check-in nhiều địa điểm rồi đăng lên Facebook khè chúng bạn chơi. Tôi vươn vai vặn mình, nghe tiếng chim ríu rít đâu đây. Nhìn sang góc giường, Sussane ngồi bên laptop tự bao giờ, nhìn tôi cười hỏi “Bạn ngủ có ngon không?”.

(tt)
 
Phần 3: Bước qua thành phố lạ, cứ ngỡ là rất quen

Thứ 7, chúng tôi muốn hít khí trời và thưởng thức ngày cuối tuần thật chậm rãi. Ở Dubai, cuối tuần gồm hai ngày thứ 6 và thứ 7, còn chủ nhật là ngày đầu tiên của tuần làm việc. Bởi vì trong kinh Koran, thứ 6 là ngày cầu nguyện nên tất cả các công ty đều nghỉ (giống như ngày chủ nhật đi nhà thờ của các bạn theo đạo Thiên chúa giáo vậy). Sussane rủ tôi đi bộ ra trạm metro ADBC uống café. Coffee Bean chẳng mấy đông đúc, chúng tôi gọi hai ly smoothies, vài cái bánh cupcake và bắt đầu huyên thuyên như hai người bạn cũ đã lâu không gặp.

Chúng tôi nói trên trời dưới đất đủ chuyện. Phần nhiều xoay quanh những câu chuyện về những vùng đất mà hai đứa đã từng đặt chân qua. Sussane mang đến cho tôi biết bao cảm hứng và tò mò về một Arab Saudi với luật lệ hà khắc, về một Jordan hay Ethiopia với mùi café thơm lựng. Chúng tôi chia sẻ về tình yêu, về những mối tình cũ. Thế nào là yêu? Tôi không biết, hoặc không dám khẳng định mình biết. Nếu yêu một ai đó mà người ta hút hết năng lượng của bạn mỗi ngày bằng những suy nghĩ tiêu cực, bằng con mắt nhìn đời xám xịt, thì bạn có còn đủ kiên nhẫn để ở bên tình yêu ấy không? Vậy nên, nếu yêu thật lòng, xin hãy truyền cảm hứng sống cho nhau, tạo động lực cho nhau, để mỗi ngày là một ngày vui và đáng sống, sống để yêu. Viết đến đây tự nhiên nhớ bạn Béo, nhất định sẽ là khán giả đứng từ xa cổ vũ Béo trên đường chạy Mẩthon sắp tới.

Sussane hôm nay rất bận với một danh sách công việc cần hoàn tất. Susane luôn dành một tiếng đồng hồ thứ 7, vào đúng giờ đấy, gọi về gia đình ở Đức để mẹ và chị biết rằng bạn vẫn đang sống tốt sống khỏe ở nơi xứ người. Hóa ra, văn hóa phương Tây hay phương Đông thì gia đình vẫn là nơi trú ngụ ấm áp nhất trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Suy cho cùng, con người, dù ở nơi nào trên trái đất (hàn đới hay nhiệt đới), vẫn đầy ắp tình người, đầy ắp yêu thương.

Trở về nhà, tôi lại tiếp tục đánh một giấc dài cho đến tối. Tôi ngủ như từ lúc sinh ra đến giờ chưa từng được ngủ. Nếu nói là jet lag, chắc sẽ thiên hạ sẽ cười cho. Cách nhau có ba tiếng đồng hồ thôi mà, có phải cách cả ngày đêm như Việt Nam với Mỹ đâu.

Lúc tôi thực sự tỉnh hẳn, kim đồng hồ đã qua 8g tối. Tôi phục mình thật, coi như cả ngày thứ 7 tôi chỉ ăn mỗi chiếc bánh cupcake. Sussane ăn chay, buổi tối của bạn ấy chỉ cần một quả carot, một quả cà chua và ít salad. Còn tôi cần tinh bột, thật sự rất cần tinh bột lúc này.

Một mình với quần lửng áo thun tung tăng xuống phố. Mượn tiêu đề cuốn sách của anh Nguyễn Huy Tâm để nói: “Bước qua thành phố lạ”, sao tôi cứ ngỡ là rất quen. Lạnh, lạnh thật. 17 độ về đêm ở xứ sa mạc không thể xem thường được. Tôi mượn chiếc áo len mỏng của Sussane và bắt đầu rảo bước.
Tự tin đi về hướng trạm metro ADBC lúc sáng, tôi mở cửa bước vào quán ăn Pakistan. Thế, nhất quyết không vào đại một quán thức ăn nhanh. Tôi muốn thử hương vị Trung Đông nó thế nào, ăn ra làm sao. Quán có mùi giống mùi Ấn Độ không lẫn vào đâu được. Mấy anh phục vụ nhìn tôi với ánh mắt dễ thương lắm, chạy tới chạy lui chờ tôi gọi món. Đảo mắt ngó quanh, chỉ mỗi tôi mang gương mặt Đông Nam Á, còn lại toàn phụ nữ mặc sari và quấn khăn quanh đầu, quanh cổ. Xem nào, tôi đã gọi một đĩa salad, một đĩa cơm bò và một chén súp. Nghe tên quen thuộc quá chừng, nhưng những món trước mặt tôi lúc ấy ngộ lắm. Hạt cơm dài đến nỗi tôi tưởng họ mang nhầm bún (kiểu như sợi bún không hàn the bị gãy nát ý). Vị cơm nhạt, đi kèm nước sốt sền sệt. Thịt bò cay nồng vị tiêu ẩn mình dưới lớp “bún nát”. Đĩa salad có rau xà lách, dưa leo, cà chua rồi vắt chanh lên chua quá chừng. Chén súp được nấu từ bột năng sền sệt, tôi không diễn tả được, chua chua giống vị thức ăn bị thiu. Tôi thấy mình có lỗi, vì đã chưa kịp chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để thưởng thức món ăn Pakistan. Tôi ngồi gần hai tiếng, cố gắng “thưởng thức” với một vị giác bao dung nhất, rồi ngước mặt lên cười một cái rõ tươi với anh phục vụ “Your food is so good. I would love to finish all but it’s too much for my stomach, actually”. (Tôi đang dối lòng, xin lỗi bạn, tôi đang dối lòng). Ngờ đâu anh ấy bảo, không sao đâu, tôi sẽ gói lại cho bạn mang về. Ôi trời thần ơi, sao ảnh nhiệt tình quá mức cần thiết vậy! Không thể cắt ngang niềm vui của anh, tôi “hân hoan” mang hộp thức ăn về rồi băn khoăn một cách đau khổ: Ai sẽ giúp mình ăn hết chỗ này đây?

Đêm ấy tôi mơ, giấc mơ mang mùi Trung Đông quyện với nước sốt chua chua sền sệt, vị thiu thiu…
 
Phần 3: Không phải tất cả những ai lang thang đều đi lạc

Tôi lại chuẩn bị lạc đề nữa đây.

Sài Gòn đang phải chịu đựng những ngày siêu nóng, như thiêu như đốt với cảnh báo tia UV vượt ngưỡng chấp nhận được. Tôi bày ra một đống hỗn độn dưới đất, vừa mở máy lạnh vừa mở quạt vù vù. Đó là cách tôi tự tạo cảm hứng cho chính mình.

Hey, chị Hai đang cần một liều doping để viết tiếp về một Dubai với những tấm khăn che mặt.
“Em trai ơi, mở nhạc to lên. Mở cho Hai bài gì gợi cảm hứng về Trung Đông ấy để Hai viết nốt nhật kí hành trình về Dubai đi”.
Chị Hai luôn có những yêu cầu kì cục như thế. Thằng em chịu.

Béo đang trên đường chạy 10km cuối cổ vũ Ironman 70.3 (08.05.2016). Vậy tôi sẽ chọn bài Waka Waka do Shakira hát, là bài mà tôi và các bạn trẻ đã nhảy flashmob tại buổi khai trương Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2015. Bỗng dưng tôi nhớ Sussane, cô gái Đức cho tôi ở nhờ ở Dubai, đã hoàn thành tốt đường chạy tiếp sức 210km ở Jordan.

Quay trở lại với anh chàng Lebanon mà tôi nhắc đến trong phần 2.

Tình cờ sau này tôi có dịp uống café với một anh chàng đến từ Lebanon, đạo Hồi, đang sống ở Arab Saudi. Anh ấy là người giúp tôi giải đáp biết bao thắc mắc về trang phục đạo Hồi và những tấm khăn che mặt.

Đàn ông mặc áo trắng, phủ kín từ vai đến chân (làm tôi liên tưởng đến bộ áo đi cúng của ông ngoại ở quê). Nếu để ý kĩ, sẽ nhận ra cách họ quấn khăn trên đầu khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Vài anh có vành khăn caro đỏ-trắng. Đấy là cách để họ thể hiện “gu” thời trang riêng của mình, và cũng qua đó nhận biết họ đến từ đâu. Bên trong, họ mặc quần đùi, áo thun trắng ngắn tay như áo lót của các bạn nam (cái này phải tôi phải tranh thủ liếc nhìn trộm nhiều lần lắm mới thấy. Hehe).

Phụ nữ mặc trang phục đen, cũng phủ dài xuống đến giày. Bên trong, họ mặc quần dài, hay váy áo, mang giày cao gót, giày thể thao hệt như chúng ta. Phụ nữ phải ăn mặc kín đáo và che tóc khi ra đường, đó là quy định trong kinh Koran. Nhưng việc họ che mặt, không bị bắt buộc trong tôn giáo, mà là vì chồng họ, cha họ, bắt họ phải thế. Tôi cho rằng đó là tư tưởng bảo thủ và ích kỷ, coi phụ nữ như một món đồ. Với họ không hề có khái niệm “tự do”. Chồng họ, cha họ không cho bất kì người đàn ông nào được nhìn vợ họ, con gái họ. Có một số phụ nữ còn che cả mắt bằng tấm mạng đen mỏng. Tôi không biết thế giới qua con mắt họ thì trông như thế nào.

Che mặt kĩ vậy, làm sao trai gái tán tỉnh nhau? Tôi là đứa hay đặt câu hỏi từ gốc đến ngọn. Ngồi nghĩ cả buổi tối không ra được cách trai gái tán tỉnh nhau. Không nhìn thấy mặt thì đàn ông yêu thế nào, phân biệt người họ yêu bằng cách nào? Qua giọng nói ư? “– Hỏi hay đấy Thủy!” Anh Lebanon nói. – Nhưng làm gì có chuyện họ được lựa chọn và yêu đương mà cần tán tỉnh nhau! Những cô gái che mặt là những cô gái sống trong gia đình hà khắc với những quy định tôn giáo nghiêm ngặt. Cha mẹ họ đã đính ước sẵn với người cùng dòng tộc từ khi họ còn là những đứa trẻ. Việc của họ là cưới nhau, thế thôi. Bởi vậy nên tỷ lệ ly hôn của những người theo đạo Hồi cao lắm.
Đám cưới diễn ra thế nào? Cô dâu và chú rể tổ chức tiệc cưới ở nơi riêng biệt. Có thể là hai phòng trong một nhà hàng, hoặc hai nhà hàng khác nhau. Chú rể đón tiếp bạn chú rể, ở đây không có cô dâu. Cô dâu tiếp bạn cô dâu, chú rể có thể ghé qua một lát. Tiệc cưới của chú rể chỉ có ăn và ăn. Phía cô dâu sôi động hơn, có cả nhảy múa. Vậy thì, bạn bè chú rể dự đám cưới về xong vẫn chả biết cô dâu là ai. Hay đấy!
------------

Quay lại với tôi và giấc mơ mang mùi Trung Đông thiu thiu.

Tôi tỉnh giấc bởi tiếng tin nhắn yahoo mail. Là mail trả lời của Al Nassma Chocolate. Phải công nhận, dịch vụ ở Trung Đông, điển hình là Dubai, tuyệt vời nhất trên thế giới. Al Nassma có lẽ là công ty sản xuất socola sữa lạc đà duy nhất ở Dubai. Tôi biết đến món này nhờ Sussane khi tôi hỏi Sussane có thứ gì đặc biệt ở Dubai để tôi mua về làm quà cho mẹ. Đúng như Sussane nói, chiều hôm trước tôi đã dạo qua vài siêu thị và shop ở ngoài, hỏi về “socola sữa lạc đà”, ai cũng trố mắt nhìn tôi như người từ trên núi mới xuống. Họ có bán socola, họ có bán sữa lạc đà, nhưng họ không có socola làm từ sữa lạc đà. Sussane chắc chắn ở Dubai Mall có bán, nhưng không nhớ hiệu gì, khu vực nào. Nhờ google, tôi đã gửi mail đến Al Nassma. Ngay sáng hôm sau thì nhận được mail chỉ vị trí rất cặn kẽ. Hộp socola 9 miếng hình con lạc đà nhỏ bằng ngón tay cái có giá 99 dirham (khoảng 700.000VND). Giá chẳng hấp dẫn tý nào.

Tôi dậy từ rất sớm, dạo một vòng vào Spinney’s tìm coi có thứ gì bỏ bụng. Siêu thị ở đây chẳng cần phải gửi lại đồ đạc ở quầy. Khách hàng cứ mang vào thoải mái, chọn mua thoải mái rồi thứ gì lấy từ siêu thị thì để lên bàn tính tiền thôi. Không gian mở, máy quét ở một số nơi, nhưng không có cửa chặn. Chẳng ai thèm gian lận. Nếu có thời gian, tôi thích được ngâm cứu kĩ hơn những sản phẩm bán trong siêu thị. Hay nhất là gian sữa tươi lạc đà. Tôi cứ ngây ra, tưởng tượng mình đang cưỡi trên lưng lạc đà, tay kia thò xuống vắt sữa giữa sa mạc bỏng rát. Thích cả gian trái cây với một số loại là lạ đến từ những vùng lân cận như Iran, Saudi,…

Sáng hôm đó tôi có hẹn với anh đồng nghiệp người Thái Lan vừa bay sang sau tôi một ngày. Sau hồi loay hoay với ma trận google map, anh và tài xế taxi cũng tìm được đường tới chỗ tôi. Tôi chào anh bằng chai sữa tươi sữa lạc đà, rồi quần short, áo thun, đeo túi Prisma, giày thể thao rảo bước. Tôi bảo: “Đi theo em. Em đưa anh đến chỗ này, hay lắm”. Vừa đi tôi vừa kể anh nghe đủ chuyện tôi học được ngày hôm trước. Anh trố mắt nhìn tôi:

- Này Thủy, em qua mấy lần rồi? Bữa giờ ở đây được nhiêu ngày?
- Lần đầu mà. Em qua trước anh một ngày đó.
- Trời! Thế sao nãy giờ kể chuyện như người bản địa vậy? Anh còn chưa được nghe đến sữa tươi lạc đà và socola sữa lạc đà hình con lạc đà. Sao em biết?
- Em hỏi. Rồi em cứ lang thang một mình thế thôi. Thấy ở đâu bán thứ gì lạ lạ hay hay thì mua.

Tôi dẫn anh đến đúng khu phố cổ mà sáng hôm qua Sussane dẫn tôi chạy bộ. Chúng tôi ghé nhà thờ Hồi giáo và bảo tàng tiền xu gần trạm xe bus dưới nước. Vào đây mặc đồ tự do. Tôi gặp một anh hướng dẫn trong khuôn viên nhà thờ. Anh ấy nói chuyện vui vẻ và không giấu niềm tự hào về Dubai của anh ấy. Anh ấy hào hứng đứng cùng tôi chụp hình, rồi nhờ tôi với anh đồng nghiệp gửi lời chào mời mọi người đến với Dubai, anh ấy quay clip lại để làm một video thu hút khách du lịch đến Dubai. Có khi một sớm nào đó, gương mặt tôi xuất hiện trên kênh du lịch của đài truyền hình UAE không nhỉ? Haha.

Chiều hôm ấy chúng tôi lượn lờ mãi ở khu Dubai Mall cho đến sẩm tối. Dubai là khu mua sắm lớn nhất ở Dubai. Ấn tượng nhất là khu vực Fashion Avenue, một cô bạn người Pháp của tôi nhận xét là trông nó còn sang trọng và hào nhoáng hơn cả thiên đường mua sắm Paris. Dubai nằm ở khu trung tâm, cạnh tòa tháp 168 tầng cao nhất thế giới, Burj Khalifa. Vé lên tòa tháp này để ngắm nhìn thành phố, bạn có thể đặt mua qua mạng (rẻ hơn) hoặc mua tại tầng hầm ở Dubai Mall, với giá gần 200USD. Tôi chọn cách đứng từ Dubai Mall, ngước nhìn lên Burj Khalifa, thay vì mua vé đi thang máy lên đài quan sát.

Bất ngờ nhạc nước (Water Fountain) nổi lên gần chân tòa tháp. Tôi lặng người đi, lâng lâng khó tả. Tôi hòa mình vào dòng người đang đưa hàng ngàn chiếc điện thoại lên quay lại khoảnh khắc rạng ngời rực rỡ ánh đèn ấy. Tôi lắc lư, tôi hát khẽ, tôi thấy trong lòng rộn ràng hoan ca. Tôi ngước mắt lên trời, tự nói với chính mình: “Là tôi, là Bích Thủy, đang đứng đây, trong dây phút này, giữa trái tim Trung Đông”.

Phần 4: Dubai – Thiên đường sang giàu, phải vậy không? (tt)
 
Bạn này có nhiều nét (mặt) giống em Chip, phục nhất là viết dài ơi là dài mà chả có cái ảnh nào minh họa.

PS: Chưa đọc dòng nào.
 
Phần 4 (phần cuối): Thiên đường sang giàu, phải vậy không? (tt)

Tôi đã dừng lại quá lâu rồi nhỉ. Dễ chừng cũng phải gần hai tháng. Nhiều hoạt động ngoài trời quá làm tôi mải mê, quên mất việc gõ cách cách. Không dám đổ lỗi tại hoàn cảnh, chỉ tại thói quen, chỉ tại lười.

Nay anh bạn cũ gọi điện (mà thật ra là người yêu cũ. Hì hì), bảo đang ngồi tu và đọc sách, ảnh hổng tin: “Anh chưa bao giờ thấy cái chân em chịu ngồi yên một chỗ Thủy ạ”. Hờ hờ…Ờ, bởi rứa giờ ảnh mới bị gọi là “cũ” á? Ảnh chỉ nhìn thấy mỗi cái mặt động đậy của một con người. Chứ như lúc này nè, đóng cửa làm dịu bớt tiếng xe, mở lại bài nhạc Trung Đông một em trai gửi từ Lào, rồi bắt đầu ngồi im gõ máy tính.

Dạo gần đây có nhiều thứ nhắc nhớ tôi về Trung Đông và những chiếc khăn che mặt. Anh tài xế taxi sẵn bữa có số điện thoại tôi cho để rước tôi từ Jebel Ali về lại trung tâm Dubai, nhắn tin hỏi thăm, gửi cả hình chụp mặt đồ nai nịt bảnh bao qua whatsapp. Sussane ở Dubai gửi tin nhắn từ đầu mùa Radaman bảo tớ cần thay đổi thói quen ăn uống nơi công cộng trong một tháng, mấy ngày đầu có hơi rối rắm. Cuối mùa Ramadan, thằng em Malaysia gửi vài tấm hình nó mặc áo dài thụng thụng giống ông ngoại ở quê đi cúng ghê, bảo tụi tao hôm nay làm lễ ăn mừng sau một tháng tuyệt thực. Nhìn da dẻ nó láng mịn như mới vừa đắp mặt nạ sữa tươi, hổng biết nhờ tuyệt thực hay nhờ công nghệ 360.

Tự nhiên tôi bỗng nhớ Trung Đông, nhớ lúc taxi băng qua những vùng nắng chói đồi cát trọc. Một ý nghĩ chợt xoẹt ngang, cộng những tò mò về một Arab Saudi láng giềng. Biết đâu ngày nào đó tôi đi?

Hôm bữa tôi viết đến đâu rồi nhỉ? À, tạm dừng ở Dubai Mall khi trái tim tôi nhảy múa rộn ràng cùng vũ điệu nhạc nước và hàng ngàn người đang giơ điện thoại lên cao ghi lại khoảnh khắc ấy.

Tôi không viết về hai ngày tiếp theo, lúc tôi đã tạm biệt Sussane và chuyển vào check-in khách sạn do công ty đặt trước. Công việc tôi chọn cho mình là mặc áo dài Việt Nam và tua đi tua lại câu chuyện nón lá với cà phê phin cùng mấy bài ca xuất nhập (xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khác). À, mới có hai ngày trôi qua, mà hơn cả chục trang giấy A4, tôi còn không biết tôi moi đâu ra lắm thứ kể đến thế. Tôi mà đi hai tháng, dễ về mua luôn kho giấy word của anh Microsoft viết cho đã đời.

Nhiều người chưa đến Dubai nhưng mường tượng ra mỗi sự sang giàu. Dưới góc nhìn của tôi, mọi thứ không phải dễ dàng thế. Dù là Dubai, hay “Giấc mơ Mỹ”, hay bất cứ nơi nào trên thế giới này, cũng phải lao động cật lực và nỗ lực hết sức mới có được thứ mình muốn. Tin tôi đi.

Tôi đã viết ở phần đầu, Dubai chỉ có khoảng 20% dân gốc, đến 80% người nhập cư. 20% đó, không dễ có cơ hội gặp, bởi họ là những ông bà chủ giàu có, sống trong các biệt thự (có lẽ) dát vàng. Còn 80% kia, họ nói tiếng Anh sành sỏi, họ niềm nở với nụ cười luôn túc trực trên môi, họ tuân thủ luật pháp, bởi họ biết cái họ cần – KIẾM SỐNG và TỒN TẠI.

Ngày cuối cùng, tôi tranh thủ đón taxi ghé thăm văn phòng công ty ở Jebel Ali (cũng thuộc tiểu vương quốc Dubai, cách trung tâm và sân bay Dubai khoảng 50km). Từ trung tâm đến đó mất gần hai giờ đồng hồ, băng qua khu vực “free zone” (khu miễn thuế) rộng thẳng chân ngựa phi nước đại. Các công ty Logistics và công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Unilever xây kho ở khu vực này để được hưởng lợi ích, chỉ đóng thuế khi lấy hàng ra khỏi free zone. Ở Thái Lan, khu vực free zone nằm gần sân bay, còn miền Nam Việt Nam không có free zone tập trung mà các kho ngoại quan nằm rải rác.

Một thông tin khá thú vị, tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Dubai đều đóng thuế nhập khẩu có 5%, kể cả xe hơi hay mỹ phẩm, không thuế tiêu thụ đặc biệt. Tôi chưa tìm hiểu biểu thuế và quy định cho nhập khẩu rượu thì thế nào. Dubai là thị trường khá hấp dẫn cho những nước xuất khẩu, vì đến 90% phải nhập khẩu hàng hóa để tiêu dùng, hầu như chỉ xuất khẩu dầu mỏ là chủ yếu.

Một thông tin nữa làm tôi hứng thú không kém, giá mỗi lít xăng tính ra chỉ 6,200 VND (tương đương 1 Dirham, đơn vị tiền tệ của UAE). Ngược lại, tôi đau khổ vô cùng khi phải trả 62,000 VND cho một chai nước suối 1.25 lít ở cửa hàng tiện lợi gần nhà Sussane (tương đương 10 Dirham).

Tôi nói đủ thứ chuyện với Sukra, anh tài xế quê Ấn Độ chở tôi đi Jebel Ali, để biết cuộc sống người nhập cư nơi đây thế nào. Sukra thuê trọ cùng ba người bạnnữa ở trung tâm Dubai với giá khoảng 4,000 Dirham (khoảng 24 triệu) để được một căn phòng 10 m2 chỉ đủ chỗ cho hai chiếc giường kê sát nhau. Như vậy mỗi tháng Sukra trả 1,000 Dirham (6 triệu) tiền phòng, cộng các chi phí ăn uống và chi tiêu khác hết tổng cộng 4,000 Dirham (24 triệu). Hỏi Sukra vậy dư tiền để gửi về quê không thì Sukra bảo dĩ nhiên có dư. Phí taxi ở Dubai cao hơn nhiều so những nước tôi từng đi trong khi giá xăng dầu quá rẻ (bù lại phí lao động cao). Sau mỗi ngày chạy xe về, Sukra chia tiền với hãng taxi, hãng lấy 60% còn Sukra giữ lại 40%.

Nói về taxi, hôm ấy tôi có viết một status ngắn trên Facebook ngay sau khi cổ họng sắp “hò” đến nơi:

Taxi ở Dubai mang lại cho bạn trải nghiệm chân thực và vô cùng sắc nét với cảm giác đang tham gia vai diễn chính trong bộ phim “Fast & Furious”. Vui lòng thắt dây an toàn để đảm bảo bạn không bị shake như một món cocktail và nhớ gắn túi ni lông vào mõm đề phòng trường hợp “vui quá” muốn “hò”. Dừng đèn đỏ, trong vòng một nốt nhạc, vâng, một nốt nhạc thôi chúng tôi sẽ nhấn ga cái véo để đạt vận tốc cực đại. Qua cầu vượt uốn lượn vòng cung, đừng lo, khi chúng tôi cua phải, bạn được dồn hết sang trái tha hồ ngắm cảnh được rõ hơn, đảm bảo không rơi ra khỏi cửa. Hoàn toàn yên tâm nhé.

Nếu Dubai quá an toàn và trở nên nhàm chán với những ai thích phiêu lưu, vậy thì, vâng, xin mời, mời bạn đến với taxi Dubai! Lolz

Bạn bè tôi bảo chỉ đọc cách miêu tả thôi đã thấy chóng mặt rồi. Haha. Sự thật là vậy mà. Vì hầu hết tài xế đều đến từ Ấn Độ hoặc mấy nước lân cận như Afghanishtan, Nepal, Iran,..Họ chạy xe “trẻ trâu” dzữ lắm.

Chạy xe khu vực ngoại ô, việc mấy chiếc container lù lù giữa dải phân cách là chuyện thường ở huyện. Hôm ấy suýt chút tôi với cô bạn đồng nghiệp về chầu Diêm Vương. Chả là cô bạn tôi đang lái xe với tốc độ bình thường trên con đường khá rộng khu vực miễn thuế, bỗng tôi nghe cái bụp, xe lách vào bên phải đụng gờ bê tông, liệng éo một phát sang trái rồi lại qua phải, lại tán bụp phát nữa. Tôi tưởng chị đồng nghiệp biểu diễn tài nghệ nên mặt tôi ngơ ngác như một đứa trẻ, chả hiểu mô tê gì. Rồi xe dừng đột ngột, hai lốp bên phải nát như bánh tráng đập Quảng Nam. Chị giải thích lúc nãy bẻ lái đột ngột vì chiếc xe container phía sau tự dưng vượt mặt mà đi vào giữa dải phân cách. Nếu chị không lách như vậy có khi hai đứa giờ thành ma Dubai rồi, phải trùm đầu và che mặt thì nóng lắm. Rồi tôi đứng bên đường nhìn, chiếc nào cũng vậy, tài xế (chắc là Ấn Độ) đánh võng như đang diễn xiếc. Mấy khu xa xôi hẻo lánh này chắc hổng có camera.

Những trải nghiệm như vậy không làm tôi khiếp sợ. Tôi vẫn muốn đi, vẫn muốn đến những nơi tôi chưa đến, chỉ để có khi ngồi bên vệ đường, trò chuyện với một anh tài xế taxi. Cuộc sống là chuỗi những câu chuyện bất tận mà tôi nếu may mắn, sẽ được nghe kể dần, từ những con người tôi gặp trên đường đi.

Viết đến đây, tôi thấy đến lúc nên dừng (đói bụng xanh lè mặt mũi rồi). Hehe. Tôi để cái kết mở, tôi để dành phần sang giàu với những đĩa thức ăn trộn vàng ròng cho bạn khám phá. Còn tôi, kí ức về chuyến đi ấy, đầy những hạt chà là (the Dates) và trái sung (the Figs) thôi, xách về nặng bỏ xừ, nhưng thấy vui ơi vui.

Bạn sẽ đi, sẽ về, và sẽ kể tôi nghe những trải nghiệm sang giàu của bạn chứ?:)

Không nơi nào trên thế giới này là thiên đường, ngoại trừ nơi chúng ta được sinh ra và lấp đầy kí ức tuổi thơ. Không nơi nào trên thế giới này hoàn hảo đến nỗi chỉ cần nằm ngửa ra, ngước mặt lên trời và há miệng thật to là hạnh phúc, tiền tài rơi xuống. Không có thiên đường, không có vùng đất hoàn hảo, chỉ có nơi nào đó phù hợp hay không phù hợp với từng người mà thôi. Điều quan trọng chẳng phải chúng ta sống ở đâu, mà là chúng ta đang sống thế nào, có cảm thấy hạnh phúc chưa. Phải vậy không, nhỉ?

–Hết–

Sài Gòn, 8:30PM, 06.07.2016
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,177
Bài viết
1,150,351
Members
189,939
Latest member
chuyengiatrimun
Back
Top