What's new

[Chia sẻ] 37 ngày ở Châu Âu của Leaf family

37 ngày ở Châu Âu của Leaf family (chia sẻ kinh nghiệm visa, lên lịch trình)

Câu đầu tiên của Topic như đã hứa mình xin gửi lời cám ơn đến bạn Thuỳ Linh, người có nick Jollee171 chắc hẳn các bạn ở box "Hoàng tráng Châu Âu này đều biết. Bạn Linh phải nói là một người cực kỳ nhiệt tình, không chỉ trả lời trên diễn đàn, mình có nhắn tin cho Linh và bạn ý đã giúp đỡ mình rất nhiều thông tin.
Gia đình mình đã ấp ủ kế hoạch đi Châu Âu nhưng đến khi đọc Topic của Jollee171 động lực tăng vùn vụt. Thay mặt gia đình cám ơn Jollee171 về những chia sẻ rất hữu ích.
Nói qua về gia đình mình một chút, nhà mình có hai vợ chồng và một con gái 7 tuổi, nick của bạn ý là Leaf, đó là lí do tên của topic có chữ Leaf Family. Hè vừa rồi nhà mình vừa đi một vòng qua 8 nước Châu Âu trong 37 ngày (tính cả Vantican là 9). Đó là một trải nghiệm tuyệt vời và mình sẽ cố gắng chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm của nhà mình, đặc biệt là những bạn có ý định đi cùng con nhỏ. Hi vọng các bạn đọc bài của mình động lực cũng sẽ tăng vùn vụt.
Dưới đây là bản đồ những nơi mà nhà mình đã đi qua




Một vài hình ảnh trong chuyến đi:



























Để các bạn đi sau có kinh nghiệm và không bị bối rối, mình sẽ viết ngắn gọn những gì cần làm trước khi đi. Mình vốn là người chưa từng đặt chân đến Châu Âu, nhưng cũng may mắn được đọc những bài viết của những người đi trước nên mình cố gắng cung cấp thông tin đầy đủ nhất có thể. Những thứ đã có người viết chi tiết mình sẽ copy lại để tồng hợp ( có thông tin bài viết của ai ). Thường những người viết chi tiết là các bạn đang sống tại chính thành phố mà các bạn ý viết, nên thông tin rất chi tiết, chính xác. Trường hợp đi của mình là gia đình có con nhỏ (7 tuổi ) đi du lịch, nên rất hợp cho các bạn muốn cho con đi cùng.

1. VISA

Có thể nói Visa là thứ quan trọng nhất cho cả chuyến đi, có Visa thì mới có chuyến đi. Vậy xin Visa thế nào? Mình xin vào Pháp nên mình chỉ nói về Pháp thôi nhé.
Bây giờ (tại thời điểm mình xin 04.2016) ĐSQ Pháp không nhận hồ sơ xin Visa trực tiếp nữa mà thông qua TLScontact , họ sẽ nhận hồ sơ của bạn và chuyển cho ĐSQ, sau đó khi có kết quả, họ sẽ thông báo để bạn đến nhận.
Mọi yêu cầu về các loại giấy tờ cần thiết và qui trình các bạn vào trang web của họ https://fr.tlscontact.com/vn/HAN/page.php?pid=schengen_visa. Làm mọi bước theo hướng dẫn, nếu chưa hiểu gọi Hotline: + 84 (04) 3939 2662. Đây là tổng đài tự động, sẽ có hướng đẫn để bạn để lại số điện thoại. Sau đó sẽ có nhân viên gọi lại cho bạn.
Sau khi đầy đủ giấy tờ và sắp xếp lịch hẹn online, với các bạn ở Hà Nội, đúng giờ sẽ mang hồ sơ đến: Capital Tower, Tầng 17, Đường Trần Hưng Đạo, Phường Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại đây sẽ có nhân viên hướng dẫn bạn lấy thẻ ra vào, gửi đồ. Sau khi vào phòng chờ sẽ có nhân viên gọi số của bạn. Nhân viên này sẽ không hỏi bạn một câu phỏng vấn nào. Việc của bạn nhân viên này là kiểm tra hồ sơ theo danh mục đã thông báo, thiếu họ sẽ yêu cầu bổ sung, đủ thì bạn sẽ đi đóng lệ phí (xem trên web), chụp ảnh và lấy vân tay. Các bộ phận ngay liền nhau và không phải di chuyển nhiều, chỉ vài bước chân. Nhân viên hoàn toàn là người Việt Nam và rất thân thiện, nên không lo về vấn đề ngoại ngữ, và xin nhắc lại là không phỏng vấn một câu nào nhé.
Sau khi xong xuôi bạn cầm giấy hẹn ra về, kèm cả một giấy danh mục hồ sơ họ đã nhận của mình nữa. Khi đến nhận kết quả thì mang tất cả đi nhé, thiếu là không được nhận đâu. Thế là xong, việc của bạn là giờ ngồi chờ mail thông báo hoặc truy cập trang web, đăng nhập để xem tiến trình. Lâu nhất là 15 ngày làm việc, của mình nhanh đột xuất, chỉ 4 ngày đã có kết quả.
Những lưu ý khi đi xin visa:
- Không ai trả lời được chắc chắn là hồ sơ thế nào thì được duyệt, chỉ có ĐSQ mới hiểu vì sao, rất tiếc họ không bao giờ nói mà chỉ có câu trả lời là bạn được cấp hay không mà thôi :))
- Nếu Visa trống trơn, nghĩa là bạn chưa từng đi đâu thì xin theo diện du lịch rất khó (thăm thân hay công tác thì không tính nhé). Nếu đi du lịch nên đi các nước gần VN rồi xa dần, đại khái phải làm cho người ta tin là mình rất thích đi đó đây. Các bạn đổi visa nhớ không được vứt quyển cũ đi, vì còn photo và mang cả bạn gốc đến để kiểm tra). Tuy nhiên không phải là không có trường hợp Hộ chiều chưa đi đâu vẫn được cấp Visa.
- Có nhất thiết xin vào Pháp không? Không, vì thấy bảo Hà Lan dễ xin hơn (mình nghe nói thế thôi hehe)
- Phải có bản lịch trình tổng quát, bịa bừa ra cũng được, nhưng phải kèm vé may bay và đặt phòng trùng khớp với kế hoạch. Cả vé máy bay và đặt phòng đều có thể làm free mà không mất đồng nào, chỉ mất thời gian thôi. Vé máy bay giờ đại lý nhiều vô kể, bạn nào không quen mình có thể cho số. Bạn cứ nhờ họ đặt vé lấy code trước, còn vé thật thì mua sau. Đặt phòng thì booking.com, chỉ cần có cái thẻ VISA hoặc MASTER, thẻ không tiền mà ít dùng càng tốt, cứ chọn phòng nào huỷ phòng miễn phí mà đặt, miễn ở đúng thành phố theo lịch trình. Sau khi đặt sẽ có mail xác nhận, in ra nộp cho ĐSQ. Hoàn toàn hợp lệ và rõ ràng. Sau khi có Visa, bạn tha hồ huỷ phòng và điều chỉnh sau. Việc đặt phòng này cho cả chuyến đi 37 ngày của mình chỉ mất khoảng 30 phút, vì mình làm bản lịch trình đi để nộp chỉ làm có vài nước thôi.
- Ví dụ nhà có 3 người như nhà mình, thì mỗi người một bộ giống hệt nhau, chứ không phải cả nhà chung một bộ đâu nhé. Nghĩa là cứ mỗi người một bộ theo thông báo.
- Việc mua trước vé máy bay (mua thật, trả tiền đầy đủ chứ không phải book code) không có giá trị gì đặc biệt trong việc được cấp visa.
- Trẻ em đang đi học thì cứ tích vào ô phần nghề nghiệp là tự do, nếu để đi học sẽ phải xin xác nhận của trường, không hiểu sao lại được điền thế, bạn nhân viên hướng dẫn mình hẳn hoi nhé :p
- Chốt lại việc của bạn là chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, nộp phí đầy đủ, visa được hay không là do “hên xui” :)))
 
Last edited:
2. Lên kế hoạch:

Chạy giấy tờ công chứng các loại đã mệt, viết lịch trình còn mệt hơn nhiều. Sau những tháng ngày vùi đầu vào nghiên cứu, mình sẽ giúp các bạn tiết kiệm được 8/10 thời gian. Mình làm và mầy mò mất khoảng 2 tháng hơn, giờ làm khéo chỉ 7 ngày :))
Trước khi đi bạn có mấy việc cần xác định trước:
- Đi bao ngày
- Khả năng tài chính bao nhiêu tiền
- Đâu là những nơi sống chết gì cũng phải đến
Vì nhà mình đi kiểu gia đình và dài ngày, nên không thể phá sức như phượt thủ. Các chặng dài là chỉ di chuyển bằng máy bay vì trong một hành trình dài hơi, lại kèm bạn nhỏ, mà kể cả các bạn không có trẻ nhỏ, thì lời khuyên chân thành của mình là thứ quan trọng nhất trong cả chuyến đi là sức khoẻ. Nếu bạn đi 5 hoặc 7 ngày thì phá sức thoải mái, nhưng 37 ngày là vấn đề hoàn toàn khác. Ưu tiên hàng đầu không phải là tiết kiệm, mà là sức khoẻ: Ngủ phải ngon, ăn phải đủ chất (không có nghĩa là đắt tiền nhé) và kết hợp chơi, nghỉ hợp lý. Bạn mà mệt mỏi thì chả thấy cảnh gì đẹp nữa, con bạn mà mệt thì còn khổ hơn là bạn mệt. Một lời khuyên cho các gia đình có con nhỏ (trên 6 tuổi hãy cho đi Châu Âu) là trước một hành trình lớn thế này, các bạn nên cho đi nhiều chuyến đi nhỏ. Mà không tính cho đi resort để ăn, ngủ, bơi đâu nhé. Bé nhà mình 2 tuổi đã bắt đầu đi rồi. Từ Thái, Sing, Hongkong, Boracay, Cửu Trại Câu, Nepal.. trong nước thì tha lôi khắp nơi, nên bạn ý ăn gì cũng ăn tạm được, vật đâu ra cũng ngủ được. Chuyến đi châu Âu vừa rồi mỗi ngày bạn ý đi bộ khoảng 10-12km. Ngày nhiều nhất là 15km. Thế nên trước khi đi, các bạn có con nhỏ cũng nên chuẩn bị cho con cho tốt, không là rất vất vả đấy.
Quay trở lại việc lên kế hoạch, thứ tự lần lượt là:
a) Lịch trình tổng quát, gồm mấy nước, bao nhiều ngày tất cả.
b) Chi tiết hơn là mỗi nơi bao nhiêu ngày, tại sao lại ở số ngày như thế.
c) Mỗi ngày đi những đâu, bằng gì
d) Nên thuê phòng ở khu vực nào, đi lại bằng gì
e) Đặt vé và đặt phòng
f) Chuẩn bị hành lý
Mình đã làm lần lượt từng đó cái gạch đầu dòng, sau đó chi tiết dần lên, cho đến khi không còn lo lắng gì nữa. Việc chuẩn bị càng kỹ thì bạn càng chủ động và càng tiết kiệm. Tại sao lại tiết kiệm, rất đơn giản là vì đặt cái gì sớm cũng rẻ, mình đã thử đặt vé tàu sát ngày và cách 50 ngày, cũng phải tiết kiệm được hơn triệu mỗi chặng, đấy là mới mỗi tiền vé thôi. Khi bạn có kế hoạch chi tiết, bạn cũng sẽ chuẩn bị được kỹ càng hơn. Châu Âu đắt đỏ (so với VN thì ai cũng biết rồi) thiếu cái gì phải mua bên đó thì lãng phí lắm. Giờ mình sẽ nói chi tiết từng bước một nhé.
a) Lên lịch trình tổng quát thế nào:
Sau khi xác định các thành phố cần đến, việc đầu tiên là lên Google Map tự tạo ra một bản đồ mới, đặt tên là Europe chẳng hạn, hay là gì thì tuỳ mỗi người. Sau đó thêm tất cả các nơi mà bạn muốn đến vào. Nhìn vào đây bạn sẽ có một hình dung chính xác về cả hành trình, từ đó sẽ quyết định xem cung đường thế nào là thuận tiện nhất, có thể thêm hay bớt địa điểm nào. Nói chung là nên dùng Google Map, thuận tiện, dễ thay đổi. Chớ bạn nào mua bản đồ giấy về ngồi kẻ vẽ thì “hoài cổ” quá mức cần thiết. Nhiều bạn vẫn giữ thói quen in một tập giấy cầm đi du lịch, phần sau mình sẽ hướng dẫn các bạn chỉ có “Cầm điện thoại lên mà đi” thôi ?
Đây là những nước mình đã đi qua, các bạn tham khảo nhé:





Và sau đó mình đã sắp xếp lịch trình tổng quát như hình này, mình nhập cảnh vào Pháp (Paris) và kết thức cũng bằng Paris để bay về Việt Nam.






Cái Map thứ 2 mình dùng Photoshop để làm, Google map thì chỉ làm thứ tự các điểm trong từng thành phố mà thôi, nhiều nước sẽ không khả thi. Nên các bạn chỉ nên làm như ảnh 1, sau đó có thể in ra và điền tay nếu không biết các phần mềm đồ hoạ. Google map khá dễ sử dụng, các bạn cứ làm lần lượt từng bước như sau là xong thôi:
- Đầu tiên là truy cập đường link sau https://www.google.com/mymaps . Lưu ý là các bạn phải có tài khoản Google rồi nhé. Sau khi truy cập nếu bạn chưa từng có bản đồ nào tự tạo các bạn sẽ thấy hình sau





Sau đó tất nhiên là click vào nút tạo bản đồ mới :))





Phần tiêu đề các bạn đặt gì thì tuỳ, mình ví dụ là EUROPE cho dễ hiểu nhé. Phần lớp các bạn đặt tên cũng được mà không đặt cũng không sao, vì mình chỉ tạo một lớp thôi. Sẽ có các lớp khác nếu cần. Ví dụ bạn muốn tạo nhiều lớp để sau này có thể bật tắt từng lớp cũng tiện thì đặt tên riêng cho từng lớp. Ví dụ như lớp thứ hai là tên của thành phố đầu tiên, lớp thứ ba là những điểm cần thăm quan, lớp thứ 4 là các nhà hàng sẽ đến ăn … Nhưng không cần thiết đâu vì sẽ rất mất thời gian, mình chỉ cần một lớp cho các điểm đến để dễ hình dung thôi. Chi tiết hơn sẽ có ứng dụng khác chuyên cho du lịch.

Bạn vào ô tìm kiếm gõ “Paris” chẳng hạn.





Sau đó ấn vào nút “Thêm vào bản đồ"





Bây giờ Paris đã được thêm vào và chuyển sang màu đỏ. Bạn cứ là lần lượt cho đến khi có đủ các thành phố mình muốn đến. Như thế là bạn đã xong bản đồ tổng quát cho hành trình rồi.
Để dễ nhìn phần “Bản đồ cơ sở” bạn click vào rồi chọn ô “Chính trị màu sáng” như trong hình nhé.





Từ bản đồ này bạn có thể in ra hoặc dùng các phần mềm khác để đánh dấu trình tự lần lượt nhé.

 
b) Chi tiết hơn là mỗi nơi bao nhiêu ngày, tại sao lại ở số ngày như thế.
Mình chọn phương án nháp tay để tiện gạch xoá. Sau khi hoàn chỉnh sẽ có một cái ứng dụng để bạn điền thông tin và nó sẽ tạo cho bạn một bản pdf, sau đó cứ thế mà tiến hành thôi. Nhưng lúc đầu nên viết ra nháp. Ví dụ mình viết ra giấy tóm tắt kiểu như sau:





Đại khái thế cho đến hết 37 ngày. Bạn nên viết tay vì có thể gạch xóa liên tục để cân đối lịch trình. Lúc làm bước này thì vừa làm vừa xem thêm thông tin trên mạng, xem mọi người khuyên nên đi mấy ngày là vừa, vừa xem vừa điều chỉnh sao cho hợp lý.
Sau khi xong bước này, giờ là lúc hại não nhất

c) Mỗi ngày đi những đâu, bằng gì?
Trước tiên là đi những chặng dài, nghĩa là di chuyển giữa các nước, các thành phố. Như mình thường chuyển di chuyển vào lúc chiều tối, trong khoảng 18h-21h. Ví dụ mình đi rời thành phố A lúc 7h tối, khoảng 9 hoặc 10h tối mình đến thành phố B. Ăn trên tàu hoặc máy bay, đến nơi tắm xong là đi ngủ, thế là hôm sau có cả ngày trọn vẹn để đi chơi. Vào những ngày di chuyển mình vẫn chơi được đến 4-5h chiều, thế là lợi về thời gian nhất. Đi cả ngày về mệt, leo lên tàu ngủ là đến nơi, rất tiết kiệm thời gian và thể lực.
Bước này phải làm khá kỹ vì phải cân nhắc xem chặng nào nên đi Bus, chặng nào nên đi tầu, chặng nào máy bay. Sau đó thì phải vào trang web của từng hãng vận chuyển để xem giờ có phù hợp yêu cầu không. Phức tạp nhất là săn được vé máy bay đúng giờ mình cần mà có giá tốt thôi. Còn tầu vào bus chạy khá nhiều và rất dễ mua vé, nên không lo.
Sau khi có giờ giấc của các phương tiện bạn sẽ quay lại cân đối thời gian ở từng thành phố sao cho hợp lý và thuận tiện, tránh tình trạng nơi ở dài quá, nơi ở ngắn quá. Riêng máy bay là lưu ý khi check giờ bay, bạn phải cộng thêm khoảng 3-4 tiếng. Ví dụ 10h bay, bạn phải đi từ 7h, ra sân bay mất khoảng 45p chẳng hạn. Sau đó tìm Terminal, quầy check-in, làm thủ tục, kiểm tra an ninh, tìm gate. Đó là lí do người ta yêu cầu có mặt trước 2h là vì thế.
Một trong những cách tìm kiếm phương tiện đi lại các bạn có thể vào trang web: https://www.rome2rio.co





Trang web này sẽ đưa ra cho các bạn gợi về các phương tiện đi lại và giá cả, do hãng vận chuyển nào cung cấp.





Ví dụ bạn chọn đi lại bằng tầu thì tầu của hãng nào. Sau khi đến bước này mình thường vào thẳng trang web của hãng để
mua vé.





Ví dụ đây là tầu của Eurostar Italia, mình sẽ vào thẳng web của hàng để mua luôn. Nhớ là khi tìm kiếm điền ngày và giờ dự kiến cho chính xác nhé.
Hoặc một cách làm nữa là cứ vào Google gõ các từ khoá ra, ví dụ “Roma to Firenze by train” hoặc “Paris to Amsterdam by bus" chẳng hạn. Nó sẽ hiện ra các bạn phượt thủ tây hướng dẫn trên các diễn đàn, mình sẽ biết nên đi bằng gì, mất bao lâu, bao nhiêu tiền.
Vì thay đổi và điều chỉnh liên tục nên mình khuyên các bạn nên viết tay là vì thế, gạch gạch xoá xoá, thêm gì chú, thêm thông tin, cứ tay cho nhanh.

Còn để tìm vé máy bay, bạn cũng có thể dùng www.rome2rio.com hoặc www.skyscaner.com.





Tiếp theo là trong ngày nên đi thăm những đâu, lúc đầu mình cực kỳ mệt mỏi về khoản này. Lên lịch trình một thành phố đã khó, liên tiếp các thành phố thực sự hại não kinh khủng. Sau nhiều ngày mình không làm thủ công nữa, nghiên cứu mầy mò, cuối cùng tìm được một “Ứng dụng thần thánh”, mình sẽ hướng dẫn chi tiết sau phần này. Đại khái nó giúp mình đến thành phố nào biết mình nên đi những điểm nào, khoảng cách bao xa giữa các điểm, thông tin về từng điểm, giá vé và giờ mở cửa vv.... Đặc biệt hơn nó còn có bản đồ offline, không cần mạng vẫn hướng dẫn mình đi đến nơi hoặc về khách sạn mà không bị lạc. Nhờ cái này mà mình đi lại trong hệ thống ngõ phố nhằng nhịt của thành phố Venice mà không gặp vấn đề gì, chứ không Venice mà đi lang thang một lúc là không biết mình ở đâu luôn :))
Vấn đề khó nhất đã xong rồi nhé.
 
d) Nên thuê phòng ở khu vực nào, đi lại bằng gì
Lần này mình đi chủ yếu mình ở các căn hộ BnB qua ứng dụng Airbnb, có cả cho iPhone, Android và chạy trên nề web. Cực kỳ trực quan và dễ sử dụng.
Tại sao mình chọn BnB. Thứ nhất nó rẻ hơn khách sạn, thứ hai là hay chọn được vị trí trung tâm, thứ ba mình có thể được dùng bếp, máy giặt, cực kỳ cần thiết cho người có con nhỏ đi cùng, thứ tư là trò truyện với người dân sống ở đây cũng hay, họ sẽ chỉ cho mình những điều mà không có trên trang web du lịch nào cả.
Nhược điểm duy nhất mà mình lo là ở chung chủ nhà sẽ bất tiện. Nhưng cuối cùng mình đi cả ngày, chủ nhà cũng đi cả ngày, về ai cũng chui vào phòng riêng, trừ khi cần thì mình gọi ra hỏi, không thì chủ nhà rất tôn trọng riêng tư cho mình. Mà đa phần gặp nhau cũng khó. Mà chủ nhà là người thành phố đó, họ cũng bị hỏi nhiều rồi, nên khi mình hỏi sẽ được tư vấn cực kỳ đầy đủ. Nên nếu đi lần sau mình vẫn sẽ chọn BnB.
Đầu tiên là cài đặt Airbnb lên điện thoại hoặc truy cập qua website: https://www.airbnb.com





Tạo tài khoản rồi đăng nhập bình thường thôi. Sau đó search thành phố mà bạn cần đến, ngày check in và check out, số người sẽ ở. Chú ý với các bạn có con nhỏ là một số nước rất thoải mái trong việc bạn thuê phòng 2 người nhưng ở kèm con nhỏ. Nhưng châu Âu bạn nên thông báo trước khi đặt phòng, một số nơi sẽ charge thêm phí của bạn, một số nơi thậm chí không đồng ý cho trẻ dưới 11 tuổi ở. Nếu thuê qua booking.com bạn nên đọc ký điều khoản, còn Airbnb nên thông báo số người vì một số chủ nhà cũng không thích trẻ em vì họ sợ ồn ào.
Mình khuyên các bạn khi book qua Airbnb nên dúng máy tính, vì thông tin sẽ nhiều hơn, dễ tìm kiếm hơn. Ví dụ mình tìm phòng ở Hà Nội, nó sẽ hiện ra thế này





Giờ cơ man nào là phòng, bạn biết lọc thế nào :))) Click vào ô private room (nghĩa là bạn thuê phòng riêng, không chung đụng với ai, phòng riêng chứ không phải nhà riêng nhé).
Phần Price Range, bạn chọn trong tầm giá bạn muốn, ví dụ từ 800k dến 1500k. Số phòng giảm đi đáng kể.





Sau đó lọc thêm một lần nữa bằng cách nhìn cái map bên phải màn hình, chọn xem ô màu đỏ nào gần trung tâm thì click vào, nó sẽ hiện ra cái nhà bạn định thuê.





Bằng cách chọn theo map này công việc sẽ nhanh hơn rất nhiều, căn hộ càng gần trung tâm càng tốt. Nhiều bạn nghi đi xa một tí sẽ rẻ hơn. Nhưng các bạn tin mình đi, đây là những nơi không chắc gì bạn sẽ quay lại, nên càng ở gần trung tâm càng tốt, tiện đi lại, đông vui, tối đi chơi quanh nhà luôn được. Chứ sáng nào cũng tìm bus, tìm tram chạy vào trung tâm nói thế thôi rất mất thời gian, mà bên này mỗi phút đều quí giá, không tranh thủ thì không đi được đâu cả. Ngoài sức khoẻ ra thì thời gian là thứ rất cần tiết kiệm.





Sau khi click vào nó sẽ ra hàng loạt thông tin, ví dụ phòng ra sao, có nhà WC riêng không, có wifi, máy giặt, bếp …. nọ kia không. Giờ check in và check out, các qui định của chủ nhà. Nhưng quan trọng nhất là phần comment của khách thuê. Điều quan tâm nhất là Location có tiện không. Nếu căn hộ bạn chọn là super host rồi thì không cần lo lắng gì. Trước khi quyết định thuê bạn có thể gửi tin nhắn trên web hoặc ứng dụng cho chủ nhà nếu có gì cần hỏi. Và sau khi bạn yêu cầu thuê thì chủ nhà phải đồng ý thì bạn mới được thuê nhé, chứ không phải như khách sạn :)) Chỉ có một số căn có hình tia sét nhỏ ở bên cạnh, nghĩa là bạn có thể book mà không cần hỏi ý kiến.





Các thông tin của căn hộ các bạn nên đọc kỹ. Có nút gửi tin nhắn bên tay phải để các bạn liên hệ với chủ nhà. Để đặt phòng yêu cầu có thẻ thanh toán quốc tế nhé. Sau khi chọn ưng ý các bạn ấn nút đỏ "Request to Book” rồi làm theo hướng dẫn thôi.
Đặt phòng qua booking.com thì dễ quá chắc mọi người biết hết rồi. Một lưu ý là nếu bạn không biết khu trung tâm của thành phố ở chỗ nào, bạn chỉ cần vào booking.com tìm phòng, khu vực nào bạn thấy các khách sạn cho thuê chi chít, đó chính là trung tâm, sau đó quay về Airbnb cứ loanh quanh đó mà chọn thôi ?
 
Last edited:
Một điều cực kỳ quan trọng là sau khi mua vé tầu, bus, máy bay, thuê phòng. Các bạn cần phải biết đi từ bến tầu, xe, sân bay, về nơi thuê phòng kiểu gì và cả chiều ngược lại nữa. Cách dễ nhất Taxi không tính :)) Google map có tính năng rất hay và hoạt động khá tốt ở châu Âu đó là chỉ đường. Bạn chọn đi từ A đến B, Google sẽ cho bạn các lựa chọn là đi phương tiện cộng cộng hay đi bộ và mất bao xa. Nếu đi công cộng thì đi bus gì, đến đâu chuyển line, từ line gì sang line gì, hay từ tram sang bus, đi bus số mấy, hướng nào… sau đó cho phép bạn in hướng dẫn ra file pdf, bạn có thể in ra hoặc copy vào điện thoại, cứ thế mà làm theo thôi. Tuy nhiên có thể có trường hợp Google chưa kịp update, các bạn cứ hỏi thêm bác tài cho cẩn thận.





Click vào hình xe bus hoặc người đi bộ để xem hướng dẫn​





Đây là hướng dẫn của google đi từ Amsterdam Zuid đến Bảo tàng Van Gogh. Lúc tìm kiếm bạn nhớ chọn phương tiện công cộng nhé. Tuy nhiên như mình đã nói, lên xe hoặc khi mua vé nhớ hỏi bác tài, hoặc giơ điện thoại ra chỉ chỉ điểm cần đến, bác tài gật đầu là OK :))
Sau khi tìm kiếm xong bạn click vào hình máy in,nhưng đừng in nếu muốn lưu file pdf.




Click vào hình máy in, chọn in cùng bản đồ​





Sau đó click vào mũi tên chỉ xuống màu xanh cạnh chữ PDF phía góc dưới bên trái màn hình, chọn save as PDF là xong.


 
f) Chuẩn bị hành lý:
Cái này mình cũng tham khảo trên mạng thôi, ngoài ra bổ sung thêm những thứ mình cần cho bạn bé, ví dụ như thuốc, sữa hộp, gạo. Nhà mình có mang 2 cân gạo đi, thỉnh thoảng đi siêu thị nấu cơm ăn như ở Việt Nam, cái này bạn bé nhà mình thích nhất. Để chuẩn bị đồ không sót bạn nên tải một ứng dụng trên điện thoại, có lẽ iPhone và Adroid không giống nhau, nhưng từ khoá kiểu “packing list” là được. Cái nào free thì dùng.
Sau đó bạn nên chia nhiều mục để dễ thêm vào và kiểm soát được. Ví dụ tạo một list về “Quần áo”, trong đó add tất cả các trang phục bạn cần, kiểu như: áo khoác mỏng, khăn quàng, quần jean, váy, áo phông, tất, đồ lót vv….Lúc nào nhớ ra lại add thêm vào, đến khi chuẩn bị cái nào xong tick vào một cái là xong, không bị lẫn lộn gì hết. Sau đó thêm các list khác như “Mỹ phẩm”, “Đồ điện tử”, “Giấy tờ”… cái này tuỳ bạn thôi. Cái này mình làm trên một cái app mình mua 5USD để lên plan, trong đó có phần packing list. Nhưng app này lên kế hoạch rất kém, nên mình dùng mỗi vào việc chuẩn bị đồ đạc thôi.






Chia là từng list thế này dễ quản lý hơn






Mục nào đã chuẩn bị xong thì tick vào là OK.​


Về những đồ mang đi, mình chuẩn bị như sau, các bạn có thể tham khảo.

- Giấy tờ: Pasport (đã có visa), thư mời, bằng lái ô tô quốc tế (bằng lái xe máy nếu bạn muốn thuê xe ở Santorini), thẻ sinh viên (nếu có), bản in booking các loại ( khách sạn, máy bay, tàu xe… in để dự phòng thôi chứ chủ yếu dùng điện thoại)

Quần áo: quần áo tự chuẩn bị theo nhu cầu. Nhưng lưu ý cần có các thứ sau.
+ Khăn mỏng: Rất cần khi đi sân bay, hoặc vào nhà thờ. Nhiều nhà thờ yêu cầu không mặc áo sát nách, nếu không bạn phải thuê khăn choàng mỏng với giá 1EUR.
+ Áo khoác mỏng, nhẹ, loại giống áo mưa của các bạn đi phượt, chống nước, có thể cuộn nhỏ lại cho ba lô rất gọn. Mình sang châu Âu tháng 6 nhưng vẫn có nước thời tiết khá lạnh.
+ Ô loại gọn nhất nhẹ nhất có thể.
+ Áo rét, găng tay nếu bạn định đi núi tuyết
+ Mũ và kính
+ Mang thêm 1 đôi Sandal.
+ Gối ngủ máy bay (hơi cồng kềnh tí nhưng lợi ích đem lại không hề nhỏ)
Lưu ý là bạn sẽ đi bộ rất nhiều nên giày phải là loại tốt, mua giày hãng hẳn hoi. Đừng ham mấy đôi trông thời trang, bạn có thể sẽ rất đau chân hoặc nếu thiết kế không tốt sẽ bị cọ xước chân. Nói chung trang phục nên gọn, nhẹ, đủ ấm, nếu đẹp nữa thì càng tốt :))

Thuốc: Tuỳ vào độ tuổi của con bạn mà bạn nên mang theo những thuốc gì, bé nhà mình 7 tuổi. Thuốc cảm cúm, hạ sốt, kháng sinh, đau đầu, đau bụng, viêm họng , nhỏ mũi, nhỏ mắt, thuốc ngứa, dị ứng, nhiệt miệng, ugo, ( mỗi thứ nên mua liều 2 liều, bạn có thể ra hiệu thuốc quen nói với người ta mình mua về có thể trả lại nếu chưa dùng đến)

Vệ sinh cá nhân: bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt, dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, lăn lách, kem chống nắng, khăn ướt, bông ngoáy tai, gương, lược, kìm bấm móng tay, 1 bộ kim chỉ cá nhân, 1 ít túi nilong nhỏ (nếu là nam: dao cạo râu, kem bọt ) ( nếu là nữ: mang BVS)
Các bạn nên ra hàng bán đồ du lịch mua một túi chuyên đựng sẽ rất tiện. Đến nơi chỉ cần mở ra treo trong buồng tắm, lúc nào đi cài lại là xong, không mất thời gian và không lo quên đồ.
Đồ công nghệ: điện thoại, sạc, tai nghe, máy ảnh, sạc, sạc dự phòng, pin dự phòng máy ảnh, thẻ nhớ máy ảnh, ổ điện đa năng, bút, sổ tay
Đồ ăn:1 cái hộp nhựa an toàn để có thể úp được mỳ , đũa ăn 1 đôi, thìa 1 chiếc,1 bình đựng nước, ô mai, bánh quy, caffe tan, trà gừng, xúc xích, mỳ tôm, 2kg gạo, kẹo.

Đồ chuẩn bị trong balo khi di chuyển máy bay, tàu xe: Paspost, Credit Card, tiền mặt, vé máy bay, điện thoại, tai nghe, sạc dự phòng, áo khoác mỏng, khăn mỏng, khăn ướt, máy ảnh, sổ tay, bút, bánh quy, bình nước.
+ Bình nước rất quan trọng nhé. Nhà mình mang 3 bình đi. Hàng ngày đi lại có thể lấy nước ở bất kỳ đâu cho vào bình vì đa phần bên châu Âu uống thẳng nước từ vòi, nên trước khi đi chơi cứ lấy đầy uống dần, bên này một chai 500ml giá loanh quanh 1EUR. Khi vào sân bay mình mang bình nhựa vào thoải mái, bên trong sân bay có chỗ lấy nước.

Đồ chuẩn bị balo đi chơi hàng ngày: Passpost (mang đi hoặc cất khách sạn đều được), Credit Card, tiền mặt, khăn ướt, điện thoại, sạc dự phòng, áo khoác mỏng, khăn mỏng ( luôn luôn có vì khi vào các nhà thờ mà bạn mặc áo 2 dây hoặc quần sooc thì sẽ phải choàng qua người) , máy ảnh, thẻ nhớ, sổ tay, bút, bánh, bình nước và đồ ăn ( khi đến thành phố nào thì bạn mua sẵn 1 ít đồ ăn để trong ba lô, nhiều khi nhỡ bữa không phải lúc nào cũng tiện ăn) Tất cả thông tin, map, các điểm đi lại..đều để trong điện thoại, bạn nào cẩn thận thì in giấy mang đi nhưng mình nghĩ không cần thiết.

Chuẩn bị như trên là cũng hòm hòm rồi, bây giờ mình sẽ giới thiệu về các ứng dụng bạn cần trên điện thoại để đi du lịch nhé.
 
Last edited:
3. Những ứng dụng cần có trong điện thoại

- Sygic Travel
- Travefy
- Airbnb
- Booking.com
- Agoda
- TripAdvisor
- Map.me
- Google Maps
- Xe
- Rentalcars
- Dropbox
- Snapseed
- VSCO
- Các App của các hãng hàng không hoặc tầu mà bạn sử dụng.

Bây giờ mình sẽ nói kỹ hơn về từng App ( sorry các bạn dùng Adroid vì mình dùng iPhone nên chỉ viết cho iPhone, nhưng hầu hết các App này đều có trên cả hai hệ máy nên cách dùng tương tự thôi ). Phải nói là nhờ có cái điện thoại mà mình bớt được rất nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. Mà lại rất dễ quản lý.


1.Travefy
App này sử dụng sau khi bạn đã có lịch trình rõ ràng là sẽ ở đâu, di chuyển bằng gì. Bạn sẽ tổng kết lại bằng cách tạo một lịch trình rồi điền các thông tin cần thiết vào, sau đó bạn sẽ tạo ra một bản PDF lịch trình chi tiết, từ đó cứ nhìn vào để thực hiện thôi. Thậm chí nếu bạn đồng ý, nó sẽ tích hợp các sự kiện vào lịch luôn và nhắc nhở để bạn khỏi quên.
Dù là App cài trên điện thoại nhưng để tạo lịch trình thì bạn phải dùng phiên bản web: https://travefy.com/ còn trên điện thoại chỉ để xem lại thôi.
- Đầu tiên các bạn truy cập https://travefy.com/





Bạn có thể dùng luôn tài khoản Facebook hoặc đăng ký một tài khoản mới. Sau khi đăng ký và đăng nhập là bạn có thể bắt đầu sử dụng.





Click vào nút “Creat a New Trip” để tạo một Trip mới​





Giao diện cực kỳ dễ sử dụng:
+ Our trip 2016: đây là tên mặc định, click vào để thay đổi và thông tin về ngày bắt đầu hành trình.
+ Change Cover Photo: Thay đổi hình nền bằng hình sẵn có hoặc chọn từ máy tính rồi upload lên.
+ New day: Click để thêm một ngày trong lịch trình.
+ Day 1: Click vào đó để điền thông tin về ngày tháng và “Day Title”.
+ New Event: Click để thêm sự kiện trong ngày. Ví dụ có hoạt động gì, check in hay check out khách sạn, thông tin về đi lại như máy bay hay tàu, cất cánh hay hạ cánh...
Về phần khách sạn: ngoại trừ ở kiểu BnB, đa phần các khách sạn đều có tên trên hệ thống, bạn chỉ cần gõ từ khoá là tên khách sạn sẽ hiện ra.
Về chuyến bay: chỉ cần chọn ngày và hãng hàng không, sau đó điền số hiệu chuyến bay, hệ thống sẽ tự tìm và thêm thông tin cất cánh hạ cánh cho bạn. Phải nói là cực kỳ tiện lợi.
Các phương tiện di chuyển khác:




Đây là một phần điền thông tin rất hay, tuy không thể tự động thêm thông tin về giờ di chuyển. Ví dụ như di chuyển bằng tầu. Bạn có thể chọn thông tin là đi hay đến, thời gian, ngày tháng, hành trình mất bao lâu, đặt vé qua hãng nào, mã số đặt, số hiệu chuyến tầu, giá tiền bao nhiêu. Thông tin này tuy phải làm thủ công là gõ tay nhưng rất tiện lợi khi bạn ở nước ngoài. Không cần nhiều giấy tờ bạn vẫn có thể nhanh chóng biết được mình đi chuyến tàu nào, nhất là khi đến một nhà ga lớn, bạn chỉ cần mở điện thoại lên và tìm chuyến tàu mình cần đi trên bảng điện tử. Hoặc sau khi kết thúc hành trình, khi ai đó cần thông tin chính xác , bạn có thể dễ dàng chia sẻ. Nói thật là nếu dùng trí nhớ thì không thể nào mà nhớ hết cho cả một hành trình dài như vậy.
Ngay cạnh tab Rail là Car Rental dành cho một số chặng thuê xe tự lái và Tab Other (ví dụ như di chuyển bằng Bus), điền thông tin tương tự.




Đây là một ví dụ về thông tin chuyến bay được tự động cập nhập​




Đây là thông tin di chuyển bằng Eurolines tự add bằng tay.​


Sau khi hoàn thành kế hoạch cho tất cả các ngày, các bạn click vào nút Share/Download trên góc, sau đó nhấn vào nút PDF, chờ một lát là đã có một bản PDF để lưu lại mang đi cho cả chuyến đi rồi.


 
2.Sygic Travel
Cá nhân mình cho rằng đây là một ứng dụng tuyệt vời để đi du lịch. Ứng dụng này có giá 18.99 USD nhưng hôm mình mua đúng hôm hạ giá còn 12 USD. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể sử dụng app này mà không cần trả tiền. Bản Free không khác gì bản Premium khi bạn lên kế hoạch cho các điểm đến. Điều khác biệt giữa hai bản là bản Premium có chức năng hoạt động offline. Nghĩa là bạn có thể tải bản đồ về điện thoại và sử dụng ở châu Âu mà không cần phải có 3G. Bạn có thể mua lẻ cho từng thành phố nhưng 400K theo mình là rất rẻ so với giá trị nó mang lại. Tất nhiên Google Map hay Map.me đều cho phép bạn sử dụng offline nhưng phần dưới mình sẽ gải thích vì sao mình lại vẫn chọn mua ứng dụng này. Với 18.99 USD bạn có thể sử dụng cho tất cả các nước và thành phố mà App cung cấp.
Giống như Travefy ở trên, ứng dụng này có thể dùng cả trên điện thoại và trên website. Để lên kế hoạch bạn vẫn nên dùng trên web dù dùng điện thoại cũng được. Nhưng dùng trên web bạn sẽ có thể thao tác nhanh hơn và quan sát dễ hơn. Mình đã sử dụng bản free khoảng hơn 1 tháng để lên kế hoạch thử và chỉ quyết định mua trước khi thực hiện chuyến đi. nên các bạn có thể dùng bản Free để làm việc cho đến khi thực sự cảm thấy cần thiết nâng cấp lên Premium.
Cách sử dụng trên điện thoại và web tương tự nhau nên mình sẽ hướng dẫn qua cách dùng trên web.
Đầu tiên các bạn truy cập địa chỉ https://travel.sygic.com đăng ký và tạo tài khoản để sử dụng. Bạn có thể dùng luôn tài khoản Google hay Facebook để sử dụng







Đây là một số trips mình tạo ra trong chuyến đi vừa rồi​


Sau khi đăng nhập, click vào nút “Plan a new trip”. Mỗi khi bạn tạo một trip mới, mọi thông tin bạn tạo sẽ tự động đồng bộ lên ứng dụng trên di động, hoặc mỗi thay đổi trên điện thoại cũng sẽ đồng bộ ngược lại, miễn là cùng tài khoản đăng nhập. Chức năng này không có gì mới vì cũng giống như nhiều ứng dụng khác, vì thế mà nó rất thuận tiện cho bạn, ngồi đâu cũng có thể tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch được.





Trang web sẽ hỏi bạn thành phố mà bạn sẽ đến. Mình sẽ điền thử Hanoi cho các bạn dễ hình dung. Chọn Hanoi, Vietnam





Thông thường các thành phố du lịch lớn sẽ có gợi ý cho bạn các Template 1, 3 hoặc 5 ngày. Nhưng các bạn cứ nên click SKIP để tự tạo cho chủ động





Điền các thông tin về ngày tháng, khách sạn, chuyến bay nếu bạn đã có thông tin. Chỉ cần gõ từ khoá, trang web sẽ tìm khách sạn trên hệ thống.





Mình điền thử thế này. Sau đó ấn "CREAT TRIP"​





Rất nhiều thông tin hiện ra, bạn có thể xem sau. Tiếp tục ấn và tab "DAILY PLAN"​





Có 2 Tab bạn cần chú ý:
1.Lịch trình trong ngày: đây là những điểm bạn sẽ đến trong ngày, khi bạn add thêm các địa danh muốn thăm quan, ứng dụng sẽ tự tính toán sắp xếp sao cho hợp lý, trong đó có cả thông tin về khoảng cách cho bạn. Tất nhiên bạn có thể thay đổi thứ tự các địa điểm theo nhu cầu. Ví dụ như trip mình đang tạo, mình có điền thông tin về khách sạn và sân bay, ngày đến và đi. Trong hình là ngày đầu tiên, ngày 10.8, ứng dụng đã tự động add sân bay và khách sạn vào lịch trình, khoảng cách là 29km và thời gian dự kiến 26 phút lái xe.
2.Trip này mình tạo 03 ngày nên khi click vào sẽ hiện ra 03 ngày. Click vào từng ngày để lên kế hoạch hoặc chỉnh sửa.




Bạn có thể thêm ngày hoặc thay đổi thời gian đi.​
 
Để thêm các địa danh vào từng ngày, mình sẽ hướng dẫn một cách rất đơn giản mà thuận tiện đi lại. Nghĩa là trong một ngày không bị trường hợp đi hai đầu thành phố.





Click vào Tab Place, sau đó vào phần "More filters” chỉ chọn Sightseeing thôi. Vì nếu để cả khách sạn hay nhà hàng ăn thì sẽ rất rối mắt. Phóng to bản đồ lên thì các địa danh mới hiện đầy đủ. Nếu nhỏ quá thì sẽ chỉ hiện ra một vài địa điểm chính thôi. Cột ở bên trái màn hình là gợi ý các điểm nên đến.





Bây giờ các điểm thăm quan đã hiện ra đầy đủ. Ví dụ nhìn trên bản đồ nên chọn các điểm bên trái để đi ngày 1, các điểm bên phải để đi ngày 2. Như thế các điểm gần nhau mình có thể đi bộ được.





Ví dụ khi click vào Lăng Bác, sẽ hiện ra nút có dấu + để add thêm vào ngày mà bạn đang chọn. Ngoài ra bên tay trái sẽ hiện toàn bộ thông tin về Lăng Bác như: giờ mở cửa, giá vé, số điện thoại liên hệ, website chính thức, các thông tin về lịch sử…… sau khi xem xong nếu thấy thích bạn ấn dấu + để thêm vào lịch trình. Mình add thử một số các địa danh gần nhau, sau khi add các bạn quay trở lại tab “DAILY PLAN" và sau đây mình có lịch trình ngày đầu tiên.


Nhìn bên tay trái các bạn có thể thấy lịch trình đã được sắp xếp, để thay đổi thứ tự các bạn click vào nút edit rồi sắp xếp lại. Việc chọn các địa danh gần nhau sẽ rất thuận tiện vì đa phần có thể đi bộ được. Nhất là ở châu Âu khí hậu khá dễ chịu và vừa đi bộ vừa ngắm phố xá được. Và mình thấy đi bộ lang thang thú vị hơn nhiều việc đi bus hay tram, vì nhiều khi phố xá còn đẹp hơn mấy điểm thăm quan nhiều, vừa đi vừa khám phá rất thú vị.
Các bạn cứ làm như vậy lần lượt với từng ngày rồi tuỳ thời gian để đi được bao nhiêu điểm, như vậy là xong plan chi tiết cho mỗi ngày. Mỗi thành phố mình chỉ mất 1-2 tiếng để tạo lịch trình và xem thông tin. trong khi những ngày đầu ngồi đọc khắp nơi, rồi ghi lại các nơi cần đến, rồi ngồi xem trên map ở đâu, cực kỳ mất thời gian mà không hề hiệu quả.
Một chú ý nữa là làm thế nào nếu bạn ở BnB và không có sẵn địa chỉ trên hệ thống. Các làm rất đơn giản, bạn copy địa chỉ rồi vào Google Map xem nó nằm ở đâu, quay trở lại Sygic Travel, paste địa chỉ vào ô tìm kiếm, nếu không tìm thấy thì chỉ cần copy post code kèm tên thành phố là sẽ tìm được khu đó, nhìn trên Google map xem nó nắm chính xác ở đâu thì trên bản đồ Sygic click vào điểm đó, rồi ấn vào nút + “Add custom place”. Sở dĩ phải dùng Google Map để tìm vì cơ sở dữ liệu của Google rất đầy đủ và chính xác, nên dựa vào đó để tìm thì chính xác hơn.





Sau khi Add bạn có thể tuỳ chỉnh thông tin về nơi bạn add, ví dụ đổi tên thành "BnB Hanoi” và hàng loạt thông tin khác.





Các bạn click vào hình cái bút nền màu cam, sẽ hiện ra một bảng để hỏi bạn muốn thêm địa danh này vào những ngày nào. Vì là căn hộ mình thuê để ở nên chọn là cả 3 ngày.




Ở đây ngày 10 đã được chọn, tiếp tục click vào hai ngày còn lại là xong.


Vậy là xong cách sử dụng Sygic Travel, nói dài dòng thôi chứ mình loay hoay một lát là dùng ngon ơ. Giờ mình sẽ nói vì sao nên mua bản Premium. Ví dụ bạn muốn đi Chùa Trấn Quốc  Bạn chỉ việc mở điện thoại ra click vào hình Chùa Trấn Quốc.





Ấn nút có hình bản đồ (góc trên bên phải cạnh trái tim).



Chọn đi bộ hoặc lái xe (Vì nhà mình xa nên hiện ra tận 9,5km, chứ thông thường bên kia chỉ khoảng 1,5 đến 2km mỗi điểm là cùng, thường thì chỉ loanh quanh vài trăm mét thôi.) Click vào hình người đi bộ và đi theo chỉ dẫn như đi bắt Pokemon thôi :))


3.Dropbox
Chắc mình không cần hướng dẫn gì nhiều nhưng mình chia sẻ chút kinh nghiệm. Tất cả các loại giấy tờ, vé tàu xe, booking… mình đều lưu trên đây. Mình tạo ra một folder Euro trip.
Trong đó lại có nhiều folder. Ví dụ một folder chuyên giấy tờ cá nhân như CMT, Hộ chiếu, khai sinh của con…, Rồi mỗi thành phố có một Folder riêng để cho các lại vé tàu, xe, máy bay…. vào. Thế là đến thành phố nào chỉ cần mở Folder đó ra là xong. Vì Dropbox có tính năng File Offline nên trước khi đến đâu mình download về, khi nào đi thì xoá đi. Như thế không tốn dung lượn điện thoại, còn để chụp ảnh khi cần được.

Các App khác trên điện thoại thì chắc mọi người đều biết dùng hoặc có App khác thay thế. Riêng Google Map và Map.me mình nói thêm là cả hai App này đều cho tải bản đồ về chạy offline nên mình vẫn sử dụng kèm với Sygic Travel để phòng nhỡ có ứng dụng nào không chạy. Để tải map về chạy offline các bạn tìm thêm trên Google nhé. Trường hợp bạn nào không muốn mua bản Premium có thể dùng Sygic Travel để lên kế hoạch, đi lại thì dùng Map.me để dẫn đường. Hơi bất tiện một tí thôi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,944
Latest member
mahormonu81
Back
Top