What's new

[Chia sẻ] Đường đến Phố Cổ Hội An - Phần 2

ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2

I | Khách sạn ở Hội An​

Trong quan điểm của người viết bài, Hội An tạm chia thành 3 khu vực.

Khu vực 1 là Phố Cổ với các tuyến đường từ chính đến phụ là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai và Phan Châu Trinh.
Khu vực 2 là Phố đi bộ Nguyễn Phúc Chu.
Khu vực 3 là vòng rìa bên ngoài, khu nhà dân và các khách sạn.

Khu vực 1 có khách sạn nổi tiếng nhất là Vĩnh Hưng, nằm ngay sát Chùa Cầu. Ở đây chỉ có 6 phòng nên các bạn tranh thủ đặt trước nếu có điều kiện. Ở khách sạn này được cái thú là sống ngay trong lòng Phố Cổ. Về khuya dân Phố Cổ đều về nhà họ ở vùng ngoài (có rất ít gia đình thật sự sinh sống trong phố) nên khu vực này rất vắng vẻ, ăn khuya khá khó khăn.

Khu vực 2 là các dãy quán bar dành cho người nước ngoài. Các bạn có thể tìm các nhà trọ, khách sạn tầm trung trong các các con đường song song/ cắt ngang phố đi bộ. Lợi thế là khu vực này ngay đối diện Phố Cổ, sau lưng lại là bến thuyền rất mát. Bạn nào có ý đi Cù lao Chàm thì ở khu này là hợp lí vì rất gần bến đỗ của thuyền, có thể đi bộ ra.

Khu vực 3 là các khách sạn tầm trung và thấp với các homestay và phòng dorm hoặc khu resort. Ngoài này thuộc khu vực "thành phố" chứ không còn là "Phố Cổ". Ở đây có nhiều các mart (mình khuyên các bạn nên mua đồ ngay trong Đà Nẵng đem ra, hạn chế vào đây mua hàng vì giá rất cao), cửa hàng thức ăn có bán đến đêm nhưng cũng không khuya như ở Sài Gòn. Mình khuyên các bạn nên đặt phòng ở hai tuyến đường Hai Bà Trưng và Bà Triệu, cùng lắm là Thái Phiên. Các đường như Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Nguyễn Duy Hiệu hay Cửa Đại thường được bảo là cách Phố Cổ 10 - 15 phút đi bộ nhưng thực tế ở Hội An, đi bộ 5 phút là xa lắm rồi

Gloree D. Om
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2​
II | Đậu hũ chị Ánh


Cái thú ăn Đậu hũ của người Hội An có từ trước khi Hội An trở thành khu du lịch như bây giờ.

Đậu hũ Hội An có mấy đặc điểm như sau:

Thứ nhất, ngày đó người Hội An để đậu hũ trong chiếc nồi gạch, nồi gạch lại được giữ chặt trong một cái chum tre. Hình ảnh này giờ đây hiếm lắm mới còn bắt gặp ở Tam Kỳ, thành phố tỉnh lỵ của Quảng Nam.

Thứ hai, Hội An gọi là đậu hũ chứ không dùng chữ tào phớ như ngoài bắc hay tàu hũ như trong nam. Đậu hũ phải ăn với nước đường bát và nước gừng. Một số gánh không có nước gừng sẽ thay bằng gừng băm. Có gánh lại bỏ thêm nước cốt dừa. Người Hội An xưa chỉ ăn đậu hũ nóng với nước đường bát chứ không bỏ đá hay nước gừng như bây giờ. Đến Hội An, bảo "lấy một bát đậu hũ kiểu xưa" là các cô biết ngay phải múc như thế nào.

Thứ ba, đậu hũ Hội An ngày nay ăn kèm với xoa xoa và lường phảnh. Xoa xoa màu trắng, lường phảnh màu đen. Xoa xoa gần giống miếng thạch, lường phảnh tựa miếng xương sáo có vị thuốc Bắc. Lường phảnh ở cả Hội An (có tùy mùa) do duy nhất một gia đình làm và đem giao.

Đậu hũ là thức hàng rong nhưng với riêng người viết bài, hàng đậu hũ ngon nhất phải là quán đậu hũ trong nhà duy nhất có ở Phố Cổ: Đậu hũ nhà chị Ánh, góc hẻm Hai Bà Trưng giao với Nguyễn Thái Học, ngay khu vực chơi Bài chòi. Điểm nhận diện rõ nhất là mấy chị em trong nhà chị mặt ai cũng y như nhau.

Đậu hũ nhà chị Ánh ngon là ở nước đường và nước gừng. Khoản này ngay cả các cô bán đậu hũ lâu năm ở Phố Cổ trong mấy buổi hàn thuyên cũng phải công nhận. Đậu hũ nhà chị mở từ buổi trưa rồi bán đến tận đêm (do chị có mặt bằng), có khi 11 giờ tối mới dọn vào được. Ngày trước chị còn bán ngoài hiên nhà, khách đến ăn ngùn ngụt đến độ người đi ngang cũng phải tự hỏi, rồi một ngày nào đó chị Ánh không bán nữa liệu khu này có còn vui hay không. Ấy thế mà sau này chị buộc phải lui vào bên trong, khi đó quả thật góc Nguyễn Thái Học mất hẳn cái vẻ xôm tụ náo nhiệt của nó. Đó là còn đỡ, dạo nhà chị nghỉ bán, buồn hiu một góc đường. Nhớ lúc đó ngay cả hội Bài Chòi kế bên cũng không "cứu vãn" nỗi.

Ngoài đậu hũ, nhà chị Ánh còn bán các loại chè và thịt nướng nhưng có lẽ cái ngon của món đậu hũ đã át phần các món ăn còn lại.

Nếu có thể, các bạn hãy đến quán chị Ánh tầm buổi trưa tầm 12 giờ. Lúc đó quán vừa dọn ra, chị cũng tương đối rãnh rỗi có thể ngồi tiếp chuyện với mọi người.

Ngoài quán chị Ánh có hai gánh hàng rong mình thấy bán đậu hũ ăn rất được khác là gánh cô Can và gánh cô Bông.

Cô Can có đề trước gánh biển Xưa và nay. Thật ra mình ăn quán cô nguyên nhân chính là do cô hay bị các gánh đậu hũ ngồi ở đường Châu Thượng Văn bắt nạt. Những người này hay dè bỉu, thậm chí chạy qua gánh cô nói xóc xỉa khi thấy có đoàn khách đến gánh cô ăn. Gánh cô Can thường ngồi tách biệt. Khi thì gần Chùa Cầu, khi thì trước Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh. Cô thường bán buổi sáng và trưa.

Gánh cô Bông chưa thấy để biển tên. Cô bán lúc chiều tối, thường ngồi ngay trước một tiệm kính gần sát Chùa Cầu. Đậu hũ chỗ cô có nước cốt dừa làm rất "bắt". Ăn không đau bụng mà ngon lắm. Ngồi gánh cô ngắm dòng người đi qua đi lại Chùa Cầu là ưng nhất.


Gloree D. Om
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2

III | Bánh mì bà Khánh


Bánh mì Hội An là loại bánh mì ổ thon với vỏ bánh nhọn hoắc ở hai đầu trong khi phần nhân ngập ngụa đến mức tràn cả ra ngoài. Nhìn có hơi ngại nước sốt vấy bẩn tay nhưng đến khi cắn rộp một phát thì ghiền không tả nổi. Ngoài các loại nhân thông thường, bánh mì Hội An còn để vào cả thịt nướng, trứng chiên ngọt, pa-tê nước và rau mầm.

Madam Khánh tên Lộc. Khánh là tên chồng bà. Dân Hội An gọi hiệu bánh mì ở gần góc Trần Cao Vân - Trần Hưng Đạo này đơn giản là Bánh mì bà Khánh. Hiện nay nhà bà đang tu sửa nên quầy bánh mì tạm lùi về cách đó tầm vài chục mét hướng về phía Thái Phiên.

Quầy Bánh mì bà Khánh bán từ sáng sớm (6:00) đến tận chiều tối (22:00). Nói là thế nhưng phải tầm 7 giờ 30 hơn phần nhân bánh mì mới được làm đầy đủ. Hơn 15 thành phần để chuẩn bị thì như thế là quá nhanh đối với một gia đình chỉ có vài người phụ nữ như nhà bà.

Cái thú khi ăn bánh mì ở hiệu bánh của bà là có cả bàn để ngồi. Bánh mì làm xong được bọc trong tờ giấy lót, cột nhanh sợi dây thun rồi đặc trên đĩa và đem vào nhà trong cho khách dùng.

Mỗi ổ bánh mì bà bán cho du khách là "phiên bản" thập cẩm 20 nghìn đồng đầy tức bụng. Dân địa phương có người ăn ít hơn thì bảo bà trước ổ 10 hoặc 15.

Bánh mì "Madam Khánh"
có lẽ chỉ dành cho người thật sự muốn thưởng thức. Cái cách khách phải đợi bà nướng ổ bánh mì cho nóng trên than hồng mới chịu lấy ra, cái cách khách phải dõi theo đôi tay chậm rãi gấp từng miếng nhân của bà, cái cách khách ngồi trong quán mà ăn chứ không cầm đi, ấy là thưởng thức rồi.

Theo ý kiến cá nhân thì Bánh mì bà Khánh ngon hơn nhiều lần Bánh mì Phượng nổi tiếng nhất nơi đây. Có lẽ cái gì càng nổi bật, càng công nghiệp thì chất lượng của nó sẽ có chút mờ nhạt.

Gloree D. Om
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2​
IV | Phở ông Liến​

Phở Hội An
là loại phở khô ăn trong nước dùng có vị thanh dùng kèm với đu đủ non bản mỏng chua ngọt, rau thơm cùng với topping là đậu phộng rang giã nhuyễn.

Người Hội An bảo rằng "Phở Hội An ăn ở đâu cũng có một vị.". Câu đó thấy đúng. Có chăng là chỗ này làm hơi lai kiểu miền Bắc chỗ nọ làm cho ra chút chất miền Nam. Muốn ăn phở Hội An gốc thì nên đến quán thâm niên Phở (ông) Liến nằm ngay trên đường Lê Lợi trong khu Phố Cổ, "cái nôi" của hương vị nước dùng phở và hủ tiếu ở khắp Hội An.

Phở (ông) Liến bán từ sáng đến chiều. Trưa thấy im im chứ ai đến là người nhà vẫn tiếp như thường. Khách đến ăn đa phần là dân địa phương hoặc du khách người Việt có chút tìm tòi. Người nước ngoài nhiều bạn thấy đứng bên ngoài nhìn nhìn ngó ngó một lâu, chắc thấy sao dân nó ăn đông quá nên cũng thử đâm đầu chui đại làm một tô. Nghĩ cũng đúng, có ai bỏ công đi đến Hội An mà nghĩ đến chuyện bước chân vào một quán phở. Lạ đời.

Gloree D. Om
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2​
V | Cao lầu bà Liên


Cao lầu khó mà diễn tả lắm. Nôm na món này giống như một tô hủ tiếu khô ăn kèm với xá xíu và mấy miếng bánh chiên. Có điều sợi "hủ tiếu" này to và xù xì như cọng bánh canh bột gạo, dai như sợi miến và có màu ngà như đường thốt nốt. Mấy miếng "bánh chiên" thì tùy nơi mần, có chỗ mần kiểu Huế là miếng da heo chiên phồng nhưng vẫn có chỗ mần theo kiểu gốc Hội An là sợi cao lầu xắc nhỏ rồi bỏ vào chảo chiên. Nước sốt chan lên cũng rất bá chấy nhưng nghiệm hoài không ra thành phần, chỉ biết chắc chắn là có nước thịt xíu tiết ra (Hội An gọi xá xíu là thịt xíu).

Nhiều tài liệu trên Internet dẫn ra 3 quán Cao lầu nổi bật ở Hội An là Trung Bắc, Vạn Lộc (khu Phố Cổ) và Thanh (đường Thái Phiên). Nhiều người dân Hội An lại bảo muốn ăn Cao lầu trong chợ thì đến Cao lầu Bà Bé, muốn ăn trong khu Phố Cổ thì đợi đến tối ra góc Phan Châu Trinh - Lê Lợi, đầu con hẻm kế bên Nhà hàng Lê Bá Truyền mà thưởng thức Cao lầu anh Tý. Còn thong thả cử chiều thì phải tạt qua Cao lầu Liên ở số 16 Thái Phiên.

Cao lầu Liên chỉ bán buổi chiều từ 3 giờ đến tầm 5 - 6 giờ là hết. Buổi trưa ở đây là một quán cơm bình dân (Cơm bà Hồng) nên nếu không nhìn địa chỉ thì khó mà định hình được quán (buổi chiều bà Liên mới đưa biển ra). Gần Cao lầu Liên là quán (Bà) Thanh nhưng vị xem ra lại không bằng. Mấy bạn Tây lại quán ăn cứ "quao quao" suốt tự nhiên thấy cũng ưng ưng cái bụng.

Gloree D. Om​
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2

VI | Lò bánh Bông hồng trắng


Bánh bông hồng trắng giống với loại bánh vạc của người miền Nam. Điểm khác là bông hồng trắng Hội An có vò dày và có độ dai chứ không mềm nhũn như miền trong. Khoản này chỉ có gấp lên mới cảm nhận được. Ngoài ra bạn nên biết Bông hồng trắng là từ chỉ chung cho cả hai loại bánh bao và bánh vạc kiểu Hội.

Nghe kể Bông hồng trắng là tên gọi do một người nước ngoài đặt ra do tạo hình của bánh khá giống loại hoa này, về sau người dân dùng luôn làm tên. Bông hồng trắng ở cả Hội An bắt nguồn từ lò bánh gốc khá lâu đời đặt tại gốc Hai Bà Trưng - Thái Phiên.

Thực đơn lò bánh Bánh hồng trắng chỉ gồm hai loại: Bánh bao - bánh vạcHoành thánh chiên. Bông hồng trắng 15 chiếc giá 70 nghìn. Hoành thánh chiên 4 mảnh (như mảnh pizza) giá 100 nghìn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể yêu cầu phần bánh nhỏ ăn-cho-biết với số lượng và giá bằng phân nửa ban đầu.

Cái chính của bông hồng trắng là lớp da bột gạo nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi phần nhân chỉ to hơn đầu ngón tay một chút.

Bánh bông hồng trắng có bán đem về nhưng để mang lên máy bay, các bạn bảo lò không cần lấy nước mắm. Thật ra nước mắm ở đây cũng không có gì đặc sắc để phải tốn thêm hành lí ký gửi đem về.

Gloree D. Om​
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2

VII | Bánh đập Bà Già​

Bánh đập Bà Già nức tiếng thôn Cẩm Nam nằm không quá xa khu Phố Cổ. Bạn có thể thuê một chiếc xe đạp (20k/ ngày từ sáng sớm đến 8 giờ tối) chạy một mạch qua Cầu Cẩm Nam, nhìn tay phải rà rà một hồi là đến. Khu này tương đối vắng vẻ nên nhà dân thường nuôi nhiều chó, ngoài ra thì các bé khá vô tư chạy giỡn giữa lòng đường nên cần lưu thông cẩn thận.

Quán Bà Già nhìn khá giống mấy chỗ rửa xe ở Sài Gòn. Nói là thế nhưng quán vẫn có mấy bàn đặt nhìn thẳng ra hướng ngoài sông, rất mát.

Bánh đập Hội An ăn như thế này: Bạn để miếng bánh tráng lên một tay, đặt tiếp lớp bánh ướt (miếng bánh khá dày), sau cùng gắp vào một ít hến xào ăn kèm (nếu muốn). Bẻ đôi miếng bánh tráng để gập toàn bộ bánh lại thành hình bán nguyệt. Lúc ăn dùng tay đập một phát cho lớp bánh tráng vỡ ra, dính vào phần bánh ướt. Ăn bánh đập là phải đập như thế.

Bánh đập ăn kèm với mắm nêm. Mắm nêm thường khá mặn để phù hợp với vị lạt của bánh ướt và vị bùi của bánh tráng bên ngoài.

Ngoài bánh đập, hến xào xúc bánh tráng, chè bắp Cẩm Nam cũng là một món rất hay ở quán Bà Già. Vị thanh chứ không ngọt như ở miền trong.


Gloree D. Om​
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2​
VIII | Cầu Đi bộ​

Cầu Đi bộ là cây cầu gỗ không có tay vịn nằm ngay trước mặt Chùa Cầu.

Mười lăm năm trước, năm 2001, đoàn làm phim Người Mỹ trầm lặng về Hội An dựng cây cầu này để quay phim. Bộ phim hoàn thành, cây cầu vẫn được giữ lại và đưa vào sử dụng đến tận bây giờ. Lúc đó cầu vẫn còn hai thành hai bên.

Cầu Đi bộ là nơi để chụp ảnh cưới. Các cặp đôi thường bước xuống thuyền từ cây cầu này vì chỉ có nơi đây là độ cao vừa phải. Nhiều lúc đang đứng trên cầu tự nhiên thấy có chiếc thuyền chầm chậm luồn từ bên dưới. Thấy cũng hay. Đến lúc thấy anh đẹp trai chị đẹp gái đang nằm song song, cùng nhau cầm một bó bông trên thuyền thì... vẫn thấy hay. Cảnh thủy táng ngày xưa được tái hiện thật sống động.

Buổi khuya, tầm 11 giờ hơn, khi khách Ta đã về nhà nghỉ làm gì hổng biết, khách Tây còn đang la cà trong mấy quán bar, có vài thanh niên thường là người Đà Nẵng hoặc dân địa phương vác tripod ra giữa cầu ngồi đồng. Ngắm, chụp, ngắm, chụp, rồi lại ngắm, chụp. Thấy mấy anh đam mê đến vậy nhiều lúc cũng muốn ra hỏi nhỏ một câu chân thành "Đứng vầy hoài anh có bị muỗi chích hông anh?".

Tầm vài tháng gần đây xuất hiện thêm hai tấm biển ở mỗi đầu cầu với cùng nội dung: Cầu Đi bộ. Sau mười lăm năm đứa bé đã được đặt tên. Đây có lẽ là cây cầu thầm lặng nhất Hội An. Một cây cầu bắt đầu từ văn hóa nhưng cuối cùng lại bị văn hóa lãng quên.

Những ngày trời mưa ở Hội An mặt cầu rất trơn. Ngồi một mình đứng trên đó buổi sớm, mặt hứng mưa, mắt hứng cảnh, tay cầm ly bạc xỉu cô Thảo, tay cầm ổ bánh mì bà Khánh, chân bước thong dong tự nhiên thấy có chút phiêu đời.

Mấy tháng gần đây Hội An đã tu sửa lại cầu, phục hồi tay vịn hai bên thân.

Gloree D. Om​
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN - PHẦN 2

XI | Công viên Kazik​

Hơn 30 năm trước, cái thời mà Hội An vẫn còn mờ nhạt cả trong con mắt của người Việt Nam, kiến trúc sư người Ba Lan có tên gọi tắt là Kazik đã dừng chân tại nơi này. Ông là người đã đưa ra giải pháp trùng tu cho Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. Cũng chính từ những bài báo của ông mà thế giới bắt đầu biết đến một thành phố cổ còn sót lại ở Việt Nam.

Sau khi ông mất, Hội An dựng lên một công viên nho nhỏ ngay trung tâm Phố Cổ, ngay con đường Trần Phú chính yếu với một bức tượng bán thân bằng đá cát kết, thứ đá đặc trưng của Thánh địa nơi ông dành cả đời để phục hồi. Gọi là Công viên Kazik.

Dân địa phương không biết ông là ai. Phần lớn là vậy. Dân du lịch càng thắc mắc tại sao giữa lòng Phố Cổ Việt Nam lại có bức tượng của một ông cụ người ngoại quốc. Một số người Ba Lan biết đến ông. Một số bạn khách nước ngoài khi đến đây có đứng tra cứu tìm hiểu. Khách Việt có ghé công viên nhưng chủ yếu là để ăn thịt nướng gánh chị Sương đối diện.

Có một điều thú vị là tấm biển nhỏ-xíu-đặt-ở-một-góc-khuất giải thích về Kazik cực kì tối nghĩa. Ngay cả một người có hiểu biết về ông cũng không hiểu nỗi nó đang viết cái gì. Thông tin có viết cũng như không có.


HẾT PHẦN 2​

Gloree D. Om​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top