What's new

Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy.

Thân chào năm mới 2017 tới toàn thể ACE,

Cảm giác của bạn sau khi kết thúc một hành trình thường là gì? Phải chăng mỗi hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một cảm giác trống trải trong bạn? Và để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn đó bạn lại lên đường tìm kiếm thêm một cuộc phiêu lưu khác, trải nghiệm khác?

Cách đây không lâu, các chuyến đi của HDD82 bắt đầu từ sự thôi thúc đam mê miền đất mới, tâm trạng đầy háo hức và kích thích. "Thôi thúc + Đam mê" là công thức dẫn tới các cuộc hành trình khám phá trước đó. Tuy nhiên theo thời gian mọi chuyện đã có sự đổi khác: Đam mê thì vẫn còn nhưng thôi thúc thì giảm xuống. Tâm trạng cao trào bốc đồng ngày trước đã không còn nhiều nữa, thay vào đó là bình tĩnh tự tại, bình thản đối diện với mọi việc hơn. Và do không còn nhiều thôi thúc nên HDD82 từng suy nghĩ nhiều về lý do tại sao mình lại "phải" tiếp tục lên đường nữa? Nếu đi thì đi đâu? Nước nào? Lý do tại sao? Có nhất thiết phải đi? v.v và v.v.

Không còn là để củng cố cái Tôi bản thân nữa, không còn muốn được nhiều người biết tới, muốn tự hào, muốn chinh phục tự nhiên, chinh phục cái này cái kia... Các chuyến đi "khám phá" trong dấu ngoặc kép thật ra giống cảm giác về lại tự nhiên, về nhà, về lại con người xưa của ta. Được đi đã là niềm hạnh phúc rồi. Còn đi đâu mà không được? Và cần gì phải có lý do?
Đi để làm giàu trải nghiệm cuộc sống, làm mới cảm xúc, làm phong phú cảm nhận để rồi liên tục cho đi, liên tục chia sẻ với mọi người mà không mong được nhận lại.

"Nhật ký hành trình Kenya bằng xe gắn máy" xin phép được ra đời!
 
Cuộc sống có ý nghĩa gì? Mục đích của cuộc sống là gì?

Nhiều người, nhất là các bạn trẻ tuổi hai mươi ba mươi, dành nhiều thời gian để đi tìm ý nghĩa và mục đích sống. Họ sẵn sàng tham gia nhiều buổi hội thảo với các chuyên gia, gặp gỡ hàng trăm diễn giả, người thông thái, đọc hàng trăm quyển sách với mong muốn tìm ra được "nó". "Nó" là mục đích và ý nghĩa sống! Có người tìm ròng rã lâu quá mà vẫn không thấy tăm hơi nên lấy luôn "nó" của người khác để làm thành "nó" của mình. Miễn sao "nó" nghe hay ho, hợp logic hoặc được nhiều người hưởng ứng, xã hội chấp nhận. Rồi càng ngày càng có nhiều người làm theo dạng phong trào: Mục đích của người khác là làm giàu và giành được nhiều thành công trong cuộc sống, thì mình cũng phải lấy mục tiêu sống là làm giàu và đạt được nhiều thành công. Thành công là gì? Tài khoản ngân hàng kếch xù, vị trí vững chắc trong một công ty, được nhiều người ngưỡng mộ và biết tới? v.v và v.v...

Tôi đồng ý với Osho rằng: "Mỗi người phải tạo ra ý nghĩa cuộc sống của mình".

Cuộc sống bản thân nó chỉ có ý nghĩa khi chúng ta tạo ra "nó" thông qua hành động trong khi sống. "Nó" không phải là kho báu được chôn giấu, không phải là một hòn đá có khắc chữ "Ý nghĩa cuộc sống là..." ẩn giấu ở đâu đó để mỗi người đi tìm kiếm. Không phải là hành trình đi tìm kiếm ý nghĩa mà là quá trình tạo ý nghĩa thông qua việc sống hết mình với cuộc sống được ban tặng, chấp nhận thử thách, chấp nhận thay đổi để được sống đúng với bản thân, sống "như là" bản thân vốn có. Nếu bạn sống cuộc sống như vậy thì những người xung quanh sẽ nhận ra rằng "Ah. Tôi thấy mục đích sống của Anh/Chị này là..."

Nếu đi vào một khu rừng hoang sơ chúng ta sẽ thấy trong đó có rất nhiều các loài cây. Nếu có ai đặt câu hỏi: Tại sao cái cây A này lại đứng chỗ này mà không phải chỗ kia? Cái cây B này đứng đây có ý nghĩa gì? Cái cây C bên cạnh nó có ý nghĩa gì? Thì câu trả lời là: Thiên nhiên sinh ra mọi vật đã như vậy! Đó là điều thuộc tự nhiên. Mỗi cái cây được sinh ra đều có ý nghĩa của nó, thay vì sống hết mình với cuộc sống ban tặng tại sao lại phí hoài đi tìm lý do? Một cách tự nhiên cái cây đó sẽ không ngừng ăn sâu vào lòng đất và phát triển năm này qua năm nọ cho đến khi một đám cháy rừng bất ngờ càn quét qua và chấm dứt vòng đời của nó trên thế gian.

Cuộc sống rất công bằng: Ai cũng có sự tự do lựa chọn, tự do hành động và được ban cho nguồn năng lượng dồi dào để sáng tạo! Hãy sử dụng nó để viết nên ý nghĩa cuộc sống của chính mình, sáng tạo nên cuộc sống của chính mình, "vẽ" ý nghĩa cuộc sống lên chính cuộc đời mình cho mọi người thấy. Cuộc sống của tất cả mọi người đều bắt đầu từ tờ giấy trắng mà thôi...

33193430376_2c823b7779_c.jpg


33193431156_4275d3e469_c.jpg


32851948290_3b9c3498ca_c.jpg
 
Dừng chân tại một cây xăng ăn trưa bên đường. Bắt đầu từ đây trở đi là về với thế giới văn minh hiện đại. Chà... Đã lâu lắm rồi mới được chạy xe trên con đường nhựa phẳng phiu, gặp một cây xăng lớn ven đường và... dừng lại ăn cơm như thế này. Chưa bao giờ cảm thấy yêu mến con đường nhựa đến thế! Đúng là "Chịu khổ rồi mới biết cái mình đang có là sướng".
Cây xăng này là ngã ba từ Maasai Mara tới thị trấn Narok rẽ đi thị trấn Kericho. Quãng đường còn lại khoảng 150km để tới thị trấn Kericho toàn đường nhựa dễ đi nên không cần phải vội vã gì cả.
Tôi gọi:
- Jumbo. Chị phục vụ ơi cho một chai nước ngọt.
Chị phục vụ dáng người to béo, mái tóc xoăn tít và nước da đen như... Châu Phi lịch sự bước tới nói một tràng tiếng Anh líu lo (người dân Kenya nói riêng và các nước Đông Phi nói chung giao tiếp bằng Tiếng Anh khá tốt), chị ta mỉm cười biết rằng tôi không gọi thức ăn mà chỉ gọi nước uống. Trong khi ngồi chờ, các tuyến xe bus đường dài cấp tập dừng lại ở đây và khách khứa úa vào ăn cơm tại căntin đông nghẹt. Tôi ngắm nhìn cái tivi treo tường đang phát chương trình thời sự, vâng, đã một tuần nay hắn chưa được nhìn ngắm lại cái tivi - một biểu tượng của thế giới văn minh - rồi lôi từ trong cặp ra một hộp cơm.
"Thật tuyệt!". Tay Châu Á cảm thấy lòng khoan khoái. Hộp cơm do tay đầu bếp ở Semadep chuẩn bị cho tôi gồm có một quả trứng luộc, hai miếng sandwich kẹp và một nửa quả chuối.
Vừa ăn vừa quan sát người dân bản địa thì thấy rằng tuy họ đang ở trong một căntin cây xăng lộn xộn nhưng không khí chung trật tự đáng ngạc nhiên, không có ai nói chuyện to tiếng, ăn uống thì nhỏ nhẹ, nhiều người khách đi xe và người phục vụ quán mang áo sơmi cho vào thùng. Giày dép cũng lịch sự. Bảng giá món ăn ở căntin thì niêm yết rõ ràng không chặt chém, bàn ghế được lau chùi nhanh chóng và gọn gàng, đặc biệt toalet công cộng rất rộng rãi sạch sẽ. "Hờ... suy nghĩ trước đây về Châu Phi còn phiến diện quá!"

33240457245_46f4509187_c.jpg


Trên đường tới thị trấn Kericho cũng không có gì đáng nói ngoài việc được chứng kiến vài vụ tai nạn do người dân ở đây chạy xe khá ẩu. Xe máy thì ít mà oto trên đường thì nhiều, xe khách vượt nhau rất rát. Đường đi có rất ít đèn xanh đèn đỏ và tuyệt đối không có một trạm thu phí nào. Vâng, không có một trạm thu phí nào trên đường! So sánh với cảnh tượng trạm thu phí nhiều như con nít ở Việt Nam thì đây là điều cũng rất ngạc nhiên...
Thay vì sử dụng đèn xanh đèn đỏ, trước các thị trấn nhỏ người ta cho xây các vệt mấp mô nhô cao cắt ngang đường để giảm tốc độ dòng xe cộ. Nhân lúc đoàn xe chạy chậm lại khi đi qua đoạn mấp mô, bà con trong làng bản tay cầm tay xẻng ùa ra chào bán các sản phẩm địa phương như khoai tay, xoài, chuối, táo, hành, tỏi... hoặc bắp nướng, mía... Cảnh tượng mua bán ngay trên đường vô cùng nhộn nhịp và... Châu Phi. Người bán thì cứ chạy theo oto để bán, còn oto thì dĩ nhiên chẳng có chiếc nào dám dừng lại giữa đường cả.
Một chiếc xe máy dừng lại ven đường. Mọi người ùa tới mời chào mua đồ dùng. Nhưng khi mở mũ bảo hiểm ra để chuẩn bị mở miệng thì tôi nghe tiếng một người kêu lên:
- Ồ, China, China. Trung quốc. Trung quốc.
Rồi tất cả những người phía sau đồng thanh lùi lại dãn ra không thèm chào mời nữa.

32425649813_a9088343cb_c.jpg


Càng gần tới Kericho thời tiết càng mát mẻ và màu xanh của các cánh đồng chè xuất hiện càng nhiều dọc hai bên đường.

32857339820_bc045e118a_c.jpg
 
Đến Kericho!!! Khu cắm trại tên là Garden View Campsite trên bản đồ thì là vậy nhưng thực tế tìm không thấy. Vậy nên thay vì ở khu cắm trại, quyết định đưa ra là nghỉ tại nhà trọ hostel. Trời lúc đó cũng gần tối, người cũng tương đối mệt mỏi vì quãng đường di chuyển nhưng lòng thì lại thấy vui. Những ký ức trong "Nhật ký hành trình Châu Âu bằng xe gắn máy" ùa về, những lần đi tìm khu cắm trại mỏi mòn ở Vienna hay Athen, ngủ lều hay ngủ ngoài đường. Những ký ức xưa nay gặp hoàn cảnh tương đồng đã sống lại trong tâm trí khi lái xe ở Kericho. Lòng khoan khoái tôi lái xe tới lui trên thị trấn nhỏ lướt qua mấy nhà trọ. Kinh nghiệm phán đoán tìm nhà trọ dẫn tới con đường đất đỏ đi lên một ngọn đồi chè. Chạy một đoạn ngắn thì con đường đất đổ dốc xuống sườn đồi và trở nên nhỏ hẹp hơn. Đến lúc này mới sực nhớ ra là tất cả các chuyến xe máy ở nước ngoài trước đó đều có yên thấp, ngồi trên xe chống chân dễ dàng và xoay sở tới lui được. Còn chú Kawasaki KLR 650 này yên quá cao, hành lý nặng và cồng kềnh, lại gặp con đường đất nhỏ và hẹp như thế này thật không thể nào quay đầu xe mà không cần người trợ giúp!
Tôi hỏi một người đàn ông đang đi bộ:
- Jumbo. Anh cho hỏi là nhà trọ XYZ ở đâu vậy? Tôi tìm hoài mà không thấy.
Người đàn ông dừng lại trả lời:
- Tôi không biết. Nhưng tôi có thể hỏi giúp anh!
Anh ta đi hỏi xung quanh, sau khi tìm được thì lại cùng tới gặp một anh bạn trẻ là nhân viên hostel về giá cả các thứ... Xong xuôi anh ta mới chào tôi để đi tiếp.
Tôi nói với anh nhân viên trẻ hostel:
- Anh có thể giúp tôi quay đầu chiếc xe máy Kawasaki lại được không?
Cậu ta nở nụ cười thân thiện:
- Được chứ!
Hostel này không có đủ nước để sinh hoạt. Robert rất xin lỗi trình bày như vậy vì bây giờ là cao điểm mùa khô, nước ở Kericho tương đối ít ỏi. Cậu thanh niên Robert múc từ thùng nước ở bếp ra một thau nước nhỏ kèm theo mấy ca nước nóng, tôi dùng chút nước này để tắm rửa và giặt quần áo. Tôi nhờ Robert nấu giúp mình bữa ăn tối là dĩa cơm gà quay. Robert quay vào bếp chừng một tiếng, thời gian chờ đợi quá lâu khiến cái bụng tôi kêu réo sùng sục. Một tiếng sau cậu ta quay trở ra với một cái chậu nhỏ đựng một can nước nóng, bánh xà phòng và một cái khăn lau để tôi rửa tay trước khi ăn. Không để tôi tự rửa tay một mình, cậu ta đứng cầm can nước nóng lên dội giúp. Sau đó cười thân thiện hỏi: "Dong, anh muốn ngồi ăn ở đâu để tôi dọn?"
Khách sạn Hilton ở Kualar Lumpura, khách sạn Mariott 3 sao ở Washington D.C, nhiều resort và hotel 4-5 sao từng ghé thăm cũng chưa có đâu đối xử với một tay lữ hành xe máy người bụi bặm tận tình đến mức độ như thế này. Mà là trong một hostel giá rẻ! Càng tuyệt vời hơn nữa khi nhìn thấy dĩa cơm gà quay được bày biện đẹp mắt trên dĩa, từng miếng thịt gà săn chắc - kiểu gà thả vườn ở Việt Nam - quay vừa chín tới tẩm ướp gia vị cay mặn giòn tan trong miệng, cơm nấu thơm lừng từng hạt gạo ngon không thể tả... 90k cho tất cả!

32427821313_6d5a23ec82_c.jpg


Làm sao tôi có thể "nhẫn tâm" ra đi sớm được? Thế là quyết định ở lại Kericho thêm một ngày! Bức ảnh này chụp cùng Robert, là tay da đen đứng bên trái tấm hình:

33097792732_946601c3f5_c.jpg


Chiến mã Kawasaki trước hostel:

33085885702_a47cc09823_c.jpg
 
Những chuyến hành trình luôn luôn cần sự may mắn hơn bất cứ điều gì khác. Tại sao như vậy? Có rất nhiều lý do có thể phá tan tành cuộc hành trình được chuẩn bị công phu, mà nhiều khi rất ngớ ngẩn. Chẳng hạn, trong "Nhật ký hành trình Châu Âu bằng xe gắn máy" tại thủ đô Athen Hy Lạp có một anh chàng người Hàn Quốc đã mắc kẹt tại khu cắm trại nhiều ngày. Anh chàng Hàn Quốc này đã đi nhiều du lịch nhiều thành phố ở Châu Âu bằng chiếc xe oto tự mua và tự lái. Chẳng may trong một lần đổ xăng tại một cây xăng vớ vẩn nào đó, họ đã đổ nhầm... dầu vào... bình xăng xe của chàng ta. Chàng ta cứ thế thanh toán tiền rồi giây lát sau chứng kiến chiếc xe yêu quý của mình nằm chết dí trên đường phố Athen... Chi phí sửa xe còn hơn là mua chiếc xe mới...

Tại Kericho, khi kiểm tra mức dầu trong động cơ thì phát hiện lượng dầu còn lại trong động cơ đã cạn. Dung tích chứa động cơ là 2.5 lít dầu mà không hiểu vì lý do nào đó - có thể đoạn đường đi quá xấu, phải gài số ở số 1 và 2 chạy liên tục trong thời gian dài (4-5 tiếng) - khiến động cơ quá nóng và đốt cháy dầu, tôi châm bổ sung thêm 0.5 lít dầu từ chai dự trữ vẫn không đủ. Sự thật là trong động cơ chỉ còn đúng... 1 lít dầu. Không hiểu sao chiếc Kawasaki này vẫn hoạt động được với lượng dầu ít ỏi như vậy? Nếu được bầu chọn cho động cơ hoạt động bền bỉ trong điều kiện khắc nghiệt nhất, Kawasaki KLR 650 có lẽ là số 1.

- Này anh ơi. Làm ơn bán cho tôi hai chai dầu xe máy 15W-40 loại 0,5l.
Tôi nói với người chủ tiệm tạp hóa, gần như đây là tiệm lớn nhất và duy nhất trong thị trấn Kericho này bán các loại phụ tùng xe máy. Ông chủ không phải là người Kenya mà có nước da trắng, bộ râu xồm và ngoại hình giống người Ai Cập hoặc người Do Thái. Tôi không lạ gì tài ăn nói khéo léo và khả năng buôn bán tuyệt vời của người Ai Cập, Do Thái.
- Bao nhiêu tiền một chai?
- 70 Kenya Silling/ chai.
Trả tiền rồi bước ra phố, thấy đường phố ở đây tương đối sạch sẽ. Giao thông tương đối hỗn loạn với nhiều xe máy tuk-tuk (xe ôm) chạy nhanh và lạng lách, tuy nhiên không có còi xe inh ỏi ồn ào như Việt Nam. Buôn bán cũng khá là trật tự và yên bình. Thời tiết ở đây quá nắng nóng mà gần như không có ai trên đường đội mũ. Từ bà già cho tới con nít đều đầu trần thong thả bước đi ... dưới nắng. Quả là siêu phàm!!!

32441192874_d65261b0f5_c.jpg


32441192294_531918c39f_c.jpg


33243050316_70b841643c_c.jpg


32441191324_39a1393d8a_c.jpg
 
Dừng lại tại một quán bán trái cây ven đường... Gọi mấy khúc mía và vài trái xoài. Xoài ở đây trái nhỏ, ngọt và thơm giống xoài bán ở Việt Nam cách đây... 10 năm về trước. Xoài bày bán ở VN bây giờ hình như có quá nhiều thuốc trừ sâu và chất bảo quản, trái thì to đều nhìn đẹp mắt nhưng ăn thì bở bở, bợt bợt, không ngọt nước và mùi thơm thì gần như không có. Xoài Kenya nhìn bề ngoài hơi xấu nhưng khá thơm và ngọt nước. Quất luôn hai trái xoài và mấy cây nước mía. Cô chủ quán cười niềm nở gọt vỏ cắt nhỏ ra cho vào bao khá cẩn thận. Ngồi ăn một lúc thì mấy đứa con nít đi học tan trường về ở gần đó cũng ghé mua ăn, hàng quán ngay lập tức rôm rả... Bọn con nít đứa nào cũng đi bộ với cặp sách trên lưng, không rõ nhà chúng ở đâu nhưng dường như việc đi bộ đối với chúng cũng tương tự như... hít thở. Rất thoải mái và tự nhiên!

32441189894_87f682e491_c.jpg


33243048476_09371c708a_c.jpg


32441189214_1a82da0c8d_c.jpg


32441189054_5caf3ec291_c.jpg
 
Sự mở rộng thương mại, đất đai lãnh thổ và thuộc địa của các nước Phương Tây đi cùng với sự phát triển của ngành hàng hải thám hiểm. Sự gia tăng không ngừng các cuộc thám hiểm trên biển của người Phương Tây kể từ những năm 1440 với Vasco De Gama là người tiên phong đã khám phá ra Châu Mỹ, Châu Phi và nhiều con đường hàng hải khác. Phương Đông đầu năm 1440 cũng có Trung Quốc là đế chế hùng mạnh thời ấy đã cử hạm đội hàng hải hơn 2 vạn người và hàng trăm thuyền cỡ lớn do Thái giám đô đốc Trịnh Hòa thống lĩnh cũng đã đi tới tận Châu Phi và nhiều nơi khác. Sự phô trương về lực lượng và quyền uy của vua Vĩnh Lạc Trung Quốc đối với các quốc gia khác là mục tiêu chính của chuyến "thám hiểm" Trịnh Hòa. Lịch sử chép rằng khi tới Châu Phi Trịnh Hòa đã mang về một con hươu cao cổ, là một con vật lạ thường đối với người Trung Hoa khi đó, náo loạn cả triều đình. Nhưng kể từ khi đô đốc Trịnh Hòa mất, Trung Quốc đã có một thời gian dài "bế quan tỏa cảng" với các chuyến đi trên biển. Mọi hình thức đóng thuyền đi biển đều bị cấm đoán. Trung Quốc chìm vào thời kỳ trì trệ, lạc hậu và dần bị các nước Phương Tây bỏ xa hàng trăm năm về khoa học công nghệ, y học, quân sự v.v...

Khác với mục tiêu phô trương thanh thế quyền uy của Hoàng Đế Vĩnh Lạc thông qua các chuyến thám hiểm của đô đốc Trịnh Hòa, các tàu thám hiểm Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... có quy mô và kích thước khiêm tốn hơn nhiều. Người Phương Tây lại xem các chuyến thám hiểm là cơ hội kinh doanh kiếm tiền, mở rộng lãnh thổ, xây dựng đế chế. Các chiến thuyền của họ nhiều thế kỉ sau đó vươn xa tới khắp nơi trên Thế giới như Đông Phi, Tây Phi, Châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ... đi tới đâu là thành lập ra các pháo đài, căn cứ quân sự bảo vệ lãnh thổ đế chế của mình và cai trị dã man các nước thuộc địa.

Năm 1895 đế chế Anh thiết lập tại Đông Phi một khu vực bảo vệ của người Anh, tới năm 1920 thì được gọi là Thuộc địa Kenya. Giống như cuộc đấu tranh giành độc lập diễn ra tại Việt Nam và nhiều nước thuộc địa khác, năm 1964 Nước Cộng Hòa Kenya tuyên bố độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng quốc gia Kenya Châu Phi - viết tắt là KANU. Người dẫn đầu đảng là Ông Jomo Kenyatta lãnh đạo đất nước từ năm 1963 tới 1978. Ngày nay tên và hình ảnh của nhà lãnh đạo Jomo Kenyatta được thấy khắp nơi tại Kenya, chẳng hạn Sân bay quốc tế Nairobi có tên là Jomo Kenyatta Internation Airport. Dưới sự cai trị hơn nửa thế kỷ của Đế quốc Anh, thật không ngạc nhiên khi thấy khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh của người Kenya là quá tốt. Thậm chí còn hơn cả Ai Cập là một nước rất phát triển ở Bắc Phi. Khả năng Tiếng Anh là một lợi thế to lớn của Kenya trong quá trình hội nhập về kinh tế, văn hóa... và kể cả phát triển du lịch.

32499936343_51f243028f_c.jpg


Nói về du lịch, Kenya là địa điểm nổi tiếng để du khách khám phá Safari, hay còn gọi là khám phá tự nhiên hoang dã. Nói đến Kenya là nói tới Maasai Mara - nằm ở phía Tây Nam thủ đô Nairobi, hay là thành phố biển Mombasa ở phía Đông. Lãnh thổ phía Bắc của Kenya là vùng sa mạc rộng lớn, chiếm phần lớn diện tích cả nước. Đây là khu vực sinh sống của các bộ lạc thổ dân còn giữ được văn hóa và nếp sinh hoạt gần cả trăm năm trước, đó là bộ lạc Samburu, Turkana. Càng đi về phía Bắc - nhất là khu vực Đông Bắc tiếp giáp Somali - địa hình càng khô cằn hiểm trở, và đặc biệt là nguy hiểm với khách du lịch nói riêng, người dân nói chung. Lý do là một bộ phận không nhỏ người Somali đã chạy tị nạn chiến tranh tới Kenya (ai cũng biết Somali đang ở tình trạng nội chiến triền miên), họ mang theo súng, vũ khí mà chính phủ không thể kiểm soát. Rất nhiều cuộc xung đột hoặc cướp bóc có vũ khí giữa các bộ lạc bản địa với nhau và với người Somali khiến khu vực phía Bắc - Đông Bắc từng là nơi báo động đỏ. Chỉ vài năm trước, quân đội mới bỏ lệnh cấm các phương tiện vận tải đi tới các khu vực này mà không có xe hộ tống.

Nếu bạn tới thăm Nairobi, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi quân đội hiện diện khắp nơi ở thủ đô: từ nhà băng, máy rút tiền ATM, tòa nhà chính phủ, tới siêu thị thậm chí cả khách sạn bình thường. Quân đội có vũ khí đi lại khắp nơi trên đường phố Nairobi và các thiết bị rà soát kim loại (như ở sân bay) được đặt rải rác khắp nơi. Lý do là bởi vì chính phủ Kenya đã không thể kiểm soát được lượng vũ khí đã tuồn vào trong nước qua đường biên giới với Somali. Chiến tranh ở Somali tiếp diễn liên miên do được hậu thuẫn bởi các tổ chức ngầm mafia buôn bán vũ khí, các nước Phương Tây cũng có lợi ích không nhỏ khi tham gia vào "bữa tiệc" chiến tranh này, nên không thể chấm dứt. Có câu: ""Ở đâu có khó khăn, ở đó sẽ có nhiều phần thưởng chờ đón". Miền Bắc Kenya còn hơn cả một điểm đến, đó là một chuyến đi mà với mỗi kilomet đều để lại cho bạn những kỉ niệm khó quên... Thôi, lại kể lể sớm quá rồi... Lên đường tới thị trấn hẻo lánh miền Bắc, thị trấn Rumuruti.

33166227231_6f9c83d057_c.jpg
 
Thuyết kiến tạo lục địa cho rằng các châu lục tách rời ngày nay như Châu Âu, Châu Phi, Châu Úc, Châu Á và Châu Mỹ hàng trăm triệu năm về trước thực ra lại liền một khối. Phía Bắc của Châu Phi ngày nay thực ra nối liền với Châu Âu, phía Đông Nam nối với lục địa Ấn-Úc còn phía Nam liền một mảnh với Nam Cực. Dưới sự dịch chuyển liên tục cho đến tận ngày nay của lớp vỏ địa cầu, siêu lục địa này dần dần tách rời nhau ra, đẩy xa nhau ra và rồi bị ngăn cách bởi các đại dương: Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương. Các lớp mác-ma nóng chảy dưới bề mặt trái đất có thể là tác nhân làm cho mảng lục địa Châu Phi đang đẩy xa nhau ở phần phía Đông, dọc theo một vết cắt vành đai được gọi là The Great Rift Valley. Thung lũng The Great Rift Valley được hình thành dựa trên một lý thuyết cho rằng đây là khu vực suy yếu nhất của mảng Châu Phi bị biến dạng do phần mảng phía Đông của nó di chuyển nhanh hơn về phía Bắc. Thực tế mỗi năm, mảng Châu Phi dịch chuyển được 2,15cm về phía Đông Bắc - tức là ngày càng tiến về phía Châu Á.

Siêu lục địa triệu năm về trước:

33177117252_8290bc49ed_c.jpg


Nếu giả sử tốc độ dịch chuyển của mảng Châu Phi là không đều nhau thì phần yếu nhất của lục địa sẽ bị chia cắt ra làm hai. The Great Rift Valley có chiều dài xấp xỉ khoảng 6.000km bắt đầu từ Lebanon ở Châu Á tới Mozambique ở Nam Phi, nó đang chia tách mảng châu Phi thành 2 mảng nhỏ là mảng Nubi và Somali. Dọc theo vết cắt lục địa này là một số ngọn núi lửa đang hoạt động cũng như đã tắt. Ở Kenya các ngọn núi lửa này là núi Kilimanjaro, núi Kenya (Kenya Mountain). The Great Rift Valley là một ví dụ thực tế sống động về hoạt động tách giãn lục địa đang diễn ra trên Trái Đất.

Hình ảnh vị trí địa lý của The Great Rift Valley:
33291807726_b8e58a8737.jpg


Người và ngựa dừng chân trên ngọn núi cao, phóng tầm mắt xuống The Great Rift Valley bao la phía dưới, trong lòng thấy khoan khoái không thể tả được:

33291524246_43f4f58ec2_c.jpg


32518004033_688b16ffc4_c.jpg


33291527256_43bf7b1d0d_c.jpg


Hàng triệu triệu năm nữa khi vết nứt này đủ sâu, nước biển sẽ tràn vào khe nứt và một đại dương mới sẽ hình thành. Hàng triệu năm nữa, những gì tôi đang chứng kiến ở phía dưới thung lũng kia có thể đã bị chìm sâu dưới đáy đại dương. Chỉ cần hình dung rằng thời gian sống 100 năm con người tựa như cái chớp mắt trước hàng triệu năm tiến hóa, khóe mắt cũng đã thấy cay cay sót thương cho số phận người đời vốn đã ngắn lại còn lao theo vòng quay Danh - Lợi đến khi nào mới chấm dứt? Chắc chỉ đến khi Thần Chết tới gõ cửa thì người ta mới giật mình sực nhớ: "Ôi, những ước mơ thời trẻ của ta sao vẫn còn dang dở?".

32518514293_45602ca899_c.jpg


33291525116_be521fd5ce_c.jpg


Lên đường thôi!!!

32950277190_d63fa10753_c.jpg
 
"Chạy qua thị trấn Rumuruti về phía Bắc 20km. Bên phải đường sẽ có một trụ điện cao thế. Chạy tiếp 500m sẽ nhìn thấy bên trái đường có ống nghiền đá màu vàng. Rẽ vào con đường bên cạnh. Chạy tiếp 10km tới một trường học. 500m tiếp tục sẽ thấy một container. Chạy thêm 200m có một đường rẽ dốc lên núi. Đó là khu cắm trại Bobong"

Nhẩm đi nhẩm lại đoạn hướng dẫn đường đi phía trên đến thuộc làu, đối chiếu với thực tế đồng không mông quạnh ở Châu Phi mà thấy... vui vui.
- Này em ơi, cho anh hỏi đường với?
Một cậu bé ngồi bên lề đường đầy bụi bên cạnh một bao tải khoai tây lớn, cậu đang chờ một chuyến xe khách chạy qua để chở bao khoai tây xuống các chợ ở thị trấn.
Cậu bé da đen ngồi giữa trời trưa nắng như đổ lửa, thân hình rắn rỏi chắc nịch như đúc bằng đồng đen. Cậu hỏi:
- Anh đi đâu?
Tôi trả lời:
- Anh muốn tìm cái cột điện cao thế nằm bên đường? Cạnh nó là cái máy xay xát đá màu vàng?
- Ồ, có thể anh nên đi về hướng này này...

Hỏi đường ở Châu Phi là như thế đó. Không hàng quán, không đường xá, không biển báo... Đi theo linh tính, theo cảm giác đôi khi lại tốt hơn.

33294659516_e4d7c98373_c.jpg


Vài tiếng đồng hồ sau, tôi đứng trước hai lựa chọn. Một là leo lên ngọn đồi trước mắt trên con đường "lãng mạn" này với đống hành lý hai mươi kilogram, yên xe thì chống chân không tới, chẳng may lạc đường thì không biết làm thế nào để quay đầu chiếc xe nặng 220kg này trên núi đây? Và lựa chọn thứ hai là... ngủ ngoài đường. Ở Châu Âu và Mỹ, đôi khi ta chỉ cần tìm một chỗ vắng vẻ khuất bóng xe cộ, xếp chiếc lều ra là có thể ngủ qua đêm một bữa. Mặc dù ngủ ngoài đường nhiều lần như vậy mang lại trải nghiệm khá thú vị, nhưng ở Châu Phi ngay cả ý nghĩ cắm trại ngoài đường tốt nhất cũng không nên nghĩ đến. Bất trắc không đến từ các con thú hoang như linh cẩu vốn rất nhiều ở vùng đồng cỏ này mà từ động vật còn nguy hiểm hơn gấp bội: Con người.

Thôi, cứ lựa chọn thứ nhất mà đi! Hy vọng phía cuối con đường này có người ở... :mrgreen:

32952743330_442ff0e316_c.jpg


Vốn đam mê dòng xe địa hình như BMW R1200GS, Tiger Trump... Vốn ngưỡng mộ hình ảnh quảng cáo moto trong đó những anh chàng lái xe chuyên nghiệp tung mình lên không trung giữa đồi cát sa mạc hay đường đất sỏi đá... Thật lòng mà nói: Giữa hình ảnh thực tế và hình ảnh quảng cáo khác nhau một trời một vực! Nếu không có thêm 20kg hành lý phía sau, nếu bạn có chiều cao trên 178cm, nếu bạn có đồng đội hỗ trợ phía sau, nếu... thì việc lái chiếc Kawasaki KLR 650 trên con đường này sẽ không giống cảm giác như đang chơi trò đu dây! ;)

"Rầm". Người và xe nằm xoài cạnh một khúc cua dốc ngược đầy sỏi đá. Lồm cồm bò dậy... Khu cắm trại nằm ở đâu? Làm sao để dựng xe lên? Làm sao để quay lại? Trong khi tôi còn đang ngẩn người ra không biết làm sao thì đúng lúc đó từ đỉnh dốc có một anh chàng da đen bước xuống. Chàng ta không khác gì một vị thần hộ mệnh cho một sinh linh đang... hấp hối.
- Này anh ơi. Cho hỏi đường tới khu cắm trại Bobong?
- Ồ, anh gần tới rồi. Nó ở ngay trên đỉnh đồi thôi. Để tôi giúp anh khiêng bớt hành lý nhé.
Amen... A-di-đà-phật... Cuối cùng cũng tới khu cắm trại !

32492659534_e2ecd4beb1_c.jpg


Hạ trại...

33207469871_984b8da09b_c.jpg


... Để phát hiện thấy con bulong liên kết nhông trước của xe vào động cơ gần như rớt ra ngoài. Nó lỏng lẻo đến mức có thể lấy tay mà vặn một cách dễ dàng, và chỉ thiếu một chút xíu nữa thôi là rớt mất tích. Con bulong này nếu rớt ra ngoài thì hậu quả rất.. nhẹ nhàng: Nhông sẽ rớt ra ngoài, đi kèm với đó là xích cũng rớt và cuộc hành trình sẽ... nhẹ nhàng chấm dứt. hihi.

32952771740_a0f6ba57f6_c.jpg


Cụm phanh xe sau thì nói lời tạm biệt với chủ nhân từ đời nào rồi...

33180129452_68bba21b34_c.jpg
 
Khu cắm trại nằm trên ngọn đồi vắng vẻ đến... nao lòng. Không một bóng khách du lịch! Đường xích đạo (Equator) thật ra cắt ngăng qua khu vực cách đây không xa nên nắng rất gắt. Để tránh nóng thì chỉ còn cắm trại ngay phía dưới "Túp lều của bác Tom" này, chỉ lăn tăn mỗi một điều là nền đá trong lều gập ghềnh khiến cho việc nằm ngủ trên nền không dễ chịu gì cho lắm. Nhưng ngủ trên nền đá dù sao còn tốt hơn là phơi ngoài khu vực không có một bóng râm nào.

33185526862_75f23fef65_c.jpg


Niềm vui nho nhỏ...

32498032164_076bb332e7_c.jpg
 
Những buổi tối đốt lửa ngồi quanh đống lửa trại giữa một nơi hoang vu gần như là một mình, xung quanh là bầu không khí vắng lặng đã đem lại cho tôi những phút giây thư giãn quý giá không dễ gì có được. Cuộc sống là quá trình động, tâm trí luôn động, hiếm khi chúng ta có thời gian ngồi một mình, đối diện với mình để nghiền ngẫm trong yên lặng như vậy. Tâm trí quay cuồng thật ra cần khoảng thời gian đủ dài để "nguội" dần dần, để giảm tốc độ. Gần mười ngày kể từ khi lên đường tôi đã từ bỏ tối đa tất cả những thói quen, những thú vui, những phần mềm ứng dụng kết nối, và cả laptop... Không Facebook, không nhắn tin, không Whatapps, không viết Nhật ký hành trình online, không quan tâm tới bình luận của những người khác, chỉ duy trì trong điện thoại một vài số liên lạc tối thiểu.

Đạo (Tao) khuyến khích sống trọn vẹn. Nếu tâm trí ta ở thì Hiện tại - Bây giờ (Here - Now) thì có thể ta đã không bỏ lỡ nhiều thứ và sống trọn vẹn hơn? Nếu tâm trí ta không quá bận rộn với các phương tiện hiện đại thì có thể ta đã có thêm thời gian để tìm hiểu thêm về cuộc sống xung quanh đang diễn ra tại đây, ngay bây giờ?

John là tên của người chồng - Amanda là tên của người vợ - là đôi vợ chồng làm chủ khu cắm trại trên ngọn đồi cao có tầm nhìn hướng ra đồng cỏ này. Căn nhà của họ xây biệt lập với hàng rào cao ngăn cách với khu cắm trại, trên đường đi bộ vào bạn có thể bị lạc và đối diện với một bầy chó Rottweiler, Becgie... to khủng khiếp. Đôi vợ chồng da trắng đã già lắm rồi - tầm gần 70 tuổi - sống cùng với bầy chó rất thân thiện, và nhiều người làm da đen. Tại sao lại có người da trắng ở giữa đất nước Kenya này? Dáng dấp Châu Âu của họ gợi mở cho tôi một số đáp án liên quan tới lịch sử: Kenya từng là thuộc địa Anh.

Sau khi đã an tọa trên một cái bàn tiếp khách bằng gỗ dài bị chiếm dụng bởi hàng trăm thứ hầm bà lằng và một ... con mèo mun đen, tôi hỏi:
- Này Ông John. Xin hỏi Ông quốc tịch là người nước nào vậy?
John đáp:
- Tôi là người Kenya. Vợ tôi cũng là người Kenya. Chúng ta sinh ra và lớn lên tại Nairobi.
Tôi nói:
- Ồ, quả là điều thú vị. Xin hỏi nguồn gốc của ông bà là từ Châu Âu có phải không?
John trả lời:
- Đúng thế! Quê hương ông bà của chúng tôi ở Scotland.
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì bà Amanda có khuôn mặt và dáng người phúc hậu bước ra với một cái bình trà trên tay, hỏi:
- Dong. Cậu có muốn uống chút gì đó không? Trà nhé?
Tôi đáp:
- Vâng! Làm ơn cho tôi một ly trà nóng.
Một lát sau bà Amanda mang tới một phích trà. Tôi uống hết một ly trà cỡ lớn bằng ly trà đá Việt Nam. Rồi lại xin thêm ly nữa... Rồi lại xin thêm ly nữa... Cái thứ sữa pha vào trà này ngon ngọt đến lạ! Càng uống thì cổ họng khô rát và đôi môi nứt nẻ vì thời tiết càng cảm thấy dễ chịu thêm.
Bà Amanda nói:
- Bụi đấy!
- Cái gì cơ? Tôi hỏi.
- Bụi đấy! Cổ họng cậu đang bị ho là do bụi đấy. Hãy uống thêm ly trà sữa lạc đà và ăn bánh bích quy nhé!
"Ồ, té ra nãy giờ thứ sữa ngon ngọt kia là sữa lạc đà". Một hộp bánh bích quy được mang ra và dĩ nhiên tôi chẳng khách sáo làm gì... "Trên đường đi đúng là có rất nhiều bụi. Thứ bụi đường li ti này hít vào cũng rất dễ gây ra ho". Tôi nghĩ.

33212956051_0a902369a2_c.jpg


33185552032_cb407ce3ba_c.jpg


Vừa nhâm nhi tách trà và bánh quy vừa phóng tầm mắt ra xung quanh, tôi nói:
- Ông John, ông đúng là chọn nơi thật lý tưởng để dưỡng già nghỉ ngơi đấy. Nơi này yên tĩnh quá! Đến sóng điện thoại còn chập chờn... Quá tách biệt với thế giới ồn ào ở Nairobi. Tôi rất thích nơi này.
Ông John người gầy gò nhưng săn chắc bật cười... "Sóng điện thoại à? Có thể cạnh ghế salon này thì có, sang đến cái lò sưởi bên kia thì mất đấy!".

Tôi xin ông John một bình nước lọc để uống, ở đây không có phục vụ thức ăn (nghĩa là khách phải tự lo khâu ăn uống), nên tôi xin phép ra về trước khi trời tối để tắm rửa và nấu nướng. Nhà tắm và bồn rửa mặt ở đây đúng theo tiêu chuẩn... Châu Phi! Phải múc nước từ một cái vòi gần đó vào một cái lốp xe cũ, nước ở đây là nước suối ở dưới thung lũng, lốp xe cũ đựng được khoảng một xô nước nhỏ, như vậy cũng là quá đủ... ;)

Bồn rửa chén bát được "trưng dụng" làm bồn giặt quần áo:
33233171122_723693b3a5_c.jpg


Nhà tắm! Các đường ống nước chỉ có mục đích minh họa là chính... hihi. Toalet thì thôi khỏi nói, ngồi lên là vui hết biết... Dĩ nhiên là thôi khỏi cần giới thiệu toalet lên đây làm gì! Hờ hờ, đúng chất Châu Phi! :mrgreen:
32546082614_7e9cf41162_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,189
Bài viết
1,150,440
Members
189,948
Latest member
mass
Back
Top