What's new

[Tổng hợp] Nét ẩm thực Tây Bắc ngày Tết

cielph

Phượt tử
(Người Chăn Nuôi) - Các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta không chỉ có phong cảnh đẹp, nền nông nghiệp trù phú mà còn sở hữu rất nhiều món ngon đậm chất núi rừng hiếm nơi nào có được. Với đồng bào vùng cao, các món ăn truyền thống trong dịp Tết được chế biến khá cầu kỳ, tẩm ướp các loại gia vị tự nhiên đem lại hương vị riêng biệt, dù thử một lần cũng khó có thể quên.

Thịt trâu gác bếp

Để ăn mừng năm mới, đồng bào miền núi thường giết thịt nguyên một con trâu, bò hay lợn. Các phần thịt tươi sẽ được chế biến thành nhiều món khác nhau, riêng phần thịt đùi và thịt thăn được tẩm ướp gia vị và treo lên giàn bếp cho khô lại thành món thịt gác bếp. Đây cũng là món ăn nổi tiếng của người Thái đen trong dịp năm mới.

Cơm lam

Cơm lam là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của cư dân miền núi, nhất là miền Tây Bắc nước ta. Món ăn làm từ gạo nếp hoặc gạo tẻ được ngâm kỹ và nấu trong ống nứa bằng cách nướng trực tiếp trên bếp than. Cơm khi chín rất thơm, dẻo và ngọt do có thấm nước của ống nứa tiết ra.

Cá suối nướng pa pỉnh tộp

Là món cá nướng trứ danh độc đáo của người Thái thường được dùng trong các lễ hội hoặc ngày Tết. Những con cá suối thịt chắc, thơm ngon tẩm ướp các gia vị đặc biệt như quả mắc khén, gừng, tỏi, rau thơm và được nướng trên than củi hồng. Khi gần chín, mỡ cá rỏ xuống củi, nổ lách tách, mỡ cá béo ngậy quyện với mùi gia vị thơm nức mũi.
Thịt cá nướng xong khô chắc, gỡ từng miếng thịt cho vào miệng sẽ cảm nhận được mùi thơm của đủ vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt của các loại gia vị. Khi ăn món pa pỉnh tộp, người dân ở đây thường ăn cùng với xôi nếp, xôi dẻo, chẩm chéo và nhâm nhi chút rượu ngô.

Bánh chưng đen

Đây là món khá đặc biệt của người Tày và chỉ được làm trong dịp Tết. Bánh được làm từ những nguyên liệu được chọn lọc khá kỹ lưỡng như lá dong rừng, nếp nương ngâm lá cây núc nác, thịt lợn rừng. Bánh được gói thành hình trụ hoặc hình gấp như bánh tẻ.


Bánh sừng trâu
Bánh sừng trâu còn được gọi là bánh cuốc, được làm tương tự như bánh tẻ nhưng không có nhân đỗ xanh và được gói bằng lá đót. Đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Cơ Tu và đồng bào miền núi Tây Bắc. Tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình mà các bà nội trợ có thể gói loại bánh này thành các nhân mặn, nhạt, ngọt.

Gà nướng lá mắc mật
Lá mắc mật là nguyên liệu không thể thiếu tạo nên hương vị độc đáo cho các món ăn của đồng bào miền núi. Vị ngọt đậm đà của thịt gà cùng mùi vị riêng của lá mắc mật làm cho món ăn có hương vị riêng, rất đặc biệt. Món ăn thú vị này thường được dân tộc Nùng Phàn Sìn chế biến trong dịp Tết, tương tự như gà luộc của đồng bào miền xuôi.


Xôi ngũ sắc
Đối với người Tày ở Sa Pa hay đồng bào người Thái tại Yên Bái, xôi ngũ sắc là một trong những món độc đáo và khá cầu kỳ dịp lễ Tết. Món ăn nhìn rất đẹp mắt với 5 màu sắc khác nhau, cần dùng đến nhiều nguyên liệu tự nhiên. Màu đỏ được lấy từ cây cơm xôi đỏ hoặc từ quả gấc, màu xanh từ cây lá nếp hay cây cơm xôi xanh, màu vàng từ nghệ, màu tím được làm từ gạo nếp cẩm và màu đen được lấy từ lá cây gùn đem ngâm cùng gạo. Miếng xôi dẻo quánh, có vị béo ngậy của gạo nếp và ăn rất ngon.

Rượu ngô, rượu cần
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến rượu ngô, rượu cần - một trong những đồ uống truyền thống và là một đặc sản của đồng bào Mông, Dao trong các dịp lễ Tết. Hương vị thơm ngon, say nồng của rượu được nấu từ các nguyên liệu tự nhiên đem lại hương thơm ấm áp và nồng nàn khó có thể quên.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top