What's new
1. Suối Giàng sau cơn mưa :)

3 floors by westonion, on Flickr

Hành trình lên với mảnh đất Suối Giàng bắt đầu vào một ngày tháng bảy. Chúng tôi dừng chân tại thị trấn Văn Chấn, trời mưa nặng hạt, ngồi gặm nhấm mẩu bánh mì con con ngắm nhìn cảnh vật vùng cao. Cũng như mọi thị trấn khác với một con đường chính nhà cửa nho nhỏ san sát, hàng quán đủ loại, sửa xe, tạp hóa, đồ điện tử…

Từ thị trấn men theo những sườn núi hơn chục cây số là tới Suối Giàng. Bên đường nhìn xuống là nương ngô xanh tươi trải dài trên vách núi. Nhìn lên cao là cây cối um tùm và đồi chè đang đến mùa thu hoạch xen lẫn những chòm hoa tim tím li ti. Thỉnh thoảng lại bắt gặp vài ba cô gái Mông lầm lũi khoác gùi đung đưa, vừa đi vừa tâm tình điều gì đó. Qua hết bản Cang Kỷ nhà cửa lưa thưa là tới Pang Cáng, trung tâm của Suối Giàng, ủy ban xã nằm bên con đường trên núi cao. Chúng tôi đã đến được trường phổ thông dân tộc Suối Giàng, một ngôi trường nhỏ với ba lớp học và hai phòng cho học sinh ăn ở bán trú.

Mây và núi by westonion, on Flickr

Cơn mưa vừa dứt làm bầu không khí miền cao càng thêm trong lành và cũng hơi lấm tấm chút buồn của những hạt mưa trên cành lá. Tôi hít một hơi thật sâu để không gian ấy tràn đầy lồng ngực, để quên đi hết mệt mỏi sau hành trình dài, để tận hưởng một món quà dịu dàng đầu tiên mà vùng đất này đem lại, Suối Giàng sau cơn mưa…
 
2. Mỳ tôm trẻ em và những kỷ niệm xưa cũ

Suoi Giang reup by westonion, on Flickr

Chúng tôi được sắp xếp ở trong khu bán trú của học sinh, giờ là mùa hè nên trẻ con đều về nhà theo cha mẹ đi làm nương rẫy. Đồ đạc của tôi cũng chẳng có gì nhiều nên tôi cất gọn nhanh chóng và tranh thủ những khoảng thời gian đầu tiên để khám phá nơi đây. Quanh trường học chỉ có người Kinh sinh sống bằng việc bán các đồ tạp hóa. Những cửa hàng này lại gợi cho một người dưới xuôi như tôi rất nhiều kỷ niệm.

Quê ngoại tôi xưa nhà ngói san sát, cũng cảnh cây đa, bến nước, sân đình như mọi làng quê khác. Nhưng nhớ nhất là quán hàng của bà họ tôi, một gian nhỏ bằng gỗ với ô cửa rất to ngay mặt đường, ngày ngày các mẹ, các chị xách làn qua mua mấy món đồ đơn sơ như cân muối, cân đường, cục xà bông, gói bột giặt… mà là các loại nghe tên rất Việt Nam như vì dân, mỹ hảo. Bà tôi ngồi ở cái võng kiểu bộ đội Trường Sơn vừa xem thể thao trên cái tivi đen trắng vừa bán hàng. Giờ đây nhà cao tầng mọc lên xâm lấn dần không gian làng quê, cửa hàng tạp hóa cũng khang trang sáng sủa, thậm chí thành siêu thị mini tha hồ lựa chọn, nhưng đôi khi lại thèm những thức quà thôn quê thuở nào, đúng là bao giờ cho đến ngày xưa…

Rồi cái thời tôi bắt đầu đi học tiểu học, mê nhất hai trò bắn bi và đập ảnh. Chơi bi mọi chỗ, sân trường, cổng trường, phía sau trường, có những hôm chơi thắng bi đầy túi, lần khác thì lại thua mất sạch chỉ còn viên bi cái sứt mẻ làm vốn. Giờ đâu đâu cũng bê tông hóa chắc gì trẻ em đã còn chỗ chơi bi, rồi những ngôn ngữ của môn “thể thao” này biết đâu một ngày sẽ chím vào quên lãng, những thủ, si, kị, tướt, kị đè… Trò đập ảnh cũng vui, ảnh to, ảnh nhỏ, ảnh bài magic, ảnh pokemon. Hàng ngày ở trường phát cho một gói bim bim tôi lại ra ngoài đổi lấy bộ ảnh mười chiếc, đúng là trẻ con vô tư đến lạ. Chán đập ảnh lại chuyển sang gẩy ảnh, lia ảnh. Có lẽ một ngày nào đó phải viết bài về những thú chơi của trẻ em đầu thế kỷ hai mốt cũng nên. À nhắc đến thú chơi lại phải nói về thú ăn, ẩm thực của lũ trẻ chúng tôi là kẹo bột một trăm đồng, mì hai tôm rắc muối bóp nghiền ra ăn sống, kem bông, kem ba trăm đồng. Bố mẹ bảo không được ăn cái loại kem đó, còn dọa người ta làm từ nước cống, nhưng kệ, vẫn thấy ngon, ăn bẩn sống lâu mà.

Suoi Giang reup by westonion, on Flickr

Ôi thật nhớ những kỷ niệm thời xa xưa, nhất là khi tự dưng bắt gặp món mì tôm trẻ em giữa vùng cao này. Một ngàn mua được hai gói ăn xả láng, cái vị ngòn ngọt, giòn giòn đến là mê. Và còn nhiều thức quà khác nữa làm sống lại một miền ký ức tuổi thơ tươi đẹp, trước mặt tôi đây, quán hàng nhỏ bằng gỗ với ô cửa rất là to…

Suoi Giang reup by westonion, on Flickr
 
3. Thảo nguyên tình yêu

Mom & Son by westonion, on Flickr

Lên Suối Giàng như được bắt gặp quá khứ không xa đan xen giữa rừng núi bao la. Lại vài người phụ nữ Mông lặng lẽ đi bên đường, tôi thấy kỳ lạ khi ở đây chỉ thấy cảnh lao động của phụ nữ, thỉnh thoảng mới có đàn ông phóng chiếc xe simson huyền thoại một thời lao vút qua, chẳng biết họ đi đâu nữa. Tôi rủ thêm vài người bạn đi sâu vào trong bản Pang Cáng, nhà của người Mông rất đặc biệt, họ không ở nhà sàn mà làm nhà sát mặt đất, mái ngói giống như những chiếc mo cau xếp chồng lên nhau. Bỗng một chàng thanh niên phóng xe máy dừng lại bắt chuyện với chúng tôi:

– Mấy cậu ở dưới xuôi mới lên à, hôm nào đến giúp mình lợp lại cái ngói nhé!
Chàng trai Mông này thật hồn nhiên và dễ mến. Cậu ấy giới thiệu là đoàn viên trong xã. Rồi cậu chỉ cho chúng tôi một nơi rất thú vị, thảo nguyên tình yêu.

Đó là một nương lúa ở tít trên đỉnh núi cao, đang vào thời xanh mơn mởn, từ dưới trông lên giống như một cánh đồng cỏ lãng mạn trong những bộ phim nước ngoài. Nằm giữa nương lúa lác đác những gốc chè cổ thụ, biểu tượng của Suối Giàng, trông như nét chấm phá trên bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu.

Suối Giàng 22 by westonion, on Flickr

Mấy bé trai, bé gái đang tung tăng vui đùa ở bãi đất gần đó, đứa thì ủi đất, đứa thì vật nhau, đứa thì ngồi đốt củi dưới hai gốc chè thấp thấp xòe tán như ngôi nhà. Bọn trẻ nói chuyện với nhau đều bằng tiếng Mông, nhiều dân tộc ở Việt Nam đang mất dần đi thứ tiếng mẹ đẻ của mình, mặc dù không hiểu mấy đứa nói gì nhưng tôi cảm thấy rất trân trọng điều đó. Ban đầu tôi tưởng bọn trẻ không biết nói tiếng Kinh nhưng sau mới biết trẻ con ở đây đều là học sinh của trường bán trú Suối Giàng, đôi lúc trong cuộc trò chuyện chúng lá đá đưa vào ít tiếng Kinh nghe thật vui tai. Ở trên này thì chỉ có hai họ chủ yếu là họ Vàng và họ Giàng, cứ khác họ là trai gái lấy nhau, cùng họ thì không lấy nhau dù cho có nhiều trường hợp khác họ nhưng lại cận huyết kiểu con cô con chú. Những đứa trẻ được sinh ra thì đặt tên nghe đã hiểu là người dân tộc như Vàng A Xu, Giàng A Xàng. Nhưng từ ngày người Kinh bắt đầu đem con chữ lên đây hơn hai chục năm về trước thì tên của các thầy cô giáo bắt đầu được sử dụng, và những đứa bé Mông tên Phương, Vân, Dương… ra đời. Dù gì thì người Mông cũng là dân tộc giữ được nhiều nét bản sắc, các bé gái từ nhỏ đã biết tự thêu thùa váy áo cho mình, những chiếc váy xúng xính đồng xu như chiếc bùa hộ mệnh cho đến khi lập gia đình.

Suối Giàng 3 by westonion, on Flickr

Chia tay chàng trai dân tộc với lời hứa ngày mai sẽ đến giúp lợp cái mái nhà và cảm ơn cậu ấy đã dẫn chúng tôi tới thảo nguyên tình yêu tuyệt vời này. Một đồng lúa xanh mượt trải dài trên đỉnh núi, lác đác vài người cầm liềm long khom. Kể ra cũng thật thú vị khi cánh đồng lại mang cái tên đầy lãng mạn như thế. Đứng giữa thảo nguyên tình yêu, văng vẳng đâu đó tiếng lọc cọc từ những đàn trâu, đàn dê, nhìn xuống là cả không gian bao la của núi rừng, mấy ngôi nhà nhỏ, khói chiều lửng lơ bay, mặt trời đỏ rực chìm dần. Tự dưng muốn nói một câu tiếng Mông mới học được, “Kuv hlub koj” – Anh yêu em!

Chiều Tây Bắc by westonion, on Flickr
 
4. Những người con lưu lạc

B&W 3 by westonion, on Flickr

Lại nói về cái quán nhỏ bán mì tôm trẻ em. Đó là cửa hàng của hai vợ chồng đã ngoài năm mươi. Hàng sáng bác trai dậy từ bốn giờ đi xuống chợ Cửa Nhì cách hơn chục cây ở dưới chân núi để lấy hàng: cá, thịt, rau, quả, đồ tạp hóa… Trung tâm xã có vài ba cửa hàng như thế này, họ đều là người Kinh lên đây làm ăn, đủ mọi nghề, từ buôn chè, buôn gỗ đến buôn bán mấy món giải khát lèo tèo.

Cả hai vợ chồng bác bán hàng đều gốc gác từ dưới xuôi. Nghe đồn bác trai đã từng có vợ và ba cô con gái ở Nam Định, sau đó lưu lạc lên đây rồi gặp bác gái, họ có thêm với nhau hai cậu con trai. Bác gái thì quê Thái Bình, theo cha mẹ lên Yên Bái làm công nhân chè và đường đời thế nào lại trôi dạt lên tận Suối Giàng hẻo lánh này. Có thể cái quá khứ lưu lạc đó đã ngấm cả vào những người con của họ. Anh con trai cả làm xây dựng ở Lai Châu đã hai năm rồi chưa về thăm bố mẹ, cậu con thứ cũng đi rừng chở gỗ chẳng mấy khi có nhà. Số phận của họ giống như những cánh chim đơn độc, buồn tẻ rồi chìm đắm vào trong đêm tối lạnh lẽo của núi rừng, không biết đâu nguồn cội…

Woodman's smile by westonion, on Flickr

Từ lúc ở trong trường phổ thông bán trú, tôi để ý thầy ký túc xá ngoài khu dành cho các em học sinh thì còn có một dãy nhà cho giáo viên, nhưng thường thầy cô chỉ nghỉ trưa ở đó, tối họ đều về dưới núi, Cửa Nhì hoặc Nghĩa Lộ. Duy có hai người vẫn ở lại đây, một anh chàng cán bộ xã hiền lành nhưng ít giao tiếp chỉ luẩn quẩn trong nhà, và chị phụ trách y tế của trường tên Hoan. Thật ra thì chức vụ này cũng không quá quan trọng ở nhiều trường học, nhưng riêng với trẻ em miền núi thì chuyện ngã trầy xước, thậm chí gãy chân, gãy tay là bình thường, mà việc tới bệnh viên hay trạm xá không phải dễ dàng chính vì thế công việc của chị Hoan ở đây cũng khá bận rộn. Chị là người Tày ở mạn gần Tuyên Quang, lên trên Suối Giàng này nhưng lúc nào chị cũng mong ước vài năm nữa sẽ được về quê làm để gần bố mẹ, vì thế mà nhiều khi chị bị mấy thầy cô già gọi là đồ trẻ con. Ừ thì những con người lưu lạc lên mảnh đất này, có người vì mưu sinh, lại có người vì muốn trốn tránh khỏi cuộc sống và không phải ai cũng trụ lại đây mãi, ở Suối Giàng càng lâu mới càng thấm được nỗi buồn tha hương giữa chốn hoang sơ, dù có sống hàng chục năm tại đây thì vẫn sẽ thấy trong họ cái buồn lẩn khuất, huống chi là cô gái còn rất trẻ kia.

Cô hiệu phó của trường cũng là một người Kinh ở dưới xuôi lên đây lập nghiệp được hơn hai chục năm. Nhà cô ngay cạnh trường, cơ ngơi khá giả bằng việc bán đặc sản chè Suối Giàng. Bề ngoài trông cô gầy quắt nhưng cô rất nhanh lẹ và vui vẻ, cô nói tiếng Mông đại tài. Chồng cô thì xuề xòa hơn nhưng cũng là một người hài hước. Với tụi trẻ chúng tôi cô chú rất tâm lý, hay trò chuyện lo cho từ chuyện ăn đến ở, thậm chí chỗ vệ sinh. Cô chú có cái tư duy làm ăn nhạy bén của người Kinh nên phát triển được giữa vùng dân tộc Mông này, nhưng tôi vẫn cảm nhận đâu đó nỗi buồn lưu lạc tha hương. Cô có cả nhà ở dưới Cửa Nhì, mấy đứa con cô chỉ ở đó chứ không dám lên ở Suối Giàng vì quá buồn.

Chúng tôi thích ngồi nghe những người trên này ngồi nói chuyện tập tục của dân tộc Mông, từ cỗ bàn, lễ hội, cưới xin đến ma chay. Nhiều khi cũng thấy huyền bí và hơi rờn rợn. Lúc kể về việc chôn cất, bất chợt một người nói giọng hơi lắng xuống:

– Chưa có người Kinh nào chết ở trên này cả!

Rồi người đó nhìn về phía xa xa, mắt đỏ lại…
 
5. Đem chữ về bản và tình người dân tộc

Ở Suối Giàng nơi nào đẹp nhất? Mọi người đều nói là bản Tập Lăng. Thế rồi chúng tôi quyết định đi bộ men theo những sườn núi để tới đó. Hình như người dân nơi đây không có thói quen tính quãng đường theo cây số, họ chỉ biết xa và gần thôi, riêng với Tập Lăng là xa lắm.

B&W 2 by westonion, on Flickr

Trời bắt đầu hơi âm u, có lẽ bản Tập Lăng đang nằm ở phía tít tắp sương mù trước mặt, càng đi thì càng thấy những con đường uốn lượn mãi. Hai bên thỉnh thoảng lại bắt gặp vài thác nước ào ào chảy bên những gốc chè cổ thụ sần sùi và những cây quế thẳng tắp phảng phất hương thơm. Mấy anh chàng đi máy cà tàng chở vỏ quế đi ngang qua, khi tôi hỏi mua thì họ rất hào phóng tặng cả một miếng lớn bằng bàn tay. Vị quế tươi cay nồng càng làm tăng hào hứng cho chuyến bộ hành đến Tập Lăng. Nhưng rồi buổi chiều đã trôi qua quá nhanh và cuối cùng thì chúng tôi đã phải bỏ cuộc…

– Bọn em đi đến tận chỗ có cái cây to đổ đấy!

Tôi về kể lại với mấy thầy giáo của trường.

– Ồ chỗ đó thì mới được nửa đường thôi!

Ôi trời, hóa ra quãng đường đi bộ gần hai tiếng đồng hồ của chúng tôi vẫn chẳng nhằm nhò gì. Nhưng các thầy cũng thật tâm lý khi sắp xếp ngày hôm sau sẽ chở chúng tôi tới Tập Lăng bằng xe máy, và cũng nhờ đó mà tôi có dịp hiểu hơn về nghĩa tình của nhân dân vùng cao với những người có công đem chữ về bản!

Suối Giàng 16 by westonion, on Flickr

Đi cùng chúng tôi là thầy Dương, thầy Thụ và thầy Chiến. Thầy Thụ là người Mông chính gốc, được các giáo viên trong trường gọi vui là chuyên gia song ngữ. Thầy Chiến với thầy Dương thì sống ở thị xã Nghĩa Lộ, hằng ngày tới trường cả đi cả về cũng ngót bốn chục cây số đường núi. Mấy thầy cũng đã gắn bó với mảnh đất Suối Giàng gần ba mươi năm nay rồi, từ cái ngày còn chưa có đường, vừa đi lại vừa phải chặt những bụi cây um tùm để mở lối.

Quả thực đường đi Tập Lăng còn ngoằn ngoèo, xa xôi hơn những gì tôi tưởng tượng rất nhiều, đường đi nhiều khi chỉ vừa bánh xe!Nhưng tới được đây thì thật thỏa mãn với khung cảnh núi đồi xanh tươi bất tận. Xã Suối Giàng có hai điểm trường Tập Lăng và Cang Kỷ, các em nhỏ tại mỗi bản này sẽ học ở đây cho tới hết năm lớp ba thì mới lên trung tâm xã để học tiếp trường phổ thông bán trú. Điểm trường Tập Lăng năm học này chỉ có khoảng hơn mười em, trông khuôn mặt mấy cô cậu bé thật ngây dại nhưng tới lúc học bài lại rất chăm chú, tỉ mỉ. Người phụ trách lớp là thầy Ngọc, ở đây thầy kiêm luôn tất cả các chức vụ từ bảo vệ trông coi trường cho tới quản lý như một vị hiệu trưởng, vì cả trường chỉ có hai giáo viên! Ngày trước chính thầy Thụ với thầy Dương cũng từng cùng nhau dạy ở điểm trường Tập Lăng này. Thời ấy hai thầy làm dân vận cùng giỏi nên cái bản xa lắc xa lơ này trẻ em nào cũng được đến trường dù điều kiện đi học của các em gặp rất nhiều khó khăn. Thầy Dương kể người dân quý các anh lắm, có lần nửa đêm còn bị gọi dậy vì trong bản có người bắt được con rắn to nên làm thịt rượu mời mấy thầy. Rồi hằng ngày giáo viên cũng hòa mình vào cuộc sống bản làng, cùng làm nương rẫy, đi suối bắt cá, bắt cua. Quay lại Tập Lăng lúc nào đối với thầy Dương hay thầy Thụ cũng như về với quê hương, ai cũng coi họ như là anh em, con cháu trong nhà. Bác trưởng bản Tập Lăng năm nay có con trai thi đỗ trường Học viện Chính trị, vui lắm đấy, nhà bác mới nấu mẻ rượu sắn rất thơm liền đem ra đãi các thầy và chúng tôi rồi khoe ngay.

– Nó là thằng đầu tiên ở Tập Lăng này đỗ đại học đấy! Trước cũng là công mấy anh dạy cho nó!

Có thể đối với miền xuôi việc vào đại học chỉ là điều bình thường nhưng với đồng bào miền núi đó là niềm hạnh phúc thật to lớn và cũng là thành quả tuyệt vời nhất dâng tặng cho những người giáo viên đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp mang chữ đến bao vùng xa xôi, khó khăn của đất nước.

Suối Giàng 17 by westonion, on Flickr

Chia tay Tập Lăng, trong tôi vẫn còn văng vẳng đâu đó tiếng khèn, tiếng lục lặc. Chợt nghĩ đến một thời các thầy đã từng ở nơi đây, giữa thiên nhiên núi rừng, sống những ngày đầy tình người và say mê tuổi trẻ…
 
Ảnh đẹp quá, nhưng chủ thớt nên đưa những hình ảnh rác ngập các ngọn đồi do nhiều người cuối tuần lên cắm trại, BBQ rồi xả rác bừa bãi trên các đồi chè. Chẳng mấy chốc Suối Giàng sẽ thành bãi rác khổng lồ
 
Thực ra mình đã đi cách đây khá lâu giờ mới post lên phượt. Cũng đã hơn 2 năm mình chưa quay trở lại. Hồi mình ở đấy gần như không có ai lên đó du lịch. Có lẽ do Mù Cang Chải nổi lên mấy năm nay nên mọi người ghé Suối Giàng nhiều hơn và cũng có nguy cơ phá hỏng nơi này :(
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top