What's new

Mật mã Tây Giang: Hành trình đi tìm Bùa yêu

Chúng tôi là một bọn người Kinh, chưa vợ chưa chồng, đầu đôi thứ tóc, tuổi ngấp nghé ba mươi.
Như bao bọn người kinh ế ẩm khác, chúng tôi mơ mộng về những cuộc tình, kiểu tình yêu sét đánh, chí ít cũng như Chí Phèo - Thị Nở hay vợ chồng A Phủ. Nhưng tình nơi đâu mà sao chẳng đến???

Một ngày đầu hè, mặc kệ gió mùa về, mặc kệ bão số 1 đang biến hóa khôn lường trên biển, chúng tôi đọn đồ, quấn khăn rằn, áo mũ, bắt xe khách rẻ tiền, đi Tây Giang. Tôi mơ mộng, rộn ràng. Lũ người Kinh bạn tôi chắc cũng thế

Nơi ấy chả có gì, nhưng người với người vẫn yêu nhau nhờ bùa ngải. Đó chỉ là một truyền thuyết, hay là một sự thực hiện hữu trên dãy Trường Sơn.
Thôi thì đi mới tỏ.

Ngày bé, tôi níu áo ngoại rồi hỏi: Sao người làng mình cứ đi về phía Đông?
Bà tôi cười hiền từ: Vì người Việt vốn là dân đi Biển, đàn ông đi ra biển đánh cá, họ đi về phía Đông để kiếm cái ăn, còn phụ nữ, họ yêu thương đàn ông, nên đi về phía biển để chờ đợi.
Lớn lên, tôi không đi về phía Đông như bao người phụ nữ khác, lại cứ ngược lên phía Tây. Tôi không muốn chờ đợi người đàn ông của tôi, nên tôi nên núi tìm chàng. Hay chăng đó là lời bao biện, cho việc mê những con đường thuộc về phía Tây tổ quốc...

Bạn tôi hớn hở bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng chờ đợi. Kẻ thì bay từ Sài Gòn về Hà Nội để lên xe khách, đi cùng đoàn.
Ngày chúng tôi đi, gió sông Hồng thổi phần phật, có ngờ đâu rằng, hành trình đi tìm bùa yêu khó khăn mới chỉ bắt đầu.
18h30, tôi uống thuốc ngủ, co ro nằm trên chiếc giường bé tý tẹo của một chiếc xe chở toàn hàng là hàng. Những kẻ to xác, chắc vì mải nghĩ đến hạnh phúc bùa yêu, mà cắn răng chịu đựng đi ngủ. Đoàn người Kinh bỏ lại thủ đô mưa giông...
 
Trong 5 đêm đằng đẵng, thì có tới mấy đêm kinh hoàng. Có vẻ trời thử người quá thể, yêu phải chăng là một cái tội.
Đáng lẽ tôi đã đi Tây Bắc như kế hoạch ban đầu, nếu không có buổi tối cà phê Cây Bàng Đổ, và bạn tôi dám từ chối lên đường. Nhưng chẳng ai lại từ chối một cung đường, đầy bí ẩn như thế. Chỉ riêng những cái tên: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang đã là một lời mời mọc rồi.
Chuyến xe HN - ĐN chứa chấp chúng tôi hôm ấy bị công an giữ ở Quảng Trị vật vã mấy tiếng, báo hiệu cho những ngày không thuận buồm xuôi gió sắp tới. Vẫn bài cũ, tôi rút điện thoại ra ... báo ốm. Nào thì cố nghĩ đến bùa yêu. Biết đâu, sau chuyến đi này, tôi lại đánh được xe bùa về thủ đô đổ buôn cho dân đi bụi ( nghe đồn là lắm bọn Kinh thủ đô ế ẩm lắm)
Trưa của ngày thứ nhất, ăn uống no say, chúng tôi mới lên đường. Mà cũng chưa biết đi đâu. Giang hồ Camlip, xả thân vì gái, ở lại Đà Nẵng làm "vọng phu", hôm sau mới lên đường.
Tiễn chúng tôi đi, mắt giang hồ ngân ngấn lệ. Mà 4 kẻ già trẻ trai gái đủ cả này, còn loay hoay chưa biết đi đâu
Bàn lên bàn xuống, bọn Kinh miền Bắc quyết chí vượt đèo Hải Vân đi A Lưới, cố tình làm cho con đường đi tìm hạnh phúc có lắm gian truân.
Ôi những con đường xa vạn dặm
imgp1976_1333642506.jpg
 
Ngẫm đi ngẫm lại, bọn này ế cũng có nguyên do. Rặt một lũ tự kỷ, cứ dừng xe là mỗi kẻ lăn ra một góc, chả ai liên quan đến ai. Chả trách mà đi đến đâu, dù mới còn trong thành phố, mồm mép đứa nào đứa nấy cứ ra rả đi hỏi bùa yêu. Chỉ có những phép màu, mới khiến cho những kẻ này có vợ:)
Hắn tin vào mật mã Tây Giang
imgp1969_1333643186.jpg

Gã tin vào bùa ngải
imgp1970_1333643295.jpg

Và Lũ chúng ta là bạn đồng hành
imgp2159_1333643389.jpg
 
Tôi không thích cái thứ bụi trắng như xi măng ở xứ Huế. Bởi nó là thứ bụi được cày lên từ đường quốc lộ. Đường xóc, tôi cũng chẳng ngủ được giấc nào. Trong lòng nơm nớp lo lắng về em Vespa ở nhà, chưa kể đến một đống cuộc gọi nhỡ của Sếp lớn. Trong chuyến đi nào cũng thế, ngày đầu tiên, tôi luôn là một tội nhân. Tôi chỉ canh cánh lúc nào xe dừng lại, tôi rúc vào một xó xỉnh nào đấy, nơi mà không có tiếng xe cộ rầm trời, tiếng người xứ Huế véo von để bốc phét cho qua với những người ở nhà.

1 năm trước, tôi mải mê với con đường bụi đỏ Tây Nguyên. Còn năm nay, là những con đường bụi trắng ngược dòng Hương Giang. Tháng 3 nào đối với tôi cũng thật dông dài. Vẫn chiếc xe cũ thuê ở Đà Nẵng, vẫn người bạn đồng hành cũ, chúng tôi chỉ lớn thêm một tuổi, và khác chăng là bố mẹ ở nhà có phần sốt sắng hơn chuyện yêu đương của bầy con. Bùa yêu quả nhiên là một liều thuốc tiên, là niềm tin để bọn ế sưng bấu víu

Màn đêm bủa vây trên dãy Trường Sơn, một màn đêm dày đặc và huyễn hoặc ôm lấy chúng tôi. Tôi chẳng thấy chiếc xe của 2 người bạn đường đâu nữa, chỉ thấy xe mình mải miết chạy. Xung quanh chúng tôi không có lấy một ánh đèn. 5 ngày trong cuộc hành trình thì đến 3 ngày tôi mất liên lạc với xã hội. Điện thoại thường trực ở chế độ mất sóng. Thế là vứt hết định vị, vứt hết viện trợ nếu không may có gì bất trắc trên đường. Thôi thì xe nào biết xe nấy, cái khao khát được thấy điện đèn mỗi lúc lớn dần lên trong lòng tất cả. Mà đường dài lắm, đi mãi không thấy.

Tôi cũng chẳng biết mình đã vượt đèo Kim Quy và Tà Lương lúc nào. Chỉ nhớ con đường đêm xuyên qua khu rừng có hàng nghìn đom đóm lấp lánh. Thứ ánh sáng ấy lại khiến tôi hơi run sợ. Ngay cả một tiếng chim rừng đánh động cũng khiến tôi giật mình, huống hồ thứ ánh sáng lập lòe kia khi qua đèo.
Lúc dừng lại ngang đường, thấy có tý sóng, tôi gọi cho 2 tên béo đi sau. Mà có biết hỏi nhau đi tới đâu đâu, chỉ biết ú ớ: Anh đã đi qua con đường rừng có toàn đom đóm chưa?
Chẳng thể đợi nhau, xe của tôi lại cắm đầu chạy, như cố bỏ lại con đường đen đặc và tiếng dòng Hữu Ngạn đang róc rách xuôi về với biển.

8h tối, cuối cùng chúng tôi cũng gặp ánh sáng cuối con đường nơi ngã ba Bốt Đỏ. 4 người Kinh giờ mặt mũi phờ phạc chả khác gì bọn thổ phỉ. Ba chàng trai của tôi không được phép chọn lựa, tôi bắt ăn lẩu dê rồi về khách sạn đem nhốt vào phòng
Vì A Lưới là địa danh phát sinh của chuyến đi, nên chẳng đứa nào có tý thông tin gì trong đầu. Công nghệ được thể phô diễn, chúng tôi nhờ google để tìm kiếm điểm đến cho ngày mai. Nào thì đèo Mẹ ơi, suối Máu, đồi Thịt Băm,... Phiên chợ của người đồng bào họp giữa đêm được nhắc trên báo chí, nhưng dân địa phương lại chưa từng nghe thấy. Có lẽ nó không còn tồn tại.
...
Ngày nắng đẹp duy nhất trong cuộc hành trình đã kết thúc. Chúng tôi không ngờ rằng, giông bão mới chỉ sắp bắt đầu. Đêm hôm ấy, trong giấc mơ tôi, đoàn tàu không số trôi bềnh bồng ( Ảnh hưởng của hội chứng Không thể không đọc sách trước khi đi ngủ )
 
Đã 1 tuần trôi qua, dư âm của chuyến đi là cái ốm đến đờ đẫn vẫn còn phảng phất trong cơ thể tôi. Tôi không ốm đến độ lăn quay ngã ngửa, nhưng cứ đến đêm cơn sốt lại kéo về. Tôi không đi làm, ở nhà loanh quanh với mấy cuốn truyện tranh, mấy viên thuốc kháng sinh loại nặng. Giờ này thì tôi đang ở Lào Cai cùng bố mẹ, nằm ôm máy tính trong căn nhà thơ ấu, húng hắng ho và nghĩ về giờ này tuần trước.

Làm sao mà quên được buổi sáng ở A Lưới sau cái đêm đắm chìm trong mộng mị. Trời không chiều lòng người cho lắm, vì mới đc tăng cà phê, chúng tôi buộc đồ lên xe chạy 1 quãng thì đã mưa rồi. Mưa rả rích, buốt giá... chả khác gì mưa xứ Bắc. Tưởng rằng chúng tôi thoát được đợt áp thấp, ai ngờ mưa gió vẫn bám theo. Tôi ngồi sau lẩm nhẩm một mình trách lão xế già, chắc là không hợp phong thủy nên lần nào đi cùng nhau trời cũng làm mưa.
Ý định nướng thịt ven suối hay trên đồi Thịt Băm tắt ngúm theo dòng nước đang chảy tràn trên mắt kính.

2 chiếc xe hối hả chạy trên con đường mù sương vượt đèo Pê Ke, mà cũng chẳng hiểu vượt qua đèo đó để làm gì. Trên lưng đèo, một cặp vợ chồng đang hái rau má bám vào vách đá. Dưới chân đèo, mấy người phụ nữ già người Pà Ôi thủng thẳng đeo gùi vừa đi bộ vừa ngậm tẩu. Mưa quá, chẳng có kẻ dại dột nào dám thò máy ảnh ra để tác nghiệp, cứ cắm mặt vào chạy.

Cả một buổi sáng lòng vòng trong mưa để tìm bản làng, mà vô vọng quá. Cuối cùng cả lũ kéo nhau lên phía biên giới, theo con đường nhỏ đi vào cửa khẩu Hồng Vân.
Có thể, nhiều năm sau, tôi sẽ quên hết tất cả những ký ức về A Lưới, nhưng tôi dám chắc tôi sẽ không quên những con đường nơi ấy, nhưng con đường chỉ có dốc dài đi lên mãi, hoang vu kéo dài trên những dãy núi phía biên giới Việt Lào.
Hai bên đường mua mua nở hồng, vì cơn mưa dường như đã làm phai sắc tím vốn có của loài hoa này.
Con đường vắng không có người qua lại. Chúng tôi không biết rằng, phía sau mình lúc này, là 4 anh biên phòng đang hối hả đuổi theo để chặn chúng tôi lại.

Không hiểu sao và vì duyên cớ gì, chuyến đi nào chúng tôi cũng bị quy kết là một bọn Tây. Có vẻ thông tin của đồng bào ở A Lưới quá bén nhạy, thế nên đi đến đâu, chính quyền đều lập tức bám theo sau.
Người dân nói rằng: Có 4 người ngoại quốc đang đi vào biên giới, và chúng nói tiếng Việt rất sõi:
Tôi vẫn nhớ năm ngoái, khi đang ngồi vạ vật ăn sáng ở ga Lê Duẩn, chị bán phở còn kéo tôi lại rủ rỉ: Chồng em nói tiếng Việt giỏi thật, người nước nào thế???
Nhân vật Chồng mà chị gái kia nhắc đến là lão xế của tôi, cũng đến khổ vì kẻ đó trông cũng không An Nam lắm.
Rồi có lần, khi tôi còn đang loay hoay trên xe Mai Linh, thì dưới bến xe Đà Nẵng, các anh xe ôm đang ra sức cãi nhau rằng: Cái con người Nhật áo đỏ, mặt ngu ngu kia là của tao.
Tôi ngó trước ngó sau, trên xe có mỗi mình tôi áo đỏ

Quay về với chuyện Biên Phòng, khi còn cách biên giới 1km, chúng tôi được chặn lại. Chúng tôi được uống trà và tra vấn, được lưu lại quý danh trong sổ của đồn. Không còn cửa để vượt biên, cả lũ đành quay về, mò mẫn vào bản làng của đồng bào Pà Ôi ở một lưng dốc.
imgp2007_1334157315.jpg

Trời nắng lên, bọn có máy ảnh lại được cơ hội xí xớn. Có lẽ đấy chính là những bức ảnh hiếm hoi của A Lưới, hoang dã và thuần khiết như chính những con người nơi đây.
imgp2011_1333990165.jpg
 
Last edited:
Có vẻ như gã xế già nhất đoàn sốt sắng với chuyện tình ái, nên ngay khi mò vào ngôi nhà sàn của cụ ông già nhất bản, gã đã hỏi ngay: Ở đây có bùa yêu không ông?
Cũng đến khổ, ở nhà, tôi đã gửi một link báo viết về bùa yêu đàng hoàng, rằng là bùa ấy chỉ có người Cơ Tu ở Quảng Nam biết làm, còn đây là bản người Pà Ôi. Ế ẩm đúng là một cái tội, và khi người ta đã quá lữa lớ thì thì có vẻ càng xoắn tợn.
imgp2020_1334242504.jpg

Trên sàn nhà, cạnh bếp lửa đỏ, chúng tôi xúm xít hỏi chuyện chủ nhà. Người đàn ông không biết mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết mình đã già và về gần với đất, nói tiếng Kinh theo kiểu tập đọc, đang ngậm tẩu ruốc rê. Chúng tôi cũng xin cụ được hút thử. Bây giờ ngồi ngẫm lại, có khi cái cảm giác lâng khâng của tôi mấy hôm này, bắt đầu từ hơi thuốc mình hút. Khói thuốc đượm và nặng nề theo tôi trong suốt một ngày dài.
p2023edited_1334321797.jpg

A Lưới lấy đi của chúng tôi rất nhiều "máu" Mà chính xác là Vắt rừng A Lưới. Con đường mòn đi vào thác A Nôr gặp trời mưa nên trơn nhoét. 4 đứa lếch thếch lội qua suối, đi sâu vào trong theo con đường đất trâu đi. Kẻ thì bị ngã, kẻ thì ướt nhẹp khi sải chân bước qua con suối toàn đá rêu trơn. Tôi bỗng nhiên trở thành dũng sĩ bắt vắt cho giai. Thi thoảng đang đi lại phải quay đầu lại vì tiếng kêu thảng thốt: Ôi, Thỏ ơi. Chẳng đứa nào chuẩn bị cho sự trekking phát sinh này cả. Chúng tôi tha lôi được bếp núc và mỳ tôm vào sát chân thác thì quên bật lửa.

1h chiều, bụng đứa nào đứa nấy sôi lục bục, cả lũ bóc mỳ tôm ra ăn sống, nhìn đống cồn khô và xoong nồi tiếc rẻ. Xui xẻo thế nào Trời bỗng đổ cơn mưa rừng. Tôi kinh sợ thứ mưa rừng tầm tã ấy, nó khiến trên người tôi chẳng còn chỗ nào khô. Tôi đi cuối, chiếc áo chống nước lần đầu tiên không chịu nổi mưa, ai bảo mưa lớn và mau hạt quá. Mưa cho đến tận khi bước chân qua đoạn suối cuối cùng để trở về đường xe chạy.

Tôi đi chân đất, vừa đi vừa gỡ vắt. Rồi cũng thở phào khi được trở về đường quốc lộ, kiếm quán ăn nhét cơm vào cho ấm bụng. Lão xế già vô tư, chẳng để ý rằng mình đã nuôi béo một em vắt ở chân, lúc ăn xong thì em ấy đã bước sang tuổi " trưởng thành".
Công cuộc Trekking ai ngờ vẫn chưa dừng ở đấy...
 
Last edited:
Dường như bữa trưa no say có phần nào ảnh hưởng đến trí nhớ của toàn đoàn. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là Hambuger Hill ( tức đồi Thịt Băm hoặc đồi A Bia theo tiếng địa phương ) nhưng cả lũ mông muội đi tới đâu cũng hỏi Đồi Băm Thịt ở đâu, làm toàn dân và quân A Lưới ú ớ và lắc đầu. Trong tâm niệm của bọn Kinh thủ đô này, thì Băm Thịt hay Thịt Băm cũng cả như nhau. Dò lần chán chê, cả lũ cũng được chỉ cho đúng đường, lại là một con đường tiến dần về biên giới.

Trong cơn mơ mộng, ai nấy đều tưởng tưởng ra rằng đồi Thịt Băm phải cao và đứng trên đỉnh có thể phóng tầm mắt ra xa, nên háo hức lên đường lắm. Đến khi cả lũ vật vã leo trên từng bậc đá, rồi đi xuyên qua những con đường mòn toàn lá rụng, hai bên đường là loại dương xỉ của rừng rậm nhiệt đới, lúc đấy cơn mơ mộng mới thực sự tan vỡ.
imgp2043_1334243923.jpg

Chưa kể đến mới bắt đầu đi được chục bước chân, công an xã và bộ đội biên phòng đã lao đến giữ nhân cả bọn lại. Mặc dù chúng tôi ra sức giải thích, xin xỏ, rồi đến màn gạ gẫm, hối lộ, nhưng đồng chí công an xã có vẻ cương quyết không cho leo lên đồi. Rồi lại tiếp tục gạ... Cuối cùng họ cũng đồng ý cho lên trên dưới sự giám sát của "chính quyền" là anh Biên phòng đi theo để dẫn đường, quyết không để bọn người Kinh này lạc sang nước bạn.

Đồi Thịt Băm nói chính xác hơn là một khu rừng, là ngôi mộ tập thể của hàng nghìn xác người trong chiến tranh chống Mỹ, nay trở nên hoang hóa, u tịch. Con đường lên đồi tưởng như hàng năm không có người đi lại.
Chúng tôi bước chân mình trên những lớp lá khô, mồ hôi như tắm.
imgp2039_1334243994.jpg

Từ lâu rồi, tôi đã bỏ hẳn trekking ra khỏi hành trình của mình, thế mà hôm đấy, tôi nhất định không tụt lại phía sau, cứ gắng bước giữa khu rừng toàn bướm rực rỡ.
Khi ấy, bạn đồng hành của tôi bảo: thôi từ nay, chúng mình đổi tên Đèo Mẹ Ơi, Đồi Thịt Băm thành những cái tên hoa mỹ hơn đi, như đèo đom đóm và đồi bươm bướm này

Vì cơ thể đã quá rã rời sau một ngày vật vã đi lại hết lối này đến lối khác, nên chúng tôi quyết định tự thưởng cho mình đi tắm suối khoáng A Roàng. Hai chiếc xe lại cắm cúi chạy trong mưa, bóng tối đang dần xuống.

Đường từ suối khoáng về Prao, thị trấn của Đông Giang là con đường dài nhất tôi từng đi. Không phải ở khoảng cách, mà bởi bóng tối, mưa rét và sự hoang vu. Suốt chặng đường 100km ấy, chỉ có đúng chúng tôi, lầm lũi và run rẩy. Cơn mưa rừng Trường Sơn cứ rơi mãi không thôi. Lần đầu tiên tôi không ngủ, dù đã mệt nhoài. Tôi hát, những bài hát về Trường Sơn mưa gió.
( Chẳng biết tên xế già có nghe thấy không - mình bịa lời bài hát mà không biết ngượng)
Tôi lấy lý lẽ rằng " em lo anh ngủ gật nên cố hát cho đỡ sợ " Nhưng sự thực là chính bản thân tôi hôm ấy, sợ hãi đã lấp đầy.
 
Last edited:
20km cuối cùng để về Prao là 20km của sự mệt mỏi rã rời. Tôi cảm giác cơ thể chẳng còn cử động nổi nữa, lưng đau, chân sưng lên, mông chai dần. Mặc dù đã mặc áo mưa, đi ủng đàng hoàng, tôi vẫn cảm nhận được rõ ràng cái ướt lạnh của đêm mưa.

Câu tuyên ngôn bất hủ trong mọi chuyến đi của tôi: Bẩn không chết, thi thoảng được bạn bè mang ra bêu rếu. Mỗi chuyến đi tôi chỉ mang duy nhất 1 bộ quần áo mặc ngoài, sau ngày ở A Lưới đã vừa bẩn vừa ẩm. Cái quần ngố định để dành mặc đi ngủ đã mang ra "xử" khi tắm khoáng, nên tối ấy, tôi phải mượn quần đùi của giai, lượn ra lượn vào trong khách sạn.

Đoàn 6 người hội ngộ, mừng vui nhắc chuyện Bùa yêu. 2 kẻ đến Đông Giang trước đã kịp lân la dân tình hỏi han, gắp nhặt thông tin trước. Vậy là nơi làm bùa đã có, người cho bùa chắc chắn có thật.
Tôi đã có giấc ngủ thật ngon, trong niềm an ủi, chỉ nay mai, có thể đánh được 1 xe container chở bùa về Hà Nội "- Hà Nội ơi, ta sắp giàu rồi"
 
Thật lâu rồi tôi mới được đọc những bài viết về 1 chuyến đi đong đầy cảm xúc như vầy.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ:), chờ những bài tiếp theo của bạn!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,821
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top