What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Từ cội nguồn xa xưa

Mặc dù người ta nói Thăng Long nghìn năm, nhưng đô thành này có cội nguồn lịch sử xa xưa hơn thế.

Khi người Việt - Mường từ vùng trung du của các vua Hùng xuôi xuống đồng bằng, An Dương Vương đã
định đô ở Cổ Loa. Hai Bà Trưng khởi nghĩa, định đô ở Mê Linh. Bắc thuộc nghìn năm, trị sở xứ
này đầu tiên đặt tại Luy Lâu, gắn liền với tên của thái thú Sĩ Nhiếp. Sau đó dời về Mê Linh, rồi sang
Long Uyên - Long Biên. Những đô thành này nằm ở phía Đông sông Hồng, từng bị giặc Chà Và từ
biển đánh vào, giặc Nam Chiếu từ tận Vân Nam đánh xuống.

Đến năm 824, người Tàu cai trị đã đắp thành ở bờ Tây sông Hồng địa phận huyện Tống Bình, và
đến năm 866 thì Tiết độ sứ Cao Biền đắp lại thành Đại La với quy mô lớn. Đây là cơ sở để
năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về và đặt cái tên oai hùng: THĂNG LONG.

Truyền thuyết nói rằng Cao Biền là người rất giỏi phong thuỷ, thấy địa thế Đại La cực tốt, nơi hội tụ đủ cả
sông núi, long mạch linh huyệt của đất Giao Châu, nên vừa là đắp thành trấn giữ, vừa tìm cách triệt hạ
long mạch, nhưng không thành.

Và Thăng Long có được long mạch nội tại của "Nùng sơn chính khí, Tô Lịch giang thần" (Cái khí
thiêng của núi Nùng, cái thần của sông Tô). Bên ngoài có long mạch của Tam Giang, Tam Đảo, Tản Viên
hội tụ, xa hơn nữa là các mạch núi của cả vùng Bắc Bộ.

33240960.jpg
 
Last edited:
Nhìn vào bản đồ trên, có thể thấy ba dòng sông Hồng, sông Đà, sông Lô tụ tại ngã ba Bạch Hạc, dồn về
Thăng Long. Từ phía Bắc, mạch núi Tam Đảo hùng dũng chầu về, mà điểm cuối cùng là núi Sóc Sơn. Thế
núi đó rất mạnh, nhưng đã cách dòng nước sông Cái, và Thăng Long nằm bên trong chỗ sông Cái đổi
hướng, tránh được cái hướng lực đạo quá mạnh của núi sông như Long Biên, Luy Lâu, mà vẫn đón được
sinh lực của long mạch.

Tuy nhiên, long mạch quan trọng nhất của Thăng Long lại chính là núi Tản Viên (Ba Vì) ở phía Tây.
Đây là án lớn nơi để Thăng Long dựa vào mà trông ra phía Đông của sông và biển.

Tản Viên Sơn - núi Ba Vì - tuy không thật cao, nhưng đứng ở vị trí rất hiểm sát sông Đà, và được coi là
Núi Tổ của tất cả các núi ở trời Nam. Vị thần của núi ấy - Tản Viên Sơn Thánh - được gọi là
Nam Thiên Thần tổ, vị tổ của tất cả các Thần nước Nam, là vị đứng đầu Tứ Bất Tử. Vào những ngày trời
trong, đứng ở Hà Nội dễ dàng thấy núi Tản Viên. Trục Tản Viên - Hồ Tây là trục thần đạo của Hà Nội.

Tương tự, núi Sóc Sơn thiêng liêng ở phía Bắc là nơi vị Thánh Bất tử thứ hai - Phù Đổng thiên vương
- lên trời. Từ Hà Nội cũng có thể thấy Sóc Sơn. Phía Đông Nam Thăng Long là nơi của vị Thánh Bất tử thứ
ba - Chử Đồng Tử.

Có thể nói thời Cao Biền, chắc là không thể quan sát được long mạch của các dãy núi quá xa, nhưng địa
thế của Tản Viên và Sóc Sơn thì rất dễ nhận ra, lại thêm cái thế của Tam giang cũng không phải khó thấy,
nên Cao Biền mới quyết tâm trấn đất này.


Núi Tản Viên - Ba Vì nhìn từ hồ Tây, khoảng cách gần 50km. đây là trục Thần đạo của cả vùng.

33240972.jpg
 
Last edited:
Bạn quả là người nghiên cứu rất kỹ về lịch sử và truyền thuyết của Đất Việt ta; Lúc bé tôi hay đọc truyện của tác giả "Nguyễn Đổng Chi dịch và sưu tầm", cũng thấy nhắc đến Cao Biền trấn thủ Giao Châu, làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Cao Biền một thầy địa lý rất giỏi thời Đường Trung Hoa, Cao Biền đã đi khắp nước Việt ta để trấn và triệt phá Long mạch, đặc biệt trong truyền thuyết "Trâu vàng, Đoài hồ", theo dân gian ông cũng là người đã đắp đê bao xung quanh thành Đại La. Nghe các cụ kể chuyện lại từ thời các Vua, Chúa phong kiến nước ta cũng phái nhiều Thầy địa lý giỏi đi phá những nơi Cao Biền đã trấn...??? "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non" :)
 
Last edited:
Truyện về Cao Biền trên mạng có rất nhiều, nhưng tôi muốn kể cả về những dấu tích trước thời đó, thời kì trước khi có Đại La.

Các vị thánh thần đất Việt đã có trên vùng đất này từ xa xưa, mà truyền thuyết còn lưu truyền mãi trong dân gian. Có các bậc Thần sau: (1) Nhiên thần là thần của tự nhiên sông núi, trường tồn với non sông (2) Thiên thần là thần từ trời giáng sinh rồi trở về trời (3) Nhân thần là người, rồi hiển thánh hoá thần (4) Thú thần là loài thú tu luyện thành thần như hổ báo rắn thuồng luồng (5) Quỷ thần là yêu quỷ thành thần. Ba bậc đầu thường được tôn làm Thánh.

Hãy thử xem các vị Thánh bất tử của người Việt ngự ở đâu quanh Thăng Long?

Thánh Tản Viên, vị Thần tổ, là Nhiên thần, ngự trên đỉnh Tản Viên. Người Mường cũng tôn kính gọi là Thánh Cả Ba Vì. Có 4 đền chính gọi là bốn Cung thờ Thánh, mà lớn nhất là Đông cung - Đền Và ở Sơn Tây. Tản Viên đã từng nhổ nước bọt khinh bỉ khi Cao Biền định yểm núi này.
Thánh Tản Viên là biểu tượng Chinh phục thiên nhiên của người Việt.

Thánh Gióng, Phù Đổng thiên vương là Thiên thần, quê ở Phù Đổng phía Đông Thăng Long, nhưng lại thăng thiên hoá thánh ở phía Bắc, trên đỉnh Sóc Sơn.
Thánh Gióng là biểu tượng chống ngoại xâm của người Việt.

Thánh Chử Đồng Tử, Chử Đạo tổ, là Nhân thần, ở Đa Hoà, gặp Tiên Dung trên bãi Tự Nhiên phía Nam thành Thăng Long, dạy dân buôn bán, tu hành rồi hoá thánh lên trời tại đầm Dạ Trạch.
Thánh Chử là biểu tượng của hôn nhân, cuộc sống sung túc.

Các đền thờ của ba vị Bất Tử trên đã bao bọc mảnh đất này từ trước khi Cao Biền xây thành.

Đến đời Lý, dân gian đã tôn thêm một vị nữa cho thành Tứ Bất tử, đó là Từ Đạo Hạnh, biểu tượng của tu hành, của Phật giáo. Từ Đạo Hạnh là người Thăng Long, nơi thờ chính là chùa Láng và chùa Thầy. Mãi đến đời Lê, người ta mới thay Thánh mẫu Liễu Hạnh vào chỗ của Từ Đạo Hạnh.

Như vậy, thành Thăng Long đã được các Thánh Bất tử của tâm linh người Việt bảo hộ từ bốn phía trong cả nghìn năm.

33259505.jpg
 
Last edited:
Núi Nùng - sông Tô

Vậy phải chăng Thăng Long chỉ trông cậy vào thần thiêng của các vị Thánh bên ngoài, mà không có Thần của riêng mình? Không phải, Thăng Long có vị Thần chủ, đó là Thần Long Đỗ.

Long Đỗ nghĩa là Rốn rồng, sông Cái chỗ này uốn cong như bụng rồng, và đất này chính là Rốn rồng. Thần Long Đỗ là vị Nhiên thần cai quản Núi Nùng sông Tô, tụ hội linh khí của cả hai. Núi Long Đỗ truyền thuyết, hay là núi Nùng, là núi đất cao lên giữa thành, bên cạnh có vực sâu ăn thông vào lòng đất. Sông Tô Lịch bao quanh thành tạo thành long mạch thiêng.

Núi Long Đỗ ở đâu? Nếu như cho rằng các triều Lý, Trần, Lê đều dựng điện chính trên núi Nùng, thì ngày nay đó chính là thềm điện Kính Thiên trong khu di tích hoàng thành, và đã thấp đi rất nhiều so với nghìn năm trước.

Sông Tô ngày xưa là sông nào? Tô Lịch giang xưa kia chạy vòng quanh thành từ bắc sang tây xuống nam. Từ nơi nối với sông Hồng là Giang Khẩu, Tô Lịch chảy phía dưới hồ Tây, nối với hồ Tây tại Hồ Khẩu (nay vẫn còn làng Hồ Khẩu), gặp sông Thiên Phù ở Bưởi rồi chảy xuống phía nam. Sau lời nguyền của ông Dầu bà Dầu, dòng Thiên Phù bị lấp từ đời Lý. Phần phía Bắc Tô Lịch bị lấp dần vào đời Nguyễn, mới chỉ hơn trăm năm trước, ngày nay chỉ còn dòng nước thải đen ngòm thay cho:

"Nước sông Tô vừa trong vừa mát
"Em đỗ thuyền ghé sát thuyền anh...


33264890.jpg
 
Last edited:
em thấy hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về thời đại đầu tiên đóng đô trên đất Hà Nội - thời đại An Dương Vương.

có nhiều ý kiến cho rằng thực tế không có thời đại này vì trong chính sử không thấy ghi chép về thời đại này, phần nhiều những gì ta biết về thời đại này toàn do truyền thuyết

tất nhiên ý kiến này chỉ là thiểu số thôi, nhưng nếu nói về Hà Nội - Thăng Long thì cũng không thể bỏ qua được thời đại vua An

em thì không có chính kiến, bác Chít to có ý kiến gì về vấn đề này không ạ.
 
em thấy hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về thời đại đầu tiên đóng đô trên đất Hà Nội - thời đại An Dương Vương.

Hai năm trước tôi có đi chơi qua Cổ Loa. Sau khi rời khu trung tâm đi lên phía đền Sái, được khoảng hơn một cây số thì gặp một đoạn bờ đất cao, phía dưới có một khu đào vào chân bờ đất sâu đến hơn 2m. Tôi hiểu đây là dấu vết vòng thành Cổ Loa, và người ta đang đào khảo cổ.

Tôi dừng lại xem, và có nói chuyện sơ qua với một người đàn ông ngồi ở đó. Tôi không có chuyên môn gì nên nhìn vào lớp đất bị cắt chỉ cảm thấy có vài lớp hơi khác với chỗ khác,.. Còn người đàn ông kia nói rằng với chuyên môn khảo cổ thì có thể thấy tường thành này đã được đắp rất lâu, có thể từ hai nghìn năm trước.

Nếu đúng như ông ấy nói, thì thành Cổ Loa có thể đã được đắp từ thời đầu Công nguyên. Và thời đó dù người ra lệnh đắp thành có thực tên là An Dương Vương không, thì đó cũng phải là người có quyền hành lớn mới có thể sai người đắp một vòng thành rộng đến vậy (và còn nhiều vòng thành nữa). Dù sau này có thể là Ngô Quyền định đô ở đây như sử ghi, có cho đắp thêm, thì sự tồn tại một chính quyền tại đây vào đầu Công nguyên có thể chứng minh bởi bằng chứng vật thể khảo cổ được, chứ không phải chỉ là chuyện ghi chép trong chính sử hay dã sử, huyền sử.
 
Last edited:
Thần chủ của Thăng Long

Tiếp tục quay lại chuyện vị Thần chủ của Thăng Long.

Truyện Lĩnh Nam chính quái và Việt Điện U linh chép rằng (vắn tắt) khi Cao Biền đi thuyền trên sông Tô Lịch thì thấy một vị thần hiện ra trên sông, rồi làm phép khiến sóng gió mù mịt mà biến mất. Lại lần nữa khi đang xây thành Đại La, Cao Biền đi ra phía đông thành, bỗng nhiên thấy mây khói mù mịt, trong đó có vị thần đang ngự, xung quanh âm nhạc nổi lên, Cao Biền kinh hãi ngã lăn. Đêm đó vị thần hiện ra báo mộng, xưng là "Long Đỗ chính khí Thần quân" của đất này đến xem xây thành, không việc gì phải sợ.

Vốn hay trấn yểm các quỷ thần, long mạch, Cao Biền dựng ngôi đền, làm tượng thần, lấy nghìn cân sắt để trấn yểm chỗ thần hiện ra. Bỗng nhiên trời nổi cuồng phong sấm, sét đánh nghìn cân sắt vụn ra thành tro bụi. Cao Biền kinh sợ lập đền thờ thần Long Đỗ và nói rằng "Ta phải về Bắc thôi". Sau này Biền bị vua nhà Đường gọi về và xử tội chết.

Thần Long Đỗ của Núi Nùng và thần sông Tô Lịch là một hay là hai? Đến nay đa số đều cho rằng chỉ là một vị, là Thần chủ của đất này; nhưng cũng có thuyết cho là hai vị thần.

Đến khi Lý Thái Tổ dời đô, tương truyền xây thành bị đổ mãi, bèn đến cầu ở đền thần Long Đỗ có từ thời Cao Biền, thì có con ngựa trắng chạy ra, xây thành theo vết chân ngựa thì mới không đổ. Bởi thế vua tôn là thần Bạch Mã. Hiện nay đền ở phố Hàng Buồm, là đền Trấn Đông nổi tiếng của Thăng Long.

Và Thần chủ Long Đỗ trở thành Thành hoàng của thành Thăng Long. Thần có rất nhiều tôn hiệu qua các triều đại:

- Quảng Lợi Bạch Mã Tối linh Thượng đẳng thần

- Quảng Lợi Thánh hựu Uy tế Phu ứng đại vương

- Long Đỗ Thần quân Bạch Mã Hựu chính Đại vương

- Đô phủ Thành hoàng Thần quân

- Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng đại vương
 
Lại có thuyết cho rằng cái tên Long Đỗ là tên của một làng Việt cổ đã có tại đây từ rất lâu trước khi lập thành Đại La, và Tô Lịch là tên của người có công lập làng từ xa xưa. Như thế Thần Long Đỗ - Tô Lịch là một vị Nhân thần.

Còn nếu không theo thuyết đó, thì Thần Long Đỗ là vị Nhiên thần. Cá nhân tôi thích đó là một vị Nhiên thần trường tồn với sông núi hơn!

Bên cạnh đó, hình tượng Bạch Mã không phải chỉ là Ngựa trắng đơn thuần, Ngựa tượng trưng cho khí Dương, màu Trắng tượng trưng sự khởi đầu, và Bạch Mã còn là hình tượng của Mặt Trời mọc, đại diện cho hướng Đông.

Nếu có con ngựa trắng chạy ra từ đền, thì đó cũng chỉ là do Thần Long Đỗ sai khiến, chứ đó không phải là thần.

Do đó, đến thăm đền Bạch Mã, thì khấn Long Đỗ Thần quân, chứ đừng cầu xin gì ở con ngựa trắng cả.

33262880.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top