What's new

Kỹ thuật đo sáng khi chụp ảnh

biendaikho

Chớ có dây vào
(Phuot.vn) Máy ảnh là một người bạn thân thiết của dân Phượt. Cho dù bạn đang sử dụng một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hay một máy DSLR, hiểu biết về kỹ thuật đo sáng sẽ giúp bạn có được những tấm ảnh như ý. Bài viết này sẽ giúp bạn làm chủ được ánh sáng trong nhiếp ảnh.


1. Đo sáng là gì


Bản chất của nhiếp ảnh là sự phơi sáng. Máy ảnh là một hộp tối, khi ta chụp ảnh, một cánh cửa sẽ mở ra, và ánh sáng từ bên ngoài tràn vào sẽ tác động vào film hay sensor để cho ra một bức ảnh.

Đo sáng là việc xác định độ mở ống kính ( khẩu độ - apeture – fstop), tốc độ chụp (shutter speed), và độ nhạy sáng (iso) để có được một bức ảnh đúng sáng.

2. Cộng, trừ EV (Exposure Value, giá trị phơi sáng)

Một vật chúng ta nhìn thấy được bằng mắt thường phải đáp ứng một trong hai điều kiện: thứ nhất vật đó tự phát sáng (mặt trời, ánh đèn), và thứ hai, vật đó phản chiếu ánh sáng từ những nguồn sáng khác.

Những nguồn sáng tự nhiên và nhân tạo không có nhiều, vì vậy khi chụp ảnh, ánh sáng film/sensor nhận được do phản chiếu ánh sáng từ những nguồn sáng khác là chủ yếu.

Những vật có màu sắc, bề mặt khác nhau thì phản chiếu ánh sáng khác nhau. Một vật nhìn sáng, hay tối phụ thuộc vào hai yếu tố: cường độ nguồn sáng và độ phản chiếu của ánh sáng của bề mặt.

Từ tính chất này, ông Ansel Adam (1902-1984) đã đưa ra một biểu đồ vùng hệ thống (Zone system chart) như sau:

zone.jpg

Từ vùng (zone) 1 đến vùng 9 màu sắc chuyển dần từ đen sang trắng, và theo đó, độ phản chiếu ánh sáng cũng tăng dần. Độ phản chiếu ánh sáng của vùng n gấp đôi vùng n-1, và bằng một nửa vùng n+1.

Vùng 5 (màu xám, gray) nằm giữa vùng 1 và vùng 9, nó phản chiếu 18% và hấp thụ 82% cường độ ánh sáng chiếu đến nó, và đây cũng là vùng phản chiếu ánh sáng phổ biến nhất.

Người ta chọn vùng 5 là vùng tiêu chuẩn để thiết lập hệ thống đo sáng của máy ảnh. Nói một cách dễ hiểu, khi đo sáng, máy ảnh xem tất cả những ánh sáng nó nhận được đều phản chiếu từ vùng 5.

Vì vậy, máy ảnh sẽ không biết cường độ nguồn sáng của vật, hay chiếu đến vật là bao nhiêu, nó mặc định tất cả ánh sáng từ vật đều được phản chiếu từ một vùng có độ phản chiếu là 18%.

Khi chụp ảnh ở chế độ tự động, chúng ta dễ thấy trường hợp khi chụp nền trời trong, xanh thì hình sẽ tối đi. Ngược lại, khi chụp hình trong bóng râm, hình sẽ sáng hơn. Người ta tạo nên một cơ chế cộng, trừ EV để khắc phục tình trạng này.

Khi chủ thể sáng, chúng ta chủ động cộng EV. Lúc này, hệ thống đo sáng của máy ảnh sẽ hiểu rằng ánh sáng nó nhận được từ một nguồn sáng có cường độ ánh sáng lớn hơn, hoặc từ vùng có độ phản chiếu ánh sáng lớn hơn 18%.

Và ngược lại cho trường hợp ánh sáng yếu, chúng ta trừ EV, hệ thống sẽ nhận biết được ánh sáng nó nhận được là từ một nguồn sáng có cường độ yếu hơn, hay từ một vùng có độ phản chiếu ánh sáng nhỏ hơn 18%.

Nhận biết “zone 5” là một kỹ thuật cơ bản để làm chủ được ánh sáng trong nhiếp ảnh. Một cách đơn giản, chúng ta có thể dùng gray card (phản chiếu ánh sáng 18%) để đo sáng. Một số người đưa lòng bàn tay trước ống kính để đo sáng. Trong trường hợp này, kết quả đo sáng chỉ đúng khi người đó biết được lòng bàn tay của mình ở zone nào.

3. Khẩu độ, tốc độ, hay độ nhạy sáng?

Thông thường khi đo sáng, người ta sẽ cố định 02 yếu tố, và điều chính yếu tố còn lại. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, họ sẽ tùy biến một lúc 03 yếu tố để có một bức ảnh ưng ý.

Khi chụp chân dung, tĩnh vật, bạn sẽ ưu tiên khẩu độ. Lúc này giá trị khẩu càng lớn càng tốt, lúc này vùng nét của bức ảnh (dof) sẽ mỏng đi, làm nổi bật chủ thể. Nhưng đừng quên rằng với các ống kính “hai khẩu”, tiêu cự càng lớn (tử số) thì giá trị khẩu (mẫu số) sẽ nhỏ lại theo công thức f/giá trị khẩu. Đối với các ống kính một khẩu thì bạn không phải lo lắng điều này.

Khi chụp ảnh phong cảnh, bạn sẽ ưu tiên tốc độ. Lúc này bạn sẽ chọn khẩu độ nhỏ, tốc độ chụp nhỏ để bức ảnh có độ nét sâu. Trường hợp chụp thác nước, bạn sẽ làm mọi cách để tốc độ càng chậm càng tốt để dòng nước trong và mượt.

Hãy cẩn thận khi lựa chọn giá trị Iso, vì nó là một con dao hai lưỡi. Trong điều kiện ánh sáng yếu, Iso lớn là một lợi thế khi bạn có thể chụp chủ thể với tốc độ lớn. Nhưng Iso càng lớn thì bức ảnh càng dể bị noise, bể hình.

Các máy ảnh đời mới hiện nay đều có một hệ thống đo sáng rất tốt, nhất là các hệ thống đo sáng theo ma trận điểm. Ngoài hệ thống đo sáng của máy ảnh, chúng ta còn có sự hỗ trợ của các máy đo sáng độc lập. Tuy nhiên, dù là hệ thống nào thì nó cũng chỉ là một cái máy, và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định và không đúng cho tất cả các trường hợp. Vì vậy, lâu lâu cũng nên chụp ảnh theo kiểu thủ công, tận hưởng cái cảm giác đưa tay điều chỉnh khẩu, tốc rồi nín thở chờ cái “rắc” của màn trập, rồi cười sảng khoái với bức ảnh của mình.

Chúc các bạn làm chủ được ánh sáng, và có được những bức ảnh ưng ý!


Ghi rõ nguồn Phuot.vn và tên tác giả khi phát hành lại thông tin này.
 
Chia sẻ thêm cho các bạn các chế độ đo sáng :
Metering Modes: Evaluative, centre-weighted average, Spot (centre or linked to focusing frame) *
Tạm dịch theo tiếng Việt là Đo sáng phức hợp hay Đa điểm/ Đo sáng Trung tâm/ Đo sáng Điểm. Mỗi chức năng này sẽ cho một hiệu quả khác nhau khi chụp ảnh.

- Đo sáng phức hợp (NTL ưa dùng thuật ngữ này vì trong trường hợp máy ảnh có tính đến cả cự ly tới chủ thể nữa thì không thể chỉ gọi đơn giản là Đo sáng Đa điểm được): như bạn đã có thể thấy trong phần giải thích của Canon, kỹ thuật này dựa trên kết quả đo sáng của toàn bộ hình ảnh mà bạn đã khuôn hình (rất nổi tiếng với cách phân chia hình ảnh ra thành 256 vùng khác nhau) sau đó máy ảnh tính toán và so sánh kết quả với các trường hợp đã được tính toán sẵn từ trước và cho một kết quả (theo nhà chế tạo) là tối ưu cho từng trường hợp. Cách đo sáng này rất hiệu quả khi ánh sáng cân bằng giữa chủ thể và phông nền thế nhưng nó lại không cho được kết quả chính xác khi có độ tương phản lớn hay chủ thể có bề mặt kém phản xạ (hoặc ngược lại) ánh sáng. Khi chụp ảnh sinh hoạt gia đình hay trong các trường hợp ánh sáng dịu đều thì bạn nên sử dụng cách đo sáng này.

- Đo sáng Trung tâm: kỹ thuật này dựa trên kết quả tính toán về đo sáng của phần hình ảnh ở trung tâm khuôn hình mà không quan tâm đến ánh sáng ở viền ảnh. Nó có ích khi bạn biết chính xác vùng ảnh nào mình muốn ưu tiên ánh sáng. Thường thì kỹ thuật này được dùng rất hiệu quả khi bạn kết hợp với hiệu chỉnh thêm ảnh sáng "Exposure Compensation" mà NTL sẽ nói tới ở phía dưới đây.

- Đo sáng Điểm: đây là một kỹ thuật rất khó sử dụng với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm về chụp ảnh. Nó cho phép bạn đo sáng chính xác một phần diện tích nhỏ của tấm ảnh (thường là bằng luôn phần diện tích của điểm tiêu cự tự động AF trong khuôn ngắm). Lý thuyết của nó rất đơn giản: nếu như ánh sáng tại một điểm là chính xác thì các điểm còn lại cũng sẽ chính xác. Nhưng bạn nên nhớ rằng chọn điểm đo sáng "Spot" đúng lại đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực hành đấy nhé.

- Hiệu chỉnh kết quả đo sáng: "Exposure Compensation" ** là một trong những kỹ thuật quan trọng mà bạn cần nắm bắt để có được một tấm ảnh đẹp đơn giản vì ánh sáng luôn thay đổi và mỗi tình huống một khác. Nguyên tắc căn bản của nó là: bạn nhìn thấy tấm ảnh của mình chụp "Sáng" hay "Tối"?
Nếu ta gọi kết quả đo sáng bằng chế độ tự động của máy ảnh là Ev (Exposure Value) thì bạn hãy xem sơ đồ dưới đây:

-3Ev, -2Ev, -1Ev, Ev, +1Ev, +2Ev, +3Ev

Thuật ngữ chuyên môn gọi nó là "The Zone System" nhưng ta hãy tạm quên nó đi nhé. NTL không muốn bạn rơi vào ma trận của những điều chưa cần thiết vào lúc này. Bạn có thể hình dung rất đơn giản: từ trị số Ev ban đầu, nếu bạn tiến về phía bên phải +3Ev thì hình ảnh của bạn sẽ hoàn toàn trắng xoá, nếu bạn tiến về phía bên trái -3Ev thì hình ảnh của bạn sẽ đen tuyệt đối.

Vậy ta có thể áp dụng nó như thế nào trong thực tế?
- Trong một ngày trời nắng và bạn muốn tấm ảnh của mình chụp có độ tương phản cao thì nên hiệu chỉnh Ev về phía trị số (-) âm. Cách hiệu chỉnh này cũng sẽ làm tăng độ bão hoà của mầu sắc, nghĩa là mầu trong ảnh của bạn sẽ thắm hơn, rực rỡ hơn. Khi bạn chụp đèn Flash "Fill-in" ngoài trời thì việc hiệu chỉnh -Ev sẽ làm nổi bật chủ thể rất đẹp.
- Khi bạn chụp ảnh một ai đó trong bóng râm mà hậu cảnh là trời nắng chẳng hạn thì nếu như cự ly xa hơn tầm phủ của đèn flash "fill-in" thì cách tăng trị số (+) dương của Ev sẽ giúp bạn thể hiện chủ thể rõ ràng (nhưng hậu cảnh sẽ bị thừa sáng đấy nhé, hay nói một cách khác là bạn đã tăng trị số +Ev cho hậu cảnh). Đó hoàn toàn chỉ là một ví dụ để bạn có thể hiểu dễ dàng việc hiệu chỉnh kết quả đo sáng mà thôi, bản thân nó không phải là một giải pháp hiệu quả nhất khi chụp ảnh.
- Ngoài ra thì kỹ thuật hiệu chỉnh Ev này còn giúp bạn tránh được những "bẫy" ánh sáng mà ta vẫn thường xuyên gặp khi chụp ảnh. Ví dụ: hầu hết các máy ảnh đo sáng dựa trên số phần trăm (%) phản xạ của ánh sáng từ chủ thể (quy ước là 18% tương đương với ánh sáng đúng) thế nhưng nếu bạn chụp một cánh rừng xanh nhiệt đới thì độ phản xạ này nhỏ hơn 18% tiêu chuẩn và máy ảnh tự động tăng thêm khẩu độ ánh sáng nhằm cân bằng bức ảnh của bạn, vô tình tấm ảnh của bạn bị thừa sáng "Over-exposure" *** Còn trong trường hợp bạn chụp ảnh một cảnh tuyết rơi mà mầu trắng của tuyết phản xạ ánh sáng lớn hơn 18% thì máy ảnh lại tìm cách giảm bớt khẩu độ ánh sáng "F-stop" **** và như thế tấm ảnh của bạn bị thiếu sáng "Under-exposure" ***
Trong trường hợp thứ nhất bạn cần hiệu chỉnh Ev về trị số (-) âm và trong trường hợp thứ hai bạn cần hiệu chỉnh Ev về trị số (+) dương

Để có thể sử dụng hiệu quả các thiết bị đo sáng thì trước hết cần hiểu hoạt động của chúng. Ta có thể phân ra thành 2 dòng máy đo sáng chính:

1. Exposure Meter, gồm có:
- Light Meter: dùng để đo ánh sáng liên tục
- Flash Meter: dùng để đo ánh sáng đèn flash trong studio

2. TTL Meter: là loại thiết bị gắn sẵn trong máy ảnh SLR, dSLR, MF...

Hai dòng thiết bị này hoạt động trên hai nguyên tắc khắc hẳn nhau. "Exposure Meter" đo ánh sáng chiếu tới chủ thể. Để biết kết quả đo sáng chính xác ta cần đặt Meter gần nhất với chủ thể đồng thời hướng chính xác hình bán cầu mầu trắng của máy về phía ống kính. Góc định hướng này có ảnh hưởng rất quan trọng tới kết quả đo sáng. Thông thường người ta tìm cách sao cho trục của ống kính máy ảnh thẳng hàng với hình bán cầu trắng này. Ưu điểm của Meter cầm tay là nó không chịu ảnh hưởng của mầu sắc hay độ sẫm, nhạt của chủ thể. Nhưng trái lại không phải lúc nào ta cũng có thể tới gần để đo sáng như trong trường hợp ảnh phong cảnh xa. Mẹo để giải quyết trường hợp này là bạn giơ cao Meter hơn đầu và hướng hình bán cầu trắng theo hướng xa máy ảnh nhất. Kết quả đo sáng của Meter chỉ chính xác theo từng vùng và đây là một nhược điểm lớn.

Loại TTL Meter đo ánh sáng phản xạ từ vật thể qua ống kính máy ảnh. Cách đo sáng này chính xác theo phương diện là nó sẽ nhận được ánh sáng từ vật thể có kể đến cả những thay đổi trên quãng đường đi. Nhưng nhược điểm của nó là bị ảnh hưởng mạnh bởi mầu sắc của vật thể cũng như độ sẫm, nhạt của nó. Như thế kết quả đo sáng sẽ không chính xác và ta cần áp dụng thêm hiệu chỉnh kết quả đo sáng (sẽ đề cập tới sau) Trong các máy SLR, dSLR cao cấp thường có 3 kỹ thuật đo sáng điển hình:
- Matrix hay Multizone: đây là kỹ thuật tiên tiến nhất cho phép máy ảnh thao tác đo sáng tại nhiều vùng khác nhau trên ảnh rồi sau đó so sánh với các trường hợp đo sáng được tính toán trước và lưu trong bộ nhớ, tiếp theo máy sẽ cho gia một kết quả hoàn chỉnh nhất. Nến nhớ rằng trước đây TTL Meter chỉ tính giá trị trung bình của toàn ảnh mà thôi.
- Đo sáng trung tâm: ta hay thấy phần dành cho đo sáng có ký hiệu hình tròn, chiếm khoảng 75% khuôn ngắm. Khi thao tác đo sáng thì máy sẽ chỉ tính toán các giá trị được thấy trong phạm vi giới hạn này mà thôi. Đây là phương pháp đo sáng đặc biệt hiệu quả với thể loại ảnh chân dung.
- Đo sáng điểm: tuỳ theo máy mà góc đo sáng "spot" thay đổi trong khoảng từ 1° tới 5°. Đây là phương pháp được các nhiếp ảnh gia Pro ưa chuộng nhất vì nó cho biết chính xác độ tương phản của ảnh và cho một khả năng sáng tạo vô cùng.

Cả hai loại thiết bị đo sáng này đều hoạt động dựa trên chuẩn cổng nghiệp "độ xám trung mình 18%". Hãng Kodak đã chế tạo "Grey Card" phục vụ cho nhu cầu đo sáng "chuẩn" này. Trong phạm vi bài viết này NTL chỉ muốn đề cập tới thao tác đo sáng ngoài trời với ánh sáng tự nhiên chứ không phải ánh sáng nhân tạo, rất chủ động, trong các studio.

Như đã đề cập tới trong bài viết #1 thì việc phân tích ánh sáng của một khuôn hình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sáng tạo. Dựa trên nguyên lý "Zone System" ta có thể chia độ tương phản của ảnh theo các cấp độ sau:

1. Tương phản yếu: khi độ chênh sáng giữa vùng sáng nhất/tối nhất nhỏ hơn 4 Ev. Trong trường hợp này thì sự can thiệp của kỹ thuật buồng tối với phim cổ điển sẽ đem lại cho ta độ tương phản cần thiết.

2. Độ tương phản trung bình: khi độ chênh sáng này là 5 Ev. Đây là một trường hợp căn bản và lý tưởng cho các loại ảnh.

3. Độ tương phản cao: khi độ chênh sáng lớn hơn 6 Ev. Với hoàn cảnh này ta sẽ bị mất chi tiết hoặc trong vùng ánh sáng cao, hoặc trong vùng ánh sáng thấp tuỳ theo lựa chọn ưu tiên. Việc xử lý từ thao tác tráng phim cho đến chọn loại giấy phóng ảnh có vai trò quyết định cho chất lượng ảnh.

Với kỹ thuật số ta hoàn toàn có thể áp dụng các nguyên tắc này và tiến hành chỉnh sửa thêm ảnh với các công cụ tin học. Với các cảnh tĩnh thì khi độ chênh sáng quá lớn, giải pháp hoàn hảo nhất là chụp 2 kiểu ảnh riêng biệt rồi ghép lại với nhau. Bạn nên nhớ rằng nếu ảnh gốc đã mất chi tiết thì không một phần mềm nào có thể tái tạo lại được chúng ngoài cách "copy & paste". Một giải pháp nữa có thể áp dụng là dùng thêm kính lọc ND với hệ số lớn.

Bây giờ ta hãy quay lại với kỹ thuật đo sáng dùng "TTL Meter" - loại thiết bị phổ biến nhất. Theo kinh nghiệm của riêng cá nhân mình thì NTL nhận thấy kỹ thuật "Matrix" hoàn toàn đáng tin cậy với điều kiện ánh sáng không trực tiếp, ánh sáng tản hay phản xạ. Khi độ chênh sáng cao thì đo sáng trung tâm là giải pháp linh hoạt nhất đồng thời cho phép ta thao tác rất nhanh. Cuối cùng là kỹ thuật đo sáng điểm "spot" đặc biệt dàng cho sáng tạo, chỉ có kỹ thuật này mới cho bạn biết cực kỳ chính xác lượng ánh sáng cần thiết cho tấm ảnh trong một hoàn cảnh tinh tế về ánh sáng.

Khi bạn gặp một tình huống ánh sáng quá phức tạp thì thao tác đo sáng trên lòng bàn tay sẽ là một giải pháp hay. Bạn chỉ việc hướng ống kính vào đó là xem kết quả của cặp "khẩu độ/tốc độ" nhưng nên nhớ rằng da tay phản xạ ánh sáng nhiều gấp 2 lần độ xám 18% nên ta cần giảm bớt đi -1 Ev để có kết quả đúng.
 
Có ai đi với mình không? Đăng kí free nha^^
HỘI THẢO LIGHTING ON THE RUN tại TPHCM
Buổi hội thảo được tổ chức với mục đích sáng tạo và cung cấp thông tin bổ ích nhằm giúp học viên củng cố các kiến thức về kĩ năng dàn dựng ánh sáng và quay phim. Thao tác vẽ ảnh 3D sống động trên nền 2D là một kĩ năng rất cần thiết để tạo ra những hình ảnh chất lượng. Jonathan sẽ hướng dẫn các bạn phương pháp thực hiện kĩ thuật này thật nhanh chóng và hiệu quả. Bất cứ nhà làm phim, quay phim, người thiết kế ánh sáng hay nhiếp ảnh gia chụp ảnh quảng cáo nào đều có thể tiếp thu được những kiến thức quý báu trong buổi hội thảo này.
Buổi hội thảo sẽ sử dụng người mẫu và thiết bị thật để mô phỏng cho người xem thấy kết quả chân thực như khi dàn dựng thực tế.
Địa điểm: Hội trường Trường điện ảnh Quốc tế Sài Gòn (SIFS)
Ngày 18 và 19 /07/2013
 
Có ai đi với mình không? Đăng kí free nha^^
HỘI THẢO LIGHTING ON THE RUN tại TPHCM
Buổi hội thảo được tổ chức với mục đích sáng tạo và cung cấp thông tin bổ ích nhằm giúp học viên củng cố các kiến thức về kĩ năng dàn dựng ánh sáng và quay phim. Thao tác vẽ ảnh 3D sống động trên nền 2D là một kĩ năng rất cần thiết để tạo ra những hình ảnh chất lượng. Jonathan sẽ hướng dẫn các bạn phương pháp thực hiện kĩ thuật này thật nhanh chóng và hiệu quả. Bất cứ nhà làm phim, quay phim, người thiết kế ánh sáng hay nhiếp ảnh gia chụp ảnh quảng cáo nào đều có thể tiếp thu được những kiến thức quý báu trong buổi hội thảo này.
Buổi hội thảo sẽ sử dụng người mẫu và thiết bị thật để mô phỏng cho người xem thấy kết quả chân thực như khi dàn dựng thực tế.
Địa điểm: Hội trường Trường điện ảnh Quốc tế Sài Gòn (SIFS)
Ngày 18 và 19 /07/2013
Trường gì tên lạ vậy bạn? mà trường đó ở đâu???
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top