What's new

[Chia sẻ] Miền cao vài chỗ dừng chân

So với nhiều bạn bây giờ, tôi không phải người đi nhiều.

So với cách đây vài năm, cảm xúc và khả năng viết lách, chia sẻ giảm đi nhiều.

Nhưng cũng sợ mình sẽ quên mất, hoặc phí hoài một vài chỗ dừng chân.

Nên viết mấy dòng, mấy bức ảnh. Cũng là chia sẻ.

Sẽ không theo cung đường cụ thể nào cả, mà tản mạn, mỗi nơi, mỗi chuyến, gần có, xa có, mới có, cũ có. Lúc nào còn nhớ ra thì còn vào viết vài dòng.
 
Lạng Sơn cuối tháng 4.2011. Hoa gạo đỏ rực, cây nhỏ cây to rải rác nhưng tất thảy đều nở bung ra như thể đang chính vụ. Mùa đông rét đậm lại kéo dài nên hoa gạo mới nở suốt tháng 4 như thế.

Đứng trên cột mốc 1116 (cửa khẩu Hữu Nghị), một trong những cột mốc cuối cùng được cắm trên tuyến biên giới Việt- Trung và đã được định vị toàn cầu GPS, anh Phó Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ tay về cây gạo già trước mặt nói với mình: Đấy cũng là cột mốc cứng xác định ranh giới quốc gia, bên này cây gạo là đất của ta, phía bên kia của bạn. Anh dùng từ bạn nhưng mình không thích. Còn cột mốc cứng, ừ, ai mà trong một đêm bứng được cái cột mốc thiên tạo ấy xê dịch vài chục thước đất cơ chứ!

Ở cửa khẩu Hữu Nghị có 3 cây gạo. Cây gạo anh Phó Chỉ huy nói đến ở bên tay phải từ phía ta nhìn sang và nằm gần như chính giữa đường biên. Hai cây còn lại ở hẳn trên đất của Trung Quốc, bên tay trái, cạnh đồn kiểm soát. Cả ba đều khoe một cung màu đỏ mà mình chỉ biết nói là đẹp tuyệt. Tiếc là mình không ghi lại được, cũng không kịp hỏi mấy cây gạo ở đây có tự bao giờ vì anh Phó Chỉ huy bận giới thiệu cửa khẩu Hữu Nghị với các thành viên trong Đoàn. Không biết hơn ba chục năm trước, liệu chúng đã đứng đây làm nhân chứng cho một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt và người ta đang dường như muốn quên đi hay chưa? Mình đoán chúng đã, khi nhìn vào thân cây đại thụ, lớp vỏ xù xì, meo mốc.

Lâu rồi, mình đọc một truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng (viết năm 79) trong đó có ý rằng, hình như ông trời có ý phân chia địa giới nên mới gieo giống cây gạo bên đất mình, còn phía bên kia thì không có một cây nào. Chẳng thế mà hoa gạo mọc suốt một rẻo biên giới. Tra Google, mình thấy một truyền thuyết, kể rằng, hoa gạo là thứ trời cho người U Ni, một dân tộc ở biên giới phía Bắc nước ta. Vùng đất của người U Ni đêm đêm thường bị kẻ thù xâm lấn, chúng nhổ những chiếc cột mốc biên giới cắm sâu sang địa phận của người U Ni hòng chiếm đất đai. Người U Ni chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với lời nguyền “nếu hy sinh sẽ biến thành những cột mốc biên giới mà quân thù không thể nhổ đi được”. Ông trời thấu hiểu và gieo xuống phía bên này cột mốc biên giới, những hạt giống cây gạo có sức chịu đựng sương gió phi thường và nở hoa đỏ rực rỡ.

Vậy thì tại sao hôm nay lại có những cây hoa gạo đứng ở phía bên kia???
 
Xem topic này xúc động quá, nhìn lại một số chặng đường mình đã qua, những cảnh mình đã gặp và những khoẳng khắc mình chưa từng trải qua....nhưng vẫn thấy rưng rưng. Muốn gào lên: thế giới quả thật là kỳ diệu:) và Việt Nam mình đẹp quá đi thôi:)
 
Hoa hồng Sapa trong một quán cafe ở Sapa

6856854978_344e5e9399.jpg


Nhiều rất nhiều những bông hồng cánh mỏng manh tựa như hơi thở nhẹ... Để tặng một người... Gần mà thật xa...

Nhiều rất nhiều những bông hồng, cuống tươi nguyên, lá xanh bời bời... Hồng chẳng vô tình đâu nhưng làm sao hiểu lòng người tả tơi như vừa trải qua một cơn lũ xiết... Cơn lũ xiết gặp phải cù lao chia thành hai dòng... một hững hờ phẳng lặng một cuồn cuộn bão giông ...

Nhiều rất nhiều những bông hồng, gai sắc bình thản hướng ra bốn phía... Chạm chiều nào cũng là đau... Chạm chiều nào cũng là xót... Chạm chiều nào cũng là giật mình... Chạm chiều nào cũng thấy đủ chênh vênh... Vì yêu mà đau... Rồi lại vì đau mà càng yêu...

Nhiều rất nhiều bông hồng không chỉ của hôm nay mà còn của rất nhiều ngày sau... Duy nhất dành cho một người... Xin lá cứ xanh, màu cứ thắm, cánh cứ mỏng, gai cứ sắc... dẫu thời gian qua... Giống như một tình yêu...
 
6937793057_9aaab33d11.jpg



Căn nhà này, mảnh ruộng này ở xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái. Đó là một trưa tháng Mười u ám. Thi thoảng có đợt mưa nhè nhẹ. Trong khi hai cô bạn leo lên chiếc xe máy của Giàng A Chu, cán bộ văn hóa xã, mất nửa tiếng để vượt qua quãng đường đất 600m trơn tuột, đến nhà chị Lý Thị Lỳ, thì mình nhát gan, chọn ở lại UBND xã, loăng quăng và chụp vớ chụp vẩn.

Nhà không có ai. Cửa khóa then cài vắng lặng. Chớm vụ gặt, chắc mọi người đang ở một mảnh ruộng xa lắc lơ nào đó và đến tối mới trở về. Ngồi tệt xuống bậu cửa, mình chìm trong ngàn con sóng vàng tưởng như bất tận…, và nghĩ tới giai điệu nhẹ nhõm của Simple Love (Alison Krauss).

Little yellow house sittin' on a hill
That is where he lived
That is where he died
Every Sunday morning
Hear the weeping willows cry

Two children born
A beautiful wife
Four walls and livin's all he needed in life
Always giving, never asking back
I wish I had a simple love like that


Có gì đó tương đồng giữa khung cảnh trong bài hát và hiện thực này. Phải chăng, đều là một cuộc sống giản dị, thay vì, ở giữa những ngã tư băn khoăn như bác Trần Dần (và hàng triệu triệu người): “không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được. Nhưng tại sao tôi cứ ám ảnh: cái ngã tư tại sao ấy. Tôi quên không được. Đi đi không được".

Sự giản dị của cuộc sống miền sơn cước này cũng có thể chính là lý do khiến cho người ta mỗi lần lòng dạ tan hoang lại muốn tìm về đặng mà “thu xếp lại”; mà đuổi đi hết chuyện ngày xưa, chuyện hôm nay, rồi những lo lắng mai sau…; mà nhận ra sự cần lao và niềm vui thú, những thăng trầm, đó là cách thức của cuộc đời này; mà thấu hiểu, “được sống” đã là một hạnh phúc tột cùng và rằng, gia đình là điều duy nhất có thật, những cái khác chỉ khi có khi không…
 
Đọc bài của bạn Mint rất sướng. Bạn có những quan niệm, cảm xúc rất tuyệt, viết rất hay. Rất hâm mộ bạn!
 
Lâu rồi mới đọc một topic hay đến vậy, mình muốn cảm ơn người viết và những người đã tham gia.
Đọc một lượt, mới chợt nhận ra rằng, trong một cuộc hành trình dài, cái ta đạt được, cái ta nhớ nhất đôi khi chỉ là một hình ảnh, một âm thanh nào đó bất chợt hiện ra và cũng có thể là biến mất ngay sau đó.
Chợt nhớ những hình ảnh ta bắt gặp ngày xưa, thiêng liêng và đẹp đẽ biết bao.
 
6902045848_77215dafe2.jpg


Thảng hoặc, tôi lại cháy lên một mong ước: để tất cả lại phía sau, lang thang miền cao, chụp những cánh cổng dẫn vào mỗi ngôi nhà…

Không sang trọng. Không kín đáo. Không bê tông cốt thép. Chỉ vài viên đá ong xếp thành trụ. Có khi là dăm cây xanh trồng theo hàng theo lối. Hoặc chỉ vài thanh tre, hay thân cây khô đan hờ hững, cắm hờ hững như trong bức ảnh này… Tưởng như, chúng ở đấy để cho có, chứ chẳng phải là biên giới, lằn ranh, là chỗ chia cắt và bước qua trong không gian- bên này và bên kia (mà vẫn đủ sức làm dịu lại những ồn ào, chen chúc). Vì thế, sau những tần ngần ở mỗi cánh cổng, tôi thường lò dò đi vào… Nhà vắng thì nghiêng ngó mảnh sân. Nhà có người thì chào hỏi, trò chuyện... Cũng lắm phen, đứng tim, mất mật vì… nhà có chó.

Ở một góc độ nào đó, cánh cổng nhà vùng cao giống những người chủ nhà- mộc mạc, có chút tuềnh toàng, và luôn rộng mở. Tôi không sao quên bữa trưa say lất ngất rượu ngô ở nhà chị Lý Mán Mẩy (Tả Phìn, Sapa), lúc tỉnh dậy, thấy chị đang tỉ mẩn thêu thổ cẩm bên bếp lửa, tôi hỏi: anh (chồng chị) đâu, chị chỉ vào chiếc giường ở góc nhà, cười hiền hậu hồn nhiên, và nói: “Nó cũng say, đang nằm thở như con lợn ở kia kìa”. Không biết tôi có thi vị hóa, mơ mộng hão huyền quá hay không, nhưng quả thật, lần đầu trong đời, tôi thấy, việc ví ai đó như con lợn chả xấu tí nào, thậm chí còn khá dịu dàng. Giả sử, anh chồng có nghe được, chắc cũng chỉ cười ngượng cười nghịu… chứ không thượng hạ các loại cẳng chân tay. Hồi trưa, anh chả rót rượu cho chị suốt…

Những ngày nhẻm đen trong nắng gió Tây Nguyên này, tôi nghe thêm nhiều chuyện về những người dân tộc ở đây và nhận ra rằng, dù sinh sống nơi núi cao, hay đại ngàn hùng vĩ, họ đều giống nhau ở nét chất phác, không toan tính, không biết đến chen chúc. Anh bạn vong niên chép miệng: “Chỉ có người Kinh là… kinh thôi”! Thật thế chăng?

Nghe tôi ước đi chụp những cánh cổng nhà miền sơn cước, bạn bảo “hâm vừa thôi”. Trong mắt bạn, những cánh cổng đơn sơ ấy là chuyện hết sức bình thường và tự nhiên. “Họ có gì để mất đâu mà phải kín cổng cao tường”, bạn nhún vai, lắc đầu.

Tôi lại nghĩ, họ có tất cả. Họ không cần phải tìm kiếm gì bởi vì một cuộc sống giản dị đều ở đấy rồi. Họ cũng không phải khép chặt cánh cổng nhà mình, bởi cuộc sống giản dị của họ là thứ bao kẻ khát khao nhưng dẫu cố gắng thế nào thì cũng không thể lấy đi được.
 
Ngang lưng đèo, nơi có thể ngắm được những thửa ruộng bậc thang tràn trề lúa đang thì con gái mướt mát, lũ trẻ túm lại ríu rít. Theo thói quen lang thang của những Kẻ Đi thường là sà vào móc kẹo ra rồi tíu tít hỏi han, tíu tít chụp ảnh và chơi với lũ trẻ. Kẻ thì mong dụ dỗ để có những tấm ảnh trong veo bởi mắt, bởi nụ cười, bởi má hồng căng. Kẻ thì chỉ đơn giản được thả vào những bàn tay bé xíu lấm lem những viên đường ngọt bọc giấy màu. Kẻ thì chỉ đơn giản được ngắm nghía gần hơn những đứa con đầy hoang dã của núi rừng. Và có Kẻ níu cả đoàn xe lại chỉ vì những bó hoa. Hoa dại có ở khắp nơi, đương nhiên cứ quờ tay ngắt là có một bó. Nhưng bó hoa của cô bé đứng đó lại rất đáng yêu bởi sự kết hợp dịu dàng và nếu có thể nói rất hài hòa về loại cũng như màu sắc đến ngạc nhiên. Tím, đỏ đun, trắng, những cành hoa dại dài nhỏ li ti xen lẫn xung quanh và cao vút ở giữa. Bó hoa bồng bềnh, rộn rã và cứ như có cả sự thẹn thùng của cô bé ít nói vậy. Những mảnh nilon được quấn cẩn thận với một sợi dây của cây leo quấn chặt giữ phía sát những bông hoa, chà, bạn có thể không bị thu hút không nào. Cô bé lỏn lẻn còn Kẻ Đi thì ngỡ ngàng.
Ở chốn đô thành, những bó hoa rực rỡ lấp lánh đầy sang trọng kiêu kì trong các hàng hoa đã ngốn của không biết bao nhiêu tiền của người mua, người tặng dù với cả tấm lòng hay chỉ là sự xã giao phải có. Nhưng thực sự những bông hoa ở trong bó hoa đấy thế nào chắc không mấy người biết hay nhìn được hết. Bởi có thể chỉ một bông hoa nhưng có hàng mớ giấy bóng, giấy trang kim lấp lánh muôn màu, hàng chục cành lá các loại nhồi nhét cố làm nổi 1 bông hoa và cố làm bó hoa trông thật lớn, thật đằm tay. Những hạt, những kim tuyến, những nhũ phun tràn lan, đính tràn lan làm lu mờ bông hoa có khi chỉ còn phần bông phía trên, bên dưới đã bị que tre chọc thẳng, sợi thép quấn quanh để nắn dáng. Bó hoa đẹp lung linh trong ánh sáng nhưng thường thì người ta thấy đó là một bó giấy rực rỡ nhiều màu mà người ta mặc định hình dáng đó là bó hoa. Người ta thực sự chưa bao giờ nghĩ rằng họ bỏ tiền ra mua những gói giấy được tạo hình, những thứ không có sự sống, không hương hay đơn giản là không phải mang thông điệp mà họ muốn gửi gắm. Giấy thật là đắt, nhỉ. Bởi họ mua hình thức, họ cố chọn những bó to lộng lẫy nhiều màu chứ họ đâu có chọn hoa. Thường vào hàng hoa có mấy ai chọn mua hoa không, họ chọn và thường kèm câu "Bó đẹp vào nhé". Nếu có ai để ý chút bông hoa phía trong sao nó bị bẻ thế này nắn thế kia, sẽ thường nhận lại những lời lạnh lùng "Muốn bó đẹp thì phải can thiệp vào chứ hoa tự nhiên lấy đâu dáng thế". Đương nhiên rồi, hoa tự nhiên thì mọc tự nhiên, lớn tự nhiên, đâu có thể tự nhiên uốn dáng theo người mong muốn chứ. Họ không hề biết rằng bó hoa vẫn hoàn toàn có thể đẹp khi tự nhiên như thế nào. Họ không biết rằng những thứ tự nhiên lại có ý nghĩa và giá trị thật sự thế nào. Bó hoa của cô bé núi rừng không gò ép nhưng lại có những chuẩn mực kết hợp rất đáng để người ta phải để ý. Và nếu được nhận thì chắc hẳn nó sẽ được nâng niu và được nhận biết hết vẻ đẹp của từng bông hoa chứ không phải đám giấy màu rực rỡ. Những Kẻ Đi thấy mình đã nhận được một bó hoa thật tuyệt.



page1-1.jpg
 
Ngắm bó hoa trong tay cô bé bạn sbn chụp, mình nhớ một bài thơ đọc từ rất lâu, không còn nhớ tên tác giả nữa.

"Sao lại kêu hoa dại?
Hoa nào là hoa khôn?
Sự khôn, dại lấy gì định giá?
Khi hoa kia biết làm đẹp tâm hồn".
 
Last edited:
Đã vào mùa hoa ban, vẫn nhớ về hoa mận
Dưới những cánh sưa rơi, chạnh lòng vì hoa trẩu

Ảnh đã cũ, cũng đã dùng rồi, nhưng nhớ miền cao, lại lấy ra gặm nhấm một chút gì rất thảm trong mình, một chút buồn vì đã không còn nhiệt huyết, vì những lo toan lại kéo đi, kéo đi.

67190674.jpg

Tìm sao được những khoảnh khắc cũ. Khoảnh khắc luôn là cũ.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,575
Bài viết
1,153,776
Members
190,132
Latest member
thetkenoithat
Back
Top