What's new

[Chia sẻ] Tự truyện: "Độc hành chấm"

Sài Gòn vẫn thế, ngày nóng đêm lạnh. Nhưng dường như cái lạnh đấy không thể tồn tại trong một căn phòng nơi chàng trai Trần Tín đang chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Hàng tháng trời trước đó, một cảm giác tù túng và áp lực từ những công việc và cuộc sống hàng ngày như đã dồn nén chàng vào một không gian không lối thoát. Việc chuẩn bị cho một chuyến đi thế này không mấy khó khăn khi đó là công việc mà chàng làm hàng tháng. Một vài cái áo thun rồi đến túyp kem đánh răng, túi thuốc y tế, máy ảnh, ... lần lượt được cho vào vị trí của chúng. Giấy tờ cá nhân và những tài liệu cần thiết cũng không có gì nhiều lắm. Cuối cùng, chiếc máy Garmin được cẩn thận kiểm tra, và được giắt vào thắt lưng. Từ lâu lắm rồi, cũng học đòi chữ nghĩa theo Trang Tử, nên chàng đôi khi cũng tự hỏi "máy GPS được mang theo ta, hay là ta đi theo máy GPS", và cũng lẫn quẩn trong cái suy nghĩ đó. Với điểm đến lần này, gần như mọi người điều biết nó nằm trên mặt biển, và xung quanh nó chắc cũng không có gì ngoài ... nước biển. Thế tại sao ta lại bỏ công đi ra đấy chỉ để chụp vài bức ảnh? Mà không dành thời gian đó vào những tiệc rượu bia với đồng bọn hay những tiếng nhạc xập xình nơi sàn nhảy. Hoặc nói cho có trách nhiệm hơn, rằng sao không dùng thời gian dành cho gia đình hay làm những việc công ích.

Chàng không thể trả lời câu hỏi đó, cái cảm giác phải thực hiện chuyến đi đã chiếm trọn tâm trí chàng đến mức mọi công việc khác đều bị quên lãng. Chuông điện thoại reo vang cắt ngang dòng suy nghĩ miên man đó. Giọng nói của Sandy thỏ thẻ "Bây giờ em ghé sang chỗ anh nhé". Sandy là cô bạn thân của chàng, cũng từng tham gia nhiều chuyến dã ngoại. Dẫu cô nàng có vẻ muốn tham gia chuyến đi này, nhưng chàng thì vẫn quyết độc hành. Tìm được một người bạn đồng hành không dễ dàng chút nào, tìm được một "bạn chấm" còn khó hơn gấp bội. Đây không phải là chuyện tham lam, muốn giành chấm cho riêng mình, nhưng hình như chàng muốn tự mình đi tìm nó, và reo mừng như đứa trẻ nhận được quà khi mẹ trở về nhà. Tiếng xe máy của Sandy dừng trước cổng, lướt qua đầu để kiểm tra danh mục đồ đạc lần cuối, chàng cúi đầu hôn nhẹ vào máy GPS và sãi bước ra đi khỏi phòng. Đồng hồ chỉ 7h30 tối, chiếc ghế của xe Mai Linh được đặt tận 10h mà chàng chỉ muốn có mặt ngay tại bến xe. Để rồi gào thét lên rằng: "tôi cần đi gấp, hãy đổi vé ngay cho tôi". Nhưng không, một tiếng nói khác vang lên ngay lập tức. Tất cả cần phải tuân thủ thời gian đã định, chuyện gì đến tự nó sẽ đến. Chàng cũng hiểu rõ rằng, hãy để cái cảm giác nôn nao, cái cảm giác súng đã lên đạn chỉ chờ hiệu lệnh, cái cảm giác chờ đợi và háo hức. Ngồi nhâm nhi cafe cùng Sandy nơi góc phố, chàng chợt thấy Sài Gòn đẹp biết bao, có vô tình không khi lại rũ bước rời bỏ nơi ta đang sống chỉ vì nơi đó có tọa độ không tròn trịa.

Góc phố yên lặng lắm, tán cây bàng như dang những tán lá để ôm trọn con đường. Vài phút, một chiếc xe máy chạy ngang và phá vỡ cái không gian đó. Nhưng chỉ trong phút chốc, tất cả lại trở về bình yên. Sandy đưa chàng ra xe, và buông câu chào thật nhẹ nhàng "chúc vui vẻ". Chàng biết Sandy không muốn chàng thực hiện chuyến đi này, hay ít ra là vào lúc này. Và có lẽ nàng cũng hiểu rằng, cản trở bước chân chàng, là điều không thể.

Việc lấy vé xe tại văn phòng cty Mai Linh khá đơn giản và nhanh chóng. Máy lạnh vẫn phả ra từng tràng hơi mát như muốn đóng băng thời gian của chàng, chỉ còn 45 phút là xe sẽ rời bến, mà sao chàng cảm giác như là 45 ngày chờ đợi. Không, phải học cách kiềm chế cảm xúc, chàng bắt chuyện với con bé bán vé, hỏi han về những tuyến đường, và theo thói quen, lại cho ra ngay vài kế hoạch khám phá những miền tổ quốc đẹp đẽ và diệu kỳ. Chuyến tiếp theo có thể là đâu nhỉ? Quảng Ngãi hay Kum Tum, Hà Nội hay Bình Định. Xe Mai Linh đều có tất, và có những giờ chạy đêm khá phù hợp khi ta cần tiết kiệm thời gian. Chuyến xe trung chuyển đông chật người, đến nổi muốn nhường ghế cho một bác cũng không thể đứng lên được. Và lại trở về với dòng suy nghĩ của mình. Ngày mai mình sẽ đến chấm ư? Thật không thể tin nổi, như là một lo lắng sẽ vuột mất con mồi trong tầm với. Cách đây vài tháng, khi rẻ cung đường từ phà Tắc Cậu về Rạch Sỏi, rồi vòng sang Rạch Giá để đi Hà Tiên, chàng đã vờn con mồi này. Địa lý có những điều thật thú vị. Nếu có ai đó hỏi Trà Cổ (Vĩnh Long) và Phú Quốc có gì chung không? Địa hình cũng khác, dân cư cũng khác, con đường khác, con lạch càng khác, ... Nhưng địa lý lại cho một câu trả lời rất đẹp và hấp dẫn rằng "hai nơi đó cùng năm trên một vĩ tuyến". Và chắc cũng khó ai tin và một phát biểu tưởng chừng như ngu ngơ rằng là "Rạch Giá là trung điểm của Phú Quốc và Trà Cổ - Vĩnh Long"

Ghi chú: khoảng cách giữa 2 điểm trên cùng 1 vĩ tuyến và 2 kinh tuyến liền kề, phụ thuộc vào trị số của vĩ tuyến. Khi tiến về 2 cực thì khoảng cách này giảm về 0. Có thể nói xấp xỉ khoảng cách này là 110km tại Việt Nam, nhưng không nên học vẹt con số 110 đấy, vì biết đâu chừng mai đây, ta có cơ hội ra nước ngoài, hí hí.

Vớ vẫn, ngưng ngay, kẻo ta lại vỡ ra cười thì mọi người trên xe lại không hiểu gì đấy. Chàng thử vào GPRS thì không được, nên đành nhắn vài tin vớ vẫn rồi cố chộp mắt cho đừng mất sức. Xe bon bon trên QL 1A đến quá nữa đêm thì ghé vào trạm dừng chân Cái Bè.

-------------------
(còn tiếp)
 
Đêm khuya, đường vắng, những ánh đèn cao áp vàng vọt và khoảng không gian tỉnh lặng bao la. Đây không phải là lần đầu tiên chàng trai ấy đi trong đêm vắng, nhưng đêm nay đã không chứa bất cứ nguy hiểm gì, mà ngược lại, đêm nay như là một mảng màu rất mới trong bức tranh cuộc sống. Đêm nay rất an toàn, vì ta đang đi trên đất mẹ. Sau khi thử vài món ăn vặt và ly cà phê, chàng lên xe để tiếp tục hành trình. Vượt qua cây cầu Mỹ Thuận quen thuộc, xe rẻ phải về hướng TX Sa Đéc, đoạn đường ở đây bắt đầu xấu, nhiều ổ gà và rất hẹp cho một chiếc xe 45 chỗ ngồi. Những cây cầu trên đoạn đường này cũng già nua, và đang được nâng cấp hay xây mới. Một lần nữa, chàng biết rằng mình đang đi vào lòng của miền Nam yêu dấu, với hệ thống giao thông "đường cặp bờ kênh, mà cầu nhiều hơn ngã rẻ". Vượt qua TX Sa Đéc, chàng mê man đi vào giấc ngủ.

Tiếng gọi nhau í ới, tiếng còi xe đánh thức chàng tỉnh dậy. Cái bảng "Bến phà Vàm Cống" hiện ra trước mắt. Nhân viên xe bắt đầu phát vé khách bộ hành cho từng hành khách. Nhưng bằng thương lượng nào đó, kèm theo 20.000 đ, xe được đi xuống cầu dẫn mà hành khách vẫn ngồi trên xe. Điều này hết sức nguy hiểm, vì mặc dù gọi là "cầu dẫn", nhưng cái đầu bên kia là một phao nổi dập dềnh theo dòng nước. Nói gọn, đây là giai đoạn mà xe có rủi ro tai nạn rất cao. Rủi mà nó làm cái ùm thì 45 mạng khó mà thoát được. Nhưng nếu bắt cả 45 người xuống xe thì ai cũng mệt mỏi chen lấn, vượt qua những "vòng vây" hàng rong, và cả móc túi, giựt dọc. Lội bộ trong cơn buồn ngủ, và sau đó nhà xe mất thêm vài chục phút để chờ khách lên đủ. Và biết bao nhiêu chuyến xe đã lên xuống mà xảy ra chuyện gì đâu, người ta đã dùng từ "tiện" để ngụy biện cho sự vận hành kém an toàn của họ. Hình như chúng ta có 3 vết mòn trong suy nghĩ, đó là "làm sao tai nạn xảy ra được", và "trời kêu ai nấy dạ", sau đó thì "chuyện qua rồi nhắc đến làm chi".

Bến phà, nơi chứa đựng nhiều kỉ niệm với mọi người con vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có những cuộc sống mưu sinh vất vả. Bến phà, nó khác như bến xe hay bến tàu ở chỗ, nơi đó không có những cuộc chia ly, nó chỉ là nơi mà người ta vượt qua những con sông cuồn cuộn chảy trên hành trình của mình. Nhớ ngày cầu Mỹ Thuận khánh thành, không biết bao nhiêu người đã đổ về chiêm ngưỡng một công trình vĩ đại mà họ chưa hề tưởng đến trước đó, và nền kinh tế của khu vực như chắp thêm sức mạnh khi giao thông rút ngắn đến 30 phút để vượt sông Tiền. Nhưng có lẽ ít ai biết đến rằng đã có một lực lượng không nhỏ lao động của hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long bị rơi vào thất nghiệp. Có người đi phương xa tìm việc mới, có người về với ruộng vườn. Nhưng cũng có những mảnh đời không thể rời xa nơi ấy. Nếu có dịp ghé lại trên cầu, bạn hãy thử bắt chuyện với những người bán nước dạo, hay những bưu thiếp hình ảnh của cây cầu, cởi mở, thân thiện và không hề dấu giếm rằng "bây giờ bán bữa được bữa không, có mấy người ghé lại như ngày xưa ở dưới bắc nữa đâu".

Ghi chú: bắc = bến phà. Và việc dừng xe trên cầu là vi phạm an toàn giao thông. Tác giả không khuyến khích điều này (mặc dù tác giả đã làm vài ba lần, ặc ặc).

Vượt sông Hậu, xe tiếp tục rẻ vào QL80 và tiến về hướng Rạch Sỏi. Con đường này lại đặc trưng với vô số cống hộp liên thông con kênh chạy dọc theo đường với những con kênh rạch sâu vào trong nó. Con đường vẫn hẹp, nhưng không còn dằn xốc để có thể tiếp tục ngủ những giấc ngắn. Và rồi xe đến Rạch Sỏi, vẫn chưa thể tỉnh giấc. Cuối cùng thì chuyến xe cũng hoàn thành an toàn cung đường đã định. Bến xe Rạch Giá nhỏ nhưng náo động bởi cánh xe ôm bắt khách, và vài người điều hành bến bãi. Mai Linh tiếp tục phục vụ xe trung chuyển về bến tàu cho khách có nhu cầu, nhưng tôi quyết định dạo bước. Bởi lẽ lúc đấy chỉ là 4h, có điều gì đó bất thường chăng, khi chính Mai Linh khẳng định với ta hành trình SG- Rạch Giá sẽ cập bến lúc 5h. Mãi khi chuyến đi kết thúc, chàng mới hiểu 1h dự trữ này có ý nghĩa gì, và thậm chàng còn được sử dụng nó, nhưng chuyện này hãy để bàn sau nhé.
 
Thêm mấy xu hình cho nó sinh động và dễ hình dung bạn ơi !

Vâng, bánh sẽ được nướng trong 30 phút, quý khách vui lòng chờ. Trong lúc chờ đợi, mời quý khách dùng cafe miễn phí của quán.

3414b2994dfbe20d.jpg
 
Khoác tay từ chối những cuốc xe ôm, chàng bắt đầu rơi vào trạng thái u mê lạc lối, không biết mình đang ở đâu. Thật ra chàng đã cố tình vứt bản đồ Rạch Giá ở nhà, và đó là cái sướng của ... định vị. "Cảm ơn bạn đã sử dụng hệ thống định vị vệ tinh VietMap ..." giọng oanh vàng thỏ thẻ vang lên từ chiếc PDA và không mất nhiều thời gian để "đã bắt được tín hiệu vệ tinh GPS, đang tìm đường lại ...". Thông thường, khi người ta đứng ở một địa điểm và xác định hướng chính Bắc là xong. Rạch Giá là một thành phố - tỉnh lỵ của Kiên Giang, có một sân bay, cảng cá Tắc Cậu về phía Nam, và nhiều núi đá vôi về phía Bắc, nơi đặt nhà máy xi măng Hà Tiên 2 và gần đó là xi măng Holcim. Kiên Giang còn có 2 địa điểm du lịch nổi tiếng là Thị Xã Hà Tiên và Huyện đảo Phú Quốc. Uống vội một cốc cà phê nóng, chàng dạo bước về hướng bến tàu cách đó không xa. Đường phố vắng không một bóng người, thỉnh thoảng vài chiếc trung chuyển Mai Linh phóng vèo qua hay những chiếc xe đạp lôi chất đầy rau củ lầm lũi đi trong đêm tối.

Đoạn lại nói về phương tiện xe đạp lôi. Hình ảnh đấy xuất hiện cách đây 20 năm rồi, đó đơn giản là một thùng hàng trên 2 bánh xe, và được kéo bằng chiếc cub 67, hay là một chiếc xe đạp đòn ngang. Ở Vĩnh Long hay bên trong nội thị thành phố Cần Thơ (lúc bấy giờ thuộc về tỉnh Cần Thơ) có rất nhiều loại phương tiện này. Và chàng biết về nó qua những lời kể của bố mẹ, hay những lần về thăm quê nội. Xe đạp lôi, ít xuất hiện hơn, thường chỉ có ở đoạn từ cầu phà lên trên điểm đón khách của xe, do cầu phà phụ phía bờ Cần Thờ có đường dẫn rất dài đến gần 1km. Cách đây nhiều năm, TP. Cần Thơ có chủ trương cấm loại xe này chạy trong nội thị, nên nó ít xuất hiện dần. Tỉnh Vĩnh Long cũng cấm xe này chạy trên QL 1A. Tưởng như với những quyết định trên, cộng vào sự thay đổi như vũ bão của nền kinh tế, loại xe nầy đã bị tuyệt chủng. Nhưng không, chàng đã lầm, lầm rất to. Khi thực hiện chuyến đi vòng quanh Tây Nam Bộ hay lần này, vẫn còn rất nhiều phố thị sử dụng loại phương tiện này, có khác chăng, chỉ là hành khách dùng nó ít hơn, vì đã có rất nhiều xe honda ôm. Và xe đạp ôm phần lớn chỉ chở hàng hóa.

Vẫn còn gần 2 giờ đồng hồ nữa thì mặt trời mới ló dạng, ngồi bên ly cà phê đang nhiễu ra từng giọt, chàng bắt chuyện và hỏi thăm bà bán cà phê về thuê vỏ lãi để đi ra ngoài bãi bồi. Quanh đó, 3 người bốc xếp vẫn rít từng hồi những mẩu thuốc, và nhanh nhẹn bốc những túi rau củ từ các chiếc xe thồ xuống tàu. Còn dọc về phía bên kia của cảng là những đại lý bán vé tàu cao tốc đi Phú Quốc, Hòn Tre, ... Hiện nay, để ra Phú Quốc, người ta có nhiều lựa chọn về tàu cao tốc, như Vinashin, SuperDong, Hải Âu, Trameco, ... với giá vé tầm ngoài 200.000 đ và lý trình chiếm 2 giờ 30 phút vượt biển. Tốc độ của những con tàu rất cao, đạt đến 50kmh (27 knot) và nhẹ nhàng lướt sóng đã trở thành thách thức của phương tiện hàng không, vốn rất đắt nhưng lại ít chuyến trong ngày. Chẳng những thế, những hãng tàu này có hệ thống phân phối vé rộng khắp, từ những kiot đặt dọc bến cảng, đến từng quầy lễ tân các nhà nghĩ và khách sạn gần đó, hay chính bà bán cà phê cũng có thể trở thành người bán vé. Vé tàu hết rất nhanh, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Ngẩm nghĩ mãi, chàng quyết định sẽ ra Phú Quốc bằng chuyến tàu 13:30 cùng ngày, và sử dụng tàu SuperDong I.

5:00 sáng, bắt đầu có những người đi tập thể dục buổi sáng, và loa phóng thanh chào ngày mới bằng một bài diễn văn "thế trận phòng thủ khu vực" của một vị cấp tá nào đó. Bài đọc dù rất dài, nhưng cũng chỉ quanh quẩn chuyện biển đảo của ta là cho ngư dân khai thác, có chuyện gì thì ta sẽ sẵn sàng bụp. Chợt ngẫm lại mình thấy vô tâm quá, toàn dân đang tham gia quốc phòng mà mình thì lo đi chấm mút (!??) Nhỡ có chiến sự, thì mấy cái chấm đâu có cản được bước xâm lược của quân thù. Thôi chuyện quân sự, loa phóng thanh lại chuyển qua bài nhạc cách mạng với không khí hừng hực, như khẳng định một lần nữa bài viết quốc phòng vừa phát. Tuy vậy, bài nhạc đã tác động mạnh đến chàng Trần Tín, lúc này còn đang mơ màng với những con số kinh độ và vĩ độ. Chàng nhấc mông lên, và sẵn sàng đi săn những bức ảnh bình minh trên bến cảng. Trời vẫn còn lạnh ...

Đi một vòng quanh bến cảng, tầm vài trăm mét, chàng quyết định ăn sáng bằng món cơm tấm cũng ở gần đó. Cơm hơi khô, nuốt không trôi lắm, nhưng không ăn thì chỉ còn hủ tíu và phở, chắc cũng không khá hơn gì. Thôi thì cứ tạm no cho buổi sáng cái đã. Bến tàu ở Rạch Giá khá rộng rãi, bao gồm một tòa nhà, là nơi mua bán vé tàu, vé xe, nơi bán bánh kẹo, phòng gọi điện thoại công cộng, và phòng vệ sinh. Xung quanh là con đường một chiều cho xe chạy và bãi đổ taxi, ngoài nữa là hệ thống cầu cảng với vài con tàu đang neo đậu. Hàng hóa cũng đang được chất xuống tàu chở chuyến 8:30 sáng. Khi mặt trời bắt đầu lên thì chàng mới nhận ra một điều nữa là đâu phải bãi biển nào cũng đón được bình minh, và bến cảng Rạch Giá này thì đang quay về hướng ... Tây. Vã lại, dù gọi là bờ biển nhưng nơi đây không hề có cát trắng hay những cây dừa. Coi như cái con nghệ thuật nó lại chạy khỏi tầm tay của chàng rồi. Tiếp tục đi ngược lại về chỗ bà bán cà phê lúc sáng, và mới biết tin rằng không thể tìm thấy vỏ lãi nữa. Chàng quyết định đi vòng sang bên kia sông bằng 1 cây cầu sắt. Phía bên kia ấy chính là khu vực mà Rạch Giá đã lấn biển, và nay trở thành một khu dân cư khá khang trang với nhiều tòa nhà xây kiểu biệt thự, vài khu công viên và một nhà hàng ven biển khá rộng lớn. May mắn thay, chính phía bên này sông mới là nơi đậu những ghe chài, thuyền cá. Hỏi thăm vài người xong quanh đó, cuối cùng chàng cũng tìm được một con tàu nhỏ (tải trọng chắc chừng vài tấn), có cabin, và trông cũng còn kha khá. Cuộc ngã giá nhanh chóng hoàn tất, chuyến đi đã sẵn sàng, mặc dù người tài công có vẻ không hiểu lắm về đích đến của chàng lắm.

(còn tiếp ...)
 
Last edited:
Trời, động viên tác giả mà cũng cho là spam à! Tuy chưa gặp mặt hay nói chuyện nhưng mình có biết tác giả qua một diễn đàn khác. Thấy topic này khá hay nên vào động viên thôi. Chitto xem lại dùm nhé!
 
Trong đời này, có ai đó rủ rê đi Rạch Giá để ... tắm biển không? Dù không thể chối cãi đây là vùng duyên hải. Toàn bộ khu vực này là một bãi bồi, thậm chí cách xa bờ đến 8km mà vẫn thấy những đám chà, hay những ngư dân đang kéo lưới. Nước chỉ ngập quá đầu, biển ở đây không phải là "biển xanh cát trắng và anh", mà chính xác là "biển cạn phù sa và bùn". Và nếu để ý một chút, ta sẽ thấy những con tàu cao tốc luôn đi theo một luồng nhất định khi còn cách bờ khoảng 10km, sau đó mới chạy tự do theo đường chim bay đến Phú Quốc hay Hòn Tre. Trở lại chuyện đi chấm, khi tàu chạy, mọi lo âu hay phiền muộn của chàng Trần Tín đã biến mất, chỉ còn lại đó niềm háo hức. Chàng bắt chuyện với anh lái tàu, dù trông chưa đến tuổi trung niên, nhưng anh lái tàu đã có 2 con và quê ở Vĩnh Long, việc trò chuyện này chẳng những cho người khác hiểu mình đang làm gì, dù việc đó rất điên khùng, mà còn tạo một sự hiểu nhau, thuận lợi cho công việc về sau. Cách bờ 4km, chàng thấy những cánh chim bay lượn trên bầu trời trong veo, dưới biển nước đục ngầu lập lờ những đám lục bình. Tàu cứ chạy thằng hướng về hòn tre, tốc độ tầm 6 knot.

Khoảng cách đến chấm còn 300 mét. Đây là giai đoạn bỉ cực nhất của những cái chấm trên biển. Khi tàu chạy trên biển, đúng là không có gì cản lối, cứ theo hướng mà tiến, không như những cái chấm trên đất liền, phải băng rừng vượt suối hay chí ít cũng loay hoay tìm đường cắt. Nhưng cái khó của chấm trên biển không phải là đi, mà là đến. Mặc dù biển hôm đấy không động, nhưng sức thổi của những cơn gió, và quan trọng là dòng chảy thủy triều không bao giờ cho phép một con tàu "dừng" lại tại một tọa độ nhất định. Chuyến đi săn chấm nhanh chóng chuyển thành trận chiến xáp lá cà khi chàng cho tàu chạy ngang chạy dọc xung quanh khu vực 10N 105E. Ruột gan chàng như lộn tùng phèo khi vĩ độ đã về số chẳn thì kinh độ lại nhảy sang số lẻ, và ngược lại. Không rõ dòng thủy triều đang đang muốn trêu đùa hay đang thử thách lòng kiên nhẫn của những người đi chấm. Về luật chơi, khi ta có cách chấm 30 mét thì coi như đã tới chấm, đã thành công, nhưng lòng tham của dân đi chấm đâu chỉ có vậy, phải là zero zero và toàn zero cơ. Tàu đã chạy qua chạy lại được dăm lần, anh lái tàu vẫn vui vẻ cười, mà không rõ là nụ cười mếu sao ông bắt tui chạy đi chạy lại cái chỗ không có gì hết vậy, hay là nụ cười mỉa mai ông dư tiền bạc thời gian và công sức quá nên mới chơi cái trò gì đó này.

Đến lần thứ sáu, chàng quyết định dừng cuộc chơi. Khoảng cách gần nhất có thể là ... 1 mét. Thôi thì "thành sự tại thiên", 1 mét cũng không là gì so với những chuyến đi ngang dọc, 1 mét thì quá nhỏ bé với những trục đường của tổ quốc, vã lại nếu vì 1 mét mà mất thêm thời gian thì thật là hoang phí. Tàu hướng vào bờ, giờ đây, chàng mới an tâm cất đi con GPS và khoan khoái nằm trên đống lưới đánh cá mà ngắm mây trời. Phía trước mặt là Rạch Giá, đằng xa tít chắc là cửa Tắc Cậu và những bãi bồi, còn xa xa là những hòn nho nhỏ. Gọi phone cho vài người bạn, lòng cảm thấy hạnh phúc và tự do dâng trào như những cánh chim vẫn miệt mài bay lượn theo con tàu. Tàu cặp lại cảng, thanh toán chiến phí và cảm ơn anh lái tàu, chàng quay ra, đi trở về phía bến cảng.


Những hình ảnh đáng nhớ.

# Khu đền thờ Nguyễn Trung Trực lúc trời còn chưa sáng.

RACHGIA_01.jpg



# Tàu cao tốc SuperDong II đang chuẩn bị cho chuyến sáng.

RACHGIA_02.jpg



# Cảng Rạch Giá cứ xa dần ...

RACHGIA_03.jpg



# Hòn Tre ở đằng xa, chà cá ở gần, dù cách bờ 8km

RACHGIA_07.jpg



# Còn ... 80 mét =))

RACHGIA_08.jpg
 
Last edited:
em muốn mua cái GPSmap này thì thế nào Bác?!

GPS, mời bác sang cty Tabalo 220/10A Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận. http://www.tabalo.com/ gặp anh Nguyên để tư vấn.

hoặc thấy cũng có vài bác rao trên mạng, hoặc nhờ xách tay hộ về. Dù mua ở đâu, bác cần hỏi gì thì cứ sang anh Nguyên mà hỏi, hoặc LH em. ;)

Còn chuyến độc hành vẫn chưa kết thúc, các bác có nhớ cái vé tàu ra Phú Quốc vào lúc 13:30 kô. Nhưng vì chưa có thời gian nên em chưa ra cầu tàu :D
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,195
Bài viết
1,150,474
Members
189,950
Latest member
tentacoin11
Back
Top