What's new

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Tự dưng vừa đọc lại topic "Đi du lịch một mình ...", thấy các bác tranh luận sôi nổi quá, mà chả biết nói thế nào. Lại nhớ lại việc độc hành của mình, chả biết "đúc kết" thế nào về việc ấy, chi bằng kể chuyện ra đây cho rồi :D


Tôi có một người bạn, là người Ninh Thuận, song thân y hiện vẫn đang ở cả Phan Rang.
Mặc dù y xưng bằng em, nhưng thực tế, y kém tôi có một tuổi.
Thật khó nói cho đúng là tôi và y có thân nhau hay không.
Nói thân chưa chắc đã đúng, vì cùng sống trong một thành phố, cả năm gặp nhau được có 1,2 lần, chả có liên lạc gì bằng các phương tiện khác.
Nhưng chắc là không phải chỉ là quen biết xã giao, vì cả năm trời chả gặp nhau, chả liên lạc gì, nhưng có việc cần, alo một phát, y xuất hiện liền.
Năm trước, tôi cũng một lần chạy trốn cái căng thẳng của phố xá bằng cách trốn lên rừng hoang đèo vắng vài bữa. Rồi tôi xuôi về Phan Rang để quay lại Saigon.
Y biết được đúng ngày tôi bò xuống đến Phan Rang. Y từ Saigon gọi điện ra “điều” bạn y tiếp đón tôi. Bạn y nhận lời, nhưng lại thòng là không đi được lâu vì hôm sau thi công chức. Y lại tiếp tục “điều” bạn của anh ruột y đến làm guide cho tôi suốt thời gian ở Phan Rang. Tất nhiên, khi y "điều" ông bạn của anh mình đến, y có gọi báo trước cho tôi. Tôi thực sự thấy ngại, nhưng y gạt đi và thòng một câu rằng : ông này ngồi với anh được, em mới nhờ đến mà.
Tôi cảm cái sự nhiệt tình của y, đâm ra quý luôn cả mảnh đất Ninh Thuận, rồi từ lúc nào không hay, bắt đầu đọc về văn hóa, lịch sử Chăm. Tôi bắt đầu "lê la" qua các khu tháp Chăm ở Ninh Thuận, từ cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) đến tháp Poklong Giarai, cho đến tháp Poromé. Rồi bắt đầu tìm đến các địa điểm khác.

Tuy nhiên tôi là người chạy xe, chứ không phải người leo núi.
Tôi có thể chạy xe gần như cả ngày, mà chả cần gì trong số "Tứ khoái" mà các cụ xưa ... đúc kết. Nói "gần như" bởi vì xét nghiêm túc thì 3 "món" kia có thể không cần, chứ cái "món" thứ 2 : NGỦ - thì cũng có phải "dùng" chút chút :D. Nhưng chỉ là chạy xe thôi, leo núi như các bạn ở trên Phượt vẫn leo, tôi thua toàn tập.

Trong quá trình tìm kiếm các "điểm đến" ở Ninh Thuận, di tích Bẫy đá Pinăng Tắc – người du kích anh hùng dân tộc Raglei – đã được để ý từ lâu. Ngặt một nỗi, bản đồ mấy năm trước thì … chưa vẽ đường lên đó. Hỏi thăm mấy người bạn người Phan Rang (cả y nữa), thì không ai biết đường.
Sau nghe nói đã có đường thông lên đó, tôi bèn rủ rê đại ca BéDudi:D . Tất nhiên đại ca Bé say ok, nhưng giờ Bé có vẻ cũng không còn tự do tự tại như xưa. Đại ca Bé chỉ đi được vào cuối tuần. Mà cuối tuần, tôi lại thuộc về người khác – dù tôi cũng là người tự do :D.

Rồi hoàn cảnh tạo ra cơ hội, không muốn bỏ lỡ, nên tôi đã đi ... một mình. Đi tìm đường lên di tích Bẫy đá Pinăng Tắc.
Dù cuối cùng đã đi được đến nơi, nhưng kết quả không được trọn vẹn. Lịch trình cả chuyến đi đoạn sau cũng phải thay đổi. Vì hoàn cảnh tạo ra cơ hội của chuyến đi, thì nó cũng có thể tác động đến theo chiều ngược lại.
Tuy nhiên chẳng có gì là phí cả, mất cái này, lại được cái khác.
Thứ nhất là biết được rằng, núi rừng Phước Bình không chỉ có đi tích Bẫy đá Pinăng Tắc, mà còn nhiều ngọn thác đẹp và hoang.
Thứ hai là, tiếng là đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc, nhưng lại thành ra được cưỡi ngựa sắt lang thang rừng hoang núi thẳm đôi bữa, giữa lúc công việc sắp làm mình tẩu hỏa, cũng là điều ... hay.
Và thứ ba là, nhờ thế mới có cái mà kể ở đây :D
(Kể lại chuyện cũng ... sướng sướng, vì sẽ liền mạch, không bị chồng chéo về thời gian :LL)
 
MỞ ĐẦU

Quốc lộ 20, con đường huyết mạch từ Sài Gòn lên Đà Lạt.
Tân Phú, một thị trấn nằm trên Quốc lộ 20 - cũng như bao thị trấn nhỏ khác nằm trên con đường này – con phố chính của thị trấn cũng chính là QL20, ngoài ra cũng chỉ có thêm vài nhánh phố bên trong.
Ở vùng bán sơn địa này – nơi tiếp giáp của điểm cuối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ - buổi tối thường chả có gì vui.
Sắp vào tiết Noel, buổi tối ở đây trời se lạnh. Mới khoảng 21g, các con phố trong thị trấn đã chìm trong yên lặng, đèn đường vàng vọt. Chỉ ngoài QL20, các cửa hàng vẫn đèn đóm sáng choang, thỉnh thoảng xe đò đêm chạy qua ầm ầm.
22g, bỗng nhiên, từ con đường nhánh trong Tài Lài đâm ra QL20, có tiếng động của một chú ngựa sắt vọng lại ngày càng lớn.
Lát sau, xuất hiện tại ngã ba một bóng nhân mã. Ngựa sắt đen thui, đèn pha sáng quắc, người cầm lái cũng ăn mặc bộ đồ dạ hành đen thui. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, quần áo y bạc phếch bụi đường.
Đến ngã ba, y bẻ lái ngựa sắt rẽ trái vào QL20 hướng về phía Đà Lạt phi nước đại.

Con ngựa sắt của y khá ồn ào, bóng y đã khuất sau khúc quanh, tiếng động của con ngựa sắt vẫn còn vọng lại.
 
HỒI THỨ NHẤT :

Trong đêm khuya, khách lạ lên Bảo Lộc
Giữa đèo đêm, gặp phải chuyện mắc cười



Madagoui, đêm trung tuần tháng 10 (Â.l)
Thị trấn đã chìm trong đêm, chỉ thi thoảng các chuyến xe tốc hành Đà Lạt phóng vèo qua.
Những người bán hàng đêm cuối cùng ở góc ngã ba đi Đạ Tẻh đang lục tục dọn hàng về nghỉ.
Bỗng nhiên có tiếng động cơ ngựa sắt xa xa vọng đến, từ phía Sài Gòn lên.
Chắc là loại ngựa lớn, vì chưa thấy nó, mà tiếng động của nó đã vọng đến.
Trong giây lát, ngựa sắt hiện ra trên đường. Người và ngựa đều đen thui, phủ bụi. Khách lạ mặc đồ dạ hành, áo khoác đen, quần y có mấy chiếc túi lớn nhỏ hai bên.
Vài người đã nhận ra chú ngựa. Tuy nó ồn ào, làm thoạt đầu người ta tưởng nó to lớn lắm, chứ thực ra, nó cũng ... thường thôi, nhưng cũng lớn xác hơn các loài ngựa cỏ người ta thường dùng một chút. Ở đây không có ai “chơi” loại ngựa này, nhưng thi thoảng người ta vẫn thấy cả đàn ầm ầm từ dưới Sài Gòn kéo lên Đà Lạt chơi trong các dịp Lễ.
Ở mạn trên Bảo Lộc cũng có vài chú, nhưng rất ít khi xuất hiện giờ này trên đường. Có vẻ rằng, đây là một khách lạ đường xa.
Người ngựa vụt qua, bụi đường cuốn lên phía sau, qua ánh sáng vàng vọt của cây đèn đường.
Mấy người bán hàng lại tiếp tục dọn hàng.
Khách dạ hành vẫn cắm cúi phi nước đại về phía Bảo Lộc.


Con đường bắt đầu vào địa phận Tây Nguyên. Đêm vắng vẻ, lành lạnh. Trăng 16 tròn vành vạnh, tỏa một thứ ánh sáng trong và lạnh.
Chẳng mấy chốc, khách lạ vào đèo Chuối.

Mọi khi, cứ nhắc đến cái con đèo nhỏ này, y đều lẩm bẩm : “Đèo gì mà đèo, cái dốc (củ) Chuối thì có”.
Nhưng đêm nay đi qua con đèo này, cảm giác của y khác hẳn.
Ít nhất ban đêm nó giống cái đèo hơn ban ngày. Lúc y qua đèo Chuối, trăng bị mây trắng vần vũ che gần hết.
Ánh trăng sáng mờ mờ, con đường vòng vèo có vẻ bí ẩn hơn, với các khóm cây trên sườn núi như những hình thù kỳ dị.
Y thấy hơi lạnh, không phải vì gió, mà vì khí núi. Lên đèo Bảo Lộc chắc khí núi chắc còn lạnh hơn.

Con đường tối om, chỉ khi qua những khu thị tứ nhỏ bên đường, mới có vài cột đèn đường vàng vọt.
Ngựa sắt phi nước đại trên đường đêm, khách dạ hành đôi khi chả thèm tránh mấy cái ổ gà nhỏ, y cứ phi thẳng vào và nảy tưng lên, nhưng không giảm tốc độ. Đi ban đêm, y cứ bám tim đường mà chạy, khi không rõ vạch tim đường, y căn theo cảm giác. Chỉ khi gặp xe lớn ngược chiều rọi pha lóa mắt quá, y mới ghìm ngựa chậm lại một chút, hoặc né bớt sang phải đường.

(còn tiếp)
 
Chẳng mấy chốc, thị trấn Dambri đã ở sau lưng, người ngựa bắt đầu tiến vào con đèo Bảo Lộc.
Đèo Bảo Lộc thực sự cũng là một con đèo khá đẹp và hiểm trở, nhưng lại rất ít được khách lữ hành nói đến.

Kể ra cũng tội nghiệp cho nó. Chỉ vì nó quá gần Sài Gòn, vì thế khi đi qua nó, người ta coi như mới vừa khởi động cho chuyến đi, hoặc là đang trên đường về gần tới nhà. Cho nên chả mấy lữ khách chụp ảnh con đèo này.

Nhưng dù sao, với kẻ dạ hành đang lên đèo, đây vẫn là một con đèo hùng vĩ. Tuy nhiên, dù qua lại con đèo này nhiều, chính y cũng không có chụp nhiều hình ảnh về nó. Nhưng y rất nhớ, vì chuyến đi hoang đầu tiên của y là qua con đèo này vào một buổi sớm tinh mơ, mặt trời còn chưa lên khỏi rặng núi Bảo Lộc.
Y qua đèo lúc đã gần nửa đêm, nên dĩ nhiên chả có ảnh ọt gì rồi, lôi lại mấy tấm lần đầu qua đèo vào một buổi sớm tinh sương vậy. Có tí minh họa cho cho nó đỡ nhàm

IMG_0599-1.jpg

Đường đèo trong sáng sớm

DSC_0090-1.jpg

Sáng tinh sương, các vách núi còn che khuất cả đường.

IMG_1130.jpg

Tấm này vừa phi ngựa vừa chụp, trong một buổi chiều khác, nhòe nhoẹt hết rồi.

Con đèo chỉ có một chiều dốc lên phía Bảo Lộc, ngoằn ngoèo uốn mình theo các sườn núi cheo leo. Một bên là núi, trong đêm hằn lên nền trời như những hình thù quái dị, một bên là vực thẳm đen ngòm.
Đêm đã về khuya, y gặp ít xe đổ đèo ngược chiều, chỉ có một mình y lầm lũi leo đèo, tiếng gầm gào của con ngựa sắt vang dội đường đèo, thỉnh thoảng có vài chú chim giật mình bay loạn xạ ra khỏi các tán cây.

Ánh đèn pha loang loáng ở mỗi khúc cong.
Y chợt thấy phía trước xa xa có một chú ngựa sắt đang cõng hai người cũng đang leo đèo. Có vẻ con ngựa cỏ phía trước chở nặng nên leo chậm hơn, khoảng cách dần dần rút ngắn lại.
Y trông rõ người ngồi sau, cứ liên tục ngoái lại phía sau, dường như dòm chừng y.

Tự dưng y muốn đi cùng hai người đó cho vui, nên ghìm ngựa sắt chậm bớt. Người ngồi sau của con ngựa sắt phía trước ngoái lại ngó y càng nhiều hơn, và y cảm thấy rất rõ, tên cầm lái đang gắng thúc con ngựa tội nghiệp chạy nhanh hơn. Trong đêm vắng giữa đèo, tiếng gầm rú của con ngựa phía trước nghe rất rõ.
Y giật cương cho ngựa mình vọt lên, bỗng thấy hai người phía trước dừng ngựa, tấp hẳn vào lề đường, bên hàng cọc tiêu gắn thanh lan can chặn bên bờ vực. Lúc bắt ngang qua hai người, y quay sang hỏi lớn “Có chuyện gì không đấy?”.
Hai người kia im lặng giương mắt nhìn y không đáp, họ có vẻ hơi lo lắng trong ánh mắt.
Thấy ngựa sắt của họ vẫn sáng đèn, y tặc lưỡi từ từ chạy tiếp, vẫn để ý xem họ có hành động gì. Qua gương hậu, y chợt phì cười. Y vừa đi qua chừng chục mét, hai người kia lại giong ngựa ra giữa đường chạy theo sau y.

Y chợt nhớ lại cũng cuối năm trước, cũng đêm, y một mình đi lên Bảo Lộc, cũng có người lấm lét dòm chừng y – tất cả chỉ vì âm thanh chú ngựa sắt của y làm người ta lo ngại giữa đèo đêm.
Đã thế thì vọt đi cho người ta yên tâm.

Y tự cười nhạt một mình, nghiến răng giật cương.
Con ngựa sắt được bung vó, phóng vụt lên phía trước, chỉ qua 2 khúc quanh, hai người phía sau đã mất dạng trên gương hậu của y.
Y vừa đi vừa phì cười vì nhớ lại chuyện một tên bạn của y ở Bảo Lộc. Lần đó hắn từ Sài Gòn chạy ngựa sắt về Bảo Lộc cũng vào ban đêm. Tới giữa đèo, gặp hai vợ chồng đổ đèo xuống, tự dưng nổi máu tếu, hắn hét lên với họ “Dưới kia có cướp”. Thế là hai người quay ngoắt ngựa, leo ngược trở lại, còn ráng đuổi theo hắn cho … yên tâm vì có đông người.

(còn tiếp)
 
Đèo Bảo Lộc (lúc đó) đang sửa chữa, mở rộng, chắc để phục vụ Festival Hoa ĐàLạt dịp 2/1/2010. Người ta nổ mìn phá đá núi, nên đường bị chặn lung tung bởi những chỗ đang phá đá.
Đến lưng chừng đèo, chẳng mấy chốc, y bị chậm dần lại bởi nhiều xe tải nối đuôi nhau lắc lư vượt qua ổ gà, né các đống đá bên đường. Lúc này đã hơn 23g đêm, đến đoạn này, trăng đã lồ lộ giữa trời trong vắt, mây đã trôi lại phía dưới đồng bằng.
Con ngựa sắt của y lần lượt lách qua những chiếc xe lớn đang ì ạch leo đèo.
Ánh trăng soi vằng vặc, thỉnh thoảng y rùng mình dưới chiếc áo khoác mỏng, run cầm cập.
Quả nhiên lạnh. Không phải vì gió núi mà là vì khí núi. Trời đứng gió, thỉnh thoảng qua những khúc cua trống sau vách núi, mới có gió. Mỗi lần có gió như thế, người y như co thêm lại trong lần áo khoác.


Đêm Bảo Lộc.
Lạnh – y thấy thế, y vốn sống dưới đồng bằng phía Nam ấm áp.
Bảo Lộc đã là cao nguyên rồi, y đã cảm thấy cái lạnh rõ rệt, chứ không giống lúc qua Madagoui nữa.
Bảo Lộc là thị tứ lớn nhất trên trục lộ 20, nguyên từ thị trấn B’lao ngày xưa phát triển lên mà thành.

Tuy nhiên, cũng gần giống các thị tứ lấy một con đường huyết mạch nào đó làm trung tâm, Bảo Lộc đêm khá vắng vẻ. Điện vẫn sáng trên các con phố, nhưng đã không còn bóng người, nhà nhà đã đóng cửa, chỉ có những quán ăn đêm là còn thấy có lác đác người.
Con ngựa sắt của y làm vang động màn đêm, nhưng chẳng có ai để ý, vì dù sao, người ta đã quen với tiếng ầm ầm của xe khách tốc hành ban đêm.

Phi Phụng là một khách điếm nhỏ bình thường, chẳng có gì quá nổi bật. Nó nằm kẹp giữa một tòa cửa hiệu lớn và một con hẻm, ngay trên trục đường QL20 chạy ngang Bảo Lộc.
Cửa khách điếm đã đóng, ánh đèn mờ mờ từ bên trong hắt ra ngoài qua khe cửa, nhưng tấm biển hiệu vẫn sáng đèn.
Khách dạ hành dừng ngựa trước cửa khách điếm, con ngựa sắt hí lên hai phát lớn ngắn ngủn. Trong giây lát, có tiếng kẹt cửa.
Cánh cửa khách điếm hé ra, một cái đầu bù xù với vẻ mặt ngái ngủ ló ra. Vài câu trao đổi ngắn gọn, cái đầu bù xù thụt vào trong, cánh cửa mở lớn ra. Khách lạ phóng thẳng ngựa vào trong sảnh khách điếm.
Lúc này đã quá nửa đêm.
 

HỒI THỨ HAI :

Xuôi Ngoạn Mục, tìm đường lên Bẫy Đá
Mải ham vui, khách lạ tới muộn màng.




Khách dạ hành đến Bảo Lộc khá muộn, nhưng y dậy sớm.
Buổi sáng Bảo Lộc cuối năm trời lạnh. Mây trắng giăng ngang rặng núi bao quanh thị xã. Đường phố rộng và vắng.
Y dắt ngựa sắt ra khỏi khách điếm ngay sau khi bận y phục đi đường.
Y rất ít khi ăn sáng, đặc biệt trong các cuộc hành trình độc mã. Điều đó có vẻ phản khoa học – vì các chuyến rong ruổi đường trường như thế khá tốn sức – nhưng y mặc kệ, khoa học thật là … phức tạp.
Mỗi khi rong ruổi trên lưng ngựa sắt, y chỉ quan tâm đến chuyện đi. Có thể cả vì y là kẻ không có “tâm hồn ăn uống”.
Y vẫn trong bộ y phục đêm qua. Áo khoác đen, nhưng sáng ra, đã nhận được ra màu chiếc quần của y, nó trước kia chắc màu xanh lính, nhưng nay đã bạc phếch. Y mặc rất vừa, và y rất thích vì nó tiện lợi trong các cuộc hành trình dài trên đường.
Rời khỏi khách điếm, Hắc Y Khách lên ngựa đi ngay. Y muốn thưởng thức cảm giác trên đường trong buổi sớm cao nguyên trong lành.
Nhắm hướng Đà Lạt, y cho con ngựa sắt chạy nước kiệu.
Y chẳng có gì quá vội vã. Dù quãng đường cuối cùng của ngày hôm nay, là đoạn đường từ Tân Sơn – dưới chân đèo Ngoạn Mục – lên khu vực di tích Bẫy đá Pinăng Tắc, y chưa biết ra sao, nhưng cũng chỉ chừng hai chục km cuối cùng mà thôi.
Khí trời cuối năm lành lạnh, y kéo cao hết các khóa áo, vừa đi vừa ngắm hai bên đường.
Đến đoạn Bảo Lộc trở đi, con đường thực sự là đường cao nguyên, uốn lượn theo các triền đồi núi – chưa thể sánh được với con đường huyết mạch xuyên dọc Tây Nguyên, hoặc các con đường ngang nối QL1A với đường Hồ Chí Minh, và có lẽ còn kém xa các cung đường núi rừng Tây Bắc – nhưng với điều kiện hạn hẹp của y hiện tại, thế cũng là được. Dẫu sao cũng thoát ra khỏi cái nhịp sống ồn ào vội vã của Sài Gòn.
Bảo Lộc có thể coi như điểm cuối của cao nguyên Di Linh, dù là điểm cuối của cao nguyên, thì nó vẫn là cao nguyên. Cao nguyên mùa này đang gió.

Y rất thèm những chuyến đi. Đôi khi ở Sài Gòn, đi làm sớm, thấy các chuyến xe khách đường dài chạy trên đường, lòng y lại rộn lên.
Nhưng, muốn đi phải có tiền, nên cuối cùng y vẫn phải cặm cụi cày quốc. Vả lại, đôi khi có những thứ ràng buộc phức tạp chi phối. Y là người tự do, nhưng … không tự do chút nào. Những ràng buộc là do tự y đặt ra. Xét cho cùng, y vẫn đang sa lầy trong những sự ràng buộc do tự y đặt ra.
Đôi lúc y nghĩ rằng, chỉ người chết mới không thấy đau, không thấy phiền não. Tuy nhiên, y chưa chết, nên cũng không thể biết được khi chết rồi, mọi việc có thật như thế không.
Đang sống thì phải sống, chẳng có lý gì mà dừng lại.

(còn tiếp)
 
Hay quá anh ạ, cứ như là tiểu thuyết kiếm hiệp hiệp vậy. Viết tiếp đi, e chờ Hắc Y Khách kể tiếp về chuyến đi.
 
Ra khỏi Bảo Lộc, cảnh vật thay đổi, nhà cửa vắng hẳn, hai bên đường vệ cỏ đẫm sương.
Hoa Dã Quỳ từng bụi nở vàng rực hai bên đường, điểm xen kẽ màu nâu nhạt của các bông hoa già đã rụng cánh.
“Dã Quỳ là hoàng hậu của Tây Nguyên” – một người bạn của y từng thốt lên vậy – tên này vốn người Tây Nguyên.
Y quả thấy cũng không có gì sai. Mọi con đường của Tây Nguyên đều vàng rực một màu Dã Quỳ.

Chẳng biết tự bao giờ, con ngựa sắt đã phóng nước đại mà y không để ý. Y vẫn hay bị "say tốc độ" mỗi khi chạy đường trường.
Nói thế cho … oách, chứ con ngựa của y không phải loại ngựa đua, bản thân y cũng không phải “nài cứng”.
Chạy đường trường với cả bầy, y cũng chạy như chúng bạn, mặc dù y không thích lắm việc chạy như điên một đám ầm ầm trên đường.
Còn khi đi một mình, dẫu “say tốc độ”, y vẫn luôn tự giới hạn tốc độ cho mình – nếu không có việc gì gấp gáp.
Và hiện tại y không thấy có gì gấp gáp.

Trên đường sớm khá vắng. Xe đò đêm thì đã hết chạy, xe chuyến sớm thì chưa khởi hành. Có những đoạn chỉ có mình y trên đường.
Qua thị trấn Di Linh, con đường chạy trên cao, hai bên là các thung lũng xanh ngăn ngắt màu của cây café (chắc thế, y đoán thế).
Có lúc, y nhìn gương hậu, thấy con đường phía sau như một vệt lụa xám trên nền xanh của cây cỏ, của núi biếc, trước mặt y cũng là một màu núi biếc.

Y đang đi trong nắng lạnh – cái từ mà tự y quen gọi thế - mặc dù nắng hanh vàng, nhưng mỗi khi đi vào bóng mát của một cái cây lớn bên đường, dù chỉ vài giây, là cái lạnh ùa vào ngay lập tức.
Y là người phương Bắc, đã từng rất quen với cái cảm giác nắng lạnh này, nhưng đã mười mấy năm qua, y sống ở phương Nam ấm áp. Mười mấy năm nay y mới lại gặp lại thứ cảm giác này.

(còn tiếp)
 
Tới Phi Nôm, Hắc Y Khách rẽ tay phải, nhập vào QL27 chạy qua Đơn Dương để tới D’ran.
QL27 khúc này khá xấu – với loại ngựa của y.
Bụi đất đỏ mù mịt khắp nơi, bụi phủ dày trên các căn nhà bên đường một màu đỏ quạch, bụi nhuộm đỏ cả cảnh vật, cây cối ven đường, làm Dã Quỳ ở đây màu nâu đỏ nhiều hơn màu vàng.
Thỉnh thoảng, y phóng ngựa ngang qua một vạt đồi ... nâu đỏ Dã Quỳ, trông thật đẹp, nhưng y tặc lưỡi đi tiếp mà không dừng lại chụp ảnh.
Một phần vì y ... lười, đúng hơn là y cũng ... "hơi dở hơi, khó đoán" - như một vị bằng hữu của y nói - có lúc thì lười phát ghét, cảnh có đẹp, hội có vui đến đâu, y cũng phớt lờ chỉ vì ... lười. Lại có những lúc y sục sạo khắp các xó xỉnh của một khu vực nào đó để chụp ảnh tới lui, như là bị vào cơn chăm :D.
Một phần là vì đường bụi quá.

Thông thường, ngựa xe chạy khắp nẻo đường, còn bụi thì nằm trên đường.
Thông thường là như thế. Cũng đôi khi những cơn gió mang bụi chu du một vài quãng đường, nhưng nói chung là bụi thì thường nằm ở trên đường, bên vệ đường.
Xe phóng vụt qua, bụi cuốn lên sau vòng bánh xe, và từ từ lắng xuống, bụi và xe chẳng kịp trò chuyện gì với nhau.
Nhưng cũng đôi khi, xe đổ xuống đường, nằm lẫn trong bụi.
Y từng rơi vào trường hợp ấy.
Khi cả người và xe nằm lẫn trong bụi đường, y cảm giác được cái vị vừa đắng nghét lại vừa nhạt thếch của bụi trong mũi, trong miệng, cảm thấy sự nhồn nhột do máu chảy ra từ các vết thương.
Nghĩ cho cùng, Tạo hóa chả sinh ra cái gì thừa. Ngay như bụi, y nhận ra một điều nghe có vẻ rất … vớ vẩn, nhưng cũng … có lý : Ít nhất, bụi cũng có một “chức năng”, khi xe và người đổ xuống trong bụi đường, nếu còn cảm nhận được cái vị nhạt thếch của bụi trong mũi, trong miệng, tức là … còn chưa chết.
Đáng sợ nhất là khi ngã xuống và chẳng còn cảm thấy gì hết.

Chạy một mình trên đường trường, y hay nghĩ linh tinh đủ thứ. Chỉ có như thế, những đoạn đường chán ngắt mới thấy mau qua.

(còn tiếp)
 
Chẳng bao lâu, Hắc Y Khách vượt qua gần ba chục km đường đầy bụi từ Phi Nôm đến Đ’ran, và bắt đầu vào con đèo Ngoạn Mục – còn có tên khác, là đèo Sông Pha.
Đây là một con đèo hùng vĩ, dài chừng 18km trên QL27, gần như hoàn toàn thuộc về địa phận Ninh Thuận.

Lần này y tìm đường lên di tích Bẫy đá Pinăng Tắc, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận.
Đây là địa danh nổi tiếng với những trận đánh của du kích Raglei năm xưa. Lợi dụng địa thế tự nhiên, họ lập ra các “thạch trận” trên lưng chừng núi, và trút đá xuống đầu kẻ địch, mà trận đánh nổi tiếng nhất ngày 10/8/1961, hơn 100 lính Cộng hòa đã bị tiêu diệt trong thạch trận của anh hùng Pinăng Tắc.

Vùng đất này nằm cheo leo trên vùng núi tiếp giáp của 3 tỉnh : Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Các bản đồ đường bộ trước đây không có vẽ đường lên Phước Bình, đi ngả Cam Ranh qua Tô Hạp (Khánh Sơn) thì còn hơn chục km cuối cùng không thấy vẽ đường, đi ngả Tân Sơn (Ninh Sơn) lên thì đường chỉ vẽ tới Tà Lọt, còn chừng hơn hai chục km cuối cùng cũng không có đường.
Cách đây vài năm, dân du lịch khám phá vẫn truyền tai nhau rằng, lên được Bẫy đá, phải gửi xe cuốc bộ những đoạn cuối cùng không có đường, nhưng gần đây, y nghe phong phanh rằng đường đã và đang được mở.
Nhưng chỉ là nghe như thế, còn hỏi khắp, không ai biết chính xác
Lần này y chọn con đường xuôi đèo Ngoạn Mục xuống Tân Sơn trên QL27, rồi rẽ vào QL27B (Tân Sơn đi Cam Ranh) và tìm đường leo ngược lên Phước Bình theo ngả Tà Lọt, hoàn toàn trên đất Ninh Thuận.

Y qua đèo Ngoạn Mục không phải lần đầu.
Lần trước y xuôi đèo về Phan Rang trong một chiều mưa gió mịt mù. Mưa như trút, gió quật tả tơi. Trời mới đầu chiều mà tối như lúc nhập nhoạng.
Đi trong mưa gió giữa con đèo hoang vắng, cũng có cái thú của nó, nhưng hoàn toàn chỉ là sự cảm nhận bởi các giác quan, không có cách gì ghi ra được. Mỗi khi chạy qua các khúc cua, dưới ánh đèn pha loang loáng, những ngôi miếu hoang lạnh lẽo ở góc đường hiện ra rơn rợn, mưa quất mờ mắt, chảy dọc theo cổ áo ngấm vào người lành lạnh. Cảm giác ấy cứ theo y mãi, nên lần này y lại chọn con đèo này.
Đã đi trong mưa gió, thử đi trong nắng ráo để ngắm ngó nó thoải mái xem sao.

(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,391
Members
189,942
Latest member
Nhocdecor
Back
Top