What's new

[Tổng hợp] ROME - Thành đô vĩnh hằng

"Thành đô vĩnh hằng" (Eternal City) là tên mà người ta dành riêng gọi thành Rome. Cũng không có gì là quá, khi thành phố hùng vĩ này đã là Kinh đô của La Mã trong suốt 500 năm Cộng hòa, 400 năm Đế quốc, và là Kinh đô của Giáo hội lớn nhất trên thế giới cho đến tận ngày nay.

Đã từng đến thăm Rome, cũng chỉ trong ba ngày, quá ngắn cho một thành phố nổi tiếng đến thế, nhưng cũng muốn viết chút gì cho Rome, dù biết rằng viết về Rome thì cả chục cuốn sách cũng không đủ, và tìm trên mạng về Rome thì cũng vô thiên lủng.
 
Last edited:
Bác viết tiếp đi ạ, mạch đang hay :D

Các thông tin về ăn uống mọi thứ em sẽ len lén thêm vào cái post phía trên kia.
 
Khi ấy vô tình không để ý, vội về chỗ nghỉ, rồi xem bản đồ mới biết vừa đi ngang qua phía sau nhà thờ Santa Maria Maggiore (Saint Maria Major basilica), tức là Nhà thờ Chính Thánh mẫu Maria, hay Nhà thờ Đức Bà Cả (tùy cách gọi). Đây là nhà thờ quan trọng thứ ba ở Roma, là Thánh đường Giáo trưởng Antiorch, nhà thờ Chính lớn nhất để thờ Đức mẹ Maria. Các nhà thờ Santa Maria khác chỉ là cấp dưới.

Chỗ tròn cong chính giữa hai cái cửa trông bên ngoài bình thường thế, nhưng bên trong là tròn vòm nơi có bức khảm tranh về Đức Mẹ rất đẹp mà sẽ thăm sau.

Dọc theo con phố, lại nhìn thấy nhà thờ Santa Maria Maggio qua một con phố nhỏ bắt chéo, với một ngôi nhà ở góc hẹp, nhiều chú tây chụp ảnh gọi là "funny house". Chợt nghĩ nếu họ nhìn thấy những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội, họ sẽ phải gọi là gì đây ? "Crazy house" chăng?


Những ngôi nhà ở Roma là thế, gạch, đá, cửa lúc nào cũng vuông vắn, thẳng góc, một đặc trưng Roman cứng rắn, nghiêm túc...
 
Last edited:
Basilica directions?

Sau khi biết đó là nhà thờ Santa Maria Maggiore nổi tiếng, và đối chiếu với bản đồ, tớ đã có một thắc mắc. Thắc mắc ấy càng rõ hơn khi xem bản đồ Nhà thờ St. Peter, nhà thờ chính của Vatican.

Đó là hướng nhà thờ ở Roma.

Theo truyền thống Thiên Chúa giáo, vì Nơi Cực Thánh của TCG là ở Thánh địa Jerusalem, nên các nhà thờ đều xây bàn thờ quay về hướng đó, trừ khi địa thế bất lợi hoặc lý do bất khả kháng không thể làm được mà thôi.

Do châu Âu nằm ở phía tây của Jerusalem, nên nhà thờ truyền thống hình chữ thập sẽ xây theo hướng đông - tây, cửa ở cuối cánh dài phía tây, bàn thờ ở cuối cánh ngắn phía đông. Như thế từ ngoài vào sẽ hướng đến bàn thờ, hướng đến Thánh địa. Các nhà thờ lớn ở châu Âu hầu như đều tuân thủ nguyên tắc này.

(Ngược lại, các nước ở phía đông Jerusalem, như Việt Nam, thì cửa nhà thờ quay về hướng đông, bàn thờ quay về hướng tây, hướng về Jerusalem. Nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đều thế cả, tuy có hơi lệch do địa thế).


Thế nhưng, ba tòa nhà thờ Giáo trưởng quan trọng nhất Roma là St. John Lateran, St.Peter Vatican, Santa Maria Maggiore đều ngược lại, tức là cửa quay ra hướng đông, cửa quay về Jerusalem.

Điều này càng được khẳng định khi tớ có công cụ Google, thì thấy ở châu Âu, ngoại trừ nhà thờ ở Roma, không nhà thờ nào quay cửa về hướng đông cả.
Nhưng khác với 3 tòa nhà thờ quan trọng ở trên, tòa thứ 4 là St.Paul thì lại quay đúng hướng truyền thống (cửa hướng tây)

Còn các nhà thờ nhỏ ở Rome, theo kiểu "khu phố" quay lung tung thì không kể.

Tại sao các nhà thờ quan trọng ở Roma lại ngược với hướng truyền thống đến vậy? Tớ search trên mạng không thấy thông tin. Tuy nhiên điều đó được giải thích khi bước vào trong và tìm hiểu về đặc trưng riêng nhà thờ ở Roma.
 
Last edited:
Cathedrals from aerial

Ảnh Google một số nhà thờ lớn (không cùng tỉ lệ)
Bên trái là 3 nhà thờ quan trọng nhất ở Roma, từ trên xuống:
St.John Lateran - St.Peter - Santa Maria Maggiore

Bên phải là 3 nhà thờ lớn ở châu Âu, từ trên xuống:
Notre Dame, Paris - Cologne, Đức - St.Paul, London

Dễ thấy sự ngược nhau về hướng của chúng. Nhà thờ Roma có cửa quay hướng đông, các nhà thờ kia cửa quay hướng tây.

 
Last edited:
Hostel

Chỗ nghỉ của tôi và anh bạn nằm trong một ngõ thông ra Via Cavour, nằm gần giữa Santa Maria Maggiore và Colloseum. Đó là một ngôi nhà 4 tầng, bề ngoài ghi Hotel, nhưng có lẽ chỉ là Hostel, bên trong khá ấm cúng. Cô gái receptionist mặt mũi xinh xắn nhưng không vồn vã lắm, có lẽ vì khách hạng bét thì không cần phải thế :D .

Cô gái tiếp tân ít nói bao nhiêu thì bà làm công (chỉ phòng luôn) lại lắm lời bấy nhiêu. Bà này người Thổ thì phải, và chả cần biết người khác có hiểu không, bà ta tuôn ra hàng tràng tiếng Ý liên tục từ khi bắt đầu lên thang đến khi xuống thang.

Phòng 6 giường, ở chung với 2 cặp đến từ Venice. Phải nói là họ đẹp quá, quá đẹp. Hic. Trong 4 người ấy chỉ có 1 anh chàng nói được tiếng Anh, còn 3 người kia xổ ra một tràng tiếng Ý, chịu chết. Họ là sinh viên, cũng đến Rome chơi, có lẽ ít tiền, chứ không thì đã thuê phòng riêng rồi !!!

Hehe
 
Colosseum / Colosseo

Điểm đến đầu tiên - và gần chỗ nghỉ nhất - chính là Coloseum, Đại đấu trường, Hí trường La Mã. Tên tiếng Italia là Colosseo, công trình nổi tiếng nhất Roma, lọt vào danh sách 7 kì quan thế giới mới (New Wonders of the World) vừa công bố ngày 07/07/07, cùng này Khai trương Phượt !!!

Công trình này bắt đầu được xây năm 70, sau vụ tàn sát người Thiên Chúa giáo vài năm, cũng là năm Ngôi đền Thứ hai của Jerusalem bị phá hủy. Colosseum là Đấu trường và cũng là Hí trường, nơi diễn ra các cuộc Giác đấu giữa các võ sĩ (Gladiator), giữa các võ sĩ với thú dữ như sư tử, gấu,..., là nơi hành hình các tội nhân, lại cũng là nơi diễn các vở kịch, đại nhạc hội cho công chúng xem. Mảnh đất nơi đó vừa thấm đầy máu vừa ngập đầy hoa.

Con đường hướng đến Colosseum leo cao dần lên một triền đồi, còn Colosseum nằm dưới chân đồi, nên lúc đầu, tớ chỉ nhìn được ba tầng trên của nó, còn tầng dưới khuất. To thật, chiếm cả một góc trời.

 
Xuống dưới chân dốc, càng thấy sự to lớn của công trình này. Nếu ngày nay với kĩ thuật hiện đại, các sân vận động to lớn không có gì lạ. Nhưng Colosseum đã rất cổ, từ 2000 năm trước, chỉ bằng đá và gạch mà người La Mã có thể dựng được lên nó, đứng vững trong hai nghìn năm, thì quả là đáng khâm phục.

Colosseum được xây dựng thành 4 vòng, mỗi vòng ngoài cao lên. Một phần vòng ngoài cùng đã đổ, nên có thể thấy rõ cấu trúc bên trong. Thoáng trông, tớ cảm tưởng như nó vòng trôn ốc vậy.


Có hai điều chướng mắt đập vào ngay đầu tiên: Đó là hàng rào sắt, và tấm biển đá của nhà thờ.

Colosseum tạo thành nhiều mái vòm trống bên dưới, và thế là người ta lấy rào sắt vây hết lại, để ngăn người ngoài vào. Có điều cái rào ấy xấu tệ, nó dựng tua tủa, chọc vào mắt người nhìn, lạc lõng với công trình cổ.

Đây cũng là một điều gây phản cảm về Rome: Những cái rào quanh các điểm di tích rất phản mỹ thuật. Không biết tại sao họ không dùng những cách ngăn khách vào khu vực cấm bằng những thứ đẹp đẽ hơn nhiều nơi khác làm, mà luôn dùng những cái rào rất thô thiển, ngứa mắt? Hay lại là vì sợ những cái rào đẹp thì không ngăn được trộm cắp ???

Ngay cả ở Vatican và các Nhà thờ cũng dùng những cái rào sắt xấu y như ở đây.
 
Colosseum

Bức ảnh này lấy từ trên mạng, để có thể thấy tổng thể khu vực này.
Khu đất trống trồng cây bên phải là Cung điện Nero xưa kia, nay chỉ còn vài phế tích. Sát mép bên phải là cổng Constantine, lối vào khu Forum.



Xưa kia, tại mỗi vòm cuốn của Colosseum có một pho tượng, tượng những vị thần La Mã, hoàng đế La Mã, tướng La Mã, và cả những người chiến thắng trong các cuộc đấu. Trò giác đấu đến tận năm 404 mới dừng, sau khi một tu sĩ TCG chết vì can hai võ sĩ giác đấu tại đây. Các hoạt động khác đến khi Tây La Mã sụp đổ mới dừng.

Nếu ai đã xem phim Võ sĩ Giác đấu (Gladiator) sẽ thấy cảnh tái hiện lại Colosseum gần 2000 năm trước, với các khán đài chật ních người, cờ xí, hoa chăng xung quanh các cây cột.

Vòng ngoài cùng, cao nhất của Colosseum đã bị đổ một nửa sau một trận động đất bảy trăm năm trước. Gạch đổ thành từng đống lớn. Người dân Roma đã lấy gạch đá ấy về xây nhà, và người vét sạch những viên đá cuối là các Giáo hoàng.
 
Last edited:
Truyền thuyết kể rằng khi quân La Mã tấn công Jerusalem vào năm 70, đã phá hủy Ngôi đền Thứ hai của người Do Thái, tức là Đền thờ Thiên Chúa. Họ mang những tảng của Ngôi đền về Roma, làm móng cho Colosseum. (ở Jerusalem chỉ còn lại Bức tường Phía tây của Ngôi đền đó).

Do vậy mà khi xây dựng lại Đại giáo đường St.Peter vào năm thế kỉ 16, các giáo hoàng đã sai lấy đá móng của phần tường đổ về xây, vì cho rằng nó là đá từ Đền Thánh Jerusalem. Hơn 2000 tảng đá móng từ Colosseum đã được đem về dựng lên tòa nhà thờ lớn nhất thế giới, mà các Giáo hoàng coi đó là Ngôi đền Thứ ba.

Trước khi xây Colosseum, khu đất đó đã từng là nơi hành hình các tín đồ TCG, bằng cách đóng họ vào cột, tẩm dầu mỡ làm đuốc sống cho các đêm hội của Nero. Do đó các Giáo hoàng cũng tuyên bố Colosseum là Nơi thánh của các vị thánh Tử vì đạo. Cái biển đá đóng trên lối vào chính, và cây thập giá ở cửa Colosseum khẳng định điều đó. Hàng năm, vào lễ Phục sinh, Giáo hoàng lại làm lễ diễn tả lại Con đường Khổ nạn của Chúa ngay trên những vòng tường của Colosseum.

Đây quả thật là mảnh đất thấm máu.
 
Last edited:


Nơi tôi đứng chụp ảnh là chỗ ngồi của các vị hoàng đế La Mã xưa kia, trên một cổng vòm. Đối diện là một cổng khác để những võ sĩ vào tử chiến, hoặc những đoàn rước, đoàn lễ hội, kịch, ca vũ tiến vào chào Hoàng đế trong tiếng hò reo của 50 nghìn khán giả hai bên.

Tại chỗ này, ngón tay cái bàn tay phải giơ lên hay quay xuống của hoàng đế sẽ cứu sống hay kết liễu đời của võ sĩ thua trận.

Xưa kia mặt Colosseum lát đá phẳng, ngang với con đường ở giữa. Phần bên dưới mà ta nhìn thấy trong ảnh là những căn hầm tối, nhốt nô lệ, tù nhân, và dã thú. Khi vận động hệ thống cửa, sàn Colosseum sẽ mở ra để cho nô lệ khiếp hãi và dã thú lồng lộn đi lên, các cửa khác quanh đấu trường sẽ đóng lại, và khán giả ngồi trên các khán đài chăng hoa sẽ hồi hộp phấn khích theo dõi những màn ghê rợn bên dưới họ 4 - 5m.

Vô phúc cho ai vì chen lấn xô đẩy hoặc tò mò nhòm mà lộn cổ xuống. Sẽ không ai kéo lên cả đâu !!!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,180
Bài viết
1,150,376
Members
189,941
Latest member
Thao10
Back
Top