What's new

[Chia sẻ] 20 tuổi, xách ba lô và hitchhike nước úc một mình

Chào các anh chị em, mình tên là Hiếu, thành viên mới của phuot.vn. Hôm nay mình muốn chia sẻ với những tâm hồn phiêu lưu trong ngôi nhà phuot.vn một thể loại phượt mà mình thấy chưa nhiều người có cơ hội được thử: HITCHHIKING

Tuổi 20 của mình đã vô cùng may mắn được dành cho nước Úc, nơi có những con người tuyệt đẹp luôn tươi cười rạng rỡ, những công viên xanh mướt mình có thể ngả lưng xuống bất kì lúc nào, những lễ hội, sự kiện nghệ thuật và văn hóa luôn nhộn nhịp từ tuần này qua tuần khác...

Nhưng trên hết, nước Úc là nơi đã tạo điều kiện cho mình thực hiện đam mê được du lịch, được trải nghiệm, được gặp gỡ những con người mới thú vị để thấy bên ngoài bốn bức tường tẻ nhạt, còn có một thế giới của những cơ hội, những cảm xúc mình chưa bao giờ biết đến.

Vậy hitchhike nghĩa là gì. Tôi dịch từ hitchhike sang tiếng Việt là 'đi nhờ xe'. Đến bây giờ thì chắc nhiều người đã mường tượng được ra cách thức phượt của tôi là gì. Đúng vậy, đi nhờ xe không phải là điều gì quá xa lạ. Mình chỉ đơn giản là xin một tài xế nào đó cho mình đi nhờ từ A đến B thôi mà. Thế nhưng, một khi bạn đã chọn, và chấp nhận 'đi nhờ xe' là cách thức di chuyển duy nhất của mình, đó lại là một điều khác. Tôi chưa đọc "Xách ba lô lên và đi" nhưng tôi khá chắc trong quyển đó tác giả cũng đã thử cách này.

img_1629.jpg
(Đồ nghề cho một chuyến đi)

Khi tôi chọn hitchhike là phương thức di chuyển 900km từ Melbourne đến Sydney và ngược lại (và sau đó là chuyến hitchhike 1600km đến Brisbane, và cuối cùng là chuyến hitchhike 700km đến thành phố Adelaide), tôi cam kết với những rủi ro mình sẽ gặp phải nếu chỉ đi nhờ xe, và chấp nhận những vất vả mình sẽ phải trải qua nếu cứ cứng đầu như vậy. Nhưng trên hết, tôi đặt hoàn toàn niềm tin vào 2 thứ: bản năng của mình, và lòng tốt của con người.

Bạn có tưởng tượng được không, nếu chuyến đi của bạn là những lần bị bỏ lại ở một trạm xăng hiu quạnh bên cạnh đường cao tốc, là những lần lê la từ chiếc xe này đến chiếc xe nọ mong tìm kiếm được 1 người tốt bụng nào đó sẽ cho mình đi nhờ, là những lần quốc bộ ở nơi đồng không mông quạnh nhằm tìm "hitchhiking spot" (điểm bắt xe) hợp lí? Còn gì là đi du lịch nữa? Bạn có tưởng tượng được không, nếu sự an toàn của bạn, chuyến đi của bạn, ví tiền của bạn, mạng sống của bạn đều phụ thuộc hết vào lòng tốt con người, thứ mà bạn không có quyền đòi hỏi, mà chỉ có quyền hi vọng?

hie1babfu1.jpg

(Một tài xế lái xe tải chở tôi vài trăm km. Anh ấy rủ tôi qua nhà chơi, thăm vợ và 5 đứa con của anh ấy. Nhưng tôi phải từ chối vì không tiện đường. Trước khi chia tay, anh tặng cho tôi một quyển kinh thánh nhỏ, nói rằng những gì tôi đang tìm kiếm có thể được tìm thấy trong quyển sách này"


Tôi đánh đổi tất cả, những lần đứng bên cạnh đường cao tốc với chiếc ba lô nặng chịch vẫy vẫy chiếc bảng ghi "Học sinh - không tiền - Giúp" với ngón tay trỏ giơ lên cao tự hào và vô vọng, những lần lon ton dưới cái nóng nung thép của trời Úc, chạy đến những chiếc xe mới tạt vào trạm xăng để thử vận may, những hàng trăm, hàng trăm chiếc xe lao vùn vụt qua tôi một cách hững hờ khi mà tôi hiện ra trong mắt họ không gì hơn là một kẻ nguy hiểm tiềm tàng, một kẻ bỏ nhà đi bụi, không có gì tốt đẹp.

Tôi đánh đổi những cảm xúc bất an, lo lắng, sợ hãi, hoảng hốt, xấu hổ của việc phụ thuộc vào người lạ mặt hoàn toàn để giúp hành trình "tìm ý nghĩa của cuộc đời" của tôi được tiếp diễn.

Bất an thế nào ư? Bất an là khi được một anh chàng từ dưới đất chui lên đề nghị chở tôi từ Sydney về Melbourne khi tôi đang đứng bên ngoài một trạm xăng, cố gắng sử dụng những múi cơ mặt mệt mỏi để cười với mọi chiếc xe chạy qua. Tôi tin vào karma (nghiệp chướng?) và rằng nếu mình sống tích cực, điều tích cực sẽ quay trở lại với mình. Thế nên anh chàng này đã đáp lại lời cầu khấn của tôi, mỗi tội hành vi của anh này hơi đáng ngờ. Tốt đến bất ngờ, đến nghi hoặc, đến mức khiến tôi phải tự hỏi liệu có nên nghe theo bản năng của mình lần này và từ chối khi anh ấy nói anh ta là người Afghanistan còn xe anh ấy thì cũng khá tồi tàn, luộm thuộm.

11082595_872684362795885_8134448712748401772_n.jpg


Sợ hãi là thế nào ư? Sợ hãi là khi nhảy lên xe van của một thằng cha hippie/surfer thực thụ tóc vàng dài ngang vai, cởi trần cơ bắp sáu múi mặt đẹp như sao Hollywood đưa tôi đến Byron Bay (một vịnh đẹp nổi tiếng gần t.p Brisbane). Không, tôi không lo lắng sẽ bị hiếp dâm nếu đó là điều bạn đang nghĩ. Tôi lo lắng là khi hắn ta dùng tay phải để nhồi thuốc vào chiếc tẩu đang ở trên tay trái của hắn, bàn chân đang đạp ga đến tốc độ 70 cây số một giờ, mồm hắn liên tục giảng giải cho tôi cách hút marijuana và những điều kì diệu nó mang lại, một mắt hắn nhìn đường và mắt còn lại nhìn tôi, trong khi đùi hắn thì lãnh nhiệm vụ điều khiển vô lăng. "Tao chạy kiểu này suốt từ khi tao 15 tuổi, dễ như chơi ý mà", hắn trấn an tôi.

img_1744.jpg

(Ryan, hình mẫu hippie của thế kỉ 21)

Lo lắng là thế nào ư? Lo lắng là khi được một anh chàng châu Phi đề nghị chở về, lúc 11 giờ đêm khi phát hiện ra mình đã đi quá trạm dừng xe buýt ở Canberra và cơ hội về được chỗ qua đêm càng nhỏ dần. Đắn đo mãi không biết có nên nghe theo bản năng mình lần này, cuối cùng tôi gạt tiếng nói bên trong đang run rẩy ngờ vực sang một bên, đi theo anh chàng nhỏ thỏ đen đúa kia qua những con hẻm, cái ngõ, băng qua bãi đậu xe dưới bầu trời đêm lổn nhổn ánh sao. "Đứng ở ngoài này đợi nhé, vợ tao có khi đang khỏa thân", Stevenson, nhân viên quét dọn đến từ đảo quốc Mauritius nói rồi biến vào nhà, lúc sau quay ra với chiếc chìa khóa ô tô.

10277035_872684582795863_8012093403095293240_n.jpg

(Sau khi được Stevenson giúp, tôi qua đêm trong một phòng gym mà một người bạn của bạn sắp xếp trước)

Hoảng hốt là như thế nào ư? Là khi tôi không tìm thấy chiếc điện thoại của mình sau khi được bỏ lại ngoài một trạm xăng nhỏ xinh xinh, một bên là đồng mía, một bên là dòng sông bạc chảy ra biển (dòng nước mà ông lái xe bảo tôi rằng mùa hè đến mày có thể nhìn thấy cả cá heo), cách xa nền văn mình nhân loại 300km. Cũng may là sau một hồi gào thét chửi rủa bản thân thì tôi đã tìm thấy điện thoại trong túi áo khoác ngay trước ngực.

Xấu hổ là như thế nào ư? Là khi chạm phải những ánh mắt lảng tránh, khinh rẻ, những ánh mắt nhìn xuống tôi như thế tôi không cùng địa vị xã hội với họ, đẩy tôi càng xa khỏi thế giới của họ càng tốt. Không nhiều người có cảm tình với hitchhiker, nhưng những người đã dừng lại và cho bạn lên xe là những người tốt nhất thế giới. Họ giúp bạn khi không ai khác giúp bạn.

Chỉ với cái ngón cái giơ cao, nghiêng trên trời (đôi khi có một tấm bảng đeo trước ngực), với cái đầu còn non choẹt nhưng đầy ước mơ, trái tim bất ổn nhưng thừa đam mê, cùng rất nhiều kem chống nắng và socola chống đói, tôi xách ba lô lên và đi. Không kế hoạch, không bạn đồng hành, không kinh nghiệm, không có mấy đồng trong túi, tôi lại có vô cùng nhiều lí do vì sao tôi kiên quyết bỏ ngoài tai những câu khuyên bảo ngoài kia nguy hiểm lắm, mày không sợ bị giết ư, có ngày mày sẽ gặp hạn. Nhưng thật ra, những câu chuyện của google về "hitchhiker murder", "hitchhiker gone missing", những câu chuyện của những người tôi gặp về việc họ chạm trán người xấu ra sao CÓ làm tôi nhụt chí và nghi ngờ kế hoạch của mình. Tôi nhìn trong ánh mắt họ không còn đâu tình yêu với nhân loại.

Ai chả biết trên thế giới này vẫn có người tốt, và lòng tốt luôn luôn tồn tại. Nhưng như Buddha đã nói "Chỉ chấp nhận những thứ mình trải nghiệm là sự thật và là sự thật duy nhất", tôi chỉ có thể hoàn toàn tin rằng lòng tốt tồn tại khi nó xảy đến với tôi trong những thời khắc tuyệt vọng nhất.

Không, tôi không liều chết, tôi liều sống.

Tôi mới viết về những cảm xúc tiêu cực, những khó khăn của hitchhike. Nếu như có ai muốn biết thêm về hành trình của tôi, tôi sẽ viết tiếp. Bây giờ tôi phải quay lại làm việc đã.
 
Last edited:
Mình không có nhiều ảnh cho chuyến lần này đâu bạn ạ. Quá căng thẳng, hồi hộp và hưng phấn nên không có nhiều thời gian chụp ảnh :) Mình cũng thích dựa vào ảnh để kể chuyện, mình thích dùng chữ hơn :D
 
Chuyến đi về của tôi không có cơ hội chụp nhiều ảnh. Người nào đã nói "Một bức ảnh đáng giá bằng 1000 chữ" sẽ nhận được cái lắc đầu của tôi. Vì tôi tin câu chuyện đằng sau một bức ảnh quý giá hơn nhiều so với một khung cảnh được cẩn thận lấy nét và lưu giữ lại qua ống kính tí hon của chiếc máy ảnh, hay chiếc điện thoại. Cùng là một bức ảnh Opera House đấy, nhưng nếu đằng sau nó là một con người du khách tẻ nhạt chỉ đến chụp vài tấm ảnh rồi đi, thì cũng chả ai biết được bức ảnh đó khác thế nào so với một bức ảnh Opera House của tôi đây, một hitchhiker vượt qua bao gian khổ đến đến được Sydney sau 800km làm bạn với mặt đường.
Tôi ghét những người đi du lịch như vậy. Bỏ quên cả một vẻ đẹp ngay trước mặt mà tin rằng chỉ việc ngắm chúng qua màn hình nhỏ xíu của mình là họ có thể hoàn toàn nuốt trọn những nét tinh túy của nó vào tâm hồn.


Tôi sử dụng hitchwiki.com để tìm hiểu về những điểm hitchhike khả thi. 5 giờ sáng, tôi chào tạm biệt người bạn mẫu giáo cho tôi qua đêm 2 ngày, khoát áo ra đi trong bóng tối. Tôi lên tàu, ngồi chuyến tàu 1 tiếng để đến điểm gần đường cao tốc dẫn về Melbourne, với hi vọng lần này tôi cũng sẽ thành công với phương thức di chuyển của mình.

11038991_872684682795853_3751168705670022208_n.jpg

(Sau khi có được 1 khoảng thời gian ngắn ngủi để đi dạo quanh Sydney, tôi cũng đành phải từ bỏ cái đẹp ở đây để về nhà kiếm việc. Tôi mang theo cái túi ngủ, nên lúc này đang rải ra cỏ nằm đọc sách với view là bãi biển)

Bước xuống tàu, tôi chỉnh lại cho ngay ngắn tấm biển trước ngực vẫn ghi câu khẩu hiệu quen thuộc và hiệu quả: "Học sinh - Không tiền - Đi Melbourne". Tôi tiến ra khỏi sân ga, đi dọc theo vỉa hè mà không biết sẽ phải đi đâu. Một anh chàng Aboriginal (người thổ dân Úc) to lớn như cầu thủ bóng bầu dục chậm rãi đi trước tôi. Tôi vượt qua anh ấy. Tôi dừng lại để buộc giây dày, bỗng thấy anh chàng này tiến gần đến tôi với đôi tay đang cố móc vào túi quần tìm kiếm thứ gì đó đang được dấu tít sâu dưới đáy túi.

Sự hưng phấn trào dâng dần dần trong lòng tôi. Tôi biết điều gì đang xảy ra. Anh chàng Aboriginal với đủ loại hình xăm khắp người đó đang muốn cho tôi một chút tiền sau khi nhìn thấy tấm bảng của tôi với hi vọng sẽ giúp đỡ được phần nào cậu học sinh khánh kiệt này về được nhà an toàn. Niềm vui này trong lòng, sự cảm kích này trong lòng, cảm giác bất ngờ trước sự kì diệu của lòng tốt con người này, khiến tôi ấp úng trong miệng không nói thành lời. Anh ấy móc trong túi ra một vốc tiền xu và nói với tôi "Này cậu, cầm lấy, hi vọng cậu có thể mua được một chiếc vé". Tim tôi đập thình thịch trước sự hào phóng của những người lạ mặt đi ngang qua đời tôi và đưa một nét vẽ sâu đậm trong kí ức tôi. Tôi cảm ơn anh rối rít, và không từ chối những đồng xu - mà nếu tính ra chỉ được hơn 10 đô - của anh. Tôi biết rằng hôm nay anh về nhà, trong tim anh sẽ luôn cảm thấy ấm áp khi đã giúp được cho một cậu học sinh về được tới nhà cách đó 800 cây số. Và tối đến khi cả nhà anh quây quần lại bên bữa tối, anh sẽ kể cho mọi người rằng những đồng xu anh đã không ngại ngần trao cho người lạ đó, đã cứu sống một người thế nào. Tôi là ai mà lại đi tước quyền được cảm thấy tự hào và ấm áp trong lòng của anh?

Đang không biết làm thế nào tiếp thì thấy đằng xa có một chiếc xe chạy đến từ phía nhà ga. Tôi vẫy tay xin đi nhờ. Chiếc xe đỏ dừng lại. Tôi nhìn vào trong, đó là một chú người Châu Á. Tôi chắc mẩm chú này chả hiểu tôi muốn gì. Tuy nhiên chú cũng mời tôi vào xe và dẫn tôi đi một vòng.

À không, vài vòng mới đúng. Người đàn ông Phillipines đạo Thiên Chúa này mù tịt địa điểm mà tôi muốn được thả xuống, và ông cứ đi vòng vòng mất cả nửa tiếng cố tìm cho bằng được chỗ tôi muốn xuống. Sự nhiệt tình của ông bỗng trở thành sự phá hoại khi mà càng ngày tôi càng cách xa điểm hitchhike hơn. Tôi bảo ông ý rằng thôi ông thaả tôi xuống đây để tôi đi bộ thì bỗng chú ấy hô to "À tôi biết ở đâu rồi". Chú ấy băng băng lao ra khỏi khu dân cư, bon bon trên đường quốc lộ, chắc mẩm trong đầu về điểm tôi muốn đến.

"Cậu đã đi được đâu ở Sydney chưa?", chú hỏi.
"Cháu chưa, cháu vừa mới đến đây hôm qua, chưa đi được đâu nhiều", tôi trả lời thành thật.
"Vậy tại sao cậu lại làm điều này?", chú hỏi tôi.
"Bởi vì đối với cháu việc đi máy bay hay tàu hỏa là quá đơn giản. Và một khi cháu thành công bằng cách di chuyển này, cháu tự tin rằng cháu có thể đến được bất kì điểm nào ở Úc mà không mất đồng nào"
"Cậu dám mạo hiểm để làm điều mình muốn. Tôi tin rằng cậu sẽ thành công trong cuộc sống", chú ấy kết luận một câu mà làm tôi phởn đến tận bây giờ. Tôi chợt nghĩ, nếu một người trưởng thành và đã từng trải qua bao thứ như chú ấy có thể khẳng định một điều chắc chắn như vậy, thì cũng phải có căn cứ lắm chứ. Và cả ngày hôm đó tôi bớt cảm thấy bất an về tương lai của mình hơn rất nhiều.

11006430_872684712795850_8564446953001511338_n.jpg

(Ảnh ở Sydney, tôi dành được 1 ngày để đi ngắm biển Sydney)

Chúng tôi nhìn thấy trạm xăng nơi tôi muốn xuống. Tôi reo lên "Thanks God we found it", chú ấy không bỏ qua cơ hội tôi nói hớ, liền bắt chẹt "À đó thấy chưa, Chúa đã đáp lại lời cầu khấn của cậu rồi đó" (Trước đó tôi nói tôi là vô thần).

Sau khi loanh quanh ở trạm xăng hết 45' nhưng không có một ai đồng ý giúp tôi - hầu như ai cũng bận đi làm, không thể chở tôi được - thì tôi quay trở lại với kỹ năng đứng đường cũ. Đồng thời, tôi để ý cứ có xe nào có vẻ khả thi tậu vào trạm xăng là tôi sẽ xấn xổ chạy tới để hỏi han.

Sau khi đứng thêm tầm 30' nữa, tôi bỗng thấy phía bên tay trái tôi có một người đàn ông đi tới (chiều lái xe tại Úc là bên tay trái). Tôi thấy khá là lạ vì xung quanh đây chả có nhaà cửa gì cả, vậy thì anh chàng này từ đâu chui ra?

Tuy nhiên anh ấy tiến đến chỗ tôi, hỏi tôi rằng có phải tôi đang đi MElbourne không, và anh ấy sẽ chở tôi về Melbourne. Lúc này tôi cảm thấy khá nghi ngờ hành tung của anh chàng này khi mà không thể hiểu được anh ấy từ đâu đi tới. Tuy nhiên tôi vẫn đi theo anh ấy tới nơi mà anh ấy cất xe. Theo lời giải thích của anh ấy, anh ấy đi ngang qua tôi và thấy tôi, anh liền tấp xe vào lề rồi sau đó đi bộ quay lại đón tôi. Tôi cảm thấy khó tin trước một hành động từ một người lạ lại có thể hào phóng đến như thế. Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ chả bỏ công sức ra đi bộ 200 mét dưới trời nắng như vậy dđâu.

Tôi đi một vòng quanh xe anh ta, nhìn xuyên qua cửa gương xem có tia sáng lấp lánh nào vọng lại mắt tôi hay không (ý là có dao hay kiếm gì không), và nhìn kỹ xem có khẩu súng nào được giấu ở đâu đấy không. Sau khi không tìm thấy dấu hiệu gì khả nghi, tôi liền chụp ảnh biển số của xe này và gửi về cho bạn tôi. Bởi lần này tôi có cảm giác không ổn chút nào về anh chàng này, trong khi đó luật lệ đầu tiên khi đi hitchhike đó là phải tin vào bản năng của mình.

Nhưng cuối cùng tôi cũng lên xe anh ấy. Anh ấy nói rằng anh ấy là người Afghanistan làm tôi bỗng giật thót mình. Mỗi người chúng ta đều luôn có một chút sự phân biệt đối xử với những người Trung Đông, khi mà truyền thông sẽ chỉ phơi bày cho chúng ta xem những bộ mặt xấu xí nhất của những xã hội Trung Đông. Chúng ta bị tẩy não để tin rằng tất cả những người Trung Đông đều xấu xa, đều mang gen khủng bố, đều có thể trở mặt thành kẻ xấu bất kì lúc nào. Nhưng chúng ta quên mất rằng những người Trung Đông theo đạo Hồi chính gốc là những con người thân thiện và nồng hậu nhất thế giới. Nếu bạn quen người Iran, Iraq hay Pakistan, các bạn sẽ đồng ý với tôi.

11018887_872684946129160_2830007058000534169_n.jpg

(Đây là một view quen thuộc của tôi khi đứng chờ xe)

Chuyến đi này không có nhiều điều để nói. Chúng tôi đi thẳng 800km về Melbourne. Anh chàng này không nói được nhiều tiếng Anh. Anh chỉ nói đơn giản được rằng anh ấy là thợ may, và anh ấy không bao giờ muốn trở lại đất nước quê hương của anh.

Tuy nhiên, anh ấy cũng đã chia sẻ với tôi một câu chuyện rợn người mà đến giờ tôi vẫn không thể quên. Anh ấy kể với tôi rằng anh ấy đã trực tiếp chứng kiến bạn bè của mình bị giết bởi Taliban ra sao. 2 người bị chặt đầu, 2 người bị cắt chân cắt tay, 2 người bị bắn chết. Trong khi đó anh được tha mạng vì anh không theo tôn giáo mà bọn Taliban kia thù ghét. Khi anh kể với tôi, tôi có thể nhìn thấy trong mắt anh những sự ám ảnh xưa kia quay trở lại với anh. Người anh khẽ run lên còn giọng nói nhuốm một màu sắc vô cùng tăm tối. Tôi cũng không dám hỏi thêm nhiều vì tôi đã đụng chạm tới quá khứ vô cùng đáng sợ của anh mất rồi.

Anh ấy rất tốt bụng, người bạn Afghanistan này, không những đã dành thời gian và công sức để đi bộ quay lại vị trí tôi đứng bắt xe, mời tôi lên xe, đưa tôi về Melbourne. Anh thậm chí còn đưa tôi về đến Sunshine, một nhà ga rất gần nhà tôi. Tôi chào tạm biệt anh ấy. Tôi cảm thấy bất bại khi tôi đã hoàn thành chuyến đi 1700km của mình thành công thắng lợi. Nhưng mọi người nên nhớ, hầu như ít khi có cơ hội hitchhike nào mà mình có thể một mạch đến được điểm mình muốn. Thông thường mình phải mất vài chuyến, hay thâm chí có người còn tự nguyện nhảy xuống xe đi bắt xe mới khi mà họ thấy chuyến đi của họ đơn giản quá. Họ cần tìm kiếm trải nghiệm từ một lái xe khác

Hitchhike giúp tôi xóa bỏ những định kiến không đáng có về những thứ mình không hiểu, nhưng đinh ninh ý kiến của mình là đúng. Ngay lập tức tôi ấp ủ những dự định tiếp theo. Nhưng tôi cần một vài ngày nghĩ trước đã, để hồi lại sức khỏe sau chuyến đi ăn uống ít ỏi này. Tôi sẽ làm một đĩa mỳ ý sốt kem và thịt xông khói. Ummm ngon lành quá.

Vậy là chuyến hitchhike đầu tiên của tôi đã kết thúc. Lần đầu thật là đáng nhớ. Nhưng lần thứ 2 hitchhike 1700km nữa đến Brisbane thâm chí còn thú vị hơn nữa.
 
Đâu rồi em maunuocmat94 ơi?

vài năm trước chị cũng hitchhike ở Vegas cho đoạn đường... vài cây số, với tâm trạng có ai cho đi nhờ thì đi, không thì... rút thẻ visa ra và mua vé bus, thẻ bị rejected thì ... đi bộ =)) Lúc đó chị thấy phục cái sự liều của mình lắm rồi, mà giờ đọc bài của em phải gọi là cúi rạp sát đất bái phục, rất kiên cường và dũng cảm em ạ (c)
 
Đang bận quệt nước mắt chị ạ :))
Chị đi du học ở Mẽo hả chị :"> Em lười post quá nên đếch viết nữa đấy chứ :))) khi nào có thời gian thì e sẽ viết tiếp sau, nhưng chị có thể đọc hết các chuyến hitchhike của e ở Việt NamAustralia.
Chúc chị cuối tuần vui vẻ :3
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,463
Bài viết
1,168,462
Members
191,359
Latest member
bongdasogolf
Back
Top