What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - New Delhi-Pushkar-Jodhpur-Shekhawati

Ấn Độ - New Delhi-Pushkar-Jodhpur-Shekhawati-Udaipur-Jaipur-Agra

Ngày Em Đến

Giờ bay của hãng hàng không Air India thật quái đản, 2:30 AM. Đêm trước ở Băng Cốc tôi ngủ độ chừng hơn 1 giờ vì tiếng nhạc mở từ đường phố dội vào cửa sổ nhà trọ rung bần bật suốt đêm. Sáng thì tiếng động cơ xe máy đã phành phạch từ hơn 5 giờ. Tôi lại tiết kiệm nên trả phòng khách sạn ngày hôm sau rồi tìm chỗ đi chơi chờ đêm ra phi trường bay luôn. Lúc gần tối là mắt tôi đã muốn ríu hết cả lại rồi. Leo lên máy bay, chưa kịp chờ máy bay cất cánh tôi đã nhắm tịt mắt. Tôi ngủ mơ màng chập chờn, dưới chân tôi tiếng động cơ máy bay vẫn còn rung rung. Quái, sao lâu thế mà máy bay vẫn chưa chịu cất cánh thế này? Tôi mở choàng mắt, thì ra tiếng rung rung phát ra từ chiếc xe đẩy thức ăn sáng. Tôi nhắm mắt ngủ tiếp. Lần này tỉnh dậy thì thấy máy bay trống hoác chỉ còn lác đác vài người. Tôi giật bắn mình, quơ túi xách chạy ra. Chết tôi rồi, máy bay này bay đi Mumbai chỉ ghé Delhi, không biết tôi đã ngủ bao lâu rồi nữa. Không kịp mở túi xem đồng hồ, tôi lắc vội người đàn ông phía trước hỏi giờ. Năm giờ hai mươi sáng. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tim vẫn chưa đập lại đúng nhịp.

Xong thủ tục hải quan, tôi bước ra ngoài. Không gì sung sướng hơn khi đến một nơi hoàn toàn xa lạ mà có người cầm bảng tên mình đứng chờ đón. Tôi hân hoan bước tới, miệng cười toe toét.

Người tài xế vẫn lầm lì, chỉ trả lời tôi nhát gừng cho dù tôi cố thân thiện hỏi thăm. Tôi hơi ngạc nhiên vì xưa nay các tài xế lái xe thường nổi tiếng là nhiều chuyện. Tôi nhìn qua kính xe, đường phố còn chưa sáng hẳn, vắng ngắt. Thỉnh thoảng trên đường có một vài chiếc xe chạy. Có chiếc xe lôi máy bể bánh giữa đường chung quanh không một bóng người. Tôi rùng mình và thấy mình may mắn ngồi trong chiếc xe êm ái này. Gặp người đi đón mà mang xe sứt càng gẫy gọng thì cũng phiền.

Bốn mươi lăm phút sau, xe rẽ vào một con đường vắng vẻ và dừng lại trước một cái cổng sắt hé mở. Tôi nhìn vào thấy một căn nhà trắng. Tôi lắc đầu bảo người tài xế đây không phải nhà trọ tôi mướn. Tôi đưa anh ta địa chỉ và tên nhà trọ của tôi. Người tài xế đọc xong vẫn lầm lì không nói bảo tôi vào. Tôi nhìn thấy trước căn nhà có bảng hiệu và có bàn tiếp tân nên chấp nhận bước vào trong. Người tài xế và tên trực nhà khách trao đổi với nhau bằng tiếng Ấn Độ. Tôi cắt ngang họ bảo rằng tên tài xế đã đưa tôi đi nhầm, tôi xin họ cho tôi gọi nhà trọ của tôi. Tên trực nhà khách bảo tôi an tâm, hắn nói đã đón nhầm người vì có hai người trùng tên cùng chung một chuyến bay. Tôi hiểu ngay đây là một vụ lừa đảo. Tôi còn giữ nguyên tên cúng cơm Việt Nam, chuyện trùng tên trên chuyến bay thật là chuyện hy hữu. Tên trực nhà khách không đưa tôi gọi mà lấy số điện thoại của tôi gọi, chả biết có gọi thật hay không tôi chỉ còn nước đứng chờ. Hắn niềm nở bảo tôi an tâm sẽ đưa tôi về nhà trọ của tôi nhưng tôi phải trả tiền hắn đưa từ sân bay về nhà khách của hắn cộng tiền đưa đến nhà trọ của tôi vị chi là 900 rupees. Ngoài trời vẫn chưa sáng hẳn, vắng không bóng ngườị Tôi không còn cách nào hơn. Lúc xuống xe tên tài xế tự nhiên gào lên “Tiền boa đâu? Tiền boa đâu? Boa đi chứ !” Tôi quay lại ngạc nhiên nhìn một người lầm lì suốt đường đi gần như không hiểu tiếng Anh bỗng dưng lại phát ra một tràng liên thanh như thế. Anh ta muốn tôi boa, lý do gì mà đòi tôi boa chứ. Tôi nhẹ nhàng bảo anh ta “Anh xem, giá taxi đi từ phi trường vào thành phố có 200 rupees, các anh đã tự động chở tôi đi còn tính tôi tới 900. Tôi không còn tiền.”. Tôi xách hành lý quay bước cố dằn cơn tức. Đồ quân cướp cạn, mới vài kilomet đã định trấn lột người hai lần.

Tôi đưa số điện thoại, tên và địa chỉ của nơi mà tài xế thẩy tôi xuống lúc sáng cho nhân viên làm việc ở nhà trọ của tôi và kể lại câu chuyện rồi nghi ngờ hỏi hắn tại sao họ có tên và giờ giấc bay của tôi. Hắn trả lời tỉnh bơ rằng chắc họ đọc được email. Tôi lên phòng mà bụng không an chút nào. Nếu như chính nhà trọ này đã lừa tôi thì tôi làm sao an tâm mà ở đây được. Tôi bước xuống phòng khách cần mong gặp ai đó cầu cứu.

Ngồi được một lúc thì có một gia đình người Tô Cách Lan bước vào. Họ có bốn người trong đó có một đứa bé chừng 4,5 tuổi. Tôi mừng quá bắt chuyện làm quen và kể khổ luôn tại chỗ. Sau khi ăn sáng và nói chuyện biết nhau một chút, tôi ngần ngại (nhưng có phần khẩn khoản) hỏi họ sẽ đi đâu nếu được thì tôi xin đi chung ít ngày cho quen đường xá. Tôi không ngờ mình lại đi xin xỏ phiền hà người khác một cách dễ dàng như thế (Chắc là do bản năng thúc đẩy). Họ vui vẻ nhận lời ngay. Mick đưa bản đồ chỉ cho tôi xem nơi họ sẽ đi vào ngày mai. Một tỉnh trong vùng Rajasthan, tôi cũng dự định đi quanh Rajasthan nên không có gì khó khăn cả. Mick bảo ăn xong phải đi mua vé cho ngày mai. Mười năm trước anh phải xếp hàng đúng một ngày để mua vé, tuần trước thì mất ba giờ đồng hồ.

Suzie và hai đứa con trai đi nghỉ. Tôi và Mick đi bộ ra nhà ga. Trên đường đi Mick mua hai cái bản đồ Rajasthan mà không hiểu sao khi đến nhà ga thì hai tấm bản đồ biến mất. Chúng tôi có bốn mắt mà chỉ có hai tấm bản đồ không trông nổi. Chắc có lẽ lúc cắm cúi đứng điền đơn ai đó đã cầm nhầm. Từ cổng nhà ga vào đến văn phòng có hơn một chục người níu kéo đòi dắt đến phòng bán vé. Cũng may là tôi đi với Mick, anh ta lãnh hết. Mick bảo tôi chỉ có 1 văn phòng thật nằm trên lầu còn lại các văn phòng bán vé khác là giả. Đôi khi họ còn bảo văn phòng trên lầu đóng cửa chuyển chỗ xuống dưới rồi làm nhiều khách du lịch cả tin và đi theo họ. Quái thật, tôi nhớ đến chuyện mấy tiệm thịt chó Anh Tú ở Hà Nội.Trên một con đường mà có tới cả chục tiệm đề bảng Anh Tú cái nào cũng bảo đây mới chính là Anh Tú chính hiệu.

Chúng tôi may mắn chỉ mất hơn một giờ mua vé. Mick bảo tôi bây giờ cứ việc an tâm ăn no ngủ kỹ sáng mai dậy sớm đi tàu rời khỏi Delhi. Tôi không mong gì hơn mặc dù theo dự định là tôi cần ở lại Delhi vài ngày để đến toà đại sứ Miến Điện xin giấy thông hành. Nhưng thôi, chuyện đó tính sau. Tôi cần phải lấy lại bình tĩnh và học đường đi nước bước ở đây đã.

Trên đường về tôi và Mick đi tìm chỗ chợ bị bom nổ tuần trước. Mick bảo chỉ cách nhà trọ của chúng tôi vài chục mét. Người đàn ông bán gia vị chỉ cho chúng tôi xem nơi bị bom, những cánh cửa sổ còn vỡ chưa được tu sửa lại nhưng nhìn cũng chẳng tệ hơn chung quanh là bao nhiêu. Những căn nhà chung quanh cũng đổ nát và tàn tạ không kém gì nơi bị đặt bom cả. Không có một dấu hiệu gì, chẳng có hoa cũng chẳng có một tờ giấy tưởng niệm. Người ta vẫn sinh hoạt bình thường kham khổ như chưa hề có gì xảy ra. Nếu như thỉnh thoảng cảnh sát không kéo tới đầy nơi đó thì tôi cũng không tin nổi chỉ chưa đầy một tuần trước 16 người đã thiệt mạng nơi đây. Một người đàn bà ngồi chăm chú vẽ hoa trên tay một cô gái ngay trước căn chợ bị khủng bố, nét mặt vẫn bình thản. Đêm đó, tôi thấy người ta ngủ la liệt ngoài đường chồng chất lên nhau người không manh áo tôi mới hiểu. Ở khu phố này, người sống không đủ chỗ để sống. Có lẽ con số chết vì đói khát, bệnh tật, tai nạn hàng ngày ở đây còn nhiều hơn số người tử nạn vì bom khủng bố. Ôi ! Paharganj.
Người vẽ Henna trước chợ
81852538_8749b444e5.jpg

Xe bán bông cải trên phố Paharganj
81853489_d25aecf9cf.jpg

(còn tiếp)
 
Last edited:
Ấn Độ - New Delhi (tt)

Dù sao có được tấm vé tàu, tôi cũng nhẹ người hơn. Về phòng, tôi mở sách ra đọc để dỗ giấc. Đọc được vài trang về đất nước này thì tôi bắt đầu toát mồ hôi trán vì những chuyện lừa đảo. Đọc đến đoạn cô người Úc bị giết năm ngoái ở New Delhi bởi người tài xế taxi của phi trường (prepaid airport taxi), cũng vào một chuyến bay sớm thì tôi không còn đọc nổi nữạ Người tôi bải hoải, bụng cồn cào khó chịu. Tôi thấy mình cần ăn một chút gì đó quen thuộc để dằn cơn rối loại tiêu hoá mỗi khi căng thẳng. Tôi không ngừng nghĩ đến nước mắm.
Bước xuống đường, tôi đi về hướng bên phải. Lúc sớm Mick có chỉ tôi một quán ăn tây phương, hy vọng sẽ tìm được món nào đó quen thuộc với cái dạ dày nhạy cảm của mình. Nhìn lên tấm bảng hiệu “German Bakery” một lần nữa, tôi đẩy cửa bước vào. Tiệm ăn nhỏ gọn, khá sạch sẽ với chiếc tủ kính bày một ít bánh ngọt và bánh mì. Tôi chọn một cái bàn nhỏ trong góc và kéo ghế ngồi. Người hầu bàn bước lại đưa tôi tờ thực đơn. Anh nhìn chừng độ mới hơn hai mươi, vẻ mặt có nét lầm lì khủng bố. Tôi đọc lướt qua các món ăn trên tờ thực đơn, mắt sáng lên và dừng lại ở món pepper steak sau khi đã kiểm qua các món khác. Chỉ mới nghĩ đến miếng bít tết mà bụng tôi đã có vẻ bình tĩnh hơn một chút rồi. Tôi quyết định và ngước mắt nhìn người hầu bàn giọng từ tốn:

- Cho tôi món này.
Anh hầu bàn như thấy được vẻ thèm thịt của tôi nên trả lời, mặt vẫn không lộ tí xúc cảm nào:
- Món này là bít tết gà đấy.
- Vậy à? Vậy thôi. À mà ở đây có món nào bằng thịt heo không?
Câu nói vừa trượt ra cửa miệng thì tôi cũng vừa kịp thấy hai tia sáng từ hai con ngươi của anh chàng hầu bàn như vừa mới long lên, sòng sọc. Hoảng quá, tôi vội vung tay như xua cái từ “thịt heo” đi ra khỏi cái không gian căng thẳng này. Bụng tôi gằn lên “Trời ơi, mình mới nói gì vậy? Bộ muốn chết hay sao?. Miệng tôi thì vội vàng lắp bắp hỏi món này món nọ không ra đầu ra đuôi. Người hầu bàn mặt lạnh không buồn để ý tới thái độ mất bình tĩnh của tôi hỏi cắt ngang:
- Tại sao cô không ăn thịt gà?
Như bắt được phao, tôi vội vàng trả lời ngay :
- Ối, thịt gà. Tôi không ăn gà lâu nay rồi. Sợ lắm, sợ bịnh cúm gà đó. Tôi là người châu Á mà. Ở nước tôi, gà bị cúm nhiều lắm.
Sẵn trong lúc tay tôi còn đâu đó trên không trung, tôi làm điệu bộ pha trò và từ từ đưa tay chỉ anh ta món cơm chiên rau củ.
- Cho tôi món này đi, tôi rất thích cơm.
Anh chàng cầm thực đơn đi vào trong, mặt vẫn lạnh. Tôi hoàn hồn. Thật buồn cười, trong lúc sợ hãi tôi quên đi mất cái mặt tôi ai chả biết là người châu Á mà tôi phải hét lên như thế. May là tôi đã không nói “Tôi không phải người này, tôi không phải người kia, tôi không có làm điều này, tôi không làm điều nọ” Giá mà tôi đang ở nhà lúc này chắc là tôi đã ôm bụng lăn ra mà cười rồi.

Đĩa cơm được bưng ra xoá tan cái không khí đe doạ và khủng bố ban nãy. Tôi ổn định hơn sau khi ăn vài thìa cơm. Tôi hỏi xin nước tương. Chén nước tương nồng hơi men. Nhìn quanh bàn thấy có lọ ketchup, tôi với lấy và xịt đầy lên đĩa cơm chiên nhai trệu trạo.

Không Đèn- Nhỏ Quá !

Dù sao thì đĩa cơm ăn với ketchup cũng làm tôi bớt căng thẳng hơn nhiều. Tôi về phòng sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy, khoá các cửa, gài bẫy báo động rồi lăn ra ngủ một giấc ngon lành.

Tỉnh dậy, đầu óc khoẻ khoắn hẳn ra và cơ thể như được nạp đầy năng lượng. Không muốn phí một ngày chỉ ru rú trong phòng làm kẻ bại trận với đe doạ và lo âu, tôi quyết định làm điều gì đó để ổn định lại vị thế của mình. Liếc nhìn cái máy ảnh trên bàn và cái giá chống để cạnh giường phòng hờ khi cần đến vũ khí, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một toà sen trắng khổng lồ toả ánh sáng huyền ảo trong đêm xanh biếc. Đúng rồi, Bahai temple! Không chần chờ, tôi lao vào buồng tắm làm thủ tục nhanh chóng và không ngừng nghĩ đến một hình ảnh đẹp. Một cảnh đẹp trong lúc này sẽ dẹp tan những tiêu cực trong ngày của tôi. Trong phút chốc tôi chuyển hẳn từ thái cực này sang đầu phía bên kia. Vui như một con sáo, tôi đi như nhảy xuống cầu thang. Tràn đầy tự tin, tôi tựa nhẹ tay lên quầy tiếp tân và khẽ hất mặt hỏi giá cả xe lôi trung bình đi đến đền Bahai.

Ngoài trời đã sập tối, ngay trước cửa nhà trọ có một chiếc xe lôi máy đang đậu sẵn. Nhìn thấy tài xế là một cụ già gầy gò, tôi bước lại ngả giá.

Đền Bahai khá xa, xe đi qua hết trung tâm thủ đô New Delhi. Hai mươi phút đầu tôi vẫn còn hưng phấn. Gió mát làm đêm tối đỡ nóng và đỡ bụi, những con bò u uất trên đường phố cũng biến đi đâu mất trả lại dòng xe cộ cái nhịp điệu lưu chuyển thoải mái vui vẻ. Tôi hân hoan mê mải ngắm nhìn hết trung tâm này đến khu phố nọ. Mười phút sau, gió bắt đầu thổi lạnh hơn từ hai bên xe, xe cộ trên phố thưa thớt dần, phố xá cũng bớt hào quang nhộn nhịp. Năm phút sau đó, đèn đường ít đi dần, xe cộ chỉ thỉnh thoảng mới có một cái chạy vụt qua rồi mất hút. Gió thổi mạnh hơn, người tôi bắt đầu run vì lạnh và vì cảm giác lo lo đâu đó bò về. Lúc xe rẽ trái vào một con đường khá rộng nhưng tối om thì tôi bắt đầu run. Đường không một bóng xe, đèn đường tù mù, hai bên đường là nhiều khu đất trống. Cảm giác thênh thang như lúc bé có lần cả đám kéo nhau đi qua nghĩa địa bà thánh Anna, chưa tới được mộ bà thánh mà đã bỏ chạy về hết. Tôi lấy giọng bình tĩnh hỏi ông cụ:
- Sao đi gì mà lâu dữ vậy ?
Ông cụ chưa kịp trả lời thì tôi cũng vừa thấy thấp thoáng cái cánh sen trắng trắng mờ mờ hiện ra từ xa. Tôi an tâm hơn một chút nhưng cái cảm giác lo âu vẫn chưa chịu đi khỏi. Đã vậy nó càng lúc càng lớn hơn. Tôi tự trách tôi sao lại dại dột nhiều lần, nhỡ ra mà có chuyện gì thì cũng lỗi tại mình quá chủ quan mà thôi. Đồng không mông quạnh vắng vẻ cỡ này thì có chết cũng không ai hay. Hết ý nghĩ này tới hình ảnh khác hiện lên ngang dọc trong đầu tôi. Cái toà sen khổng lồ hiện ra ngày càng gần hơn, tối om lờ mờ giữa đồng cỏ hoang tiêu điều vắng ngắt. Rõ ràng là tôi thấy trên bưu ảnh nó được chiếu trăm ngàn ngọn đèn rực rỡ hào quang lắm mà. Sao kỳ vậy nè?

Ông cụ dừng xe lại bên đường và chỉ tay vào đền thờ. Tôi không muốn bước ra một tí nào cả nhưng cũng phải mạnh dạn đi xuống xe. Tay lăm lăm cầm giá máy như sẵn sàng ứng chiến bất kỳ lúc nào. Tôi theo dõi ông cụ liên tục nhất là mỗi khi ông có chuông điện thoại reo. Tôi nhìn ông và nghĩ cỡ tôi chắc hạ ông dễ dàng. An tâm một phần nào, tôi nhảy phóc qua cái rãnh cống, đạp lên bãi cỏ rậm rạp không được tỉa cắt và leo phắt lên hàng rào. Tôi đứng trên bục cao nhìn chung quanh, chỉ là đêm đen và khoảng trống. Cái đền thờ Bahai nổi tiếng giờ đây nhìn chỉ như một khối đá lờ mờ đùng đục. Tôi rùng mình và hơi run chân. Tôi đứng trên cao quát lớn cho có vẻ oai vệ:
- Không đèn đuốc gì cả, cảnh xấu quá không chụp nữa. Thôi đi về!

Tôi nhảy xuống rào, bước đi mạnh mẽ. Ông cụ có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi thuê xe đi xa như vậy mà chỉ leo lên hàng rào đứng rồi đòi về. Ông lại chỉ tay nói tôi đi chụp hình đi, ý ông có vẻ muốn chỉ tôi đứng góc kia cho đỡ bị cây cối che khuất. Tôi vờ quát tháo “ Không, không chụp gì nữa. Không có đèn. Đền thờ gì mà tối om không có đèn đuốc gì cả. Xấu quá! Đi về!”. Ông cụ miễn cưỡng đạp máy, quay đầu xe. Xe chạy, ông cụ lẩm bẩm một mình “không đèn, không đèn”. Môi ông vẫn bập điếu thuốc vấn ướt nhẹp.

Xe chạy ra khỏi khu đồng trống tôi mới thấy người nhẹ nhõm hơn. Ông cụ lại thỉnh thoảng lẩm bẩm “không đèn, không đèn”. Tôi nói với lên “Ừ không đèn đuốc gì, đáng lý phải thắp đèn lên chứ. Ở nước tôi tất cả mọi tượng đài đều được thắp đèn sáng rất đẹp không giống như ở đây”. Tôi vờ hậm hực để khoả lấp đi nỗi lo sợ của tôi. Ông cụ thì lắng nghe và có chút gì băn khoăn như người chưa làm tròn nhiệm vụ. Có lẽ vì thái độ không vừa ý của tôi làm ông thấy mặc cảm đã không làm khách hài lòng. Ông lại lâu lâu gật gù lẩm bẩm “không đèn, không đèn”. Xe chạy nhanh, gió thổi phần phật hai bên làm tôi lạnh cóng. Điệu này dám đêm nay về sẽ viêm cổ cho xem. Tôi đưa hai tay ôm kín cổ. Có người đàn ông đi xe hơi bên cạnh cứ ngoái nhìn tôi nhiều lần. Chắc dáng điệu co rúm của tôi trên xe lôi nhìn thảm não lắm. Tôi nhìn lại ông ta để ông an tâm là tôi không hề bị gì cả.

Ông cụ bỗng rà rà chậm xe lại và chỉ tay về phía bên phải hỏi tôi muốn ghé xem. Ông bập bẹ nói “có nhiều đèn”. Tôi nhìn theo tay ông cụ và xuýt phì cười. Ông cụ cố tình chở tôi đến Khải hoàn môn (India Gate), nơi rực rỡ ánh đèn. Ông dừng xe chờ ý kiến tôi. Nhìn vào rừng người đứng dầy đặc chung quanh Khải hoàn môn, tôi hơi ớn. Điệu này không cần đặt bom mà chỉ cần hù dọa khủng bố thì rừng người này sẽ dẵm lên nhau chạy mà chết. Mà thật, không hiểu người ta ra đấy để làm gì mà đông như thế. Có lẽ vì thói quen hay truyền thống thích tập trung vào một chỗ của những người dân sinh sống ở xứ nóng. Tôi thấy cả ngàn người chỉ đứng đầy chung quanh khu vực đó nhìn nhau, một kiểu đứng chơi rất giống Việt Nam. Không được, cả ngày nay đã làm nhiều việc dại dột rồi, tôi không thể cho phép mình làm thêm một việc dại dột nữa. Tôi cau mày, khoát tay bảo ông cụ “Nhỏ quá ! Cổng gì mà nhỏ tí tẹo. Thôi đi về !” Ông cụ nhìn tôi ngơ ngác vài giây rồi thấy tôi nhất định đòi về nên quay người đạp máy. Xe lại lăn bánh chạy bon bon trên đường. Ông cụ lại lẩm bẩm “nhỏ quá, nhỏ quá”. Điếu thuốc vấn bập bẹ trên môi, gió tạt khói ngược ra sau tôi. Chả biết ông cụ có hút lá gì không mà có vẻ ngớ ngẩn thế. Khách đòi về thì cứ về hơi sức đâu mà cứ lẩm bẩm lo lắng như vậy. Tôi nói thêm” Ừ cổng nhỏ quá, ở nước tôi cổng to hơn nhiều”. Ông cụ lắng nghe rồi lại lẩm bẩm lập lại theo sau tôi “nhỏ quá”.

Rồi cũng về được tới nơi, lúc xe dừng lại trước nhà trọ tôi mừng gần chết mà vẫn làm bộ khó chịu mặt hậm hực. Ông cụ cầm tiền tôi trả ngập ngừng. Ông ngần ngại hỏi tôi ngày mai có đi đâu nữa không. Ông chỉ tay nói sẽ chờ tôi trước cửa nhà trọ. Tội nghiệp, tôi biết ông có mặc cảm đã không làm tôi được hài lòng nhưng làm sao ông có thể hiểu được đây. Không muốn từ chối ông với lý do sang sớm mai tôi rời khỏi nơi này, tôi gật đầu đại. Ông cụ có vẻ an tâm hơn và chỉ tay ra hiệu lần nữa nói sẽ chờ tôi ngày mai.

Ảnh chụp Bahai Temple 3 tuần sau đó
119132591_7ba337a17b.jpg
 
Ấn Độ - New Delhi (tt2)

Tàu Hoả Dồn Thịt

Chuyến tàu đêm từ Udaipur đến Delhi từ từ dừng bánh, mọi người lục đục kéo hành lý. Tôi lom khom kéo thì trán va ngay vào thanh sắt của giường trên, thế là có ngay một khối u gần bằng hạt mít trồi lên giữa trán. Cái đau làm đầu óc tôi tỉnh táo hẳn lên.

Tôi rảo bước ra khỏi toa tàu. Mắt nhìn thẳng, mặt tỉnh bơ không lộ cảm xúc theo đúng như bài bản. Đi ra khỏi sân ga một đoạn thì tôi bắt đầu nhận ra hình như đây không phải là nhà ga tôi muốn đến. Hai bên tôi nào là phu xe nào là nhân viên giúp đỡ “miễn phí” chạy theo chào đón . Tôi vẫn cắm đầu đi cho đến khi những cái đuôi chán nản bỏ cuộc. Bây giờ phải tìm cách hỏi đường. Các hàng quán bên đường toàn là những gương mặt đáng nghi ngại. Nhìn thấy trong một hiệu cắt tóc bên đường có một ông lão đang ngồi xem tivi với 3 đứa trẻ, tôi bước vào hỏi đường. Thì ra tôi đang ở nhà ga Nizamuđin, muốn đến nhà ga New Delhi thì phải mất 60 rupees đi xe lôi máy hoặc 4 rupees đi tàu hoả tiếp. Trong túi chỉ còn 15 rupees tiền giấy và chừng 10 rupees bạc cắc, chung quanh thì chẳng có máy rút tiền cũng như nhà băng nào cả. Tôi chọn giải pháp đi tàu. Dễ mà, ngồi tàu an toàn lại rẻ tiền. Thế là tôi chọn giải pháp 4 rupees.

Nhân viên bán vé không biết tàu dừng ga New Delhi tới đường rày nào. Họ bảo tôi cứ ra đó hỏi. Hỏi mãi mới biết tàu sẽ tới đường số 2 hoặc 3. Tôi bò ra bến ngồi chờ hơn nửa tiếng. Sốt ruột, tôi lại hỏi. Một ông cụ bảo tàu sắp tới rồi, bên đường rày số 3. Một chiếc tàu cũ kỹ sơn xanh trờ tới bên đường rày số 2. Tôi nhìn sang đường số 3 chờ đợi. Ông cụ bảo tôi đừng nóng lòng, tàu sắp tới. Tôi nghe tiếng động cơ đang từ từ tới gần bên đường số 2. Một khối sắt không rõ hình thù rỉ sét lù lù tiến tới. Hàng trăm cái đầu thòi ra từ các lỗ hổng của khối sắt đó. Không, phải đến cả ngàn, nhiều lắm, đầu người lúc nhúc. Tự dưng bụng tôi bảo dạ chắc không phải chuyến này, chắc chuyến bên kia cũng dừng trạm New Delhi mặc dù 2 chuyến tàu đi ngược chiều nhau. Kệ, tôi quay sang đường rày bên kia trong lòng hy vọng ông cụ nọ đã nhầm.

Đường rày số 2 không đi hướng New Delhi, tôi phải quay lại. Toa cuối cùng cũng vừa dừng ngay chỗ tôi. Không có thời gian để suy nghĩ hay lựa chọn, dòng người đẩy tôi lên toa.

Trong toa còn kinh khủng hơn, người xếp chồng chất không còn biết ghế là chỗ nào. Dưới sàn người đứng kẻ ngồi ngổn ngang. Bất cứ chỗ nào có kẻ hở là người ta thò đầu ra để thở. Tàu chuyển bánh, tôi đu người lắc lư, không biết sẽ đu như vậy được bao lâu. Một lát sau thì một người đàn bà ngồi gần ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Tôi ngồi phệt xuống. Hai bàn chân nhón lên chịu sức nặng của cơ thể và hành lý vì không đủ chỗ. Một cậu thanh niên (có lẽ vì thấy mặt tôi khổ sở quá) đứng dậy nhường cho tôi một chỗ trên ghế. Người ta tràn qua, người phụ nữ tốt bụng ban nãy giữ cho tôi chỗ và bảo tôi chen vào. Hành lý tôi để lại bên ngoài. Cậu thanh niên tử tế chen ra.

Ấn, nhét, dấn, dúi … cuối cùng tôi có được một chỗ ngồi.

Tôi nhìn quanh, những gương mặt gầy trơ hốc hác. Chắc cũng đến 90% là mang một số bệnh nào đó trong người. Chẳng có mấy người nhìn khoẻ mạnh. Những đứa bé gầy teo trơ dài hốc mắt. Tôi muốn quay đi để tránh nhưng không biết quay đi đâu. Cũng may là đường đi không xa.

Người phụ nữ tốt bụng và cậu thanh niên tử tế đỡ giúp tôi hành lý. Làn sóng người đẩy tuột tôi xuống sân ga. Cảnh trên sân ga cũng không gì hơn, người la liệt bên cạnh những bao bố hàng hoá. Tôi bước nhanh ra đường, băng qua ngả tư dầy đặc xe cộ trước sân ga như đi vào khoảng không, người bỗng nhẹ tênh giữa làn bụi của khu phố Paharganj.
 
Pushkar và lễ hội buôn lạc đà

Người lái buôn dắt lạc đà ra hội chợ lúc tờ mờ sáng
65084010_892979fe71.jpg

Hàng nước dọc đường cho người đi hành hương
78318391_ae048ed6df.jpg


Người Đàn Bà Trên Đường Phố Pushkar
78322500_491513419f.jpg

Thánh địa Pushkar như bừng sống dậy trong những ngày lễ hội buôn lạc đà (camel fair), hàng ngàn khách hành hương cũng lũ lượt kéo nhau về đây trầm mình trong dòng nước thánh ở hồ nước thiêng (Pushkar lake) để gột rửa tội lỗi của mình. Nghe đâu một phần tro của Gandhi cũng được rắc ở đây và nơi đây cũng là nơi duy nhất còn lại đền thờ Bà La Môn (Barha temple) trên thế giới.

Theo chân du khách và dòng người hành hương là lớp sóng những người ăn mày. Họ đông đến độ khi ngồi chật hết hai bên đường phố, họ phải ngồi thành một hàng dài giữa đường như một thanh chia bằng xương thịt với những đôi mắt sâu hoẳm ngước nhìn níu kéo bước chân của những người khách bộ hành. Giữa cái thanh chia đường bằng xương bằng thịt đó, tôi nhìn thấy một người mẹ đang cho con bú. Trên tay cô là một đứa bé kháu khỉnh, ngồi cạnh cô là một đứa bé gái được hoá trang theo kiểu lễ hội, có lẽ để hấp dẫn du khách. Cô vén một bên áo để lộ nửa bầu thanh xuân căng tròn. Tôi đoán chắc cô còn trẻ lắm. Không muốn bỏ mất một hình ảnh đẹp, tôi quay trở lại và ngồi phệt xuống trước mặt mẹ con cô vờ như nghỉ mệt và ngắm nhìn đường phố. Tôi ra hiệu cho cô bảo rằng em bé dễ thương lắm và móc ra một ít rupees đưa cho cô. Cô nhận tiền một chút rồi ngần ngừ chỉ tay sang đứa bé gái ý bảo tôi cho thêm cô bé tiền nữa. Nhìn cô có thoáng chút ngượng ngùng về hành động tham lam của mình, tôi cười thông cảm. Ít ra cô cũng còn biết ngượng trong đa số những gương mặt trơ tráo tôi đã gặp ở đất nước này. Tôi cho cô bé một ít rupees nữa. Tôi giơ máy ảnh lên ra hiệu xin phép chụp ảnh cậu bé. Cô gật đầu. Tôi cho cô xem ảnh qua màn hình của máy. Cô cười nửa thích thú nửa thẹn thùng. Cô ra dấu xin tôi chụp ảnh cả ba mẹ con cô. Tôi bấm qua loa lấy lệ, bụng bảo dạ chút nữa tôi cũng xóa đi. Nhìn tấm ảnh cả gia đình cô qua cái màn ảnh nhỏ, mặt cô ngời lên hạnh phúc. Cái niềm vui của một người phụ nữ Á đông không thể hiện nhiều như những người phụ nữ ở nơi tôi đang sống nhưng nó có sức mạnh thôi thúc tôi muốn làm cách nào đó để mấy mẹ con cô có được một tấm ảnh.

Sực nhớ đã nhìn thấy đâu đó có bảng hiệu quảng cáo nhận in ảnh kỹ thuật số, tôi co chân chạy về hướng con đường nhỏ ngược ra phía đất hội. Sau khi giải thích ý tôi muốn cho một cô bé và một cụ già đang trông tiệm, tôi phải ngồi chờ họ chạy đi tìm một người khác. Và rồi người khác cũng xuất hiện, anh ta bảo tôi phải rửa ít nhất là một số ảnh (tôi không nhớ rõ con số, 20 hay 50 gì đó). Tôi tính ra tiền và cũng đồng ý. Lúc này anh ta mới nói tôi là họ không có máy in, phải mang lên tỉnh Jaipur rồi mang về mất mấy ngày. Tôi chào thua và bỏ đi. Không còn cách nào khác. Tôi sắp rời khỏi thành phố này và tiếp tục cuộc hành trình của tôi rồi. Giá mà bây giờ tôi có một cái máy ảnh Polaroid.
119585307_ad88e77cb1.jpg
 
Hai tấm ảnh mới này đẹp quá chị Kiki ạ, đúng như em hình dung về Ấn Độ. Chắc em phải kéo dài thêm hành trình của em ở vùng Rajasthan để tới Shekhawati mới được (c).
Chị cho em hỏi chuyến đi Ấn Độ của chị vào năm nào vậy? Nếu như cách đây mấy năm đã vậy thì không biết bây giờ "trình độ" của du lịch Ấn còn "phát triển" tới mức nào nữa nhỉ? Em đã chuẩn bị tư tưởng là sẽ có nhiều điều phiền toái khi đi du lịch ở Ấn Độ nhưng đọc bài của chị em vẫn hơi hoảng :(. Đặt phòng trước rùi mà vẫn còn bị bắt cóc giữa ban ngày như vậy thì hơi bị khiếp đấy X(.
 
Chị kiki là phụ nữ mà đi du lịch một mình lại còn thêm nhiều rủi ro (như đi trời tối, bắt xe lôi, thăm những khu vực phức tạp...) như chị kể có vẻ liều lĩnh quá. Em đọc thấy hưng thú cũng nhiều nhưng thấy lo cho nhân vật chính cũng không ít. Thiết nghĩ an toàn, sức khỏe bản thân là trên hết. Những nước như Ấn Độ, Nam Phi, Ai Cập...phụ nữ nhất thiết không nên đi một mình. Nếu đi phải hết sức quen thuộc đường xá, con người mới nên đi.
 
@hlt: chị đi Ấn mùa thu 2005 là cách đây 4 năm. Lúc đến Jodhpur còn biết thêm chuyện nhà hàng bỏ thuốc vào thức ăn của thực khách để họ ngộ độc rồi đưa vào bác sĩ để ăn chia tiền bảo hiểm. Rủi ro sao có 2 anh chàng người Ái Nhĩ Lan thì phải trúng độc nặng quá tử vong luôn và chuyện được phanh phui. Nói chung Ấn độ là nơi nhiều phức tạp nên em nên chuẩn bị tinh thần thế thôi. Hơn nữa tính chị nhát mà lại liều mò vào khu Paharganj là nơi tập trung dân anh chị ngay cả dân Ấn tử tế cũng không dám bén mảng. Đừng đọc mà phát hoảng :) Chị có dịp cũng sẽ đi nữa :)
@Saigonesekid: ừ, đi có bạn đồng hành thì an tâm hơn nhưng đi solo có cái thú của nó. SGK nói đúng đó, mấy nơi đó họ coi thường phụ nữ lắm nên nguy hiểm tăng gấp đôi. Mà bây giờ chị có con nhỏ, hết liều rồi :)
 
Hình ảnh đẹp, viết mượt. Mà giọng văn nghe quen quen nhỉ: lãng đãng, nhừa nhựa, đằm nhưng rất chi là nhí nhố từ cái nhìn của phía phản biện^^

Công nhận, dù có hoành tráng India đến mấy, nhưng thấy độ "man man" và rick cao quá. Thế nên chỉ dám thỉnh thoảng ngó "Phuot.com", mút tay, dấn F5, hồi hội đợi cao thủ thả cho ít chiêm nghiệm vậy.

...
 
Jodhpur

@Akatonbo: Cảm ơn nhé. Thật ra thì chuyến đi Ấn mình hơi bị khủng hoảng nên viết có phần bức xúc ... còn không chắc cũng không đến nỗi nào :)

----------------------------------
Xe Lôi Bay

Người quản lý khách sạn lúi húi ghi một dòng chữ Ấn Độ đằng sau tấm biên lai đăng ký xe buýt của tôi. Tôi tò mò hỏi:
- Ông ghi gì đấy?
Anh đưa lại tờ biên lai cho tôi và nói:
- Phần này đưa cho tài xế xe lôi máy (auto-rickshaw) để họ biết nơi đưa cô đến. Tôi ghi cả giá tiền cho tiện cô khỏi phải mất thời gian ngả giá với họ.
Tôi nhìn dòng chữ ngoằn ngoèo trên mảnh giấy nghi ngờ. Không rõ tôi mắc căn bệnh này từ bao giờ. Có thật là địa điểm bến xe không hay là mật mã bảo quăng tôi vào bãi rác nào đó. Tôi vờ bảo anh ta dịch từng chữ cho tôi nghe và quan sát nét mặt xem có dấu hiệu gì không suông sẻ. Tôi bước ra khỏi khách sạn trong bụng thấy buồn cười vì sự lo lắng thái quá của mình.

Những con đường trong khu phố cổ dưới chân lũy thành Meherangarh chật hẹp khúc khuỷu, dân cư thì đông. Cũng tại cái lũy thành hấp dẫn du khách khắp nơi kéo đến này mà đã tạo nên ở đây một lớp người chộp giựt lừa đảo đến độ thái hoá. Họ tìm đủ mọi cách để làm tiền. Mỗi lần tôi bước ra phố là ngộp thở khó chịu đến không cùng. Nhưng cũng chính trong cái quá độ đó đôi khi lại trở thành chuyện hài hước, nó làm tôi nhẹ nhõm đi hơn trong cái không khí bực bội ở Jodhpur này. Nhớ lại chuyện hôm qua lúc xuống khu tháp đồng hồ bị một ông cụ lọm khọm đi theo gạ bán spices. Tôi cứ lắc đầu từ chối. Ông cụ răng chỉ còn 2,3 chiếc gì đó móc ra một bịch spice đặc biệt bảo tôi cái này tốt lắm trợ lực, giúp khả năng sinh lý, Idian viagra. Ông cụ cứ lập đi lập lại như thế. Tôi phì cười nhìn ông thầm nghĩ không biết giữa hai người ai cần Indian viagra hơn.
Với những vui buồn như thế trong hai ngày ở đây, tôi vừa thấy vui vì đã đến vừa thấy vui khi từ giã Jodhpur. Ô kia rồi, bóng một chiếc xe lôi.
Đưa mảnh giấy cho cậu thanh niên lái xe lôi máy tôi không cần phải nói gì cả. Cậu ra dấu cho tôi lên xe. Cậu nhìn chừng 17-18, mặt trông khá khôi ngô sáng sủa so với các tài xế xe lôi mà tôi đã từng gặp.
Chiếc xe lao vun vút qua các con đường vừa đông vừa chật. Bóng người lách né, tiếng xe cộ va chạm nhau bing boong. Tôi cũng quen với âm thanh và hình ảnh này rồi nên cứ ngồi tỉnh bơ giữ mình trong cái lồng sắt. Bỗng nhiên có một chiếc xe gắn máy trờ tới phía trước và chặn ngang chiếc xe lôi. Tôi còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì một người đàn ông cao to nhảy xuống xe đấm đá cậu thanh niên túi bụi. Hắn đạp bên này xong lại nhảy sang phía bên kia vừa đánh vừa đạp như để hả giận. Người đi đường bu kín hai bên xe. Có một ông lão lên tiếng nói gì đó có lẽ là bảo người đàn ông thôi đánh cậu nhỏ. Người đàn ông chỉ vào chiếc xe gắn máy chắc để cho mọi người thấy xe anh ta bị trầy rồi bảo cậu nhỏ tắp xe vào một bên. Ông ta móc túi lấy điện thoại di động bấm số. Cậu nhỏ từ từ tấp vào và bỗng nhiên tôi thấy người tôi tung lên. Chiếc xe chồm lên và bắn về phía trước. Người đi đường giạt bắn sang hai bên. Chiếc xe lao vào dòng xe cộ dầy đặc trên đường chính như lao vào chỗ không người. Những chiếc xe đi ngược chiều nhìn thấy vội lao qua một bên, có xe ngả loảng choảng. Cậu nhỏ lái bạt mạng còn tôi thì chỉ biết bám chắc vào xe và nín thở. Tai nạn trong đường tơ kẽ tóc. Tôi không còn cảm giác gì nữa trong lúc này, người tôi tê liệt. Cái thân xác mấy chục kí lô của tôi lúc này chỉ còn cảm nhận được chừng vài kí, chắc đó là trọng lượng của quần áo mà gió đang đập sát vào hai ống chân và ống tay tôi bám tím ngắt trên xe. Tôi không dám làm cậu nhỏ kinh động, mạng tôi đang nằm trong tay của cậu. Tôi chỉ thều thào được 1, 2 lần bảo cậu bình tĩnh. Cậu quặt vào một con hẻm nhỏ xíu, tôi lại phải bíu chặt xe. Xe đậu trong hẻm nghẽn lối, cậu nhỏ gào lên gì đó làm những người trong nhà chạy ra. Họ nói qua lại 1,2 câu gì đó rồi kéo xe cho cậu nhỏ chạỵ Cậu nhỏ chạy thêm tám vòng thế giới nhưng có vẻ bình tĩnh hơn dù cổ vẫn ngoái lại phía sau.

Tôi bảo cậu thả tôi xuống cho tôi đi xe khác, tôi bảo như vậy an toàn hơn cho cậu. Cậu nhỏ lắc đầu vẫn chạy tiếp. Thôi đành phó thác cho số phận, chỉ mong cái bến tôi phải đến không còn xa.

Lúc đến bến xe, tôi móc tiền trả cậu và xua tay bảo cậu đi đừng thối lại tiền cho tôi. Đi cho khuất mắt tôi cho rồi. Vừa mệt, vừa bực nhưng tôi phải làm mặt thản nhiên bước về phía trước. Đây là bến xe, biết đâu còn nhiều chuyện nguy hiểm không tên khác đang chờ.

Mọi chuyện xảy ra như trong phim, nhưng những cảnh đuổi bắt trong phim chỉ làm tôi buồn cười khi xe cộ đổ nhào vì tôi biết là giàn cảnh. Ở đây là mạng người, trong đó có mạng của chính tôi. Không biết cái giá đền cho chiếc xe trầy là bao nhiêu mà cậu nhỏ liều mạng như thế. Thôi, coi như là có thêm một chuyện đường xa để kể mặc dù chuyện xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top