What's new

Apachải - Nơi mùa xuân đến sớm

Tôi không nghĩ mình sẽ có dịp quay lại Apchai. Lần trước khi tôi đến, đường đi còn vô cùng khó khăn, đường núi gập ghềnh, chưa có cầu, phải lội xe qua suối. Buổi chiều sau khi leo lên cột mốc số 0, mệt thở cả ra tai nhưng nhìn cơn mưa sập tới dù các anh bộ đội đồn biên phòng 317 và 405 nhiệt tình giữ lại nhưng chúng tôi đã vội vã quay ra vì sợ nước lũ ngăn đường chúng tôi.

Ấn tượng đấy dường như níu chân cản bước tôi khi các anh đồn biên phòng 405 gọi điện rủ chúng tôi quay lại Apachai vui tết năm mới cùng bà con dân tộc Hà Nhì. Nhưng rồi tính ham vui đã chiến thắng, tôi lại xách ba lô lên đường. Lần này chúng tôi đi xe khách lên Điện Biên, lên đến nơi trời còn mờ mịt sương, chẳng biết làm gì, sẵn có xe vào Mường Nhé, lại tính vốn cả nể, chỉ cần vài lời chèo kéo của bác tài thế là chúng tôi lên xe đi tiếp dù kế hoạch lúc đầu là nghỉ ngơi một tí ở Điện Biên cho lại sức.

Thị trấn Mường Nhé không thay đổi gì so với lần trước chúng tôi đến. Vẫn con đường to rộng, chắc trải nhựa xong đã lâu nhưng lại bụi mù đất đỏ. Vẫn bến xe dường như chưa xây xong quây tạm bằng tre nứa. Chúng tôi tìm đến quán cơm lần trước vừa ăn cơm, vừa nói chuyện với bác chủ quán một hồi mà bác vẫn chẳng nhớ chúng tôi đã từng qua.

Ăn xong, theo đúng chỉ dẫn của anh Lệ, đồn phó đồn biên phòng 405 chúng tôi đi xe ôm lên đồn. Lái xe người Mông thật thà chất phác dọc đường chẳng nói một câu, nhưng hỏi sao mặc phong phanh không lạnh thì trả lời: Đứng không thì thấy lạnh nhưng thấy có khách thì nóng hết cả người chả biết lạnh là gì.

Đồn biên phòng 405 đón chúng tôi vẫn nhiệt tình như lần trước, vẫn rượu rót tràn ly, vẫn những món ăn lấy từ vườn tăng gia của doanh trại. Những cán bộ đồn chủ chốt vẫn thế, các anh có những người bám đồn, bám bản đến cả chục năm như anh Lệ, anh Thọ, anh Trìu, ngay cả những bạn trẻ cũng có bạn thâm niên ở các đồn biên phòng đến 6-7 năm. Chỉ có chiến sỹ là mới, có những bạn hết nghĩa vụ trở về quê hương, hoặc những bạn chuyển sang đóng quân đồn khác. Nâng chén rượu mà mũi cay cay, giữa chốn biên cương rừng xanh núi thẳm mà các anh vẫn bám trụ đến cùng, trong khi mình khó khăn một tí đã thấy nản, thấy chùn bước chân. Trong đầu cứ văng vẳng câu hát: "Mời anh mời chị mùa xuân lên đây thăm tôi, nơi biên cương khuất nẻo xa người, núi rừng mịt mù sương. Mời em một lần rời xa nơi đang yên vui, lên đây thăm lính ở trên rừng để cùng ngọt bùi sớt chia..."
 
Last edited:
Re: Apachả - Nơi mùa xuân đến sớm

5254984336_e4ba41709a_b.jpg

Hoa dã quỳ trên đường đi​

Chúng tôi lên Apchai chưa phải là mùa xuân, chưa phải là tết của người Kinh, Mông, Thái... Mà mới chỉ là tết của người Hà Nhì mà các anh bộ đội biên phòng đã vui lắm rồi. Không biết tết của người Kinh, khi các anh vẫn phải bám bản, bám đồn không được về quê ăn tết, có khách lên chơi các anh sẽ vui đến thế nào. Vẫn biết với các anh : Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, nhưng...

Dù mùa xuân chưa đến nhưng khi vụ mùa đã hoàn thành, khi thóc lúa chất đầy bồ là lúc người Hà Nhì đón tết. Người Hà Nhì cũng đón Tết ba ngày, nhưng không có đêm giao thừa. Ngày mùng một tết theo quan niệm của người Hà Nhì là ngày rồng, từ sáng sớm mọi nhà bắt chú lợn béo nhất vườn đem thịt. Người Hà Nhì nói vui con lợn trẻ nhất cũng phải hai năm tuổi mới thịt được. Người Hà Nhì thả lợn rông quanh sân nhà và không cho ăn loại cám tăng trọng nên phải 2 3 năm mới được 1 tạ để đem thịt.

5254980166_78bec7bdb3_b.jpg

Lợn, gà trong vườn​

Cả nhà xúm vào pha thịt lợn, tiết canh và lòng thì là món chế biến đầu tiên, còn lại phần nướng, phần xào, phần đem muối để ăn dần. Riêng chiếc hàm lợn sẽ được treo ở góc bếp như một vật linh thiêng để phù hộ gia đình, chỉ cần nhìn vào góc bếp, đếm số hàm lợn sẽ biết tuổi của ngôi nhà.

5254976464_90a55ea52e_b.jpg
 
Re: Apachả - Nơi mùa xuân đến sớm

Sáng mùng một người Hà Nhì cũng cúng tổ tiên, nhưng cách cúng của họ cũng đặc biệt, không mâm cao cỗ đầy mà chỉ có một mâm nho nhỏ gồm 2 bát cháo lòng phèo lợn và hai bát nước (bên trong có loại lá gì đấy tôi không biết). Bàn thờ người Hà Nhì là một chiếc rỏ mây nhỏ xíu, treo trên cột cái của nhà và trong buồng ngủ của bố mẹ. Bác chủ nhà giải thích, đấy là nơi linh thiêng nhất trong nhà của người Hà Nhì, không ai được động vào, muốn động vào thì phải mổ gà cúng. Thế nên tôi cũng không dám vào tận nơi xem bên trong giỏ mây đó có những gì. Cánh cúng tổ tiên của họ cũng đặc biệt vì mang một tính ước lệ cúng tổ tiên xung quanh giường ngủ, quy định là đầu gường và cuối giường. Đầu giường là cúng bên nội, cuối giường là cúng bên ngoại. Nhà của người Hà Nhì ở Điện Biên không phải là nhà đất trình tường mái rạ, mà chủ yếu là nhà gỗ vách rơm đất, mái tôn.

Mâm cỗ cúng sẽ bắt đầu ở nhà người con trai cả, nơi bố mẹ nếu còn sống đang ở, và quanh gường của bố mẹ, sau đấy các anh em trai truyền nhau mang mâm cơm cúng đấy về từng nhà riêng, và cúng quanh giường của mình. Đầu tiên là bố mẹ vái, rắc cháo và nước xuống đất ở quanh đầu và cuối giường. rồi lần lượt đến con cái trong nhà. Trong phòng lúc này sẽ có chậu than hồng với ý nghĩa đấy là ngọn lửa sưởi ấm tổ tiên, ông bà. Người Hà Nhì cũng thắp ba nén hương với ý nghĩa một nén cầu sức khỏe, một nén cầu kinh tế, một nén cầu đất đai (ruộng vườn, nhà cửa...).

5254982900_bb08691fc6_b.jpg


Rước mâm cỗ cúng về nhà​

Sau nghi lễ cúng, mâm cỗ đã bầy sẵn ra chờ khách. Nhà nào xong trước mời khách trước. Trẻ con, phụ nữ là người có nhiệm vụ đi mời. Đàn ông phải ở nhà ngồi chờ khách, nếu đi sang nhà khác là bị kéo vào bữa rượu nhà nào đấy dọc đường đi là vừa không mời được khách, vừa không có chủ nhà nên cỗ nhà mình sẽ ế.

Rượu rót tràn ly, những lời chúc năm mới ngập khắp gian bếp. Lời chúc cũng giản dị: Chúc sang năm gia đình thịt được con lợn to hơn. Chúc gia đình mạnh khỏe. Chúc sang năm mới sinh con trai/con gái.

Mâm cỗ mừng năm mới của người Hà Nhì dù thịt con lợn đến cả tạ. Thịt có làm bao nhiêu món nhưng không được thiếu món cháo rau. Người Hà Nhì giải thích món ăn này để họ tưởng nhớ ông bà thủa xưa nghèo đói chỉ có rau cháo ăn qua ngày. Nhưng món cháo này cũng giúp bạn giã rượu.

Rượu của người Hà Nhì nấu từ ngô nhưng không giống rượu Bắc Hà, rượu rất nhẹ và êm. Bạn có thể uống đến mức chối phải nôn ra nhưng người bạn không nóng, mặt không đỏ, đầu óc vẫn tỉnh như không phải bạn đang uống rượu, nhưng khi rượu đã ngấm thì bạn cũng sẽ say lăn quay không biết gì. Nhưng sáng ngủ dậy đầu nhẹ tênh và lại bước vào bữa rượu mới đã bầy sẵn trong bếp.

Người phụ nữ Hà Nhì mấy ngày tết cứ loanh quanh trong bếp phục vụ hết bữa rượu này đến bữa khác chu đáo tận tình với nụ cười luôn thường trực trên môi. Thỉnh thoảng mới nói một vài câu, còn lại họ lui cui ngồi quanh bếp lửa hâm nóng thức ăn, thêm bát đũa cho những vị khách mới đến bên mâm cỗ cả ngày luôn đầy thức ăn và khách qua lại.

Ngày mùng hai tết, người Hà Nhì có lệ giã bánh dầy. Bánh dầy làm từ xôi nếp mới, giã rồi đem phơi khô ăn dần. Có thể nướng hoặc rán. Người Hà Nhì nói ăn ngon hơn phồng tôm của người Kinh và uống rượu thì rất vào.

5254950524_d1085c8239_b.jpg
 
Re: Apachả - Nơi mùa xuân đến sớm

Mấy ngày ở Apchai, chúng tôi ở nhà anh Lỳ Á Thành - phó bí thư đảng ủy bản Sín Chải (Anh Lệ nhận con trai anh Thành làm con nuôi, tiếng Hà Nhì hai người gọi nhau là Sín Cha). Chúng tôi cũng chỉ là bạn của bạn mà cả gia đình đón tiếp như khách quý, như người thân đi xa mới về.

5254951734_54f12a067e_b.jpg


Bố anh Lỳ Á Thành, cụ đã từng là bộ đội đánh Mỹ, mời rượu cụ từ chối bằng cách hát câu : Khoan khoan hò khoan​

Buổi tối, bản đón tết bằng chương trình văn nghệ tự biên, tự diễn của đoàn thanh niên.

5254957870_b899e21e8f_b.jpg


5254965356_2fe5dfd3e8_b.jpg


5254355505_0525a05bca_b.jpg


Bạn đã xem hai bạn hát song ca chung một mic, đến lượt ai hát thì chuyển mic cho nhau.

5254450621_bb49d9a349_b.jpg


Bạn đã xem diễn viên múa trang phục là quần áo ngày thường, được làm cho đẹp thêm bằng băng dính...
 
Re: Apachả - Nơi mùa xuân đến sớm

Sau đêm văn nghệ là múa xòe. Trong tiếng trống tiếng chiêng những chàng trai cô gái và du khách nắm tay nhau kết vòng tròn xòe theo nhịp: Xòe a nhí xòe, xòe a cù xòe (Chàng trai múa, cô gái múa).

5254360361_7f992c9055_b.jpg


5254361375_3af6637488_b.jpg


5254969076_6e0fd64e43_b.jpg


5254969706_5c7483e790_b.jpg


Cuối buổi, khi xòe đã mệt, những người già nghỉ hết, nhạc nhẩy điệu nhạc No limit, các bạn ào vào nhẩy theo những điệu hiện đại, khiến tôi bật cười nhớ lại tôi cũng đã có thời đi cắm trại và nhẩy nhót theo đúng những điệu nhạc này cách đây lâu lắm rồi.
 
Re: Apachả - Nơi mùa xuân đến sớm

Điều cuối cùng tôi muốn viết về chuyến đi này là những bạn trẻ miền xuôi lên đây làm giáo viên tiểu học, cán bộ y tế xã, thanh niên xung kích... mà tôi đã gặp, Các bạn quê ở khắp miền, lên đây ăn cùng, ở cùng bà con dân bản. Nơi chưa có điện lưới, chưa có nước sạch, sóng điện thoại chập trờn lúc có lúc không, lúc nào có sóng điện thoại người ta báo nhau như tin vui... Nhưng tôi nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt các bạn. Tôi được nghe các bạn nói niềm tin vào tương lai tốt đẹp, Tôi hiểu các bạn đang rất yêu công việc các bạn đang làm.

5254444363_f640ef4465_b.jpg


Và tôi khâm phục các bạn, các bạn giúp tôi nhìn thấy cuộc đời còn rất nhiều điều tốt đẹp. Và các bạn là những điều tốt đẹp nhất, các bạn đã dùng quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời để đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người dân ở vùng núi xa. Và tôi đã nhìn thấy những thành quả từ sự cống hiến của các bạn ở những em bé người Hà Nhì thông minh, lanh lợi.

5254330877_e9b9af316b_b.jpg


5254374379_ff6f7eea72_b.jpg


5254937494_aefd0695ee_b.jpg


Apachai giờ đường đã dễ đi hơn, cầu đã xây xong, giấy phép vào vùng biên giới cũng đã bỏ, cột mốc số 0 còn có cả chợ phiên tháng họp 3 lần để cùng giao lưu với chợ phiên của người TQ, nếu có thời gian và cơ hội, các bạn hãy lên Apachai một lần.
 
Re: Apachả - Nơi mùa xuân đến sớm

Apachải - vùng đất chưa được đặt chân tới nhưng có rất nhiều kỉ niệm. Mong được đến vào một ngày không xa. Cảm ơn bài viết.
 
Re: Apachả - Nơi mùa xuân đến sớm

Rất mộc mạc và tình cảm. Cảm ơn bác.
Bác có thể cho biết chợ phiên này họp vào những ngày nào trong tháng không?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,692
Members
190,125
Latest member
johnauston54
Back
Top