What's new

Article: New Zealand, thiên đường Nam bán cầu - Phần 1

You can view the page at https://www.phuot.vn/content/1804-New-Zealand-thiên-đường-Nam-bán-cầu

(Phuot.vn)

Nhiều lần chat chit với bọn Tây tình cờ gặp trong các chuyến đi, tôi hay hỏi chúng, đi nhiều như bọn mày, nước nào là thích nhất? Có những chú thì thủng thẳng suy nghĩ kỹ càng rồi mới trả lời, còn có nhiều chú thì lập tức có câu trả lời ngay.
Nói chung là cũng toán loạn cả, tuỳ theo cảm hứng từng người, nhưng nhiều câu trả lời mà tôi nhận được, đó là 2 đất nước Nepal và New Zealand. Rồi tôi cũng tò mò, mua về 2 quyển sách Lonely Planet của 2 nước này, để trong giá sách nhà mình. Mà cũng lạ, cứ mua quyển nước nào để ở nhà, suốt ngày nhìn thấy nó, ngứa ngáy không chịu được là thể nào cũng mò đến đó. Sau này, Lonely mà có ra quyển LP Mặt trăng nữa thì gay to!!!

Nhưng rồi, đọc trên các diễn đàn, sách hướng dẫn du lịch, cũng nói tới hai nước này là hai nước đẹp nhất, đáng đi vô cùng. Thế là tôi quyết phải tới được. Chuyến đi Nepal thì đã hoàn thành từ năm trước, còn New Zealand là một nơi còn phải đến.

May mắn là dịp này chúng tôi đang ở Úc, nên việc sang NZ cũng khá tiện lợi, so với nếu phải bay từ Việt nam xuống tận đất nước xa tít ở Nam bán cầu này.

1. Vài nét chính:

Quốc đảo New Zealand bao gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ khác nhau, nhưng chung quy lại, nó chia thành hai nhóm đảo Bắc và đảo Nam. Tuy hai nhóm đảo này chỉ cách nhau một eo biển hẹp, chừng 20 km nhưng không chỉ là khoảng cách địa lý, hai hòn đảo này nằm trên hai đĩa địa lý khác nhau, chịu những ảnh hưởng khá là khác biệt của khí hậu và quá trình hình thành địa chất. Những ngọn gió nóng ẩm từ biển Tasman phía Tây – Bắc gặp khối khí lạnh Nam cực ở phía Đông Nam tại Newzealand, tạo ra một những vùng khí hậu trái ngược nhau : miền Tây của dãy Alp ở đảo Nam là những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt với lượng mưa khá lớn tới 7500 mm, trong khi đó, chỉ cần vượt con đèo cao cỡ trên ngàn mét sang phía đông của hòn đảo này khí hậu đã khô ráo hẳn với lượng mưa trung bình chỉ cỡ 330 mm. Trong khi đó, Đảo Bắc như những hòn đảo núi lửa với đặc trưng là cụm núi lửa nằm ở chính giữa đảo, xung quanh là miền thảo nguyên bằng phẳng đất đai phì nhiêu và màu mỡ.

Quá trình hình hành NZ hình dung như này cho dễ hiểu, nếu ta có 2 cái đế pizza chưa nướng đẩy dồn vào nhau, thì ở rìa của đĩa bột sẽ dồn lại và trồi cao lên chính là đảo Bắc và đảo Nam của NZ. Rìa cao nhất của “ đĩa bột “ bị dồn lên ấy tạo nên dãy núi chính ở phía Nam mà dân xứ này gọi là dãy Alp. Còn đảo Bắc thì khá bằng phẳng, chính giữa và bắc đảo nhô lên một chùm các ngọn núi lửa, vẫn đang hoạt động. Dường như quá trình kiến tạo này chưa dừng lại, nên hiện nay, ở NZ, động đất vẫn thường xuyên xảy ra trên cả hai hòn đảo, tới mức người xứ Kiwi cũng khá quen với những trận lắc lư tới 5,6 độ Richte. Và ở khá nhiều nơi trên đảo Bắc, chúng ta có thể nhìn thấy những hình ảnh tiềm tàng của núi lửa đang hoạt động. Mặc kệ thiên nhiên với những kiến tạo vĩ đại, cái mà chúng ta được thừa hưởng ngày nay là một đất nước NZ với những rặng núi tuyết cao chót vót ở đảo Nam, những hồ xanh lộng lẫy soi bóng tuyết trắng phau, và những mu đồi xanh mướt mượt ở đảo Bắc, điểm xuyết là đàn cừu trắng lốm đốm.

-----

Welcome to NZ

P1040142+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


P1040270+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


NZ nổi tiếng với nhiều con hồ đẹp:

P1040529+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Hai cái đế Pizza ấy, một cái là đĩa địa lý Ấn – Úc (một đầu là đảo bắc của NZ, đầu kia tít tận vùng Kashmir của Ấn độ), còn đĩa còn lại là Thái bình dương (đầu này là đảo nam, đầu kia tít trên tận vùng Alaska của Bắc Mỹ, vẫn từ từ xô vào nhau, và xô vào các miếng Pizza khác. Thế nên những đất nước nằm trên vành đai của mấy cái đĩa này như Nz, Papua New Guinea, Philippines, Nhật bản… là những đất nước khá bất ổn về mặt địa lý, động đất, núi lửa vẫn đang thường trực hoạt động. Bù lại là những cảnh quan tuyệt diệu của thiên nhiên. Trên vành đai núi lửa này, tôi đã có dịp ngắm núi lửa đang phun phì phì ở Honolulu, Philipines hay những ngọn núi còn như đang “ủ mình” ở Nhật bản, giờ đây, lại được đến xứ sở của núi tuyết và động đất, hẳn là một sự may mắn.

Nằm trong vùng ảnh hưởng của khí hậu Nam cực, nên Newzealand là khá lạnh về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Do ảnh hưởng của khí hậu Nam cực nên dù các ngọn núi Nz chỉ cao cỡ trên dưới 2.000 mét nhưng luôn luôn có tuyết phủ. Mùa đông thì tuyết cũng phủ kín ở nhiều vùng còn mùa hè thì trên một số ngọn núi cao nhất tuyết vẫn còn lốm đốm. Ở đây cũng có sự đan xen khá đa dạng như ta có thể tìm thấy dòng sông băng vĩnh cửu ở nơi mà chỉ cách đó vài bước chân là rừng nguyên sinh nhiệt đới. Mưa nhiều, địa hình đảo nam khá dốc tạo ra rất nhiều con sông ngắn, ghềnh thác liên tục nên là một lợi thế cho các môn thể thao thuyền bè vượt thác.

Là một trong những nước hiếm hoi nằm cách xa hẳn những lục địa đầy ắp người nên New Zealand tự hào vẫn giữ được cho riêng mình thiên nhiên trong lành, ít có sự can thiệp của bàn tay con người. Tuy thế, sự biệt lập này cũng dẫn đến việc những hòn đảo này khá ít người định cư, và do vậy, lịch sử và văn hoá của nước này khá đơn giản, chỉ chia thành hai dòng chảy chính, thời kỳ thổ dân và thời kỳ có người châu Âu. Thời thổ dân thì hầu như con người mới chỉ phát triển ở mức độ các bộ tộc, nên những dấu vết và ảnh hưởng văn hoá không đủ lớn để ta có thể có những suy ngẫm, kiểu như những tầng văn hoá ở Nepal hay các nước châu Á khác, còn thời kỳ người Âu di cư đến cũng khá là sơ sài với những ảnh hưởng trực tiếp và gần gũi nhất từ người Anh. Ghé qua những ngôi làng, thị trấn rải rác trên đất Nz, chỉ cần nhìn thấy ngôi nhà nào hơi cũ một tẹo, thế nào bạn cũng tìm thấy một cái biển nhỏ như là “di tích lịch sử” ấy. Hay là những dấu vết văn hoá thổ dân còn lại cũng chỉ là những cái tên ở các địa danh, một vài món đồ lưu niệm có hoa văn đặc trưng, và điệu nhảy Haka truyền thống… Nhưng phải chăng, đó là chính là sự hấp dẫn vô hình của đất nước này? Nơi mà mỗi khung hình ta thu nhận vào là một khung hình đẹp nhưng trong phim và vắng lặng con người của thiên nhiên nơi đây! Với biểu tượng hình chiếc lá dương xỉ của đất nước xanh tươi này, phải chăng người Nz muốn truyền đi một thông điệp về thiên nhiên hoang sơ, lâu đời và bền vững !

Với một khoảng cách vừa đủ (đầu này đến đầu kia mỗi đảo chừng hơn 1000 cây số), đất nước này khá là vừa vặn cho những hành trình tự lái xe, (ô tô hoặc thậm chí, xe máy), với một khoảng thời gian vừa vặn là vài tuần lễ để khám phá.
Hành trình của chúng tôi cũng như mọi lần, tham nhất có thể được. Vì vậy, trong chỉ gói gọn có 1 tuần, chúng tôi cố đi được nhiều nhất, cả đảo Nam và đảo Bắc, dẫu rằng thường khách du lịch dành ít nhất 2 tuần cho mỗi đảo.

------

Hình minh hoạ từ Internet : vành đai núi lửa Thái bình dương:

8A2jQsNJ1W-kgsHSleO5mNIlgDk3BowCb9LntFxGtzU=w450-h334-no


Còn đây là 2 đảo bắc và nam của NZ: nằm trên hai đĩa địa lý Úc và Thái bình dương,

m-4398-enz.jpg


Hai em này vẫn đang từ từ tiến vào nhau với tốc độ 40-50 mm / năm. Nghĩa là năm sau nếu chúng tôi quay lại cái slogan sex ở trên thì nó sẽ cách chỗ năm ngoái 50 mm. Đừng coi thường 50 mm này nhé, vì theo quan điểm sex học trên kia, 50 mm là một khoảng cách khủng khiếp và có thể làm cho một người phụ nữ tan chảy như tuyết mùa xuân

Về mặt địa chất thì tốc độ 50 mm/năm này đã tạo nên dặng núi Alp của NZ và hàng vô vàn các trận động đất ở đây

pic3NZTectonicsBlockDiagram.gif


Còn đây là cơ chế núi lửa dâng trào: đĩa Thái bình dương ép đĩa Úc từ dưới lên nên magma cứ từ từ dâng lên đến lúc nó cóc chịu được thì phun ra... các núi lửa ở đảo Bắc vẫn đang hoạt động:

pic4NZSubductionbelowNorthIsland.gif


2. Bay tới NZ:

Từ những thành phố lớn của Úc, hàng ngày có nhiều chuyến bay tới New Zealand, nhưng phải kiếm được mấy vé giá rẻ của Jetstar (mà Jetstar cũng promotion liên tục nên cũng khá dễ kiếm vé này) thì cần chú ý canh vé vào các dịp không phải nghỉ học của bọn trẻ con. Hình như cả xã hội Úc sắp xếp chuyện ăn ngủ nghỉ theo lịch học của bọn chim chip này. Ngoài ra, các chuyến bay giá rẻ thì hay bay đêm, không ngoại lệ, chuyến bay của chúng tôi tới Auckland, thành phố lớn nhất NZ cũng tới đây lúc một giờ sáng. Ngủ sân bay để chờ sáng mai bay thẳng đi Queenstown.

Jetstar, hãng hàng không giá rẻ của Qantas, không lạ gì với dân ta với hàng không Jetstar Pacific. Ở Việt nam thì JP không phải là lựa chọn đầu tiên khi bay lượn, nhưng ở Úc thì Jetstar luôn là hãng mà chúng tôi vào kiếm vé đầu tiên. Mạng lưới bay của JS rộng, máy bay mới, nối chuyến thuận tiện, hay có giá rẻ là lựa chọn ưu tiên của dân chơi. Vé Jetstar đi NZ khứ hồi mua được từ Úc là 230 AUD, khá rẻ với chặng bay 3,5 giờ, nhưng vẫn chưa phải là rẻ nhất (hồi tháng Năm đã có vé rẻ tới 150 AUD). NZ có các thành phố lớn là Auckland ( lớn nhất ) và Christchurch. Các bạn cứ chọn bay tới một trong hai thành phố này là xong.

(Úc bay đi NZ có Quantas, NZ airlines và giá rẻ của Jetstar, Virgin Airlines, các bạn cứ tha hồ mà kiểm tra nhé. Còn từ Việt nam, các bạn thử của China Southern bay từ Quảng Châu xem! Cũng có thể bay chặng VN-Kul/ Singapore - Sydney/GoldCoast bằng Air Asia / Fly Scoot, sau đó bay tiếp bằng Jetstar đi NZ)

----

Máy bay Jetstar đi NZ dán nhãn L (Máy bay tập lái)

6a00d83451dfaa69e2010536dd6c1b970b.jpg


Còn đây là phi công của máy bay tập lái, thế nên không còn lăn tăn gì nữa, bay thôi:

sexy-airline-pilot-lady-69eab52f.jpg


3. Đi lại:

Để đi Newzealand, cách hay nhất là bạn tự lái xe vòng quanh đảo. Xe thuê ở đây không quá đắt so với Úc, hệ thống lái tương tự nhau, giá xăng cao hơn Úc khá nhiều (30-40%) nhưng giá dầu thì lại khá rẻ (2/3 giá xăng) nên nếu kiếm được cái xe chạy dầu thì hay quá. Bằng thì dùng bằng dịch của VN là ổn rồi, hoặc bằng Úc càng tốt.

Chúng tôi chọn Jucy (jucy.co.nz) , một hãng chuyên cho thuê xe cho khách du lịch. Xe của Jucy khá rẻ và có điều hay là bạn có thể trả xe ngoài giờ mà không mất thêm phí gì cả - bạn chỉ cần để xe vào nơi quy định, bỏ cái chìa khoá vào hộp là xong. Jucy cũng có ở các sân bay chính, tuy có hơi xa sân bay – nhưng trong khoảng cách đi bộ được, hoặc nếu trong giờ thì gọi nhân viên sẽ ra đón. Còn các hãng khác thì thuê xe đắt hơn , có chỗ thì giờ làm việc từ 7-18 giờ, nếu lấy / trả xe ngoài giờ đều phải thêm phí. Jucy cũng có nhiều xe loại campervan cỡ nhỏ, cực kỳ phù hợp với các gia đình, trên xe có đủ giường nằm cho 4-5 người, bếp núc và đồ cắm trại. Nếu thuê xe này, bạn chả cần lo chuyện khách sạn làm gì cho mệt người tốn tiền, cứ đi lang thang rồi có thể ghé ở các caravanpark hoặc chỗ nào view đẹp là dừng xe, mở cửa thành khách sạn di động rồi. Có điều tiếc với chúng tôi là nếu thuê những chiếc campervan này, ít nhất phải 5 ngày, mà tổng thời gian chúng tôi có ở NZ đợt này chỉ là 7 ngày, lại chia ra 4 ngày đảo Nam, 3 ngày đảo Bắc. Dù đã liên lạc và chấp nhận trả tiền 5 ngày và chỉ chạy 4 ngày, nhưng xem ra việc phải trả xe trong giờ làm việc khiến lịch trình của chúng tôi sẽ trở nên khó khăn… đành bỏ ý tưởng khách sạn di động vậy!
GPS đương nhiên là cần thiết rồi, nếu bạn mang GPS từ Úc sang thì phải kiểm tra xem trên GPS của mình có bản đồ NZ không nhé (tôi thấy hầu như đều có sẵn, chỉ cần setup map trong GPS là ok, còn nếu không thì nhớ thuê). Mùa đông đi đảo Nam nhớ thuê thêm cái xích đi trong tuyết cho yên tâm (snow chain)

Chú ý với các bạn bay từ Úc sang NZ, đặc biệt là các bạn có con nhỏ- các hãng hàng không ở Úc và Nz đều cho phép mang ghế trẻ em miễn phí, như vậy, với hành lý xách tay 10kg / người, khéo khéo xếp đồ là đủ khỏi cần mua thêm cân làm gì.

Các tuyến đường trục chính xuyên đảo ở NZ không rộng rãi như ở Úc (thường chỉ có 2 làn xe), khá là vắng vẻ (đảo Nam thậm chí còn vắng hơn đảo Bắc). Có nhiều chặng chúng tôi độc hành hàng tiếng đồng hồ. Nhưng cũng may mắn là NZ không quá mênh mông như Úc nên chỉ trong vòng dăm chục cây bạn có thể gặp một xóm làng nhỏ, nơi bạn có thể nạp xăng, mua đồ ăn và các thứ lặt vặt khác…
Ngoài ra, nếu bạn không có ý định lái xe thì chạy giữa các điểm du lịch chính cũng sẽ có các tuyến xe bus, có thể đặt online nhưng không thể là lựa chọn tốt nhất như tự lái được.

-----

Có xe Jucy là bạn có một khách sạn di động, trên xe có giường ngủ, bếp núc, tủ lạnh... Jucy có mặt ở Úc, NZ, Mỹ và nhiều nơi khác, giá cũng khá rẻ, không phải mùa cao điểm như dịp chúng tôi đi ( tháng 8), giá xe loại campervan (5 chỗ ngủ) là 50 NZD/ ngày. Mùa cao điểm có thể tới gấp đôi.

jucy-van1.jpg


VÌ không thuê được do phải thuê tối thiểu 5 ngày, chúng tôi đành chọn xe này, Nissan 5 chỗ, giá >30 NZD / ngày.

P1040648+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


1300 CC, tốn ít xăng (7l/100km), hơi bé nhưng cũng đủ để vượt các ngọn đèo cao trên 1000 mét ở đảo Nam

P1040245+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


và "leo" lên được những đỉnh núi tuyết cao ngất

P1040258+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


(còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,478
Bài viết
1,168,632
Members
191,370
Latest member
i9betcom
Back
Top