What's new

[Chia sẻ] Bình Trị Thiên ký sự

"...Quảng Bình, khoan khoan hò khoan; bao đổi thay rồi, khoan khoan hò khoan; từ biển xanh, đến rừng núi xanh..."
Trên đỉnh đèo Ngang, con đèo vừa là mốc vĩ tuyến 18 vừa là ranh giới hành chính của Hà tĩnh và Quảng Bình, phóng xa tầm mắt về hướng nam Quảng Bình hiện ra với một khung cảnh hùng vĩ, một bên là bờ biển xanh thẩm bao la, một bên là rừng núi xanh biếc bạt ngàn; hít một hơi thật dài ta cảm nhận được cả đất trời đang hội tụ trong huyết quản. Xa xa là cây cầu Roòn nơi một thời là tâm điểm hứng bom của máy bay Mỹ, làng chài Cảnh Dương hiện ra trong rừng phi lao dọc theo bờ biển-một ngôi làng có tính lịch sử trong kháng chiến với toàn dân rào làng chiến đấu một mất một còn với địch từ hướng biển Đông và nay là một vùng quê trong tổng số những làng quê cung cấp hải sản lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Dọc theo Q.lộ 1A đến dòng sông Gianh chứa đầy lịch sử của cả dân tộc; nơi đây là ranh giới chia cắt hai Đàng thời Trịnh Nguyễn -Đàng Trong và Đàng Ngoài, trong chống Mỹ con phà Gianh ngày đêm không nghỉ, bất chấp sự đánh phá của bom đạn đã cõng trên mình hàng nghìn tấn khí tài, chở hàng nghìn lượt cán bộ chiến sỹ và nhân dân tham gia kháng chiến.còn tiếp...
 
... Con sông Gianh nổi tiếng với bến đò Gianh và bến phà Gianh, nơi mà trong kháng chiến các đơn vị muốn vào Nam phải qua nó, chỉ có đò hoặc phà. Có thể có nhiều người thắc mắc: sao không làm cầu; xin thưa: mưa bom bão đạn thì không thể nào bắc cầu nổi, mà có bắc cầu thì nó cũng đánh sập thôi; vả lại từ thời Pháp - nổi tiếng với những cây cầu trên Việt Nam còn tồn tại đến nay- cũng không thể bắc nổi cây cầu qua dòng sông này bởi vì nó không có đáy. Cách đây 10 năm ( có lẽ như vậy), với sự tiến bộ trong nghành cầu đường của thế giới thì mới có dự án bắc cầu Gianh và cũng đã mất hàng trăm tấn bê tông trôi ra biển Đông khi đổ mố trụ cầu. ngày 2-9-2000 cầu Gianh khánh thành đánh dấu một mốc lịch sử trong nghành cầu đường và cũng chấm hết một thời kỳ "dòng sông chia cắt".
Làng Thuận Bài nằm bên sông Gianh, trong kháng chiến nổi tiếng về một giai thoại: một bà mẹ đã dỡ nhà của mình lấy cột, kèo, ván gỗ để lót đường cho xe qua phà với câu nói bất hủ " xe chưa qua thì nhà không tiếc". Làng Thuận Bài thuộc xã Quảng Thuận, nơi có nghề truyền thống làm nón, những chiếc nón lá ở đây được những cô thôn nữ làm ra với biết bao công đoạn từ chọn lá, là phẳng, cắt tỉa, ráp khuôn rồi may. Tất cả các công đoạn đều được tỉ mỉ, chu đáo và hơn cả là như gửi gắm hết tâm tình của mình vào trong chiếc nón. Nón làm ra được đem lên chợ Ba Đồn bán, và từ đây nó được đi khắp bốn phương với cái tên "nón Ba Đồn". Người dùng nón, du khách mua nón ít ai biết được xuất xứ của nó và thật tiếc cho những ai chưa biết đến quê hương của nó như chưa từng được biết đến con gái vùng này, những người con gái với dáng hình và giọng nói mượt mà, uyển chuyển, nhẹ nhàng mà thoăn thoắt như chính đôi bàn tay của mình vậy.
Ngược theo đường 12- nay là QL12A, con đường xuyên Á đi qua cửa khẩu Cha Lo- khoảng 2km là đến Thị trấn Ba Đồn ( quê em đó các pác). Đây là trung tâm huyện lị của huyện Quảng trạch, cái tên Ba Đồn nghe thật hay và lạ tai phải không? Nó có cả một lịch sử của cái tên đấy...
 
...Cái tên Ba Đồn được hình thành trước tiên là do dân gian truyền miệng với nhau-có lẽ thế- về một địa danh trung tâm của phủ Bố Chánh thời phong kiến-Quảng trạch ngày nay. Nơi đây là trung tâm "thương mại" thời kỳ đó, khắp các nơi; từ tiều phu có được bó củi, ngư dân có được con cá, nông dân có được mớ rau thúng lúa, cho đến các làng nghề có được vật phẩm...muốn trao đổi mua bán đều tập trung về đây, và nơi đây hình thành một cái chợ. Phong kiến thực dân liền lập ra 3 cái đồn nằm ở 3 ngả ra vào khu vực trung tâm để quản lý và dễ thu thuế, bắt thuế, sách nhiễu dân đen; vì vậy mà địa danh này được người dân quen gọi là "Ba Đồn" và khu chợ được gọi là "chợ Đồn" ( không phải huyện Chợ Đồn ở Bắc Kạn đâu nhé).
Chợ Đồn ngày trước cho đến mãi sau 1990 một thời gian vẫn giữ được một nét văn hoá họp chợ đó là 1 tháng 6 phiên vào các ngày mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hăm mốt và hăm sáu âm lịch. Sau này vì cơ chế nên đã giảm dần nhưng vẫn giữ được hai phiên một tháng nhưng cũng đã mất đi rất nhiều nét đặc trưng của những phiên chợ Đồn.
Trước đây, hằng ngày chợ vẫn hoạt động nhưng chỉ là hoạt động mang tính phục vụ trong ngày, chỉ đến phiên họp chợ thì mới thực sự đông vui và náo nhiệt. Gần như "đi chợ phiên" là một nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân ở đây thời kỳ đó. Tại phiên chợ tất cả các sản vật của các vùng miền đều được mang đến, kẻ có thì bán, người không có thì mua, tuỳ theo nhu cầu. Nhà nào cũng chuẩn bị cho phiên chợ từ hôm trước, tảng sáng khắp các ngả đường từ già đến trẻ, thanh niên thanh nữ nô nức kéo nhau "đi chợ phiên". Có khi họ đi chợ không vì nhu cầu cần mua hay cần bán, mà đi chợ chỉ để ngắm nhìn, thưởng ngoạn rồi xế trưa sà vào một hàng rượu, hàng bánh nào đó uống vài ly, thế là sảng khoái cho mấy ngày vất vả rồi.
Trong chợ chia ra nhiều khu vực lắm, có nơi bán hàng cá, mắm; có nơi bán củi to, củi nhỏ; có nơi bán rau dưa; có nơi bán các dụng cụ dùng cho nhà nông; có nơi lại bán Trâu, bò, lợn, gà...có nơi tổ chức các sới chọi gà, chọi chim; có nơi để ăn uống, nghỉ ngơi ( mặc dù lúc đó chỉ là thúng mủng, nong nia mà thôi). Riêng Trâu, Bò - là một tài sản quý giá, vừa làm nông, lâm nghiệp vừa là "công cụ" sinh lời đẻ lãi nho nông dân- loại hàng này thì có khu vực họp riêng và chỉ họp một phiên duy nhất trong tháng đó là "phiên sáu" ( mồng 6 AL); tại đây không có máy tính cá nhân, không có hợp đồng mua bán bằng giấy bút, không công ty cũng không doanh nghiệp, mà chỉ là những con tính đơn giản, những thoả thuận bằng miệng và ký kết với nhau sau khi đã thoả thuận bằng những cái "đập tay". Người cần bán con bò, trước phiên chợ tìm đến một người có kinh nghiệm trong giới trâu bò, sành về giá để nhờ đi bán hộ; người cần mua bò, trước phiên chợ cũng tìm đến một người quen thân hoặc có uy tín trong việc chon bò, xem bò và có kinh nghiệm trong trả giá để nhờ đi mua hộ- theo đó hiện nay ta gọi là người môi giới. Vậy là khi đến chợ, người cần bán cứ chăm "hàng" mình việc bán đã có người lo, người cần mua thì cứ đi theo người mình đã đặt niềm tin để xem "hàng", cả hai "môi giới giơ" tìm tòi, xem xét, trả giá. Cách trả giá của họ cũng rất "chuyên môn", người bán hô giá đồng thời ngửa bàn tay của mình ra, người mua đập vào tay của người bán đồng thời hô to cái giá của mình trả rồi lại ngửa bàn tay của mình ra, người bán lại đập một cái vào tay người mua đồng thời hô to cái giá bán của mình, cứ như vậy những cái đập tay bôm bốp và những tiếng hô vang cả một góc chợ rất sôi nổi liên tục cho đến khi cả hai bên nhất giá là cả hai kết thức thương vụ. Cả hai bên kẻ mua người bán thanh toán trao đổi xong xuôi liền kéo nhau vào một hàng rượu và cùng nhau làm một chầu, hai ông môi giới được trả công bằng một bữa rượu say sưa sau đó kèm theo vài đồng để mua vài tấm bánh cho ở nhà.
Thật tiếc, vì cơ chế, và vì một xã hội ngày càng phát triển cho nên các phiên chợ như vậy đã gần như đi vào dĩ vãng kể từ khi chuyển về khu chợ mới.
Bên này sông Gianh còn nhiều địa danh đáng để chúng ta đặt chân lắm, nhưng bên kia cũng đang rất nhiều nơi chờ dấu chân không mệt mỏi của chúng ta...
 
...Bên kia sông Gianh là Bố Trạch ( không có mẹ Trạch đâu nhé).
Bố Trạch với Cự Nẫm anh hùng, một thời đào hầm nuôi bộ đội; Bố Trạch với con phà Xuân Sơn nằm trên tuyến đường Trường Sơn-tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại; Bố Trạch với Phong Nha Kẻ Bàng - một di sản Thế giới với dãy núi đá vôi, rừng nguyên sinh có nhiều động thực vật nằm trong sách đỏ, với động Phong Nha - một hang động được ví là Thiên Nam đệ nhất Động; với hang Tám cô - nơi 8 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hi sinh cho tuyến đường giao thông huyết mạch khi tuổi xuân còn phơi phới; Xuân Sơn, Bố Trạch đã vinh dự là nơi tổ chức lễ khởi công khôi phục tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Về Bố Trạch hôm nay không còn khó khăn vất vả khi tìm đường lên Phong nha nữa, toàn bộ hệ thống giao thông đã được bê tông nhựa hoá, con đường Hồ Chí Minh hiện đại với cả hai nhánh Đông, Tây đều đi qua đây.
Về Bố Trạch thưởng thức một bãi tắm đẹp -Đá Nhảy, với một dự án biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái đang được triển khai. Bãi tắm Đá Nhảy với rừng phi lao chạy dài dọc bờ, một bên là vách núi của đèo Lý hoà, bãi ở đây rất thoải và hiền, nước ở đây cũng rất sạch, hải sản ở đây cũng rất rẻ. Du khách dừng chân, đoàn đến nghỉ du lịch, khách thập phương tìm đến hãy vào quán Nguyệt ngay dưới chân đèo, nghỉ ngơi rồi gọi một nồi cháo cá, một dĩa mực nguyên con...tha hồ cảm nhận. Toàn bộ hải sản ở đây là đồ tươi sống, tươi sống đúng theo nghĩa đen của nó đấy nhé.
Vượt qua đèo Lý Hoà vào là làng Lý Hoà, nơi đây được ví như Hồng Công của Quảng Bình với cuộc sống chủ yếu là đi tàu biển, buôn hàng nước ngoài.
Thị trấn Hoàn Lão, là thủ phủ của huyện Bố Trạch; nơi đây có ngôi trường đã xuất lò một Lê Vũ Hoàng với hoàn cảnh gia đình thật éo le và cùng khổ nhưng đã biết vượt qua số phận để trở thành Olimpicer.
Vượt tiếp 10km theo đường QL1A nữa, địa phận TP.Đồng Hới-TP Hoa Hồng. Một sân bay đã được khôi phục, nâng cấp, khánh thành và đã đi vào hoạt động, một bãi tắm Nhật Lệ với con sông Nhật Lệ gắn liền với anh hùng Mẹ Suốt, một luỹ thành Đào Duy Từ vẫn còn vết tích và nay đã được trùng tu.
Đồng Hới của hôm nay thật phồn hoa, tốc độ phát triển vượt bậc; sau 1989 nơi đây trở thành thủ phủ của tỉnh Quảng bình. Dừng chân ở Đồng Hới, ra biển Nhật Lệ để thưởng thức cái nắng chang chang của Quảng Bình, thưởng thức cái mặn mòi của biển cả, nơi đây còn giữ lại được nét độc đáo của bãi biển đó là bờ cát rất rộng, cát ở đây hạt thô nên sạch. Tắm thoả thuê, lên bờ gọi một chút hải sản nhâm nhi với bia và ngắm sóng. Chiều tối nên đi một vòng, Đồng Hới về đêm thật yên bình; thành phố du lịch nhưng không náo động, ghé ăn bánh lọc hoặc mua làm quà tại địa chỉ Ngã ba Hải Thành, bánh lọc ở đây được làm từ tinh bột sắn nhào kỹ, nhân tôm tươi, hấp chín chấm với nước mắm đặc biệt của Hải Thành. Ghé phố ẩm thực ở đường Cô Tám, ăn bánh bèo, bánh khoái ở Tứ Quý...
Cách Đồng Hới khoảng 7 km về phía Tây, khu du lịch lịch sử là đây. Đặt chân tới đây du khách như được sống lại với mảnh đất Quảng bình thời mưa bom bão đạn; với một tâm huyết với mảnh đất này, với một công trình công phu và tốn kém và cả với một chút "không bình thường"-như lời của những người "không bình thường", chủ nhân đã tái tạo lại Quảng Bình thời chiến tranh ác liệt, nào là những hầm chữ A, hào giao thông, mảnh bom, mảnh đạn, nào là những nếp nhà tranh đặc trưng, những bệnh xá, trụ sở cách mạng thời chiến tranh... tất cả đều được tái hiện với một kích thước thu nhỏ...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,093
Bài viết
1,171,880
Members
191,670
Latest member
traicaysaydrifu
Back
Top