Các bài sưu tầm
Trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười đạo diễn Đặng Nhật Minh đã xây dựng một trường đoạn xúc động: do quá đỗi đau khổ, âm thầm nhớ thương người chồng đã hy sinh trên chiến trường, người vợ trẻ đã đến miếu Thủy Thần trong làng cầu xin được dẫn đường chỉ lối tới cõi u minh gặp chồng. Họ đã gặp nhau trong phiên chợ Âm Dương, bàn tay hai người cứ muốn cầm nắm lấy nhau nhưng cố gắng thế nào cũng không được, thành thử đôi uyên ương này cứ rượt đuổi bóng hình trong vũ khúc luân hồi hư ảo.
Ý tưởng về trường đoạn trên được gợi mở từ câu chuyện về chợ Âm Dương ở làng ó (tên chữ là Xuân ổ
thuộc xã Võ Cường (Bắc Ninh) mà nhà văn Đỗ Chu kể cho đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Gọi là chợ Âm Dương bởi chợ không họp vào ban ngày, không có phiên chính phiên xép; mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mồng Bốn tháng Giêng lúc chạng vạng tối, thời điểm âm dương đang chuyển kênh, trời đất giao hòa.
Phiên chợ kỳ lạ ấy đã tồn tại như một huyền thoại ở ngôi làng đã có tuổi đời 3.500 năm nằm bên tay phải cây số 27 nếu từ Hà Nội theo đường quốc lộ số 1 ngược lên phía Bắc. Nơi đây, hiện tại và quá khứ thăm thẳm đan xen thấp thoáng trong muôn ngàn màu xanh lá cây, trong lô xô những dãy nhà cao tầng, trong gương hồ biếc soi bóng mái cong đình làng.
Những câu hát âm vang thay lời giới thiệu, quảng bá về một vùng đất Quan họ tưng bừng rộn rã lễ hội đầu Xuân:
Mồng Bốn là hội kéo co
Mồng Năm hội ó chẳng cho nhau về
Không hiểu ai là người đầu tiên khởi xướng loại... Hội chợ độc đáo cho cả người sống và người chết để tất cả cùng thanh thản, vui vẻ đón xuân.
Truyền thuyết kể lại rằng: nơi đây từ ngàn xưa từng là bãi chiến trường ngập chìm trong máu, lửa Trống trường thành lung linh bóng nguyệt. Khói cam tuyền mờ mịt thức mây. Bao sinh linh tử trận, hay lâm nạn đã hóa thành những vong hồn phiêu diêu trong không gian với những nỗi niềm u uẩn...
Thấu cảm và mong cầu sự siêu thoát tâm linh cho các vong hồn chiến binh, thập loại chúng sinh và vạn vật thì ngoài việc thờ cúng nơi đình chùa đền miếu còn có phiên chợ Âm Dương cũng vì ý nghĩa nhân văn ấy.
Khi hoàng hôn mờ tỏ, bồng bềnh cùng sương khói trong không gian, xóm làng bàng bạc bức tranh thủy mạc, thấp thoáng lên đèn cũng là lúc dương đi âm đến. Người ta tất bật mang ra chợ những chú gà đen (phải chăng vì thế mà làng có tên gọi là ó?) đã được chăm sóc nuôi nấng cẩn thận. Trên một khoảng đất trống khá rộng cạnh một cái miếu thiêng trong làng chợ họp không đèn đuốc không lều quán. Những chú gà đen - vật tế thành hoàng làng và những bó hàng mã, hương đăng, gạo muối được bày la liệt thành dãy trong đêm sau 3 ngày Tết Mồng Một thì ở nhà Cha, mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thày.
Người mua không mặc cả, người bán không cần đếm tiền, họ cứ lặng lẽ trao tiền và đồ vật cho nhau như ngầm hiểu, thỏa thuận. Trong chốn tù mù thiên địa, người ta đang mua may bán rủi người cõi dương đang đi chợ với người cõi âm. Người mua kẻ bán nườm nượp nhưng không rõ ai là người ai là ma, mà phân biệt để làm gì? Từ người chết thuở làng ó còn hoang sơ toàn rừng rậm đầm lầy dưới thì nước, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt (Hậu Hán thư
đến người hy sinh vì Tổ quốc và những số phận rủi ro bất hạnh nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn... Tất cả, vong linh muôn đời muôn kiếp rủ rín nhau về phiên chợ Âm Dương để sắm sửa, mua bán, đổi buồn lấy vui.
Người ta không dám cười nói ồn ào vì sợ những hồn ma hoảng sợ, không dám thắp đèn vì sợ những chú gà đen tưởng ánh bình minh sẽ cất tiếng gáy gọi mặt trời khiến những hồn ma sẽ tan tác bay đi. Chỉ có ánh sáng của chòm sao Nam Tào - Bắc Đẩu vời vợi giữa thiên hà soi rọi cho các sinh linh đang hối hả giao thương, giao lưu.
Ở đầu chợ có đặt một chậu nước để thử xem tiền cõi dương hay tiền cõi âm nhưng rồi vẫn phải cầm tiền ma. Có người đã kể rằng chính mình nhận rõ ràng là tiền thật nhưng sáng hôm sau xem lại thì thấy là một đống vỏ hến. Có người lại thấy vài mảnh bát, mảnh chai, viên sỏi hoặc chiếc cúc áo, mẩu... yếm sồi.
Người có được những vật quý đó không tức bực, không cho mình bị thua thiệt trái lại hết sức vui sướng cho rằng đã có duyên làm điều phúc, điều thiện với những người đã chết.
Chợ Âm Dương làng ó phải chăng là dấu vết hoài niệm chợ nguyên thủy trong thương nghiệp là một hình thức lễ hội đoàn tụ giao hòa hồn vía vũ trụ, con người trong các cõi trước mùa Xuân - biểu tượng của sự sinh thành?
Chợ tan vào khoảng tám, chín giờ tối, người ta mời nhau vào các lầu quán bên đường xơi trầu, uống nước và hát canh Quan họ thâu đêm.
Với những lời ca thiết tha được dồn nén, thăng hoa từ vạn thuở, người sống hát cho mình và hát cho cả người chết:
Mặt trời đã tắt
Đêm hội đã tàn
Các phận hồng nhan
Người mang về cả
Cái giòn cái giã
ở cả nơi người
Nơi đứng nơi ngồi
Trong thì xe thắm
Ngoài thì xe thâm
Mong kết tri âm
Sao người chẳng biết...
Phiên chợ Âm Dương đã tàn nhưng những câu hát Liêu Trai thấm đẫm tình người vẫn lưu luyến lòng ai, thầm hẹn mùa Xuân năm sau đến hẹn lại lên.
Nguồn: ST