What's new

Cung đường mây trắng, Mai Châu-Mộc Châu

Đó là chuyến đi 2 ngày của tôi với gần 400km và rất nhiều trải nghiệm thú vị. Lang thang một mình trên cung đường Tây Bắc bạt ngàn một màu xanh của lá, của cây, của ngô, của chè và những ngồi nhà sàn nép mình bên núi. Tôi đến với thung lũng Mai Châu “mùa em thơm nếp xôi” từng đau đáu trong “Tây Tiến” của Quang Dũng, và cao nguyên Mộc Châu, vùng đất của “Vợ chồng A Phủ”, của những người H’Mông.

Ấn tượng đầu tiên là vẻ đẹp hoang sơ và những con đường núi hiểm trở đôi khi khiến những người sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng, đường phẳng như tôi thấy sợ. Đường núi quanh co, khi lên cao, lúc xuống thấp, một bên là núi đá lởm chởm, có thể lở bất cứ lúc nào đặc biệt khi có mưa lớn còn một bên là vực thẳm sẵn sàng nuốt gọn bất cứ ai lỡ mất lái mà rơi xuống. Con đường lên Tây Bắc uốn lượn theo những triền núi sừng sững, những dốc cua, đoạn đèo nguy hiểm, xuyên qua những cánh đồng ngô xanh mướt, thấp thoáng những ngôi nhà sàn với những chiếc váy thổ cẩm phơi trên hàng rào, xòe như những bông hoa sặc sỡ. Thung lũng Mai Châu nhìn từ trên đỉnh núi giống như một cô gái mới lớn, e ấp ẩn mình trong những dãy núi cao sương giăng trắng mỗi bình minh. Và rồi khi nắng lên, những nếp nhà sàn cổ kính, những con đường nhỏ dẫn vào làng rực lên giữa cánh đồng lúa trĩu bông đang vào mùa thu hoạch.
Cách thủ đô Hà Nội 130km, vùng đất bình yên, nổi tiếng với cơm lam ngon dẻo nức lòng những người bộ đội xưa trong thơ Quang Dũng, và những cô gái Thái xinh tươi ngày nay đang là một điểm đến quen thuộc của rất nhiều khách du lịch. Ngoài người Kinh đã lên đây làm ăn buôn bán từ rất lâu, người dân ở các bản của Mai Châu chủ yếu là người Thái trắng (hay còn gọi là Táy Khao). Rất dễ có thể nhận ra những bộ trang phục truyền thống của họ, với nam là áo cánh ngắn, xẻ ngực, quần xẻ đũng. Áo thường có nhiều màu như chàm, trắng, cà phê sữa, có cổ tròn, không cầu vai, thường có hai túi dưới và trước, được cài bằng cúc vải hoặc xương. Đây là trang phục hàng ngày, những dịp lễ tết, họ mặc áo dài xẻ nách, màu chàm, đầu quấn thêm khăn và chân đi guốc. Với phụ nữ Thái, họ mặc áo cánh ngắn (xửa cóm) có màu sáng và cài cúc bạc tạo hình bướm hay ong. Áo của người Thái thường có dáng ôm lấy thân, khi mặc cho vào trong cạp váy. Váy của người Thái trắng có màu đen, dạng ống, dài đến gót chân và không trang trí hoa văn, phía trong gấu đáp vải đỏ. Ở bản Lác và Poom Cọong tại thị trấn Mai Châu, vẫn còn những ngôi nhà sàn mang đậm phong cách người Thái. Những chiếc khung cửi trước hiên nhà, những chiếc máy đập lúa thô sơ, những chiếc bàn thờ thần đất ở mỗi nhà và thậm chí cả chiếc biển “Xe ôm” bằng gỗ mục với dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng tay cũng khiến Mai Châu vẫn phần nào giữ được cái hồn của làng bản.
Buổi sáng ở Mai Châu rất đẹp và yên tĩnh. Sương sớm phủ trắng đỉnh núi, đọng thành giọt trong suốt trên những bông lúa vàng ruộm chỉ chờ thu hoạch. Cạnh con đường nơi ô tô du lịch tấp nập vào ra, tôi gặp một phụ nữ Thái đang cắt lúa. Bà khoảng 60 tuổi, đầu đội nón lá, trong mặc xứa cóm màu xanh dương đậm, có viền đỏ ở cổ, ngoài khoác một chiếc áo cánh màu chàm. Bà mặc váy đen, xắn lên quá gối, một bên hông đeo chiếc túi vải màu xám có quai vắt qua vai và, bên kia đeo chiếc gùi mây nhỏ, có dây thắt ngang bụng. Bà vừa nhanh tay dùng liềm cắt lúa rồi bó lại thành từng bó, vừa bỏm bẻm nhai trầu. Làn da đã có nhiều vết nhăn và màu nâu sậm chứ không trắng mịn như những chị con gái tôi gặp trong làng nhưng đôi mắt đen, sáng lấp lánh và đôi môi đỏ vì nhai trầu khiến cho bà trông thật đẹp và hiền hậu. Khi được hỏi về trang phục và những tập tục truyền thống của người Thái trắng nơi đây, bà nói “Giờ tụi trẻ con không mặc quần áo Thái nữa. Chúng nó mặc đồ người Kinh hết rồi, chỉ mặc (đồ truyền thống) khi Tết đến thôi. Còn vẫn có chợ phiên ở tít mạn Sơn La. Người Thái vẫn hay đi chợ phiên ở đấy.” Tôi thấy trong giọng nói của người phụ nữ ấy sự nuối tiếc và âu lo cho một thế hệ con trẻ của dân tộc mình trong việc giữ gìn những giá trị truyền thống đặc trưng của tộc người. Tôi tạm biệt bà rồi lang thang trên những thửa ruộng bậc thang với nhiều cung bậc màu sắc, ngắm nhìn những mỏm núi nhô lên trong sương và mặt trời dần lấp ló.
Rời Mai Châu, dọc theo con đường số 16, tôi thẳng tiến tới Mộc Châu, Sơn La. Thời tiết thay đổi liên tục, mưa có thể trút xuống bất cứ lúc nào và những chiếc xe tải chậm chạp leo đèo nhắc tôi nhớ rằng tôi đang ở một trong những cung đường hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, cảnh sắc núi rừng ở đây thì tuyệt đẹp. Những ngọn núi đá vôi sừng sững bên đường, những thửa ngô nằm rải rác trên sườn núi, xanh mơn mởn. Có cả những con suốt nhỏ lộ ra ngay bên đường, nơi người ta có thể dừng lại, uống nước suối trong và nghỉ ngơi. Trên đường đi, dễ dàng gặp những nhóm người H’Mông, một trong những tộc người sống nhiều nhất ở Sơn La ngồi thêu thổ cẩm và bán hàng. Mùa này là mùa mận, phụ nữ đem mận họ trồng trong vườn nhà vẫn còn nguyên phấn hoặc dưa Mán (một loại dưa leo quả to, ngắn, thường có màu xanh trắng) đi bán. Đám đàn ông thì túm tụm trong những hốc đá vệ đường, ngồi bán lan rừng, tò mò dõi mắt khi thấy tôi đi qua và háo hức chào mời khi thấy tôi dừng lại hỏi.
Những đứa trẻ người H’mông tôi gặp trên đường để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn cả. Chúng có khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt sáng với đuôi mắt dài, làn da nâu khỏe mạnh và đôi má hồng, tóc đen, bết lại do mồ hôi và những cơn mưa bất chợt. Tôi nhận ra chúng nhờ những bộ váy áo sặc sỡ chúng mặc. Cả người H’mông xanh và người H’mông đỏ. Chúng hoặc cưỡi trâu cheo leo trên vách núi, hoặc đang thơ thẩn chăn bò bên đường, hoặc có khi đang túm tụm dưới mái hiên một ngôi nhà gỗ tồi tàn ven đường để trú mưa. Những cơn mưa ở đây đến rất nhanh, và đi cũng rất nhanh. Trời đang nắng bỗng xám xịt, mây đen kéo đến phủ kín vạt núi và chỉ trong tích tắc, cơn mưa nặng hạt ào ạt đổ xuống như bị ai đó kéo. Mưa xối xả vào mặt vào tay, bỏng rát, tầm nhìn giảm xuống chỉ còn vài mét và việc lái xe lúc này cũng phải rất cẩn thận. Nhưng chỉ cần đi sang tới bên kia núi, lại thấy mặt trời chói chang.
Tôi dừng lại tại trường tiểu học Lóong Luông, điểm trường Pa Kha nơi có một đám trẻ con đang vui chơi trong sân. Không có hàng rào bảo vệ hay đường vào to đẹp, cổng trường được dựng lên bừng hai chiếc cọc sắt, trên treo tấm biển màu xanh, chữ trắng ghi tên trường. Từ bên đường, có thể thấy toàn cảnh ngôi trường nhỏ bé nằm khiêm tốn giữa một khoảng xanh mướt, gồm một dãy nhà cấp bốn mới, có mái đỏ, cửa xanh, hai bên là hai dãy nhà gỗ cũ. Một cột cờ dựng ngay giữa sân trường, và lũ trẻ con đang chơi đùa cùng hai chú chó cạnh mấy tảng đá. Đầu tiên, chúng rất nhút nhát, chỉ dám lén nhìn tôi qua đôi mắt trong veo tò mò. Chỉ đến khi chú bé người H’mông 10 tuổi mỉm cười và nói chuyện với tôi, lũ trẻ mới hết sợ hãi và đồng ý để tôi chụp ảnh. Chú bé ấy đi cùng em trai, khoảng 5 tuổi, rất hay cười, hàm răng trắng đều, gương mặt trái xoan, đôi mắt một mí mọng như có nước và đôi má hồng đặc trưng của người vùng cao. Em mặc áo chẽn thổ cẩm với họa tiết thêu cầu kỳ màu đỏ và trắng ở 2 tay áo, quần thụng đen lấm lem bùn đất, đi ủng nhựa màu nâuvà đeo một chuỗi hạt màu cẩm thạch. Em nói đang học lớp 4 ở trường này, có thể nói được tiếng Kinh và tiếng Mông, còn em trai vẫn chưa đi học nên mỗi khi tôi hỏi gì, cậu bé phải dịch lại cho em hiểu.
Tôi tạm biệt các em và đi tiếp về hướng Cao nguyên Mộc Châu. Một cơn mưa nữa lại tới, tôi quyết định dừng lại ở một nhà hàng ven đường để thử món bê chao nổi tiếng nơi đây. Anh chủ nhà hàng tốt bụng, là người Kinh, quê ở Hưng Yên, đã từng làm kỹ sư tại nhà máy chè Mộc Châu trước khi nghỉ hưu và mở cửa hàng cạnh con đường 16 này. Tôi gọi món bê chao, cơm canh và món rau cải mèo luộc chấm tương. Thị bê giòn, béo ngậy nhưng vẫn rất mềm, rau luộc vừa tới, xanh non có vị hơi đắng, món canh ngót nấu thịt và cà pháo muối chấm tương làm cho bữa ăn ngon, rất dân dã mà không bị ngấy. Sữa chua do nhà hàng tự làm, sử dụng sữa tươi nguyên chất cũng là món tráng miệng rất hấp dẫn mà lại rất rẻ. Đặc sản của Mộc Châu ngoài bê chao còn có chè và bánh sữa. Chè phổ biến nhất là chè San Tuyết, còn có cả loại chè cổ thục vùng Bắc Yên, quê “vợ chồng A Phủ” (hai nhân vật nổi tiếng người H’Mông trong truyện của Tô Hoài) cũng rất ngon.
Trên đường về, dừng lại ở Dốc Cun, con dốc đẹp nhưng nguy hiểm nhất chặng đường lên Tây Bắc, tôi có cơ hội được gặp mấy chị người Mường, bán ngô luộc trong mấy cái lán lá đầu dốc. Có 4 lán nằm cạnh nhau, dựng bằng những cây gỗ nhỏ, mái lợp lá khô, bên trong chỉ có một chiếc bàn nhựa đơn sơ, 4 chiếc ghế gỗ dài xếp xung quanh bàn, ở góc là chiếc bếp nhỏ, một nồi ngô luộc to và một cái rổ mây đựng ngô đem ra cho khách. Khó có thể biết các chị là người Mường vì không ai mặc trang phục truyền thống và đều nói được tiếng Kinh. Tôi hỏi chuyện đi học, chị nói “Trước chị có đi học nên cô giáo dạy tiếng Kinh, giờ lại có ti vi, nghe nhiều nên biết nói hết mà. Tiếng Mường với tiếng Kinh cũng có nhiều từ giống nhau, nên học cũng không khó.” Tôi để ý thấy mấy chị ngồi thêu những vạt vải có họa tiết giống của người H’mông trên Mộc Châu. Các chị giải thích rằng, những lúc nông nhàn, các chị đem ngô đi bán và tranh thủ thêu thổ cẩm, bán lại cho người Mông. Hỏi sao các chị không mặc váy Mường, chị nói mặc quần áo của người Kinh thoải mái và tiện lợi hơn. Đi xe máy cũng không lo bị vướng víu.
Từ lán có thể thấy dốc Cun hiển hiện trước mắt với những tảng đá vôi trắng nằm xem với những mảng cây xanh rì, một bên là núi, bên kia là vực. Một cảnh tượng hùng vĩ, tráng lệ và nức lòng  những người yêu Tây Bắc.

P.S Em mem mới nên ko up được ảnh, mong các bác thông cảm.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,578
Bài viết
1,153,808
Members
190,132
Latest member
thetkenoithat
Back
Top