What's new

Danh sách các bài dự thi "Hồi ức về những chuyến đi"

Status
Not open for further replies.

Quang

Quác
Danh sách các bài dự thi "Hồi ức về những chuyến đi"

1. Những khoảnh khắc
Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao
Núi mây đẹp trong gió ào ào​



Mấy hôm nay, Hà Nội trở giời, nắng mưa, mưa nắng, ẩm ướt, u ám. Hị, nhưng thích nhất mấy hôm trước, hoàng hôn xanh mướt lẫn với màu da cam, kéo dài từ Đông sang Tây, tím dần và loang loang trên mặt hồ, làm mình nhớ tới Tây Nguyên.


Tây Nguyên, cái tên gợi đến một vùng đất với những con đường thẳng tắp lên xuống đều đặn, mỗi khi lên tới đỉnh dốc là thấy những chiếc ô tô nhỏ tí, mất hút vào đại ngàn rừng cao su. Hai bên đường, rừng cafe với nhưng bông hoa trắng muốt, những bụi cúc quì trong gió man mác, thoảng cái buồn của vùng núi, lại vàng suộm lên, cháy rực rỡ trong trời chiều.


Tây Nguyên với những vạt cỏ đầm bụi đỏ, có chàng trai cởi trần người vạm vỡ màu nâu khói như đồng hun, đội chiếc mũ rộng vành màu đất, ngất ngưởng, nghễu nghện cưỡi trên chiếc máy cày, mồm ngậm điếu thuốc, lang thang trên đường khi hoàng hôn bắt đầu buông, tựa hồ như cả thế giới chỉ thu nhỏ trong ánh mắt của cô nguời yêu.


Tây Nguyên với khoảng trời xanh thẳm, với những ngọn núi tím thẫm kéo dài về phía chân trời. Tây Nguyên với những cơn mưa như trút sau một buổi chiều ngột ngạt bức bối, ào đến, đầm nước, nồng nàn và vội vã như tình yêu của cô gái dành cho người tình. Tây Nguyên với con đường đất đỏ xuyên qua rừng cao su, chạy tới ngọn núi cao xa xa, cái thứ đất mịn màng, nham nháp, gặp nước thì trở nên đặc quánh đáng sợ với những tay off road nhưng lưu luyến như cái đẹp của Tây Nguyên trong mắt kẻ giang hồ.


Tây Nguyên nắng gió

Tây Nguyên bụi đỏ

Tây Nguyên, tôi biết mình còn quay lại


2. Phan Thiết êm đềm

Hơi lởm khởm, tương đối lủng củng, thô mộc & không trau chuốt, iem nổ pháo trước, giật giải "táo bạo"

Tu tu tu ... tầu đã có mặt tại ga Nha Trang, xin mời quý khách ... đầu óc mông lung, cùng đoàn du lịch cơ quan tôi lảo đảo rời khỏi tầu, Nha Trang 11h30 đêm hè 2003 ... thật là mệt sau chặng đường dài. Đường Trần Phú từ từ hiện ra sau khung của taxi vừa thân thuộc vừa xa lạ ... đang mông lung với những suy nghĩ của mình ... “anh, anh dẫn tụi em đi chơi nhé” ... bực mình, đám con gái cùng cơ quan léo nhéo cắt ngang dòng ... “ờ, cứ về nhận phòng đ㔠... Nha trang thân thuộc vì đã không biết bao nhiêu lần tôi lang thang, mò mẫu trên những ngóc ngách của nó, nhưng xa lạ vì đầu óc lúc này không thuộc về Nha Trang ... cảm giác hờ hững.

Nhận phòng xong, chưa kịp tắm rửa gì thì ... cộp cộp ... “đi thôi anh”, năm cái bóng (1 nam 4 nữ) lò dò chui ra khỏi khách sạn lẫn vào những mảng sáng tối của phố biển 12h15' đêm... “gì mà tâm trạng vậy anh, hix hix” ... những tiếng cười khúc khích giòn tan làm xao động cả góc phố ... “bé mồm thôi cho người ta ngủ, các nàng” ... “như ông già” ... “giờ thì ăn gì nhỉ, mực nhé” ... bói không ra hàng quán vào lúc này ... ban đêm, biển cũng lặng sóng, bãi biển tối mò ... thôi tránh ra ... “vào phố” ... chỉ những tiếng khúc khích của các cô bé làm xao động phố đêm ... rồi cuối cùng cũng xuất hiện một quán sáng đèn ... coca, kem, chè được dọn ra linh đình ... lác đác vài chú tây ba lô ghé vào làm chai lavie ... chán nhách.

Thế rồi cái cuộc vui ấy cũng kết thúc cùng sự hả hê của đám con gái ... về khách sạn 2h đêm ... gõ gõ bàn cậu lễ tân đang gà gật trên gế ... tư thế thật buồn cười ... trong y như chim cú đang đậu ... “anh đặt vé sang mai tôi đi Phan thiết” ... “chi mà dzữ zậy anh 2, alô sinh cafe ...” ... “ờ không ngủ được” ...”90k, sáng mai 5h30 xe đến đón nghe anh 2” ... “uh, cảm ơn” ... về phòng chập chờn trong giấc ngủ không sâu ... thì cộp cộp ... “dậy anh ơi, ra xem biển, chụp hản mặt trời” ... 5h ...thôi chết mịa, sắp đến giờ rồi ... “chúng mày điên hả, ngủ tiếp đi, tao đi đây” ... “ơ, anh đi đâu mà đồ đạc gọn gàng vậy, không ở Nha Trang à, hix” ... “tao có việc phải đi Phan Thiết, lúc nào đoàn về HN thì tao về” ... ôtô đang chờ trước cửa, tôi vội vàng ra xe rồi ném vội một câu cho chúng nó yên tâm ... “5 ngày nữa tao về NT” ... xe chạy trong sự ngỡ ngàng của tụi con gái ... “anh dắt em đi dinh bảo đại ... đi chợ đầm ... diving thế nào ... thung lũng tình yêu đẹp lắm hả anh ...” thật là buồn cười ... cái chất phượt trong tôi là như vậy, không cần báo trước ... phá vỡ mọi kế hoạch ... tất cả chỉ để chạy theo cái cảm tính phiêu du của mình ... đã qua Phan thiết bao nhiêu lần mà chưa vào Mũi Né ... tại sao tôi lại phải ở lại Nha Trang nhỉ ... tôi có 5 ngày ... mặc kệ đoàn nghỉ mát ... cảm giác nhẹ nhõm lâng lâng như trút được một cái gì đó.

Xe lướt nhanh trên đường, tôi thả hồn theo những dải bờ biển, những rặng cây, những bờ đá, nắng sớm dìu dịu làm tôi quên biến lũ tây đang xì xồ quanh mình ... Cà Ná, một quán rộng với dàn dây leo, phía sau là biển, xe dừng lại, mọi người ghỉ ngơi ... chọn một cái bàn sát mép biển, 7h30 nắng sớm đẹp mê hồn, tôi thả mình theo những ngọn sóng che loà xoà dưới rặng dây leo ...”đúng là chỗ tụi du lịch chọn vừa mắt tụi tây” ...

Nha Trang - Phan Thiết cung đường 270km vừa đủ thời gian để một con người lãng đãng như tôi nghĩ về một cái gì đó trọn vẹn và quên đi những rặng núi nối nhau chạy dài xuống biển, những cánh đồng cát mênh mông, những rặng dừa đờ đẫn xếp hàng dõi theo con đường chạy ngoằn nghèo.

Nghĩ về ai nhỉ, đã bao lần tôi đi qua em để rồi không ghé thăm, để rồi lại nuối tiếc, để rồi lại tò mò muốn khám phá như một cậu trai mới lớn. Rốt cục rồi em cũng hiện ra trước mắt với những hàng dừa, rặng cây che lối con đường nhỏ song song với biển, em đẹp quá, e lệ, dịu dàng và đằm thắm. Rút điện thoại tôi gọi cho em khi đang lang thang chọn cho mình một bungalow nhỏ lẫn trong tiếng sóng biển ầm ì (không phải vợ, thật buồn cười) ...
 
Last edited:
3. SĂM PUN! Vời vợi mây trời...

Chiều buông dần, từng làn sương mảnh mai bảng lảng và màu chiều tím dần trên con đường quanh co đèo Mã Pì Lèng. Con đèo vắng, cô quạnh nhưng hùng vĩ và hiểm trở trên cao nguyên đá Hà Giang. Sáu kẻ lữ khách trên bốn chiếc xe máy vòng vèo thả dốc xuôi về hướng Mèo Vạc để theo lộ trình cửa khẩu Săm Pun, cửa khẩu có lẽ nằm ở độ cao nhất trên nước Việt....

Ngã ba chân đèo Mã Pì Lèng. Con đường uốn lượn quanh co đẹp như tranh nếu bạn đứng trên lưng chừng đèo Mã Pì Lèng ngắm nó giờ đây gập ghềnh và trơn trượt , lổn nhổn ổ gà xuôi dốc về phía bắc.

.. Con xe cào cào láng coóng lần đầu tiên được thử sức trên những cung đường đầy đèo dốc cao ngất, giờ chầm chậm hì hụi nhảy lục cục, chồm chồm vì nền đường quá xấu.... Nước đọng lại sau những cơn mưa thi nhau bắn tung toé mỗi khi bánh xe lao xuống một ổ gà. Cảnh vật chỉ toàn một màu xám xịt của đá. Chiều đang tím sẫm tràn về và núi trập trùng, từng cơn gió lạnh thông thốc sầm sập khiến con xe như muốn lạng đi .. vẹo ngã.

Nàng ngồi sau, mắt mơ màng nhìn dãy Săm Pun vẫn còn đang cao ngất ngư trước mặt, tay cầm chặt cái đai lưng quần của “hắn”, thỉnh thoảng lại ngả người kêu lên : Ôi, đám mây kia ráng hồng đẹp quá ! Kìa anh! Sao cái bản kia nó nằm trên cao thế nhỉ? Họ đi ngưa. Cảnh vật buồn quá …. “Hắn” làu bàu: Ngồi yên. Ngã vật ra bây giờ. Đường xấu khiến “hắn” mất cả cảm hứng lãng mạn.

Xuống hết con dốc, đúng là thở phào nhẹ nhõm. Sông Nho Quế mùa cạn nước chẳng còn thấy tiếng ồn ào réo chảy, thay vào đó là tiếng âm u của gió rít lên từng hồi. Cây cầu sắt rỉ mục nằm cô quạnh, hoang vắng.

Thằng em đi con xe cào cào “chiến” Degre đang nhăn nhở tạo thế đứng chụp hình con bé đi cùng. Con bé vươn tay bám thành cầu, lơ lửng người ra sông làm dáng, đằng sau nó là cả dòng Nho Quế đang sẫm dần màu tím và dãy Mã Pì Lèng trập trùng cao ngất ngư, mây bềnh bồng …. “Hắn” bỗng nghĩ gió lạnh như này, ngã xuống sông thì thích nhỉ ! Ngắt cái dòng suy nghĩ lẩn thẩn của “hắn” là nàng, nàng cười ỏn ẻn: Anh à! Chụp cho em nhé ?

“Hắn” chụp cho nàng cả một sê ri ảnh, có cả bức nàng đang giơ đôi chân trần trắng ngần nghịch nước sông Nho Quế, cả bức nàng xắn quần lội bùn vung vẩy cái mũ bảo hiểm hoặc bức nàng đang vươn tay cột lại tóc trên đỉnh dốc, hai bên là hai dãy núi đang mờ dần đi trong hoàng hôn màu thẫm đỏ, trên vai nàng là mặt trời tròn vạnh ….

Cả nhóm hì hụi leo dốc, giờ Săm Pun đang ở đằng trước. Càng lên dốc càng cao, cỏ cây lác đác nhưng đường thì cứ lồi lõm, đá lổn nhổn, liên tiếp cua gắt và vực thẳm hiện ra trong cái nhập nhoạng của đêm sớm. Bỗng cả bọn dừng lại. Sau một khúc cua, sau một tảng đá bằng phẳng như bàn cờ nằm cô đơn, đằng trước mặt lại là Mã Pì Lèng hiện ra, mặt trời rực lên hắt quầng sáng khiến cả dãy núi cao bừng lên một màu lam chiều, dưới chân là vực sâu mênh mang và dòng Nho Quế như một sợi chỉ trắng sữa chạy ngoằn nghèo. Hoàng hôn trên dốc Săm Pun đang trôi đi trong yên lặng, yên lặng đến mức như nghe thấy tiếng thở của núi, của đá và của nước … miên man, miên man.

Trời tối, ba ngọn đèn hậu đỏ lừ của mấy đứa em đi trước cứ nhấp nhóa xa tít đằng trước mặt. “Hắn” bỗng thấy lo lắng. Đường vắng quá. Lúc này gió nổi lên ào ạt và con đường như thấy dài mãi, cao mãi chẳng thấy đích. Rồi cũng bắt kịp nhóm. Ngã ba đường vắng ngắt. Gió ào ạt. Xa tít trên lưng chừng núi là một ánh đèn pha xe máy. Đi đường nào giờ đây? Cả bọn dừng lại nhìn nhau! Thằng em thứ hai đi một mình trên chiếc xe Yamaha màu xanh, mắt cận 3,8dp thốt lên: Có người kia kìa, hỏi đi.

Ba thằng còn lại mắt tinh hơn nhưng mãi mới nhòm thấy một “bạn” dân tộc đang lúi húi với cái quẩy tấu gần đấy. Ôi may thế! Ơ cái mày cho tao hỏi đường nào đi Săm Pun? Ồ ! Săm Pun à! Đi thẳng à …Thôi thế là có hướng rồi, đi thôi. Giờ dốc cao hơn, đường có vẻ dễ đi hơn nhưng sao mãi chẳng thấy đich?

Vượt qua khe núi hẹp vách cao ngất, đêm đã mù mịt, gió buốt thổi ràn rạt rít lên từng cơn qua kẽ hở của chiếc mũ bảo hiểm. Lại một đoạn đường đá hộc bé xíu chạy ven con suối chảy róc rách, nhưng giờ là cao nguyên bằng phẳng, vực sâu đã ở phía sau.
.........

......Thật lạ ! Khi đã lên tới đỉnh Săm Pun, núi bỗng phẳng ra như một bình nguyên, suối chảy róc rách và cây cỏ um tùm. Trăng mở ảo nhô lên từ một dãy núi phía tay phải, lúc hiện ra vằng vặc lúc chui tọt vào mây trong khi bầu không khí càng ngày càng lạnh giá, khô khốc !

Cả bọn dừng lại, phía trước có một quầng sáng. Hóa ra là đồn biên phòng cửa khẩu Săm Pun. Nó nằm lọt thỏm giữa hai quả đồi, vắng lặng. “Hắn” xung phong đi trình báo. Phải ho hắng, rồi “chiến đấu” với lũ bergie to vật vã mới gặp được chiến sĩ trực ban trong khi cả bọn đứng ngoài cổng ôm nhau run lập cập. Mệt và đói sau 3h leo dốc, nhóm đã tới được Săm Pun, cửa khẩu nằm trên độ cao nhất nước Việt.

Cái giá lạnh và khí hậu khắc nghiệt ở đây chắc khó nơi nào có, năm nào cũng có tuyết về mùa đông, còn mùa hè nhiệt độ lên tới 40 độ là chuyện thường. Anh đồn phó nói với “hắn” và mấy đứa em đang ngồi há mồm nghe chuyện. Rôm rả một lúc rồi câu chuyện cũng ngừng lại để cả bọn xuống núi.

Giờ thì trăng sáng, sáng vằng vặc. Đường xuống núi dốc thẳng đứng và sao lại hoang vắng đến thế. Vực như sâu hơn, đường như xóc hơn. Những dãy núi trập trùng nhấp nhô trên biển mây lững lờ, gió lạnh buốt rít vù vù. Đằng trước nhấp nháy ánh đèn hậu đo đỏ của mấy chú em …. Nàng bỗng thì thào: Đêm đẹp và phiêu linh quá. Giá như có một cái ống kính góc thật rộng để có thể thu lại hết cái vẻ đẹp hoang dại của đêm trăng trên đỉnh Săm Pun thì hay biết bao. Ừ ! giá mà có cái ống kính như thế .

Lật bật và xóc nảy mông, đánh vật với cái ghi đông xe suốt hơn hai giờ đồng hồ nữa, nhóm của “hắn” mới về đến thị trấn Mèo Vạc trong cái bầu không khí lạnh giá của đêm khuya. Chui vào một nhà nghỉ, chẳng cần tắm rửa, cả bọn đánh một giấc say sưa lấy sức ngày mai chiến đấu tiếp cung đường Mèo Niêm – Sơn Vạc.

Cả đêm “hắn” mơ thấy mình đang lái cào cào chạy trên đỉnh Săm Pun, hai bên vai là Trăng và Mặt Trời ….
 
Last edited:
4. Giang hồ vặt

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”


So với nhiều người thích phiêu bạt qua những miền đất ở đây, tôi là một newbie, một newbie không có nhiều tiềm năng phát triển vì mong ước xê dịch bị dừng lại bởi rất nhiều thứ. Tôi tìm thấy niềm yêu thích du lịch sau khi tìm thấy một người đàn ông. Thứ tự ấy làm cho tâm lý ổn định cao hơn tâm lý đi lại và đã có những thời gian tôi sống ở một thành phố khác, một đất nước khác hơn nửa năm trời mà chưa bao giờ đi quá 50km khỏi căn phòng nhỏ của mình.
Nhưng điều đó đâu quan trọng. Không phải ta đã đặt chân qua bao nhiêu nơi, không phải mắt ta đã nhìn thấy bao nhiêu thứ kỳ vĩ. Không phải ta đã ăn bao nhiêu món ngon, nằm ngủ bao nhiêu chiếc giường không thân thuộc. Điều còn ở lại sẽ là những gì ta cảm nhận về cuộc sống và con người, hiểu thêm về mình sau mỗi chuyến đi.
Năm năm trước tôi đi Sapa lần thứ nhất. Thời sinh viên tiền bạc khó khăn, kinh nghiệm hạn hẹp chỉ có lòng nhiệt tình là vô cùng rộng rãi. Không có tiền để đi Sapa ư? Một lúc không có ngay thì dồn nhiều ngày sẽ được. Sáu tháng trước khi lên đường nhé, mỗi đứa đi học nộp 2000 đồng một ngày. Thủ quỹ là người được tín nhiệm và nghiêm khắc kinh khủng với kế hoạch ấy. Mua vé sinh viên giảm 50% không chỗ ngồi nhé. Đứng thì đã làm sao, kể cả có đứng suốt đêm đi chăng nữa. Phòng 60 nghìn 9 đứa nằm nhé, tha hồ rúc rích. Mùa thi căng thẳng thế mà còn ăn cơm có 2000 thì đi chơi thích bỏ xừ, ăn cơm mấy nghìn chả được. Những ngày đó vui đến mức bộ nhớ chứa nhiều điều phù phiếm của tôi vẫn luôn dành một chỗ cho bảng lảng sương khói Sapa, nơi tôi ngồi trong ruộng bắp cải co ro như một cây bắp cải to đùng. Ai ơi nhổ bắp cải đi. Làm ơi kéo tôi ra khỏi cánh đồng.
Mấy tuần trước cô bạn chat với tôi. Hỏi Sapa thế nào? Tự dưng hai đứa “quyến rũ” nhau là nên đi, người chưa đi sẽ đi, người đi lâu rồi cũng nên đi lại. Hẹn nhau vào một ngày dân tình kiêng ầm ĩ: thứ sáu ngày mười ba.
BN bay ra chuyến hơi muộn. Máy bay trễ như vẫn thường trễ nhưng may mắn chưa chậm đến mức nhỡ chuyến tàu. Chúng tôi mua toa hạng nhất, giường nằm điều hoà và thậm chí còn có cả tiết mục hoa tươi trông rất cảnh vẻ. Ga Lào Cai khác với mấy năm trước nhiều, kiểu thị dân tỉnh lẻ rất thích khoa trương. Trên xe bus lên Sapa tôi ngồi cạnh một anh chàng rất điệu đàng. Anh ta thậm chí còn vẽ móng tay và nói chuyện âu yếm với anh chàng đi cùng. Tôi nghĩ anh ta là gay và bật cười không biết anh ta có nghĩ chúng tôi là les không vì giữa tôi và BN thỉnh thoảng cũng có kiểu quan tâm đến nhau rất dễ bị hiểu nhầm. Chỉ ý nghĩ đó thôi làm tôi thấy buồn cười vì lời “hăm doạ” của chồng: Mất vợ vì giai đã nhục, mất vợ vì gái còn nhục hơn.
Lên đến Sapa thì trời đổ mưa. Dân tình trên xe thì thào kiểu rất thất vọng nhưng với tôi thì chẳng vấn đề gì. Tôi quá quen với những cơn mưa và quá liều để có thể đi chơi nếu tôi đã muốn. Tôi chỉ thấy mình cần một căn phòng để tắm.
Ra đến khu vực Nhà thờ tôi hơi thất vọng. Nhà thờ đang lúc xây dựng lại và sân vận động đã mọc lù lù lên một cái khách sạn to chình ình còn chợ thì dựng lên khắp lối đi. Chúng tôi đi dọc đường Cầu Mây, vào chợ xem rau xanh và mua một ít hoa quả, kiếm một quán café ngồi đọc sách. Tôi gọi điện cho một anh bạn thông thạo Sapa hỏi xem nhà hàng nào có view đẹp nhất ở đây nhân thể thông báo luôn là Sapa đang mưa rất to. Anh ấy cười và bảo rằng tin anh đi, khoảng 2h trời sẽ nắng, nếu không anh sẽ lên cầm ô che cho em. Nhưng đến lúc Sapa nắng lên thì chúng tôi đã ngủ khò trong khách sạn sau khi ăn món gà đen nướng được tuyên truyền là đặc sản của Sapa. Lúc tỉnh dậy tất nhiên trời lại mưa. Và tất nhiên vẫn phi ra đường.
Hôm sau tôi kiếm được một cô gái người Kinh có thể dẫn bọn tôi vào bản. Trời mưa nên cô ấy có vẻ áy náy vì các chị thiếu may mắn quá. Nhưng thực ra khi đi trekking thì trời mưa dễ chịu hơn trời nắng. Không khí mát lạnh làm mình đỡ bị hao tổn năng lượng hơn. Cô gái da ngăm ngăm đen, khuôn mặt rất duyên và vẫn điệu kiểu rất con gái: để tóc dài xoã ra khi leo đường núi. Cảnh dọc đường đi rất đẹp. Núi xanh trập trùng, suối trắng Mường Hoa ngoằn ngoè cộng với sương khói bảng lảng. Lúa tuổi nhi đồng đang xanh, có vẻ đẹp căng tràn nhựa sống khi vừa thoát thai khỏi đời mạ chen chúc, được bung ra trên từng thửa ruộng. Chúng tôi đi trong mưa, ba cô gái tuổi gần như nhau. Vì cô dẫn đường cũng không chuyên nghiệp nên ba chúng tôi không có mấy khoảng cách. BN thường xuyên ở lại phía sau vì cô quá tham lam chụp ảnh và cũng chưa từng trải nghiệm với kiểu đường mòn trơn nhão nhoét như thế này. Mất 3 tiếng cho 7km thì đến Lao Chải. Nghỉ ăn trưa ở đó thì trời nắng lên. Có mấy cậu bé Tây phi ngay xuống suối để tắm vì quá bẩn thỉu sau mấy km đường trơn. Dân tình xung quanh xì xồ với nhau và chúng tôi nói chuyện với họ, hỏi han vài vết thương do ngã dọc đường, an ủi nhau vì cảnh đẹp và thời tiết cũng đang đẹp lên. Đúng lúc ăn trưa gặp một chị người Việt đi dép cao gót, mặc váy dài đang cằn nhằn anh chồng dẫn vào đây. Chị đi xe ôm đến và chỉ đi bộ từ đường cái xuống. Chị thanh minh vì cái váy bẩn của mình, trong khi chúng tôi bẩn thỉu hơn chị đến cả chục lần. Chắc vì chị nghĩ chị luôn luôn đẹp và hôm nay là ngoại lệ nên làm chị mất tự tin.
 
Ăn trưa xong tiếp tục lên đường. Sau cơn mưa trời trong xanh lạ kỳ. Cảnh đẹp làm tim tôi ngạt thở. Tôi thấy mình thật may mắn là đã ở đây dù tôi bơ vơ trong những người nói một ngôn ngữ khác. Tôi nhìn thấy những con lợn cắp nách đen xì xì và bé như một con gà to. Nhìn thấy trường trung học Lao Chải có lẽ phải lâu lắm rồi không có ai đến đó. Mùa hè mới chỉ bắt đầu thôi sao trường có vẻ điêu tàn đến thế. Phải chăng lâu lắm rồi các em không lên đến lớp trung học nữa? Từ Lao Chải trở đi thấy mọi người trồng lúa nếp rất nhiều nên lúa xanh và dõng dạc hơn hẳn. Thỉnh thoảng nhìn thấy vài bóng người lom khom giữa ruộng đi nhặt cỏ lúa, thỉnh thoảng lại có những căn nhà giữa những thang ruộng. Những gương mặt bé thơ lấm lem. Những quán cóc ì èo dăm thứ hàng hoá.
Cuối buổi chiều thì chúng tôi đến Tả Van. Ấn tượng đầu tiên là Tả Van thương mại hoá quá. Đường vào Tả Van đang làm cộng với mưa triền miên nên rất xấu. BN gần như không đi nổi vì ủng của cô không đủ rộng để cho đôi chân một cảm giác thoải mái khi đi bộ dài. Chúng tôi từng đi bộ với nhau rạc cẳng chân những chiều cuối tuần ở khu shopping Orchard nhưng chưa bao giờ đi bộ xuyên núi xuyên rừng như lần này làm chặng đường ngắn cứ nát ra với những lần dừng chân. Cuối cùng thì cũng đến được nhà Sần Mùi, là nhà chúng tôi sẽ ở lại một đêm. Ấn tượng đầu tiên khi vào nhà là rất nhiều giấy khen của Nông Đức Mạnh. Giấy khen gần đây nhất là giấy khen năm học 2006-2007 của trường tiểu học Tả Van dành cho học sinh lớp 5 Nông Đức Mạnh. Một lát sau thấy Nông Đức Mạnh mặc quần đùi đi vác củi về, xong lại đi ngay ra ao thả cỏ xuống cho cá ăn. Một cậu bé có gương mặt rất sáng, một vẻ khôi ngô không lem luốc như bao trẻ em khác quanh đây.
Ba chúng tôi quyết định đi ra suối chơi. Gần nhà có một con suối nhỏ rất đẹp. Nhưng ra đến nơi thì trời đổ cơn mưa. Tự dưng ba đứa cứ đứng đấy nhìn con suối và nói những câu chuyện tếu táo. Có hai cô gái ăn diện chạy qua chúng tôi và hất hàm gọi: bán ô không? Họ có lẽ là đi xe ôtô xuống đây và đang quay lại chỗ đỗ xe. BN thì ngớ người ra, không hiểu cô ta nghĩ gì mà lại hỏi mua chiếc ô chúng tôi đang dùng. Tôi tự dưng thấy khó chịu liền bảo với chị ta: Chị mua được bao nhiêu tiền? 500 nghìn không? Cô ta bảo tôi con điên rồi chạy tiếp. Cả ba chúng tôi cười vang và quyết định đi về nhà, mặc áo mưa, lùng khắp bản xem có ai có nhu cầu mua một chiếc ô giá 500k không.
Chủ nhà bắt đầu thổi bếp. Tôi rủ chị chủ nhà đi mua một con gà về làm bữa tối nhưng chị bảo dân ở đây ít khi bán gà nuôi trong nhà lắm. Phải lên bản người Hmông. Ừ thì lên bản Hmông. Thế là lại đi bộ gần 1km đường trơn nữa để đi mua một con gà về làm thịt. Bữa tối có xôi ngô nếp nương, măng rừng, đậu đũa luộc, thịt lợn rang và gà ngon hết sức. Chủ nhà mang rượu ra mời. Cả ba chúng tôi đều uống được. Mưa bắt đầu nặng hạt tiếp nên chẳng có lý do gì để mà không uống. Được 5 chén BN bảo khi tớ say tớ sẽ khóc lóc ầm ì và sẽ nói tiếng Anh, rất khó chịu nên tớ dừng nhé. Tôi bảo không, tớ muốn xem cậu khóc và nói tiếng Anh thế nào. Hết một chai đựng trong vỏ bia tàu cũ (khoảng 700ml) cho ba cô gái khách và chị chủ nhà (ông chồng đau dạ dầy không uống). Bọn trẻ con tản đi ra góc nhà chơi hết. Bốn chúng tôi uống như không biết làm gì khác ngoài uống. Sự nhiệt tình của chủ nhà và sự lượt phượt của khách cứ thế trôi đi. Thỉnh thoảng lại nhắc nhau: hết nhé, hết nhé. Chị chủ nhà lại đi tìm rượu tiếp. Nhưng tôi bảo thôi đủ rồi, đủ để ngủ ngon và không ai làm phiền ai cả. Thực ra tôi không thích say. Tôi không say trước mặt người lạ bao giờ dù chủ nhà sau chỉ vài tiêng thôi cũng đã rất thân quen.
Đêm ấy ngủ ngon tuyệt vời dù tiếng suối ngoài kia có hơi ầm ĩ. Sáng mai dậy dự định sẽ băng qua rừng trúc sang hai bản bên cạnh. Nhưng mưa suốt đêm làm đường trơn và nguy hiểm nên chúng tôi quyết định ở lại. Trời mưa to sạt đường nên chủ nhà cũng không đi đâu được. Cả chủ cả khách đóng cửa ngủ tiếp đến tận trưa.
Buổi chiều trời lại nắng. Chúng tôi đi bộ ra đường cái để về. Nhưng đường bị sạt lở sau trận mưa đêm nên xe oto thuê vào đón không đến đúng hẹn. Bọn tôi đứng ở chân cầu của Tả van đợi xe. Ở đây xảy ra một chuyện rất dở hơi, nếu không muốn nói là vô cùng thậm tệ. Ngay chân cầu Tả Van có một nhà sàn bán lưu niệm cho khách du lịch. Bên ngoài có dựng cột chơi đu. Trời hơi mưa nên bọn tôi vào một cái ô cọ cạnh đấy để trú và để đồ lên cái ghế tròn ở đấy cho đỡ nặng. Được 10phút có một ông đứng tuổi đi ra cầm máy ảnh chụp chúng tôi. Tôi thấy hơi lạ, nếu máy chụp phong cảnh thì sao cứ nhằm vào chúng tôi còn chụp chúng tôi thì rõ ràng chẳng có mục đích gì rồi. Chụp xong ông ta quát: Mẹ chúng mày sao chổng mông vào nhà tao, có biết đây là nơi nào không? Tôi hơi bất ngờ nhưng bình tĩnh hỏi lại: Đây là nơi nào ạ? Ông ta vẫy tôi hỏi mày có biết đọc không, ra đây đọc. Tôi lại gần và đọc tấm biển nhỏ gần đấy: Điểm văn hoá. Sau khi tôi nhìn thấy tấm biển đó ông ta bắt đầu văng tục ầm ĩ. Tôi nhắc lại điểm văn hoá thì đừng nói bậy chú ơi. Ông ta nổi khùng lên rồi đuổi chúng tôi ra khỏi đó. Ba chúng tôi đi ra thì ông đuổi theo giật ba lô của tôi vào lôi tôi vào và chửi chúng tôi là mẹ chúng mày dám cười đểu tao. Tôi giằng ra và cô bé dẫn đường xông tới. Ông ta hấn hổ xông tới và rất nhanh tát cô bé dẫn đường hai cái. Chúng tôi la ầm ĩ lên thì có mấy người trong nhà chạy ra và thay vì can ngan thì họ quây chúng tôi lại bắt chúng tôi nộp tiền và xin lỗi ông ta. Không làm gì được ba chúng tôi phải đứng đấy nghe ông ta giao rảng là lũ người Kinh chúng mày chỉ là lũ đứng đường làm đĩ, bọn vô văn hoá, vô học, ở đây tao là vua, chả đứa nào dám này nọ cùng đủ thứ lời mạt hạng khác cộng với lời đe doạ cô bé dẫn đường nếu còn dẫn khách vào đây thì sẽ bị đánh chết. Khoảng 30phút sau chúng tôi ra khỏi đó với đầy uất hận. Chúng tôi cắm đầu đi trong mưa với sự tức giận không biết phải nói thế nào. Vài người ở đó nhìn chúng tôi ái ngại và thương hại nhưng phải đến khi chúng tôi đi ra khỏi đó khoảng 500m mới có người đuổi theo và nói là lần sau đừng vào đó, ông Hà mèo ấy ác lắm, là người Kinh lên đây chứ người dân tộc không bao giờ ác thế đâu, ông ấy hay đánh người lắm.
Trong lòng tôi cảm thấy một nỗi buồn xót xa. Em dẫn đường bắt đầu khóc và mưa thì bắt đầu nặng hạt. Chúng tôi không nói với nhau lời nào. Tôi biết ở đây tôi không thể làm được gì cho mình và cho em cả. Rất nhiều người cũng đã có cảm giác uất ức ấy.
Về đến thị trấn tôi tìm gặp San, người ở Sapa lâu năm và giới thiệu cô bé dẫn đường cho chúng tôi. San né tránh nói về ông ta. Tự dưng tôi thấy thật thất vọng. Đến cả San cũng không thể cho tôi một thông tin rõ ràng hơn về người này. Tôi muốn làm gì đó để có thể bớt uất ức hơn nhưng tôi nghĩ đến Lê, em dẫn đường. Em ở Thái Nguyên mới lên đây và đang còn đi ở trọ. Tôi rồi sẽ xa nơi này nhưng em vẫn còn phải sinh nghiệp nơi đây. Tôi kiểm tra lại tiền trong túi mình, để lại số tiền cần thiết về đến Hn và đưa cho em chỗ còn lại.
Buổi chiều chúng tôi lên tàu về lại HN. Lúc đi mọi thứ êm ấm và tiện nghi với toa hạng nhất. Lúc về là một cái giường nằm hẩm hiu trên tầng ba. Nó giống như cái ban thờ thì đúng hơn, nóng nực và ngột ngạt. Những người nằm phía dưới là những công chức tỉnh H nọ vừa đi du lịch TQ về. Họ bôi dầu gió và ngồi kiểm kê những thùng hàng cồng kềnh mua về để “lót tay”. Họ còn rất không lịch sự nữa. Đêm hôm đó là một đêm tệ hại. Một cảm giác rất khác, một nỗi buồn nặng trĩu.
Nhưng một tuần qua đi rồi, tôi lại có những cảm nhận khác. Ở cuộc đời này, không phải hình như mà là rất đúng:

“Những chuyện buồn nghĩ lại thấy vui vui
Những chuyện vui nghĩ lại thấy bùi ngùi”
 
5. Một chuyến đi xa

Ngồi trên xe bus của một công ty lữ hành du lịch tôi vẫn không ngờ được rằng mình đang đi du lịch. Bản thân tôi vốn là một kẻ lười nhác hoạt động, thích ngồi một chỗ hơn là đi đây đi đó. Quãng đường xa nhất mà tôi đã từng đi là từ quê ra đất Thăng Long ngàn năm ngu vật này trọ học. Quyết định đi tour này chỉ thoảng xuất hiện vào hôm qua, và hôm nay, sau khi đã sắp xếp xong mọi việc tôi đã xách ba lô đi. Nói là sắp xếp mọi việc nhưng thật cũng chẳng có gì ngoài việc gọi điện xin phép thầy hướng dẫn xin nghỉ ở Lab một thời gian. Hồi đó, tôi vẫn còn là một cậu sv ngoan ngoãn, suốt ngày cặm cụi ở Lab online đong gái và chửi nhau trên các diễn đàn.

- Cậu đi đâu vậy?
Đang suy nghĩ vẩn vơ thì người ngồi bên cạnh hỏi.
- Tôi đi Huế - Đà Nẵng - Hội An. Còn cậu?
- Mình đi về Nha Trang. Mình ở Nha Trang.

Ra là cậu ấy ở Nha Trang. Tôi có vài người bạn ở Nha Trang nên tranh thủ hỏi han đủ chuyện. Sau một lúc thì hóa ra cậu này và tôi ngoài việc có những người quen chung như Binladel, Bush, Sadam Hussen, Fidel Castro,… thì còn có chung một người bạn nữa. Theo một nghiên cứu nào đấy thì nếu muốn gửi thư tình cho gái mà không qua cầu VNPT thì chỉ cần sử dụng khoảng 6 mối quan hệ bắc cầu là có thể đến tay gái mình đang tán. Trong hoàn cảnh tôi và cậu này thì còn ít hơn. Thế giới có vẻ bé nhỏ hơn tôi tưởng.

Chúng tôi có nói vài ba câu chuyện rồi lặng thinh. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình.

Tôi trước đấy, nếu đi đêm thì thường đi Tàu. Những chuyến tàu giục giã, vội vàng, đi từ nơi này qua nơi khác và luôn ồn ào. Đây là lần đầu tiên đi xe bus trong đêm. Chiếc xe như một con chiến mã phi trong đêm. Bụng của con chiến mã ấy đã nuốt chừng năm mươi con người, Đông Tây lẫn lộn. Con chiến mã đấy đang mang trong mình một kẻ chạy trốn.

Một điều cảm nhận rất dễ dàng là càng đi xa Hà Nội thì ánh sáng càng lui dần để bóng tối thay thế. Những làng quê, những dãy núi lờ mờ trong bóng đêm. Khung cảnh thật yên tĩnh. Tôi nhiều khi chỉ mong rằng mình được ở trong cái yên tĩnh đó. Hiện tại, có thể tự coi mình đang chìm trong sự tĩnh mịch đó. Nhưng rồi cũng sẽ qua nhanh.

Xe vẫn chạy đều và khá nhanh. Hành khách trong xe đa số đã bắt đầu ngủ. Tôi vẫn nhởn nhơ ngắm cảnh và suy nghĩ về những việc đè nặng tôi trong thời gian qua. Tôi vốn định đi cho khuây khỏa nhưng xem ra vẫn khó. Tôi cực kì ghét bản thân mình ở cái tính hay nghĩ ngợi. Nhất là những lúc tĩnh mịch như thế này.

Xe vẫn chạy đều đều.

Thanh Hóa.
Tôi đã từng đi qua cầu này rất nhiều lần. Mỗi chặng đường Bắc-Nam, nếu theo đường bộ ắt hẳn sẽ phải đi qua nó. Đây là lần đầu tiên tôi qua cầu Hàm Long vào đêm. Đêm, nó như một con rồng ngủ say. Phía bên kia, cầu Hàm Rồng lịch sử cũng đang ngủ say.

Thành phố Thanh Hóa, hình như hồi đó vừa mới từ thị xã lên thành phố chưa lâu. Đêm cũng chưa khuya nhưng chỉ lác đác vài ba quán nhậu ven đường là có ánh đèn. Thứ ánh sáng yếu ớt không thể xua tan màn đêm đang bao phủ một thành phố trẻ. Thứ ánh sáng yếu ớt đó cũng không thể làm cho thành phố trẻ nhộn nhịp lên. Ngược lại, nó làm cho thành phố này có vẻ thê lương, ảm đạm hơn. Dân tình ở đây hình như thích ngủ hơn là thích đi chơi. Xem ra dân số nước ta vẫn còn tăng dài dài. Tôi có vài người bạn ở thành phố Thanh Hóa nhưng đang đêm, tôi không thể phân biệt được nhà nào với nhà nào. Nếu phân biệt được thì cũng chẳng để làm gì. Tôi đang ở trên xe. Xe vẫn đang bon bon chạy.

Con chiến mã đưa chúng tôi đến Vinh vào đúng lúc nửa đêm. Tôi lúc đó vẫn chưa cảm thấy mình nên chợp mắt một tí. Vinh lúc nửa đêm cũng chẳng tráng lệ hơn Thanh Hóa là bao ngoại trừ việc đèn đường có nhiều hơn một chút.

Tôi đã có một thời gian dài sống ở Vinh, nhưng một sự đáng hổ thẹn là chưa bao giờ tôi rời nhà đi dạo vào những lúc quá 22h đêm. Tôi những tưởng đêm ở Vinh sẽ tấp nập và ồn ào không kém gì ban ngày. Hóa ra câu nói tưởng tượng đa phần là nhầm lẫn lại đúng. Những biển quảng cáo xanh đỏ tím vàng vẫn được bật lên và nhấp nháy. Đó là nhiệm vụ của chúng mỗi khi đêm đến. Lác đác vẫn có những chiếc xe máy phóng vù vù trên đường, tôi đồ rằng đó là những crazy fan của tốc độ và bệnh viện. Hồi đấy, báo chí vẫn thường đăng tin kiểu ở Vinh nạn đua xe hơi bị nhiều và thường dàn trận đông đúc. Tôi lúc đó chắc rằng vị nhà báo kia chắc đang đêm nằm mơ rồi viết bài. Thỉnh thoảng tôi có thấy một vài cô gái váy ngắn đi dạo. Với con mắt của một cậu SV gà mờ, tôi tưởng các cô đấy là những thi sĩ nửa mùa, đang đêm đi tìm cảm hứng sáng tác. Không những thế còn thấy các cô rất là thân thiện và hiếu khách khi thỉnh thoảng vẫn vẫy vẫy tay.

Xe đi qua Quảng trường Hồ Chí Minh. Hồi xưa, khi tôi còn trú ngụ ở Vinh thì quảng trường này chưa được xây lên. Chiều chiều, chúng tôi vẫn thường ra đấy đá bóng. Tối tối, chúng tôi vẫn thường ra đấy câu cá cho mát. Sau mấy năm không quay lại, giờ khu đất trống ấy đã trở thành quảng trường to thứ nhì cả nước. Nhìn ánh sáng và cách bài trí rất lăng lệ. Hình ảnh người lãnh tụ vĩ đại đứng sừng sững giữa quảng trường rất oai nghiêm nhưng không kém phần hiền hòa. Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người mà tôi ngưỡng mộ, nhưng tôi sẽ không lôi thôi dài dòng ở đây vì thông tin về người chúng ta có thể Gúc ra rất nhiều.

Qua quảng trường Hồ Chí Minh là một khách sạn khá nổi. Hồi nó mới xây dựng hình như là cao nhất Miền Trung. Bọn tôi vẫn thường ví tòa nhà này là “penis of Vinh city”. Nó quá cao và nổi bật giữa những khu nhà xung quanh. Hiện tại, hình như vị thế của nó đã bị tước đoạt bởi một tòa nhà khác
 
Last edited:
Chiếc xe vẫn đều đều lăn bánh và lại đưa chúng tôi đi qua một cây cầu cũng có chiến tích oanh liệt không kém cầu Hàm Rồng: Cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam.

Sông Lam trong đêm rất hiền hòa, hiền hòa như những ngày tháng đã qua. Nước vẫn hờ hững chảy qua cầu đều đều tự nhiên như dòng thời gian vẫn trôi. Cầu bến Thủy chìm trong đêm nhưng luôn có cảm giác vững chãi. Vững chãi như trong những cuộc chiến khốc liệt đã qua.

Xe dừng lại nghỉ ngơi và ăn đêm một lát ở thị xã Hà Tĩnh. Tôi không có nhiều thông tin về những vùng đất ở Hà Tĩnh nhưng cảm nhận dễ thấy là hai bên đường, dường như không có chút ánh sáng nào tượng trưng cho sự sống ở đây. Dĩ nhiên, trừ cái quán mà chúng tôi đang vào. Một quán bán cháo lươn và những thứ đặc sản khác. Quán này chắc có mối quan hệ rất tốt với các công ty lữ hành vì tôi thấy có khá nhiều xe đỗ lại, dân tóc vàng nhiều hơn dân tóc đen.

Cũng như cu-đơ, cháo lươn là một đặc sản của vùng Nghệ Tĩnh. Đã có khá nhiều bài viết về món ăn này trên mạng và khá đầy đủ. Tôi sẽ không viết lại về đặc sản này nữa nhưng xin lưu ý rằng, muốn ăn ngon thì phải về tận gốc. Cháo lươn ở những nơi khác có đề đặc sản xứ Nghệ ăn vào sẽ thấy cực kì vớ vẩn.

Khi lên xe, một điều rất ngạc nhiên là ngồi cạnh tôi là một cô bé tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ chứ không phải cậu bạn kia. Tôi vốn định hoảng hốt một lúc những nghĩ lại thì thôi. Chắc cậu ta đã ngồi chỗ khác, hoặc giả đã chuyển xe khác rồi. Gì chứ có gái ngồi cạnh vẫn thích hơn là giai
Khuya.

Ngoài trời tối như mực và trong xe chỉ có ánh sáng lờ mờ của một ngọn đèn ngủ ở trên đầu tôi. Cô bé ngồi cạnh đang gạch gạch vào một cuốn sách viết về Việt Nam của một công ty du lịch nào đấy. Trong thứ ánh sáng lờ mờ, nom cô rất xinh, nhiều khi cảm tưởng như một con búp bê barbie. Mái tóc vàng rũ qua vai, làn da trắng và một khuôn mặt thánh thiện. Cái sự xinh đẹp của cô hối thúc một kẻ vốn ngại giao tiếp ngoài đời như tôi cảm thấy ngứa ngáy và mở miệng làm quen. Hồi đó, tôi vẫn còn biết một chút tiếng Anh nên cũng không khó khăn lắm khi nói đôi ba câu vớ vẩn kiểu bạn từ đâu tới? bạn định đi đâu? bạn đến Việt Nam lần đầu à? Bạn cảm thấy Việt Nam như thế nào? Tôi nhận được khá nhiều hơn những thông tin trong các câu hỏi. Nàng đến từ xứ sở sương mù và nói một giọng Anh rất chuẩn. Khác xa với thứ tiếng Anh mà tôi vẫn nghe cô giáo của mình nói ở trên trường. Chúng tôi thì thầm với nhau khá nhiều chuyện. Cũng như tôi, đây là lần đầu tiên của nàng, nàng rất háo hức nhưng cũng sợ. Chỉ khác một chút là nàng lần đầu đi ra một nước khác còn tôi lần đầu đi xa cái computer quen thuộc của mình. Vốn tiếng Anh không đủ và phát âm lung tung nên đêm đấy, tôi khá mỏi tay trong việc nói chuyện với nàng. Cũng may nàng và tôi khá đồng cảm trong nhạc nhẽo, thơ văn và các chuyện khác.
Trời càng về khuya và se lạnh. Rất lịch sự, nàng xin phép dựa vào vai tôi và ngủ. Cổ nhân nói: Anh hùng nan quá mỹ nhân quan. Tôi tất nhiên không thể từ chối. Nhìn nàng ngủ say trông thật dễ thương khiến một kẻ hay mơ tưởng lung tung như tôi cũng không dám gĩ gì bậy bạ. Rồi không cưỡng lại được cái sự sung sướng, tôi nhắm mắt đi vào cõi mộng cùng nàng.
Chiếc xe vừa đi vừa lắc lư như một bà mẹ đang lắc võng cho con ngủ. Tôi chợp mắt không lâu nhưng có một giấc ngủ sâu và ngon.
Khi tỉnh dậy, trời vẫn chưa sáng hẳn nhưng phóng tầm mắt ra xung quanh, toàn một màu trắng, thi thoảng có điểm vài chấm đen, nhìn qua nhưng một cái bánh đa chỉ rắc lưa thưa ít hạt vừng vậy. Tôi đang đi qua “Quảng Bìn quê bọ”. Hồi học đại học, tôi có ở cùng phòng với một chú người Quảng Bình. Chú ta kể nhiều về cái nắng nóng và cả những dải cát trắng. Nhà chú ta ở gần sông Nhật Lệ, chú ta có kể nhiều về con sông này. Hình như khi qua sông, tôi đã ngủ quên nên khi thức giấc, dù cố tìm kiếm nhưng không thấy một cây cầu nào trên đường đi qua đất Quảng Bình. Nhưng những gì chú ta kể so với việc tận mắt nhìn thấy hơi bị khác xa nhau. Cát trắng, xung quanh đường toàn cát trắng. Trên nền cát trắng, những đám cây vẫn mọc, tuy khẳng khiu nhưng vẫn xanh tốt. Cũng trên nền cát trắng đấy, con người vẫn sống, tồn tại và phát triển mấy trăm năm qua. Những con người khắc khổ và phi thường. Tôi không dự định đi Phong Nha – Kẻ Bàng nên không dừng lại mà đi thẳng.
Cô bé xử sở sương mù vẫn tựa đầu vào vai tôi và ngủ ngon. Tôi chợt nhận thấy vai mình tê tê, người mệt mỏi như vừa xúc mấy tấn than. Nhưng vì lịch sự, tôi vẫn để nàng ngủ yên. Chết vì gái nhiều khi không phải là cái gì to tát lắm.
Xe dừng lại ở thị xã Đông Hà – Quảng Trị để ăn sáng. Đông Hà khi đó cảnh vật cũng còn lờ mờ, chưa rõ hẳn. Những kiến thức lịch sử và địa lý của tôi về vùng đất này không nhiều lắm. Đại khái chỉ biết cái tên mà người phụ xe nói, chỉ biết rằng hồi chiến tranh chống Mỹ, chúng ta đã vất vả và tốn rất nhiều xương máu trong trận chiến ở thành cổ Quảng Trị. Hồi đó, nghe bảo những ai được lệnh vào thành cổ Quảng Trị chiến đấu đều tự làm lễ an táng cho mình ở nhà. Biết trước kết quả nhưng vẫn anh dũng lao vào tử địa vì một lý tưởng, mục đích giải phóng đất nước. Tôi không nhớ con số chính xác về thương vong trong các trận đánh ở đây cũng như tổng số những ngôi mộ vô danh ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Nhưng con số đó chắc là một số rất lớn. Miền đất dữ ngày xưa giờ đang ở trong một buổi sớm trong lành và hiền hòa như những bà mẹ Miền Trung.

Ở đây, vấn đề nghe nói tiếng Việt của tôi đã bị suy giảm. Mặc dù tôi đã nói chuyện với khá nhiều bạn Quảng Trị nhưng khi nói, họ cố nói chậm và rành mạch tiếng phổ thông nên tôi có thể nghe được. Tôi nhớ có lần, một người bạn rủ tôi “Đi xem sếch không mi?”, tôi giật thót mình một cái rồi ngó nghiêng đứa bạn rất kĩ vẻ mặt rất hình sự. Chợt nó cười phá lên: “Đi mua sách không mày?”. Trước đó, nó nói tiếng Quảng Trị đặc biệt. Những con người vốn sinh ra ở đây và tồn tại ở đây từ năm này đến năm khác, từ đời này đến đời khác thì lại khác. Tôi cũng sinh ra ở Miền Trung nắng gió nên tạm thời có thể nghe những câu cơ bản, đến những tiếng lóng địa phương hay khi họ nói nhanh thì bó tay toàn tập. Việc nghe tiếng Việt cũng khó khăn tựa như việc cố nghe cô bé xứ sở sương mù nói chuyện vậy. Cô bé đang uống café và nhâm nhi miếng bánh nhỏ. Trước đó, nàng đã có một thủ tục nho nhỏ kiểu cầu nguyện buổi sáng; tôi học theo nàng cầu nguyện cho những lời cầu nguyện của nàng được trở thành hiền thực. Tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn những đồng tiền của tôi được cứu rỗi
 
Last edited:
Chúng tôi lại lên đường.

Khi chiếc xe bắt đầu vào Huế, trời vẫn còn sớm, tôi cảm nhận được sự yên tĩnh và một cái gì rất khác ở Huế. Kinh đô cuối cùng của thời quân chủ ở Việt Nam là điểm dừng tiếp theo của chúng tôi. Tôi được thông báo có khá nhiều thời gian rỗi trước khi tiếp tục lên đường. Ở đây, tôi có vài người bạn trên một diễn đàn chia sẻ mã nguồn, tôi gọi họ và dự định sẽ có một cuộc gặp mặt nho nhỏ. Ý định của tôi bị phá sản nhanh chóng sau khi nghe một cô nào đấy cứ luôn miệng bảo rằng “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang nằm đè lên một thuê bao khác, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Tôi đến phát mệt với cái nhà cô này khi bấm cả mấy số đều nghe cái giọng đều đều của cô ấy. Thôi kệ.
Cô bé sương mù dự định ở lại Huế khoảng 2-3 ngày và đăng kí một tour quanh Huế. Chúng tôi chia tay nhau sau khi cùng nhau đi dạo một lúc trên những con phố vắng vẻ và yên bình. Cô chỉ kịp dúi cho tôi một tờ giấy có ghi e-mail các kiểu vào. Tờ giấy đấy sau này được tôi giặt sạch sẽ khi ném toàn bộ quần áo vào máy giặt mà không kiểm tra. Sau đấy, chúng tôi tất nhiên từ đó không có mối liên hệ nào nữa.

Thả bước trên những con phố thanh bình và cảm nhận mọi thứ thật là tuyệt. Trên từng bước đi của mình, tôi có thể cảm nhận được nhịp sống nơi đây, nhịp sống không ồn ào, vội vã mà chậm chạp, anh lành. Nếu một ngày, bạn đang ở một nơi phồn hoa đô hthị, cuộc sống hối hả và bon chen, tỉnh dậy, chợt thấy mọi thứ diễn ra êm đềm, chầm chậm, chắc bạn sẽ có cảm giác giống tôi lúc này.

Khi đã dạo mỏi chân và cảm thấy đói, tôi dừng lại ở một gánh hàng rong ven đường. Huế có nhiều đặc sản, tôi thử cơm hến. Khá ngon. Tôi bắt chuyện với mấy người cũng đang ăn, đại khái hỏi đường, hỏi Huế có gì,… Khi trả tiền, tôi không thể ngờ rằng ăn uống ở đây lại rẻ đến thế. Trước đó, tôi không tin khi một chị bạn đã từng bảo với tôi rằng “Nếu cậu ở Huế, chỉ với 20k trong túi là cậu đã có thể tồn tại 2 ngày với những thức ăn đặc trưng của đất Cố đô”. Cũng trước đó, tôi tin sái cổ khi nghe rằng con gái Huế vừa xinh vừa duyên. Niềm tin trong hai trường hợp này đáng ra phải đổi chỗ cho nhau mới đúng. Theo một góc nhìn hạn hẹp của mình và những người con gái tôi có dịp nói chuyện thì con gái Huế nói chung là không xinh lắm, bù lại dịu dàng và giọng nói nhẹ nhàng hết sức lôi cuốn .

Tôi có đi dạo một lúc nữa và lần theo những địa chỉ hỏi được và mua một số đặc sản làm quà cho một số người. Tôi lững thững bước trở về lại chỗ cũ. Vẫn chưa đến giờ tiếp tục hành trình. Tôi online một lúc và khoe cái sự phượt của mình với một số bạn đang online, đồng thời không quên để lại vài dòng khen các bạn Huế không hiểu khách trên diễn đàn.

Chiếc xe lại lăn bánh. Tôi ngắm nhìn lần nữa thành phố mà tôi có ý tưởng sẽ sống khi về già.
 
Last edited:
6. Mường Khương và những câu chuyện chưa kể

Tựa:
Do những sự tình cờ, tôi có vài dịp đến với Mường Khương. Sự tò mò, ý thức tìm kiếm, cộng với thời gian và những thuận lợi trong hoạt động, tôi đã không để lỡ một dịp hiếm có được tìm hiểu càng nhiều càng tốt về con người Tây bắc nói chung, vùng Mường Khương nói riêng, một địa danh thường chỉ là một điểm qua đường của khách du lịch. Mường Khương không nổi tiếng về cảnh sắc như Sapa, không có những phiên chợ, chợ ngựa hoành tráng nhất nhì Tây Bắc như Bắc Hà, không có những đêm chợ tình huyền bí như Khâu Vai, không có ngày hội Gầu tào đông như Simacai. Nhưng không vì thế mà Mường Khương không ẩn chứa những bí hiểm của thiên nhiên và chất văn hóa đậm đặc ngàn đời khuất sau những con đường đèo dốc ngoằn nghèo, những vạt rừng xanh sậm âm u và những đỉnh núi quanh năm sương khói.

Những câu chuyện sau đây tôi sẽ cố lục lại cái trí nhớ vốn còm cõi mà phải cất chứa quá nhiều data trong thời buổi công nghệ này, là để tự mình sống lại những thời khắc chưa xa, cũng là để chia sẻ những cảm xúc ấn tượng của cá nhân về những điều còn hoang sơ của mảnh đất này.
Mường Khương (search and copy)

Mường Khương: huyện biên giới vùng cao phía đông bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 55 km về phía đông bắc. Diện tích 552,3 km2. Gồm 16 xã (Mường Khương, Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai, Tung Chung Phố, Nấm Lư, Thanh Bình, Nậm Chảy, Lùng Khấu Nhin, Pha Long, Dìn Chin, Tả Ngải Chồ, Tả Gia Khâu, Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng), huyện lị ở xã Mường Khương (mới thành thị trấn MK năm 2006). Phía đông bắc giáp huyện Mã quan và huyện Hà Khẩu (Trung Quốc), có đường biên giới Việt - Trung dài 86,5 km, trong đó có 55 km đất liền. Phía đông và bắc giáp huyện Si Ma Cai và Bắc Hà. Phía tây và nam giáp huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai. Dân số 43.200 (1999), gồm các dân tộc: Nùng, Mông, Dao, Hán, Pa Dí, Phù Lá. Địa hình núi thấp và đồi xâm thực. Sông Chảy chảy qua. Trồng và khai thác sa mu, pơ mu, trúc, gỗ xây dựng, đặc sản rừng.
Địa hình Mường Khương phức tạp, nhiều vực sâu chia cắt xen kẽ với các dải thung lũng hẹp, độ cao trung bình so với mực nước biển 950m, đỉnh cao nhất là 1609m. Tổng diện tích tự nhiên 55.226,13 ha, đất nông nghiệp chiếm 15,48%, đất lâm nghiệp chiếm 22,04% (đất có khả năng sản xuất lâm nghiệp còn 22.056 ha).
Dân số Mường Khương trên 48.000 người, bao gồm 14 dân tộc anh em (trong đó dân tộc Hmông chiếm tỷ lệ cao nhất 41,78%). Các dân tộc anh em chung sống ở Mường Khương có đặc trưng tộc người phong phú và độc đáo,

P/s: do vừa nghĩ vừa đi làm vừa viết, các câu chuyện của tớ sẽ úp lên dần dần.
-----
Câu chuyện thứ nhất

Cho đến nay, thật kỳ lạ là ấn tượng mạnh nhất Mường Khương đem đến cho tôi, lại bắt nguồn từ một người thuần Kinh, quê chị ở Nam Định. Ấn tượng đó mạnh đến nỗi khi bắt đầu viết về Mường Khương, sự thôi thúc viết về chị lấn át mọi thứ khác, tôi chỉ có thể bắt đầu những chuyện Mường Khương bằng câu chuyện về chị. Cho đến giờ, hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, đen đủi, khắc khổ, dùng chiếc khăn trùm đầu vải hoa TQ giống như những người dân tộc trong vùng lau nước mắt khi kể về câu chuyện cuộc đời chị, vẫn in hằn trong tâm trí tôi như một vết chém của con dao rừng trên vách cột.
 
Tôi hỏi:
- Tại sao chị, một cô gái Nam Định lại lưu lạc lên tận vùng rừng sâu núi thẳm như vậy?

- Ngày đó chị mới tầm 20 tuổi, Mường Khương còn heo hút lắm, mà chị có biết Mường Khương là chỗ nào đâu.

Bên trong căn nhà gỗ thông mới dựng còn chưa làm xong các tấm vách, trong ánh lửa bếp củi bập bùng hắt lên chen với những tia nắng cuối buổi chiều hôm, câu chuyện của chị bắt đầu như thế.

- Những năm 81-82 vừa qua chiến tranh biên giới chưa lâu, bọn chị được đưa lên vùng này. Ngày đó tỉnh Nam Định và Lào Cai kết nghĩa, thanh niên Nam Định được huy đông lên giúp đồng bào miền ngược làm đường. Tập trung ở Lào Cai lúc đó có tới 4-5 nghìn người toàn chị em, lúc xuống xe nhìn núi rừng hoang vắng, bao nhiêu người nhớ nhà bật khóc. Ngay đêm đầu tiên, đã có hàng trăm người trốn đội về Nam. Ôi chao, thế là đêm sau, các lãnh đạo bèn yêu cầu các chị, mỗi người ngoài hành lý cá nhân còn vác theo 20kg gạo, lệnh hành quân đường rừng đến nơi tập kết trong đêm. Cả đội vừa đi, vừa khóc như ri. Mà hành quân đêm để làm gì đâu, để chị em không thể biết đường bỏ trốn.

Câu chuyện của chị thỉnh thoảng lại ngắt quãng khi chị nấc lên nhớ lại những chuyện cực khổ ngày xưa, những ký ức dường như đã bị chị nén lại, chôn vùi sâu thẳm tại một cõi nào đó trong tâm hồn, nay gặp được một người “miền xuôi” đồng cảm, được dịp tuôn trào thành những dòng nước mắt.

- Ngày đó cực quá. Toàn nữ thanh niên thôi mà phải tự tay chặt cây làm trại, tự tổ chức nấu nướng sinh hoạt. Chị làm tổ trưởng một đội hơn 400 chị em, ngày ngày ra trèo leo, phá núi chặt cây làm đường, mà làm gì có xe cộ, có mìn phá đá, làm toàn bằng cuốc xẻng xà beng với sức người thôi. Em thấy không, những con đường như từ Mường Khương lên Lùng Khấu Nhin, lên tiếp Cao Sơn hay về Sải Giàng Chải đều được làm từ những ngày xa xưa ấy. Chứ trước kia, nó chỉ là những con đường mòn của người dân tộc đi rừng thôi.
Những con đường mà chị vừa kể trên, cho đến lần tôi quay lại gần đây nhất (tháng 10/2005) đã bắt đầu được thi công rải nhựa. Trước đó, trừ con đường từ Lao Cai lên Mường Khương, đường lên cửa khẩu Tén Tằn và sang Pha Long là trải nhựa, còn lại chỉ là những con đường dốc đứng ngoằn ngoèu trải đá cấp phối to như nắm tay. Việc đi xe máy đòi hỏi một kỹ năng lái xe thành thục, những ngày mưa, nếu không có sạt đường lở núi, thì việc đi lại trong khu vực cũng là một thử thách. Vậy mà ngày xưa, nó được xẻ núi, vạt rừng, thi công bằng sức của những cô gái đồng bằng nhỏ bé như chị.

- Sau khoảng gần 2 năm, công việc hoàn thành, được về thì chị ngã bệnh. Có lẽ do lao động vất vả quá. Được đi chữa bệnh, nhưng hàng tháng không khỏi, mà chị nằm ở trạm xá dưới Bắc Hà, không liên lạc được với gia đình. Cô đơn, bệnh tật có những lúc tưởng chết đến nơi rồi. May quá, hồi làm đường ở đây, chị quen anh nhà chị bây giờ, anh ấy là người Nùng. Anh đã xuống tận nơi chăm sóc chị, biết chị bệnh nặng, anh ấy lên rừng tìm cây thuốc rồi xin đưa chị về nhà chữa bệnh. Cảm cái ơn cứu mạng, chị xin bố mẹ ở lại đây làm bạn với anh cho đến bây giờ. Nay đã hơn 18 năm rồi. Ban đầu họ hành dân cư ở đây chưa chịu chị đâu, cũng khó khăn ghê lắm. Nhưng bây giờ chị thành người của thôn bản rồi, chị nói được cả tiếng Mông, Nùng, Dao rồi nhé.
Ngoài sân, bóng tối của núi rừng đã sập xuống. Trong căn nhà nhỏ bé ấm cúng, anh chị vẫn rất cởi mở nồng nhiệt nói chuyện với tôi, một người “miền xuôi” hoàn toàn xa lạ, thân thiện như đối với một người ruột thịt. Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc trong đôi mắt họ khi họ kể về công việc nương rẫy, về đứa con gái học cấp 3 dưới trường Huyện, về kế hoạch xây dựng nhà ngang, về việc bán hàng ngày phiên chợ, về việc cuối năm về Nam ăn Tết. Rồi nhiều lần gặp anh chị sau đó, tôi đều được nhận những nụ cười hồn hậu, những lời mời chào gần gũi chân thành dù cuộc sống mưu sinh của họ còn vô cùng gian khó nhọc nhằn.

Buổi sáng trong trẻo, sau khi đi bộ ngang dọc khắp thôn Sín Lùng Chài, tôi lượn ra ngoài ngồi vật bên bờ suối, dưới bụi mai khổng lồ hóng gió. Một người phụ nữ mảnh dẻ, ăn mặc theo lối vùng cao, lưng cõng một bó cây/ cỏ to tướng đang đi ngang qua bất chợt quay lại mỉm cười, nói bằng tiếng Kinh trôi chảy - điều làm tôi giật mình – “Chào em, đi chơi ngắm cảnh à, nếu mệt chốc vào nhà chị uống nước, nhà chị ở bên kia con dốc kìa, em đến nhé”. Sự gặp gỡ tình cờ này đem lại cho tôi bao nhiều thông tin về con người, về phong tục, về lịch sử của địa phương. Nhưng hơn hết thảy, nụ cười và ánh mắt thân thiện toát ra từ con người nhỏ bé đầy nghị lực đó cho tôi thêm tình yêu và gắn bó với vùng đất mang cái tên huyền bí: Mường Khương.


Ảnh cũ của chị Thảo ngày đi TNXP:

Và gia đình êm ấm:


P/s: câu chuyện về chị Thảo, người Kinh duy nhất của xã Lùng Khấu Nhin có hộ khẩu ở đây, còn nhiều chi tiết lắm, vì tôi gặp chị và gia đình nhiều lần, những gì tôi kể lại, là những ấn tượng đẹp về chị. Rồi còn dành đất kể về những điều đặc biệt khác của Mk nữa chứ
 
7. Phượt thời sinh viên

Hồi sinh viên, bọn tớ chơi với nhau, 4 thằng và 5 con. Một ngày đẹp giời gần cuối năm học, sau bữa chè Kim Liên, chúng tớ quyết định bùng học 3 ngày để đi Hạ Long và Cát Bà. Ngày hôm sau rụng mất một chú nhưng vì thế mà càng gọn . Giờ hồi tưởng lại, tớ thấy cực kì nhớ ngày ấy, vì nó vui và trong sáng dã man. Do nghèo nên bủn xỉn tiền bạc vô cùng, tiêu 170 nghìn thì 140 nghìn tiền tàu xem, 30 nghìn tiền ăn cho 3 ngày.
Còn đây là qua lăng kính đen tối của ngày hôm nay.

Cái thuở sinh viên rõ ngây thơ
Năm nàng ba gã cứ ỡm ờ
Lục căn hơi thanh tịnh
Bụng dạ cũng lập lờ
Bữa trước hí hửng ngồi bàn bạc
Hôm sau quyết chí ra bến bờ

Bắt xe rồi lại đến nhảy tàu
Bến Bính rác cứ trắng phau phau
Cái sóng mày làm tao say khướt
Tao tè xuống cho mày bạc đầu

Loanh quanh dậm dò quán chợ
Lạc vừng gạo muối mau mau
Tối nay ta làm việc

Đến đêm khua đũa đụng nồi
Chỗ giã chỗ bóp một hồi chưa xong
Gã thì đỏ mặt chổng mông
Chày kia ập xuống như không thế này
Nàng thời dày mặt sưng mày
“Ối giời làm thế có ngày vỡ toang
“Đập thì cứ phải dịu dàng
“Khẽ khàng phát một rồi sàng rồi vun
“Như thế hột lạc mới giòn
“Như thế lọ muối mới ngon ông à

Bên cạnh là tiếng hít hà
“Cẩn thận nhớ bóp nhớ chà nghe không
“Đừng làm bên bẹp bên phồng
“Đừng cho ngoài nhão mà trong cứng hoài
“Cái này trắng lắm ông ơi
“Tay mà nhem nhuốc xin mời xê ra
Mấy đôi nhào nặn sơn hà
Nửa đêm cơm nắm bầy la liệt rồi

Bình minh chuệnh choạng
Lơ lửng sau rèm
Tay chân mắt mũi kèm nhèm
Đi tìm chỗ…
Bồng bềnh sóng sánh chiếc thuyền lan
Mơ mộng đảo xa giữa biển vàng
Chênh vênh gọi gió xuyên lớp lớp
Nghiêng ngả nhìn nhau thấy bàng hoàng

Bàng hoàng vì một nhẽ
Cơm nắm kia nửa mẻ đã thiu
Bụng dạ đìu hiu
Mặt mày ngơ ngác
Ông nhà thuyền thẽ thọt:
“Thuyền chú hải sản rất nhiều
“Tôm cua cá ốc ghẹ bạch tuộc bề bề cù kì ngao ngán lúc nào cũng chiều
“Các cháu muốn ăn bao nhiêu
“Cũng có !!!

- Dạ thưa thế thì tốt quá
Chú ơi cho chúng cháu đĩa rau xanh
Muối vừng ăn khô quá

“Thế thì quên đi cháu nhé
“Rau chú ăn còn chưa đủ nữa là
“Lát nữa đến bờ
“Rau mọc hoang trên đảo tha hồ mà hái
 
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,461
Bài viết
1,153,016
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top