What's new

Đi săn trên dãy Uran mùa đông tuyết phủ

Kính các bác, nhân em đang viết một cái ngắn ngắn độ vài trăm trang có nhân vật nữ tên là Lam nhân vật nam tên là Lữ, nhân tìm thấy ít tư liệu em viết từ hồi còn trẻ, nhân được sự cho phép của bác vntuyen, em bốt lên đây để các bác ngự lãm.

Đi săn trên dãy Uran mùa đông tuyết phủ

Kagarmanov (gã này là người dân tộc - kiểu như trùm khủng bố Balaev ở Chesnia, tên gã dịch ra có nghĩa là anh hùng) gọi điện cho tôi báo: “Tất cả hàng đã sẵn sàng, bay xuống ngay kiểm tra để chuyển nốt tiền”. Tôi hỏi đi hỏi lại: “Tất cả hàng đã sẵn sàng thật chưa?”. Kagarmanov bảo: “Mày xuống sẽ thấy”. Tôi điện về nhà xin ý kiến. Văn phòng Hà nội chỉ đạo: “Nên đi kiểm tra hàng ngay”. Tôi bốc mấy cơ số đạn (vì vụ này không có biểu hiện gì nguy hiểm đe doạ phải mang nhiều đạn) bỏ bộ quần áo lót và cái bàn chải đánh răng vào cặp, ra Sân bay Seremechievo I. (Súng thì lúc nào anh em mình chả mang theo, giấu ở chỗ kín, lúc qua cửa để lên máy bay bọn an ninh soi rất ghê nhưng không không sao). Mấy tiếng sau tôi đã ở Ekaterinburg.

Chênh 2 múi giờ so với Moscow, Ekaterinburg đã tối. Ở đây lạnh hơn nhiều so với Moscow - Ekaterinburg nằm bên này dãy núi Uran, bên kia đã vùng Sibiari hoang vắng huyền thoại.

Kagarmanov đeo kính đen đứng đón ở Sân bay Konkovo, vẫn ngà ngà say như mọi khi, tay cầm cái túi xách da nhỏ trông như ví đầm, tay cầm chai bia (tín hiệu là mọi sự vẫn bình thường?). Tôi hỏi lại lần nữa: “Tất cả hàng đã sẵn sàng thật chưa?”.

Kagarmanov bảo: “ Chúng nó vừa báo lại với tao là chỉ còn hai cái động cơ và máy phát là đang còn thử ở trong xưởng, đến ngày kia mới xong”.

Tôi im lặng, chán chả buồn nói nữa. Kagarmanov bảo: “Mày về Khách sạn nghỉ ngơi, mai tao đưa mày đi săn, ngày kia kiểm tra hàng”. (Thì ra là vậy, có khi thằng này ham đi săn lừa tôi xuống sớm để có cớ đi chơi, hoặc bọn nó có âm mưu gì đó liên quan đến chuyện hàng họ). Tôi bảo “Săn gì?”. Kagarmanov bảo: “Săn gấu, săn chó sói, săn cáo…Tao có giấy phép săn tất, mày biết bắn súng chứ?” (Kagarmanov có thể được xếp vào loại người Nga mới, có rất nhiều trò khệnh khạng kiểu như đi xe Jeep Grand, World Cup nào cũng bỏ tiền bay sang xem tận nơi, sắm riêng xe trượt tuyết chạy mùa đông, canô chạy mùa hè…Bọn nó xem nhiều phim Mỹ và hiểu biết lơ mơ về chiến tranh Việt nam, cứ ngỡ ở Việt nam ai cũng tập và biết bắn súng từ bé. Thôi “thế thời thế thời thời phải thế”, đi một nhát xem sao…Nhỡ đâu kiếm được con gấu, làm bốn cái chân và túi mật gửi về Việt Nam cho bố mẹ ngâm rượu. Bây giờ nghĩ lại thì thấy con người quả là dã man chứ lúc được rủ đi săn hăm hở lắm, chúng nó đánh thức bản năng gốc của mình mà.)

Tôi về Khách sạn Madrit, nhận phòng, dặn cô trực tầng đánh thức lúc 5 giờ sáng, đọc mấy tờ báo lấy trên máy bay và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Ekaterinburg được coi là thành phố lớn và giàu thứ ba ở Nga sau Moscow và Saint – Peterburg, thủ phủ của tỉnh mang tên Svedlov (cụ này kiểu như cụ Tôn Đức Thắng nhà mình), ngày xưa Yelsin là Bí thư tỉnh uỷ ở đây sau đó mới nên người – trở thành Tổng thống Nga. Ekaterinburg có cột mốc đánh dấu ranh giới phần châu Âu và phần châu Á của nước Nga. Hồi nội chiến ở Tây ban nha, con cháu của các lãnh đạo phe chống phát xít được đưa sang sơ tán ở chính Khách sạn tôi ở, vì vậy nó được đặt tên là Madrit. Các cô trực tầng ở các khách sạn Nga không hiểu sao toàn là sấu già, chắc là để tránh tình trạng “mỡ để miệng mèo” hay tránh tình trạng chị em tự kinh doanh ngoài luồng.

Tôi choàng tỉnh lúc gần 5 giờ, khi cô trực tầng gõ cửa tôi đã quần áo chỉnh tề, gọi một cốc nước chè nóng. Tôi xuống sảnh, Kagarmanov đã chờ sẵn, vẫn ngà ngà say như mọi khi, tay vẫn cầm cái túi xách da nhỏ trông như ví đầm (các bạn Nga hay cầm cái túi kiểu này để đựng bằng lái, giấy tờ xe), lần này không có chai bia. Sáng sớm, Kagarmanov súc miệng bằng rượu vodka. Kagarmanov bảo “Bây giờ đi ra Nhà nghỉ ngoại ô của tao lấy xe trượt tuyết đi đến khu săn bắn”. Kagarmanov khoe rất nhiều về chiếc xe trượt tuyết Yamaha này, rằng: “Tốc độ tối đa của nó có thể lên đến 300 km/giờ, năm ngoái một lần tao đã thử chạy đến lúc kim đồng hồ chỉ 250 km/giờ”. Im lặng một lúc, Kagarmanov nói thêm: “Thú thật với mày là sau đó tao đâm vào gốc cây, may mà chỉ bị gẫy tay và mấy cái răng, xe tao mới sửa lại xong”.

Đến đoạn này tôi tự hỏi mình, lại băn khoăn suy nghĩ về chuyện tại sao Kagarmanov lại đưa tôi đi săn (Trường hợp xấu nhất là nó sẽ lừa tôi làm vật thí nghiệm lên đi thử cái xe trượt tuyết Yamaha nó mới sửa, tôi đã chuẩn bị lời tuyên bố xanh rờn học được của bác Chí là: “Phen này thì ông liều chết với bố con nhà chúng mày”). Tôi cố nhìn ra cửa sổ để tránh những ý nghĩ u ám như những đám mây đen cứ cuồn cuộn đến trong đầu (Tôi nghĩ về chuyện chất lượng hàng hoá - tôi đã có kinh nghiệm là khi đi kiểm tra hàng, được đối tác nồng nhiệt đưa đi ăn hay đi tắm hơi y như rằng là có chuyện, lần này đối tác lại đưa hẳn mình đi săn, chuyện chắc to lắm đây…) Bên ngoài là cảnh vật Nga chìm trong một màu tuyết trắng. Đường xá chẳng thấy đâu, có bác nào đó đã phát biểu câu là “Nước Nga có hai thảm hoạ: một là đường xá, hai là bọn ngu xuẩn”. Chắc không phải ngẫu nhiên mà những “người Nga mới” ở vùng này toàn đi xe kiểu xe Jeep – thà bỏ tiền ra mua xe đắt tiền còn hơn là bỏ tiền sửa đường.

Đi khoảng hơn một tiếng gì đó thì đến Nhà nghỉ ngoại ô của Kagarmanov. Đó là một ngôi nhà hai tầng xây kiểu biệt thự to vật, tầng 1 có quầy bar, phòng đánh bi a, phòng tắm hơi có bể sục.

Kagarmanov thuê một gã nhìn có vẻ rất hình sự trông Nhà nghỉ. Kagarmanov giới thiệu gã này tên là Valeri và có họ là Puskin, cùng họ với Nhà thơ Nga vĩ đại. Kagarmanov quảng cáo thêm là Valeri Puskin này hồi trẻ ghen tuông thế nào đó đã cầm dao tiễn vợ đi ngủ với giun, phải vào nằm kho mất hơn chục năm. Bây giờ Kagarmanov đang lo kiếm cho Puskin một cô vợ mới để cùng trông Nhà nghỉ. Valeri lầm lỳ như cái tầu điện, dùng bàn tay to như cái quạt nan hì hụi pha cà phê, cắt bánh mỳ và giò cho tôi và Kagarmanov ăn sáng. Ăn xong đã thấy Valeri kéo xe trượt tuyết ra ngoài sân khởi động sẵn cho nóng máy, Kagarmanov ngồi lên trước, đưa cho tôi cái mũ bảo hiểm và bảo ngồi đằng sau rồi rú ga phóng vun vút về phía dãy núi sau nhà.

Tôi đã mặc rất ấm, đã khoác cả cái áo dạ dày cộm và dài lê thê rồi mà vẫn thấy lạnh thấu các cơ quan đoàn thể và tổ chức xã hội. Nghe gió rít ào ào bên tai, đất trời chao đảo trong mắt không hiểu tại sao lúc này tôi bỗng nhớ đến bài tập đọc hồi lớp ba lớp bốn gì đấy nhan đề là “Anh Hoàng Văn Thụ đi ra pháp trường”: “Năm giờ sáng, cánh cửa xà lim bật mở. Thế là anh Thụ phải đi rồi…”. Tôi gào lên bảo Kagarmanov: “Mày đừng chạy đến lúc kim đồng hồ chỉ 250 km/giờ nhé”. Kagarmanov gào lên đáp lại: “Mày yên tâm đi, tao chỉ chạy 200 km/giờ thôi”. Kể ra nếu không nghĩ đến anh Thụ và không sợ chết thì ngồi xe trượt tuyết này cũng hơi sướng, tôi mà đi quen kiểu tốc độ này về nhà đua xe thì các chú tổ lái nhà mình phải gọi bằng cụ.
 
Đoạn này phải tả cảnh rừng núi hoang vu của dãy Uran mùa đông tuyết phủ cái mà xe chạy nhanh quá, tôi chẳng kịp nhìn gì.

Cuối cùng cũng đến được Khu săn bắn đúng như Bác Hồ bảo:”Hết mưa là nắng hửng lên thôi, hết khổ là vui đến lẽ đời”. Lúc này tôi đã không nghĩ đến bài tập đọc và anh Hoàng Văn Thụ nữa mà nghĩ: “Nhỡ không bắn được gấu thì bắn được con chó sói, con cáo gì đấy cũng vui”

Gã trông Khu săn bắn tên là Sanin, bạn cánh hẩu của Kagarmanov – tình bạn thắm thiết thuỷ chung đời đời bền vững này càng thể hiện rõ khi Kagarmanov bày mấy chai rượu vodka ra bảo: “Uống cái đã, khát quá”. Sanin rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Kagarmanov nâng cốc chúc cho cuộc đi săn thắng lợi. Kagarmanov rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Sanin nâng cốc chúc cho tình hữu nghị giữa các dân tộc. Sanin rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Kagarmanov nâng cốc chúc…

Kagarmanov rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Sanin nâng cốc chúc…(Xin lỗi, chỉ nhớ lại cảnh ấy thôi, tôi đã thấy say say và bắt đầu viết không được mạch lạc lắm).

Kagarmanov kể chuyện năm ngoái có một cậu người Italia cũng sang đi săn và uống rượu thế này. Cậu người Italia kia say gần chết. Hôm sau Kagarmanov rủ cậu ấy uống nữa gọi là “lấy độc trị độc” - cho giã bữa rượu kia. Cả bọn lại uống đến mức cậu người Italia kia thều thào bảo: “Thôi, tốt nhất là tao chết luôn từ ngày hôm qua”.

Tôi bỗng nhớ đến mục đích chính: kiếm gấu hay ít ra kiếm chó sói hoặc cáo. Kagarmanov lưỡi đã hơi líu lại bảo: “Mày mang súng ra ngồi ngoài cửa đi, con nào chạy qua thì mày bắn. Súng của tao bắn đạn ghém, chỉ bắn gần trúng cũng coi như trúng”. Sanin bảo: “Thật ra thì mùa này có ít con chạy qua đây lắm, muốn có thú chạy qua phải xua chó đi đuổi”.

Kagarmanov kể chuyện năm ngoái có một cậu người Nhật cũng sang đi săn và uống rượu thế này. Cậu người Nhật không uống rượu, Kagarmanov bảo cậu ta mang chó đi săn. Cậu người Nhật dắt chó đi khoảng một tiếng sau quay trở về, vẻ mặt đầy phấn khích hỏi: “Thế chúng mày còn con chó nào nữa không?” Kagarmanov hỏi: “Thế con chó kia đâu rồi?”. Cậu người Nhật bảo: “Tao thả ra cho nó chạy rồi bắn. Gớm nó chạy nhanh thế, bắn mấy phát mới trúng”.

Kagarmanov bảo anh: “Thế là hết chó, năm nay mày không có chó mà đi săn nữa”.

Đến đoạn này đúng ra bắt đầu phải tả khẩu súng săn nó như thế nào, nó to thế nào, nó dài thế nào, nó có mấy nòng, đút đạn vào đâu, bóp cò thì nó có nổ không, nếu nổ thì nổ có to không và trúng vào ai…Đúng ra nữa là bắt đầu phải tả trên mặt tuyết trắng dấu chân các con thú để lại thế nào, dấu chân to là chân con gì, dấu chân nhỏ là chân con gì, tôi phát hiện và đi theo các dấu chân ấy như thế nào, các dấu chân ấy dẫn đến đâu…Nhưng tôi đã bắt đầu nhìn mọi thứ qua một màn sương rồi.

Sanin lại rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Kagarmanov nâng cốc chúc cho cuộc đi săn thắng lợi. Kagarmanov lại rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Sanin nâng cốc chúc cho tình hữu nghị giữa các dân tộc. Sanin rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Kagarmanov nâng cốc chúc… Kagarmanov rót rượu ra 3 cốc thuỷ tinh 200 ml, Sanin nâng cốc chúc…Xin lỗi, nhớ lại cảnh ấy một lúc, tôi đã lại thấy say lắm rồi và viết chắc chắn là lộn xộn lắm.

Khi “cuộc săn” kết thúc (nghĩa là khi hoàn toàn hết rượu) đã chiều muộn. Kagarmanov uống cả bình nước dưa chuột muối đầy rồi lại ngồi lên trước, đưa cho tôi cái mũ bảo hiểm và bảo ngồi đằng sau rồi rú ga phóng vun vút về phía dãy núi trước mặt. Tôi chẳng còn biết gì mấy nên cũng chẳng biết sợ là gì. Tôi chỉ nhớ máng máng là lúc đến được Nhà nghỉ ngoại ô của Kagarmanov, gã lái xe cho Kagarmanov khênh tôi ra xe ô tô như chiến lợi phẩm của cuộc săn. Tôi lại ngủ thiếp đi khi xe quay về thành phố Ekaterinbua và không nhớ mình đã lần lên phòng ở Khách sạn Madrit bằng cách nào…

Hôm sau, đi kiểm tra hàng, y như rằng là hai cái động cơ và máy phát là hàng cũ mông má lại. Đối tác đã đóng sẵn vào thùng gỗ to uỵch, đóng cả mác mới và bọc giấy dầu cẩn thận rồi nhưng giở ra tôi thấy mấy cái vỏ máy sơn lại không thể cãi vào đâu. Phải công nhận là cả ngày hôm trước uống rượu hầu như không ăn gì, sáng hôm sau chỉ uống cốc nước chè mà mắt tôi vẫn không hoa, chỉ mỗi tội trông không được hoạt bát lắm. Kagarmanov lúng búng bảo: “Mấy hôm nữa tao sẽ đổi động cơ và máy phát khác xịn hơn cho bọn mày vậy…Lần sau mày xuống, không đi săn nữa mà đi tắm hơi đúng kiểu Nga cho đỡ mệt”.

Tôi đã hiểu chuyện đi săn hoá ra chỉ để lấy tinh thần là chính. Điều tôi hơi ngại là không biết Kagarmanov có nhớ gì để sau lại kể chuyện: “Có một cậu người Việt nam cũng sang đi săn và uống rượu thế này…”
 
Đi Siberia

Lần này tôi đi Siberia (không phải đi đày, không phải tự nguyện mà theo sự phân công của tổ chức), cụ thể là đi Cheliabinsk (xin chớ nhầm với Checnobưn nơi có sự cố Nhà máy điện nguyên tử)

Cheliabinsk là thành phố công nghiệp ở nam Siberia cách Moscow khoảng ba ngàn con dao quăng, tức là cách khoảng gần ba giờ bay (tôi nghiệm ra giá vé máy bay ở Nga, cứ mỗi giờ bay khoảng 60 USD). Thấy bảo ở Cheliabinsk có nhà máy luyện kẽm lớn nhất thế giới.

Tôi đi xe điện bánh hơi ra ga tàu rồi lên tàu hoả cao tốc ra Sân bay. Lên tàu, ngồi đọc báo, mắt đọc mắt xem video có phim gì mà có anh Văn Đam tay không đánh thắng cả hai chục tên địch cầm súng không bị trói vào gốc cây (thế mới tài chứ hai chục tên địch cầm súng bị trói vào gốc cây thì tôi cũng đánh được), loắng cái đã đến Sân bay.

Phòng chờ ở Sân bay Domododevo lịch sự sạch sẽ như ở bên tây. Tôi lại nhớ câu ca dao “tay cầm bầu rượu nắm nem, bõ công bác mẹ sinh thành ra em”. Tôi ngồi tranh thủ ngắm các cô đi qua, các bà đi lại, đỡ phải mua dầu gan cá bổ mắt. Các em gái Nga càng ngày càng phản bội cuộc đấu tranh vì nữ quyền - toàn mặc áo khoét sâu khoe ngực, gợi cảm không bàn phím nào tả xiết. Ngẫm đến các em gái Việt Nam đa phần rất chung thuỷ (nghĩa là trước sau như một), nhìn các em gái Nga ngực tấn công, mông phòng thủ; xôi ra xôi, oản ra oản - bụng bảo dạ là “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Tôi đi Cheliabinsk, cũng có ý thức là để xem có gì nổi bật để kể với mọi người. Thành phố trẻ, có lịch sử khoảng 200 năm nhưng chỉ bắt đầu phát triển từ những năm 30 của thế kỷ trước. Lang thang ở Cheliabinsk, thi thoảng gặp nhưng ngôi nhà gỗ cổ, hoa văn các kiểu bằng gỗ…nhưng không được xếp hạng di tích. Ở Cheliabinsk cũng chẳng có gì để mua về làm quà, đặc sản chỉ có mấy cái máy ủi DZ 171, DZ 98 (nhãn hiệu này trước đây ở Việt nam rất được ưa chuộng) mỗi tội hơi nặng, kể ra nếu mỗi cái chỉ nặng 5-7 tấn thì cũng cố xách tay lên máy bay mang về. Nghĩ, lại thấy tự hào về đất nước ta, nhân dân ta - vùng nào cũng có đặc sản: bánh đậu xanh Hải dương, bánh gai Nam định, bánh cáy Thái Bình, bánh dày Quán Gánh…

Ngày tôi đi Cheliabinsk cũng là ngày kỷ niệm trận đọ tăng tại Vòng cung Kurs, bây giờ so sánh lại thấy hồi ấy tăng T34 của Nga chỉ được cái chạy nhanh (vì chiến lược quân sự của Nga lấy tấn công - xâm lược là chính), xe tăng của Đức nặng nề nhưng hoả lực công hiệu: cách xa 2km đã có thể bắn tiêu diệt xe tăng Nga (hoả lực xe tăng Nga vào gần 500m mới phát huy tác dụng).

Ở Cheliabinsk tôi được dịp kể lể với các bạn Nga về việc ngày xưa người Nga phóng một lúc cả dàn Cachiusa 12 quả, đặc công Việt Nam đánh Mỹ kiểu con nhà nghèo, gùi từng quả đạn Cachiusa vào ven Sài Gòn rồi dựng que lên làm dàn phóng quả một quả một…

Đi dạo ở trung tâm Cheliabinsk – trên Đại lộ Lê Nin (Hầu hết ở các thành phố Nga đều có đường phố mang tên Lê Nin - cũng như hầu hết ở các thành phố Việt nam đều có đường phố mang tên Lê Nợi) cũng chẳng có gì đặc biệt. Cả thành phố 1,2 triệu dân mà có độc hai cái khách sạn nội thất thì kém cả các khách sạn mini ở Việt Nam.

Ngày trước khi về Moscow tôi được xuống một cái nhà máy ở cách Cheliabinsk hơn 100 km. Đúng là ở Siberia, 100 km chỉ như từ Bờ Hồ đến Trang Tien Plaza. Ghenia – gã lái xe của Nhà máy sáng phi hơn 100 km xuống đón tôi, hai tiếng sau lại phi hơn 100 km đưa về, ngày làm vài vòng như thế mà cứ vui như Tết, đi đường thấy đàn vịt chạy qua vẫn đùa: “Thịt tươi đang chạy kìa”. Ghenia đầu hói, để ria mép điển hình cho các anh mugic Nga, tay vặn vô lăng xe ngọt ngào như ăn kẹo, miệng rổn rảng kể chuyện Nhà máy nằm giữa vùng có tới 280 cái hồ. Tôi nắm được tình hình như thế, khi gặp lãnh đạo Nhà máy bị hỏi “Ấn tượng thế nào?” bèn đưa đẩy lấy lòng kiểu “Nếu như Thuỵ sỹ được gọi là đất nước của núi và hồ” thì vùng này của các ông có thể được gọi là vùng của hồ và có lẽ hiếm ở đâu có được cảnh quan kỳ diệu thế này”. Quả thật, vị trí của Nhà máy này để xây khu điều dưỡng, nghỉ mát thì tốt hơn, có phân xưởng nằm giữa cù lao, hai bên là hồ và rừng. Rừng taiga chẳng qua là rừng rậm ôn đới, cây cối rậm rì như ở Rừng cấm Cúc Phương nhà mình …Xe đi qua những trảng cỏ mênh mông đầy hoa đồng nội, có những vạt hoa rậm rì hồng rực màu hoa mười giờ…Không khí của vùng hồ trong trẻo và dịu dàng, mềm mại… Ghenia kể chuyện mùa hè đi câu, đốt đống lửa bên hồ nấu cháo cá, cho nhiều thìa là vừa ăn vừa thổi và uống vodka…Có thể mang theo phong cầm hay đàn ghitar, ăn cháo cá xong, tự nhiên sẽ thấy muốn hát…
 
Thư gửi em bé Hà Nội

Máy bay Tu - 154, 28/11/2003
Em bé Hà nội xa nhớ!

Em có khoẻ không, anh thì từ hồi được xếp vào đội ngũ cán bộ kế cận, công việc nhiều, mệt nhưng mà vui. Vừa rồi anh được tin tưởng, được giao cho công tác ở Siberia, nội dung nhiệm vụ cực kỳ bí mật, lúc nào gặp anh sẽ nói thầm vào tai em, bây giờ anh chỉ kể cho em nghe về chuyến đi Siberia mùa đông.

Lần này anh đi Novokuznest, một thành phố ở Đông Siberia, cách Moscow khoảng hơn 4 giờ máy bay. Lại nhớ đời anh, có tháng, số giờ ngồi trên máy bay còn nhiều hơn số giờ bay của phi công.

Lên máy bay là anh giở ngay máy tính ra viết thư cho em. Dạo này anh của em lẩn thẩn rồi hay sao, đi đâu cũng viết lách kể lể.

Trời sương mù dày đặc, y như ở Anh Quốc. Có so sánh này vì anh mang quyển “England, England” của Julian Barnes để đọc trên đường.

Có thể là hàng ngày em nhận được hàng triệu triệu bức thư, sợ em lẫn nên anh nói tóm tắt cho nhanh để em hiểu mấy ngày vừa rồi anh đi đâu làm gì, gồm ba điểm chính:

Thứ nhất, vừa rồi anh đi Novokuznest, một thành phố đã gần 400 năm tuổi thuộc tỉnh Kemerovo - đây chính là vùng than Kuzbass nổi tiếng. Siberia có khác các nơi khác ở cái là lạnh, lúc anh đi ở Moscow đang là 4 độ C dương thì ở Novokuznest đang là 14 độ âm và cái lạnh lục địa cắt da cắt thịt, không có những bông tuyết rơi lửng lơ nhưng những hạt tinh thể nước nhỏ như cát bay mù trời.

Anh bay từ Moscow là 10 giờ đêm nhưng vì chênh lệch múi giờ nên đến nơi đã là 6 giờ sáng. Misa - cậu bạn Nga đưa anh về khách sạn, nhận phòng xong là anh ngủ tiếp đến tận trưa rồi mới dậy đi làm việc mà suốt cả ngày vẫn bâng khuâng. Hai ngày bận túi bụi, đến trước ngày anh về Misa mới bảo đưa đi chơi thành phố nhưng thấy cũng chẳng có gì đáng xem, Misa bảo thế thì đưa đi xem Nhà máy luyện kim Novokuznest – nơi sản xuất ra khoảng 10 triệu tấn thép/năm và là nơi chủ yếu sản xuất ra thép đường ray của Nga.

Ấn tượng đầu tiên là sự mênh mông của Nhà máy, đi bằng ô tô từ cổng vào đến Xưởng luyện thép lò điện cũng mất 15 phút, bên đường là cả dãy sắt vụn chất cao như núi để chờ đưa vào lò luyện. Sắt vụn được chở đến đây bắng những đoàn tàu hoả, sau đó được đưa vào máy cắt theo kích thước nhất định sau đó được bốc lên tàu đưa vào xưởng, chất lên các cối. Mỗi cối này chứa được khoảng 35 tấn sắt vụn, được đổ lần lượt khoảng 30 phút một cối vào lò điện. Lò này công suất 80 000 kW/giờ, đun chảy được 100 tấn sắt vụn hoàn toàn bắng tia lửa điện qua ba cực than một người ôm không xuể. Cả xưởng luyện thép lò điện có hai cái lò như thế, mỗi giờ nấu được 150 tấn thép. Cối thép nấu đến độ “chín” được cẩu lên, đưa sang đổ vào các khuôn – trên đường đi đổ nếu cối thép nguội sẽ có lò điện bổ sung cắm cực than vào hâm nóng lên đến nhiệt độ cần thiết, các khuôn thép cũng được nung nóng bằng điện, đỏ rực.

Lần đầu tiên trong đời anh được nhìn dòng suối thép lừ lừ chảy, nhìn những tia hoa cà hoa cải bắn lên từ lò thép…Khu xưởng luyện thép lò điện rộng mênh mông, đứng từ trên hệ thống thang ở trên nhìn xuống thấy cối thép 35 tấn chỉ như cái cối giã cua. Cảm giác của anh là choáng ngợp, là thấy con người nhỏ nhoi như đứng trước biển, một biển sắt thép khổng lồ dào dạt. Cảm giác của anh là thán phục sự vĩ đại của con người. Misa thoăn thoắt dẫn anh đi, hào hứng gào to át tiếng ồn trong xưởng để kể về từng công đoạn sản xuất của Xưởng. Misa rất say sưa giới thiệu vì cậu ta nguyên là thợ điện trong xưởng này, đã tự tay lắp đặt lò điện ở đây, sau 15 năm làm việc đã xin nghỉ, ra ngoài lập công ty riêng chuyên bảo dưỡng hệ thống điện cho xưởng và được xếp vào loại người Nga mới thành đạt.

Anh nhẩm tính: 10 triệu tấn thép/năm, mỗi tấn bét nhất cũng bán được 200 USD, một năm doanh thu của Nhà máy vào khoảng hai tỷ USD…Kể ra mình tiết kiệm học bổng mua cái nhà máy thế này, doanh thu hai tỷ, cứ cho chi phí mất độ một tỷ, mỗi năm được một tỷ USD bỏ túi, khỏi phải nghĩ, khỏi phải đi học nữa, em nhỉ.

Thứ hai, lang thang ở Ural, Siberia, đến lần này anh mới ngộ ra được về bếp ăn Nga vùng này, đó là các món thường đều được đưa vào lò nướng, kể cả món xúp. Xúp được đổ vào một cái hũ con, phủ lên một miếng bột đã nhào và đưa vào lò, đến khi miếng bột phủ miệng hũ chín thành bánh mỳ thì nhấc ra. Các món thứ hai đặc trưng ở đây thường là khoai tây cắt lát, thịt hoặc lưỡi lợn phủ xốt maionez trộn với tỏi và cũng cho vào lò…Anh nghĩ đến các truyện cổ tích Nga thường có chú Ivan nằm dài trên cái lò sưởi to tướng ở giữa nhà, ở vùng Siberia này đa phần là tháng lạnh, lò sưởi bập bùng suốt, các món cứ bỏ vào đó mà nướng, vừa tiện, vừa có cái ăn nóng sốt.

Thứ ba, đến Siberia lạnh giá, anh bỗng thấy nhớ nhà cồn cào, nhớ cái nóng hầm hập ở nhà, khi từ “nước” trở lên có ý nghĩa triết học sâu sắc, khi ai mặc áo dài tay bị mọi người nhìn như là dở hơi, khi sữa mẹ vắt ra một cái là thành sữa chua Vinamilk, khi nhiều đôi trai gái phải chia tay nhau chỉ vì nóng bức quá mà cô gái lại có thói quen ngồi sau xe máy ôm rất chặt.

Giữa những tất bật ga tàu, bến máy bay; giữa nỗi lo lắng vì thời tiết xấu máy bay có thể không bay được lại phải vạ vật chờ đợi ở sân bay - đầu đông mà trời cứ ấm cuối thu, thời tiết cứ lưỡng lự như cô gái chưa hề cũng ai cứ băn khoăn không biết chọn ai là người đàn ông đầu tiên của đời mình - bỗng thấy thèm được thảnh thơi ngồi ở vỉa hè Hà nội uống chè chén (hay nếu nhờ Trời, làm ăn khấm khá sẽ gọi hẳn một cốc bia hơi với đĩa đậu phụ lướt ván).
 
Đi vào lòng đất
(Hay là Trở lại Siberia)

Có những nơi mà khi từ biệt ta chẳng cần phải thả một đồng xu xuống dòng sông ở đó để hẹn ngày trở lại. Vì ta biết thế nào cũng còn phải trở lại…

Tôi lại đi Siberia, hay đúng hơn là đi Cheliabinsk. Những ngày đầu tháng Mười, đang là mùa hạ rớt - “Có một mùa trong sáng diệu kỳ…”

Xe ô tô đi từ Sân bay vào Thành phố, từ Đông sang Tây, xe đi về phía mặt trời đang lặn. Hai bên đường là cả cánh rừng bạch dương thân trắng mảnh dẻ, lá vàng như những đồng tiền, lá vàng như trong…truyện cổ tích. Toàn là bạch dương, cây phong non trùm khăn đỏ chẳng thấy đâu, hỏi ra mới biết phong có hai giống, phong Canada (lá phong Canada mới đỏ và giống hình trên cờ nước gì mà ở gần nước Mỹ) và phong Nga, ở vùng này toàn phong Nga, phong Nga không biết trùm khăn đỏ. Hỏi thêm câu nữa, vùng này đã phải là Siberia chưa, hoá ra chưa phải, Cheliabinsk mới chỉ là bên kia của dãy Ural thôi

Các bác cùng đi với tôi (chín bác cả thảy, đi cả một chiếc xe buýt Mercedes rất hoành tráng) uống rượu vodka, ăn trứng cá hồi ở Nhà máy, trên đường về ngà ngà say, “tức cảnh sinh tình” rủ nhau hát luyên thuyên từ “Đất nước tôi thon thả gọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần rót bia ra hai lần rót nhầm rượu thuốc, các anh say mềm mình mẹ dọn mâm…”, đến “Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe ớ ơ ơ, nghe câu hò xứ Nghệ…”. Chỉ khổ cho lỗ tai của chú lái xe người Nga bị tra tấn một trận bầm dập.

Lần này, làm việc (chỉ là tượng trưng) xong xuôi, Nhà máy tổ chức cho các bác lang thang trong rừng Nga, định trèo lên một đỉnh núi cao để đếm cho đủ 280 cái hồ nhưng các bác nhà mình không chịu được khổ, chỉ leo lên cái đỉnh có độ cao chỉ đủ để ngắm ba cái hồ. Rừng trên núi cũng là rừng thông, cảnh cũng hùng vĩ như cảnh Côn Sơn…

Tham quan chưa đủ để giã bữa rượu trưa, các bạn Nga lại bố trí tiếp bữa rượu chiều trong một cái Nhà nghỉ ở ven hồ, lại quảng cáo trước là sau bữa rượu chiều sẽ có tắm hơi. Ở Nga, theo cách hiểu bình dân, tắm hơi cũng là một kiểu karaoke có đủ từ A đến Ớ (tức là từ lúc kêu a… a… a… đến lúc thở dồn dập ớ …ớ…ớ…). Nghe giới thiệu thế, nhiều bác đã mắt hấp háy, giở cặp chuẩn bị sẵn “đồ nghề” - cao hổ, mật gấu để ngâm rượu…Tôi phải giải thích là Nhà máy chiêu đãi tắm hơi chắc chỉ có A thôi, không có Ớ đâu.

Ăn uống linh đình, rượu chè tuý luý xong, cả đoàn xuống ngay dưới tầng hầm của Nhà hàng. Phòng tắm hơi thông ra một cái bể bơi rộng, nước xanh màu trời…Lần đầu tiên trong đời tôi bị tra tấn bằng chổi bạch dương…Ghenia (tay này hoá ra ngày trước đã từng là lính thuỷ sang Việt nam đóng ở Cam Ranh) cầm cái chổi làm bằng lá bạch dương, đầu tiên quạt quạt không khí nóng vào người tôi (không khí trong Phòng hơi lúc đó khoảng 120 độ C (độ C hẳn hoi chứ không phải độ A, độ B hay độ Richter đâu nhá), sau đó đập đập từ từ - từ chân lên đầu…Quả là phê lòi mắt…lúc đấy anh nghĩ lên đến cái chủ nghĩa gì mà mỗi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu và là Thiên đường của loài người cũng chỉ được đến thế là cùng.

Ngày hôm sau là ngày nặng nề nhất trong suốt đợt công tác, tôi sẽ phải đi vào lòng đất nghĩ là phải xuống mỏ. Mục đích của đoàn là tham quan mỏ và xem cái máy đào lò mình định mua hoạt động thế nào trên thực tế. Tôi cũng chẳng sợ lắm, đã tính toán từ trước hàng triệu phương án, trong đó có phương án là thợ mỏ ngày nào cũng xuống mỏ làm việc, mình xuống một lần chắc cũng chẳng chết được. Nghĩ cứng thế nhưng lúc ăn sáng, tôi đã len lén làm gọn cả suất ăn để phòng khi có mệnh hệ gì.

Trong cả đoàn mười người chỉ được chọn ra năm người để xuống mỏ và vì dưới mỏ làm việc theo chế độ nghiêm ngặt, đúng 11 giờ sáng là những người được chọn phải có mặt ở mỏ…Bác Trưởng đoàn lựa chọn ra mấy người, trong đó có tôi. Đến mỏ, gặp bác Giám đốc hoá ra ngày trước học cùng trường mỏ với mấy bác Việt nam nhà mình, hỏi tên ra tôi có thể đọc vanh vách mấy bác này đang làm chức gì ở đâu…Tôi tranh thủ ghi lại số điện thoại, địa chỉ của bác Giám đốc mỏ, để về chuyển cho mấy bác Việt nam ngày xưa học cùng (vừa ghi vừa thầm nghĩ nhỡ xuống mỏ có mệnh hệ gì chắc bác Giám đốc mỏ sẽ nhớ mà cứu anh).

Chẳng bắt tay bắt chân nhiều (phong cách công nghiệp nó thế), cả đoàn cùng ba bạn Nga từ Phòng giám đốc ở tầng 4 nhanh chóng đi xuống tầng 1, thay quần áo. Phải cởi tất tần tật đồ đang mặc ra (vì trong dưới mỏ rất bụi và toàn bụi than đen), mặc một bộ quần áo lót trắng rồi mới mặc bộ quần áo thợ lò.

Trong lúc thay quần áo, tôi nhớ đến một chuyện: có bác nhà mình đi xuống mỏ, lúc lên tắm cùng các bạn Nga, thấy bạn nào cũng đen xì mới hỏi: “Mỏ này có người da đen đến làm việc à?”. Phiên dịch bảo: “Không đấy là bụi than bám vào da thành đen như thế đấy”. Thấy một bạn người thì đen nhưng có một chỗ trắng nức nở, bác nhà mình lại thắc mắc: “Sao cậu này người đen mà chỗ ấy trắng thế”. Phiên dịch lại phải giải thích: “Chắc là cậu ấy vợ mới lên thăm”.

Các bạn Nga khéo chọn nên quần áo thợ lò tôi mặc vừa như in, soi gương thấy chỉ làquần áo vải thôi nhưng có các kiểu túi trông rất mốt thời trang. Mỗi người được trang bị một đôi ủng, không dùng tất mà dùng miếng dạ bọc chân vào rồi đi vào. Ai đi ủng xong rồi được phát thêm cái mũ thợ lò và hai cái thắt lưng, một để thắt vào quần áo cho chặt, một để đeo đèn mỏ.

Đi qua một hành lang lạnh lẽo và qua một cánh cửa sắt dày, cửa lò đây rồi (không phải bãi biển Cửa Lò đâu nhé)! Trình giấy, mỗi người được phát hai cái thẻ sắt, một để đeo vào người (nhỡ có mệnh hệ gì để còn biết), một để lĩnh đèn mỏ và bình cứu sinh (nhỡ có sự cố, bình cứu sinh có thể cung cấp oxy trong 2 giờ). Mấy cô gái Nga xinh đẹp (mà số phận trớ trêu đày ải ở chốn này, hình như trước khi xuống mỏ nhìn cô nào cũng thấy xinh) chào hỏi niềm nở, tiễn đoàn ra thang máy xuống lòng đất với vẻ đầy lưu luyến.

Đến đây, các thông tin cần thiết mới lọt vào tai tôi: Mỏ này sâu khoảng 600 m và từ giếng trung tâm sẽ phải đi bộ thêm 300-400 m mới đến gương lò đang đào. Đúng 11 giờ, thang máy hành khách đã chờ sẵn nghiến ken két, từ từ đưa cả đoàn xuống lòng đất. Thang máy này nội thất không được lịch sự cho lắm, toàn sắt trần với tay nắm như trên xe buýt, trên nền thang máy là các đường ray để nếu cần có thể đẩy cả xe goòng vào…

Ăn độ một hai câu chuyện với các bạn Nga (hỏi xem mỏ ở Việt nam có như thế này không…) để át cảm giác bồn chồn và ù tai (phải hét vào tai nhau vì tiếng ồn), thang máy xịch đỗ, cả đoàn chui ngay vào một chiếc tàu điện chạy dưới mỏ, cao chỉ đủ người ngồi, như chiếc hòm sắt di động. Tàu rầm rập chạy…Trong bóng tối um tùm như dưới địa phủ, chỉ có vài chiếc đèn mỏ le lói thấy mạng người quá nhỏ bé (dưới mỏ đầy khí ga, đôi khi chỉ cần một tia lửa nhỏ là …sẽ thành ngọn lửa). Lại thấy con người quả cũng vĩ đại, lần mò xuống đến tận 600 m dưới lòng đất, mà lại đưa được đủ các loại máy móc xuống. Ra khỏi tàu điện hầm lò, cả đoàn lại lầm lũ đi, hai bạn Nga một bạn dẫn đường, một bạn đi khoá đuôi…Trong lò, gió thổi ù ù do hệ thống quạt thổi gió từ trên xuống, mỗi trạm quạt của họ đưa xuống mỏ đến 800 m3 gió/giờ…

Không khí dưới lòng đất cũng không đến nỗi lạnh và ngột ngạt lắm, cả đoàn mò mẫm đi từ chỗ tàu điện hầm lò khoảng một con dao quăng thì đến gương lò đang đào. Các bác nhà mình ngắm quả máy đào lò đang rẽ đá xoèn xoẹt ngon như rẽ đất, bụi đá bay mù mịt…độ một tuần trà rồi ngược.

Tưởng là “xong sớm nghỉ sớm” nhưng tàu điện vào đón và thang máy đưa lên mặt đất hoạt động đúng thời gian biểu chứ không tuỳ tiện nên đoàn phải đợi khá lâu (chắc cũng phải đến một hai giờ gì đó, thời gian ở dưới lòng đất sao trôi chậm đến thế) mới lại được thấy ánh sáng mặt trời.

Đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những người thợ mỏ Nga anh gặp dưới lòng đất…Có cả hai bố con cùng đi một ca, ông bố vẻ mặt khắc khổ lầm lỳ không nói gì, cậu con trai sôi nổi nói đủ thứ chuyện…Khi nghe kể các mỏ than Việt nam ở ngay bên bờ biển, cậu ta không giấu nổi ao ước một lần được nhìn thấy biển…Sống ở cái làng thợ mỏ nho nhỏ và hẻo lánh, hàng ngày chui xuống lòng đất tù mù, với mức lương chỉ đủ sống qua ngày… biển trở thành nỗi khát khao.

Hôm ấy, tôi xúc động thật sự và trong bữa rượu trưa Nhà máy chiêu đãi đã đứng lên nói câu chúc rượu đại để là: “Hôm nay, lần đầu tiên trong đời tôi đi vào lòng đất - được xuống hầm mỏ, được xuống sâu 600 m. Trong chuyến đi này tôi có rất nhiều ấn tượng và cảm xúc dạt dào nhất là tôi cảm thấy như được rửa tội (ý nói là thấy cần phải sống tốt hơn, xứng đáng hơn – dốt văn và nói tối nghĩa thế mà cứ bi bô lắm). Xin uống chén rượu này vì những người thợ mỏ, những người hàng ngày phải đi vào lòng đất…”

Một lần đi vào lòng đất cũng như một lần đi ra nghĩa trang hay vào bệnh viện…ta bỗng thấy quý hơn những tháng ngày đang sống – “ơn Trời, ơn Đảng, ơn Chính phủ, mình vẫn còn sống và khoẻ mạnh…công việc của mình dù gì đi chăng nữa cũng không đến nỗi nào…”. Dù biết những ngày đang sống chỉ là cuộc chuẩn bị cho một chuyến đi hơi dài ngày vào lòng đất…
 
K Nghe gió rít ào ào bên tai, đất trời chao đảo trong mắt không hiểu tại sao lúc này tôi bỗng nhớ đến bài tập đọc hồi lớp ba lớp bốn gì đấy nhan đề là “Anh Hoàng Văn Thụ đi ra pháp trường”: “Năm giờ sáng, cánh cửa xà lim bật mở. Thế là anh Thụ phải đi rồi…”. .

:)) Ối giời hay vãi một số cơ quan đoàn thể

(c) cám ơn bác vì có cái hay để đọc lúc trời mưa bão xế này...
 
Đi vào lòng đất
...
Một lần đi vào lòng đất cũng như một lần đi ra nghĩa trang hay vào bệnh viện…ta bỗng thấy quý hơn những tháng ngày đang sống – “ơn Trời, ơn Đảng, ơn Chính phủ, mình vẫn còn sống và khoẻ mạnh…công việc của mình dù gì đi chăng nữa cũng không đến nỗi nào…”. Dù biết những ngày đang sống chỉ là cuộc chuẩn bị cho một chuyến đi hơi dài ngày vào lòng đất…


Anh viết hay và tinh tế quá, em không chịu được phải log in vào spam 1 phát.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,472
Bài viết
1,153,112
Members
190,099
Latest member
anhquannn
Back
Top