What's new
Ngày 22/12 là ngày Hạ chí ở Úc, đã chín rưỡi tối mà mặt trời chưa lặn hẳn, hoàng hôn vẫn còn lấp ló ở cuối chân trời thành phố. Giật mình nhớ ra, đã nửa năm kể từ chuyến đi Nga xem World Cup cũng vào ngày Hạ chí (22/6). Mấy lần vào Phượt hóng hớt xem có ai kể chuyện đi xem World Cup không nhưng đều không thấy, phần em lại quá lười, vả lại cũng sợ hiểu biết còn nông cạn, kể chuyện đi Nga khác nào múa rìu qua mắt các bậc lão làng ở đây nên cứ chần chừ mãi không viết. Thế mà đến mãi hôm nay là Tết mới vội hí hoáy viết vài dòng, tự lưu lại làm kỷ niệm, bởi trí nhớ con người vốn tồi tàn, nếu không viết ra, nhiều chi tiết trong đầu đã dần rơi rụng mất.

Em không lớn lên với văn học Nga, không học tiếng Nga, bố mẹ không ai đi Nga, nhưng giống nhiều người Việt Nam vẫn có một tình cảm gì đấy với nước Nga rộng lớn, vậy nên bài viết này chỉ hoàn toàn là cảm nhận của một khách du lịch đi Nga vào một dịp rất đặc biệt là FIFA World Cup 2018, lại sống ở Tây, nên có lẽ sẽ khách quan và khác với cảm nhận của nhiều bác khác trên Phượt, có điều gì chưa phải, mong các bác vào bổ sung thêm kiến thức cho em với ạ. Nghĩ đi nghĩ lại em quyết định viết theo thứ tự thời gian vì như thế đỡ bỏ sót sự việc, mỗi tội sẽ rất dài dòng!
154803
 
Dangthai . Cuối cùng em phải mua vé của Aeroflot , mà còn phải tốn tiền bay từ SG ra Hà Nội mới bay cho đúng lịch trình . Nhưng mà phải công nhận nước Nga thật đẹp
 
7. Tâm hồn Nga trong tranh Nga

Thường thì em chưa tìm đi ăn phở sớm thế này trong cuộc hành trình, nhưng lần này do hai ngày đầu bão táp quá, lại chưa được miếng gì vào miệng, nên chiều vợ đi tìm quán phở để... lấy lại vị giác. Tra trên Google thì có kha khá quán nhưng hầu như ở khu trung tâm, mà như đã nói ở trên, các ga metro ở Mát cách nhau khá xa, nên thời gian đi tàu tương đối lâu. Vì vậy ăn ở đâu cũng là cả vấn đề nếu không thì mất cả nửa ngày chỉ để đi ăn. May là trên tuyến xám này được đi tàu mới, nên chọn quán Viet Cafe ở gần ga Mendeleyevskaya.

IMG_3578.JPG

Đi tàu rất hay thấy phụ nữ mang theo hoa và mua hoa ở các nhà ga, loại mang về để cắm. Có lẽ người Nga rất lãng mạn (hoặc vì hoa ở đây rẻ chăng?)

IMG_1239.JPG

Ga Mendeleyevskaya có chùm đèn rất độc đáo hình các nguyên tử hóa học liên kết với nhau

Dãy đèn này trông rất hay nhưng về mặt thực tiễn thì không kinh tế chút nào, vì những cái đèn này chỉ để dùng riêng cho ga này, nếu có hỏng hóc thì lấy đâu ra đồ thay thế, một là phải sửa, hai là làm mới, bởi vậy chi phí duy tu bảo dưỡng hệ thống metro này chắc chắn sẽ khổng lồ. Mỗi một ga tàu lại có một thiết kế khác nhau, xây vào một khoảng thời gian khác nhau, nếu chứa toàn bộ những "phụ tùng" để thay thế thì không biết nhà kho của Công ty metro to thế nào. Bởi vậy người ta cố gắng làm những chi tiết ở nhà ga bền nhất, ít phải bảo dưỡng nhất có thể, nhưng khó có gì là bền mãi. Nhiều người thường nói các ga metro ở phương Tây đơn giản và xấu hơn ở Nga nhiều nhưng dưới con mắt người trong nghề như em thì nó thực dụng hơn và đồng bộ hơn. Đơn cử thực tế là em thấy rất nhiều mảng đá ốp ở các ga metro Moksva đã bong tróc, sứt mẻ chìa ra những cạnh sắc, nhưng không được sửa, đơn giản vì chi phí quá lớn để chỉ ốp lại một miếng đá với hình dạng vặn vẹo, chưa kể là còn không tìm được đúng màu đá ấy nữa nên trông sẽ chắp vá. Vậy nên những ga metro của Mát được mệnh danh là những "Cung điện của nhân dân" cũng đúng vì nó quá xa xỉ cho những công trình công cộng, những nơi cần đơn giản để bảo dưỡng sửa chữa với chi phí thấp nhất và thời gian nhanh nhất.

Các bạn lưu ý rằng đi metro ở Nga phải đi giày tốt, hầu hết người trên tàu mình thấy đều đi giày bệt hoặc giày thể thao, đàn ông đi giày da cũng là loại đế mềm, đơn giản vì phải đi bộ và leo thang bộ rất nhiều. Ví dụ trên bản đồ, ga Novoslobodskaya (tuyến vòng tròn) nối liền với ga Mendeleyevskaya (tuyến xám), trên google map cho ra khoảng cách giữa hai ga trên mặt đất là 300m, nghe thì rất gần nhưng nếu tính cả đường đi trong ga thì phải 700m là ít. Chưa kể đến một chuyện rất đau lòng là nếu bạn lên mặt đất nhầm cửa, thì đích đến của bạn tự dưng xa thêm nửa cây số (250m đi từ ga đến lối lên + 250m từ lối lên ấy đi ngược lại trên mặt đất). Muốn không lên mặt đất nhầm hướng thì phải biết đọc chữ Nga để xem bản đồ treo dưới ga, nhưng nhiều khi xem bản đồ cũng không ích gì vì hai phía cửa lên cùng là trên một con phố nhưng mà cách xa nhau cả 500 mét! Vậy nên cách tốt nhất là mang giày tốt và chai nước to!

IMG_3579.JPG

Từ ga Mendeleyevskaya đi bộ qua ga Novoslobodskaya, ngang qua một trung tâm thương mại của người Trung Quốc với kiểu phông chữ cổ lỗ sĩ đặc trưng (màu đỏ) rất là racist chuyên dùng cho các cửa hàng của người Hoa.

IMG_3580.JPG

Các hàng ăn Việt Nam bán cho dân văn phòng thường được đặt tên là Viet Kafe. Quán nằm trong một phố nhỏ, gần một khu trông toàn cơ quan Nhà nước. Lần đầu tiên thấy Quán Phở nằm trong tòa nhà đẹp như Đại sứ quán.


Sau khi lên nhầm cửa bên kia đường, và không hỏi đường được ai rất may là mình đã nghiên cứu bản đồ và lấy KFC làm mốc nên vẫn lết được đến quán ăn. Quán nhỏ nhưng lịch sự, toàn dân văn phòng ngồi ăn. Thấy một anh cao to đẹp giai ra ghi món, mình đói quá liền tuôn luôn một tràng tiếng Việt, thấy anh này há hốc mồm, mới nhận ra đây là người Trung Á, nom giống Việt Nam ta mà không phải. Hai phần ăn trưa nhanh chóng được mang ra, và em thề là em chưa bao giờ nhìn thấy bát phở mà cười rơi nước mắt như vậy. Em đi sang tận bên Vanuatu mà bát phở trông nó còn tử tế hơn thế này nhiều. Một điểm đặc biệt của cộng đồng người Việt ở Nga là người ta không theo nghề nhà hàng nhiều, có lẽ là do nhiều yếu tố: xuất thân của thế hệ người Việt đầu tiên cho đến thế hệ bây giờ, kinh tế tư nhân chưa phát triển, có nhiều nghề thu nhập cao hơn mở nhà hàng... Các nhà hàng Việt Nam ở Nga đều mới ở thuở sơ khai chập chững, dù đã mở bao lâu đi chăng nữa thì cũng còn xa lắm mới đuổi kịp những nhà hàng Việt Nam ở Tiệp ở Đức chứ đừng nói ở Mỹ. Riêng món đặc sản rau thơm héo ăn kèm phở này thì chỗ nào ở Nga cũng thế, nên về sau có ăn một quán của người quen thấy rau tươi thì thảo nào quán ấy đông khách. Ở Úc mà dọn ra nhúm rau này có khi đánh nhau to hoặc khách nó gọi luôn Đội vệ sinh an toàn thực phẩm của Ủy ban phường ra phạt bỏ mẹ. Em sẽ đăng dần dần các hàng phở sau, đại loại cũng na ná món “súp bò” này.

IMG_1756.JPG

Nước dùng phở có lẽ chỉ có hạt nêm và nước bò chần. Đặc biệt món giá đỗ vừa ngắn vừa héo, không rõ là người ta không biết ngâm giá hay là giống của Nga nó thế (!?)
IMG_1757.JPG

Một suất ăn khác với bánh cuốn không nhân, nem rán và một ít bún trộn. Một điểm hay ở Nga là chả nem ở đâu cũng dùng bánh đa nem, đúng nghĩa món nem ngoài Bắc. Ở Úc hay Mỹ trước đây các quán Việt chỉ có món chả giò cuốn vỏ bột mì giống người Hoa thôi, trong Nam người ta không rõ chả nem/ nem rán là món gì.


IMG_3581.JPG

Ăn xong no quá mờ mắt hay sao mà thấy cái thang cuốn bên tay phải nó dài, nuột thế các bác nhỉ?
IMG_3582.JPG

Ga Novoslobodskaya có những cái mảng kính màu dài, thon, đẹp quá các bác ạ.


Ăn xong quay lại ga Novoslobodskaya và đổi sang tuyến da cam, đến ga Akademicheskaya. Lại lên nhầm cửa lần nữa nhưng cũng nhìn ra ngay Quảng trường Hồ Chí Minh bên kia đường. Cứ nghe mọi người nói là Quảng trường, nhìn trên ảnh, em cũng nghĩ là quảng trường chắc to lắm, đi bộ có mà rạc cẳng. Hóa ra Quảng trường nằm khiêm tốn bên cạnh một ngã tư. Đây là nơi mà các đôi người Việt Nam mới cưới ở Nga ngày trước hay đến đây chụp ảnh cùng tất cả anh em bạn bè. Là một nơi tượng trưng cho Việt Nam trong lòng Mát-xcơ-va.

IMG_3584.JPG

Khối tượng đồng đen ở giữa Quảng trường (Ploshchad' ) Kho Shi Mina, mặt sau có bụi tre
 
Last edited:
IMG_3583.JPG

Tranh kính ở ga Novoslobodskaya dùng kỹ thuật cổ điển của cửa kính nhà thờ , nhưng dưới cảm hứng mỹ thuật xã hội chủ nghĩa mới, thay vì các thánh trên đầu lại là những người lao động trong các ngành nghề khác nhau, ví dụ như ông trí thức trên đây ngồi với quả địa cầu, chịu ảnh hưởng của tranh Hà Lan thế kỷ XVI.

Mỹ thuật Xô Viết được phát triển trên cái nền rất vững chắc của hội họa phương Tây cổ điển với rất nhiều họa sĩ nổi danh từ thời Sa hoàng. Muốn hiểu được tâm hồn Nga, không gì nhanh hơn và đầy thẩm mỹ hơn là đi xem bảo tàng tranh. Hễ em đã xem cái gì là muốn xem cho thật kĩ nên trong lịch trình chỉ lựa chọn một trong hai hoặc bảo tàng Tretyakov hoặc bảo tàng Pushkin. Bảo tàng Tretyakov là đặc Nga còn Bảo tàng Pushkin là châu Âu với khá nhiều danh họa Tây Âu. Vì sẽ còn đi Bảo tàng Hermitage ở Xanh nên em bỏ qua Pushkin lần này.

Bảo tàng nằm gần ga cùng tên Tretyakovskaya. Lên khỏi ga thấy McDonald’s, đi về phía bên trái theo đường Ordynskiy là tới. Mình chọn ngày Bảo tàng đóng cửa lúc 9h nên đi khá thong thả. 4h chiều mà trời mới bắt đầu nắng to, không khí mát mẻ chỉ khoảng 22°C cực kỳ dễ chịu. Ngay giữa những con phố đi bộ lát gạch đá kín mít mà vẫn đầy bóng cây xanh mát rượi. Trong sân của các tòa nhà công sở là những cây cổ thụ rất to, vươn qua hàng rào tỏa bóng mát ra đường. Có một đài phun nước nhỏ với ít cây xanh như kiểu vườn hoa, người ta ngồi tán chuyện rất nhiều, các quán ăn xung quanh cũng bắt đầu thấy khách, nhưng cực kỳ êm ả, không ồn ào, người ta như đều thì thầm tâm sự với nhau cả, người đi lại trên phố đông, vui vẻ mà không có tiếng cười nói ầm ĩ. Không gian rất thích, mình quyết định dành hẳn một tiếng chỉ để ngồi nhìn người qua lại dưới ánh nắng chiều. Thành phố khổng lồ này quả thật rất dễ mến bởi những góc (không nhỏ lắm) như vậy. Màu nắng hay là màu tóc em?
IMG_3585.JPG

Một hàng rào bằng gang trông rất lạ mắt, xù xì mà độc.

Trong chuyến đi này mình càng củng cố hơn quan điểm, không cần đi nhiều điểm, không cần chụp nhiều hình, dành những khoảng ngồi lặng yên thư giãn và trò chuyện với nhau hay với người địa phương giá trị hơn nhiều. Thế thì có người lại bảo, vậy ở nhà mà nói chuyện, đi vạn dặm đến đây mà ngồi làm gì. Không, khác nhiều chứ, nhiều khi người ta phải đi nghìn cây số chỉ để nhận ra tầm quan trọng của thứ bỏ lại ở nhà. Hôm ấy vợ chồng mình đã có một tiếng nói chuyện rất say mê, dù bây giờ không thể nhớ là nói gì nữa, nhưng quả thực khi nhắc đến khoảnh khắc ấy, cả hai đều thấy rất hạnh phúc. Ngồi dưới tán cây bên đường mà không cần lo nghĩ gì, chỉ nhìn người đi đường và nói chuyện.

IMG_3587.JPG


Một gia đình ăn mặc khá lạ, người phụ nữ mặc quần áo giống phụ nữ nông thôn Nga nhưng cả anh chồng cũng mặc váy và áo vải, không rõ là nhân dịp gì, hai đứa trẻ thì trông bình thường


Quả thực con người ta cần không gian để có thể đi sâu vào bất kì điều gì, một không gian đi bộ “biệt lập giữa đám đông” như vậy không đơn giản để có được. Cần những cây xanh lâu năm rất to, thời tiết mùa hè nắng mà dịu, độ ẩm không khí thấp, tổ chức không gian đi bộ, bố trí hàng quán, mặt bằng văn hóa chung của người đi trên phố... Quả thực góc phố ấy với mình giá trị như một cuộc triển lãm vậy. Ở ta chỉ cần vài ông bán bóng bay hay bật nhạc biểu diễn gì đó là thôi xong. Dĩ nhiên là vẫn cần những không gian sinh hoạt chung sôi động như thế cho thành phố, nhưng cái mà người nước ta cần nhiều hơn là những không gian thúc đẩy suy nghĩ, bớt tính tập thể nhộn nhạo đi, bởi nước mình vốn làm gì cũng tập thể đông người, khiến cho mọi thứ đều hời hợt, ngay từ cuộc nói chuyện, người ta phải mượn cà phê, mượn rượu để nói, không có chỗ để ngồi yên, ngồi không mà nói một chuyện gì đấy ngoài tình yêu và tình dục.

IMG_3588.JPG

Dưới trời Mát-xcơ-va

Thế nên các bạn Tây lông có thói quen đào sâu suy nghĩ và trao đổi rất hay dù chỉ là khi nói chuyện phiếm. Các thành phố ở châu Âu thường có quảng trường, là nơi từ thời Trung cổ người ta tụ họp để nói xấu chính quyền... à quên, trao đổi học thuật, tin tức nên chúng ta hay thấy trong sách và trên đài báo ở Tây hay có buổi mít tinh hoặc nói chuyện ở Quảng trường, nhiều khi chỉ là những ông gàn dở đứng nói nhưng nghe kĩ thì cũng thấy có nhiều ý hay, không phải cứ nói xằng mà có nhiều người đứng nghe được. Các thành phố châu Á thì khác hẳn, không hề tồn tại Quảng trường, vì vua chúa chỉ sợ dân tập trung làm loạn. Ví dụ như ở Hà Nội, không có một quảng trường nào để người dân có thể sinh hoạt chung đúng nghĩa của nó, buồn cười ở chỗ Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Đông Kinh Nghĩa Thục là hai cái bùng binh cho xe đi, không ai đứng được mà nói gì được. Đến giờ có phố đi bộ thì Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có người đi bộ qua, lập tức trở lại bản chất của nó là nơi người ta biểu diễn âm nhạc, tụ họp để mà giao lưu, rất tiếc vẫn chỉ là tạm bợ vào cuối tuần mà thôi, nhưng có còn hơn không.
 
Quay lại với bảo tàng Tretyakov, đây là nơi lưu trữ những tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng nhất của nước Nga, nhiều bức tranh đã trở thành biểu tượng. Trên Phượt đã nhiều bác đi và chụp ảnh, chú thích rất kĩ rồi nên em chỉ đăng một số bức tranh em thấy thích mà thôi. Em dành khoảng 4 tiếng để xem bảo tàng, không thể xem kĩ từng ngóc ngách được nhưng nhìn chung cũng đã đi hết các phòng và xem kĩ một số phòng. Em rất ấn tượng và nhận thấy những đóng góp của giới thượng lưu và người giàu ở Nga trước đây cho di sản mỹ thuật của nước Nga. Tranh sơn dầu nếu xem ảnh chụp thì không bao giờ có thể mô tả được cái rung động khi thực sự đứng trước nó.

Nghĩ cũng lạ, tranh đẹp thì nhiều nhưng lại phụ thuộc vào cách trưng bày, có những bức rất đẹp, vẽ rất kĩ, nếu chỉ trông thoáng qua thì bình thường, lại bị treo vào góc, không ai ngó tới, nhưng nếu tranh đẹp thật thì quả vẫn có người mò ra mà đứng xem dù họa sĩ không nổi tiếng, trái lại có những bức treo ở phòng chính trang hoàng lộng lẫy mà xem kĩ thì rất thường. Thì ra phòng trưng bày tranh cũng như cuộc đời. Ấy là chưa nói đến sự thiên vị chủ quan của những người quản lý, giám tuyển, quyết định tranh nào ngồi chỗ nào. Xem chừng ở đây tranh không hề đổi vị trí sau một thời gian, hay sau một đời giám đốc mới, người vào vật nào chỗ ấy, bởi cách tìm một bức tranh nào đấy nhanh nhất là hỏi mấy bác gái ngồi trông trong phòng - một đặc trưng Liên Xô ở tất cả các bảo tàng, các bác ấy nhớ vanh vách bức nào ở đâu như chừng tranh vẫn ở đấy cả trăm năm nay rồi.

Lối vào bảo tàng, qua cửa an ninh, phải đi xuống tầng hầm sau đó mới lại lộn một lèo lên tầng. Vé vào cửa 1 người lớn là 500 rúp (bát phở tái đập và cốc nước chanh em ăn lúc trưa là 450 rúp để các bác tiện so sánh). Tầng hầm ốp và lát hoàn toàn bằng đá. Cái toa-lét đúng là rất sang chảnh khi tất tần tật phủ đá từ sàn đến trần, vòi nước mạ vàng, nom mà không dám... tiểu. Các bác ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Tràng Tiền chắc cũng từng đi tiểu ở đây nên về làm toa-lét giống hệt dưới tầng hầm, trông khá lịch sự, nhưng dùng đá granite rẻ thôi nên không thể hoành tráng như chỗ này được.

IMG_3604.JPG

Đường vào toilet với ánh sáng vàng làm mấy cái gương bóng như gương đồng, hàng chục loại đá khác nhau lát sàn ốp tường. Các tòa nhà công cộng ở Nga đều dùng đá thoải mái thế này không biết đào đâu ra, chắc là do nhân dân cần lao ở Siberia đập đá.

IMG_3589.JPG

Ngay vào đầu em đã bị mê bức selfie này luôn. Chân dung tự họa vẽ năm 1909 mà trông tươi mới và trẻ trung, tràn đấy sức sống. Em chưa từng thấy bức tự họa nào của phụ nữ thời ấy mà trông hiện đại như bức này. Tác giả là họa sĩ Zinaida Serebriakova. Gia đình nàng cũng bị tịch thu biệt thự sau Cách mạng, phải đi thuê nhà, nhưng vì cả hai vợ chồng đều có tài nên vẫn được chế độ mới trọng dụng, giao cho vẽ tranh tường trang trí ga Kazansky ở Moskva.

IMG_1241.JPG

Bữa sáng (1914). Bức tranh này ở bên kia bức tường, cách một đoạn nhưng nhìn mấy em này là biết ngay con ai. Đúng là nàng đẹp nên nàng sinh được ba đứa con như thiên thần. Nhưng mà hồng nhan bạc mệnh, đùng một cái năm 1919 chồng Zinaida Serebriakova ốm chết. Nàng một nách bốn con và mẹ già, không kế sinh nhai. Không còn màu dầu để vẽ, nàng có bức House of Cards (1919), trông mấy đứa trẻ con buồn thê thảm.


Cũng như năm 54 ở ta, sau Cách mạng 1917, các tòa nhà ở các thành phố của Nga được chia thành các buồng nhỏ, một dạng nhà tập thể cho cán bộ công nhân viên chức ở chung. Zinaida Serebriakova chuyển về một căn hộ cũ của gia đình ở Xanh, tòa nhà này giờ nhồi nhét thêm rất nhiều công nhân viên, nghệ sĩ của Nhà hát kịch Moskva. Thế là trong cái rủi có cái may, nàng nhận được việc trang trí cho nhà hát và vẽ rất nhiều về đề tài sau cánh gà. May nhất là nàng "nhét" được bé gái Tatiana (trong tranh) vào đoàn của Nhà hát. Với tài năng của nàng, năm 1924, nàng được mời sang Paris để vẽ một dự án tranh tường trang trí rất lớn. Thế là nàng quyết định "tuột xích", hai đứa anh trong bức tranh trên lần lượt được tuồn sang Pháp năm 1926, 1928. Còn cô em gái và đứa em trai út kẹt ở lại, sau Tatiana thành nghệ sĩ ưu tú. Zinaida Serebriakova chấp nhận cảnh không quốc tịch, dùng hộ chiếu Nansen đến hai mươi năm sau (1947) mới nhập quốc tịch Pháp. Ngày xưa người ta coi trọng cái việc này lắm, như bác Trần Văn Khê nhà mình cũng thế, thà không quốc tịch chứ không nhận quốc tịch Pháp, chả như bây giờ, trốn ở lại nước ngoài rồi eo éo nói xấu Việt Nam để nhập quốc tịch theo diện tị nạn chính trị. Đến tận năm 1960, hai mẹ con mới được gặp lại và năm 1966 tranh của bà mới được triển lãm và hoan nghênh nhiệt liệt ở Liên Xô. Câu chuyện này là một ví dụ điển hình cho việc chảy máu chất xám và lãng phí tài năng ở Liên Xô do những biến động chính trị. Dĩ nhiên vẫn có một điểm sáng ở đây là em Tatiana vẫn được Nhà nước nuôi dưỡng tài năng và trở thành nghệ sĩ có tiếng, phải như một số nước mà mẹ thế thì sự nghiệp của em coi như chấm hết.

IMG_3590.JPG

Bức Cô gái với những quả đào (1887) này thì quá nổi tiếng rồi, được đặt trang trọng giữa phòng, coi như kiệt tác hàng quốc bảo. Ánh sáng trong tranh quá ảo diệu. Những bức tranh thời kỳ này đã cho thấy nhận thức về không gian 3D trong mỹ thuật của người phương Tây đã quá chuẩn xác, như ảnh chụp. Những nền mỹ thuật như Việt Nam còn kém xa cả vài trăm năm. Năm 2016, triển lãm tranh của Valentin Serov ở bảo tàng Tretyakov có cả Nga Thái Tông đến dự, người xem xếp hàng dài dằng dặc dưới tuyết, chen nhau hỏng một cánh cửa bảo tàng. Mà trong những tác phẩm của Serov thì bức này là đỉnh cao.
 
IMG_3605.JPG

Điều làm em ấn tượng nhất với các bảo tàng ở Nga lại là cái sàn gỗ. Tất cả đều là gỗ thịt, màu thật và cực kỳ đa dạng, khác gỗ công nghiệp màu đều chằn chặn và được ghép bằng những thanh nhỏ hoặc các mảnh nhỏ chứ không phải các tấm lớn, thành vô vàn hình dạng khác nhau rất kỳ công, mỗi một phòng lại có một kiểu ghép khác nhau.
IMG_1244.JPG

Ngoài việc đi xem tranh thì em cũng xem cả người xem tranh. Bức ảnh này ngoài sự khổng lồ của bức tranh Nga hoàng úy lạo dân chúng kia và cái sàn gỗ thì đôi tình nhân ăn mặc lịch sự đi hẹn hò vào một chiều thứ sáu, nắm tay nhau trong bảo tàng mới là điều đáng nói. Đây là cảnh ở Việt Nam em chưa bao giờ được nhìn thấy dù Thứ sáu hay Chủ nhật nhưng ở Hàn Quốc thì đã thấy có những đôi nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trong Bảo tàng lịch sử.


IMG_1243.JPG

Sa hoàng Alexei Mikhailovich chọn vợ (1882). Các cô gái trong tranh chả hiểu sao cô nào cũng buồn thế, phát này một đập ăn quan luôn cơ mà, Sa hoàng chỉ được lấy có một vợ, tỉ lệ 1 chọi 6 rõ ràng, chả như bên mình làm hoàng hậu rồi vẫn lo ngay ngáy 5 đứa còn lại. Hai mẹ con xem rất kĩ và thằng cu cũng chịu im lặng cho mẹ nó xem, rất nể là hai tiếng sau vẫn thấy chị này đang đi xem dù đeo guốc cao. Các chú thích tranh ở bảo tàng này rất sơ sài, chỉ có mỗi tấm biển đồng nhỏ xíu gắn tên tác giả, tên tranh và năm vẽ tranh. Những bảng chú thích to hơn màu trắng là mới lắp, nhưng toàn tiếng Nga và cũng không hề ghi chú chất liệu hay kích thước, chuyên nghiệp như ở Tây.


IMG_3603.JPG

Chân dung Anton Pavlovich Chekhov (1898). Tranh chân dung rất nhiều và đẹp. Ở Việt Nam giờ có bỏ tiền trăm triệu ra cũng không thể có một họa sĩ vẽ chân dung tử tế, vì người ta chỉ mải cái râu ria, hoa lá, trường phái này trường phái nọ để phù phép, che đi sự yếu kém về kỹ thuật. Để vẽ được những tranh chân dung này phải có kỹ thuật rất vững, vẽ rất cẩn thận nhiều lớp màu, chưa nói đến cảm xúc, những gia đình giàu có ở Tây cứ có chân dung mấy đời để lại cho con cháu hàng trăm năm mà tranh không hỏng là thế. Các bác cứ thử nhìn bàn tay đang nắm kia xem, nó thể hiện rõ con người của nhà văn. Braz Iosif Emmanuilovich là họa sĩ đã đi du học Đức, Hà Lan, Pháp rồi về Xanh mở trường, bà Zinaida Serebryakova đã nói trên cũng là học trò của ông. Tranh này cùng một loạt chân dung của các nhà văn nghệ sĩ đương thời do chính Pavel Mikhailovich Tretyakov (chủ của bảo tàng này) đặt hàng, làm bộ sưu tập của những văn nghệ sĩ thời đó, mấy ai chịu chơi được như ông!


Một trong những phòng hoành tráng nhất được dành cho Mikhail Vrubel. Em chỉ được biết Vrubel qua sách chứ giờ mới được nhìn tận mắt, cứ há hốc mồm mà xem. Hai vợ chồng cực kỳ ấn tượng với những tranh khổ lớn của ông, dù ai không tìm hiểu sâu về mỹ thuật thì hẳn cũng thấy cái gì đấy dữ dội, mãnh liệt trong này. Nhìn thoáng thì thấy rối rắm chứ nhìn thật gần mới thấy người họa sĩ kì công đến thế nào với từng xăng-ti-mét trên tranh, em thấy về độ kĩ thì Pollock gọi bằng cụ. Cả phòng sơn màu xanh cổ vịt trầm tối càng làm cho tranh ông huyền bí, nhất là những bức Demon, nhìn con quỷ trong tranh thấy buồn ơi là sầu.

IMG_3602.JPG

Con quỷ ngồi (1890) Không rõ lúc bạn Lê Cát Trọng Lý sáng tác bài Con quỷ ăn tên thì có lấy cảm hứng từ bức này không?

IMG_3591.JPG

Ác quỷ gục ngã (1902)


IMG_3601.JPG

Vrubel còn là một bậc thầy về đồ gốm
Majolica
 
Last edited:
Thôi, em trình bày qua một vài ý về nền mỹ thuật Nga vậy thôi xong phải chuyển qua chủ đề khác cho đỡ chán chứ không bao giờ mới ra được khỏi Moskva phải không ạ? Đi bộ mỏi chân và xem hết mấy bức nổi tiếng khác cho bõ tiền vé như Mùa thu vàng Người đàn bà xa lạ rồi thì khách cũng vãn và thấy mấy bác gái ngồi canh tranh nóng ruột muốn về ăn cơm lắm rồi nên chúng em cũng phải ra về.
IMG_3613.JPG

Bác này không biết cao thủ võ lâm phương nào mà có hình xăm mang tính biểu tượng quá nên em chụp lại

Thấy chuỗi cửa hàng Mu-Mu (tiếng Nga: My-My) nhiều bác đi trước giới thiệu là có cơm ăn được, lại thấy hình quảng cáo có Shashlik nóng giòn nên em cũng rẽ vào ăn. Bố nhà nó lừa đảo theo kiểu hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa các bác ạ, trong bếp thì không thấy lửa nữa, hỏi món gì cũng hết, Shashlik dĩ nhiên là ăn được nhưng mà chẳng nóng bốc khói cũng chẳng giòn, hình quảng cáo nó vẽ hai xiên thịt nhưng hóa ra giá tiền nó viết bên dưới là một xiên thôi. Em còn mất cả 10 phút để hỏi mua cốc kvass bé hơn, cả quán xúm lại nghe em xọng tiếng Anh, mà cuối cùng đành chịu, phải bưng cái vại kvass về. Tính tiền xong em thu ngân phát cho cái thẻ màu đỏ vàng cạnh cái hóa đơn ấy ạ, ghi là giảm giá đi taxi mà thực ra chẳng giảm gì, chỉ là quảng cáo app gọi xe. Nhưng mà đúng em lạc hậu, vì bình thường chẳng đi Uber hay dùng app gọi xe mấy, không biết rằng ở Nga bây giờ phải dùng app mới gọi được xe. Thế là từ đây người biết gọi xe, từ đây người hết (lo) bị lừa.

IMG_1822.JPG

900 rúp chỗ này các bác ạ.

IMG_3614.JPG

Đi bộ từ ga Chekhovskaya qua ga Tverskaya thấy có bức tượng đồng lớn. Cứ tưởng là Chekhov, về nhà đọc hóa ra lại là Maxim Gorky. Thì ra mấy ông Nga cũng giống Việt Nam ta, trường tiểu học Bà Triệu thì ở phố Tô Hiến Thành, còn trường tiểu học Tô Hiến Thành thì lại ở Kim Ngưu, Trường THCS Hồng Hà ở phố Minh Khai, còn trường THCS Minh Khai thì lại ở phố Kim Ngưu, cứ thế và thế, tên trường lúc nào cũng khác tên đường mà quanh đi quẩn lại chỉ có mấy cái tên cứ đặt mãi, thành phố nào cũng có đường Trần Hưng Đạo!

IMG_4198.JPG

Cạnh tượng Gorky có một đôi chơi đàn hăng say, lúc này đã 10 giờ tối. Gió thốc lên từ dưới nhà ga do rất nhiều đoàn tàu chạy qua chỗ này, ba ga giao nhau, váy bay tứ tung và các bạn vẫn kéo nhị nhiệt tình. Ga tàu điện ngầm thường là nơi những người có thu nhập thấp nhất ở đô thị bám lấy kiếm sống bằng đủ cách, nhưng các ga tàu ở Moskva tương đối vắng những người như thế cho đến hôm nay mới gặp các bạn (có lẽ là sinh viên) này. Hay là có chiến dịch ra quân giữ gìn trật tự đô thị nhân dịp World Cup?
IMG_3618.JPG

Các ga càng xa trung tâm thì càng ít trang trí màu mè hoa lá nhưng rất sạch sẽ và gọn gàng, chính thế lại sáng sủa và thoáng đãng, chắc càng làm thì mới rút ra kinh nghiệm về việc duy tu bảo dưỡng.

Tàu trên tuyến này rất mới, có tên các ga bằng chữ Latinh và đọc tên ga bằng tiếng Anh luôn. Người đi tàu khi ấy đã vãn, nhưng vẫn quá đông so với tầm giờ này ở Úc, và tàu vẫn đều đặn 2 phút một chuyến. Hướng tàu về trung tâm có khi thấy số người đếm trên đầu ngón tay. Em thấy hai điểm lẽ ra nên làm ở đây:
- Càng về đêm vắng khách thì tàu nên tháo bớt toa, như bên Úc tàu đêm chỉ còn 2-3 toa, ở đây vẫn kéo dằng dặc hàng chục toa, tốn thêm điện và sức kéo không cần thiết
- Các sân ga metro ở Mát nó dài kinh khủng vì tàu rất dài, tuy nhiên hai cầu thang lên xuống lại ở hai đầu sân ga, ở Úc họ thiết kế cầu thang đi xuống giữa sân ga nên sẽ giảm được một nửa thời gian và khoảng cách đi bộ.
Ở đây tàu nhiều nên không thấy ai vội vã chạy cho kịp tàu, người ta cứ đi thong thả, trưa không vội tối không cần, về khoản này thì người Nga vẫn sướng hơn nhân dân cần lao ở các nước Tư bản. Có lẽ metro là doanh nghiệp Nhà nước nên không cần tối ưu hóa hay tiết kiệm, đã có bao cấp cứ vô tư đi, tuy nhiên nó vô lý ở chỗ người dân cả nước đóng thuế để bù lỗ cho dân ở mấy thành phố lớn có metro được hưởng!

IMG_4199.JPG

Về đến ga cuối, lên khỏi bậc thang là rất nhiều các cụ già ngồi bán hoa, người nhiều một xô, người ít thì vài bó trên tay. Mọi người ngồi nói chuyện vui vẻ, không có gì là tranh giành khách của nhau nhưng cũng không thấy ai mua nhiều vì đã hơn 11h đêm. Nghĩ cảnh nếu là bà mình mà phải ra ngồi đây bán hoa cũng thấy xót xa. Dĩ nhiên sẽ có người nói rằng các cụ ra bán cho vui, ngồi tụ họp hóng mát, nói chuyện tranh thủ kiếm thêm ít tiền mà không mất bao nhiêu vốn nhưng nếu cuộc sống đủ đầy, lương hưu dư dả thì người ta sẽ ngồi nhà xem tivi giờ này chứ không ai ra đây. Người về hưu ở Nga rất khó khăn với đồng lương hưu còm cõi, khoảng 10.000 rúp/tháng mà trong lúc đồng rúp mất giá, vật giá leo thang, em ăn một bữa hết 900 thì các bác bảo người già sống làm sao.
 
Last edited:
8. Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

Đến Moskva, dù muốn dù không, dù yêu dù ghét, không ai là không đến Quảng Trường Đỏ bởi hiếm có Quảng Trường nào trên thế giới lại đặc biệt và chứa đựng quá nhiều lịch sử trong lòng nó đến vậy. Em đi Quảng Trường Đỏ nhưng mục đích không phải vào xem trong Kremlin mà cốt để đến viếng Lê Tiên Hoàng. Vua họ Lê, húy là Vladimir, tên chữ là Nin, khi lên ngôi xưng là Lê Tiên Hoàng, khi mất bầy tôi dâng tôn hiệu là Xô Thái Tổ. Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, bôn tẩu khắp châu Âu rồi mới lấy được nước, trừ nội gian, đuổi giặc ngoài đưa nước Nga vào một triều đại đã làm được những điều lớn lao, giống như ông Olivander nói: “After all, He-Who-Must-Not-Be-Named did great things — terrible, yes, but great”.

Gọi là Lê Tiên Hoàng vì khi vua xưng đế, đất đai rộng lớn, vua tính vốn rộng rãi, cắt đất phong hầu, các châu động đều quy phục, đến nay như xứ Làn Phân vẫn dựng tượng thờ vua. Uy vũ của vua lớn đến nỗi, năm châu bốn biển đều chuyền nhau kinh sách của Xô viết, nhất nhất theo vua mà xưng thần. Bọn Tây Nhung đều kinh sợ, ngoài mặt phải giả hòa hoãn mà trong dạ căm thù xương tủy. Thái Tổ nước ta thuở còn hàn vi cũng nghe tiếng vua mà sang tận Mạc Tư Khoa để tầm sư học đạo, tiếc rằng chưa được thầy mặt rồng thì vua đã băng. Về sau đức Thái Tông bản triều cùng các đại thần đều lấy họ Lê, cũng là do lòng mến vua mà làm vậy.

Xô Triều truyền được 7 đời thì suy vi, dân tình đói khổ, bọn rợ Tây chống phá, giặc giã nổi lên như ong, triều đình rối loạn, đại thần đem cả xe tăng chĩa vào cung cấm. Từ lúc ấy cho đến khi Trung Hưng, việc hương khói ở lăng vua đều trễ nải, Thái miếu không ai đoái hoài. Nga Thái Tông, húy là Tin, cũng ít tóc như Thái Tổ, xuất thân từ Cẩm y vệ, nhờ tinh thông tiếng Đức nên học được tinh hoa của thuật trị nước chăn dân của người Đức (Cao Tổ Hoàng Đế (húy là Mác) vốn là người Đức), một tay gây dựng cơ đồ, nối lại quốc thống. Từ khi lên ngôi đến nay, có lẽ biết rằng mình được thiên hạ là nhờ liệt tổ liệt tông Xô triều phù hộ nên những dịp sóc vọng mới thấy nối lại lệ cũ, chuyên cần lễ bái nhưng nghe nói ngày thường cũng hẩm hiu lắm. Nay đường xa vạn dặm đến đây quyết vào lăng viếng vua một lần tỏ lòng kính trọng.

----

Ngày 5/3/1918, Lê Tiên Hoàng xuống chiếu dời đô về Moskva, là kinh đô cũ của các bậc đế vương đời trước, kết thúc hơn 300 năm nhà Romanov đóng đô ở Sankt-Peterburg, đồng thời lùi sâu vào nội địa, chấm dứt ảnh hưởng của phương Tây lên nước Nga. Từ đó đến nay, Kremlin ở Moskva mới chính thức trở thành trung tâm quyền lực của đế chế rộng lớn này.
IMG_3620.JPG

Lối vào Quảng trường Đỏ đã có hàng rào an ninh chặn lại. Tòa nhà bên trái là Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Chính giữa là Lăng. Bên phải là những tháp chuông vươn cao ngạo nghễ với những ngôi sao đỏ trên đỉnh nặng cả tấn.

Lăng chỉ mở cửa 4 ngày một tuần (thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ bảy) lại chỉ mở từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa, không hiểu vì kinh phí hay vì lí do gì mà ra nông nỗi này. Tôi đi viếng lăng đúng dịp Đại hội túc cầu thế giới, nên không khí không chỉ náo nhiệt vô cùng mà an ninh cũng cực kỳ nghiêm ngặt. Ở mỗi lối vào Quảng trường Đỏ đều có cấm vệ quân tra xét rất ngặt, có cửa quét an ninh để phòng ngừa thích khách. Chỉ có điều rất lạ là các đồng chí này nhất quyết không cho mang nước vào trong. Quảng trường rộng mênh mông, nắng chang chang hạ chí, không cho mang nước uống vào thì chắc chỉ có thông đồng với Ngự thiện phòng để bán nước đóng chai mà thôi. Tuy nhiên kiểu kiểm tra của các đồng chí này rất lạ đời (và trên toàn quốc đợt này đều thực hiện giống vậy) là chỉ có người đi qua cửa quét, còn đồ đạc thì lại đặt trên cái bàn để khám xét trực tiếp bằng bàn tay và đôi mắt. Chưa kể là người đông như đi trẩy hội (mà trẩy hội thật!) nên các đồng chí cảnh vệ đứng dưới nắng mãi cũng mệt, mồ hôi vã ra như tắm, nhiều người cũng chỉ bị khám xét qua loa.

IMG_3598.JPG

Kiểm tra an ninh ở lối vào Quảng trường Đỏ. Phía sau là khách sạn Four Seasons là bản phục chế hiện đại của Hotel Moskva đã bị giật sập đi để xây lại tại đúng vị trí này, tiêu biểu cho sự ngồn ngộn của kiến trúc Nga

Thế là trí khôn của dân tộc ta lại được thể hiện ra đây, hàng rào McNamara còn qua được nữa là dăm ba đồng chí Hồng quân. Tôi cho chai nước 2 lít to như súng cối cùng toàn bộ đồ lặt vặt trong túi quần túi áo vào ba lô rồi dùng cái khóa, loại khóa hành lý to bằng 2 đốt ngón tay, bấm lại. Đến cửa an ninh, người qua êm ru không bíp biếc gì, tôi móc ngăn trước ba lô ra một chùm chìa khóa hàng chục cái cùng dây xích nối với bên trong ba lô, toan mở khóa, anh Hồng quân nhìn thấy liền nhìn tôi một cách trìu mến mà rằng: “Anh đã khóa kĩ thế rồi thì xin mời qua, không cần kiểm tra nữa”. Tôi vui vẻ chào anh và đeo ba lô đi, trong khi đó đằng sau tôi có mấy nhà sư, đi chân đất, người quấn có mỗi tấm vải, bị quét máy dò bằng tay xong còn được khuyến mãi thêm khám toàn thân!

Vừa qua cửa an ninh đã thấy một hàng người cực kỳ dài, xếp hàng ngoằn ngoèo, từ giữa đường lên vỉa hè rồi lên tận chân tường thành, cổ ai cũng đeo FanID, đoán chắc đây là hàng người xếp hàng vào xem Kremlin. Lăng vua nằm ở phía giữa quảng trường, đối diện với hai cái tháp của Trung tâm thương mại GUM, sau lưng, phía trong tường thành là Viện nguyên lão của Kremlin, tòa nhà có mái tròn xoay như cái đầu hói, trước là nơi vua ngự, giờ là ngự tẩm và thư phòng của Nga Thái Tông. Giữa quảng trường là một sân bóng dã chiến và màn hình điện tử, người reo hò nhảy múa ầm ĩ. Đến trước cửa lăng thì thấy dựng hàng rào an ninh chặn lại, ôi thôi mới vỡ lẽ ra là cái hàng người dài dằng dặc kia là xếp hàng vào viếng lăng! Cửa vào Kremlin ở đoạn này đã đóng vì khách quá đông, muốn vào Kremlin phải xếp hàng ở cổng khác.

IMG_3621.JPG

Không khí của đại hội túc cầu làm náo nhiệt cả chốn tôn nghiêm. Phía xa thấp thoáng những dàn cẩu đúng chất tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lại lội bộ lại, qua hết cả lễ đài dài dằng dặc để đến chỗ xếp hàng. Đứng xếp hàng một lúc thì bỗng có một ông nhà báo, cổ đeo máy ảnh, tay cầm máy ghi âm, tiến lại và hỏi bằng tiếng Anh: “Tôi là phóng viên của Đài Tiếng nói nước Nga, anh cho tôi phỏng vấn vài câu được không ạ?”. Câu hỏi có mấy ý thôi nhưng cũng khó, càng trả lời trôi chảy ông ấy càng hỏi lắm: anh từ đâu đến, là người nước nào, tại sao anh xếp hàng vào lăng Lenin, ở nước anh thì người ta nghĩ về Lenin thế nào, anh có cho rằng Liên Xô là một sự thất bại không, thế theo anh tại sao người ta xếp hàng vào lăng dài như thế trong khi người Nga đã quên Liên Xô rồi, hằng ngày rất vắng. Phỏng vấn xong thì tôi mới nhận ra xung quanh báo đài rất đông, máy quay chi chít, mấy anh an ninh dắt chó đi dạo còn phải tò mò đứng nhìn, có đài truyền hình số 1 còn có hẳn một cô biên tập viên cao, xinh cầm mic làm phóng sự trực tiếp như kiểu bên Mỹ. Thì ra việc nhân dân cần lao khắp năm châu bốn biển kiên nhẫn xếp hàng cả tiếng đồng hồ vào lăng viếng vua là việc mà người Nga lấy làm lạ. Họ bối rối trước những giá trị mà họ mới phủ nhận nhưng xen lẫn cái phổng mũi vì giá trị ấy lại được người nước ngoài tôn trọng dù vì tò mò hay vì ngưỡng mộ.

IMG_3600.JPG

Đoạn đầu của hàng người đợi vào Lăng. Hóa ra nhân dân cần lao ở đâu cũng thế cả, cái gì miễn phí thì tội gì không xếp hàng.

Dựa theo khuôn mặt và ngôn ngữ trong hàng người thì có thế thấy người châu Mỹ, cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ là đông nhất. Điều này thể hiện qua số lượng FAN ID của các quốc tịch tốp đầu được Nga công bố (em đã viết ở đầu bài): Trung Quốc - 60 nghìn, Mỹ - 49 nghìn (Cả Trung Quốc và Mỹ đều không có đội tuyển tham dự vòng chung kết), Mexico - 43 nghìn, Argentina - 35,9 nghìn, Brazil - 32 nghìn, Colombia - 29 nghìn, Đức – 28,6 nghìn, Peru - 26 nghìn. Người Trung Quốc không nhiều nhưng lúc chiều sang bên GUM thì dân Trung Quốc đông nghịt, có lẽ tại dân Trung Quốc ghét nhất xếp hàng. Xem thế thì cũng biết Trung Quốc không coi vua Nga ra gì. Qua số liệu cũng thấy rằng chúng ta thường nghĩ Nam Mỹ còn nghèo, là sân sau của Hoa Kỳ, là ý nghĩ quá lạc hậu, bởi số người đi sang tận đây, xa như vậy để xem bóng không hề ít. Nhưng số lượng người xếp hàng vào lăng đông như thế cũng cho thấy rằng Lê Tiên Hoàng và kinh sách của ngài vẫn là ước mơ và hi vọng của rất đông tầng lớp trung lưu Nam Mỹ, trong những xã hội còn quá bất công về an sinh và phân phối của cải. Người Nam Mỹ xếp hàng rất nghiêm túc, không cười ngoác miệng và có lúc thể hiện ra rằng đây là cơ hội cả đời có một để được thấy mặt rồng. Khác hẳn với mấy cha Mỹ trắng, ăn nói thì thô lỗ, ăn mặc thì lôi thôi, đứng ngồi ngổn ngang và lúc nào cũng cười khềnh khệch, còn ai mà tóc vàng, mắt xanh, xếp hàng nghiêm chỉnh thì y như rằng thấy nói tiếng Đức hoặc tiếng Bắc Âu. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà lăng được nhiều người, nhiều màu da, nhiều tiếng nói vào viếng như thế, cho dù Đại hội Quốc tế Cộng sản cũng không thể bì!

IMG_3623.JPG

Lên đến tường thành thì lại qua một lần kiểm soát an ninh nữa, nhưng cũng qua loa đại khái.
IMG_3622.JPG

Xếp hàng qua dưới cái cổng này, hình như ngày thường có mở cho đi qua thì phải.


Bước chân vào sát khu vực tường Kremlin thì tự nhiên không khí khác hoàn toàn. Đầu tiên là mát lạnh. Không biết là do âm khí nhiều hay do bóng tường thành đổ xuống. Thứ hai là tĩnh lặng. Toàn bộ những tiếng ồn ào của đám đông ngoài kia biến mất do bị ngăn lại bởi một hàng dài những cây tuyết tùng và bởi lẽ vào đến đây ai cũng choáng ngợp, không ai bảo ai mà đều đi nhẹ nói khẽ. Đứng sát tường thành Kremlin ta thấy nó cao lừng lững, lại cảm thấy mọi vật như cao vút lên và mình lọt thỏm ở giữa, là do hiệu ứng của một loạt tháp chuông, tháp đồng hồ to và rất cao cùng những cây tùng từ khổng lồ đến cao vài mét đều tỉa thành hình nón, chóp nhọn vút lên.

Khác hẳn cảm giác đứng dưới chân tường Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, cho ta cảm giác bề thế và mênh mông mà không thấy nó cao dù thực tế tường ở đấy còn cao hơn ở đây vài mét, có lẽ do tường của Tử Cấm Thành ghép bằng những tảng đá khổng lồ còn ở đây cái gì cũng chỉ xây bằng gạch nhưng chi chít và cứ cao lên mãi. Người Nga luôn muốn nhấn mạnh cái ý tưởng về độ cao, về đỉnh cao, chóp nhọn, không chỉ trong kiến trúc. Ông Lý Quang Diệu có viết trong hồi ký khi đi thăm chính thức Liên Xô lần đầu tiên, ông (một người châu Á bé nhỏ) thấy thật ấn tượng (kinh sợ) với đội danh dự Liên Xô toàn những người cao hơn 1 mét 9 đón ông dưới chân máy bay và đồng thanh hô lớn một tiếng chào. Bản thân em cao hơn 1 mét 8 nhưng đúng là khi đi qua mấy anh cảnh vệ vẫn thấp hơn một cái đầu (tiếc rằng các anh đội mũ kê-pi rộng vành như mấy ông Triều Tiên và áo màu xanh bảo vệ - trông xe nên trông hơi luộm thuộm).

Nga 3 (5).JPG

Hàng tùng trên đường vào khu lăng mộ

Vào đến đây thì không cần xếp hàng nữa, ai muốn nhẩn nha xem tường và bia của những người nằm trong tường thì cứ thong thả. Không hiểu sao ông nào nghĩ ra kiểu có một không hai là nôn vào tường... à nhầm, chôn vào tường như mấy ông Nga này. Lúc trước em cứ tưởng người ta đưa cả quách vào tường, sau mới biết là chỉ đưa hộp tro đã hỏa táng vào mà thôi. Những người có tên trên tường hầu như là anh hùng hay liệt sĩ.

Nga 3 (8).JPG

Mở đầu đoạn tường này là mộ phần của các đồng chí lãnh tụ Đảng Cộng sản Anh, Mỹ, Hungari, đều làm cách mạng thất bại và bị đi đày hoặc lưu vong nhờ sự che chở của thánh triều.

Phía trước bức tường, nhưng phía sau lăng mới là những cái mộ cao cấp, đá granite xám hoặc đỏ, bóng như gương, mỗi mộ có một tượng bán thân và một cây tùng phía sau. Các cây tùng ở phía xa là loại có lá màu xanh nhưng càng về phía gần lăng thì lá càng trắng, kết hợp với lễ đài phía trước toàn đá ốp trắng, nhìn từ xa lại như rừng tùng mọc trên tuyết rất ấn tượng, xứng đáng với thiết kế của Thái miếu, quả là:

“Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”

Nga 3 (9).JPG

Dãy mộ các lãnh tụ cao nhất của Đảng


Dãy 12 tượng này gồm tất cả các vua, trừ đời thứ 3 là Xô Nhân Tông, húy là Sép, không tuân theo mệnh tiên đế nên không táng ở đây. 8 vị đầu gồm cả Xô Thái Tông phối thờ với các vị khai quốc công thần, khi xưa cùng cắt máu ăn thề, theo Thái Tổ từ ngày còn bôn ba mở nước, đều vào tù ra tội cả. Nhiều người nói các lãnh tụ cộng sản sắt đá, thực ra chỉ dạy sử thì ai cũng mềm mỏng chứ thử đi đày, đập đá ở Xi-bê-ri hay Côn Lôn xong, không sắt đá mới lạ. 4 vị còn lại là an táng sau này gồm Xô Thánh Tông, Xô Hiến Tông, Xô Túc Tông và Thái sư Xu-lốp, làm quan trải ba đời vua, được Thánh Tông Nép ưu ái đặt cạnh Thái Tông Lin. Xô Phế Đế, húy là Chốp, nay vẫn còn sống, nhưng nhu nhược để mất nước nên chắc sẽ không được chôn ở đây.
 
IMG_4202.JPG

Đến trước lăng, thấy mặt trời chân lý dài và trắng nõn quá, chói qua tim luôn!

Đến trước cửa lăng thì bỗng thấy 4 anh cảnh vệ cao to lừng lững chạy rầm rập tới sau lưng. Mình đứng né sang một bên chưa hiểu chuyện gì. Xong mới nhận ra hai bố con người Nam Mỹ khi nãy. Ông bố đẩy anh con ngồi xe lăn, chỉ nghe nói tiếng Tây Ban Nha chứ không rõ người nước nào. Bốn anh cảnh vệ cầm vào bốn phía cái xe lăn, nhấc bổng lên rồi khiêng dần dần xuống theo bậc thang. Hóa ra mấy ông kiến trúc sư lúc xây, không tính đến chuyện có người không đi được cầu thang. Bên trong lăng tối om và mát lạnh, lạnh không chỉ của điều hòa mà còn bởi đá ốp kín mít từ trần đến sàn. Để vào gian chính phải đi xuống một cầu thang dài, đèn vàng lờ mờ, đúng như xuống hầm mộ. Bên trong lăng bé tí, tối mò, chỉ có mỗi đường đi và quách đặt ở giữa, chiếu đèn đỏ rực. Em vừa đi vừa mải nhìn, tí nữa thì húc phải anh cảnh vệ đứng thu lu trong góc, chỉ còn cách mấy phân mới nhận ra.

Vua nằm trong lồng kính, hai tay đặt trên đùi, mũi cao, trán rộng, mắt phượng, râu rồng. Vua mặc com-lê, đeo ca-vát. Nghe đâu có một tổ chức từ thiện, quyên tiền, cứ ba năm lại thay cho vua một bộ mới bằng lụa, nhưng mấy năm gần đây mùa màng thất bát, tổ chức này hết tiền nên đành để vua mặc tạm đồ cũ, dù sao cũng là gấm nhung hảo hạng cả. Vua người thấp bé hơn Thái Tổ nước ta nhiều, chắc thế nên kích thước của lăng cũng nhỏ, vả lại gần trăm năm trước nên công nghệ còn lạc hậu, da dẻ trông như tượng sáp, móng tay sơn đỏ, trông như tượng của Madame Tussauds, thua xa kỹ thuật của bản triều.

Bốn anh cảnh vệ lại hì hục nhấc bổng anh chàng ngồi xe lăn trên cầu thang lên mặt đất mà không phát ra một âm thanh ("hai ba") nào. Lên khỏi lăng là nắng mùa hè rực rỡ, thấy sinh khí trở lại. Những viên đá lát quảng trường nhỏ bé mà nhẵn thín kia nằm im dưới nắng, đã chứng kiến biết bao nhiêu là lịch sử.



IMG_4203.JPG

Các bạn Đức (lúc này vẫn) đang hi vọng làm nên lịch sử trên đất Nga

Bên kia quảng trường, người ra vào Trung tâm thương mại GUM đông nghịt. Ai lại có cái ý tưởng đặt chỗ mua sắm ở ngay đối diện Cấm Cung và Thái Miếu được nhỉ? Phải chăng mầm mống của kinh tế thị trường đã nằm lù lù ngay đó trước mặt các vua? Và cũng chính nó đứng đó chứng kiến lá cờ đỏ búa liềm từ từ hạ xuống phía bên này vào tối ngày Noel năm 94. Em bước vào GUM để tiếp tục một hành trình thú vị nữa.

IMG_3619.JPG

Dãy nhà vệ sinh di động nhiều như nấm để phục vụ lượng khách khổng lồ dồn về Quảng trường những ngày hè sôi động ấy. Thấy mấy bác đi Quảng trường Đỏ chụp ảnh toàn lác đác mấy bóng người mà thèm vì chụp ảnh sẽ đẹp, nhưng thực ra đông đúc thế này cũng có cái hay của nó, vì Quảng trường là nơi để người ta đi lại mà, vắng tanh thì cũng chán.
 
9. GUM và lật đật

Chuyến đi Nga lần này có một nhiệm vụ đặc biệt là cần tìm mua bằng được một em lật đật Nga để làm quà cho mẹ vợ. Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản mà từ đó lại khiến em tiếp cận được nhiều thông tin thú vị, thêm cái nhìn đa chiều về nước Nga thời hiện đại và Liên Xô trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam, nói chung vụ lật đật này khá là loằng ngoằng, em sẽ kể từ từ theo dòng thời sự ạ.

Bố vợ em là máy trưởng trên tàu viễn dương, đi khắp nơi trên thế giới từ khi mà việc đi nước ngoài ở ta còn vô cùng hạn chế. Trong nhiều món quà lưu niệm mà bố mang về, mẹ lại yêu thích nhất là con lật đật Nga màu đỏ tươi. Con lật đật có khuôn mặt tròn xoay, đôi mắt to, đôi má mũm mĩm dễ thương giống như cô con gái đầu lòng của bố mẹ. Mẹ gắn bó với con lật đật sâu sắc vì cứ nhìn nó lại nhớ bố. Khi bố đi xa nhà, bao nhiêu vất vả một mình mẹ lo toan cũng kiên cường như con lật đật, cứ sắp ngã lại bật dậy đứng lên. Rồi qua mấy lần chuyển nhà, con lật đật kỷ niệm bị mất, mẹ tiếc chảy nước mắt. Thế nên khi hỏi mẹ thích quà gì, mẹ chỉ nói mua cho mẹ con lật đật Nga.

1 Lật đật cũ 1980s.jpg

Lật đật sản xuất tại Liên Xô vào những năm 80 thế kỷ trước

Ý tưởng của mẹ về con lật đật “không thể bị quật ngã” không phải xa lạ, ấy chính là dụng ý của những nhà thiết kế Liên Xô khi tạo ra món đồ chơi biểu tượng này. Các bạn đừng nhầm với loại búp bê Nga matryoshka mở ra được, có con búp bê nhỏ hơn bên trong con búp bê lớn. Con lật đật này được gọi là nevalyashka, bắt đầu được sản xuất theo dây chuyền tại Liên Xô từ năm 1959 bởi một nhà máy sản xuất... thuốc súng ở tỉnh Tambov. Không chỉ mang ý nghĩa rất hay về con người không bị khuất phục trước khó khăn, luôn đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, về mặt kỹ thuật, nó là một món đồ chơi được thiết kế với xu hướng rất hiện đại và an toàn: các bộ phận đều hình cầu, mài nhẵn, được gắn keo rất khít, bên trong bụng là một vật nặng kết hợp với cái chuông để lật đật luôn đứng thẳng nhưng hoàn toàn không có một con ốc vít nào gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Về mặt tạo hình đơn giản mà cực đẹp, chỉ với hai khối cầu màu sáng và khuôn mặt của lật đật rõ ràng là một cô gái Nga ở nông thôn rất xinh, lại hồn hậu và mộc mạc. Nó trở thành món đồ chơi cực kỳ phổ biến cho trẻ nhỏ trên toàn Liên bang Xô viết và có mặt ở khắp các nước Xã hội chủ nghĩa từ Đông Âu đến Cuba. Thời trước ở Việt Nam, nhà ai có người đi Liên Xô về thường có một con lật đật này, và nó giá trị tới mức không dùng cho trẻ con chơi mà chỉ để... bày trong tủ kính. Lúc bé em còn không biết con lật đật trong tủ của ông nội là đồ chơi vì thấy nó được đặt trang trọng cạnh rượu Tây, đồ gốm!

Ban đầu em nghĩ đơn giản rằng qua hàng đồ lưu niệm là sẽ mua ngay được con lật đật. Cô chú em ở Nga hơn 30 năm cũng nói: “Con lật đật thì thiếu gì!”. Thế là em yên chí đi chơi, lúc nào tiện rồi mua. Thế mà suốt từ hôm đặt chân đến sân bay, đi qua bao nhiêu cửa hàng đồ lưu niệm em chưa từng thấy bán con lật đật ấy bao giờ. 99% các loại đồ lưu niệm và búp bê phổ biến là sản xuất tại Trung Quốc (Kitai).

Không chỉ đồ chơi, mà khi vào các cửa hàng từ quần áo cho đến điện máy, gần như 90% là sản xuất tại nước ngoài. Nền công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở Nga đã biến mất cùng với ý định mua đồ lưu niệm của em gồm máy hát đĩa, bàn là, nồi áp suất, đèn bàn Liên Xô... Một điểm lạ ở các thành phố của Nga là hoạt động thương mại không hề sôi nổi, số lượng các hàng bán lẻ không nhiều. Ngay giữa trung tâm vẫn nhiều dãy nhà dài hàng cây số mặt tiền để không. Nếu đi ra các khu dân cư thì cửa hàng lại càng ít, chỉ có kiểu cơi nới căn hộ mặt tiền của nhà tập thể thành ki-ốt bán thực phẩm, rau củ. Muốn tìm mua một cái ấm samovar (xa-mô-va) đẹp cũng khó vì hàng hóa không nhiều và chất lượng thì thượng vàng hạ cám. Vì thế mà quyết tâm của em càng dâng cao để tìm mua bằng được em lật đật, một trong số ít sản phẩm còn sdelano v rossii (sản xuất tại Nga).

Tôi điện cho cô tôi: “Thế mấy chục năm trước, cô mua con lật đật ở đâu?” Cô nghĩ một lúc xong phán: “Lúc ấy mọi người hay mua ở GUM với TSUM trên Mát (xcơ-va)”. Nắm được thông tin tình báo, đi loanh quanh Quảng trường Đỏ hết buổi sáng là em tiến ngay về phía bên kia quảng trường, nơi có trung tâm mua sắm GUM tức là Bách hóa tổng hợp sang trọng nhất nước Nga một thời.

IMG_1885.JPG

Đài phun nước ở ngay cửa vào thường được trang trí theo chủ đề. Chủ đề tháng này... đương nhiên là bóng đá.

Tòa nhà rất rộng với kiến trúc lộng lẫy và đông nghẹt khách du lịch, ngày nay chỉ toàn những thương hiệu xa xỉ của phương Tây. Duy có tầng một là bán những thực phẩm cao cấp nhất của Liên bang Xô Viết, toàn sâm nhung quế phụ giá cắt cổ nên khách vắng tanh. Các cửa hàng thời trang đều bán rất đắt như Tràng Tiền với Diamond Plaza, chỉ không biết có trộn hàng lởm như Tràng Tiền không thôi, không hề thấy sale cái gì nên dù đồng rúp có rẻ thì những hàng này vẫn không hề rẻ, người mua hầu như là Kitai. Trong GUM có một cửa hàng duy nhất bán đồ lưu niệm của Nga trên tầng hai. Giá bán mấy con búp bê toàn tiền nghìn, nếu không nói có những con dát vàng dát bạc giả giá tính bằng mười nghìn. “Rất tiếc là không có” Cô nhân viên trẻ trả lời với vốn tiếng Anh ít ỏi khi em hỏi con lật đật. Tự nhiên một bác nhân viên lớn tuổi đứng gần đấy hiểu ra chúng em cần gì và nói không phải ở đây, ở GUM của trẻ em cơ. Em chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao thì bác đi luôn và ra hiệu cho hai đứa đi theo. Người Nga hiếu khách đến bất ngờ ở điểm này, tất cả những lần em hỏi đường, người ta không dừng lại ở việc chỉ đường mà sẵn sàng đưa mình đến tận nơi cần tìm dù cách xa cả cây số.

Thì ra GUM còn một cửa hàng dành riêng cho trẻ em ở tách biệt với tòa nhà chính. Vượt qua rất nhiều gian hàng siêu nhân và những nhân vật hoạt hình của Mỹ thì cũng thấy gian hàng Made in Russia nằm khiêm tốn ở cuối cùng. Nhưng em vẫn chưa thật thỏa mãn, những con lật đật ở đây là loại đời mới, tóc đen, nhựa thì mỏng mà màu thì khá xấu. Chưa kể là có con lật đật đã bị cải tiến khuôn mặt thành “kiểu tân thời”: mắt màu xanh lá cây với sống mũi cao, chóp mũi nhọn, môi đỏ chót, da màu phấn trắng như mấy cô người mẫu bây giờ. Hoàn toàn không giống những gì tôi hình dung mà giá thì khá rát. Hai vợ chồng bàn bạc và quyết định là nếu đã mua thì mua con to nhất mà ở đây chưa thấy ưng, nếu mua lại còn phải vác theo cả hai tuần nữa nên tốt nhất là sau đợi cô chú chở đi chỗ khác tìm mua, hoặc chợ đồ lưu niệm chắc nhiều, còn nếu chẳng may mà không mua được thì ngày cuối cùng quay lại Mát sẽ đến đây mua. Quyết định như vậy và ngoảnh đít đi ra khỏi cửa hàng nơi toàn các phụ huynh và các em nhỏ mới đẻ ra đã ở vạch về đích cmnr. Chuyện lật đật tạm dừng ở đây, các bác xem hồi sau sẽ rõ.

IMG_1892.JPG

Một số ít ỏi đồ chơi Made in Russia nằm trên một chiếc bàn nhỏ ở gian cuối cùng.

Đi bộ vòng ra vòng vào cũng khá mệt, em mò lên tầng cao nhất của GUM là nơi có bán đồ ăn, các bác nào lang thang mấy tầng dưới thì chỉ có nhịn đói hoặc ăn bánh ngọt trừ bữa thôi. Hàng ăn nào cũng thấy khách xếp hàng dài dằng dặc nên cuối cùng quyết định mò vào tầng lửng có một quán ăn Kitai. Nhìn ông đầu bếp thì biết không phải Chinese rồi, chắc là người Trung Á có một phần mấy huyết thống Trung Hoa chăng nhưng thôi đói quá, gọi cơm rang và mì ăn tạm. Sau bữa này, em thành thực khuyên các bác là tuyệt đối không nên ăn đồ châu Á ở Nga. Sống ở Úc, ăn đồ châu Á cực ngon do người châu Á nấu quen rồi, sang Nga bị mấy quả sushi rau thì là với mì tàu bỏ mùi tây thấy thật khủng khiếp. Mình ăn còn thấy khó nuốt, mấy tay Trung Quốc vào đây vì ủng hộ đồng bào chắc vừa ăn vừa tức sặc tiết, nhưng hóa ra đội Trung Quốc vào ngồi cốt lấy chỗ ngủ với xem bóng đá. Thêm một cái nữa là mấy hàng ăn châu Á ở Nga cứ bắt nhân viên người Nga mặc đồ châu Á hoặc trang trí cho có không khí châu Á nhưng thực ra những quần áo và phụ kiện ấy nó không thật tí nào, như kiểu tuồng chèo hay tiếng Anh gọi là stereotype, trông rất kệch cỡm và thấy rằng văn hóa châu Á vẫn còn rất xa lạ với các bạn Nga.

IMG_4204.JPG

Ngồi ngay chỗ quầy thức ăn ra cũng được thấy nhiều sợi mì dài và nuột lắm các bác ạ.

IMG_1901.JPG

Ăn xong ở nhà Trung Quốc giả hiệu kia không bõ bèn gì, chúng em mò xuống phố lang thang, đói hoa mắt và gặp ngay một nhà tên là Lao Lee, lúc đầu em tưởng của người Lào, nhưng sau mới biết là chuỗi hàng ăn Việt Nam vì nhìn thấy cái biểu tượng là ông già có râu dài đội nón lá gắn ngôi sao. Chẳng hiểu sao chọn cái tên và biểu tượng như vậy, lại một kiểu stereotype mà em đề cập ở trên. Tuy nhiên phở thì ăn được, nước dùng ít ra cũng nấu bằng xương, cho đến hết chuyến đi, nhà này là hàng phở ăn được nhất. Lâu lắm mới được ăn một cái bánh bao nhân kiểu Bắc khá ngon.

IMG_4200.JPG

Chẳng nhẽ đến quảng trường Đỏ lại không mua gì về? Hàng Kitai thì không muốn mua, nhiều người hay mua cái nam châm gắn tủ lạnh, còn vợ em thì chơi món Pandora này ạ. Các bác nam giới chắc không biết chứ các bạn nữ thì mê trang sức của hãng này, nó không quá đắt (dĩ nhiên có những đồ bằng vàng rất đắt) nhưng có rất nhiều hình khác nhau để đeo lên vòng tay, vòng cổ, gọi là các (hạt) charm. Nên thà mua ít nhưng chất lượng, em quất luôn quả charm hình Nhà thờ Vasily củ hành bằng bạc làm kỷ niệm chuyến đi này, cái charm này chỉ bán ở đây thôi nhé. Em mua trong một trung tâm thương mại phía sau Quảng trường, trông rất sang chảnh nhưng cả tòa nhà vắng tanh và đi toa-lét thì có người ngồi thu tiền. Em vào mua mà hai em bán hàng mừng như bắt được vàng.
 
Ăn no xong, em mò ra phố đi bộ nối quảng trường - ngã ba Lubyanka để chơi. Không khí náo nhiệt vô cùng, người chen nhau như mắc cửi, khác hẳn vởi ảnh các bác trên Phượt chụp đoạn phố này. Người đông nên không đi nhanh được, nhưng vui, vì ai ai trên phố cũng cười nói, mặt mũi vẽ nhằng nhịt nào cờ quạt các nước nào trái tim, quần áo đủ màu, đủ các thứ tiếng. Mỏi chân nên em ngồi nghỉ ở hàng ghế giữa đường mà cũng có ngay mấy anh Nga mặt mũi bặm trợn kéo đến hỏi han, mày ở đâu đến, mày đi xem bóng đá à, mày thích nước Nga không rồi ôm vai hát hò ầm ĩ. Các hàng cà phê, hiệu bánh kẹo Nga bên đường đông nghịt khách, có lẽ trên phố này cũng nhiều nhà nghỉ mini nên dân ba lô càng đông.

IMG_4205.JPG

Phố đi bộ chăng đèn kết hoa tấp nập người đi lại
IMG_4207.JPG

Những khu phố cổ ở trung tâm này còn khá nhiều nhà cổ và ngõ ngách


IMG_4208.JPG

Em không dịch được hết nhưng đọc được chữ Lô-mô-nô-xốp ở dưới cùng, có lẽ là nơi đồng chí Lô đã sống, học tập và chiến đấu từ năm 1731 đến 1735



Các thành phố ở Úc vẫn được cơ bản coi là giống Âu Mỹ về kiến trúc, về lối sống nhưng có một điểm khác biệt là trên các đường phố bến tàu bến xe của Úc không có cướp giật, lừa đảo, xin đểu, móc túi như châu Âu, có chăng thì có ăn xin, nhưng rất ít và họ chỉ ngồi yên chứ không bám theo để xin bao giờ. Hằng ngày đi ra đường chưa bao giờ phải lo ngại chuyện bảo vệ túi tắm, tiền bạc nên lần này đi qua Trung Quốc và Nga là hai địa phương mới, chưa biết lành dữ thế nào, lại dịp hội hè đông đúc nên hai vợ chồng quán triệt tinh thần nâng cao cảnh giác. Trước khi đi em đã mua hai cái túi nhỏ:
- Một cái đeo vào cổ, cất trong áo, đựng giấy tờ
- Một cái đeo trước bụng đựng tiền (vì chủ yếu tiêu tiền mặt, em lại mang đô Mỹ tiền mặt, tiêu đến đâu đổi đến đó do không muốn thừa tiền rúp mang về, dùng thẻ ở nước ngoài phí cao, lại thiệt tỉ giá đô Úc, em chỉ dùng thẻ mỗi một lần đặt phòng ở).
- Hai vợ chồng mỗi người một cặp như thế, riêng em có thêm một cái ví giả trong túi quần đựng tờ 100 rúp và mẩu giấy “Chúc bạn may mắn lần sau” để đánh lạc hướng
- Ba lô và túi xách có bấm khóa luôn
Qua xuất nhập cảnh sân bay thấy họ săm soi hộ chiếu kĩ như thế nên biết rằng hộ chiếu lại càng có giá trị ở đây. Ai đi nước ngoài cũng biết khổ nhất là mất hộ chiếu, thủ tục nhiêu khê chưa nói đến các chú s* ở Nga và Đông Âu thì nổi tiếng hách dịch và chặt chém. Nên đi đâu em cũng khư khư đeo cái hộ chiếu ở cổ, không những sợ mất mà còn vì ở Nga, cảnh sát rất hay kiểm tra giấy tờ tùy thân của người nước ngoài, nhất là người châu Á. Cái phiếu nhập cảnh ở sân bay công an họ phát cho, thấy Việt kiều và các bác đi trước ai cũng dặn là phải giữ thật cẩn thận nên em kẹp luôn vào hộ chiếu rồi giữ như vật bất ly thân.

Thế nhưng thật bất ngờ khi an ninh mùa World Cup này cực kỳ tốt. Kết thúc cả chuyến đi về mà nhà em không bị móc mất cái gì cả. Chắc do cảnh sát ra quân thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu bóng đá thế giới. Đọc báo Tây thấy bảo các em gái đợt này nhận được tối hậu thư phải ra khỏi thành phố hết, không có làm ăn gì, phát hiện em nào đứng đường là bắn bỏ. Làm gắt thế cho nên anh em đồng d*m khắp thế giới đổ về đây rất khó để biết mùi vị gà Nga ra sao, đành phải chén lẫn nhau. Trên tàu điện ngầm cũng có ghi cảnh giác với móc túi, em có chú ý quan sát nhưng không thấy vấn đề gì, người đi tàu ai cũng xem điện thoại, xem báo hoặc xem tivi trên tàu, không thấy bọn gian mặt mũi lấm lét. Lâu dần cũng mất cảnh giác, nhiều đoạn phố xá đông đúc, sân vận động đông người chen vai thích cánh em cũng chả để ý nhưng đến hôm lên máy bay, cái ví giả trong túi quần vẫn còn nguyên. Có lúc thấy thiếu cả nắm tiền, câu đầu tiên là “Thôi bm, chúng nó móc mất lúc nào rồi”, xong tìm kĩ lại thì hóa ra lắm túi quá, nhét vào chỗ khác rồi quên cmnl! Thế mà về sau vẫn bị một quả liên quan đến giấy tờ, đoạn sau em sẽ kể ạ.

IMG_4209.JPG

Tòa nhà Lubyanka với mặt tiền màu vàng rực rỡ nhưng nhìn kĩ thì mấy hàng cột trên tầng chỉ là vẽ chứ không phải cột thật. Hóa ra cái tòa nhà này nó giả dối từ trong ra ngoài. Trên cổng chính, quốc huy Liên Xô với búa liềm vẫn sừng sừng, là một trong số ít cơ quan Nhà nước giữ nguyên búa liềm trên mặt tiền tòa nhà cơ quan. Đây là trụ sở của Cẩm y vệ, tên giao dịch quốc tế là Cục An ninh Liên Bang (FSB), trước đây là KGB. Bạn bè quốc tế vẫn đang sôi nổi chuyện bóng bánh, không thấy ai chụp ảnh cái tòa nhà này.

Hôm nay là ngày hạ chí, em đã ấp ủ mong muốn được xem hát trong Nhà hát lớn Bolshoi từ lâu, nhân đúng dịp này quyết định chọn xem ba lê giữa mùa hè tràn đầy sức sống của nước Nga. Gần đến giờ biểu diễn, tôi quay lại phố đi bộ rồi rẽ qua một ngõ nhỏ đi tắt sang Quảng trường Nhà hát. Tưởng gần hơn, cuối cùng vì ngày hội nên dù là con ngõ nhỏ cũng kín đặc người, cứ bám gót nhau mà nhích từng tí một
IMG_4206.JPG

Phía bên này dựng lên cả một khu vui chơi, bán đồ ăn và hàng quán dã chiến. Đường phố bị chặn hết, cảnh sát cơ động và quân đội đi lại nườm nượp. Nhà hát đã nhìn thấy ngay kia mà đi bộ vòng vèo mướt mồ hôi mới tới

IMG_4211.JPG

Bên tay phải là Nhà hát bé (Maly Theatre), nhưng đã mất công đi xem thì phải xem hẳn Nhà hát Lớn cho bõ phỏng ạ? Đoạn đường này rộng kinh khủng luôn, đường phố mà mỗi bên có đến 8 làn, sang đường mệt nghỉ.

IMG_4228.JPG

Bên phải Nhà hát lớn là trung tâm thương mại TsUM. Em đã tra cứu kha khá nhưng cuối cùng cũng không biết là hàng hóa trong GUM với TsUM thời Xô Viết khác nhau ở chỗ nào. Có vẻ như TsUM chuyên sâu về quần áo và thời trang cao cấp, còn GUM thì bán tất cả mọi hàng hóa. Bác nào ngày xưa đi đánh hàng ở đây thì cung cấp thêm thông tin cho lớp hậu sinh chúng em biết với ạ.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,561
Bài viết
1,169,674
Members
192,168
Latest member
alishaverma295
Back
Top