What's new

Du xuân 5 ngày vào Miền Trung

Chuyến đi du xuân bằng ô tô của gia đình kéo dài 5 ngày, với tổng cộng 1850km, qua hàng chục điểm tham quan. Đây là chuyến đi dài đầu tiên vô cùng thú vị của ông bà, bố mẹ và hai con (5,5t và gần 2 t)-ai có con nhỏ ko phải lăn tăn nhiều nhé, các bé đi ăn ngủ trên xe rất vui, khỏe và trải nghiệm được rất nhiều. Sáng mùng 2 tết cả nhà lên đường, hẹn hò với cô bạn ở cùng cơ quan nhưng cô ấy join đoàn 6 xe của hội otofun đi theo đường Hồ Chí Minh cũng toàn vợ chồng trẻ và con nhỏ, vào Đà Nẵng còn nhà cháu chỉ vào Huế thôi. Nhà cháu đi cùng với ông bà nội mà bà sợ đường HCM vắng nếu có bị làm sao thì nguy hiểm nên AX đi theo đường QL 1 A. QL 1A thì đông vì mùng 2 mọi người ra đường chúc Tết, đi chơi, về quê khá nhiều, nhiều đoạn lại xấu nên AX lái xe cũng vất vả. Đi đến Nghệ An thì có đường rẽ sang đường HCM mà chỉ hơn 20km nên cả nhà thống nhất đi đường HCM vào Quảng bình.

Con đường thật đẹp, vắng người qua lại, nhà dân 2 bên đường cũng thưa thớt, cứ 90 đến hơn 100km/h đều đặn mà đi. AX rất chu đáo chuẩn bị những đĩa nhạc về miền Trung, Huế và nhạc thời kháng chiến rất hợp với tuyến đường nên ông bà thích lắm. Nhất là hôm từ Huế về, trời đẹp, đi qua đoạn Phong Nha Kẻ Bàng phong cảnh đẹp mê hồn. Hôm đi thì đến 6h trời đã tối, 7h vẫn còn trên đường HCM làm mẹ cháu hơi lo lắng. Con đường dài tít tắp, tối om, có đoạn qua đèo quanh co khúc khuỷu, hai bên là rừng núi, mưa lâm thâm và mây mù, đi mãi mới gặp 1 chiếc xe máy hay 1 chiếc ô tô đi ngược chiều hoặc 1 thị trấn nho nhỏ bên đường. Sau hai tiếng dài đằng đẵng cuối cùng cũng nhìn thấy biển chỉ đường ghi chữ Đồng Hới 5km. Cơm nắm, bánh chưng, giò cho bữa trưa ăn đã chán nên cả nhà cố tìm 1 quán cơm nóng để lấy lại sức sau 600km trên xe. May quá có 1 quán mở và cũng khá đông nên cả nhà vào ăn luôn, đồ ăn hơi cay dù đã dặn chủ quán nhưng hai đứa vẫn ăn tốt và vẫn vui vẻ không thấy mệt gì cả. 10h về Nhà nghỉ Hoa hồng ngay gần cầu Nhật Lệ nhìn ra biển để ngủ qua đêm. Nhà nghỉ này chỉ có 300k/đêm, khá rộng, nhiều phòng và hơi cũ nên mẹ cháu không ưng lắm. Thực ra công ty chị bạn đặt giúp cũng không thông thuộc khách sạn dưới 4 sao ở khu này và mẹ cháu cũng thế nên đành vậy. Khi về cả nhà tìm khách sạn khác-Luxury cũng gần đó thì ổn hơn, đắt hơn 50k nhưng khách sạn mới và sạch sẽ hơn.
 
Sáng hôm sau cả nhà dậy sớm, AX đã tìm được 1 quán bún bò giò heo cực ngon ở 35 Trần Hưng Đạo (25k/bát), ở HN mà vào ngày này chắc 50-100k /1 bát chứ chẳng chơi. Sau bữa sáng ngon miệng cả nhà thăm cầu Nhật lệ, rồi thẳng tiến vào Huế. Điểm dừng đầu tiên trên chặng này là sông Bến Hải-vĩ tuyến 17 và Cầu Hiền Lương nơi chia cắt đất nước thành hai miền theo Hiệp định Geneve 1954. Nỗi đau chia cắt ròng rã suốt 21 năm đã đi vào thơ ca, khắc khoải, ai oán:
“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”
Hay trong bài Câu hò bên bến Hiền Lương có câu:” Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê”.
Cậu hướng dẫn viên với giọng truyền cảm đã tận tình giới thiệu thời khắc lịch sử của đất nước gắn với từng công trình: cầu Hiền Lương, tượng đài, cột cờ, …. Nghe mới thật xúc động.

Qua vĩ tuyến 17 nhà cháu ghé thăm Nghĩa trang Trường Sơn với 10.200 mộ liệt sĩ. Khi học, đọc hoặc xem về lịch sử, những câu chuyện dường như của 1 thời đã qua, 1 thời dĩ vãng nhưng khi đến đây chỉ đến gần thôi là thấy trong lòng dưng dưng. Phần lớn các anh chị ở khắp mọi miền của tổ quốc ngã xuống vào tuổi mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất đầy khát khao và hy vọng. Ai đã xem phim Đừng đốt (Don’t burn) phỏng theo Nhật Ký Đặng Thùy Trâm cũng hình dung phần nào cuộc sống của các anh chị thời kháng chiến và những đau thương, mất mát của biết bao người. 1000 mộ liệt sĩ đã được ông bà và AX thắp hương (thảo nào mẹ cháu ngồi ngoài trông 2 đứa ngủ chờ đến lượt vào mà sốt cả ruột). Ngoài Nghĩa trang Trường Sơn là nghĩa trang đường 9, Thành cổ Quảng Trị và Ngã ba Đồng lộc, những địa danh thấm đẫm máu xương thời chiến tranh.
 
Nhân đây mẹ cháu cũng chia sẻ vài điều về chuyện cho trẻ con đến những nơi tâm linh, lại vào dịp tết. Thực lòng, lúc đầu mẹ cháu khá e ngại, lo chuẩn bị nào tỏi để trên xe, viên xài dắt vào người hai đứa. Khi đến các Nghĩa trang thì để ở ngoài xe, ko cho vào nhưng khi mẹ cháu vào thì thấy 1 đám trẻ con cả lớn khoảng 8-10t cả bé 3-4 tuổi đang thi nhau thắp hương cho từng mộ. Nói chuyện với bác quản trang bác ấy bảo, con của chúng tôi đến đây suốt, rồi nhiều người quét dọn nghĩa trang có con nhỏ, ko có người trông phải mang con ra nghĩa trang cho ngồi 1 chỗ để mẹ làm. Nhiều người con mới đẻ cũng ẵm đến đây thắp nhang để các bác phù hộ cho hay ăn chóng lớn. Nghe thế nhưng mẹ cháu vẫn kiêng, vì 2 đứa có tiền sử hơi nhạy với vía và vong,… Nhưng hôm đến Thành cổ QT và ngã ba Đồng Lộc thì ko giữ được, ở thành cổ lúc đó trời nhá nhem tối, 3 đứa trẻ (1 đứa 4 tuổi con vợ chồng cô bạn với 2 đứa nhà này) vào thắp hương tất. Còn đi đền chùa, lăng tẩm thì vẫn vào như thường. Trộm vía là mấy đứa đi đều khỏe mạnh, ăn uống tốt, đêm ngủ ngon.
 
Gia Đình Chị hạnh phúc quá ah! Chúc mừng chuyến đi của gia đình đã thành công tốt đẹp.
Chị post ảnh cho mọi người cùng xem nữa đi chị hihi!
 
Lúc qua sông Bến Hải cầu Hiền Lương em cũng bồi hồi lắm ạh :)
Chúc mừng chuyến đi của gia đình chị, em đợi tới khúc Quảng Nam quê em :D
 
Cám ơn cả nhà vào ủng hộ, vụ post ảnh mẹ cháu đang cố, biết là "trăm nghe ko bằng 1 thấy", mọi người đọc mà ko có hình ảnh rất khó chịu.
 
Thành cổ Quảng Trị, trước đây là thành lũy quân sự dưới thời nhà Nguyễn, sau đó, từ năm 1929 quân Pháp xây dựng thêm nhà lao thành nơi giam cầm những người có quan điểm đối lập. Năm 1972, Thành cổ Quảng trị là nơi diễn ra chiến dịch Thành cổ 81 ngày đêm đầy đau thương với khoảng 10.000 người đã ngã xuống cả quân đội ND VN và quân lực VN cộng hòa, máu xương và đất trộn lẫn vào nhau nên người ta chỉ xây 1 chiếc mộ lớn chung cho tất cả. Bây giờ mẹ cháu mới hiểu rõ câu hát “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về. Cho tôi hôm nay vào thành cổ. Thắp 1 nén nhang viếng người nằm dưới cỏ……”.
Cả nhà cùng với nhà cô bạn qua Thành cổ Quảng trị hôm từ Huế về (nhà cô ấy từ Đà nẵng ra và hai nhà cùng về HN). Lúc đó trời đã tối nên ko thăm được nhiều, chỉ nghe 1 bác làm ở đó ra về muộn, giới thiệu qua. Trước khi qua thành cổ cả đoàn rẽ vào Ngã ba Đồng lộc. Rút kinh nghiệm cho những ai đi sau là ko nên rẽ từ đường HCM vào vì đường vô cùng xấu, lại đang sửa nên chỉ có 19km mà đi mất 2 tiếng, đi đường 1A rẽ vào thì đường cực đẹp.

Trên đường đi bài hát Khúc tâm tình người Hà Tĩnh làm cho mọi người đều thấy xốn xang. “Ai đi xa mô đó biết có nhớ đường về đường Đồng Lộc,đường Khe Giao rồi đường Hồng Lam đèo Ngang Lĩnh Cảm.” Ngã ba Đồng lộc thuộc Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, nơi được coi là yết hầu, là mạch máu nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam trong Kháng chiến chống Mỹ. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng mang tính sống còn nên không quân Mỹ liên tục đánh phá nơi này nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông, cắt đứt sự liên lạc và tiếp vận của quân dân ta vào chiến trường Miền Nam. Ngược lại quân dân ta được huy động tối đa có khi lên tới trên 10 vạn người để bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc lấp các hố bom, mở đường cho xe qua. Thế nên mới có câu hát “giặc điên cuồng trút hàng loạt bom rơi, đường hiên ngang vượt qua truông qua suối. Thêm bao nhiêu con đường lứa tuổi hai mươi “. Nơi đây được mệnh danh là “tọa độ chết”, với mỗi mét vuông gánh chịu 3 quả bom tấn, và chỉ trong 6 tháng từ T4-T10 năm 1968 không quân Mỹ trút xuống Đồng Lộc gần 50.000 quả bom các loại. Một trong số đó đã làm sập hầm bên đường ngày 24/7/68, chôn vùi 10 cô gái anh hùng đang san lấp hố bom, sửa đường và làm cho ngã ba trở thành 1 điểm hành hương tâm linh mà ai đến đây cũng đều góp nén nhang, góp những bông hoa cúc trắng ngần và những giọt nước mắt mến phục dành tặng các chị.
 
Hai ngày ở Huế, cả nhà quay lại với Khách sạn Green, 4 sao lần trước đã ở mà chị bạn book có 30$ bao gồm cả buffet sáng, giá bình thường là 75$, đặc biệt là giá gửi xe cả đêm ở đây có 10k và tất cả các nơi khác ở Huế cũng chỉ có thế. Trong khi ở HN vào dịp tết là 50k-80k đến 100k cũng có. Khách sạn còn có nguyên 1 cái siêu thị ở tầng hầm có đủ mọi thứ kể cả bỉm và với giá cũng như ở ngoài. Đầu năm mọi người thường đi lễ chùa để cầu an cho năm mới nên cả nhà cũng ưu tiên đến chùa ở Huế: Chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm. Ngoài ra cả nhà còn qua Điện Hòn chén nằm ở bên kia sông Hương, phải đi xuồng sang, nơi người Chăm thời xưa thờ nữ thần Ponagar. Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản ngay cạnh dòng sông Hương, sơn thủy hữu tình, hết sức đẹp và linh thiêng. Khá đông người đến Điện lễ nên hương khói nghi ngút ngay từ những bậ thang đi lên. Hôm đến Điện trời nắng nên sau khi lễ xong cả nhà xuống dưới bãi đá bên sông ngồi hóng mát chờ xuồng và ăn tào phớ ngon hết xảy.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,571
Bài viết
1,153,753
Members
190,130
Latest member
lam_phuotthu
Back
Top