What's new

[Chia sẻ] Đường đến lăng tẩm 9 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

Đường đến 9 lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

ĐƯỜNG ĐẾN 9 LĂNG TẨM 11 VỊ VUA NHÀ NGUYỄN Ở TÂY NAM THÀNH PHỐ HUẾ

I | 9 Lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam Thành phố Huế​

Triều Nguyễn có 13 vị vua. Ngoài vua Hàm Nghi và vua Bảo Đại được chôn cất ở Pháp, 11 vị vua còn lại được an táng lăng tẩm tại Việt Nam.

Thừa Thiên Huế hiện nay có 9 lăng vua nhưng thực tế chỉ có 8 lăng vì lăng vua Kiến Phúc (Bồi lăng) nằm trong khuôn viên của lăng vua cha Tự Đức (Khiêm lăng). Lăng vua Hiệp Hoà được người dân Huế xây dựng năm 2013 (vua Hiệp Hoà là phế đế nên không được xây cất lăng mộ) nên công trình này không nằm trong diện bảo tồn của danh sách lăng tẩm các vua nhà Nguyễn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Danh sách này vì vậy chỉ có 7 lăng.

9 Lăng tẩm các đời vua Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế
bao gồm:
- Thiên Thọ lăng (lăng Gia Long)
- Hiếu lăng (lăng Minh Mạng)
- Xương lăng (lăng Thiệu Trị)
- Khiêm lăng (lăng Tự Đức)
- An lăng (lăng Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân)
- Bồi lăng (lăng Kiến Phúc)
- Lăng Hiệp Hoà
- Ứng lăng (lăng Đồng Khánh)
- Tư lăng (lăng Khải Định)

Lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định là 3 công trình lăng tẩm có kiến trúc công phu nhất nên thường được biết đến rộng rãi hay đưa vào chương trình tham quan của các công ty du lịch và có thu phí cổng 55 ngàn/ vé. Lăng Thiệu Trị đang được trùng tu nên đã bắt đầu nhận tiền vé của du khách (30 ngàn/ vé – Thời giá giữa tháng 1 năm 2015). An Lăng và Ứng lăng miễn phí vé vào cổng. Lăng Hiệp Hoà là lăng hiếm người biết đến nhất có vị trí nằm giữa rừng, trong khu nghĩa trang thành phố nên không thu phí.

Thời lộ tốt nhất để đi 9 lăng vua Nguyễn là hai ngày bằng phương tiện xe máy. Một ngày để đi các lăng vua Gia Long, Minh Mạng và Khải Định ở vị trí khá xa. Một ngày để đi 5 lăng còn lại: Khiêm lăng, Bồi lăng, Xương lăng, lăng Hiệp Hoà và An lăng.

Điểm mốc bắt đầu tốt nhất để các bạn có thể đi hết tất cả 9 lăng là Đàn Nam Giao ở cuối đường Điện Biên Phủ. Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến Đàn tương đương với đoạn đường từ Ngã 4 Hàng xanh/ Ngã 6 Cộng Hoà đến Dinh Độc Lập. Nhìn trên bản đồ có thể các bạn thấy xa nhưng với những người đã quen ngang dọc trên đường phố Sài Gòn, từ quận 10 đến Bình Thạnh chỉ như một cái búng cức mũi thì chắc chắn, bạn sẽ thấy đường đến sơn lăng gần hơn bạn nghĩ rất nhiều.

Vật dụng cần thiết nhất khi đi các bạn nên chuẩn bị là nước suối và dù. Vì mỗi lăng sẽ tham quan trong thời gian không ngắn nên nón không thật sự hữu ích. Ngoài ra, với những bạn hiếm khi phải đi bộ nhiều, chỉ cần hoàn thành một lăng hai chân bạn sẽ rã rời, dù là một công cụ tốt để thay cho gậy. Dù còn tốt hơn nón cho một ngày mưa, che cây dù trong suốt đi vòng vòng quanh lăng nhìn rất là.. bảnh.

Tại sao các lăng tẩm lại nằm ở hướng Tây Nam. Câu trả lời sẽ xuất hiện trong các phần kế tiếp.

Gloree D. Om
 
Last edited:
Re: Đường đến 9 lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

ĐƯỜNG ĐẾN 9 LĂNG TẨM 11 VỊ VUA NHÀ NGUYỄN Ở TÂY NAM THÀNH PHỐ HUẾ​

II | Đường đến Thiên Thọ lăng​

Thiên Thọ lăng là lăng có đường đi khó nhất và xấu nhất.


Các tài liệu trên Internet sẽ chỉ ra cho bạn hai con đường đi. Một là bạn thuê thuyền ngược dòng sông Hương đến bến đò Kim Ngọc ở phía Tây Nam thành phố rồi thuê xe ôm hay cuốc bộ vào lăng tầm 2km. Hai là bạn chạy xe máy men theo một con đường uốn lượn mộng mơ rồi đi qua cầu phao để đến lăng. Các bạn không nên đi cả hai con đường này.

Con đường đi bằng du thuyền nghe qua rất lãng mạng và đem lại một trải nghiệm mới mẻ là du ngoạn trên sông Hương ban ngày thay vì chỉ đi nghe ca Huế buổi tối. Thực tế số tiền để bạn thuê một chiếc thuyền đi một mình là khá đắt, tầm 600 đến 700 ngàn. Hơn nữa, ngày trước do nơi đây chưa xây cầu phao bắc qua hai bờ nên bến đò Kim Ngọc còn tồn tại, các bác xe ôm còn để lại số treo ở gần đó để các bạn liên hệ. Giờ đây khi cầu phao ra đời, cách duy nhất để các bạn đi bằng du thuyền đến Thiên Thọ lăng là đi bộ. Thông tin cho các bạn là con đường từ bến đò Kim Ngọc (cũ) đến lăng Gia Long hầu như là những đoạn không người ở, những đoạn có người dân sinh sống rất vắng vẻ và nhiều chó dữ. Các bạn cần hiểu là khu vực này là vùng thôn quê nên chó gặp người lạ sẽ đi theo bạn, sủa và gọi đồng bọn đến hộ tống bạn đi một đoạn rất xa. Cơ bản thì mấy con chó đó không phải dạng vừa đâu.

Con đường đi bằng cầu phao chỉ nên dùng làm đường về. Nguyên nhân là khi bạn đi cầu phao từ phía bên này lăng vua về trung tâm thành phố, bên kia bờ là một con dốc. Ngay khi qua khỏi cầu phao bạn sẽ gặp một cái dốc rất.. dốc và đầy đá. Nếu bạn chọn con đường này làm đường đi, bạn cần chắc chắn bản thân là một tay lái cứng cáp và có thể xoay sở tình huống. Đa phần những người mình thấy khi đi qua con dốc này đều xuống xe dẫn bộ. Khuyến mãi thêm một thông tin khác là cầu phao không phải là một con đường thẳng, có khúc lên, có khúc xuống. Độ dốc của mỗi dốc lên – xuống cũng không khác với con dốc bên kia bờ là bao.

Hiện nay nếu bạn muốn đi lăng Gia Long, con đường bạn nên đi là đến lăng Minh Mạng trước, từ đây có một cây cầu mới xây dẫn đường vào lăng Gia Long (người dân ở đây gọi là Cầu Mới vì cầu vẫn chưa có tên). Nói là dẫn thẳng nhưng đường đi vẫn rất quanh co, và đặc biệt là cực kì xấu. Với những bạn nào đến Huế rồi thuê xe máy, các bạn nên đảm bảo là xe phải chạy yên ổn trên một đoạn đường đất nhấp nhô, nhiều ổ gà và khúc quanh. Chỉ cần đến được Cầu Mới xem như bạn đã đến lăng Gia Long vì từ Cầu Mới đến lăng vua các bạn chỉ cần vi vu trên một đường đất thẳng (khá dài hơi). Chạy đến khi gặp một con đường tráng nhựa (thời điểm mình đi đoạn đường này chỉ là một đoạn ngắn), các bạn cứ đi tiếp trên con đường ấy. Đường dẫn vào lăng vua là con đường song song nằm ở bên phải của con đường này. Các bạn cần hỏi người dân nơi đây ngã rẽ từ Đường Mới sang đường vào lăng vua vì đường quẹo qua khá rối rắm. Mình có cố gắng diễn tả cũng là điều vô nghĩa.

Trên con đường chạy vào lăng vua, các bạn sẽ gặp một ngã rẽ nhiều lối. Nhìn sang góc 11 giờ, bạn sẽ thấy một con đường dẫn vào bậc thềm, bên trên là cánh cổng to lớn và vòng tường thành bao quanh. Nhưng đừng vội, đó chỉ là cửa sau. Hãy chạy thẳng theo hướng của con đường cũ bạn đã đi từ lúc quẹo vào đường đến lăng, bạn sẽ chạy thẳng đến mặt tiền của lăng Thiên Thọ, nơi thờ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Lăng Gia Long rất hiếm khi có người đến. Thời điểm mình đi chỉ có một mình mình trong lăng. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tầm 50 ngàn để nhờ bác quản lí mở cửa Bửu Thành (vòng tường thành bao ngoài) vào Huyền Cung (mộ) của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu.

Thông tin dành cho các bạn tâm huyết với lịch sử:
- Lăng là khu vực an táng, tẩm là khu vực khi các vua còn sống đến đây nghỉ ngơi.
- Phong thuỷ khu vực lăng sẽ có tiền án là núi, kế đó là minh đường - nước (có khi là hồ hình trăng non, có khi là khe rạch).
- Lăng của vua và hoàng hậu đặt song song nhau. Vua nằm bên trái, hậu nằm bên phải theo nguyên tắc "nam tả nữ hữu".
- Nhìn bên ngoài ngỡ hai lăng giống nhau nhưng lăng của vua cao hơn và dài hơn lăng của hoàng hậu một phần rất ít.
- Lăng của hoàng hậu vẫn còn dấu tích một vết đạn to và một số đầu đạn nhỏ do chiến tranh để lại.
- Bình phong trong khu vực tẩm không có trang trí.
- Thi hài của vua không được chôn trong phần lăng. Đây là cách làm để tránh chuyện đào mộ của thế nhân.

Thiên Thọ lăng vốn là một quần thể lăng vừa của vua Gia Long vừa của các bà phi vừa của các chúa Nguyễn đời trước. Mục đích của mình trong chuyến đi là 9 lăng vua Nguyễn nên mình không đến khu vực của các chúa, nhưng mình có đến khu vực lăng của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng. Ở ngã rẽ nhiều lối ban đầu, nếu đi thẳng bạn sẽ đến lăng Gia Long nhưng nếu rẽ phải, bạn sẽ đi qua phần lăng của bà hoàng này. Nếu đi thẳng tiếp nữa, bạn sẽ đến khu vực điện thờ của bà. Mình khuyến cáo là các bạn chỉ nên dừng lại ở phần lăng vì phần tẩm còn đang trùng tu và theo như mình quan sát, có lẽ tầm cả năm hơn phần điện thờ mới hoàn tất. Trong điện này có đến 5 con chó rất dữ (bên lăng Gia Long chỉ có một con) nên bạn nên cẩn thận đừng đi vào trong sâu nếu không thấy có người.

Đường đến lăng vua là rất khó đi. Nhưng khi bản thân người viết đang chuẩn bị rời khỏi nơi này, một du khách phương Tây cũng vừa đậu xe trước khoảng sân lăng. Và ngạc nhiên hơn, ngày hôm sau, khi người viết vừa rời khỏi lăng Đồng Khánh, một đôi du khách Tây phương lại hỏi đường đến Thiên Thọ Lăng.

Nếu có dịp đến Huế, đừng vì đường xa mà lãng quên một vị vua đã thống nhất đất nước.


Gloree D. Om​
 
Last edited:
Re: Đường đến 9 lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

ĐƯỜNG ĐẾN 9 LĂNG TẨM 11 VỊ VUA NHÀ NGUYỄN Ở TÂY NAM THÀNH PHỐ HUẾ​

III | Đường đến Hiếu lăng, Xương lăng và Tư lăng​

Đường đến Hiếu lăng, Xương lăng và Tư lăng là dễ đi và mát mẻ nhất.

Dọc theo đường Minh Mạng nằm bên trái Đàn Nam Giao, bạn cứ chạy theo một đường thẳng đến khi gặp đường Khải Định.

Ở ngã ba này, nếu bạn muốn đến Xương lăng thì bạn rẽ theo đường Minh Mạng (xem bản đồ bên dưới), chạy một vài phút đến khi bạn nhìn thấy xung quanh bạn là hai bên đồng ruộng, lúc này bạn nhìn qua bên trái, bạn sẽ thấy một bức bình phong lớn. Đó là Xương lăng. Để vào Xương lăng bạn chỉ cần chạy lên khoảng vài chục mét (rất gần) sẽ nhìn thấy một giao lộ nhiều nhánh rẽ, hãy quẹo vào nhánh rẽ gần bạn nhất ở bên trái, đấy chính là đường vào Xương lăng. Một con đường đất cực kì không bằng phẳng và gồ ghề.

Xương lăng có kiến trúc ngược với Thiên Thọ lăng. Nếu ở Thiên Thọ lăng phần điện nằm bên hữu phần lăng thì ở Xương lăng, phần điện lại nằm bên cánh tả.

Trở lại với ngã ba Minh Mạng – Khải Định, nếu bạn đi thẳng theo đường Khải Định, bạn sẽ đi ngang Tư lăng. Tư lăng rất nhỏ và nếu bạn lần đầu tiên đi đến đây bạn có thể chạy qua khỏi Tư lăng mà không hay biết. Tốt nhất bạn hãy nhìn bên tay phải vì đối diện Tư lăng là một bãi giữ xe rất lớn nhưng lại nằm hụt xuống bên dưới.

Tư lăng là lăng tẩm duy nhất mà thi hài nhà vua được xác định cụ thể là nằm trong lăng.

Đi tiếp đường Khải Định, bạn sẽ nhìn thấy những bảng chỉ dẫn đi đến Hiếu lăng. Đường đi rất dễ và không có gì khó khăn hay trắc trở để đi.

Hiếu lăng có cấu trúc đối xứng hai bên nên chỉ cần bạn đi thẳng một đường từ đầu đến cuối lăng, chắc chắn bạn sẽ không bỏ lỡ công trình nào. Trên đường đi ngược lại từ Bửu thành ra Đại Hồng môn, bạn có thể đi theo đường cong men theo bờ hồ để ngắm lăng vua ở một góc nhìn khác.

Đặc biệt nếu đi theo con đường này ra ngoài, bạn sẽ nhìn thấy một chiếc giếng có hình vuông. Đây là kiểu kiến trúc của người Champa. Giếng Đại Việt xưa vốn có hình tròn. Đến thời Nguyễn do tiếp thu văn hoá Champa, các giếng thời kì này bắt đầu có hình dạng vuông. Ngay cả trong Đại Nội, bạn cũng sẽ nhìn thấy số lượng giếng tròn là rất ít ỏi.


Nếu hành trình của bạn bao gồm lăng Gia Long, bạn nên đi theo lộ trình đề xuất của mình là từ lăng vua Minh Mạng đến lăng vua Gia Long rồi ngược về hai lăng Khải Định và Thiệu Trị. Đi lăng Minh Mạng đầu tiên để bạn nhìn thấy cấu trúc một lăng tẩm "khủng" là như thế nào. Đi lăng Gia Long thứ hai để hiểu một lăng tẩm thời Nguyễn bao gồm những cốt lõi gì. Thăm lăng Khải Định để nhìn thấy sự cách tân so với hai thời kì khai quốc và thời kì hùng cường có gì khác và đến lăng Thiệu Trị cuối cùng để cảm nhận được sự bình yên của đồng quê quanh lăng buổi chiều. Mặt khác, lăng Gia Long là lăng xa nhất và lăng Thiệu Trị là lăng gần nhất trong tuyến đường đi những lăng xa.

Thời gian đóng cửa các lăng là 5 giờ chiều. Bạn nên cân nhắc thời gian để không phải mất thêm một đoạn đường xa cho ngày hôm sau.

Đi lăng nếu xác định là đi tham quan bạn chỉ nên dừng lại ở Hiếu lăng, Khiêm lăng và Tư lăng. Nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc và văn hoá tộc người, bạn nên dành thời gian nghiên cứu thật kĩ về lịch sử của các lăng, ít ra bạn sẽ không bỏ xót một công trình nào khi đã vượt đường đến đây.

Gloree D. Om
 
Last edited:
Re: Đường đến 9 lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

ĐƯỜNG ĐẾN 9 LĂNG TẨM 11 VỊ VUA NHÀ NGUYỄN Ở TÂY NAM THÀNH PHỐ HUẾ​

IV | Đường đến Khiêm lăng, Bồi lăng và Ứng lăng​

Khiêm lăng đường rộng nhiều người đến.

Bồi lăng và Ứng lăng ở ngay trước mắt nhưng lại ít ai quan tâm.


Từ đàn Nam giao bạn sẽ nhìn thấy một biển chỉ dẫn đi đến lăng vua Tự Đức, có tên là Khiêm lăng. Đi theo đường Lê Ngô Cát đến một ngã ba, bạn rẽ sang trái. Thật ra đây là đoạn đường Lê Ngô Cát đâm thẳng vào đường Huyền Trân. Đi một chốc bạn sẽ nhìn thấy bên tay trái có đường Đoàn Nhữ Hài, quẹo vào đường này đi vài mươi mét là đến lăng Tự Đức.

Ở đoạn Huyền Trân giao với Lê Ngô Cát, thay vì rẽ trái, nếu bạn rẽ phải bạn sẽ đi thẳng (hơi xa tí) đến khu vực có Thành Lồi Khu Túc của người Champa. Nhiều người cho rằng đây là đoạn thành biên giới của cổ quốc này.

Lăng Tự Đức đang trong đợt trùng tu nên nếu bạn đi cách thời điểm bài viết này (giữa tháng 1 năm 2015) một năm có lẽ sẽ được vào nhiều khu vực thú vị hơn.

Trong lăng Tự Đức có một công trình lăng ít người ghé đến. Đi qua lăng tẩm của vua Tự Đức, đi tiếp lăng của hoàng hậu nhà vua, trước mắt bạn là lăng Kiến Phúc, hay còn gọi là Bồi lăng. Nhiều đoàn du lịch khi đến đây chỉ dừng lại ở trước phần điện thờ và giới thiệu sơ qua, thậm chí còn không vào. Phần lăng thì gần như không một đoàn nào bước đến, có chăng là những lữ khách đi một mình thì may ra họ sẽ vào trong khu vực lăng để tham quan.

Nếu đi theo thứ tự lăng vua cha, hoàng hậu và vua con, bạn sẽ nhìn thấy phần lăng nhỏ dần.

Từ lăng Tự Đức đi thêm khoảng hơn 100m, nhìn về phía bên trái, bạn sẽ nhìn thấy tấm bảng chỉ rằng bạn đã đến lăng tẩm của vua Đồng Khánh, Ứng lăng. Tấm bảng hơi mờ chữ và khó đọc nhưng nếu có ý đến đây, hiển nhiên bạn sẽ đoán được đây là đâu.

Phần điện thờ của vua đang trùng tu nên không cho du khách vào. Tuy nhiên, vì yếu tố lịch sử (các bạn nên tìm hiểu thêm điều này), phần lăng của vua lại ở trên một sườn núi kế bên lăng, chỉ cách vài chục bước chân là đến (có thể chạy xe máy lên rất dễ dàng). Phục vụ cho công việc xây dựng nên một căn nhà gỗ đã được dựng lên che khuất tầm nhìn đến phần lăng. Bạn chỉ cẩn chạy xe hướng lên sườn núi, ra phía sau căn nhà là thấy ngay lăng.

Vào lúc người viết bài rời khỏi lăng Đồng Khánh, có hai cặp du khách phương Tây vừa cầm bản đồ tiếc nuối vì không được vào điện thờ bước ra. Một cặp vừa chạy đi một cặp vừa chuẩn bị rồ ga. Hiển nhiên sau khi giúp được một cặp đến được Ứng lăng, người viết đã phải chạy theo cặp còn lại để hướng dẫn họ đường đến lăng vua cũng như hướng dẫn họ quay lại con đường dẫn vào lăng vua Gia Long dễ dàng hơn.

Điều lạ là lại ít có người Việt nào lần đường đến thăm của lăng vị vua thứ 9 này.

Gloree D. Om​
 
Last edited:
Re: Đường đến lăng tẩm 9 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

Bài viết rất hữu ích cho những ai cần tham quan lăng tẩm ở Huế. Thanks Bác Chủ
 
Re: Đường đến 9 lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

ĐƯỜNG ĐẾN 9 LĂNG TẨM 11 VỊ VUA NHÀ NGUYỄN Ở TÂY NAM THÀNH PHỐ HUẾ​

V | Đường đến Lăng Hiệp Hoà​

Lăng Hiệp Hoà dễ đến nhưng khá mới mẻ và heo hút nên hiếm người biết.

Hiệp Hoà là một phế đế. Phế đế nên không có lăng tẩm được xây. Hơn 130 năm sau, vị vua này đã được người dân góp tiền xây dựng phần lăng nằm trong khu vực Nghĩa trang thành phố Huế.

Nếu bạn chỉ nhìn thấy ở lăng một công trình kiến trúc hoàn toàn hiện đại, không hoành tráng ở mức đáng để đến thăm thì có lẽ bạn chưa hiểu hết về ý nghĩa của lăng. Được mấy ông vua khi chết đi rồi, tận cả trăm năm sau, người dân vẫn còn nhớ đến và quyết định tự dùng tiền đóng góp lại để xây dựng lăng cho vua. Vua Tự Đức nổi tiếng hiền hoà nhưng để dựng nên lăng ông đã phải đánh đổi hàng trăm xác chết, đến mức dẫn đến cả một cuộc nổi dậy. Lăng Khải Định to lớn nhưng cũng để lại nỗi dân oán vì ông vua này đã tăng 30% thuế từ dân. Đối với bản thân người viết, chính những người dân ở Huế đã viết tiếp một dòng lịch sử mới mà ngay lúc này, chính bạn là người có thể tham gia vào dòng lịch sử đó.

Thời gian tốt nhất để đi lăng là ban ngày. Đường vào lăng bao gồm một đoạn đường ít người qua lại và đường rừng vì vậy để đề phòng rủi ro và bất trắc, bạn nên tránh đi lăng lúc chạng vạng và chiều tối.

hai con đường để đi đến lăng Hiệp Hoà:

Nếu bạn đi theo con đường Tam Thai bên phải của Đàn Nam Giao, bạn chỉ việc chạy thẳng không rẽ lối cho đến khi gặp một con đường nhựa to rộng cắt ngang, đó là đường Võ Văn Kiệt (phía trước mặt bạn khi đó còn có một bồn binh hình tam giác). Lúc này bạn nhìn thẳng về phía trước sẽ thấy một con đường dẫn thẳng lên núi. Hãy chạy vào con đường đó, chạy một đoạn bạn sẽ bắt đầu bước vào khu vực Nghĩa trang thành phố.

Nếu bạn đi theo lộ trình trở về từ các lăng ở xa, con đường Võ Văn Kiệt cắt ngang Minh Mạng cũng sẽ dẫn bạn thẳng hướng về nơi bồn binh này.

Nghĩa trang thành phố ở đây thực tế là những khu mộ dòng tộc gia đình nằm dọc theo hai bên con đường Tam Thai trên núi, không phải một khu vực tập hợp mộ phần như chúng ta thường thấy ở các Nghĩa trang liệt sĩ. Người dân Huế không kiêng kị việc mua trước các mộ phần, tầm 30 đến 40 tuổi các anh các cô đã bắt đầu chuẩn bị sẵn phần mộ bên cạnh khu mộ người thân.

Đi dọc theo con đường (đường nhựa, rất dễ đi) bao quanh là Nghĩa trang, chạy một đoạn không quá xa đến khi bạn có cảm giác là xe đang hướng lên dốc, qua khỏi con dốc ấy chạy thêm một quãng ngắn, nhìn về phía tay trái, bảng hướng dẫn đường vào lăng vua Hiệp Hoà sẽ hiện ra. Từ đây, bạn chỉ cần men xe theo đường rừng tầm 100m sẽ đến lăng vua.
Lăng vua Hiệp Hoà không có tên như Thiên thọ lăng của vua Gia Long, Hiếu lăng của vua Minh Mạng,.. Chỉ đơn giản, “lăng vua Hiệp Hoà”.

Lăng nằm giữa rừng thông nên những nhánh thông và trái thông rơi rụng trong lăng vua là rất nhiều. Trong lăng có đặt hai cây chổi. Nếu thời gian cho phép, có lẽ bạn sẽ không ngại việc quét tước phần lăng và phần tẩm nhà vua. Các lăng khác đều có người trông coi nhưng lăng vua Hiệp Hoà gần như chỉ đến ngày giỗ vua mới có người đến viếng.

Nếu như lăng Gia Long được mọi người biết đến nhưng ít ai ghé thăm vì đường xa trắc trở thì lăng Hiệp Hoà lại trớ trêu hơn, con đường đến lăng rất dễ đi, mát mẽ và yên tĩnh nhưng lại hiếm có người nào biết đến sự tồn tại của lăng tẩm này, thậm chí là nhớ đến vị vua này. Thậm chí lăng vua còn chưa được liệt vào danh sách các lăng cần được bảo tồn và không hề xuất hiện trên các bản đồ du lịch dù không quá xa các lăng khác.

Nếu một lần đến Huế, đến lăng Hiệp Hoà, cầm chổi và quét dọn lăng vua, thiết nghĩ là điều một người dân nên làm.

Gloree D. Om​
 
Last edited:
Re: Đường đến 9 lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

ĐƯỜNG ĐẾN 9 LĂNG TẨM 11 VỊ VUA NHÀ NGUYỄN Ở TÂY NAM THÀNH PHỐ HUẾ​

VI | Đường đến An lăng

An lăng nằm không xa trung tâm thành phố Huế nên bạn chỉ cần mất tầm 30 phút tính luôn cả thời gian chạy xe máy cho chuyến viếng thăm.

Cần hiểu mặc dù An lăng là nơi an táng 3 vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân (rất nhiều người dân địa phương không thể nói chính xác được 3 vị vua nơi này, họ chỉ biết đến con số 3 là tạm đủ) nhưng An lăng vốn là lăng tẩm dành riêng cho vua Dục Đức. Hài cốt của vua Thành Thái và vua Duy Tân được đưa về đây sau này.

hai con đường đến An lăng:

An lăng nằm gần như trong trung tâm thành phố Huế (các tài liệu trên Internet sẽ chỉ ra cho bạn lăng 3 vua nằm cách Huế tầm 3 đến 4km nhưng thực tế đây vẫn là khu dân cư đông đúc ở Huế, tương đương với khu vực quận 8 ở Sài Gòn) vì vậy bạn chỉ cần tra bản đồ tìm đến con đường Nguyễn Khoa Chiêm là lăng vua đã nằm ở trước mặt bạn.

Đối với những bạn chọn An lăng làm điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình, từ lăng Hiệp Hoà các bạn rẽ trở về đường lớn Võ Văn Kiệt, tiếp tục chạy dọc theo con đường này đến một ngã giao, nhìn góc 10 giờ sẽ thấy một con đường nhỏ. Đó là đường Nguyễn Khoa Chiêm.

Lăng vua Dục Đức nằm trên đường Duy Tân, một con đường nhỏ xíu tẻ ra từ đường Nguyễn Khoa Chiêm, lọt thỏm giữa một khu chợ ồn ào.

Tại An lăng, muốn vào cả phần lăng và phần tẩm bạn cần có người quản lí mở khoá dẫn vào. Kinh nghiệm của người viết bài là bác quản lí ở đây khá thô tính (thậm chí cả người quản lí khách sạn nơi người viết ở cũng biết điều này) vì vậy bạn nên nói chuyện một cách dạn dĩ và thân thiện nhất để bác không làm khó dễ (lúc đầu bác này không đồng ý dẫn người viết ra tẩm với lí do.. không có ai dẫn đường!).

An lăng cũng đóng cửa vào lúc 5 giờ chiều như bao lăng khác. Vì lăng ở gần trung tâm và rất đơn sơ nên các bạn chỉ cần dành ra tầm 10 phút chạy xe cả đi và về, 5 phút ở phần lăng và 10 phút ở phần tẩm, thêm 5 phút tiếp chuyện với bác quản lí là một chuyến viếng thăm 9 lăng vua đã hoàn thành.

Gloree D. Om​
 
Last edited:
Re: Đường đến lăng tẩm 9 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

Đọc bài viết của bạn rất hay ! tháng 7 / 2014 mình đến Huế chỉ có 2 ngày ! ngày 1 đưa Vợ đi Quảng Trị tham quan các di tích ,sau đó quay về Huế ! cố gắng đi thăm lăng các Vua triều Nguyễn ,nhưng không đủ thời gian ,( dù đã nghiên cứu đường đi cẩn thận ,đánh dấu các lăng tham quan ! ) nhưng lực bất tòng tâm ! thôi làm của để dành cho lần sau vậy ( Không biết lần sau là bao lâu ! Híc ! )
Xin phép bạn cho mình đưa lên mấy tấm hình phụ họa cho vui Cám ơn !

Đàn NAM GIAO ! nơi tỏa đi các Lăng !

P1060550 by thienbao1165, on Flickr

Hồ sen lăng Vua TỰ ĐỨC !!
P1060461 by thienbao1165, on Flickr

Lăng TỰ ĐỨC ( Không cho phép chụp bên trong ! )

P1060463 by thienbao1165, on Flickr
 
Re: Đường đến 9 lăng tẩm 11 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

ĐƯỜNG ĐẾN 9 LĂNG TẨM 11 VỊ VUA NHÀ NGUYỄN Ở TÂY NAM THÀNH PHỐ HUẾ​

VI | Các tuyến đường chính đi đến 9 lăng tẩm của 11 vị vua nhà Nguyễn

Cơ bản có 3 tuyến đường chính để đi tất cả 9 lăng tẩm:

Tuyến 1. Minh Mạng – Khải Định. Thiên Thọ lăng, Hiếu lăng, Xương lăng và Tư lăng

Tuyến 2. Lê Ngô Cát – Huyền Trân Công Chúa.
Khiêm lăng, Bồi lăng và Ứng lăng

Tuyến 3. Võ Văn Kiệt – Tam Thai – Nguyễn Khoa Chiêm. Lăng Hiệp Hoà và An lăng

Thay vì đi tour bạn sẽ đi 3 lăng lớn là Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định với thời gian khá ngắn tầm 1 tiếng cho mỗi lăng, với chiếc xe máy rong ruổi trong hai ngày, bạn có thể đi được cả thảy 9 lăng cũng như có thể ghé qua một vài nơi khác khá nổi tiếng như Điện Hòn Chén (đường đi Hiếu lăng, nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, vị thần của người Champa được vua Đồng Khánh sùng bái), Chùa Từ Hiếu (đường đi Khiêm lăng, nơi có khu mộ địa Thái Giám), Thành Lồi Khu Túc (đường đi Khiêm lăng, thành biên giới của người Champa), Chùa Báo Quốc (đường đi Tư lăng, nơi có giếng Hàm Long phong ấn long mạch),..

Thời gian đi lăng Gia Long và Minh Mạng là lâu nhất vì đường xa. Mất Khoảng một buổi để đi cả hai lăng này. Thời gian đi các lăng còn lại tầm 30 đến 40 phút mỗi lăng. Đối với lăng Hiệp Hoà do phải tìm đường đi nên bạn sẽ mất khoảng 20 phút để vào được lăng. Với khả năng đi liên tục (chắc chắn là liên tục vì một khi quyết định đi lăng, bạn chỉ có thể chạy xe từ lăng này sang lăng khác, không có nơi nào để dừng lại nghỉ chân), bạn chỉ mất tầm 1 ngày rưỡi cho cuộc hành trình 9 lăng 11 vua.

Khi đi lăng cần phải cẩn thận chó dữ. Lăng nào cũng có chó (ngoại trừ lăng Hiệp Hoà) và ở các lăng vắng người đi, bạn phải đi một mình thì càng nên cẩn thận hơn.

Hiện nay số lượng bài viết hướng dẫn đường đến các lăng vua cũng như một tấm bản đồ chỉ các tuyến đường cặn kẽ gần như chưa có (người viết không bàn đến đường đi vì các bạn hiện nay đều có bản đồ, Google maps, các apps cũng như khả năng hỏi đường người dân). Bản đồ người viết vẽ chỉ thể hiện các tuyến đường chứ không chỉ dẫn đường đi.

Người viết hi vọng một vài ghi chú nho nhỏ ở trên có thể giúp các bạn có thông tin tương đối chắc để đến được lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn còn chưa được trùng tu, còn chưa được bảo tồn bên cạnh các vị vua có lăng tẩm hoành tráng, uy nghiêm.

Trả lời cho câu hỏi tại sao các lăng vua nằm về hướng Tây Nam (ngoại trừ lăng Thiệu Trị) mà không phải hướng Tây như thông lệ, các bạn chỉ cần chú ý vào yếu tố bình phong của Huế sẽ giải đáp được câu trả lời này.

HẾT​


Gloree D. Om​
 
Last edited:
Re: Đường đến lăng tẩm 9 vị vua nhà Nguyễn ở Tây Nam thành phố Huế

bác cho em hỏi là phí vào mỗi lăng là 55k hay là 55k cho all hả bác :D em đoán là vế 1 vì nhìn có vẻ các lăng cách xa nhau nhiều
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,406
Members
189,943
Latest member
3sdecal
Back
Top